Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 27/11/2016, 08:23 AM

Phong tục thờ cúng tổ tiên và tuệ giác của đạo Bụt

Hỏi: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhận thức của con người về các quá trình tự nhiên và xã hội ngày càng sâu sắc, ngày càng đầy đủ và ngày càng mang tính phổ biến hơn. Vậy trong thời kỳ đó, theo Thiền sư, niềm tin tôn giáo vì thế có giảm đi hay không và nếu không thì vì sao? Cũng xin ý kiến của Thiền sư về xu hướng phát triển của tôn giáo trong tương lai sẽ như thế nào khi nhân loại ngày càng bước sâu hơn vào nền văn minh?

Thiền sư Nhất Hạnh: Sự hành trì đó là mê tín hay không mê tín, tùy theo cách mà chúng ta thực tập. Trong nhà của chúng ta, thường thiết lập bàn thờ tổ tiên vào vị trí trung ương vì chúng ta muốn tôn vinh tổ tiên. Dù cho nhà của chúng ta là nhà tranh vách nứa thì chúng ta cũng đặt bàn thờ tổ tiên vào vị trí trung ương. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta có niềm tin nơi tổ tiên, giai đoạn này rất là quan trọng. Sự kiện thiết lập một bàn thờ tổ tiên trong nhà là một hành động giáo dục rồi. Có thể coi như là một cái gì rất khoa học mà không phải mê tín.

Nếu mình công nhận rằng cây có cội, nước có nguồn thì đó là một niềm tin rất khoa học. Có gì là mê tín đâu?  Vì bàn thờ tổ tiên biểu trưng cho niềm tin đó. Chúng ta có gốc, có nguồn và chúng ta đã tiếp nhận được những giá trị lớn lao từ gốc, từ nguồn của chúng ta. Sự có mặt của bàn thờ tổ tiên trong nhà không phải là dấu hiệu mê tín gì hết. Những người không hề theo đạo Phật, những người Cơ đốc giáo hoặc những người cộng sản cũng có thể làm như vậy. Trong nhà mình mà có một bàn thờ tổ tiên thì điều đó chứng tỏ rằng mình có gốc, có nguồn và mình luôn luôn hướng về cội nguồn của mình. Điều này rất đẹp, đó là văn hóa chứ không phải là tôn giáo, không phải là mê tín.

Mỗi ngày mình tới bàn thờ tổ tiên, lấy miếng vải để lau bụi, hay là đốt một cây hương để cắm vào lư hương, hành động đó có người cho là mê tín nhưng theo tôi, rất là khoa học, tại vì trong thời gian đốt cây hương thì mình có cơ hội tiếp xúc được với tổ tiên trong từng tế bào cơ thể mình. Nếu chúng ta tin rằng tổ tiên đang ngồi trên bàn thờ và đợi chúng ta đốt một cây hương cho quý ngài thì đó là mê tín nhưng chúng ta biết rằng tổ tiên không ngồi trên bàn thờ. Bàn thờ chỉ là một biểu tượng cũng như một lá cờ, lá cờ không phải là đất nước, chỉ là biểu tượng thôi. Bàn thờ cũng vậy, trong khi chúng ta đốt một cây hương, chúng ta phải sử dụng năng lượng của niệm của định và của tuệ thì hành động đốt hương đó mới có giá trị. Đó là giá trị tâm linh và rất khoa học.

Thầy tôi dạy rằng: Mỗi khi con đốt một cây hương, con phải đem hết cả sự thành tâm vào trong việc đốt hương. Làm thế nào trong khi đốt hương có năng lượng của niệm, của định, của tuệ. Niệm là năng lượng của sự có mặt hoàn toàn của thân và tâm. Khi mà thân và tâm của mình về lại với nhau, mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại thì đó gọi là năng lượng của niệm. Khi mình có sự chuyên chú vào hành động đó mà không suy nghĩ về quá khứ, không suy nghĩ về tương lai, không suy nghĩ về bất cứ một cái gì khác nữa thì đó là năng lượng của định.
 
Trong khi đốt một cây hương chúng ta làm thế nào đốt cây hương để năng lượng của niệm và của định có mặt, nghĩa là chúng ta có mặt, thân và tâm phải có mặt đích thực trong giây phút hiện tại và ta phải chuyên chú vào việc đốt hương thì đó là điều kiện để có sự truyền thông. Trong thời gian đốt hương và cắm cây hương lên bàn thờ thì ta có niệm và có định, chính cái niệm và định đó giúp ta tiếp xúc được với tổ tiên hiện đang có mặt trong từng tế bào cơ thể. Theo tôi đó là một hành động rất khoa học, nó không có cái gì mê tín hết.

Cũng như khi chúng ta chào một lá cờ. Có mê tín gì đâu? Lá cờ đó tuy chỉ là một miếng vải thôi nhưng biểu trưng cho đất nước. Nếu nói là thắp cây hương mê tín thì chào cờ cũng là mê tín. Vì vậy tùy theo nhận thức của chúng ta mà thôi. Như tôi đã nói, tôn giáo có phần hy vọng, có phần cầu nguyện nhưng đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, đạo Phật là tuệ giác và tuệ giác đó có thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay trong giây phút hiện tại.

Như phương pháp thiền hành, gọi là thiền đi, chúng tôi thực tập mỗi ngày. Khi chúng tôi đem tâm về với thân, có mặt thật sự trong giây phút hiện tại thì chúng tôi tiếp xúc được ngay với bao nhiêu là mầu nhiệm của sự sống đang có mặt: Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở... Tất cả những cái mầu nhiệm đó của sự sống có mặt trong giây phút hiện tại và ta phải trở về giây phút hiện tại mới có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm đó của sự sống. Những mầu nhiệm đó sẽ nuôi dưỡng ta và làm cho chúng ta thấy rằng sự sống là một cái gì hết sức mầu nhiệm. Đi thiền hành (walking meditation) là đem tâm thân về với nhau, mỗi bước chân đưa ta trở về với giây phút hiện tại để ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm sự sống. Mỗi bước chân đem lại vững chãi, thảnh thơi, hạnh phúc và chúng ta bước như là đang bước ở cõi Tịnh Độ hay là ở cõi Thiên Đường.

Tôn giáo hay diễn giải rằng Thiên Quốc hay Thiên Đường chỉ nằm ở tương lai và nằm ở chỗ khác. Nhưng mà theo tuệ giác của đạo Phật thì cõi gọi là Tịnh Độ, gọi là Niết Bàn có mặt ngay trong giờ phút hiện tại với tất cả những mầu nhiệm của nó. Khi mình đem tâm trở về với thân và mình có mặt đích thực trong giây phút hiện tại thì mình tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của Niết Bàn, của Tịnh Độ và mỗi bước chân mình đặt vào Tịnh Độ (mà không đặt ra ngoài). Vì vậy thiền hành nghĩa là thực tập sống hạnh phúc, sống vững chãi, sống thảnh thơi và sống tự do trong giây phút hiện tại. Phần lớn chúng ta đều tin rằng hạnh phúc chỉ có thể có được trong tương lai cho nên ai cũng bương bã đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Chúng ta nghĩ rằng những điều kiện hạnh phúc chưa đủ, chúng ta cần một vài điều kiện nữa và những điều kiện đó chúng ta phải đi tìm ở tương lai. Hầu hết chúng ta đều hy sinh giây phút hiện tại để đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Đó là lầm lỗi căn bản.

Đức Phật nói rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, đó gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện pháp tức là giây phút hiện tại, lạc trú là sống hạnh phúc. Đem tâm trở về với thân và có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, khi đó ta  tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Ta sẽ thấy rằng những điều kiện hạnh phúc ta đang có, dư sức để có thể có hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Ví dụ như quý vị thực tập thế này: 

Thở vào tôi có đôi mắt sáng, 
Thở ra tôi mỉm cười vì hai con mắt sáng của tôi.

Hai con mắt sáng là điều kiện rất lớn của hạnh phúc vì chỉ cần mở mắt ra là ta thấy trời xanh mây trắng, thấy rõ cái khuôn mặt dễ thương của đứa con mình. Tôi cũng có thể ý thức là mình đang có một trái tim còn tốt, nó đang hoạt động bình thường. Bởi vì có những người có trái tim không bình thường và họ đang mong ước có trái tim bình thường như chúng ta. Chúng ta có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc, nếu chúng ta trở về giây phút hiện tại, tiếp xúc với điều kiện của hạnh phúc thì chúng ta hạnh phúc liền lập tức và chúng ta không cần đi tìm cầu những điều kiện khác của hạnh phúc.
 
Tôi xin đề nghị, quý vị lấy một tờ giấy, viết xuống những điều kiện may mắn mà quý đang có, điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có, quý vị sẽ thấy rằng hai trang giấy không đủ để quý vị ghi xuống những điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có. Vì vậy phương pháp của Đức Phật rất nhiệm mầu: đừng nuối tiếc quá khứ, đừng tưởng tới tương lai, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Đó là lời của Đức Thế Tôn. Người thức giả trở về giây phút hiện tại, nhận diện được rằng, trong giây phút hiện tại mình có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc và mình có thể có hạnh phúc được liền lập tức.

Niết Bàn cũng như Tịnh Độ, mình có thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại. Tại sao phải đợi chờ nữa? Hầu hết chúng ta đều mê tín rằng trong giây phút hiện tại chúng ta chưa hạnh phúc được. Hạnh phúc là phải đi kiếm ở tương lai một vài điều kiện nữa cho nên chúng ta phải hy sinh giây phút hiện tại. Theo tuệ giác của đức Thế Tôn thì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại: Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, muốn ước hẹn với sự sống phải trở về với giây phút hiện tại. Một hơi thở có ý thức, một bước chân có ý thức, giúp cho chúng ta đem tâm trở về với thân và có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Đó là sự thật đầu tiên của những người giác ngộ mà tất cả quý vị đều có thể làm được. Không có tuệ giác, có thể cho đó là mê tín nhưng khi có tuệ giác rồi thì đó là một sự thật rất khoa học. Chúng ta đừng bị hình tướng bên ngoài đánh lừa. Trong Kinh Kim Cương có nói rằng: Chỗ nào có hình tướng là chỗ đó có sự đánh lừa (*). Chỉ có tuệ giác mới giúp chúng ta được tự do và giúp chúng ta không bị đánh lừa bởi hình tướng đó.

Nhà bác học Einstein có nói rằng: Nếu có một tôn giáo nó có thể đi đôi được với khoa học thì tôn giáo đó là Phật giáo. Chúng tôi thấy rằng khi chúng ta học khoa học cho đến nơi đến chốn thì chúng ta có thể hiểu Phật giáo sâu sắc hơn. Ví dụ như khi đọc Kinh Hoa Nghiêm, quý vị sẽ thấy quan điểm: Một là tất cả, tất cả là một (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất) **. Bây giờ chúng ta nhìn vào khoa sinh vật học chúng ta thấy khoa học bây giờ có khả năng lấy một tế bào trong cơ thể và làm ra một cơ thể khác y hệt như tế bào cha, đó gọi là cloning. Trong cơ thể chúng ta có hai loại tế bào, tế bào mầm và tế bào sinh dưỡng. Chúng ta lấy bất cứ một tế bào sinh dưỡng nào, rồi ta bỏ đói nó chừng hai ba ngày thì nó sẽ trở thành một tế bào mầm và khi đó chúng ta lấy một cái trứng trong buồng trứng của một phụ nữ, nao hết cái nội dung ra, rồi chúng ta đặt tế bào mầm này vào trong cái vỏ trứng đó và chúng ta cho một luồng điện đi ngang qua thì nó khép lại. Chúng ta gửi cái trứng đó vào trong tử cung của một người phụ nữ để nuôi, sau chín tháng thì đứa con được sinh ra, nó là một bản sao y hệt của tế bào cha.

Sinh sản như thế gọi là sinh sản theo dòng vô tính. Nếu chúng ta lấy ra một ngàn tế bào thì chúng ta có thể làm ra một ngàn đứa bé. Gia tài di truyền đó đồng nhất với gia tài di truyền của người gốc. Chúng ta thấy rất rõ mỗi tế bào của cơ thể nó chứa đựng tất cả những tế bào khác, chỉ cần bất cứ một tế bào nào trong cơ thể thì chúng ta có thể làm một con người toàn vẹn. Điều đó chứng minh: Cái một chứa đựng cái tất cả. Chúng ta đã từng nghe rằng, mỗi tế bào của chúng ta chứa đựng tất cả những dữ kiện, tất cả những gia sản di truyền của tất cả các thế hệ cha ông của chúng ta. Nếu có một máy đọc tinh vi chúng ta có thể có đủ những dữ kiện về các thế hệ của tổ tiên chúng ta, tất cả những dữ kiện đó chỉ cần nhìn trong một tế bào. Vì vậy giáo lý Hoa Nghiêm gọi cái một chứa đựng tất cả, nó đã được khoa học hiện giờ chứng minh, xác định được. Điều đó cho ta thấy tôn giáo không có nghĩa là trái, chống với khoa học kỷ thuật.

Tôi đã từng giảng dạy trong những đại hội của người Cơ đốc giáo và tôi đã khuyến cáo, đã khuyên những nhà thần học nên hiện đại hóa cách giảng dạy và cách thực tập. Tôi nói rằng: Cái mà quý vị gọi là Thiên Quốc, có thể có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là tôi căn cứ trên truyền thống đạo Phật. Những mầu nhiệm của sự sống chúng ta có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại. Tôi có nói rằng, anh không cần phải chết đi mới đi vào Thiên Quốc được mà theo nguyên tắc, anh sống anh mới có thể đi vào trong Thiên Quốc. Với năng lượng của niệm, của định, anh bước một bước, anh có thể đi vào trong Thiên Quốc ngay trong giây phút hiện tại. Các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo nếu muốn cho người thanh niên, những người trẻ không bỏ nhà thờ đi như họ đã và đang làm thì phải cung cấp giáo lý và sự thực tập nào đó để giúp cho người đương thời có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại để có được Thiên Quốc ngay bây giờ và ở đây thì thanh niên họ mới không đi tìm hạnh phúc ở chiều hướng của ma túy, của danh lợi, của quyền hành, của sắc dục.

Ở trong thánh kinh có nói về một câu chuyện của một người nông dân khám phá ra được một kho tàng trong một thửa ruộng, rồi về bán hết tất cả mọi thứ khác của mình để mua cho được cái thửa ruộng đó, tại vì anh thấy thửa ruộng đó là quý giá nhất. Ở đây cũng vậy, khi khám phá ra tất cả những mầu nhiệm của sự sống, khám phá ra Tịnh Độ và Niết Bàn là những gì có mặt ngay trong phút hiện tại thì mình có thể buông bỏ tất cả những cái khác như danh vọng, sắc dục và uy quyền. Nếu chúng ta có thể cung cấp được những giáo lý và phương pháp thực tập giúp cho con người sống được hạnh phúc trong giây phút hiện tại, có cơ hội chế tác trí tuệ và tình thương, khi đó hạnh phúc lớn lắm thì mình có thể buông bỏ được tất cả những đối tượng của tham đắm, của quyền hành và của dục vọng. Có những vị lãnh đạo của Cơ Đốc giáo thấy được giá trị của sự thực tập đó và họ đã đi theo.

Tôi nghĩ, nó tùy thuộc theo cách mình thấy mà thôi, cái đó có thể là tôn giáo, là mê tín nhưng nếu mình có thể có một nhận thức sâu sắc hơn nhờ có tuệ giác thì mình biết đó là một thực tại hiện thực và rất khoa học. Cũng như là khi tôi nói với những người Tây phương về bàn thờ ông Địa ở Việt Nam. Mỗi khi chúng ta đến đất mới chúng ta phải cúng đất đai. Tôi giải thích cho các bạn Tây phương rằng trong văn hoá Việt Nam khi đến một vùng đất mới, chúng tôi phải chứng tỏ sự cung kính, muốn hòa bình với vùng đất đó thì chúng tôi thiết lập bàn thờ ông Địa và cam kết rằng mình sẽ sống như thế nào để tôn trọng, để bảo tồn được đất và nước ở vùng đó. Bàn thờ ông Địa này không phải là mê tín mà là một hành động cam kết sẽ tôn trọng sinh môi, sẽ không để cho vùng này bị ô nhiễm, bị phá hoại.

Người Tây phương và thế hệ trẻ ngày nay họ chấp nhận một cách rất trân quý việc thiết lập bàn thờ ông Địa. Ban đầu quý vị có thể nói rằng thờ ông Địa là một hành động mê tín nhưng nếu chúng ta chuyển hướng nhận thức của chúng ta thì thờ ông Địa là một hành động rất hiện đại, một lối sống rất đẹp đẽ và rất ý nghĩa. Vậy ông Địa là gì? Là sự có mặt của tinh thần trách nhiệm, là sự tôn trọng sinh môi, hoàn cảnh mà chúng ta đang sống. Đời nay, phần đông chúng ta đang đi ngược lại lối sống đẹp đẽ đó, chúng ta đang phá hoại môi sinh của chúng ta, đang làm ô nhiễm môi sinh của chúng ta và như vậy chúng ta đang không thờ ông Địa.

Thờ ông Địa là phải kính trọng đất nước và hoàn cảnh trong đó mình sống. Mình phá rừng, mình làm cho ô nhiễm sông hồ tức là mình không có niềm kính trọng đó. Tổ tiên chúng ta thiết lập bàn thờ ông Địa nghĩa là tổ tiên chúng ta đã có ý muốn tôn trọng sinh môi, muốn giữ gìn vùng đất, nước và những khu rừng này. Thành ra tùy theo cách mình nhìn, cái đó là cái gì rất mê tín hay là cái gì rất khoa học, tất cả đều do tâm của mình, tất cả đều do nhận thức của mình hết.

Hỏi: Khi nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộ, đến tuệ giác, đến trí tuệ. Điều ấy có nghĩa là đạo Phật không chấp nhận những vấn đề mê tín dị đoan. Vậy thì theo Thiền sư hiện nay chúng ta có cách nào tốt nhất để khắc phục hiện tượng mê tín dị đoan trong chùa, trong lễ hội và kể cả trong thờ cúng tổ tiên.
 
Thiền sư Nhất Hạnh: Câu hỏi này quan trọng lắm, thuộc về vấn đề giáo dục. Cái mê tín hôm nay có thể trở thành cái không mê tín của ngày mai. Trước hết, khi đi vào chùa thấy tượng Phật, mình thắp hương, mình vái, mình xá tượng Phật, đó cũng có thể là mê tín rồi. Theo tuệ giác của đạo Phật, Phật tức là khả năng hiểu và thương, đại từ, đại trí, đại bi, còn cái tượng kia đâu phải là Phật mà chỉ là một biểu tượng, một cái gì bằng đồng thôi. Thường những người mới bắt đầu thực tập nghĩ rằng Phật ở ngoài mình nhưng nếu thực tập cho giỏi và có người hướng dẫn đàng hoàng thì trong một thời gian ngắn sẽ thấy Phật nằm ở trong tâm. Nhưng mà luôn luôn phải bắt đầu, bằng chỗ mới bắt đầu. Ban đầu thấy Phật ở ngoài, ở trên bàn thờ, rồi sau đó mới thấy Phật ở trong tâm thì đối với những người kia cũng vậy.

Chúng ta biết rằng khi mà chúng ta có bàn thờ tổ tiên, chúng ta phải thắp hương và thắp hương như vậy không có nghĩa là tổ tiên ngồi trên bàn thờ. Khi chúng ta thắp hương như vậy, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với tổ tiên ở trong từng tế bào của cơ thể. Cái đó rất khoa học nhưng người ta nhìn vào có thể thấy đó như là mê tín. Chúng ta biết rằng theo truyền thống văn hóa chúng ta thì tổ tiên chúng ta có quyền biết được những gì đang xẩy ra cho con cháu. Khi gả con gái cho một anh chàng ở bên làng bên thì chúng ta phải cáo với tổ tiên, làm mâm cúng hoặc trái cây hoặc cái gì đó. Chúng ta phải thắp hương và khấn: Xin cáo với tổ tiên là chúng con mới vừa hứa gả con gái cho cái anh chàng ở bên làng bên. Theo truyền thống, tổ tiên phải được biết điều đó. Khi khấn như vậy tức là chúng ta nói với tổ tiên ở trong tế bào cơ thể, chứ không phải tổ tiên đang ngồi trên bàn thờ như là một thực tại ở ngoài. Ở ngoài hay trong là tùy theo trình độ, kiến thức, tuệ giác của từng người mà thôi. Có những người họ chưa đạt tới cái thấy như vậy, chúng ta phải tìm cách để đưa họ đi từ từ, từ chỗ thấp đến chỗ cao, chứ đừng vội nói với họ cái đó là mê tín.

Ví dụ như tục đốt vàng mã, áo quần bằng giấy cho người chết, chúng ta có thể nói đó là mê tín, vì làm thế nào để đốt cái áo đó rồi gởi xuống một cõi khác mà người ta có thể mặc được? Nhưng chúng ta phải thấy giá trị văn hóa ở trong hành động đó. Chúng ta phải thấy rằng niềm tiếc thương của mình đối với người chết, đối với người đã khuất khiến mình biểu lộ tình thương đó dưới những hình thức này hay hình thức kia, trong đó có hình thức cúng tiền giấy và cúng áo quần giấy. Tôi có viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo, nói về tình mẹ, tình cha. Tôi nói với những người trẻ rằng: Đến ngày rằm tháng bảy, mình có thể in tập này ra và tổ chức những buổi lễ Bông Hồng Cài Áo.

Những buổi lễ Bông Hồng Cài Áo của chúng tôi tổ chức như thế này: Người nào còn mẹ được cài bông hoa màu hồng còn những người nào mất mẹ được cài một bông hoa màu trắng. Khi được cài một bông hoa màu hồng thì mình rất hãnh diện vì mình còn có mẹ và hạnh phúc của mình rất lớn. Còn khi được cài một bông hoa màu trắng thì mình ý thức rằng tuy mẹ của mình đã mất rồi nhưng mình có cơ hội để nhớ mẹ. Buổi lễ đó gọi là lễ Bông Hồng Cài Áo, phát xuất từ một đoản văn của chúng tôi viết tại Princeton năm 1962 và đã thành một truyền thống rồi. Hiện giờ ở các nước, nhất là ở Việt Nam đang thực tập lễ đó.
 
Khi thực tập như vậy, chúng ta có cách thức biểu lộ tình thương của chúng ta một cách hiện đại hơn mà chúng ta khỏi phải đi mua giấy tiền vàng bạc gì cả. Cả hai đều có giá trị văn hóa là tưởng nhớ đến người thương. Một bên tổ chức cái lễ rất là trẻ, rất là văn nghệ, rất là hay còn bên kia phải đi mua giấy vàng bạc, mướn người làm áo quần bằng giấy để đốt. Chúng ta phải nhớ rằng cả hai đều có giá trị văn hóa. Nếu chưa tìm ra được những phương tiện khác để biểu lộ được tình cảm đó thì chúng ta chớ vội chấm dứt cái kia. Khi tổ chức được lễ Bông Hồng Cài Áo rồi thì chúng ta có thể khuyên rằng thay vì đốt tiền giấy với vàng mã, chúng ta làm cái lễ này. Nhưng các bạn nên nhớ, khi chưa cống hiến được cho họ những phương tiện để biểu lộ thứ tình cảm cao đẹp đó thì chúng ta đừng chấm dứt những cái kia. Chính những cái kia nuôi dưỡng được tình nghĩa, tuy là mê tín nhưng có giá trị văn hóa ở trong đó. Chúng ta phải rất cẩn thận mới được, nếu không, chúng ta chấm dứt truyền thống ân nghĩa của chúng ta thì đó là một thiệt thòi lớn. Nói đến vấn đề giáo dục quần chúng cho khéo thì chúng ta phải giúp cho người ta đi từ chỗ thấp đến chỗ cao từ từ.

Nhân đây tôi xin nói một câu chuyện vui là, trong thiền học có câu như thế này: Trước khi tôi tu thiền thì tôi thấy núi là núi, sông là sông. Trong khi tôi tu thiền, tôi thấy núi không là núi nữa, sông không là sông nữa. Sau khi tôi tu đã tạm vững rồi, tôi thấy núi lại là núi, sông lại là sông ***. Câu nói đó rất là ngộ nghĩnh, nó là biện chứng pháp của Phật học, của thiền học. Vì sao? Khi nhìn vào đứa con và mình nói đây là đứa con tức là mình chưa thấy được đứa con. Nếu nhìn vào đứa con, mình thấy người cha trong đứa con thì lúc đó mình bắt đầu thấy được đứa con. Cũng như khi nhìn vào đám mây mà chỉ thấy mây là đám mây thôi thì chưa chắc mình đã thấy được đám mây. Nhìn vào đám mây, phải thấy được nước sông, nước hồ và sức nóng của mặt trời thì mới bắt đầu thấy được đám mây. Nhìn vào đám mây, thấy được cơn mưa, lúc đó mình mới thấy được đám mây sâu sắc hơn vì mình đã nhìn bằng con mắt vô tướng. Ở trong Kinh Kim Cương có những câu không thể hiểu được, nếu không đặt câu đó dưới ánh sáng của biện chứng pháp Phật giáo: Cái mà tôi gọi là vị Bồ Tát, đó không phải là vị Bồ Tát thì mới thật sự là một vị Bồ Tát. Khi nhìn vào sông, thấy núi ở trong đó mới thấy sông một cách đích thực. Khi nhìn vào núi thấy sông ở trong núi, lúc đó mới thấy núi một cách đích thực. Khi nhìn vào đứa con mà thấy người cha trong đó, lúc đó mới thấy đứa con được rõ ràng và thấy được cái tự tính của đứa con.

Khi nhìn vào kẻ thù mà thấy được người bạn, một người bạn tương lai vì trong kẻ thù đó có thể có hạt giống của người bạn và nếu mình có thể tưới tẩm hạt giống người bạn ở trong người kẻ thù kia, kẻ thù kia sẽ tan biến để mình có một người bạn. Cái đó rất là mầu nhiệm. Một đứa con hư thường mình chỉ thấy cái hư của nó thôi chớ không thấy được cái tốt của đứa con nhưng nếu mình biết cách tưới tẩm hạt giống tốt trong nó thì từ một đứa con hư sẽ trở thành một đứa con tốt.

Vì vậy nguyên tắc đồng nhất **** là trở ngại rất lớn cho nhận thức của chúng ta. Khi chúng ta đưa ra một nhận xét, nhận xét đó có thể gọi là chính đề. Chúng ta nhìn cho kỹ thì có sự mâu thuẫn trong chính đề đó, tức là phản đề. Chính phản đề đó giúp cho chúng ta thấy chính đề rõ ràng hơn trong hình thái tổng hợp đề đó, cứ như vậy, chúng ta càng thấy được sâu hơn trong bản chất của sự thật. Mâu thuẫn dẫn đạo sự đi tới là như vậy. Trong cái A có thể thấy được cái phi A, cho nên chúng ta thấy được chiều sâu của cái A, chúng ta không có bị kẹt vào cái tướng. Con mắt vô tướng là như vậy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(Trích pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 17.03.2005 – phần vấn đáp giữa Thiền sư với các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học)

Chú thích:
* Kinh Kim Cang,- "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" - phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối. Nguyên câu: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai".
** Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất - Có thể nói, đây là mệnh đề tóm tắt toàn bộ yếu nghĩa kinh Hoa Nghiêm. Yếu nghĩa ấy nói về sự tương quan tương duyên chằng chịt của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Sự vật này tức là sự vật kia, sự vật kia tức là sự vật này; một sự vật có mặt trong tất cả mọi sự vật, tất cả mọi sự vật có mặt trong một sự vật; một sự vật tức là tất cả các sự vật, tất cả các sự vật tức là một sự vật. Nguyên lý duyên khởi cho ta thấy rằng, một sự vật không thể tự nó có mặt, mà đã do vô số các sự vật khác, không phải là nó, hợp lại cấu thành
*** Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín (Trung Hoa) – Sau khi ngộ đạo đã tuyên bố: Lúc chưa tu ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau ông nhập đạo tu hành: ông thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ: ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.
**** Nguyên tắc đồng nhất trong logic cổ điển Tây Phương (logic Aristotle), the principle of identify – Phát biểu như sau: “cho tất cả x, x = x”. Tạm diễn dịch: Mọi sự vật luôn luôn đồng nhất với nó. A là A chứ không thể là cái gì khác-A.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?

Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024

Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?

Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?

Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024

Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?

Tượng Phật có từ bao giờ?

Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.

Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật

Hỏi - Đáp 10:00 17/11/2024

Tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không?

Xem thêm