Phật giáo có phải là tôn giáo có tính thế giới?
Phật giáo là một tôn giáo thế giới. Vì đức Phật không phải là một vị Thần bảo hộ cho một dân tộc, mà là một bậc giác ngộ với trí tuệ bao quát cả vũ trụ, không gì không thấy, không biết một cách chính xác và thấu triệt, cho nên đức Phật là thuộc tầm cỡ vũ trụ.
> Hãy trao cho thời đại những thứ họ cần
Đúng vậy, Phật giáo là một tôn giáo thế giới. Vì đức Phật không phải là một vị Thần bảo hộ cho một dân tộc, mà là một bậc giác ngộ với trí tuệ bao quát cả vũ trụ, không gì không thấy, không biết một cách chính xác và thấu triệt, cho nên đức Phật là thuộc tầm cỡ vũ trụ. Sự giác ngộ của đức Phật bao trùm cả vũ trụ, ánh sáng từ bi của Phật rọi chiếu khắp tất cả. Do đó, bản chất của Phật giáo là có tính thế giới, có tính vũ trụ.
Vì vậy, trong gần hơn hai nghìn năm trăm năm lại đây, Phật giáo dần dần được truyền bá khắp các nơi trên thế giới.
Sau khi Phật nhập Niết Bàn, khoảng ba bốn trăm năm, do trong nội bộ Phật giáo có ý kiến bất đồng mà hình thành hai hệ phái lớn: Một hệ phái gồm các bậc tuổi cao, và có tính bảo thủ gọi là Thượng tọa bộ. Một hệ phái thứ hai gồm những tăng sĩ trẻ tuổi, có đầu óc tân tiến, gọi là Đại chúng bộ. Về sau, Thượng tọa bộ được truyền bá hướng về phương nam, đến Tích lan. Thượng Tọa Bộ dùng tiếng Pali ở phương nam để ghi chép kinh điển. Vì vậy, về sau cũng gọi Thượng tọa bộ là Phật giáo theo ngữ hệ Pali. Còn Đại chúng bộ thì có một nhánh truyền lên phía bắc Ấn Độ, tuy nó không trực tiếp sản sinh ra Phật giáo đại thừa, nhưng chính trong những khu vực thịnh hành của Đại chúng bộ, đã xuất hiện ra Phật giáo đại thừa.
Trên đây chỉ bàn đại khái về sự phân bố địa lý của Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền. Nhưng nếu, phân tích sâu hơn các sử liệu, thì thấy Phật giáo Nam truyền đến Miến Điện sớm nhất lại là Phật giáo Đại thừa theo văn hệ chữ Phạn. Phật giáo Nam phương đầu tiên theo đường biển đến Trung Quốc cũng là Đại thừa giáo. Ngược lại, trong Phật giáo Bắc truyền cũng có thế lực khá mạnh của Phật giáo Tiểu thừa.
Phật giáo Đại thừa tuy bắt nguồn từ thời đức Thích Ca Thế Tôn còn tại thế, nhưng sau khi Phật nhập diệt, lại rất ít được Tăng đoàn Tỷ Khiêu coi trọng và phát huy. Tình hình này kéo dài đến ba bốn trăm năm. Sau đó, vì trong nội bộ của Phật giáo Tiểu thừa, có sự phân phái phức tạp, cho nên mới có yêu cầu Phật giáo Đại thừa xuất hiện và phát triển, với những nhân vật đại biểu xuất sắc như Mã Minh, Long Thụ, Vô Trước, Thế Thân v.v… Phật giáo Đại thừa dùng chữ Phạn để sưu tập, ghi chép kinh điển cho nên cũng gọi là Phật giáo văn hệ chữ Phạn.
Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Đông Hán, tương đương với buổi đầu của kỷ nguyên Thiên chúa.
Đại bộ phận kinh sách Phật giáo Trung Quốc là do dịch từ kinh Phật chữ Phạn. Tuy Đại thừa rất thịnh hành trong Phật giáo Trung Quốc, nhưng kinh điển Tiểu thừa cũng được dịch rất nhiều. Trung Quốc có đầy đủ những bản dịch của những kinh sách Tiểu thừa quan trọng.
Từ Ngụy Tấn, Nam Bắc triều đến Tùy và Đường là thời đại hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Có nhiều cao tăng xuất hiện, sự giao lưu giữa Trung Quốc và Ấn Độ nối tiếp không ngừng. Trong thời kỳ này, Phật giáo Trung Hoa nở hoa, kết trái, cả Đại thừa và Tiểu thừa có tới 13 tông phái, sau hợp gọn lại còn 8 tông phái Đại thừa. Tức là Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Duy Thức tông, Tịnh Độ tông, Luật Tông, Thiền tông, Mật tông. Sau thời kỳ Ngũ đại do chính trị suy vi, và hoàn cảnh xã hội thúc bách, Phật giáo Trung Quốc lánh xa các trung tâm văn hóa, ẩn vào rừng sâu, tăng sĩ tự cày ruộng lấy để có thóc ăn, việc nghiên cứu nghĩa lý trong kinh sách không còn thích hợp. Vì vậy chỉ còn lại một mình Thiền tông chủ trương bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.
Trong thời kỳ giữa nhà Tống và nhà Đường, còn có một số thiền sư chân tu thực ngộ, có khả năng cảm hóa được nhiều người, thông qua lời nói và việc làm bình dị và chất phác của họ, nhưng cũng do đất mà gieo cái nhân xa cho một loại Phật giáo "ngu muội", khiến cho sau đời Tống và đời Minh, chùa chiền và tăng sĩ tuy nhiều, nhưng đã không còn linh hồn nữa, mà chỉ còn trơ cái xác không mà thôi ! Giáo dục không được coi trọng, chỉ thực hành những nghi thức theo đường mòn cũ, có rất ít cao tăng, và phần lớn tăng đồ đều không có tri thức, tuy gọi là tu hành mà không hiểu biết thì làm sao cảm hóa được người khác? Do vậy, phẩm chất của tu sĩ bị hạ thấp một cách phổ biến, rồi lại cộng thêm có sự bài bác của Nho gia, khiến cho dân chúng đến với Phật giáo càng ngày càng không hiểu Phật giáo là thế nào.
Đến cuối đời nhà Thanh, nhờ có những cố gắng của cư sĩ Âu Dương Nhân Sơn, sự hướng dẫn của đại sư Thái Hư, sự nỗ lực hoằng hóa của các cao tăng như Âu Dương đại sư, Hoằng Nhất, Hư Vân và các vị như Âu Dương Tiệm v.v… Phật giáo Trung Quốc đã có cơ may chuyển biến, thế nhưng vì tệ đoan còn nhiều, thay đổi một lúc cũng không hết cho nên Phật giáo Trung Hoa kể cả Phật giáo ở Đài Loan cũng vậy, đến nay cũng đang ở giai đoạn chuyển mình sơ bộ mà thôi.
Phật giáo Nhật Bản là do từ ở Trung Hoa và Triều Tiên truyền vào (Phật giáo Triều Tiên cũng do từ Trung Quốc đến), khoảng sau thế kỷ 6 T.L. Cho nên về bản chất mà nói, Phật giáo Nhật Bản là thuộc về mô hình của Phật giáo Trung Quốc. Thế nhưng, do trong những thế kỷ gần đây, nhờ tiếp xúc và vận dụng phương pháp nghiên cứu của phương Tây cho nên những thành tích nghiên cứu Phật pháp theo phương pháp mới ở Nhật, không những vượt quá Trung Quốc mà còn dẫn đầu cả thế giới nữa. Đấy là do các học giả Nhật Bản không những nắm được toàn bộ kho tàng quý báu của Phật giáo Trung Quốc, mà còn biết dựa vào văn chữ Phạn và văn chữ Pali mà truy tìm nguyên nghĩa trong Phật giáo cơ bản (nguyên thủy), lại thêm biết sử dụng phương pháp học tập mới, cho nên họ đạt được những thành tích huy hoàng trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên Phật giáo Nhật về mặt tu trì và giải thoát, thì còn xa mới đạt tới lý tưởng trong sáng của các nước theo Phật giáo Nam truyền.
Vào thế kỷ thứ 9, thứ 10 sau khi Phật nhập diệt ở Ấn Độ thế lực của Bà la môn giáo trỗi dậy, đả kích mạnh mẽ không thương tiếc vào Phật giáo. Phật giáo đồ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cũng theo thế thượng mà chấp nhận quan niệm về Phạm thiên của Bà la môn giáo (bây giờ gọi là Ấn Độ giáo), và du nhập quan niệm đó vào Phật giáo Đại thừa. Đấy là nguyên nhân làm cho Phật giáo vốn là thanh tịnh, lại pha tạp các nhân tố mê tín của dân gian thế tục, thậm chí cả đến thuật nam nữ giao hợp trong phòng kín… Đó là thời kỳ gọi là Mật giáo đại thừa, thời kỳ thứ ba của Phật giáo Ấn Độ.
Ấn Độ giáo biết tiếp thu nhiều ưu điểm của đạo Phật, biến thành nhân tố làm cho Ấn Độ giáo trở nên hưng thịnh, còn Phật giáo lại tiếp thu những tín ngưỡng hạ cấp của Ấn Độ giáo, biến chúng thành những nhân tố làm cho nội bộ Phật giáo càng ngày càng hủ bại. Do vậy, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10, trước hai mũi đả kích của Ấn Độ giáo và Hồi giáo, vừa mới xâm nhập Ấn Độ, Phật giáo bị tàn lụi đến tuyệt tích… Thế nhưng, như tài liệu lịch sử chỉ rõ, từ khi đạo Phật bị tiêu vong ở Ấn Độ, thì thế lực của cả nước Ấn Độ cũng ngày một bị suy giảm, đời sống nhân dân càng ngày càng khốn khổ, đất nước Ấn Độ cũng không còn được thống nhất. Mãi đến năm 1950, Ấn Độ mới giành lại được độc lập trong tay bọn thống trị người Anh. Nhưng trên nước Ấn Độ xưa, nay đã xuất hiện thêm các quốc gia có chủ quyền như Pakităng và NêPan…
Hiện nay, Phật giáo đồ ở Ấn Độ, được sự bảo hộ của luật pháp và được sự đối đãi tốt của chính phủ về chính trị, cho nên đã phát triển nhanh chóng, từ năm 1951 đến nay. Thế nhưng, trong tổng dân số hơn 400 triệu người Ấn Độ, Phật giáo đồ chỉ chiếm một số lượng không đáng kể, từ 10 vạn 8000 người tăng lên 325 vạn mà thôi. Đó là điều đáng lo ngại, bởi vì có người tố cáo rằng, Ấn Độ hèn yếu là do tín ngưỡng Phật giáo.
Phật giáo Tây Tạng tuy có quan hệ với Trung Hoa, nhưng là do truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ sang. Phật giáo Tây Tạng tuy cũng là Đại thừa, nhưng chỉ là một nhánh của mật giáo Đại thừa, do Thượng sư Liên Hoa Sinh từ bắc Ấn Độ truyền sang. Tây Tạng thời bấy giờ có nền văn hóa lạc hậu, theo tín ngưỡng đa thần, cho nên Mật giáo đại thừa thần bí và có nhiều linh nghiệm, rất được nhân dân Tây Tạng hoan nghênh đặc biệt, bản thân ngài Liên Hoa Sinh là một vị cao tăng Mật giáo, rất giỏi pháp thuật thần thông lại càng được người Tây Tạng hâm mộ.
Liên Hoa Sinh vốn là đồng môn với ba cao tăng Mật giáo đến Trung Hoa vào đời nhà Đường, tức là Thiện Vô Úy, Kim Cương và Bất Không đều cùng là học trò của Bồ Tát Long Trí. Vì Liên Hoa Sinh cùng với Phật giáo đồ Tây Tạng lúc bấy giờ đều mặc áo đỏ, cho nên giáo phái của họ gọi là Hồng giáo. Đến thời kỳ cuối nhà Nguyên, đầu nhà Minh, sinh hoạt của tăng sĩ Lạt Ma Hồng giáo rất hủ bại, do đó mà có đại sư Tô Lạt Ba (Tsong Kha Pa) xuất hiện, kêu gọi tăng sĩ trở về với nếp sống thanh tịnh, chịu sự chế tài của Luật Phật. Tông Lạt Ba chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu giáo lý, dùng đạo đức để cảm hóa toàn dân Tây Tạng. Vì giáo phái ông mặc áo vàng, cho nên gọi là Hoàng giáo. Mật giáo ở Mông Cổ, Nêpan v.v… đều là những chi nhánh của Mật giáo Tây Tạng.
Sau khi Phật diệt độ, Phật giáo Ấn Độ, trên đại thể có thể chia làm ba thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, từ khi Phật diệt độ cho tới 300 hay 400 năm, là thời kỳ của Phật giáo Thượng tọa bộ, mà đại biểu hiện nay là Phật giáo ở các nước như Tích Lan v.v… Thời kỳ thứ hai, từ 500/600 năm, là thời kỳ của Phật giáo Đại thừa hiển giáo (tức không phải Mật giáo - hiển là có nghĩa lý, sách vở chép rõ ràng). Phật giáo các nước hiện nay như Nhật Bản, Trung Quốc là đại biểu cho Phật giáo Đại thừa hiển giáo. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ Mật giáo đại thừa, đại biểu hiện nay là Phật giáo Tây Tạng. Thời kỳ này bắt đầu từ khoảng 1000 năm sau khi Phật diệt độ. Hiển giáo thì chú trọng nghĩa lý, văn cú rõ ràng, Mật giáo thì thiên về giữ gìn nghi thức, trì chú, đặc biệt là tin tưởng ở sự gia hộ của thần linh.
Nếu diễn đạt một cách khác thì có thể nói thời kỳ thứ nhất là Phật giáo Thanh văn hóa. Thời kỳ thứ hai là Phật giáo Bồ Tát hóa. Thời kỳ thứ ba là Phật giáo Thiên thần hóa. Điều cần thiết hiện nay là triển khai một thời kỳ thứ tư, thời kỳ Phật giáo nhân gian hóa.
Phật giáo phương Tây bắt đầu với triết gia Đức Shopenhauer, tư tưởng ông này mang nặng sắc thái Ấn Độ, chủ yếu là sắc thái của Áo nghĩa thư (Upanishads), và của kinh sách Phật giáo thời kỳ đầu. Hiện nay, các nước Pháp, Anh, Bỉ, Áo, Liên Xô và cả ở Mỹ, Ácgiăng tin, Ba Tây đều có Phật giáo đồ hoạt động, nhưng Phật giáo hoạt động mạnh và có tiền đồ nhất là ở hai nước Đức và Mỹ. Đặc biệt là ở Mỹ, cả Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền và Phật giáo Tây Tạng đều có hoạt động. Nhưng nếu nói chung cả hai châu Âu và châu Mỹ, và đứng về mặt nội dung văn hóa mà nói thì Phật giáo Nam truyền chiếm ưu thế.
Đây là do, từ năm 1505 đến năm 1947, Tích Lan lần lượt bị Bồ Đào Nha, rồi Ha Lan và nước Anh chiếm làm thuộc địa, và Tăng sĩ Tích Lan dùng các nước phương Tây này như cái cầu để qua phương Tây truyền giáo, còn Phật giáo Đại thừa ảnh hưởng tới các nước Âu Mỹ là công lao chủ yếu của người Nhật Bản. Trong những thế kỷ gần đây, công việc truyền bá nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc ra nước ngoài, lạc hậu rất nhiều so với các nước khác, thậm chí so với Tây Tạng cũng còn thua kém. Hiện nay Hoa kiều ở Mỹ tuy nói là tin theo đại thừa Phật giáo, nhưng lại không hiểu giáo lý của đại thừa Phật giáo là gì!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm