Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 22/12/2022, 15:43 PM

"Sợ lạnh thì càng lạnh"

Câu nói của Thầy Đức Thanh, chốn Tổ đình Báo Quốc; mỗi trưa mùa Đông đi thỉnh chúng dùng cơm ấn tượng mãi cho tôi những ngày sinh viên Y Khoa Huế. Và đã là thần chú giúp tôi vững vàng cùng đồng đội Y Bác sĩ chống dịch Covid - 19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những giây phút khủng hoảng tinh thần giữa bộn bề, và đó cũng là ký ức khó quên nhất trong đời này; đó là lần tôi cảm nhận được Pháp vị cam lồ ngọt mát.

Vậy là cũng tròn một năm, kể từ ngày Thành phố kết thúc cách ly “Ai ở đâu ở yên chỗ đó”. Những tháng ngày chống dịch, đối diện với sống chết trước mắt mình và những tâm tư trăn trối trong tiềm thức của một Thạc sĩ – Bác sĩ trẻ tuổi mới vừa tròn 30. Đón sinh nhật trong đơn vị cách ly của bệnh viện với nhiều nhiệt huyết của sức trẻ, với lòng hăng say phụng sự trong tâm trạng “thấy mình có ích cho đời.” Nhưng chẳng bao lâu sau đó, với sự căng thẳng của dịch bệnh và tình trạng quá tải công việc, nhiệt huyết và lòng hăng say bắt đầu vơi dần và sự mệt mỏi bắt đầu bủa vây những chiến sĩ phòng chống dịch bệnh Covid - 19, trong đó có chính tôi.

BS Nguyễn Tuệ Nguyên Tâm đón sinh nhật tuổi 30 trong đơn vị cách ly người bệnh Covid19; tháng 08 năm 2021

BS Nguyễn Tuệ Nguyên Tâm đón sinh nhật tuổi 30 trong đơn vị cách ly người bệnh Covid19; tháng 08 năm 2021

Vô thường

Khi bắt đầu tình trạng số người bệnh nặng tăng dần và xuất hiện nhiều ca không qua khỏi. Bài học bất đắc dĩ về Vô thường phải học trong sự mệt mỏi và sợ hãi. Cũng là vô thường nhưng thuở mới học Phật tôi thấy vô thường nó nhẹ nhàng lắm, nghe quý Thầy nói vô thường rồi nói theo, chậc lưỡi “Ôi Vô thường mà”. Nhưng tham gia chống dịch rồi mới biết; cái sự vô thường quen nói nơi cửa miệng chỉ thấm tháp người ta khi mắc một thứ gì đó liên quan đến sống chết; hay đơn giản là chứng kiến cái chết quá nhanh trước mặt! Nhiều số điện thoại sau cơn dịch không còn đổ chuông hay đổ chuông nhưng người khác bắt máy! Lúc ấy tôi mới rợn người! Rợn người để thấm tháp thêm chút về vô thường, rợn người để nỗ lực làm được gì tốt nhất trong lúc đó thì nỗ lực làm; để rồi nhắc nhở mình ráng thêm chút nữa. Tôi nhớ lúc ấy, tôi thường lẩm bẩm những câu kinh Nikaya quen thuộc để quên đi cảm giác chật chội trong bộ đồ bảo hộ, quên đi những giọt mồ hôi đang thấm ướt dần lưng áo, hay tạm gác qua đi cảm giác ngột ngạt khó thở trong chiếc khẩu trang 3M.

“Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai,

Không ai điều đình được,

Với đội quân thần chết.”

Đối diện cửa chết, mình muốn làm điều chi?

Đó là câu hỏi mà những ngày áp lực quá, tôi phải viết lên Facebook để tự trấn an chính bản thân mình: “Đối diện cửa chết, mình muốn làm điều chi?”

Chợt những dòng tự sự trong Đại Đường Tây Vức Ký của Thầy Huyền Trang gợi về. Từ Đông Thổ Đại Đường đi bộ qua Tây Trúc thỉnh kinh, trải qua biết bao gian nan khổ cực, giữa sa mạc khát nước phải dùng nước đọng lại trong sọ người, “có những lúc tưởng chừng chết đi sống lại, chùn bước, chỉ biết niệm hồng danh Bồ Tát Quán Thế Âm mà đi tiếp.”

Những ngày chống dịch khiến tôi nhớ lại những trang sử của Thầy Huyền Trang, vì chính tôi đây, và cả đồng đội tôi nữa ngày này qua tháng nọ, đã nhiều lúc muốn khuỵu xuống bỏ cuộc, nhưng ráng tôi niệm Bồ tát trong mình, còn bạn bè tôi ráng niệm lòng trắc ẩn và nhắc nhở nghĩa vụ thiêng liêng; để đi tiếp chứ gì nữa, nên mệt đó rồi khoẻ đó, buồn đó rồi vui đó, khóc đó rồi cười đó, đủ cả những thăng trầm của cảm xúc!

Tôi viết ra không phải để than thở, tôi viết ra để nhắn nhủ chính mình, niệm niệm chớ quên, khi đường lùi có thể mang lại sự an ổn không chắc chắn của chính mình; nhưng tiến tới là sự chắc chắn góp chút gì đó cho thinh không này! Để dặn lòng cố lên chính tôi và bạn bè tôi, Thầy Huyền Trang làm được, thì tôi và chúng ta, cũng làm được! Cùng thỉnh bộ kinh lớn này, bộ Tâm Kinh cuộc đời! Mỗi sáng mai mở mắt, ở nhà hay đi tiếp! Tất nhiên là chúng tôi đã đi tiếp.

BS Nguyên Tâm cùng đồng đội chống dịch tại Huyện Nhà Bè – Thành phố Hồ Chí Minh

BS Nguyên Tâm cùng đồng đội chống dịch tại Huyện Nhà Bè – Thành phố Hồ Chí Minh

Sợ lạnh thì càng lạnh

Nhưng rồi; số cuộc điện thoại hotline tăng dần; tình trạng nặng của người bệnh tăng dần, số tin báo tình trạng xấu cũng tăng dần vào những giữa đêm kết hợp với việc nhiều ngày liền ngủ không liên tục, tôi đã thực sự burn – out (quá tải – áp lực), tôi bắt đầu cảm giác mệt mỏi, sợ bệnh và sợ chết. Những nỗi sợ cứ bủa vây lấy chàng thanh niên còn nhiều mộng mơ để rồi những đêm thức trắng càng khiến cho sức khỏe kiệt quệ hơn. 

Tôi nhớ hôm đó khoảng cuối tháng Tám năm 2021, sau chuyến đi chủng ngừa từ sáng sớm ở Nhà Bè trở về phòng nghỉ dành cho nhân viên y tế; tôi bơ phờ và miên man trên chiếc giường bệnh xếp tạm. Bỗng câu nói của Thầy Đức Thanh ở chốn Tổ đình Báo Quốc vang lên trong đầu “Sợ lạnh thì càng lạnh”.

Một bộ phim bắt đầu tua lại tuần tự những tháng ngày học Phật ở Phước Viên với Thầy Quang Đạo, Thầy Minh Điền; những ký ức về Thầy Quang Đạo vượt qua gian nan xây chùa Phước Viên, xây Trường Phật học Đồng Nai mà tôi chứng kiến được vào thời thơ ấu khi còn là một Phật tử Oanh vũ.

Rồi những tháng ngày ở Huế cùng chư Tôn đức xây dựng chương trình Phật học ứng dụng dành cho Học sinh – Sinh viên tại Trung tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán hiện ra; từ những ngày khó khăn nhất, hình ảnh Thầy Phước Hòa chùa Giác Thế phải bán đi chiếc máy tính xách tay duy nhất của mình để có kinh phí may áo lam cho các em Khóa sinh khóa tu tuổi trẻ; hình ảnh Thầy Phước Như hô canh dẫn một đoàn thanh thiếu nhi niệm Phật rực sáng cả sân chùa giữa miền cát trắng Quảng Điền. 

Cho đến những bữa cơm trưa ở Báo Quốc giữa trời Đông xứ Huế lạnh lẽo, Thầy Đức Thanh cầm chuông đi từng gian Tăng xá để thỉnh đại chúng dùng cơm trưa; đến dãy của các học Tăng trẻ, Thầy lắc linh rồi nói: “Mời quý vị ra ăn cơm, sợ lạnh thì càng lạnh.”

Hình ảnh Thầy Đức Thanh - Tổ đình Báo Quốc do tác giả chụp năm 2017.

Hình ảnh Thầy Đức Thanh - Tổ đình Báo Quốc do tác giả chụp năm 2017.

Thước phim đến đây bỗng sáng bừng, “sợ lạnh thì càng lạnh”, ôi thần chú cam lồ là đây; cả không gian tâm trí u tối của tôi bỗng bừng sáng, bao nhiêu mệt mỏi bỗng chốc tiêu tan, tinh thần nhiệt huyết còn đó bỗng bừng lên. Ôi sợ lạnh thì càng lạnh, sợ mệt thì càng mệt. Như được tiếp thêm năng lượng, tôi bắt đầu lại hăng say với công việc, tiếp tục công tác phòng chống dịch bệnh cùng đồng đội cho tới ngày Thành phố ổn định. Sau khi trở về từ đội lấy mẫu, đội tiêm chủng tại Quận 12, Nhà Bè; song song công tác trực hotline hỗ trợ bà con từ xa; tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ Trưởng trạm Y tế lưu động tại Bình Thạnh và Bình Tân, mang theo mình là pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm đặt ngay tại bàn làm việc cũng là chỗ nghỉ ngơi túc trực 24/7. 

Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm được Bác sĩ mang theo suốt quá trình chống dịch.

Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm được Bác sĩ mang theo suốt quá trình chống dịch.

Những hình ảnh về Thầy Đức Thanh tuy tuổi đã cao, ở vị trí cao, nhưng mỗi ngày vẫn đi thỉnh đại chúng dùng cơm càng khiến cho tâm của tôi trở nên mạnh mẽ hơn và nhiệt huyết vững vàng, xông pha hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giảm tối thiểu tổn thất cho bà con địa phương được giao quản lý, và hơn cả, cảm nhận rõ Đạo tâm trong mình, đang trưởng thành trong từng thớ thịt, trong từng suy nghĩ.

Nhìn lại suốt quá trình cùng Thành phố tham gia công tác phòng chống đại dịch, nếu không có Phật Pháp, chắc hẳn tôi đã không đủ năng lực và năng lượng để vượt qua quãng thời gian khó khăn ấy, nếu không có sự thị hiện của Phật Pháp, làm giao tôi vượt qua được sự giằng xé liên tục của nội tâm lẫn ngoại cảnh? Thành ra, cuộc đời tôi, một nửa là Cha Mẹ cho, nửa còn lại là Phật Pháp Tăng độ trì, trong những giây phút quan trọng của cuộc đời, bằng cách này hay cách khác, đều nhờ Tam Bảo thị hiện mà hóa độ cho tôi. Vậy nên, tôi hay tự hào mà khoe rằng: Tôi là kẻ được Phật thương, Tôi là kẻ được biết vị cam lồ ngọt mát là như thế nào.

Kính niệm ân Cha Mẹ, 

Kính niệm ân Phật Pháp

Kính niệm ân chư vị Tổ sư đã vì mạng mạch Phật Pháp mà hoằng truyền Chánh Pháp;

Kính niệm ân chúng sanh đã cho tôi cơ hội cảm thọ sự thị hiện của Phật Pháp.

“Dầu phải trải qua ngàn gian khổ,

Con dốc lòng vì Đạo hi sinh,

Nương từ quang tìm đến bảo thành,

Đặng tự giác, giác tha, viên mãn.”

Mùa Đông, năm Nhâm Dần

Kính nhớ Thầy Đức Thanh.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Tuệ Nguyên Tâm; địa chỉ: 218 Nguyen Dinh Chieu. Ward 6. District 3, HCM City.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT - TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

Bác sĩ Phật tử Quảng Pháp

Nguyễn Tuệ Nguyên Tâm

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm