Soi gương chánh pháp
Pháp thoại dưới đây Đức Phật dùng hình ảnh gương Pháp (Pháp kính) để khi soi vào vị đệ tử Phật biết chỗ thọ sinh. Tùy theo hạnh nghiệp của mỗi người mà có thể trôi lăn trong lục đạo hay dự phần vào các quả Thánh.
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-kheo (…).
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở thôn Câu-lỵ lại bảo A-nan cùng đi đến thôn Na-đà. A-nan vâng lời, khoác y ôm bát cùng với đại chúng đi theo Phật, theo con đường từ Bạt-kỳ đến Na-đà và dừng lại chỗ Kiền-chùy.
Bấy giờ, A-nan ở chỗ thanh vắng yên lặng suy nghĩ: Thôn Na-đà này có mười hai cư sĩ là Già-già-la, Già-lăng-già, Tỳ-già-đà, Già-lê-thâu, Giá-lâu, Bà-da-lâu, Bà-đầu-lâu, Tẩu-bà-đầu-lâu, Đà-lê-xá-nậu, Tẩu-đạt-lê-xá-nậu, Da-thâu, Da-thâu-đa-lâu đã qua đời. Hiện nay không biết họ sinh về đâu? Lại có năm mươi người khác mệnh chung, lại năm trăm người khác nữa mệnh chung, nay không biết họ sinh về chỗ nào?
A-nan suy nghĩ như thế xong, rời khỏi nơi nhàn tịnh, đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật:
- Thế Tôn, vừa rồi con ở chỗ nhàn tịnh, lặng lẽ suy nghĩ: Thôn Na-đà này có mười hai cư sĩ: Già-già-la…, mạng chung; lại có năm mươi người nữa mạng chung, lại có năm trăm người mạng chung; không biết họ sinh về đâu. Cúi mong Thế Tôn nói rõ cho con.
Phật bảo A-nan:
- Mười hai cư sĩ kia là Già-già-la…, đã đoạn năm hạ phần kết nên mệnh chung sinh thiên; họ nhập Niết-bàn ở đó chứ không trở lại cõi này nữa. Còn năm mươi người kia mạng chung do đoạn trừ ba kết sử; dâm, nộ, si mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm, sẽ trở lại cõi này để dứt hết gốc khổ. Còn năm trăm người kia mạng chung do đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào ác thú, chắc chắn thành đạo, chỉ trở lại cõi này bảy lần để dứt hết gốc khổ rồi thôi.
- Này A-nan, phàm có sinh thì có chết, đó là lẽ thường của cuộc đời, có gì là quái lạ. Nếu thấy mỗi người chết, ngươi đều tới hỏi Ta như vậy chẳng là quấy rầy ư?
A-nan đáp:
- Đúng vậy, bạch Thế Tôn, quả là phiền nhiễu.
Phật bảo:
- A-nan, nay ta sẽ nói cho ngươi về Pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh; dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.
- Này A-nan! Pháp kính là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín, hoan hỷ tin Phật là Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mười đức hiệu đầy đủ. Hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí. Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hoặc có người đang hướng tới Tu-đà-hoàn và được quả Tu-đà-hoàn, có người đang hướng tới Tư-đà-hàm và được quả Tư-đà-hàm, có người đang hướng tới A-na-hàm và được quả A-na-hàm, có người đang hướng tới A-la-hán và được quả A-la-hán. Ấy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời. Tin giới của Hiền thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam-muội định vậy.
- A-nan, đó là Pháp kính, khiến Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh, dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời hoàn tất tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói cho người khác sự việc ấy”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
Đức Phật dạy thật rõ ràng, vị Thánh đệ tử thành tựu niềm tin vững chắc, hoan hỷ tin sâu vào Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo và Thánh giới cao quý thì ‘dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu-đà-hoàn’. Người đạt Sơ quả Dự lưu đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ. Lần lượt làm cho suy yếu và đoạn tận hai hạ phần kiết sử còn lại (tham dục, sân), vị Thánh đệ tử sẽ lần lượt chứng Nhị quả, Tam quả. Tiếp tục phát huy thiền quán đoạn tận năm thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo hối và vô minh) cho đến khi chứng Tứ quả A-la-hán.
Lộ trình tu học được Thế Tôn chỉ dạy rất rõ ràng. Người tu Phật hãy soi vào gương Pháp để biết rõ mình là ai, đang đi đến đâu trong lộ trình giác ngộ, giải thoát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm