Phật giáo với năm Thánh giới
Năm Thánh giới của đạo Phật còn gọi là Ngũ giới hay Năm giới. Thoạt nghe người (sơ cơ) mới đến với đạo Phật qua khái niệm hai từ Thánh giới có vẻ “cao siêu” khó vươn tới nên dễ nản lòng. Song thực tế đây là Năm điều Phật dạy rất gần gũi với đời sống và cũng dễ thực hiện.
>>Phật tử có thể đọc loạt bài về Đức Phật
Nếu ai để tâm và cố gắng thực hành thì 5 điều này trở thành năm Thánh giới chứ không có gì là cao siêu xa vời khó thực hiện cả. Bởi theo các tổ thầy dạy, xét cho cùng ngay cả người xuất gia giới luật ngăn ngừa có đến cả trăm điều, nhưng cũng không chạy ngoài năm Thánh giới này.
Vậy năm giới này là gì? Theo kinh điển Phật dạy năm giới đó là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nói về sự thực hành và lợi ích thiết thực của năm thánh giới này, người viết xin đề cập ở phần sau; còn bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nhìn qua thực tại xã hội hiện nay đôi chút trước khi nói đến hiệu quả khi thực hiện năm giới này.
Như chúng ta đã biết, ta đang sống ở thời kỳ hội nhập kinh tế - văn hóa xã hội toàn cầu, trong đó nền kinh tế thị trường luôn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội gây nên những điều bức xúc thật khôn lường mà theo huyền ký đức Phật dạy thì đây là thời kỳ (Mạt thượng pháp), thời kỳ gây nên nhiều tổn thương cho xã hội loài người (chung quy cũng là do chúng ta đã vi phạm năm giới luật này) nên đã xảy ra bao chuyện thương tâm xa xót, bởi con người thiếu đi sự kiềm chế bản thân, hay nói đúng hơn theo cách gọi của nhà Phật đó là, chúng ta không thể khắc chế được “nóng giận” trước thực tại đời sống mà dẫn đến “si mê” tạo bao ác nghiệp.
Là Phật tử hay không phải là Phật tử, nếu chúng ta hiểu và thực hành hiệu quả năm Thánh giới của đức Phật nêu trên trong thời kỳ hỗn mang này thì mọi việc sẽ trở nên yên ổn.
Vậy chúng ta những người (sơ cơ) bước đầu đến với đạo Phật hãy cùng nhau tìm hiểu năm Thánh giới này và sau đó trải nghiệm thực hành xem ý nghĩa sâu mầu mà đức Phật dạy trong năm giới này như thế nào? Bây giờ trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm năm Thánh giới này:
Vậy “giới” là gì? Gốc nghĩa của chữ giới được hiểu như thế nào cho đúng với nội dung Thánh giới đây?
Giới - có nghĩa là đề phòng, ngăn ngừa những lỗi lầm hoạn nạn đối với thân tâm con người. Mỗi tôn giáo ra đời đều có “giới” riêng của họ. Thí dụ, có Đạo cấm ăn thịt lợn. Ai ăn thì coi là phạm giới; và một số tôn giáo khác họ cũng có những giới điều, giới luật riêng cho môn đồ của mình.
Trong xã hội có nhiều người mê tín quỷ thần thì càng có nhiều giới cấm nhảm nhí khác lạ, như Ấn Độ thời Phật Thích Ca có đủ loại tu khổ hạnh như trát tro vào người, nhịn ăn uống…và tự coi đó là con đường đi tới Niết-bàn trong sạch. Vì thế phải có trí tuệ để nhận biết, phân biệt đâu là giới chính, đâu là giới tà, đâu là Thánh giới của nhà Phật. Đạo Phật luôn lấy việc giữ giới làm cơ sở, lấy thiền định là trọng tâm, lấy trí tuệ làm mục đích.
Vì thế, giới của nhà Phật luôn được gắn bó mật thiết trong ba môn học căn bản nhất đó là Giới-Định-Tuệ, ba giới này còn được gọi là Tam vô lậu học, mà Giới là môn học đầu tiên. Bởi vì, “Giới luật là bậc thang đầu tiên của đạo giác ngộ, là nền tảng của thiền định, trí tuệ”. Đề cập về giới luật HT. Thích Thiện Siêu đã từng nói rõ về giới của nhà Phật là “phòng phi chỉ ác” hay “chỉ ác tắc thiện” - có nghĩa là đề phòng và không làm điều ác, điều sai trái, làm mọi điều thiện, có ích cho mình, cho người. Vì thế, học giới hay giữ giới luôn đồng nghĩa với học luân lý, đạo đức. Giữ giới chính là tạo nếp sống văn minh, hướng thiện mà bất cứ một xã hội tiến bộ nào cũng luôn hướng tới.
Năm điều Thánh giới này do chính đức Phật Thích Ca tuyên thuyết tại vùng đất Câu-Tát -La (tức KoSala, là tên cũ của nước Xá-Vệ ở Ấn Độ cổ). Người được nghe Phật giảng Năm Thánh giới này là ông Trưởng giả trong vùng Câu-Tát-La (ví như một cán bộ thuộc cấp cao nhất của Quận, Huyện bây giờ).
Phật mở đầu bài thuyết pháp bằng cách hỏi ông Trưởng giả rằng: “Nếu ai có cớ hoặc vô cớ định giết ta, hại mạng sống của ta thì ta có muốn không? Nếu có ai trộm tài sản của ta, hay muốn cướp đi của ta thì ta có muốn không? Nếu ai sinh lòng tà dâm với ta và thân quyến của ta thì ta có muốn không? Nếu có ai lừa dối ta hoặc rắp tâm lừa gạt ta, hoặc chửi rủa và nói lời thô tục với ta thì ta có muốn không? Lại có người say rượu, mất cả lý trí, mọi lời nói và các hành vi cuồng loạn do uống rượu của người ấy gây ra với ta, thì ta có muốn không? Dĩ nhiên, ta không muốn xảy ra. Và những gì không muốn nó xảy ra với ta thì cũng chớ làm đối với người khác”. Rồi đức Phật kết luận: “Đó chính là năm điều Thánh giới có nhiều lợi ích cho thế gian. Cho nên đã là đệ tử Phật phải trì năm Thánh giới bởi đó là năm việc Đại bố thí.” (thí ở đây được hiểu là thí ngữ và pháp).
Thường thì người ta hay nghĩ đến những điều to tát, nhưng thực tế cuộc sống mách bảo tất cả những điều to tát lại bắt đầu từ những chuyện nhỏ bé và những việc tưởng như nhỏ nhặt. Đó là những chuyện tiêu cực mà hôm nay ta thấy xảy ra thường xuyên và thật đau lòng. Sự ra đời của năm điều Thánh giới này đã được ghi chép và bàn luận sâu rộng trong suốt chiều dài hơn 25 thế kỷ của Phật giáo đến hôm nay nhắc lại không ít chúng ta nghe rồi ngỡ như nhàm chán.
Nhưng bình tĩnh suy ngẫm về năm Thánh giới này, vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian đến hôm nay ở thời kỳ “Mạt thượng pháp” này, ta càng thấy điều mà đức Phật chế ra năm Thánh giới quả thật là đúng với mọi thời đại, bởi đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự tranh giành hơn thua và tạo nghiệp khổ đau không ngày cùng nếu như con người không sớm giác ngộ điều này. Nguyên nhân thì biết rồi, làm sao để thực hành năm Thánh giới như lời Phật dạy có hiệu quả, dưới đây xin được nhắc lại nội dung của năm giới này:
1. Không sát sinh: Tâm không sát sinh là tâm không hại mạng sống của người khác, cũng như muôn loài thì loài người không có chiến tranh, khủng bố mà hơn 21 thế kỷ qua loài người vẫn chưa hết lo âu…
2. Không trộm cắp: Thực hiện câu, không lấy của không cho thì không còn trộm cắp nữa. Không mánh lới, thủ đoạn hay xúi giục người khác làm điều xảo trá để vụ lợi riêng thì tất nhiên có đời sống lành mạnh và an toàn, hạnh phúc.
3. Không tà dâm: Tức là thực hiện tốt luật hôn nhân gia đình, một vợ một chồng, sống lành mạnh và bình đẳng về quyền lợi vật chất và tinh thần thì làm gì có sự ghen tuông chém giết lẫn nhau. Tục ngữ có câu “Muôn điều ác, dâm đứng đầu”. Dâm ở đây là tà dâm.
4. Không nói dối: Tức là không nói cần, không nói láo, nói lời sai trái. Nói càn là một trọng tội của pháp luật, bởi nói càn gây đảo lộn phải trái. Nếu có nếp sống lành mạnh, nói năng có suy nghĩ để giúp mọi người thấy được lẽ thật, có vậy mới được người đời kính trọng. Ngược lại sẽ gây điều xấu ác.
5. Không uống rượu: Là đồ uống có chất kích thích. Người ta thường nói, rượu vào lời ra. Lời nói của người uống rượu có gì đảm bảo đâu, bởi lời nói ấy phát ra khi tinh thần đã mê mẩn! Uống rượu dễ sinh cáu giận, ẩu đả, mất nhân cách bởi không biết (tàm quý) xấu hổ. Không uống rượu thì trí tuệ luôn sáng suốt, không sinh bệnh trọng được mọi người kính nể; tái sinh đời sống sau không bị mê mờ, ngu si…
Nếu ai ai cũng thực hành năm Thánh giới thì làm sao thế giới không hòa bình, nhà nhà không hạnh phúc, người người no đủ như cha ông ta đã từng dạy. Cho nên giới chính là gốc của Phúc. Người tu Phật, học Phật hay bất kể ai, thực hiện năm Thánh giới cũng đều đạt nhiều lợi ích thiết thực. Ai vi phạm Thánh giới thì đương nhiên là phạm pháp. Thí dụ: ai hại mạng sống của người khác thì bị bắt tù và chịu hình án. Ai trộm cắp hay xúi bẩy người làm điều xấu xa cũng là phạm pháp …Từ đó suy ra Phật pháp và Quốc pháp luôn bổ xung, hỗ trợ nhau đều đem lại lợi ích cho con người. Làm theo năm điều nói trên hẳn nhiên là không phạm Quốc pháp, giữ cho xã hội được an ninh. Giúp cho xã hội tiến bộ phát triển, đó là việc làm “đại bố thí”. Chữ bố thí tức là: ban phát, cho đi (kể cả vật chất và tinh thần trí tuệ). Cho nên mỗi người trên trái đất này đều thực hiện năm Thánh giới là đã làm được “năm việc đại bố thí” cho nhân loại bớt khổ đau.
Đặc trưng của năm Thánh giới nhà Phật mang đậm tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Vì thế, nội dung của năm Thánh giới này đã được Hội nghị Phật giáo Quốc tế năm 1998 kiến nghị với Liên hiệp quốc nêu rõ một tiêu chí là “Năm giới (ngũ giới) phải là nền tảng của giáo dục toàn cầu…”. Qua đây ta thấy Phật pháp “bất ly thế gian” để giác ngộ con người.
Phân biệt giới và Thánh giới:
Như trên đã đề cập, giới không phải là “cá biệt” riêng có của Phật giáo vì các tôn giáo khác cũng có giới của riêng họ. Vì thế phải phân biệt đâu là Thánh giới để việc giữ giới không bị nhầm lẫn, lạc đường.
Giới do đức Phật Thích Ca nói ra, được ghi chép trong các bộ kinh Phật thì đều được gọi là Thánh giới cả.
Trong Tăng chi bộ kinh 3B - trang 73 đức Phật nói ra 10 mục đích hình thành giới bổn là nhằm ngăn ngừa điều ác, phát sinh và tăng trưởng điều thiện, giữ thân tâm thanh tịnh để những phiền não về (tham, sân, si) mất dần.
Sở dĩ Phật chia ra nhiều loại giới là để đáp ứng phù hợp với các thứ bậc tu hành như: xuất gia, tại gia. Thí dụ: giới cho hàng Phật tử tại gia gồm có: Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới. Hàng Tỳ kheo xuất gia: về Tăng (sư nam) có 250 giới; về Ni (sư nữ) có 348 giới. Lại còn thế gian và xuất thế gian nữa…căn cứ vào từng loại “giới” mà người tu Phật cứ ứng dụng tùy duyên. Bởi Phật pháp là “bất định pháp”, lấy tinh thần “khế lý-khế cơ” làm nền tảng. Cho nên việc tu Phật hay việc giữ giới trong Phật giáo rất uyển chuyển không cứng nhắc, cũng không cực đoan bế tắc như một số tôn giáo khác.
Nhưng trong các “giới” kể trên, đều lấy cơ sở của Ngũ giới (năm giới) làm căn bản. Theo HT. Thích Thánh Nghiêm: Đứng về nguyên tắc mà nói, đạo Phật không có giáo điều nếu nói có giáo điều thì đó là giới luật.
Thế nhưng, giới luật của đạo Phật không phải xuất phát từ mệnh lệnh, từ ý trí của Thần Thánh, vì vậy nó không bao hàm tính chất thần bí như các tôn giáo khác. Giới luật của đạo Phật dựa vào yêu cầu của luân lý, đạo đức và có tính chất trải nghiệm thuần lý ứng dụng.
“Giới luật căn bản của đạo Phật là 5 giới, 10 điều thiện, 8 giới và 10 giới của người xuất gia, giới luật của Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, ngoài ra lại có còn giới luật Bồ tát của Đại thừa. Nhưng tất cả đều lấy 5 giới, 10 thiện mà nâng cao lên hay là phân biệt chi tiết thêm mà thôi. Vì vậy, nếu giữ gìn được hoàn thiện 5 giới, 10 thiện, thì chấp hành các giới luật khác sẽ cũng không khó khăn gì lắm”. Nên 5 giới đầu gọi là Năm Thánh giới.
Như vấn đề nêu trên, vì sự dung hợp giữa Phật pháp với Quốc pháp cho nên Phật giáo có mặt tại các quốc gia luôn được đón nhận và tôn trọng. Vì thế sự ảnh hưởng rộng lớn của Phật giáo trong các xã hội tiến bộ trên thế giới từ nhiều thế kỷ nay đã khẳng định chân lý hay nói cụ thể hơn là Giáo lý của đạo Phật luôn luôn tương thích với thực tế khách quan.
Tài liệu tham khảo:
- Kinh Phạm Võng; Tăng chi bộ kinh.
- Bài: Giáo lý, giáo điều căn bản của đạo Phật là gì? HT. Thích Thánh Nghiêm;
- Bài: Đạo Phật và năm điều thánh giới - Pháp Vương Tử - (Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 3 năm 2003)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm