Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/06/2022, 13:38 PM

Pháp hoa tâm - Pháp hoa hạnh

Trong bài kệ khai kinh Pháp hoa của Tổ Phước Huệ, mở đầu ngài đặt vấn đề của kinh Pháp hoa là yếu chỉ của Phật và hạnh của Bồ-tát. Yếu chỉ của Phật là trí tuệ của Phật khác với học vấn của chúng ta. Đa số chúng ta lầm trí tuệ và học vấn.

 Học vấn là chúng ta đem hiểu biết của bên ngoài vào tiềm thức thì càng đưa nhiều dữ kiện vào tâm trí khiến chúng ta càng xa chân lý. Trong khi trí tuệ của Phật do loại trừ phiền não nhiễm ô, nói rõ là kiến thức của chúng ta. Vì vậy, ở trên Hoàng Mai trong 500 đồ chúng của ngài Hoằng Nhẫn, đa số là nhà trí thức, nhà nghiên cứu và những người thực tập thiền quán, nhưng cuối cùng ngài Hoằng Nhẫn đã chọn Huệ Năng là một người không biết chữ làm Tổ kế thừa. Điều này nhằm nói rằng Huệ Năng tu hành đã loại trừ được hiểu biết thế gian, tức thế trí biện thông khiến tiềm thức của ngài hoàn toàn trong sạch gọi là bạch tịnh thức thì Phật huệ mới hiện ra.

ht1-3273

Phật dạy chúng ta trên bước đường tu phải luôn luôn loại trừ phiền não nhiễm ô, mà hiểu biết chúng ta có gọi là phiền não trí thì biết nhiều phiền não nhiều. Vì vậy, Huệ Năng nhờ không biết tất cả mọi thứ trên cuộc đời, nên tâm ngài lắng yên, trong sáng, Hoằng Nhẫn mới truyền tâm cho Huệ Năng được. Nói cách khác, tâm trong sáng của Hoằng Nhẫn chỉ tương thông với tâm trong sáng của Huệ Năng thôi. Khó hiểu là điểm đó.

Cũng vậy, xưa kia Phật truyền pháp cho Ca Diếp là pháp vô ngôn, vì tâm yên tĩnh của Phật và tâm yên tĩnh của Ca Diếp giao nhau, gọi là tâm hồn lớn gặp nhau.

Thực tế có người mà ta gặp không cần phải nói vì đã hiểu nhau rồi, còn đa số người trên cuộc đời này luôn luôn tìm cái gì đó để nói. Thiền khác ở điểm này. Một thiền sư muốn nói gì với đại chúng thì ra lệnh nổi kiền chùy để tập hợp chúng tới mà khai thị, nhưng tới thấy đại chúng không có gì đồng với mình, không thể chia sẻ được thì thiền sư liền lẳng lặng bỏ về thiền thất trước sự ngẩn ngơ của đại chúng. Một cảnh tượng thiệt thú vị nhưng cũng thiệt nhức nhối cho hành giả muốn nhập đạo bằng pháp vô ngôn. Yếu chỉ của Phật nằm ở chỗ đó, là chân lý không thể nói được, thì muốn nói phải dùng pháp phương tiện. Vì vậy, Tổ Phước Huệ nói “Phương tiện môn trung, khai thị ngộ nhập”. Và theo tôi, trí của Phật là chân thật và ta nương theo trí chân thật để khai phương tiện môn.

Vì vậy, người chưa có trực giác, chưa có trí tuệ không thể nói phương tiện. Phương tiện phải từ Phật huệ đưa ra mới đúng. Nghĩa là Phật biết rõ tánh của người, hạnh của người, ước muốn của người và năng lực của người thì Phật mới sử dụng phương tiện là Ngài nói những gì mà họ muốn nghe, họ hiểu được, họ chấp nhận được và họ làm được. Vì yếu lý này, suốt 49 năm Phật thuyết pháp thì tất cả các pháp đều là pháp phương tiện, vì pháp Phật chứng được không thể nói bằng ngữ ngôn mà hành giả phải thiết thân thể nghiệm, trực nhận. Ý này được Phật khẳng định rằng hiểu biết của Ngài bao la và sống động ví như lá trong rừng, còn cái Ngài nói thì hữu hạn và có giá trị ở chừng mực nhất định ví như nắm lá khô trong tay.

Chân lý mà Phật thấy biết, chỉ có Phật và Phật mới thấy biết giống nhau thì không cần nói nữa. Phẩm Phương tiện thứ hai kinh Pháp hoa đã xác nhận lý này: “Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng”.

Nhưng vì hiện thân trên cuộc đời là phương tiện của Phật và Ngài nhận thấy người Ấn Độ thời bấy giờ nghĩ rằng tu hành phải xuất gia, phải sống viễn ly. Vì vậy, Phật phải dùng phương tiện là Ngài cũng mang hình thức Sa-môn để gần gũi những Sa-môn sống ở thời đó, Phật mới có thể chia sẻ cho họ những điều Ngài đã chứng đắc, đã sử dụng.

Thật vậy, nhờ được Phật kề cận, giáo dưỡng, Kiều Trần Như mới chứng quả A-la-hán và những quả La-hán của những người nương theo Phật tu thì kinh Pháp hoa nói đó là phương tiện của Phật, gọi là Hóa thành. Nghĩa là họ mới được giải thoát, diệt hết phiền não thôi và Phật huệ của họ mới phát, chưa thành Phật. Nói đơn giản, A-la-hán nhờ nương theo đạo lực của Phật tu mà có được đời sống an lành ở mức độ cao gọi là Niết-bàn.

box1-7307

Cũng vậy, ngày nay chúng ta có phước duyên gần người tu đắc đạo, dù họ không nói gì, nhưng chúng ta cảm thấy an lành và tâm sáng lần. Thực sự đạo nằm ở chỗ đó. Thực tế cho thấy có người không học nhưng chứng, còn người có học và hiểu biết nhiều thì dễ cãi nhau. Phật chê trách những thầy ưa nói nhiều giống Bà-la-môn gặp nhau là tranh cãi, hơn thua, phải trái. Chân lý phải sống, phải nắm bắt, thể nghiệm mới là chân lý.

Phật chứng được chân lý, sống với chân lý, Ngài muốn dạy người, nhưng dạy chân lý không được, Ngài phải dùng vô số phương tiện tùy theo hiểu biết và hoàn cảnh khác nhau của từng người gọi là khai tri kiến để từng bước, Ngài mở lần tầm nhìn đúng đắn và việc làm ích lợi cho họ.

Điều đầu tiên Phật khai là mọi người, mọi gia đình, mọi quốc gia nếu tuân thủ Tam quy Ngũ giới thì người đó, gia đình đó, quốc gia đó được an lành. Vì vậy, ngũ thừa Phật giáo mở ra con đường Phật dạy là tất cả mọi người đều áp dụng Phật pháp được, không nhất thiết phải là người tu và căn bản là giữ gìn Tam quy Ngũ giới trong cuộc sống hàng ngày. Tiến cao hơn, giữ thân khẩu ý thanh tịnh, tròn đủ mười giới thì sanh lên cõi chư thiên có đời sống cao hơn loài người một bậc.

Quan niệm lên trời hưởng phước lạc đã có từ thời Phật bằng cách họ giết súc vật, cúng tế, cầu đảo. Đức Phật đã can ngăn vua chúa ngừng việc giết cả ngàn con bò, con dê, thậm chí đưa người lên giàn hỏa thiêu sống để cầu đảo. Với uy tín cao tột và thần lực diệu dụng, Phật có vô số phương tiện, Ngài mới hủy bỏ được việc cúng bái mê tín, hoặc sửa đổi cho họ có được cái nhìn đúng đắn. Thí dụ gặp người lễ bái sáu phương mỗi ngày, Phật không bác bỏ, nhưng nhân niềm tin đó mà Ngài giảng cho họ hiểu ý nghĩa và tại sao lễ lạy. Đó là Phật dùng phương tiện để khai thị cho người có hiểu biết tương đối đúng hơn.

Nhưng thực sự Phật muốn dạy các Bồ-tát hành đạo để thành Phật trong tương lai vì chỉ có một con đường duy nhất này thôi. Tất cả các pháp tu của Phật đều là nhân thành Phật. Từ việc nhỏ như bố thí, cúng dường, làm phước, thậm chí trẻ con nhóm cát làm tháp Phật thì tất cả đều thành Phật sau khi tích nhóm đầy đủ tâm từ bi và đạo hạnh Bồ-tát.

Phật nói tất cả mọi việc mà chúng ta làm nếu nương theo Phật, nương theo giáo pháp của Ngài và nương vào chúng Tăng thanh tịnh đều dẫn đến quả vị Phật trong tương lai và các pháp đó đều là phương tiện của Phật. Vì vậy, Tổ Phước Huệ khẳng định rằng Đức Phật quá tuyệt vời, hoàn cảnh nào Ngài cũng không từ bỏ, đó là cửa phương tiện của Phật.

Mở đầu là phương tiện và qua phẩm 28 kết thúc kinh Pháp hoa là hạnh Phổ Hiền. Đầu tiên Phật giới thiệu Bồ-tát Phổ Hiền. Phổ Hiền có nhân hạnh trong kinh Hoa nghiêm và Phổ Hiền trong kinh Pháp hoa là quả và đức.

Phổ Hiền Bồ-tát tới Kỳ Xà Quật, hay tới với Phật Thích Ca, hoặc tới với tất cả người trì kinh Pháp hoa bằng thần thông tự tại, oai đức vô song mới thể hiện tư cách của Bồ-tát lớn mới có năng lực như vậy và Ngài cũng có vô số Bồ-tát thị tùng. Điều này quan trọng nhắc chúng ta hành đạo, tu Bồ-tát hạnh phải có quyến thuộc Bồ-đề là bạn đồng tu thì mới tu được. Chúng ta phải dìu dắt, giúp đỡ, chỉ cho họ việc đúng việc sai để họ tu có kết quả và làm bạn đồng hành với chúng ta.

Phổ Hiền có vô số quyến thuộc vì khi ngài tu nhân ở kinh Hoa nghiêm là đã trải qua các pháp tu từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng cho đến Thập địa Bồ-tát. Viên thành nhân địa Bồ-tát như thế, ngài mới thành tựu quả đức của Pháp hoa.

Và ở quả Pháp hoa, Phổ Hiền tu gì. Phổ Hiền có mười hạnh mà chúng ta thường đọc mỗi ngày: Nhứt giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai…

Muốn tu theo Phổ Hiền, đầu tiên phải ngộ Tỳ Lô tánh hải và nhập Phổ Hiền hạnh môn. Ngộ Tỳ Lô tánh hải là tánh sáng suốt. Tánh này tự sáng lên, không phải do nhồi nhét, không phải do học từ người khác dạy chúng ta. Phật chỉ khai thị để làm chúng ta nhận ra được, ngộ được thì tánh tự sáng lên.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1140 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1140 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Thi sĩ Thông Bác diễn tả ý này rất hay: “Tánh sáng suốt muôn đời chẳng động. Bóng mười phương là tướng huyễn hành”.

Phổ Hiền tới hội Linh Sơn muốn nói với chúng ta rằng phải ngộ Tỳ Lô tánh mới nhập Phổ Hiền hạnh được. Phổ Hiền hạnh trước tiên là lễ kính chư Phật ba đời, Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật tương lai. Muốn có quyến thuộc Bồ-đề phải lễ kính chư Phật ba đời. Phật quá khứ thì chúng ta dễ hiểu, các Ngài đã thành Phật và đã vào Niết-bàn.

Phật hiện tại là Phật mười phương và Phổ Hiền nói: “Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh, thành kính lễ lạy không hề sót”. Vì vậy, tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh mới lễ được chư Phật mười phương: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Điều này rất quan trọng.

Phật vị lai là những người mà chúng ta tiếp xúc trên cuộc đời. Thật vậy, Đức Phật đã thọ ký trong kinh Pháp hoa cho tất cả những người ở đời vị lai tu tập theo pháp Phật. Nhưng tâm chúng ta thanh tịnh mới thấy ông Phật trong tâm người khác. Câu chuyện Phật Ấn và Tô Đông Pha nói lên ý này. Tô Đông Pha hỏi Phật Ấn thấy ông như cái gì. Phật Ấn thật thà nói thấy ngài như ông Phật, vì ba nghiệp của Phật Ấn đã thanh tịnh mới thấy ông Phật trong tâm của Tô Đông Pha.

Trên bước đường tu, người gây trở ngại khó khăn cho ta mà ta thấy được ông Phật trong tâm của họ là ba nghiệp của ta thanh tịnh. Điển hình là Phật nói Đề Bà Đạt Đa là Bồ-tát lớn hiện thân để tạo thử thách cho Phật vượt qua và ông sẽ thành Phật trong tương lai. Dù bên ngoài thấy Đề Bà Đạt Đa phá Phật bằng mọi cách, nhưng ba nghiệp của Phật hoàn toàn thanh tịnh và Ngài dùng Phật huệ nhìn Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức, mới nói rằng nhờ Đề Bà phá Ngài mà người ta đến tìm hiểu sự thật và đã theo Phật tu.

Riêng tôi nhận ra rằng những khó khăn mà người khác áp đặt cho tôi đã giúp tôi thành công như ngày nay. Nếu không còn tâm ganh ghét, thù hiềm sẽ thấy việc người gây khó khăn là điều kiện tốt cho ta tiến tu đạo hạnh. Nếu tất cả mọi việc đều tốt cho ta thì ta dễ ngã mạn. Nhờ có khó khăn, chúng ta mới thức tỉnh, thúc liễm thân tâm và dấn thân hành đạo, nên người..

Vì vậy, nếu thấy người gây khó khăn cho ta là người tốt, hay nói cách khác, thấy người là vị lai Phật theo Phổ Hiền Bồ-tát, chúng ta sẽ lễ được tất cả vị lai Phật, không sót. Phổ Hiền muốn nhắc nhở chúng ta rằng ba nghiệp thanh tịnh mới lễ được Phật. Không thanh tịnh không phải lễ Phật mà coi chừng lễ ma.

Phổ Hiền nhờ tu như vậy nên ngài có vô số Bồ-tát làm quyến thuộc, tức những người giỏi, người tốt theo ngài. Chúng ta hành đạo cũng phải nhờ người giỏi, người tốt hợp tác thì mới làm được việc. Điển hình chúng ta thấy Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời, xa chúng ta thấy có Bồ-tát Tùng địa dũng xuất, gần có Bồ-tát mười phương và kề cận Phật có mười đại đệ tử, tất cả đều là người giỏi và tốt vô cùng. Gần ta toàn người ăn hại thì dù ta giỏi cũng chịu thua. Thật vậy, Di Lặc Bồ-tát đáng lẽ làm Phật, nhưng quyến thuộc của ngài chưa giỏi, chưa tốt, nên ngài chưa xuất hiện.

Vì vậy, Phổ Hiền nói Bồ-đề quyến thuộc quan trọng, vì không có họ, chúng ta không hành Bồ-tát đạo được. Tu hạnh Bồ-tát, đầu tiên chúng ta phải làm quyến thuộc của Bồ-tát là coi Bồ-tát làm gì, chúng ta làm theo.

Với những người tụng kinh Pháp hoa cả đời nhưng không làm được gì tốt đẹp, tôi nói họ chưa có chữ nào của Pháp hoa. Người tự ái nói họ tụng cả ngàn bộ kinh Pháp hoa mà thầy dám nói chưa có chữ nào là sao. Họ hiểu Pháp hoa văn tự là Pháp hoa, nhưng tôi hiểu Pháp hoa là Pháp hoa tâm, Pháp hoa hạnh.

Khi thọ giới Bồ-tát, giới sư hỏi ông phát tâm Bồ-đề chưa. Phát tâm Bồ-đề tức cầu Vô thượng giác mới là Bồ-tát. Thử hỏi ông có thực lòng cầu Vô thượng Bồ-đề, thực lòng cầu trí tuệ hay không. Có dám xả thân mạng cầu Bồ-đề chưa. Nếu chưa là còn cách đạo xa.

Thể hiện lý này, Thần Quang tới Tổ Đạt Ma. Đạt Ma hỏi ông có xả thân cầu Bồ-đề chưa. Dạ có. Vậy ông chỉ ngồi đó mà được sao Thần Quang mới rút gươm chặt một cánh tay. Đạt Ma nói như vậy cũng tốt, cũng khá lắm, nhưng chỉ mới được một phần thôi.

Gặp nguy hiểm sát cái chết mà dám dấn thân làm mới tới với đạo được. Khi còn là học tăng, Hòa thượng Thiện Hoa thường nhắc chúng tôi rằng chưa tới chỗ tuyệt thể tuyệt mạng chưa phải đạo, phải tới chỗ sơn cùng thủy tận thì trí mới bừng sáng được.

Có câu chuyện ông nọ bị con hổ đuổi, ông vụt phóng một cách dễ dàng lên ngồi trên ngọn cây, vì trước cái chết không còn suy nghĩ mới vọt lên được. Trước cái chết, nảy sinh được điều bình thường không có, thường được diễn tả là bên kia cửa tử. Nói cách khác, trước thềm mé của cái chết, chúng ta thấy được thực lòng có cầu Bồ-đề hay không.

Vì vậy, nhập Phổ Hiền hạnh môn là tu mười hạnh Phổ Hiền mà các chùa từ xưa đến nay, ngày nào cũng đọc mười hạnh này, nhưng chỉ đọc suông. Quan trọng là phải đọc bằng tâm và thể hiện ra hạnh của chúng ta.

Tôi cứ nghĩ làm sao ba nghiệp mình thanh tịnh, làm sao thấy trước mặt mình, ai cũng là Phật. Kinh Hoa nghiêm dạy rằng không có gì không phải là Phật mới là Phật. Thực tập và thấy được lý này thì khả dĩ tiến trên đường đạo, tôi gọi là Phổ Hiền tâm, Phổ Hiền hạnh.

Theo Giáo sư Motai người Nhật, tụng kinh Pháp hoa phải tụng ngược lại, bắt đầu từ phẩm 28 để nhập Phổ Hiền hạnh môn, thì mới mở được cửa Bổn môn Pháp hoa và đi vào cửa này là Pháp hoa tâm, Pháp hoa hạnh.

Phổ Hiền nói ngài tới Ta-bà để nghe Phật Thích Ca nói kinh Pháp hoa. Tôi thấy điều này lạ, vì phẩm 28 kinh Pháp hoa là kết thúc rồi thì Phổ Hiền tới để nghe Pháp hoa là nghe gì.

Điều này nhằm nói rằng phải đóng cửa trần gian lại để mở cánh cửa Phật huệ cho chúng ta bằng cách Phổ Hiền tới để nghe Pháp hoa là nghe Phật huệ. Vì vậy, chúng ta muốn học kinh Pháp hoa theo Phổ Hiền là học Phật huệ, nghĩa là chúng ta phải sử dụng Phật tâm của chúng ta mà hành Pháp hoa hạnh. Tôi diễn tả lý này rằng tâm là thiền, khẩu là pháp và thân là Phật. Nghĩa là tâm đứng yên, sáng lên được thì lời nói của hành giả làm lợi ích cho chúng sanh gọi là pháp.

Và nhập Phổ Hiền hạnh môn, bấy giờ Phổ Hiền hỏi Phật rằng sau khi Phật diệt độ, làm sao có kinh Pháp hoa. Điều này có nghĩa rằng ở đâu có Phật thì ở đó có kinh Pháp hoa, không có Phật cũng không thể có kinh Pháp hoa, dù có bộ kinh Pháp hoa ở trước mặt thì đó là Pháp hoa văn tự thôi.

Pháp hoa mà Phật muốn nói là Pháp hoa của ba đời chư Phật, đó là Phật tâm, Phật đức, Phật hạnh mới kết tinh thành Pháp hoa.

Đức Phật trả lời Phổ Hiền Bồ-tát rằng nếu không có Phật trên cuộc đời mà có người thực tập bốn điều là trồng căn lành ở các Đức Phật, được Phật hộ niệm, bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh và chuyên tâm tu tập thiền quán, được như vậy cũng coi như có Phật. Vì vậy, tôi đọc kinh Pháp hoa, nhưng việc chính yếu là tôi cố gắng thực tập bốn điều này.

Trên bước đường tu, thể hiện việc trồng căn lành, điều quan trọng đối với tôi là không làm mất lòng chúng sanh, không làm mất lòng đại chúng và không làm mất lòng những người chúng ta quen biết, để chúng sanh, đại chúng, người quen biết nghĩ về mình phải nghĩ tốt. Và hơn thế nữa, muốn họ nghĩ tốt, mình phải có Pháp hoa hạnh là phải làm lợi ích cho nhiều người.

Vì vậy, Phổ Hiền hiện thân làm Hàn Sơn thập đắc tu ở Thiên Thai cùng Bồ-tát Văn Thù, một ông nấu cơm, một ông giã gạo, gánh nước, phục vụ đại chúng là thể hiện Phổ Hiền hạnh. Hai vị này thương đại chúng và tạo điều kiện cho đại chúng tu nên được đại chúng thương là đương nhiên. Làm như vậy gọi là trồng căn lành.

Tu hành phải trồng căn lành ở Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Đã trồng căn lành ở Phật quá khứ và Phật hiện tại thì đời này chúng ta được Phật hộ niệm, được người tốt, người có trí tuệ giúp đỡ. Tôi nhận ra điều này rõ ràng, các bậc thiện tri thức thương và giúp tôi trưởng thành vì tôi đã trồng căn lành ở các ngài rồi. Còn tạo nghiệp ác trong quá khứ thì đời này gặp lại nhau, họ nhìn thấy là ghét liền. Nhờ các thiện tri thức có thiện cảm và chỉ lối đưa đường cho tôi đi từ chùa này đến chùa khác để phát huy sở học, nếu không được như vậy e rằng khó sống.

0508tambode

Trồng căn lành ở Phật vị lai, không làm được gì tốt thì cũng phải gieo thiện cảm với người khác, cuối cùng ai cũng nghĩ mình tốt là thực hiện được hạnh Phổ Hiền.

Còn tụng kinh Pháp hoa nhưng không làm được lợi ích gì, mà ai nói động tới liền bực bội là tu sai. Không tụng kinh, nhưng ráng làm dù phải chịu thiệt thòi một chút để được người thương là trồng căn lành.

Để có Pháp hoa, điều thứ ba, không sát hại, nhưng phải cứu giúp bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh. Điều thứ tư giữ tâm thanh tịnh là chuyên tu thiền quán thì Phật huệ mới lưu xuất. Thành tựu bốn việc nói trên là hành giả Pháp hoa thể hiện được yếu chỉ của Pháp hoa trong cuộc sống. Nếu chỉ tụng kinh Pháp hoa suông khó có kết quả.

Và tụng kinh Pháp hoa từ phẩm 28 tụng ngược xuống mới có Phổ Hiền hạnh để chúng ta làm theo. Có bốn vị Bồ-tát là Phổ Hiền, Quan Âm, Diệu Âm, Dược Vương thể hiện Bồ-tát hạnh. Qua việc làm của bốn vị này, chúng ta hiểu rằng Bồ-tát hạnh của Pháp hoa là Phật nói dạng Bồ-tát làm việc lợi ích cho chúng sanh, không phải là Bồ-tát ngồi tụng kinh.

Thật vậy, gặp Phổ Hiền xong, thấy Quan Âm đi khắp nơi, hiện đủ thân, làm đủ việc, ở hoàn cảnh nào, Ngài cũng là người tốt. Kế tiếp thấy Bồ-tát Diệu Âm cũng không tụng kinh, Ngài đi đến đâu thì hoa sen nở đến đó. Ở Kỳ Xà Quật, trước khi Ngài xuất hiện đã có 84.000 hoa sen, tức thấy Ngài không lỗi lầm, tinh khiết như hoa sen... Quan Âm làm đủ mọi việc cứu giúp chúng sanh, trong khi Diệu Âm không làm nhưng nổi bật sự tinh khiết. Vì vậy, học theo Diệu Âm, chúng ta tới đâu phải giống như hoa sen tinh khiết, ai cũng muốn thấy là thể hiện Bồ-tát hạnh của Pháp hoa.

Thứ ba là Dược Vương có tên Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến là Bồ-tát mà ai cũng muốn gặp và thương quý, đó là Bồ-tát của Pháp hoa. Ngài được như vậy, vì nhập Pháp hoa tam muội là vào định Pháp hoa, chứng Đà-la-ni Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến. Và chúng sanh muốn thấy Dược Vương vì Ngài hiểu tường tận tâm ý của họ bởi ngài thực hiện được Đà-la-ni tên là Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn. Học hạnh này của Dược Vương, chúng ta hành đạo phải nói điều mà người muốn nghe, người hiểu được, làm được. Còn nói điều họ không ưa là tự hại mình.

box2-3661

uy nhiên, làm vừa lòng một người còn được, không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Và muốn làm vừa lòng nhiều người, phải đi khắp nơi giáo hóa giống như Đức Phật Thích Ca trải thân cứu khổ độ sanh khắp vùng ngũ hà Ấn Độ, đến đâu tùy theo đối tượng mà Phật nói pháp tương ưng cho họ hiểu được và họ vui mừng làm theo lời Ngài chỉ dạy. Thí dụ gặp vua Tần Bà Sa La, Phật nói pháp trị quốc an dân. Tới Cấp Cô Độc. Phật đưa ra cách làm giàu lương thiện. Tới Kiều Trần Như, Phật dạy cách tu pháp xuất thế, giải thoát để đắc La-hán. Như vậy, Phật đã triển khai giáo pháp để ứng với ba trường hợp khác nhau. Và nhìn kỹ cuộc đời giáo hóa độ sanh của Phật, Ngài nói vô số kinh điển không giống nhau, gọi là hạnh Bồ-tát.

Tổ Phước Huệ nhận ra lý này, ngài nhắc chúng ta cần hiểu yếu chỉ Phật dạy và thực hiện được hạnh Bồ-tát mới quan trọng. Và trên bước đường tu, chúng ta chọn pháp phương tiện nào thích hợp với hoàn cảnh của mình để suy nghĩ, thực tập cho có kết quả tốt đẹp, đó là tu Pháp hoa theo tinh thần Tổ Phước Huệ dạy, không nên ôm cứng một pháp rồi chê các pháp khác.

Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm