Quan điểm của Duy thức học về vấn đề hiến tạng
Hiến tặng bộ phận cơ thể là cơ hội để người chết tặng quà cho đời, khi có người cần thay thế vì bệnh nan y. Hàng ngàn người trên khắp thế giới đã được cứu mạng nhờ vào sự hào hiệp của những người “biết vì cuộc sống của người khác”.
> Hiểu biết về hành trình hiến tạng cứu người theo quan điểm Phật giáo
Hiến tạng là một việc nên làm. Tuy nhiên, do những quan niệm, truyền thống, tôn giáo… gắn chặt với tâm lý sợ hãi của người cho, nên vấn đề này vẫn chưa được mọi người ghi nhận và ủng hộ rộng rãi.
Phật giáo không mấy quan tâm đến xác sau khi chết, mà chỉ chú trọng đến việc khai thị và hướng dẫn thần thức để giải thoát hay tái sanh vào cõi lành. Chính vì vấn đề này, mà ngay cả chư Tăng Ni và nhiều Phật tử nói chung, hiến tạng sau khi chết, vẫn là một vấn đề khá mâu thuẫn, do dự. Một mặt họ luôn muốn thực hành Bồ-tát hạnh ở mọi nơi có thể với những gì mình có thể cho; mặt khác họ sợ hãi, bởi theo quan điểm trợ tử của một số bộ phái Phật giáo cho rằng, khi chấm dứt hơi thở, người bệnh được xem như đã chết lâm sàng nhưng thần thức vẫn chưa rời khỏi thân xác, và tất nhiên vẫn còn tri giác. Vào thời điểm này, thần thức vô cùng thống khổ: tứ đại phân ly làm đau đớn tốt cùng, cảm thương thân phận đã chết, luyến ai vợ con, thương tiếc tài sản, sở nguyện chưa thành, oan sai chưa tỏ v.v… Lúc ấy, nếu cộng thêm việc thân xác người chết bị cắt mổ lấy tạng… khiến cho thần thức đau đớn thống khổ đến cùng cực, nhưng thần thức không thể kêu cứu hoặc kháng cự. Vì thế, họ giãy giụa trong tuyệt vọng, khởi tâm sân hận đến tột cùng, và do đây bị đọa lạc vào cõi dữ.
Cậu bé 9 tuổi qua đời, hiến tạng cứu sống 7 người
Do vậy, để tránh cận tử nghiệp xấu ác khởi lên lúc mới chết, từ khi tắt hơi thở cho đến mười giờ sau, thân nhân người chết cần tránh mọi sự can thiệp, tác động hoặc xúc chạm đến xác chết như đã nói. Theo quan niệm này, tốt nhất là không được cắt mổ lấy tạng thi hài, phải chờ đến lúc thần thức ra khỏi xác thân ít nhất từ 8 giờ đến 10 giờ sau, nếu không nó sẽ gây ra sự rối loạn cho tiến trình tái sinh.
Tuy nhiên, theo y học, để cấy ghép cơ thể có hiệu quả, những bộ phận trong cơ thể người chết phải được cắt càng nhanh càng tốt sau khi trút hơi thở sau cùng, thời gian lý tưởng là trong khoảng 90 phút. Như vậy, nó có thể làm rối loạn nghiêm trọng đến quá trình tự nhiên của ý thức. Chính vì vậy, mà nhiều quý Thầy Cô và Phật tử đã phát nguyện hiến xác theo yêu cầu không được cắt mổ lấy tạng cơ thể họ sau 8 đến 10 tiếng. Nhưng làm như vậy, không đảm bảo chất lượng cấy ghép các cơ quan nội tạng, các mô đã hiến tặng.
Trong trường hợp hiến tặng bộ phận cơ thể ở đây, chúng ta không nên lo lắng, sợ hãi, vì người cho không phải đang còn sống hiến tặng thân thể của mình, giống như trường hợp của thái tử Mahasattva được ghi lại trong Kinh Tập, đã hiến thân cho một con hổ cái ăn thịt. Đó là hành động của một bậc anh hùng mới có thể làm được.
Ở đây, bạn đã chết. Theo quan điểm của Duy thức học, khi chết, thần thức của bạn sẽ đi ra khỏi năm giác quan. Lúc đó, bạn sẽ không còn cảm thấy đau đớn nữa. Vì vậy, đây là một việc làm không đau đớn, nhưng nhận được nhiều công đức to lớn qua việc bạn hiến tặng bộ phận cơ thể của bạn khi bạn chết. Dưới cái nhìn của Phật giáo, chúng ta thấy rằng, cuộc sống là một vòng tròn luân hồi, mà sự tái sinh là sự thay đổi từ thân thể này sang thân thể khác. Một người Phật tử thật sự, là những người nhìn thấy được thân thể là một vật dùng tạm thời cho kiếp hiện tại. Đây chỉ là một trong nhiều kiếp mà chúng ta đã trải qua, nên họ có thể hiến tặng cơ thể của họ khá dễ dàng.
Nguyện ước được hiến tạng của thầy giáo viết 'cuộc đời' bằng miệng
Để phá bỏ những rào cản tâm lý trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu quan điểm của Duy thức học về vấn đề hiến tạng sau khi chết, có làm nguy hại đến thần thức và cản trở tiền trình tái sanh của một người hay không.
Nhắc lại, theo pháp hộ niệm cho rằng, người vừa tắt hơi, bị đụng chạm vào thân xác quá sớm là điều tối kỵ, có thể khiến họ bị đọa lạc xuống các cảnh giới vô cùng xấu trong ba đường ác.
Bởi khi vừa mới tắt hơi là giai đoạn thần thức như đang ở giữa ngã tư đường, giữa chết và sống, giữa thiện và ác, giữa đọa lạc và giải thoát. Tinh thần của người chết rất hoang mang, sợ hãi, buồn thảm, hoàn toàn không ổn định. Trong khoảng thời gian tám giờ, nếu người sống vô ý tạo thêm sự xáo trộn, ồn náo, hỗn loạn như khóc than, ôm nắm, đụng chạm đến thân xác, bỏ vào phòng lạnh để ướp xác... làm cho họ đau đớn, chẳng khác gì như bị hành hạ, bị tra tấn. Thật là tội nghiệp cho người chết! Đụng chạm bình thường mà còn thảm thương như vậy, huống chi là mổ xác, banh thân họ ra, cắt từng miếng thịt, lấy từng bộ phận.
Trong lúc lâm chung, họ bị đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho nên tất cả sự đụng chạm vào thân xác đều đưa đến hậu quả vô cùng bất lợi cho người chết.
Đụng chạm sẽ làm cho họ đau đớn không chịu nổi, chắc chắn sẽ làm cho thần thức người chết rối loạn, hãi kinh, bức xúc, tức giận... toàn là những nhân chủng rất xấu cho đời kiếp tương lai của họ. Chính vì thế, nhiều người hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc hiến tạng sau khi chết.
Theo quan điểm của Duy thức học nhận định về vấn đề trên có phần khác xa nhiều, chúng ta hãy cùng nhìn vấn đề này cho thật rõ.
A-lại-da là thức hằng chuyển. Nó là nhân chủng đầu tiên để tạo điều kiện hình thành nên thân năm uẩn. Khi vào thai thì nó đến trước, nhưng khi chết nó là người ra sau cùng. Nó vốn sáng suốt, không bị làm mê bởi thức Mạt-na. Thường thì Mạt-na do y vào quan kiến của ý thức lấy từ năm giác quan mà chấp cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Nhưng điểm đặc biệt mà chúng ta thấy ở đây là dù Mạt-na có chấp ngã thì tánh của A-lại-da vẫn là vô ngã, bởi nó vô ngã nên mới không bị Mạt-na làm mê.
Khi một người vừa trút hơi thở cuối cùng, đó là dấu hiệu của sự chết lâm sàng. Duy thức học cho rằng khi chết, năm thức đầu ngưng hoạt động, ý thức cũng chết theo năm giác quan này bởi tánh của nó vốn chẳng hằng như Mạt-na và A-lại-da. Điều này có nghĩa là yếu tố truyền dẫn cảm thọ giữa thân và tâm do ý thức đảm nhiệm đã bị chặt đứt. Cho nên, trong tình huống này, người vừa mới qua đời, dù có bị cắt xẻ thân xác cũng không hề có cảm giác đau đớn, nhưng không có nghĩa là A-lại-da hoàn toàn không biết gì đến những tác động đang diễn ra trên thân xác. Thật ra, nó vẫn biết. Giống như con rùa bị con chó tấn công gặm lôi đi. Khi gặp nguy hiểm, nó thụt đầu và tứ chi vào trong mai. Tuy vẫn biết con chó đang gặm quăng quật mình, nó có thể sợ hãi nhưng hoàn toàn không có cảm giác đau, bởi con chó chỉ cắn vào phần mai của nó mà không liên hệ đến da thịt bên trong, cho nên, không hề có cảm giác đau đớn. Cũng thế, khi sáu căn chết, A-lại-da co rút vào bên trong. Cho nên dù bị cắt mổ thân thể, nó hoàn toàn không có cảm giác đau đớn.
Ngôi trường có 18 thầy cô cùng đăng ký hiến tạng
Ở đây, một câu hỏi được đặt ra, nếu như A-lại-da không có cảm giác đau đớn, thì tại sao việc mổ xẻ thân thể vẫn là điều không tốt đối với người chết? Chúng ta phải hiểu về vấn đề này như sau: Tuy A-lại-da không có cảm giác đau đớn, nhưng nó vẫn có sự sợ hãi, do vẫn còn sự hiện diện của anh chàng Mạt-na. Mạt-na tuy không còn tiếp nhận cảm giác đau từ thân xác nữa, nhưng không có nghĩa nó không còn chấp dính cái thân kia không còn là nó nữa. Cũng giống như khi bạn yêu ai đó rồi chia tay. Tuy người đó không còn là của mình nữa, nhưng khi có ai đó yêu hay giết người kia, mình cũng thấy chạnh lòng. Ở đây, Mạt-na cũng vậy. Nó vẫn chấp vào cái thân này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi, cho nên, ai đụng vào là nó sân lên liền. Mạt-na càng bớt dính mắc bao nhiêu, A-lại-da càng nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nếu như nó dám xả thân vì một lý tưởng cao đẹp nào đó, sẽ không có vấn đề gì xảy ra đối với A-lại-da cả, bởi bản chất của thức thứ tám vẫn luôn là vô ngã.
Các nhà Mật giáo Tây Tạng cũng chấp nhận quan điểm này. Họ khẳng định rất rõ là trường hợp mổ xẻ thân xác người vừa mới chết, có thể làm xao lãng quá trình định tâm của một người, nhưng người đó hoàn toàn không có cảm thọ đau đớn do sự tác động bên ngoài vào thân.
Chúng ta có thể trích dẫn câu trả lời của Geshe Lamrimpa cho vấn đề đang bàn đến.
Hỏi: Khi một người chết nhưng thần thức vẫn còn ở lại trong thể xác. Như vậy người đó có cảm giác gì không nếu bị người khác đụng chạm đến họ?
Geshe Lamrimpa trả lời: Họ sẽ không có cảm giác gì cả. Khi phần khô của thần thức tan mất thì người ấy không còn cảm giác nữa.
Hay câu hỏi khác được Dilgo Khyentse Rinpoche trả lời.
Hỏi: Ở phương Tây, hiến tặng những bộ phận trong cơ thể người vừa chết là việc bình thường. Việc này có ảnh hưởng hay làm trở ngại gì cho thần thức của người chết không?
Dilgo Khyentse Rinpoche trả lời: Việc hiến tặng thi thể ấy là một điều tốt, bởi vì nó phát khởi từ động cơ làm lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thật. Và một khi nó là ước nguyện cuối cùng của người chết, thì tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hoặc có hại gì cho thần thức của họ khi họ rời bỏ thể xác. Trái lại, việc làm tích cực này sẽ góp phần tạo thiện nghiệp cho người ấy trong đời sống vị lai.
Cho nên ở đây, chúng ta thấy rằng một người khi còn sống, đã tha thiết hiến tạng cứu người với mong ước thực hành hạnh bố thí Ba-la-mật, tất nhiên chẳng có điều gì nguy hại đến thần thức của họ. Việc lấy đi các bộ phận cơ thể càng sớm càng tốt bởi như vậy, họ sớm hoàn thành được ý nguyện bố thí của mình.
Khoảnh khắc người bố áp má từ biệt con trai hiến tạng cứu 6 người
Garje Khamtul Rinpoche cũng khẳng định điều này không hề gây thương tổn cho thần thức. Nếu một người muốn hiến tặng thi thể của họ, thì nên lấy những bộ phận cần thiết ấy sau khi người đó chết. Điều này không có gì ảnh hưởng đến tiến trình thần thức thoát xác và tái sinh của họ.
Có người vẫn còn nghi ngờ đặt ra câu hỏi: Có nhiều trường hợp nếu các bộ phận của thi thể được lấy đi, mà thần thức của họ chưa rời khỏi thể xác thì sao?
Dilgo Khyentse Rinpoche trả lời: Điều này tùy thuộc vào lòng bi mẫn và ước nguyện của người chết. Nếu người ấy đã từng bày tỏ nguyện vọng bố thí lớn lao đó một cách chân thành, thì có thể lấy đi những bộ phận cần thiết ngay cả trước khi tim ngừng đập, cũng không có hại gì cho thần thức.
Qua đó, chúng ta thấy rằng, những nhận định của các vị Lạt-ma ở trên hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Duy thức học. Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng, việc hiến tạng sau khi chết của một người có tâm nguyện Bồ-tát, không hề làm tổn hại đến thần thức và ảnh hưởng đến tiến trình tái sinh của họ. Trái lại, việc lấy đi tạng còn giúp họ nhanh chóng xả bỏ được sự chấp thủ nơi thân xác. Và nhờ công đức bố thí nội tài, họ có thể được sinh về các cảnh giới tốt đẹp hơn trong đời sau.
Vượt qua những rào cản quan niệm của xã hội và tôn giáo, cùng những lo sợ của bản thân để đi đến quyết định hiến tạng cứu người, là hành động của những bậc anh hùng, đáng được xã hội tuyên dương.
Phật giáo luôn cho rằng, việc trao tặng một phần cơ thể cho người khác là việc các Phật tử nên làm. Đây là hành động cao quý thể hiện tinh thần bố thí Ba-la-mật.
Bố thí nội tài, tức là một phần thân thể của mình như đôi mắt, lá gan, quả thận cho đến quả tim... Dẫu biết rằng, sau khi bố thí, sinh mạng của mình sẽ không còn, nhưng đó là sự bố thí cao nhất. Đây là quan điểm nhất quán trong Phật giáo, dù là phái Đại thừa hay Phật giáo Nguyên thủy cũng như nhau.
Với cái nhìn của Duy thức học về tám thức và những hoạt dụng của nó, đã giúp chúng ta đập tan được những nghi vấn, sợ hãi, do dự khi nhìn về vấn đề hiến tạng cứu người. Chúng ta có thể an tâm khi thực hành hạnh nguyện bố thí cao quý trên. Bởi Duy thức học đã chứng minh rất rõ ràng, sau khi chết, sáu thức đầu cũng chết theo, đồng nghĩa với hoạt động nhận thức cảm giác cũng bị chặt đứt. Chúng ta sẽ không còn cảm giác đau đớn, mặc dù việc đó có thể mang đến những chướng duyên nhỏ làm tâm xao động đôi chút. Nhưng với tâm nguyện Bồ-tát, bố thí tha thiết, sẽ giúp chúng ta vượt qua những trở ngại trên một cách dễ dàng.
Viết tiếp câu chuyện nhân văn, ca sĩ Khắc Việt đăng ký hiến tạng
Cho nên, trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi có lời gởi đến những Phật tử đã hiến tạng, chúng ta nên xem hành động này là một việc làm đúng theo lời đức Phật dạy, đúng với chánh pháp, đáng khen ngợi.
Những Phật tử chưa hiến tạng, nếu thấy có thể làm được, thì đây là việc nên làm, bởi không có sự bố thí nào cao quý hơn là bố thí chính bản thân mình để cứu sinh mạng người khác. Ví như, khi một người chết đi nhưng họ hiến lại giác mạc, sẽ là điều rất quý bởi khi đã nhắm mắt xuôi tay, người mất không cần sử dụng đến giác mạc nữa. Nhưng giác mạc của họ sẽ giúp người khác thấy đường để tiếp tục cuộc sống. Hay trường hợp người bệnh bị chết não, hiến cả quả tim của mình để cứu người khác đang cận kề cửa tử vì bị suy tim, sẽ giúp kéo dài sự sống của người nhận. Dù thân xác của người hiến không còn, nhưng một phần cơ thể vẫn tồn tại trong cơ thể người khác để tiếp nối sự sống. Đó là tinh thần nhân văn, nhân bản vô cùng cao đẹp.
Chúng ta đừng sợ hãi khi phát tâm hiến tạng cứu người. Vì ở đây, bạn là người đã chết, bạn sẽ không có cảm giác gì là đau đớn cả. Bởi bản chất uyên nguyên của A-lại-da vẫn luôn là vô ngã, đã là vô ngã thì ai là người đau đớn sợ hãi đây. Trái lại, bạn sẽ có cơ hội để tạo ra những công đức to lớn, hỗ trợ cho tiến trình tái sanh vào các cảnh giới tốt đẹp hơn ở đời sau.
Tài liệu tham khảo:
1. Luận Thành Duy Thức, HT. Thích Thiện Siêu, Nxb Tôn Giáo, 1999.
2. Luận Thành Duy Thức, Huyền Trang, HT. Tuệ Sĩ dịch và chú giải, Nxb. Phương Đông, 2009.
3. Duy Biểu Học, HT. Thích Nhất Hạnh, Lá Bối, 1996.
4. Chết Và Tái Sanh, Thích Nguyên Tạng soạn dịch, Tu Viện Quảng Đức, 2000.
> Xem thêm video "Thiền và trà":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm