Phật tử Diệu Thảo: Xuất gia gieo duyên để nếm được hương vị đời sống của người tu hành
"Động lực lớn trong con đường tu của tôi là từ ngày tu tập, tôi cắm hoa sen trên bàn thờ Phật thì hoa sen nở mà trước đó chưa bao giờ nở nên tôi tin vào sự nhiệm màu của Phật Pháp và hết lòng tín tâm vào Phật Pháp".
Nhân duyên lành, chúng tôi có dịp trò chuyện với Phật tử Diệu Thảo - tác giả từng tham gia cuộc thi "Đạo Phật trong trái tim tôi" để hiểu về cơ duyên và những trải nghiệm khi đến với đạo Phật.
PV: Nhân duyên nào giúp chị đến với Phật pháp?
- Phật tử Diệu Thảo: Em trai tôi là người đã đưa tôi đến với Phật Pháp. Cách gieo mầm của em tôi là đưa cho tôi quyển sách Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa và bảo tôi đọc, khi nào rảnh thì chị đọc, cầm lên đọc một chữ cũng được, đọc trang đầu cũng được vì em tôi biết duyên đến với Phật Pháp không phải dễ nên gieo mầm cho tôi từ từ, không ca ngợi Phật Pháp, không khen, và không ép giống nhiều người vẫn gieo mầm.
Tại thời điểm mùa hè cách đây 8 năm, tôi đã trải qua 3 giấc mơ trong đó có 1 giấc mơ con gái bị rắn bò vào người, giấc mơ thứ 2 rắn bò vào nhà và giấc mơ thứ 3 con gái bị chết đuối. Cả 3 giấc mơ tôi đã kể cho em trai tôi nghe, và đến giấc mơ thứ 3 thì em trai tôi nói “chị ráng mà tu đi để cứu con chị”. Câu nói đó, tôi suy nghĩ lắm. Rồi đêm đó tôi nằm mơ bị người ta đuổi đến vách núi và hết đường chạy, chỉ có thể rớt xuống núi mà thôi. Trong giấc mơ, khi mơ đến đây tôi không sợ, tự nói với mình trong suy nghĩ mơ thôi mà, có gì đâu mà sợ, bước ra khỏi giấc mơ là hết. Thế là tôi bước ra khỏi giấc mơ. Hôm sau, tôi lại kể cho em trai nghe, em nói đó là thử thách cho chị để tu tập, chị không sợ thì bắt đầu đi nhé. Thế là tôi bắt đầu đến với Phật pháp từ đây theo quyển sách Khai thị em tôi đưa cho tôi.
PV: Điều gì khiến chị tâm đắc và muốn tìm hiểu nhiều nhất khi đến với đạo Phật?
- Quyển sách đầu tiên tôi đọc là quyển sách Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa. Chính xác tôi chỉ đọc được đến trang thứ 2 là buồn ngủ giống như em tôi đã nói trước. Lúc đó tôi nảy ra ý định: buồn ngủ thì tôi nghe qua kênh Youtube vào những lúc nấu ăn, lau nhà, rửa chén … thì không gì có thể ngăn cản được tôi và tôi đã làm đúng như thế. Ban đầu tôi không hiểu được nhiều từ ngữ mới lạ nhưng nhờ có em tôi chỉ dẫn giải thích thêm nên tôi hiểu được vì sao phải ăn chay và linh ứng khi niệm Phật Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nhờ ăn chay, nghe Khai thị và nghe các bài giảng của Hòa thượng Tuyên Hóa mà tôi thấy cần phải tu tập để trừ bỏ tham sân si và học cách buông bỏ những nỗi khổ niềm đau của cuộc sống để có được cuộc sống an lành, không bị chìm đắm vào các chướng ngại đến với mình. Hồi đó, tôi chỉ hiểu được đến đó thôi nhưng chính vì cách suy nghĩ đơn sơ thế mà tôi luôn sống trong tinh thần lạc quan, giảm được tham sân si trong đời sống hàng ngày và thấy cuộc sống ngày càng có ý nghĩa.
Động lực lớn trong con đường bắt đầu tu tập là từ ngày tu tập, tôi cắm hoa sen trên bàn thờ Phật thì hoa sen nở mà trước đó chưa bao giờ nở nên tôi tin vào sự nhiệm màu của Phật Pháp và hết lòng tín tâm vào Phật Pháp.
PV: Chị đã ăn chay từ khi nào và chị đã thấy mình thay đổi ra sao sau thời gian ăn chay?
- Như một sự trùng hợp, thời điểm tôi đến với ăn chay trùng với thời điểm tôi nằm mơ như đã kể ở trên. Ngày đầu tiên tôi bị nghén và cơ thể thấy rùng rợn khi ăn miếng thịt và đi vào cơ thể. Ngay ngày hôm sau, tôi đi chợ, ra chợ thấy người ta đập đầu con cá mà thấy thương con cá, xót xa cho nó, sao thấy bàn tay con người có thể đập con cá chết trong tích tắc, lòng từ bi của tôi phát sinh ra từ đó. Những lần sau đi chợ, cứ đi qua hàng tôm hàng cá, thấy các con cá con tôm hay con lươn con ếch mà đang còn bơi trong nước hay ngồi chờ đến lượt là tôi thấy trong lòng mình đầy tội lỗi và tự đặt câu hỏi sao trước đây mình có thể lấy mạng sống của các con vật làm thức ăn cho mình được? Từ suy nghĩ ấy và hiểu được sự luân hồi qua sách Khai thị mà tôi đã đoạn tiệt ăn mặn để ăn chay hoàn toàn và không ăn luôn ngũ vị tân.
Sau thời gian ngắn ăn chay, cơ thể tôi thấy nhẹ nhàng hơn, chứng chướng bụng vào các buổi tối không còn nữa nhưng cái được lớn lao nhất là lòng từ bi tăng trưởng theo thời gian. Nghĩ và làm luôn hướng thiện, nhìn tích cực, sống tích cực và thấy mình an lạc hơn.
PV: Được biết chị vừa tham gia khoá xuất gia gieo duyên, vậy chị có cảm nhận gì khi được khoác lên mình chiếc áo của người tu hành?
Sau chuyến đi Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái do chùa Giác Ngộ tổ chức, nhờ người bạn hỏi thăm tôi về Khóa tu xuất gia gieo duyên tại chùa Giác Ngộ mà tôi khởi luôn ý niệm sao mình không tham gia khóa tu luôn? Tu tập mà không tham gia khóa tu này thì uổng phí lắm và ít nhiều sẽ nếm được hương vị của đời sống xuất gia là như thế nào nên tôi đã lên kế hoạch để tham gia vào khóa tu này.
Trong thời gian chờ đợi đến ngày khóa tu được diễn ra, trong lòng háo hức ngày được xuống tóc, được đắp y, hai tay để phía trước bụng theo thế Cung thủ rồi khoan thai bước đi trong an lạc. Nghĩ đến đó thôi là đã an lạc lắm rồi.
Giây phút xuống tóc, tiếp nhận 10 giới cùng áo Nhật Bình và đắp chiếc y giải thoát của Như Lai trong lòng xúc động dâng trào khó tả, cảm giác không phải mình đang sống ở năm 2023 mà đang sống ở thời của Đức Phật còn tại thế, thấy Phật rất gần mình và hình như đang ở xung quanh mình, niềm sung sướng khó có thể nói lên thành lời bởi ngay tại thời điểm đó, mọi thứ của cuộc sống đời thường đã không còn nắm giữ, tóc đời đã cạo sạch, nút tắt bật xuống thì nút bắt đầu vào tu tập được bật lên mà bao tháng ngày qua mong chờ đã đến và cảm nhận từ đây trong 7 ngày nên đó là giây phút trân quý, thiêng liêng và có ý nghĩa trong đời. Chính vì lẽ đó mà giây phút đội y lên đầu để hoàn y và áo Nhật Bình sau 7 ngày xuất giao gieo duyên cũng xúc động trong tiếc nuối để rồi lại trở về cuộc sống đời thường của Phật tử tại gia.
PV: Trong cuộc sống và công việc của mình, để thân tâm luôn được an lạc, điềm tĩnh trước mọi sự việc, trước mọi biến động của đời sống xã hội, Phật tử đã làm như thế nào?
- Tôi đặt ra cho mình một lối sống trong tu tập đó là gác mọi chuyện hàng ngày dưới đất trước khi bước chân lên giường đi ngủ và không đem theo gì, buông xuống hết để ngày mai lại bắt đầu một ngày mới với hương vị mới. Mọi chuyện đều có thể giải quyết.
Từ bi là cách hóa giải trong các mối quan hệ phức tạp, tôi luôn nhìn ưu điểm để làm giảm đi nhược điểm của sự việc và nhìn theo cách tích cực sẽ làm cho bản thân mình không bị dính mắc vào đó nhiều vì gây phiền não nhiều hơn. Muốn hướng đến an lạc thì học cách buông để tâm mình không bị vướng mắc thì thần thái và năng lượng luôn dồi dào.
Để học cách buông, giảm bớt sân thì tôi đã cài màn hình điện thoại hình ảnh có câu: hãy kiểm soát bản thân trong một thời gian dài vì điện thoại là cách nhắc nhở mình thường xuyên và chính điện thoại là thiết bị mà mỗi ngày sử dụng nó rất nhiều. Cầm điện thoại lên thấy chữ Kiểm soát bản thân, lại một lần nữa được nhắc nhở và cứ thế, chữ buông trong đời sống hàng ngày sẽ giúp ta buông nhiều hơn, buông càng nhiều thì an lạc sẽ nhiều hơn.
PV: Là một Phật tử, chị nghĩ gì về vai trò của mình trong việc truyền tải giáo lý Phật đà tới rộng rãi cộng đồng yêu mến đạo Phật?
- Trong khóa tu xuất gia gieo duyên vừa qua, trong bài pháp thoại của Ni sư Thích Nữ Huệ Phúc dạy rằng sau khóa tu này, mỗi Phật tử tại gia hãy là một hoằng pháp viên, Phật hóa cho những người thân trong gia đình mình trước rồi sẽ hoằng pháp cho bạn bè và nhiều người khác.
Tôi rất thích câu này bởi những gì hay và vi diệu của Phật pháp nên được lan tỏa và chia sẻ không chỉ gói gọn trong gia đình mà còn cho nhiều người trong xã hội để mọi người hiểu hơn, sống biết yêu thương nhiều hơn, đối xử với nhau ân tình hơn thì cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Bản thân tôi, từ khi biết đến Phật pháp, tôi đã là một hoằng pháp viên từ những ngày đầu ăn chay và học Phật pháp. Tôi và em tôi đã hướng được mẹ tôi ăn chay trường trong một thời gian dài, bố tôi không còn cái nhìn trái chiều với ăn chay mà bù lại còn thích ăn chay. Mẹ tôi là một bệnh nhân ung thư đã trải qua những lần hóa trị như chết đi sống lại nhưng mẹ luôn sống trong lạc quan và yêu thương con cháu vô bờ bến nhờ phép vi diệu của Phật pháp mà mẹ kiên trì tụng kinh niệm Phật mỗi ngày.
Đối với bên ngoài, tôi luôn chia sẻ những lợi ích từ học Phật pháp đến cho mọi người và có một trang facebook luôn chia sẻ những lợi ích của việc học Phật pháp từ bản thân cá nhân tôi để lan tỏa đến mọi người cũng như lối sống tích cực, luôn tràn đầy năng lượng yêu thương gửi đến mọi người để mong mọi người biết đến Phật pháp nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, từ bi nhiều hơn và luôn được an lạc trong ánh hào quang của mười phương Chư Phật và chư Bồ Tát.
Xin tặng bài thơ sưu tầm được trên facebook để kết thúc buổi trò truyện này:
Có những người tâm thiện như hoa sen
Tặng cho đời vẻ thanh tao thuần khiết
Chỉ nhìn thôi cũng thấy thương tha thiết
Đem an hòa gieo khắp miền nhân gian.
PV: Chúc chị thân tâm an lạc và tinh tấn trong quá trình tu tập.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm