Quay về soi sáng chính mình
Thường chạy theo nhịp đời hối hả, liệu có phút giây nào chúng ta ngồi xuống soi sáng chính mình. Soi sáng là phương pháp giúp bản thân nhìn rõ ràng và sâu sắc những tích cực, tiêu cực đang ngự trị trong thân tâm, để từ đó làm mới bản thân, giúp mỗi người hoàn thiện mình hơn.
Có nhiều cách soi sáng chính mình nhưng phương pháp sám hối được những người con Phật sử dụng nhiều nhất, sám hối lỗi lầm xưa, nuôi dưỡng tính thiện lành.
Ý nghĩa sám hối
Sám hối là phương pháp tu tập quan trọng trong Phật giáo. Ý nghĩa của việc sám hối chính là biết quay về nhìn thấy những lầm lỗi do mình vô tình hay cố ý gây ra, nhưng sau khi nhận lỗi rồi, cần phải biết chịu trách nhiệm, chuẩn bị tinh thần đối diện với tất cả những hậu quả do sai lầm của mình gây ra, đó mới là ý nghĩa chính của việc sám hối.
Theo lời Phật dạy, có ba phương pháp sám hối:
– Thứ nhất là sám hối lương tâm của chính mình;
– Thứ hai là sám hối với những người mà mình đã gây tổn thương cho họ;
– Sám hối trước đại chúng.
Khi sám hối phải có trách nhiệm với bản thân và người khác. Thông thường người quy y Phật sẽ quỳ trước Thế Tôn sám hối, do vì mỗi mỗi chúng ta đôi khi vì vô tình hay cố ý đã làm cho người khác phiền lòng mà không hay biết, có nhiều khi lầm lỗi mà không biết sai ở đâu. Thế cho nên sám hối trước Phật, cầu chư Phật và Bồ tát chứng minh cho mình. Trong kinh Phật dạy, người phàm phu mỗi khi động chân cất bước chẳng có khi nào mà không gây nghiệp, không khi nào mà không kết tội. Do đó, cho dù công bằng khách quan đến cỡ nào cũng không tránh khỏi phạm tội. Nhất là khi chúng ta dễ dàng quên đi lỗi lầm và những việc xấu do mình gây tạo, hoặc có khi không muốn nhớ, thậm chí xem nhẹ mọi lầm lỗi. Ngược lại, đối với những việc thuận lòng, hay chỉ giúp đỡ chút ít cho người cũng nhớ như in, vì vậy tính tình càng ngày càng tự cao tự đại, không chút khiêm nhường. Thế nên, dù biết hay không biết, có hay không thấy được những lỗi lầm từ việc làm của mình thì mình đều phải nên sám hối.
Kỳ thực trong đời sống, chúng ta đã có rất nhiều lần vô tình làm cho những người xung quanh ta buồn tủi, chẳng hạn đối với những người thân thuộc, gần gũi bên cạnh ta như cha mẹ, anh chị em, bạn bè ta hay làm cho trái tim họ bị tổn thương, khiến họ đau khổ mà ta không biết, thậm chí khiến cho cả gia đình ta khổ sở, thế mà thi thoảng lại còn cười trên nỗi đau của kẻ khác. Nếu ai đã từng mang cái tâm như thế đối với người thì cần phải sám hối, tốt nhất là mỗi ngày chúng ta đều phải thực hành việc sám hối thì những việc làm từ thân và tâm sẽ được làm mới từ từ và tốt hơn từng ngày.
Còn nếu như làm sai mà không sám hối thì sao? Người Phật tử luôn tin một điều “gieo nhân gì thì gặp quả đó.” Mà quả báo thì có quả báo tốt hoặc quả báo xấu, nếu là tốt thì gọi là “phước báo” còn nếu xấu thì gọi là “nghiệp báo”, “tội báo”. Phạm lỗi mà không sám hối, thì những khổ nạn của chúng ta càng thêm nhiều, sám hối rồi thì khổ nạn chắc chắn sẽ ít lại.
Gia đình, sự nghiệp và con đường học tập kể cả sức khỏe của chúng ta đều không tránh khỏi những gập ghềnh, sóng gió chướng nạn, các điều bất như ý, không thuận lòng ắt sẽ đến với ta. Tất cả đều là những quả báo được hình thành do những nghiệp tội hoặc do vô tình hoặc do vô ý mà mình tạo nên. Nhưng có rất nhiều người không hiểu được ý nghĩa này, một khi quả báo đến trước mắt rồi liền trách ông trời không có mắt, và buông lời oán thán: “Người tốt giống tôi đây, tại sao ông trời lại đối xử không công bằng? Tại sao tôi lại gặp phải những chuyện như thế này? Cuộc đời này thật sự không có bình đẳng công lý!” Thậm chí còn nghĩ rằng “Thế gian này vốn không có thiên lý, không có lương tâm, người ta đã đối xử không tốt với mình thì mình tại sao phải đối xử tốt với họ làm gì? Từ đó không chịu tiến thủ mà ôm lòng oán trách, như vậy không chỉ hại người rơi vào đường khổ mà cũng khiến mình rớt sâu vào vòng phiền não, đau khổ. Cho nên oan oan tương báo, không bao giờ dừng, thật là khổ bồi thêm khổ, tội bồi thêm tội. Nếu như vẫn không hiểu được nguyên nhân ý nghĩa rõ ràng của sám hối thì tình hình càng ngày sẽ càng nghiêm trọng.
Giá trị của sám hối
Nếu không sám hối thì giống như mắc nợ vậy, sẽ có ngày người chủ nợ sẽ đến tận cửa để đòi, nhất là nó đến đúng thời điểm gia đình mình đón năm mới thì càng khốn đốn hơn. Thử nghĩ mà xem, nếu như trong thời gian ăn tết, chơi lễ mà có chủ nợ đến cửa đòi nợ chẳng phải là quá đau khổ chăng? Sau khi sám hối, cho dù là chủ nợ thế nào cũng không còn xuất hiện trước mặt nữa mà lương tâm ta cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cũng cần ghi nhớ không phải sám hối rồi thì mọi tội lỗi đều sạch không, mà là “nhìn thấy tội lỗi xong thì khởi tâm phát nguyện chịu trách nhiệm, làm mới thân tâm”, tức là “tôi nợ tiền của bạn thì sẽ từ từ trả lại cho bạn mà không chạy trốn, hơn nữa nhất định là chủ động trả chứ không đợi bạn đòi”, đồng thời sám hối không có nghĩa là đem hết thảy mọi lỗi lầm đổ trách nhiệm lên chư Phật và chư Bồ tát. Nếu hiểu như thế tức là đã lầm tưởng về ý nghĩa của hai từ sám hối, và cũng không phù hợp với quan niệm nhân quả nhà Phật.
Không chấp nhận gánh trách nhiệm thì không thể thay đổi được bản thân mình, nghiệp lực sẽ mãi mãi tồn tại với ta như bóng với hình. Việc giả bộ sám hối như thế không thể tịnh hóa được nội tâm, vả lại cũng không thể làm mới, không khẳng định và tiếp nhận chính mình. Kỳ thật, chỉ cần hiểu sâu sắc về lý nhân quả, nghiệp báo trong các pháp “con người không có cách nào chạy trốn khỏi những việc làm do mình tạo nên” thì sẽ biết thức tỉnh bản thân bớt làm những chuyện sai trái. Như vậy chúng ta sẽ đạt được khả năng tránh được những việc làm trái đạo đức nhân tâm, dừng mọi hành động tạo ác nghiệp. Cho nên sau khi sám hối xong, không phải tất cả tội lỗi sạch không mà là chúng ta cần nỗ lực làm nhiều công đức, bố thí thật nhiều, tích lũy nhiều duyên lành.
Sám hối cũng không cần phải nghi thức gì đặc biệt, người sám hối có thể vừa lạy vừa sám hối, vừa niệm vừa lạy hoặc là niệm Phật xong rồi mới lạy. Nhờ vào việc quay về lễ lạy với tâm vô ngã và phản tỉnh tự thận thì có thể thừa nhận mọi lỗi lầm, tăng trưởng thêm dũng khí chịu trách nhiệm với bản thân, thành tựu được hiệu lực của việc sám hối. Và chính khi chúng ta khởi niệm sám hối cũng chính là khi ta nhìn sâu vào chính mình, thấy được những khuyến khuyết của bản thân, bồi dưỡng đức tính cao thượng. Đó chính là khi ta quay về soi sáng cho chính mình.
Chú thích
* Chơn Thủy – Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khéo học sẽ thấy được pháp chân thật
Kiến thức 12:00 08/11/2024Tất cả quý Phật tử học Phật pháp lâu rồi nhưng có thấy được chân giáo pháp chưa?
Lòng tin là tài sản tối thượng
Kiến thức 10:39 08/11/2024Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin là tối thượng. Quan niệm này kể ra cũng lạ nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật thì trực nhận rằng tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin.
Chính tín
Kiến thức 09:59 08/11/2024Theo tuệ giác Thế Tôn, đối với mọi quan điểm, tư tưởng nên thận trọng, chớ vội tin, cần hoài nghi và xét lại tất cả. Dù nghi ngờ là một trong những phiền não làm chướng ngại thánh đạo nhưng trong nhận thức, hoài nghi là một biểu hiện của trí tuệ vì "đại nghi tức đại ngộ".
Tứ vô lượng tâm: Bốn pháp thiền phát triển tâm từ bi hỷ xả
Kiến thức 09:15 08/11/2024Từ bi hỷ xả là những phẩm chất quan trọng của tâm Phật vốn có sẵn trong ta, tu tập, khơi dậy, phát triển tâm tứ vô lượng tâm là sống với tâm Phật, hoàn toàn thuận hướng giác ngộ giải thoát.
Xem thêm