Phật giáo nhập thế trong lịch sử dân tộc
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ được thể hiện qua hành động: người có lòng từ bi thì không thể làm ngơ trước thống khổ nhân loại,... Đây chính là hành động thể hiện hạnh nguyện Bồ tát như tinh thần nhập thế với tấm lòng từ bi thương tưởng cứu vớt chúng sanh.
Bản thân Phật giáo vốn mang nét đặc thù của một thực thể giác ngộ giải thoát, chính điều này khiến cho việc nghiên cứu các hoạt động và những tính chất đặc thù của Đạo Phật sẽ khó xác định giữa bản chất và hiện tượng trong sinh hoạt Phật giáo, với mong muốn các nội dung nghiên cứu sẽ phù hợp với bản chất Đạo Phật. Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ, bản chất của Đạo Phật là giác ngộ, giải thoát; muốn diệt khổ thì phải y theo giáo pháp và giới luật của Đức Phật và thực hành cho đến khi thành tựu đạo quả. Sau khi thành tựu đạo quả, người con Phật phải mở lòng từ bi hóa độ chúng sanh. Như vậy thuở ban sơ Đạo Phật chỉ chú trọng việc thực hành giáo pháp và đi giáo hóa khi đã giác ngộ giải thoát. Thời Phật tại thế, sau khi được Đức Phật giáo huấn, các vị Tỳ kheo thường tìm nơi yên tĩnh như dưới gốc cây hay trong các khu rừng vắng để tọa thiền quán tưởng. Đến khi Tăng chúng trong Giáo đoàn đông đủ, Đức Phật mới dạy các vị Tỳ kheo “Hãy đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người”.
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ được thể hiện qua hành động: người có lòng từ bi thì không thể làm ngơ trước thống khổ nhân loại, hoằng pháp lợi sanh thì phải đi vào đời sống của nhân sinh. Đây chính là hành động thể hiện hạnh nguyện Bồ tát như tinh thần nhập thế với tấm lòng từ bi thương tưởng cứu vớt chúng sanh. Đạo Phật hướng con người đến mục tiêu giác ngộ giải thoát. Tự giác – giác tha được xem là hành trình tất yếu mà mỗi hành giả Phật môn phải kinh qua. Với lòng từ bi lân mẫn, mong muốn mọi người đều giác ngộ như mình, chư Tăng đã đem giáo lý Phật Đà truyền bá vào đời sống, từ đây mở ra con đường nhập thế và nhập thế trở thành một hành dụng không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp lợi sanh. Thời Phật tại thế, chư Tăng đi hoằng pháp là hướng trực tiếp đến những người khát khao tầm cầu chân lý giải thoát, đó là hoằng pháp thuần túy về đạo. Vì vậy, thời bấy giờ con đường nhập thế chưa được mở rộng trong đời sống xã hội. Về sau qua mỗi giai đoạn lịch sử, thuận theo trào lưu tiến hóa và nhu cầu xã hội, định hướng hoằng pháp cũng được thể hiện qua nhiều phương cách, tùy theo yếu tố con người và bối cảnh thời đại, từ đó hành trạng nhập thế phát triển trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Truyền thống nhập thế sinh động của Phật giáo Việt Nam
Từ khi du nhập vào nước ta, Đạo Phật đã nhanh chóng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống xã hội, dưới các triều đại từ Đinh, Lê đến Lý, Trần. Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã thể hiện mạnh mẽ trong đời sống xã hội đương thời, bằng chứng là các vị cao Tăng đạo hạnh và có uy tín của Phật giáo đã đứng ra đảm nhận vai trò quân sư, cố vấn triều đình lèo lái con thuyền dân tộc.
Thời nhà Đinh, Thiền sư Ngô Chân Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng thống, ban hiệu là Khuông Việt Thái Sư, đứng đầu Phật giáo thời bấy giờ. Điều này cho thấy triều đại nhà Đinh đã chính thức công nhận nhân sự của Phật giáo trực tiếp tham gia chính sự trong vai trò chỉ đạo tâm linh. Thời nhà Lê, vua Lê Đại Hành đã cho mời hai Thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh làm cố vấn chính trị, Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành đích thân xin ý kiến về cuộc kháng chiến chống quân Tống vào năm 980… Sang thời nhà Lý, Thiền sư Vạn Hạnh đã cố vấn vua Lý Công Uẩn dời đô từ kinh thành Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, tức Thăng Long – Hà Nội ngày nay, biến nơi đây thành một trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, thương mại mang tầm vóc của nước Đại Cồ Việt. Lịch sử ghi nhận Thiền sư Vạn Hạnh đã đào tạo nên Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ, Thiền sư Trí ở núi Cao Dã đã đào tạo nên Tô Hiến Thành, Ngô Hòa Nghĩa… đây là những bậc anh tài kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Các Thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Nguyễn Thường nhiều lần được vua Lý Thái Tổ thỉnh vào cung để luận bàn việc nước. Một số nhà sư đóng góp công lao to lớn với đất nước được triều đình phong làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông, Quốc sư Thông Biện. Thời nhà Lý, sự gần gũi và gắn kết giữa vua quan với dân chúng, đã nói lên mức độ ảnh hưởng nền đạo đức và văn hóa tâm linh của Phật giáo rất sâu rộng, học giả Hoàng Xuân Hãn ghi nhận điều này trong cuốn Lý Thường Kiệt rằng: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta, đó chính là ảnh hưởng của Đạo Phật”.
Đến thời nhà Trần, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm, đã đánh dấu thời kỳ mở đầu của tổ chức Giáo hội Phật giáo độc lập và thuần Việt tại nước ta, khẳng định vị thế vững vàng của Phật giáo trong lòng dân tộc. Đặc biệt tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và hành trạng hoằng pháp lợi sanh của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho thấy chủ trương của Phật giáo thời nhà Trần là đem sự tu chứng đi vào cuộc đời, giúp người đời tiếp cận chánh pháp và tu hành theo đạo giải thoát ngay trong cuộc sống đời thường. Điều này đáp ứng được nhu cầu thực tế của đại bộ phận quần chúng nên đã hội tụ nhân tâm, đánh động lương tri, chuyển mê khai ngộ, khiến cho từ vua quan đến thứ dân bá tánh đều quy ngưỡng về Đạo Phật. Tư tưởng “Hòa quang đồng trần” mang đậm dấu ấn trí tuệ và tinh thần dân tộc, đã được Tuệ Trung Thượng sĩ, bậc thầy của Sơ tổ Trần Nhân Tông, tích cực đem ánh sáng giác ngộ chan hòa vào đời sống thế tục tạo hiệu ứng tác động đến môi trường sống xã hội, bằng tâm từ bi thương tưởng chúng sanh, vì an lạc hạnh phúc số đông, như hình ảnh con ong hút mật hoa được diễn tả trong kinh Pháp Cú: “Như ong đến với hoa; không hại sắc và hương; che chở hoa, lấy nhụy; bậc Thánh đi vào đời cũng thế”.
Nhận thức về tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Vào thời nhà Trần, các vua Trần không chỉ là những Phật tử thuần thành mà còn là những hành giả thâm chứng Phật pháp, với tư tưởng “Phật tại tâm, Tâm tức Phật” và chủ trương “không xa lánh cõi đời, cùng gánh vác việc đời”. Các vua Trần đã thiết lập thể chế chính trị được xây dựng trên tinh thần từ bi, đạo đức, khoan dung của Đạo Phật, khiến cho trật tự xã hội vô cùng ổn định, nhờ đó đã gắn chặt khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống tự lực tự cường của dân tộc, bảo vệ vững chắc giang sơn xã tắc Đại Việt. Điều này được thể hiện qua Hội nghị Diên Hồng do đích thân vua Trần Nhân Tông đứng ra hiệu triệu toàn dân tộc đồng lòng chung sức đánh tan giặc ngoại xâm Nguyên Mông. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông vừa là một nhà chính trị tài ba, một thiền sư lỗi lạc, một nhà lãnh đạo uy tín của Phật giáo. Sau khi hoàn thành trọng trách đối với dân tộc trên cương vị của một bậc minh quân, suốt cuộc đời làm Tăng của vua Trần Nhân Tông là một chuỗi ngày hoạt động tích cực và hiệu quả vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Hành trạng nhập thế độ sanh của vua Trần Nhân Tông đã tạo ảnh hưởng rất lớn trong đời sống đạo đức xã hội, công cuộc đem đạo vào đời của vua Trần Nhân Tông đã không ngừng nâng cao vị thế nhà Trần, củng cố triều đại, tạo nguồn an lạc trong đời sống nhân dân. Lịch sử Phật giáo đã ghi lại lời quốc sư Trúc Lâm, tức Thiền sư Đạo Viên đã giáo huấn vua Trần Thái Tông về bổn phận của một nhà chính trị khi là một Phật tử: “Đã là người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không được xao lãng việc tu học của bản thân”. Hay như vua Trần Nhân Tông đã khẳng định đường lối trị nước của mình: “Nhà chính trị phải thực hiện Đạo Phật trong xã hội”, từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng, vai trò tích cực nhập thế của Phật giáo thời nhà Trần đã góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt.
Ở thời hiện đại, nhất là trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng Dân tộc, góp phần giải phóng quê hương thống nhất đất nước, giang san nối liền một dải Bắc Nam sum họp một nhà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tính tất yếu và giá trị lịch sử sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981
40 năm Giáo hội 12:30 26/04/2022Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết quả của quá trình vận động lâu dài, bền bỉ và hợp quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu lịch sử đặt ra.
Kỷ cương là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
40 năm Giáo hội 12:59 22/02/2022Những thách thức khó khăn do yếu tố chủ quan lẫn khách quan mà chúng tôi đề cập ở đây chính là vấn đề kỷ cương trong sinh hoạt Giáo hội hiện nay.
Chặng đường 40 năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
40 năm Giáo hội 11:10 08/11/2021Đạo Phật đi vào cuộc đời, đánh thức trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, và cả những người tu sĩ ! Giáo lý của nhà Phật không cho phép chúng ta có quyền cao hơn một quốc gia dân tộc mà phải dấn thân, phụng sự nơi quốc độ mà ta có duyên đầu thai vào, giữ gìn sự chung thủy sắc son.
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN
40 năm Giáo hội 08:51 08/11/2021Sáng ngày 07/11/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2021) với sự tham dự của chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐCM, Ban Thường trực HĐTS, 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành.
Xem thêm