Nữ hoàng đầu bếp Việt Nam - Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã buông bỏ tất cả vì chữ An
Trải qua biết bao biến cố cuộc đời "Nữ hoàng đầu bếp Việt Nam" - Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân gần như buông bỏ tất cả, mọi chuyện đến và đi với bà chỉ như cái duyên. Và đến nay, khi cái duyên với cửa Phật đã đủ chín, bà quyết định xuống tóc xuất gia, bỏ lại sau lưng những phiền não của cuộc sống.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Với những gì đạt được, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân có thể được coi là đã đứng trên đỉnh cao và gần như có tất cả. Bà được hàng triệu khán giả Việt biết đến với danh xưng "Đầu bếp quốc dân", "Nghệ nhân Ẩm thực Dân gian" hay "Huyền thoại của gian bếp Việt" nhưng cuối cùng, đến tuổi 65 lại chọn buông bỏ hết đằng sau cánh cửa tu hành. Bà nương nhờ nơi cửa Phật, sống đoạn đời không gì cả ngoài hai chữ "bình an". Có lẽ, khi trưng qua hết những năm tháng phấn đấu, có thăng có trầm và mấy chục năm tu đạo, bà ngộ ra mình chưa thể hạnh phúc nếu tâm chưa an.
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sinh ra trong một gia đình trí thức đông anh chị em tại Hà Nội, sau đó theo chân bố mẹ vào Gia Lai sinh sống lập nghiệp. Bước đến tuổi thiếu nữ, bà được bố mẹ gửi gắm vào Sài Gòn học nội trú. Ra trường với văn bằng học sinh giỏi môn Văn, bà tiếp tục học tiếp để theo đuổi ngành giáo viên.
Đúng như ước vọng, không lâu sau đó bà trở thành cô giáo dạy văn của trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền. Sự nghiệp bảng đen phấn trắng của bà kéo dài đến 18 năm.
Tuy nhiên, quyết định thôi nghề giáo của bà bắt nguồn từ những bi kịch chồng chất mà bà không hề lườn trước được. Bà chia sẻ trong một chương trình Phật Pháp vào năm 2017 rằng bà được yêu thương từ nhỏ không biết khổ là gì nên khi bước ra đời, sóng gió ập tới khiến bà gần như gục ngã.
Tháng năm khó khăn của người mẹ có con trai bị bệnh nặng
Bi kịch đầu tiên của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chính là việc mẹ bà bị bệnh tim qua đời. Rồi cả người con trai út cũng lâm bệnh nặng khi chỉ mới vài tuổi. Khi ấy, gia đình nhỏ của bà vô cùng khó khăn, mức lương giáo viên hoàn toàn không đủ để bà phụ giúp chồng nuôi dưỡng gia đình con cái. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà không cách nào khác là phải làm thêm việc ngoài giờ trên bục giảng.
Với đôi tay khéo léo, bà tham gia dạy nấu ăn, đan len, móc áo, thêu thùa, may gia công... Có những ngày bà phải vắt sổ đến 500 cái áo. Cơ cực là thế nhưng cái khổ vẫn chưa thôi đeo bám bà. Tình trạng bệnh tình của con trai út ngày một nặng. Mãi đến khi bà đưa con đến gặp bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bà mới phát hiện ra con trai bà bị bệnh tim.
Để cứu sống con, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân phải giã từ sự nghiệp làm giáo viên, đưa con sang Úc chữa trị, đó là năm 1989. Ngày bà ôm con trai út yếu ớt ra phi trường, trong túi bà chỉ có đúng 5 đô la, bà cũng không hề biết tiếng Anh. Nghĩ lại, bà thấy ngày đó mình thật sự can đảm, nhưng vì để con được sống mà chẳng còn sự lựa chọn nào. Bà nói: "Chỉ cần con sống, bà có thể mất tất cả cũng được".
Sang đất Úc vào ngay thời điểm mùa đông, bà nhớ như in cái lạnh cắt da cắt thịt mà từ bé đến lớn chưa bao giờ bà gặp phải. Thời điểm ấy vì không có tiền, hai mẹ con bà chẳng có lấy một chiếc áo ấm. Rồi trong suốt 1 năm ở Úc, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân vừa đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho con trai út, vừa phụ giúp gia đình nuôi con trai cả ở Việt Nam. Bà làm đủ thứ nghề đến mức sức khỏe giảm sút vì lao lực. Bà chia sẻ, năm đó, đều đặn hàng ngày bà ra khỏi nhà từ lúc tờ mờ sáng mãi đêm khuya mới trở về, mỗi ngày kiếm được vỏn vẹn 6 đô la.
Bén duyên với nghề bếp và trở thành “Nữ hoàng đầu bếp Việt Nam”
Sau một năm ở Úc, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đưa con về Việt Nam. Lúc này đây, gia đình bà vẫn ở trong tình trạng nghèo khổ, cuộc sống chồng chất khó khăn. Đã thế bà muốn quay lại nghề giáo nhưng không được, chồng bà cũng thất nghiệp. Có những tháng, bà đi chợ 30 ngày là hết 30 ngày mua nợ. Bà buộc phải tiếp tục sự nghiệp làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi con ăn học. Được ít lâu bà xin vào hẳn Trung tâm Dạy nghề Tân Bình để dạy làm bánh, dạy nghệ thuật nấu ăn.
Năm 1993, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cần một giáo viên có kinh nghiệm dạy nấu ăn cho chương trình "Khéo tay hay làm". Nhờ sự khéo léo, giọng nói truyền cảm, gương mặt phúc hậu và ăn hình, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân được mời đảm nhận vai trò giáo viên ấy. Và thế là bà một bước trở thành gương mặt quen thuộc của hàng triệu khán giả Việt. Mỗi khi chương trình phát sóng, nghe giọng bà "Xin chào tất cả các bạn, hôm nay tôi…", là ai nấy từ già trẻ lớn bé đều chăm chú theo dõi.
Việc trở thành người dạy nấu ăn trong chương trình "Khéo tay hay làm" cũng mở ra cho Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nhiều cơ hội mới. Bà trở thành người truyền bá cho ẩm thực Việt Nam ra thế giới lúc nào không hay. Bà đã có hai năm sống và làm việc ở Bắc Kinh và thường xuyên được một trường dạy nấu ăn ở Mỹ mời đến thỉnh giảng, thậm chí còn được nhiều nước khác mời tham dự giới thiệu món Việt trong các chương trình ẩm thực.
Có thể nói bà đã đi tiên phong trong việc quảng bá ẩm thực Việt vươn xa ra thế giới bằng cái tâm, cái tài và sự khéo tay của chính mình. Sau đó, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn bắt tay vào viết sách, đến nay bà đã có hơn 40 đầu sách được xuất bản. Sách của bà được nhiều chị em phụ nữ yêu thích, học tập làm theo để giữ lửa gian bếp gia đình. Ngoài ra, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn sở hữu 3 nhà hàng ăn nên làm ra tại Sài Gòn.
Cú sốc lớn trước khi quyết định xuất gia
Những năm đầu thập niên 2010, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đột ngột rút lui dần khỏi màn ảnh nhỏ, thay vào đó bà chỉ tham gia vào một số chương trình dạy nấu món chay và tích cực đi từ thiện, làm việc công đức cho nhà Chùa. Bà Quy y Tam bảo vào năm 2012. Cứ tưởng cuộc sống của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân từ đây sẽ yên bình bên hai con trai. Đáng tiếc, bi kịch lại ập đến ngay cả khi bà đã có trong tay gần như là tất cả.
Năm 2014, con trai của bà đang khỏe mạnh bỗng đột ngột bị tai biến mạch máu não rồi qua đời sau thời gian hôn mê sâu. Quả thật, cả đời Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân hy sinh tất cả vì con nên cú sốc này là quá sức chịu đựng với bà. Nhiều tháng sau khi con mất, bà vẫn trong tình trạng mất ngủ triền miên, bà thương nhớ con day dứt. Mãi cho đến khi bà gặp được Sư Ông Thích Thanh Từ tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt bà mới ngộ được nhiều chân lý về cuộc đời. Bà kể, Sư Ông gặp bà, đặt tay lên trán bà và nói đúng 1 câu: "Buông đi con, sao mắt con buồn vậy". Khi về nhà, bà suy nghĩ nhiều đêm mới hiểu được câu nói ấy.
Từ đó về sau, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân gần như buông bỏ tất cả, không cố gắng níu giữ bất cứ thứ gì, mọi chuyện đến và đi với bà chỉ như cái duyên. Và đến nay, khi cái duyên của bà với cửa Phật đã đủ chín, bà quyết định xuống tóc xuất gia, bỏ lại sau lưng những phiền não của cuộc sống.
Phấn đấu cả đời, dù có danh vọng, tiền tài nhưng trong một khoảnh khắc nào đấy, khi đã sống đủ một số tuổi nhất định, chúng ta chợt nhận ra bạn bè xung quanh chỉ chúc nhau một chữ "An" và chợt hiểu ra vật chất trong cuộc đời không có nhiều ý nghĩa lớn lao như ta tưởng.
Cuối cùng, bất cứ ai cũng phải tàn phai theo năm tháng. Sắc đẹp, tiền tài phấn đấu cả đời chỉ là những thứ vô nghĩa. Khi nằm xuống, một cọng cỏ cũng không thể mang theo. Sau những biến cố và thấu hiểu được lẽ vô thường của cuộc đời, cuối cùng ngày hạnh phúc nhất của bà cũng đã đến, con đường của bà đã chọn, làm người con xuất gia của Đức Phật Thích Ca. Bà đã buông được nhiều thứ để lựa chọn cho mình con đường thênh thang và an lạc phía trước.
Nữ hoàng đầu bếp Việt Nam - Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chia sẻ tại Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật lần 17 tại chùa Giác Ngộ ngày 24-09-2017:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm