Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/11/2023, 10:30 AM

Ra ngoài sinh tử

Người tu theo Phật giáo có mục đích là giải thoát sanh tử; điều đó hẳn không ai bàn cãi. Nhưng hiểu sanh tử như thế nào thì lại có sự khác biệt. Có người hiểu giải thoát sanh tử là khi xả bỏ thân mạng này không còn tái sanh trở lại nữa.

Nhưng cũng có người hiểu giải thoát sanh tử là đoạn tận khổ đau, vượt thoát khổ đau ngay tại cuộc đờinày. Dĩ nhiên hai cách hiểu ấy đều có cơ sở từ kinh điển. Ở bài này, người viết chọn cách hiểu thứ hai để trình bày.

Trong kinh Thánh cầu thuộc tuyển tập kinh Trung bộ, Đức Phật nói rằng sở dĩ ta bị sanh già bệnh chết, luân hồi sinh tử là do ta chấp thủ, dính mắc vào những thứ như của cải, tài sản, vợ con, gia đình, lợi danh… “Này các Tỳ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh (già, bệnh, chết)”. Hoặc trong kinh Giới phân biệt, Đức Phật cũng nói đến ý này: “Này các Tỳ-kheo, bằng cách vượt qua mọi vọng tưởng (chấp thủ), hành giả được gọi là một bậc hiền trí tịch tịnh không sanh, không già, không chết, không dao động, không mong cầu”.

Ra ngoài sinh tử nghĩa là chứng nhập Niết-bàn. Mà Niết-bàn không phải một cõi giới nào đó để người tu tập khi chứng ngộ vượt thoát sanh tử trở về an trú trong cõi giới đó.

Ra ngoài sinh tử nghĩa là chứng nhập Niết-bàn. Mà Niết-bàn không phải một cõi giới nào đó để người tu tập khi chứng ngộ vượt thoát sanh tử trở về an trú trong cõi giới đó.

Như vậy, theo lời Phật, sanh già bệnh chết hay sinh tử luân hồi đồng nghĩa với chấp thủ, tham luyến. Mà chấp thủ, tham luyến thì đưa đến khổ đau. Cho nên ý nghĩa của sanh già bệnh chết hay sinh tử luân hồilà ám chỉ cho khổ đau. Điều này được Đức Phật khẳng định một lần nữa trong kinh Tương ưng bộ: “Ai còn tham luyến, thời có dao động; ai không tham luyến thời không dao động; ai không dao động thời được khinh an; ai được khinh an thời không thiên chấp (uốn theo tham ái); ai không thiên chấp thời không có đến và đi; ai không có đến và đi thời không có diệt và sanh; ai không có diệt và sanh thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau”.

Chúng ta chấp thủ, tham luyến vào các pháp bên ngoài, mà các pháp bên ngoài thì vô thường, biến dịch, đổi thay diệt sinh sinh diệt liên tục; vì vậy mà ta cũng bị thăng trầm chìm nổi diệt sinh theo các pháp ấy. Đó chính là ý nghĩa luân hồi sinh tử mà Phật muốn nói đến. Sự đổi thay các trạng thái tâm lý khi xúc chạm các sự việc ở đời như buồn rồi vui, yêu rồi ghét, thỏa mãn rồi chán nản, thất vọng rồi hài lòng… lặp đi lặp lại tạo thành vòng tròn gọi là luân hồi sanh tử. Nói như Osho: “Sau niềm vui sẽ là nỗi đau. Và sau muộn phiền sẽ là vui sướng. Chúng ta chẳng bao giờ thư thả nổi. Khi đang an lành chúng ta âm thầm lo sợ niềm vui ngắn ngủi sẽ tan hết. Và rồi nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ tàn phá khoảnh khắc vui sướng, quý giá đó. Khi bị nhấn chìm trong đau khổ, chúng ta cay đắng và cố thoát khỏi tình trạng của mình bằng cách hướng tới những điều tốt đẹp. Đức Phật gọi điều này là bánh xe sanh tử. Chúng ta chuyển động theo bánh xe, bị vướng vào vòng quay của nó. Và bánh xe ấy cứ lăn đi mãi. Đôi khi ta cảm thấy hài lòng, có lúc lại cảm thấy khổ sở, ta bị nghiền nát triền miên giữa hai trạng thái này”.

Khi một cảm thọ khổ, lạc, hay bất khổ bất lạc khởi lên, nếu ta bị dính mắc vào cảm thọ ấy thì liền khi ấy ái, thủ, hữu, sinh, già, bệnh, chết sinh khởi, kéo theo sầu bi khổ ưu não có mặt. Đây là tiến trình luân hồi sanh tử khổ đau sinh khởi. Có thọ mà dính mắc vào thọ thì thọ ấy trở thành thọ trong mắt xích mười hai chi phần nhân duyên. Thọ ấy là nguyên nhân sinh khởi ái, thủ, hữu… Đây chính là tập đế tạo ra sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ưu não hay sanh tử luân hồi. Lời Phật minh định cho điều này: “Nếu người ấy cảm nhận một lạc thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một khổ thọ, người ấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Này các Tỳ-kheo, đây được gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc với sanh già bệnh chết, bị dính mắc với ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn phiền, tuyệt vọng. Ta nói người này bị trói buộc với khổ đau”.

Trái lại khi có thọ mà không dính mắc vào thọ thì thọ ấy không phải thọ trong mắt xích mười hai chi phầnnhân duyên, nên không đưa đến ái, thủ, hữu sinh khởi, không tạo nên sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ưu não hay sinh tử luân hồi khổ đau. Lời Phật tiếp tục minh thị điều này: “Nếu người ấy cảm thọ một lạc thọ, người ấy không bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một khổ thọ, người ấy không bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, người ấy không dính mắc. Này các Tỳ-kheo, đây được gọi là bậc thánh đệ tử không bị trói buộc với sanh già bệnh chết; không bị dính mắc với phiền muộn, than vãnđau đớn, ưu sầu tuyệt vọng. Ta nói người này không bị trói buộc với khổ đau”.

 Thông thường, khi gặp một biến cố khổ đau, ta hay rơi vào trạng thái bấn loạn, chao đảo; vì vậy mà ta đánh mất sự định tĩnh sáng suốt vốn có. Hoặc khi nếm trải một lạc thú, ta bị chìm đắm, mê say, thích thúcũng khiến ta đánh mất sự định tĩnh sáng suốt. Khổ và lạc, hai thứ cảm thọ rất dễ khiến cho ta trở nên si mê, điên đảo vì chúng. Cho nên khi có cảm thọ sinh khởi, hãy chánh niệm tỉnh giác với cảm thọ ấy, đừng để các cảm thọ làm mồi cho ái sinh khởi, bằng cách cảm nhận khổ thọ là khổ thọ mà không cố tâm loại trừ hay bất mãn chống đối chi cả; cảm nhận lạc thọ là lạc thọ mà không say mê, ưa đắm, thích thú, thì ta trả thọ về bản chất tự nhiên của thọ; hay nói như lời Đức Phật đã nói với Bahiya trong Khuddhaka Nikaya,“… trong cảm thọ chỉ là cảm thọ”. Điều này có nghĩa là có thọ mà không có ái xen vào thì ta không bị khổ thọ hay lạc thọ chi phối, dẫn dắt mình vào mê cung si loạn của chúng nữa. Đó chính là ý nghĩa giải thoát sanh tử khổ đau.

Ra ngoài sinh tử nghĩa là chứng nhập Niết-bàn. Mà Niết-bàn không phải một cõi giới nào đó để người tu tập khi chứng ngộ vượt thoát sanh tử trở về an trú trong cõi giới đó. Niết-bàn có mặt khắp nơi trong vũ trụnày. Sống, nếu tham chấp thì rơi vào sanh tử khổ đau. Còn khi xả bỏ hết tham chấp liền khi ấy là Niết-bàn. Cho nên đoạn hết tham ái, chấp thủ thì chứng ngộ ngay vô sanh bất tử. Đức Phật nói rằng giáo phápcủa Ngài có khả năng đem lại sự bất tử. Ngài nói: “Ai giảng dạy giáo pháp, người đó cho bất tử”. Bất tử ở đây ám chỉ không còn khổ đau chứ không phải là sống hoài mà không chết. Cho nên ý nghĩa của việc ra ngoài sanh tử hay chứng ngộ vô sanh bất tử là đoạn tận khổ đau ngay tại đây và bây giờ. Đây cũng chính là ý nghĩa Niết-bàn vô trụ trong Phật giáo Phát triển.

Sống ở đời, chúng ta thường thiếu nghệ thuật phòng hộ tâm nên khi tâm ứng cảnh liền bị cảnh chi phối, lôi kéo, dẫn dắt mình đi. Ta bị cảnh lôi kéo, dẫn đi, ấy là lúc ta rơi vào sanh tử luân hồi. Cho nên ý nghĩasanh tử luân hồi, ở điểm này, là ngay tại đây và bây giờ, khi tâm bị cảnh lôi kéo sinh ra buồn vui, thương ghét, chứ không phải mang nghĩa chết đi rồi tái sanh trở lại. Và giải thoát sanh tử luân hồi cũng ngay tại đây và bây giờ, khi tâm đối cảnh mà không phản ứng theo cái ta tham ái yêu ghét, không bị cảnh cuốn đi. Trong kinh Lăng nghiêm, “Khi ngài Anan bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn, cái gì là cội gốc của sanh tử luân hồi? Cái gì là cội gốc của Bồ-đề Niết-bàn?’ Đức Phật im lặng. Lúc đó mười phương chư Phật đồng thanh bảo rằng: Cội gốc sinh tử là sáu căn của ông. Cội gốc Bồ-đề Niết-bàn cũng là sáu căn của ông”. Sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần, nếu đưa đến nhận thức trong sáng, thanh tịnh thì ngay đó là Niết-bàn; nếu đưa đến nhận thức bị nhuốm màu bởi cái ta tham ai thì liền đó là sanh tử.

“Đừng muốn gì khác hơn là cái đang hiện ra đó”, đấy là lời nói đầy minh triết của triết gia người Đức, Nietzsche. Ta thường có xu hướng tìm kiếm một sự hoàn hảo, một điều kiện như ý theo lý tưởng. Nhưng thực ra các pháp hay mọi thứ vốn tự nó đã biểu hiện sự hoàn hảo trong từng giây phút. Chỉ có cái ta tham ái bắt các pháp phải khác đi theo ý muốn của mình mới đưa đến cái thấy là mọi thứ không được hoàn hảo, không như ý. Đó là cái thấy theo tư dục, tư kiến. Cái thấy đó, theo Phật giáo, là tà kiến, cái thấy sai lạc, không đúng với thực tại đang là. Cho nên, đừng muốn điều gì khác với cái đang là cả, thì ngay đó chấm dứt sanh tử, chấm dứt khổ đau.

Trong Trung bộ kinh, Đức Phật nói rằng trong bốn mươi lăm năm thuyết pháp, Ngài chỉ nói khổ và sự diệt khổ. Khổ đau và giải quyết khổ đau ngay tại cuộc đời này, đó là mục đích tối hậu của Phật giáo. Ngài Huyền Giác có nói, “sanh tử sự đại”. Sanh tử ở đây ám chỉ tình trạng khổ đau của kiếp nhân sinh. Khổ đau là việc lớn của đời người cần phải giải quyết. Cho nên ý nghĩa của việc giải thoát sanh tử chính là đoạn tận khổ đau, vượt thoát khổ đau ngay đây và bây giờ, chính nơi cuộc đời này.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chỉ có tâm người là đáng sợ

Góc nhìn Phật tử 20:07 04/05/2024

Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?”

Có một cảnh giới mà chúng ta sẽ cùng nhau đoàn tụ vĩnh viễn

Góc nhìn Phật tử 11:45 04/05/2024

"Thầy xin các con tâm niệm: Chẳng sáng thì chiều, chẳng hôm nay thì ngày mai, chẳng tháng này thì tháng khác, chẳng năm nay thì năm sau, Thầy cũng như ba má và tất cả những người các con nương tựa thế nào cũng phải có ngày khuất bóng."

Tâm tham

Góc nhìn Phật tử 07:51 03/05/2024

Tâm tham là một trong những loại tâm bất thiện (Tâm chẳng lành, tâm xấu,…). Khi chưa là A La Hán thì tâm này vẫn chi phối chúng ta, khiến chúng ta tạo tác và luân hồi sinh tử trong nhiều kiếp. Tâm này do huân tập từ nhiều đời cho nên khi gặp cảnh tốt đẹp, hài lòng thì sinh ham muốn.

Niềm tin Phật Pháp hồi sinh tôi

Góc nhìn Phật tử 16:03 02/05/2024

Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin. Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình.

Xem thêm