Niềm vui của người tu
Chúng ta phải tìm những niềm vui chân thật ở đạo, vui khi thắng mình, lìa được những tật xấu, vui khi được ở chỗ yên tĩnh, tâm hồn an ổn, vui khi được tỉnh giác, thoát ly những buộc ràng.
Đối với người học đạo, vui của mình là vui giác ngộ. Thí dụ đang ngồi thiền có vấn đề khi trước mình không hiểu, nay bỗng dưng hiểu ra, đó thật là vui, có khi vui quá mình cười to lên… đó là do giác ngộ mà vui.
Hoặc khi đang đi, một vấn đề khi trước chưa thông, bỗng dưng tâm sáng ra mình hiểu được, lúc ấy vui không? Rất vui, do giác ngộ mà vui.
Cái vui đó có nhọc nhằn tốn hao gì đâu, càng vui trí tuệ càng sáng. Cái vui đó đưa chúng ta đến chỗ an lạc hoàn toàn vì đó là cái vui của giác ngộ giải thoát.
Ngày xưa các vị Thiền sư ngồi tu, đến khi bừng ngộ, các ngài rất hoan hỉ, do giác ngộ mà hoan hỉ.
Như vậy cái vui của người tu khác với cái vui của người đời.
Người đời lấy mê lầm cho là vui, người tu do giác ngộ mà vui.
Thêm nữa, người đời vui trong ràng buộc. Ràng buộc là sao?
Là thương yêu, quyến luyến.
Thí dụ như bà nội có một đứa cháu nội, nó chạy theo nắm tay bà nũng nịu, bà có vui không?
Hoặc đứa cháu ngoại chạy theo nói ríu rít đủ điều, bà có thương không?
Càng vui, càng thương, càng phải lo nhiều.
Vì thương cháu quá, nên lo cho nó ăn ngon, mặc đẹp…lo hết con tới cháu, lo hoài đến ngày nhắm mắt cũng chưa xong.
Vui như vậy là vui trong ràng buộc.
Lại nữa, người nào được nhiều người thương, người đó vui không? Thấy mình được thiên hạ quí trọng, kính nể, lúc đó là vui.
Nhưng một người thương là một sợi dây trói buộc, hai người thương là hai sợi dây, mười người thương là mười sợi dây… thương nhiều thì gỡ khó.
Vậy mà người ta vui khi được thiên hạ thương, được thiên hạ chú ý, quí mình như ngọc như ngà v.v…
Do đó, người đời càng vui thì càng đắm mình trong sự trói buộc, trói buộc trong tình thương gia đình, tình thương những người chung quanh v.v… càng thương nhiều thì càng bị buộc nhiều!
Ngược lại người tu, nhất là người tu Phật, vui là khi giải thoát. Những gì ràng buộc, làm cho mình bị rối rắm, phải cắt bỏ nó đi. Cắt bỏ được một mối là vui mừng một mối.
Cắt bỏ đây không có nghĩa là bỏ chồng bỏ con…mà cắt bỏ là bỏ những tình thương không lợi ích, gây thêm tai hại cho mình.
Thí dụ người đó với mình không phải thân thuộc, mà họ nói những lời ngọt ngào, những lời thương yêu rồi mình tưởng họ thương thật, tự nhiên mình tự trói mình rồi khổ.
Ở thế gian có những lời nói không đúng với tâm niệm, họ nghĩ một đàng mà nói một nẻo để cầu lợi, để nắm giữ những gì họ thích.
Mình phải biết rõ những lời nói đó không thật, đừng để bị cột trói.
Tình thương chân thật nhất là tình thương cha mẹ với con cái, mà có khi còn phai nhạt, còn gặp những đứa con bất hiếu thay!
Huống nữa là những người ngoài chắc gì họ thương mình thật. Nghe họ nói thương, mình vui mừng thích thú, e rằng có ngày sẽ phải khổ.
Vì vậy những tình cảm thương yêu quyến luyến vô tình trói cột làm cho mình phải khổ.
Người tu lấy sự giải thoát làm vui, không thể bị trói buộc bởi những tình cảm riêng tư và những ngũ dục bên ngoài.
Người đời nghĩ rằng cuộc đời mình phải được an vui hạnh phúc, nhưng từ thuở nhỏ cho đến hiện nay năm mươi, bảy mươi tuổi, quí vị thấy đời mình vui nhiều hay khổ nhiều?
Khổ nhiều!
Vì sao mình muốn vui mà lại khổ? Vì mình muốn vui mà vui trên cái khổ của người khác, cho nên người khác cũng muốn vui mà vui trên cái khổ của mình.
Vì sát phạt lẫn nhau để được vui, nên cái vui đó khó vẹn toàn.
Những người từ sòng bạc đi ra đâu phải ai ai cũng đều hớn hở. Trong mười người, độ hai người vui mừng, còn tám người thì âu sầu đau khổ.
Như vậy tại sao người ta cứ đến sòng bạc mãi?
Tám lần khổ chỉ có hai lần vui.
Có khi đủ cả mười lần khổ là khác!
Ở đời nếu chúng ta tìm vui trong sự thắng người, trong cảnh nhộn nhịp v.v… thì cái vui đó chỉ là tạm bợ mong manh, không lâu bền được.
Chúng ta phải tìm những niềm vui chân thật ở đạo, vui khi thắng mình, lìa được những tật xấu, vui khi được ở chỗ yên tĩnh, tâm hồn an ổn, vui khi được tỉnh giác, thoát ly những buộc ràng.
Nếu sáng suốt chúng ta tìm cái vui chân thật, thì cái vui ấy sẽ lâu dài bền bỉ, còn mê lầm chúng ta đuổi theo những cái vui giả dối thì vui ít mà khổ nhiều.
Mong rằng quí vị luôn luôn sáng suốt để được an vui hạnh phúc mãi mãi.
Trích trong : Xuân Trong Cửa Thiền.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Xem thêm