Phật pháp giúp người lỗi lầm
Tôi lúc trước, si mê cùng lầm lạc. Gây biết bao, khổ não cho nhiều người. Nhờ Tam Bảo, mẹ hiền đã tế độ. Tôi vượt qua, ngục tù trong muôn khổ. Để rồi đây, kết nguyện với muôn loài. Hầu đền đáp, sẻ chia cùng tất cả . Để cùng nhau, kết nối tình yêu thương.
Nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh nguyện dành phần đời còn lại cho Phật Pháp
Đã làm người trong thiên hạ, ai không một lần thất bại, nếu ta ngồi yên hay đứng lại một chỗ thì không bao giờ vấp ngã. Càng bước đi, càng dễ dàng vấp ngã, nhưng nó không làm chết đi những con người tài đức, mà chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, lập trường cho người có đức hạnh và tài ba. Ngược lại nó, sẽ quật ngã những kẻ mềm lòng, yếu đuối, bạc nhược, dễ duôi, không có khả năng kiên nhẫn, chịu đựng, để rồi rơi vào hố sâu của đam mê tội lỗi. Nghịch cảnh hay chướng duyên, không phải là tảng đá lớn ngăn cản bước đi của chúng ta. Nó chỉ là thềm đá rộng, để giúp cho bước chân chúng ta đi đều và vững vàng hơn, trong cuộc hành trình trở về thế giới tâm linh của chính mình.
Giống như cục đất sét, khi chưa được nhào nặn để đưa vào lò nung đúng độ, gặp trời mưa chúng sẽ rã ra, không còn xài vào việc gì được nữa, thậm chí còn làm tổn hại đến cho nhiều người.
Ngược lại. Cục đất sét kia, sau khi đã được con người nhào nặn và tôi luyện đúng độ trong lò nung, dễ trở thành một bình trà xinh xắn, cuối cùng đã giúp cho con người có những tách trà thơm ngon.
Chúng tôi chân thành xin mời tất cả bạn lữ gần xa, cùng ngồi lại bên nhau để thưởng thức những tách trà thơm ngon tinh khiết. Xin mời!
Đã làm người, ai không một lần vấp ngã hay thất bại! Vấp ngã nhiều hay ít thực ra không quan trọng, mà quan trọng là sau khi vấp ngã chúng ta có can đảm đứng dậy hay không? Chúng ta có dám mạnh dạn nhận diện lỗi lầm để làm mới lại chính mình, hay biết mà vượt qua không nỗi để rồi phải chịu mang họa vào thân. Cuối cùng bị mặc cảm, tự ti, hối hận suốt cả cuộc đời chôn vùi trong khuất lấp và sống trong đau khổ lầm mê. Để vượt qua lỗi lầm sau khi vấp ngã, chúng ta phải tự đứng lên mặc dù rất khó. Nhưng nếu không nhận ra được lỗi lầm, dù có muốn làm mới lại cuộc đời, làm mới lại chính mình, cũng phí công vô ích. Vì sao? Vì không thấy mình sai, làm sao sửa sai?
Cho nên, người có lỗi lầm sau khi vấp ngã, hãy can đảm nhận ra điều sai quấy của mình, nguyên nhân từ đâu đến, do khách quan hay chủ quan, nếu là khách quan, ta hãy nên quán chiếu xem xét trở lại, tự mình an ủi lấy mình, biết đây là nghiệp xấu đã gieo tạo từ trước, giờ đến hồi trả quả. Một con người đáng được tán thán và ca ngợi không phải ở chỗ chưa bao giờ vấp ngã, mà sau khi vấp ngã, người đó có dám mạnh dạn đứng lên hay không?
Chúng ta đã biết, trong đời này có hai hạng người đáng được tán thán và tôn kính. Hạng người thứ nhất chưa từng lầm lỗi, hạng người thứ hai đã từng gieo tạo tội lỗi, nhưng biết ăn năn sám hối hứa chừa bỏ và không còn tái phạm lỗi lầm. Giống như con cá khi đã bị mắc vào lưới, mà còn tìm cách nhảy ra để được thoát thân không phải hay là gì? Cũng đồng là cá, biết bao con khác phải nằm chờ chết, vì không đủ sức vùng vẫy thoát ra, đành cam chịu số phận tối tăm.
Hình ảnh cá nhảy khỏi lưới, là dụ cho người mắc phải sai lầm làm những điều tội lỗi, mà biết quay đầu làm mới lại chính mình. Thế gian này vượt cạn lên bờ được mấy ai. Ý chí, niềm tin và nghị lực có thể giúp chúng ta vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Con đường dẫn tôi đến với Phật Pháp
Ma túy, cờ bạc, rượu chè, đàng điếm…chúng ta có thể vượt qua một cách dễ dàng, song để sống làm người không vì lợi ích riêng tư, luôn sống vì tha nhân, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình, đây mới là điều khó làm nhất của một con người.
Ta không thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại, nhưng ít ra ta cũng phải thích nghi với cuộc sống thực tế, khi đối mặt với khó khăn và chướng ngại. Người có khả năng tu tập, thì dễ dàng vượt qua sóng gió cuộc đời. Người thiếu niềm tin về chính mình, thường không sáng suốt nhận định đúng sai, dễ trở nên oán giận, thù hằn, tạo ra nỗi khổ niềm đau cho nhau, cuối cùng chuốt họa vào thân và chấp nhận cuộc đời đen tối.
Ý chí niềm tin và nghị lực là ba điều không thể thiếu trong cuộc sống, để chúng ta vững vàng bước đi những bước chân trên khắp nẻo đường, mà cuộc sống vốn nhiều thay đổi và đầy gian nan thử thách. Chúng ta phải tin rằng không có gì là cố định cả, mọi thứ đều có thể thay đổi được. Nhờ có ý chí, chúng ta mới có thể học hỏi từ những thất bại đã qua, cố gắng vươn lên vượt qua số phận, không nản lòng thất chí khi gặp phải khó khăn chướng ngại.
Ai cũng có khả năng và sức mạnh của ý chí, đang tiềm ẩn nơi mỗi con người chúng ta, để vươn lên làm mới lại chính mình. Muốn vượt qua số phận, ta phải kiên nhẫn bền chí, can đảm dũng mãnh, siêng năng tinh tấn, để làm mới lại cuộc đời.
Trong cuộc sống ít ai hoàn hảo về mọi mặt, vì đã gieo nhân tốt xấu lẫn lộn. Muốn vượt qua cạm bẫy cuộc đời, chúng ta hãy nên chiêm nghiệm câu thơ của Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều: “Tu là cội phúc, tình là dây oan.”
Tại sao? Tu là cội phúc, tình là dây oan? Chữ tu ở đây không phải là gì cao siêu mầu nhiệm, không phải cạo đầu vô chùa hay vào rừng sâu núi thẳm mới gọi là tu. Tu có nghĩa là chuyển hóa thay đổi, buông xã những gì chấp mắc, trói buộc làm chúng ta không được an vui hạnh phúc, làm cho mình và người khổ đau.
Tình ở đây mang ý nghĩa thâm sâu hơn, tình là những thói quen xấu có tính cách hại mình, hại người làm khổ đau cho nhau như tham lam, ích kỷ, bỏn xẻn, hiểm độc hận thù, ganh ghét phá bỏ, triệt tiêu hủy diệt, cho nên nói tình là dây oan. Một cục muối, một củ cà rốt, một quả trứng, sau khi được đun sôi một thời gian, chúng ta sẽ thấy thế nào?
Cục muối với hình dáng bên ngoài coi vẽ rắn chắc, nhưng khi bỏ vào nước từ từ sẽ bị hòa tan theo thời gian, củ cà rốt cứng chắc cũng mềm đi khi bị nấu chín, còn quả trứng tuy vỏ mỏng manh nhưng khi được luộc qua nước sôi nóng bỏng, lại trở nên cứng cáp hơn. Cũng vậy, nếu con người không được tôi luyện trong gian khó, sẽ dễ dàng gục ngã trước phong ba bão táp cuộc đời và khó có thể làm mới lại chính mình.
Bằng kinh nghiệm của bản thân, sau khi vấp ngã được Phật pháp cứu vớt làm mới lại cuộc đời, chúng tôi có đôi lời chân thành xin được chia sẻ cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa. Một chút tâm tình, mong được kết duyên sâu cùng với tất cả mọi người.
Thường Chiếu ngày 10 tháng 8 năm 2010
Kính ghi
Phong Trần Cuồng Nhân
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm