Thứ năm, 30/11/2023, 14:02 PM

Sức mạnh của người tu Phật

Mục đích tối thượng của đạo Phật là giải thoát rốt ráo để thành Phật. Tuy nhiên, mục đích trước mặt của mọi người con Phật là “cứu khổ ban vui” cho mọi loài, là hành thiện không hành ác, là tự lắng đọng những ưu tư phiền não hằng ngày để cuộc sống hiện đời được tỉnh thức, an lạc và giải thoát.

Thói thường người ta hay căn cứ vào quyền uy, danh vọng, tiền tài vật chất hoặc sự thông minh trí xảo để đong đo sức mạnh của con người. Trên đời người ta thường coi trọng quyền lực và địa vị; ưa thích những kẻ lắm tiền bạc, châu báu của cải; hoặc nể vì những kẻ thế trí biện thông. Ai có nhiều tiền lắm bạc hay có bằng cấp nầy nọ thì được nể vì, còn người nghèo hèn thì bị gạt ra một bên. Đạo Phật không chủ trương chống lại sở hữu vật chất, đạo Phật cũng không chủ trương chống lại kiến thức phàm phu; tuy nhiên, đạo Phật chỉ coi những thứ nầy như những phương tiện cho cuộc sống không hơn không kém. Khi thuyết giảng về bản mặt thật của sanh, lão, bịnh, tử, Đức Phật chỉ muốn nói lên một sự thật cho chúng sanh mọi loài biết để từ đó không còn chấp chặt vào những định kiến mà bấy lâu nay đã xô đẩy con người vào lục dục thất tình. 

Mục đích tối thượng của đạo Phật là giải thoát rốt ráo để thành Phật. Tuy nhiên, mục đích trước mặt của mọi người con Phật là “cứu khổ ban vui” cho mọi loài, là hành thiện không hành ác, là tự lắng đọng những ưu tư phiền não hằng ngày để cuộc sống hiện đời được tỉnh thức, an lạc và giải thoát. Như vậy sức mạnh của người tu Phật phải là sức mạnh có thể đem lại những cứu cánh vừa kể. Điểm đáng nói ở đây là sức mạnh ấy phải được xuất phát từ nội lực, chứ không thể có được từ bên ngoài, không học mà được, không nói mà thành, không cầu mà có. Một trong những lời di giáo cuối cùng của Đức Phật là Ngài nhấn mạnh đến sức mạnh của người tu Phật. 

Theo Ngài, sức mạnh ấy là ngọn đèn nội tâm nơi chính mỗi người. Trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn đã ân cần căn dặn Ananda rằng: “Này Ananda, ở đời muốn tu hành cho được công viên quả mãn, không thể ỷ y vào bất cứ một quyền lực nào. Đồng ý người Phật tử phải lấy chánh pháp làm kim chỉ nam, chánh Pháp là ngọn đèn làm sáng sủa hướng đi đến cho mình. Tuy nhiên, có đi được đến nơi đến chốn hay không là hoàn toàn do mình. Chính vì thế mà ta nói cho ông biết tự về nương nơi chính ông là điểm then chốt quyết định sự thành bại trong đạo Phật. Dù bây giờ có lúc ông cần ta giúp ông vượt thoát khỏi nanh vuốt của Ma Đăng Già, nhưng ta rồi sẽ nhập diệt, chỉ có sức mạnh của ông mới quyết định tất cả.”

Sức mạnh của người tu Phật chính là sức mạnh giúp cho con người ấy hướng thượng và hướng thượng cho đến khi thành Phật.

Sức mạnh của người tu Phật chính là sức mạnh giúp cho con người ấy hướng thượng và hướng thượng cho đến khi thành Phật.

Theo những lời Phật dạy thì đời nầy chất chứa quá nhiều tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng, luyến ái, đam mê, mong cầu, vân vân. Sức mạnh của người tu Phật mà Phật muốn nói là sức mạnh có thể phá tan những cơn tham sân si, những mạn nghi tà kiến, những sát đạo dâm vọng và những đam mê tham dục mong cầu. Sức mạnh đó phải giúp được người tu chịu đựng và vượt qua những cơn giông tố bão bùng của trường đời. Sức mạnh ấy phải giúp người tu kham được những mắng nhiếc, chửi rủa, hay đánh đập lăng nhục tàn tệ. Sức mạnh đó phải đó phải giúp người tu kham nhẫn trước những vu khống phỉ báng, kham nhẫn cả thân khẩu ý, kham nhẫn mà không giận dữ, cũng không phản ứng. 

Sức mạnh đó phải giúp được người tu đập tan lòng ganh ghét hận thù, tánh đố kỵ nhỏ nhen. Sức mạnh đó phải giúp được người tu chận đứng tám ngọn gió độc từ thành bại, hơn thua, có không, sang hèn… Sức mạnh đó có thể giúp được người tu Phật mang từ bi hỉ xả thong dong đi vào cõi Ta Bà ngũ trược ác thế. Dù bị người làm đau đớn nhục nhã, dù bị người uy hiếp và làm tổn hại, người tu với sức mạnh nội tại vững chắc mới có thể kham nhẫn một cách tự tại, kham nhẫn trong vô chấp vô cầu, kham nhẫn mà không chút khởi tâm sân hận thù ghét.

Chính nhờ sức mạnh đó mà người tu Phật có thể đi thẳng vào đời với tất cả khoan dung độ lượng, cũng như tâm huyết tự mình chuyển hóa, giúp người chuyển hóa để cùng nhau tạo dựng một đời sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Chính nhờ sức mạnh đó mà người tu Phật có thể đi vào đời với tinh thần bình đẳng như lời Phật dạy năm xưa: “không có giai cấp khi máu của chúng sanh cùng đỏ và nước mắt cùng mặn như nhau.” Chính nhờ có sức mạnh đó mà người tu Phật mới có khả năng chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc. Cũng chính nhờ sức mạnh đó mà người tu Phật mới có khả năng đánh đổ niềm tin mù quáng ở một thần linh tối cao mơ hồ và một giáo chủ với quyền năng siêu phàm không ai sánh nổi. Sức mạnh của người tu Phật là lòng tự tin nơi chính mình có thể tu hành rốt ráo như Phật Tổ năm xưa. 

Sức mạnh nầy cũng phát xuất từ sự tin sâu vào giáo lý nhân quả, gieo nhân nào gặt quả nấy. Gieo nhân thiện, gặt quả thiện; gieo nhân ác, gặt quả ác; không gieo không gặt… Chính nhờ sức mạnh hợp lý và sáng ngời nầy mà trải qua hơn 25 thế kỷ, từ ngày Phật Tổ khai sáng nền đạo đến giờ, chưa có một cuộc chiến nào xãy ra trên thế giới gieo rắc tai họa cho nhân loại vì sự cuồng tín của tín đồ Phật. 

Người con Phật chơn thuần luôn hướng về giáo pháp của Phật Tổ, xem đó như kim chỉ nam trong cuộc sống cuộc tu; tuy nhiên, luôn vững tin nơi sức mạnh của chính mình, chứ không sợ hãi cũng như không gieo rắc vào đầu ai nỗi kinh hoàng sợ hãi về một thần linh huyền hoặc mơ hồ nào. Người tu Phật luôn về nương nơi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, nhưng không nương tựa một cách mù quáng. Giáo pháp nầy có thể giúp chúng ta tu hành giải thoát nếu chúng ta nhiếp tâm tu trì và tận dụng sức mạnh sẳn có ở mỗi người chúng ta. Giáo pháp nầy sẽ không giúp được ai nếu con người ấy chỉ biết nói mà không biết làm. Sức mạnh của người tu Phật là sự can đảm dám nói dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật từ cách suy nghĩ, cách nói, cách hành động, cách mình cư xử với người, cho đến cách ăn uống, ngủ nghỉ. 

Nếu nói rằng tu Phật là làm lành lánh dữ và thanh lọc thân tâm cho trong sạch thì con người ấy chỉ quyết một lòng ăn chay chứ không ăn mạng. Sức mạnh của người tu Phật là thực hành sâu sắc năm giới mà Phật đã đề ra cho người tại gia, 250 giới cho Tăng chúng và 348 giới cho Ni chúng. Chính sức mạnh giữ giới nầy chẳng những được Long Thần Hộ Pháp bảo hộ, mà còn hướng dẫn hành động và tâm hồn con nguời không đi vào lầm lẫn, không gây tai họa cho mình và cho người. Chính sức mạnh giữ giới nầy đã góp phần tích cực vào cuộc sống tỉnh thức, an lạc và hạnh phúc; cũng như cuộc tu tự tại giải thoát. 

Chính nhờ sức mạnh nầy mà người con Phật luôn mang đuốc sáng Phật pháp đi vào đời hầu góp phần làm đẹp đạo tốt đời. Hễ nơi nào có sáng sáng Phật pháp thì nơi đó sẽ không có sự giết hại, không có gian tham trộm cướp, không có quan hệ bất chánh ngoài chồng vợ, không có ai nói dóc nói láo, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt, và cũng không có ai rượu chè say sưa. Cũng chính sức mạnh nầy đã giúp cho người tu Phật thành tựu giới hạnh với đầy đủ uy nghi, lúc nào cũng tin tưởng vào khả năng tự giác của chính mình, lúc nào cũng biết hổ thẹn mỗi khi làm điều bất thiện dù không ai thấy không ai biết, nhưng làm gì mình không thấy và không biết ? 

Ngoài ra, sức mạnh của người tu Phật là dám can đảm chấp nhận những sai trái của mình. Chính Đức Phật đã khẳng định: “Những ai làm lỗi mà biết nhận và sửa lỗi, đồng với người chưa từng phạm lỗi không sai khác.” Tại sao vậy ? Vì theo Phật, tội không có tự tánh. Tất cả thiện ác tội lỗi là ở tâm, như vậy tự tâm mình biết những việc làm sai trái, ắt sẽ không tái phạm. Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật đã dạy: “Những ai biết phát lồ ăn năn những tội lỗi mình làm thì tội ấy sẽ nhẹ đi như người bịnh uống trúng thuốc nên mồ hôi xuất ra và khỏi bịnh vậy.” Sức mạnh của người tu Phật là cố gắng hành trì chứ không nói suông. 

Khi chỉ nói tu là “sửa” hết ngày nầy qua tháng nọ, nói mà không chịu sửa, thử hỏi người và kéc có khác nhau điểm nào ? Người tu Phật phải thật sự chuyển mê khai ngộ; phải thực sự sửa đổi để biến xấu thành tốt; biến tham sân si thành từ bi hỉ xả; biến mạn nghi tà kiến thành khiêm cung từ tốn, tín tâm, chánh kiến; biến sát đạo dâm vọng thành từ bi lân mẫn và thật thà ngay thẳng, chánh ngôn chánh hạnh. Sức mạnh của người tu Phật là dám xem tiền tài, vật chất, của cải… như đôi dép bỏ; dám xả bỏ những ích kỷ để từ đó có được khả năng bố thí vô phân biệt, không mong cầu. Sức mạnh của người tu Phật là dám sống đời thiểu dục tri túc, vì dục vọng là nguồn gốc của bể khổ nguồn mê, chỉ có tri túc mới có đủ công năng giúp chúng ta rảnh rang thân tâm mà tìm về bờ giác. 

Sức mạnh lớn nhất đối với người tu Phật vẫn là “kham nhẫn.” Không riêng gì giáo lý nhà Phật, mà ngay cả Khổng và Lão cũng dạy như vậy. “Nhẫn, nhẫn, nhẫn, oan gia tùng thử tận.” Vâng! Nếu chúng ta kham nhẫn được mọi mắng nhiếc chửi rủa tàn tệ, hay những vu khống lăng nhục của người thì có ai nỡ nào tiếp tục cột trói oan gia? Phật dạy: “Chính sức mạnh nhẫn nhục đã phá vỡ bức tường tự cao, tự đại, tự hào, tự mãn cũng như mọi thứ ngã chấp kiến chấp… mà bấy lâu nay đã ngăn cách con người với bầu trời giác ngộ bao la cao rộng. Chính sức mạnh nội tại nầy mà người tu không nỡ mắng nhiếc lại những người đã mắng nhiếc mình, không tức giận và sân hân những người đã tức giận và sân hận mình, cũng như không la mắng khiển trách những người đã la mắng khiển trách mình. 

Muốn làm được chuyện nầy, người tu Phật phải luôn tâm niệm rằng “thà uống nước đồng sôi cho tan thân rữa thịt, chứ quyết không rời bỏ chánh pháp, vì không có chánh pháp người tu Phật sẽ không có cách chi tu hành từ bi hỉ xả đúng như lời chư Tổ đã dạy: “Tu hành các thiện pháp mà thiếu vắng Bồ Đề Tâm là đang đi vào ma đạo.” Người tu như vậy cũng ví như voi dữ bị cột lại. Lúc bị cột thì không phá phách, nhưng vừa mở dây tháo nài ra là buông lung dẫm đạp nát hết ruộng rẫy của lương dân. Trong cõi Ta Bà hôm nay cũng lắm kẻ như vậy, miệng thì nói tu chứ thân tâm không chịu hành, nên đi đâu đến đâu cũng ba hoa khoác lác, cống cao ngã mạn, tối ngày chỉ biết khoe khoang những thành quả hảo huyền, chỉ biết nói, nói như kéc, chứ chưa bao giờ biết làm, nên dù mang hình tướng bên ngoài là tu hành, nhưng bên trong lúc nào cũng đầy ấp tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. 

Người con Phật phải cố thấy và biết như vậy để thấy rằng người tu Phật phải có một sức mạnh nội lực ghê gớm lắm mới có thể vượt qua được trùng trùng chướng duyên nghịch cảnh. Sức mạnh nội tại nầy chỉ có thể được xây dựng và bồi đắp bởi chánh pháp cao thượng thù thắng và thanh khiết của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Thế nên người nào có thể thấm nhuần được đạo lý Phật Đà, đem đạo lý nầy vào cuộc sống cuộc tu hằng ngày thì chính sức mạnh phi thường nầy sẽ giúp cho người ấy xả bỏ được những cái mà người thế gian không xả bỏ được. Chính sức mạnh nầy giúp cho người tu Phật có đủ khả năng chấp nhận những thứ mà người thế gian không chấp nhận được. Thử hỏi mấy ai trên đời nầy chịu xả bỏ tham sân si? Thử hỏi có mấy ai trên đời nầy dám lấy bịnh khổ làm thuốc thần, dám lấy ma quân làm bạn đạo…? Thế mà người tu Phật làm được. 

Sức mạnh của người tu Phật chính là sức mạnh giúp cho con người ấy hướng thượng và hướng thượng cho đến khi thành Phật. Cũng chính sức mạnh nầy giúp cho người tu Phật lội ngược dòng đời trong những trạng huống khó cưỡng cầu. Chính nhờ sức mạnh nầy mà khi gặp nghịch cảnh người tu không sanh tâm sân hận; khi thấy ai hơn mình người tu chẳng những không đem lòng ganh ghét đố kỵ, ngược lại còn phát tâm hoan hỷ. Cũng chính nhờ sức mạnh nầy mà người tu luôn như như tự tại trước những vui buồn thương ghét của phàm trần; chỉ luôn thấy lỗi mình chứ không thấy lỗi người; luôn quán sát và suy tư lý đạo trong cuộc sống hằng ngày; luôn giữ chánh niệm trong tâm. Những người con Phật với ao ước mong mỏi được tu làm Phật nên luôn nhớ rằng không có cái gì chắc chắn trong cõi Ta Bà nầy, dục vọng và tham ái có thể vây quấn lấy chúng ta bất cứ lúc nào. Người con Phật chơn thuần nên luôn cố gắng y nương lời Phật dạy để tạo cho mình một sức mạnh nội tại hầu tự chuyển lấy nghiệp cho chính mình. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm