Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 19/10/2023, 09:52 AM

Sống thăng bằng, điều hoà

Để có một cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc thì chúng ta phải biết thu chi cân đối. Người không biết thu chi cân đối sẽ bị thâm hụt tài sản, lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng nợ nần.

Ví dụ, chúng ta làm mười đồng nhưng sử dụng hết mười lăm đồng, thâm hụt mất năm đồng, mỗi ngày thâm hụt một ít, dần dần tài sản của mình sẽ về lại số không. Đến khi hết tiền thì phải đi vay, mà vay nợ thì phải trả lãi, rốt cuộc chúng ta cứ mang gánh nặng nợ nần hết năm này qua năm khác, cái nghèo, cái khổ đeo bám thường xuyên. 

Đức Phật dạy: “Ví như, một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào và bốn cửa nước chảy ra, nếu có người đóng các cửa nước chảy vào, mở các cửa nước chảy ra, và trời lại không mưa đúng lúc; như vậy, hồ nước ấy sẽ bị giảm thiểu, không có tăng trưởng. Ngược lại, nếu có người đóng các cửa nước chảy ra, mở các cửa nước chảy vào, và trời lại mưa đúng lúc; như vậy, hồ nước ấy sẽ được tăng trưởng, không bị giảm thiểu. Cũng thế, có bốn cửa ra để tiêu phí tài sản thâu nhập là: đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc và giao du kẻ ác; ngược lại, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi là: không say đắm đàn bà, không say đắm rượu chè, không say đắm cờ bạc và giao du với người thiện.” Tài sản của chúng ta cũng như một hồ nước có bốn cửa nước chảy vào và bốn cửa nước chảy ra. Nếu chúng ta để ý cân đối thu chi, biết làm ăn tích góp, không tiêu xài phung phí thì bốn cửa nước chảy vào sẽ mở; bằng không, tài sản của chúng ta sẽ theo bốn cửa kia mà chảy ra cho đến khi cạn kiệt.

moi-quan-he-phat-giao-voi-thien-nhien

Tuy nhiên, người chỉ biết tích góp mà không chi tiêu, không hưởng thụ, sống một cách dè sẻn, hà tiện, cũng là người không biết cân đối thu chi. Trong bài kinh Không con thuộc chương 3, kinh Tương Ưng Bộ 1 có chép câu chuyện như sau: “Vua Pasenadi của nước Kosala đến thăm đức Phật vào một buổi trưa. Sau khi đảnh lễ đức Phật, vua ngồi xuống một bên. Đức Phật nói với vua:

- Thưa đại vương! Đại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?

Vua thưa:

- Bạch Thế Tôn! Có gia chủ triệu phú ở thành Savatthi (Xá-vệ) bị mạng chung và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn! Tuy vậy, đồ ăn của gia chủ triệu phú ấy lại  chỉ có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ, hư nát, có gắn tán che bằng lá.

Đức Phật dạy:

- Thật như vậy, thưa đại vương! Một kẻ không phải chân nhân, dù cho có được tài sản lớn, không    đem lại an lạc cho mình, cho cha mẹ, cho vợ con, cho người phục vụ, cho người làm công, cho bạn bè  thân hữu; đối với các vị Sa-môn,  Bà-la-môn, không thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chân chính, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn  trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chân chính, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.”

Qua bài kinh này, đức Phật dạy chúng ta phải biết thọ dụng tài sản một cách chân chính để đảm bảo  cho đời sống được an lạc ở hiện tại cũng như trong tương lai. Không phải chúng ta làm ra tiền rồi tích góp, dành dụm, không dám chi tiêu, mà phải biết sử dụng tiền sao cho hợp lý, lấy nó làm phương tiện để tạo ra hạnh phúc cho mình và cho người. Đừng như ông gia chủ triệu phú trong câu chuyện trên, sống cả đời quá keo kiệt, đến nỗi cơm ngon không dám ăn, áo đẹp không dám mặc, tiền của không dám xài, cuối cùng, sau khi chết, toàn bộ tài sản phải bỏ lại, không đem theo được gì và bị nhà vua sung hết vào công quỹ. Chúng ta làm ra tiền là để tiêu xài, để hưởng thụ, điều quan trọng là phải biết thọ dụng một cách chân chính. Không nên quá bỏn xẻn mà cũng không nên quá phung phí, đó mới là người biết cân đối thu chi.

1531356534895187593-0843

Như vậy, trong bài kinh Dighajanu, đức Phật đã giảng dạy rất kỹ về bốn pháp đem đến an lạc và hạnh phúc trong hiện tại. Ngài khuyên chúng ta ngoài việc luôn cố gắng, nỗ lực, còn phải khéo léo, tháo vát trong việc làm, nâng cao tay nghề, phát triển kỹ năng, đúc kết kinh nghiệm; đồng thời, phải biết phòng hộ, giữ gìn, biết gần gũi những người bạn tốt và biết điều hòa vấn đề thu chi để tài sản của mình không bị thất thoát, tổn giảm. Cũng trong bài kinh này, đức Phật còn dạy chúng ta bốn pháp đem đến an lạc, hạnh phúc cho tương lai, gồm:

- Đầy đủ tín

Tín là niềm tin. Chúng ta phải có niềm tin đối với đức Phật. Phật   là một bậc đầy đủ phước đức và trí tuệ. Ngài được tôn xưng bằng mười đức hiệu:

Như Lai: Nghĩa là nương theo đạo như thật để đến và tu thành Chánh Giác.

Ứng Cúng: Đức Phật là bậc đã đoạn trừ hết tất cả phiền não, trí đức tròn đầy, xứng đáng được trời và người cung kính, cúng dường.

Chánh Biến Tri: Nghĩa là hiểu biết đúng đắn khắp tất cả các pháp.

Minh Hạnh Túc: “Túc” có nghĩa là đầy đủ. “Minh” chỉ cho Tam minh, gồm: túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Túc mạng minh là trí tuệ biết rõ quá khứ từ vô thủy kiếp của mình và của tất cả chúng sinh (sinh ở đâu, con của ai, tên là gì, sống thế nào, làm những gì, chết ra sao). Thiên nhãn minh là trí tuệ biết rõ tương lai của mình và của tất cả chúng sinh. Lậu tận minh là trí tuệ biết rõ nguồn gốc và phương pháp đoạn trừ tất cả phiền não tham, sân, si... “Hạnh” là hạnh nghiệp, là những tạo tác nơi thân, khẩu, ý. Đức Phật có hạnh nghiệp trang nghiêm một cách viên mãn. Ngài đã làm rất nhiều điều tốt đẹp, lợi ích cho chúng sinh. Vì đầy đủ tam minh và viên mãn hạnh nghiệp nên đức Phật được tôn xưng là Minh Hạnh Túc.

Thiện Thệ: Đức Phật đã đạt đến cảnh giới Niết Bàn, không còn trở lui lại biển sinh tử đau khổ nữa.

Thế Gian Giải: Đức Phật biết rõ chúng sinh thế gian và phi chúng sinh thế gian, chẳng những biết nhân của thế gian, diệt của thế gian mà còn biết đạo xuất thế gian. Nghĩa là, Ngài biết rõ về thế gian này, về nhân, về quả, và về con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát.

Vô Thượng Sĩ: Đức Phật là bậc có sự hiểu biết hơn tất cả chúng sinh.

Điều Ngự Trượng Phu: Đức Phật có khả năng hóa độ tất cả trượng phu, dù họ tài giỏi đến mức nào.

Thiên Nhân Sư: Đức Phật là thầy của trời và người.

Phật Thế Tôn: Đức Phật là một bậc đã tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, thấy biết tất cả các pháp trong ba đời, và được người trên thế gian tôn trọng, cung kính.

Có thể thấy, đức Phật là bậc đầy đủ phước trí. Bản thân Ngài đã giải thoát khỏi tất cả tham ái, khổ đau, và sau đó chỉ dẫn cho chúng ta con đường đi đến giác ngộ, giải thoát. Vì thế, người Phật tử phải đặt trọn niềm tin của mình vào đức Phật. 

- Đầy đủ giới

Để trở thành người Phật tử, chúng ta phải quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu). Giới là nền tảng của mọi hạnh lành. Dù là người tại gia hay xuất gia cũng đều phải lấy giới làm căn bản trong việc tu học. Người tại gia có năm giới, người xuất gia có mười giới Sa-di, 250 giới Tỳ-kheo và 348 giới Tỳ-kheo-ni. Tuy người xuất gia có giới cao hơn người tại gia nhưng nền tảng vẫn là năm giới. Cho nên, nếu chúng ta muốn có được lợi ích, an lạc cho bản thân ở hiện đời cũng như đời sau thì phải giữ gìn năm giới căn bản. Giới có thể chia làm ba loại:

Nhiếp luật nghi giới: nghĩa là không làm tất cả việc ác, giữ những giới mà mình đã thọ.

Nhiếp thiện pháp giới: nghĩa là tích cực làm những việc tốt đẹp. Ví dụ, do giữ giới không sát sinh, chúng ta không giết mạng chúng sinh, đó  là nhiếp luật nghi giới. Tiến thêm một bước nữa, không những không giết mạng chúng sinh mà chúng ta còn phóng sinh, đó là nhiếp thiện pháp giới.

Nhiêu ích hữu tình giới: nghĩa là đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, mọi loài. Ví dụ, chúng ta đem Phật pháp phổ cập đến tất cả mọi người để cho ai cũng hiểu, cũng tu và đạt được lợi ích từ Phật pháp, đó là nhiêu ích hữu tình giới.

Như vậy, giữ giới không chỉ là không làm các điều ác, mà còn phải làm những điều thiện. Không sát sinh mà còn phải phóng sinh, không trộm cắp mà còn phải bố thí, không tà hạnh mà còn phải sống trong sạch, không nói dối mà còn phải nói thật, không uống rượu mà còn phải khuyên người không uống rượu.

Giới có nghĩa là chế ngự. Có năm cách chế ngự của giới: Một là chế ngự bằng sự chế ngự của giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. Ba-la-đề-mộc-xoa có nghĩa là biệt giải thoát. Chúng ta thọ và giữ giới nào thì sẽ được lợi ích, an lạc và giải thoát từ giới đó. Ví dụ, chúng ta thọ năm giới và giữ tròn giới không sát sinh thì sẽ được lợi ích, an lạc và giải thoát từ giới không sát sinh. Đó gọi là biệt giải thoát.

Hai là chế ngự bằng chánh niệm, tỉnh giác: Trong Bát-nhã Tâm Kinh có nhắc đến lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nếu có chánh niệm, tỉnh giác, khi lục căn tiếp xúc với lục trần, chúng ta sẽ không bị lục trần lôi kéo. Chẳng hạn, khi mắt tiếp xúc với sắc và trong tâm khởi lên ý niệm người mình nhìn thấy đẹp, chúng ta bắt đầu thích, rồi thương, sau đó là muốn chiếm đoạt... Khi có chánh niệm, chúng ta biết được mình đang có ý muốn chiếm đoạt người khác phái, đó là ý muốn xấu, cần phải nhanh chóng diệt trừ. Cho nên, ngay từ ban đầu, chúng ta phải có chánh niệm, tỉnh giác, phải biết mình đang nghĩ gì để kịp thời loại bỏ, ngăn chặn những ý nghĩ sai lệch. Nếu không có chánh niệm, chúng ta rất dễ phạm phải lỗi lầm. Ví dụ, khi thích một món đồ của người ta, nếu không có chánh niệm, để lòng tham khởi lên, mình sẽ lấy cắp món đồ đó, và hậu quả là mình bị bắt vào tù. Do đó, chánh niệm rất quan trọng. Khi ý nghĩ xấu vừa khởi lên mà chúng ta có chánh niệm để ngăn chặn ngay lập tức thì chúng ta sẽ không bao giờ phạm tội.

Ba là chế ngự bằng tri kiến: Trước khi làm gì chúng ta phải có tri kiến (cái thấy biết) đúng đắn, nếu không mình sẽ mắc phải lỗi lầm. Ví dụ, người không có tri kiến đúng đắn cho rằng thế gian này là thật, và chết là hết, từ đó họ có thể làm bất cứ điều tội lỗi nào để vơ vét lợi ích cho bản thân. Còn người tri kiến đúng đắn hiểu rõ nhân và quả nên sợ không dám làm những việc ác.

Bốn là chế ngự bằng kham nhẫn: Kham nhẫn là chịu đựng. Ví dụ như, khi đi chơi cùng bạn bè, mình giữ giới không uống rượu, thế mà họ cứ mời hoài, nếu kiên quyết không uống là mình đang chế ngự bằng kham nhẫn. Hoặc như, mình đã phát nguyện ăn chay trường, song khi được mời đi dự đám cưới, trên bàn tiệc có những món ăn mặn rất hấp dẫn, bốc mùi thơm phức, mặc dù vậy, mình vẫn cố gắng chịu đựng, kiên quyết không ăn; đó cũng chính là chế ngự bằng kham nhẫn. Chúng ta có kham nhẫn thì mới vượt qua được thử thách và giữ được những giới mà mình đã phát nguyện thọ trì.

Năm là chế ngự bằng tinh tấn: Nghĩa là phải cố gắng, nỗ lực, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là thuận hay nghịch, chúng ta vẫn giữ những giới mà mình đã thọ.

Nếu chúng ta biết chế ngự để giữ gìn giới pháp thì hiện đời và sau khi thân hoại mạng chung sẽ có được nhiều điều tốt đẹp. Trong bài kinh Ác giới, Phá giới thuộc phẩm 22, chương Năm Pháp, kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật đã dạy năm điều lợi ích cho những người giữ giới:

Thứ nhất, do nhân không phóng dật mà thâu được tài sản lớn: Người giữ được giới sẽ có đạo đức tốt, lo làm ăn, không rượu chè, cờ bạc, do đó tạo ra nhiều của cải, vật chất. Còn nếu buông lung, phóng túng, không lo làm ăn thì tài sản sẽ tiêu hao, cuộc sống sẽ nghèo khổ.

Thứ hai, tiếng lành đồn xa: Nếu chúng ta giữ được giới, sống mẫu mực thì mọi người ai cũng quý mến, và chính nhờ hành động giữ giới đó mà tiếng tăm của mình được lan xa.

Thứ ba, đi đến hội chúng nào cũng không sợ hãi, hoang mang: Chúng ta không phạm giới thì đi đến đâu cũng thấy an lạc, tự tại. Nếu phạm giới hay làm những chuyện xằng bậy, khi đi đến những hội chúng đông người, chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, hoang mang vì lo người ta phát hiện.

Thứ tư, khi chết tâm không bị mê loạn: Vì cả đời chúng ta giữ giới, sống mẫu mực, có đạo đức, không làm điều ác nên đến lúc lâm chung không lo sợ bị đọa, tâm được sáng suốt, an định, thanh thản.

Thứ năm, khi thân hoại mạng chung được sinh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Do cả cuộc đời chúng ta giữ giới nên nhờ công đức, phước báu đó mà được sinh lên cõi trời, nếu sinh lại làm người thì sẽ được nhiều an lạc, hạnh phúc.

Vì người giữ giới có được năm điều lợi ích như thế nên chúng ta phải luôn lấy giới làm đầu. Giữ giới sẽ không bị đọa lạc vào đường ác, mất giới không những sẽ mất đi thân đời này mà còn mất cả thân đời sau. Cho nên, đức Phật dạy chúng ta muốn có an lạc và hạnh phúc ở tương lai thì phải đầy đủ giới.

- Đầy đủ thí

Bố thí là để mở rộng lòng thương, đem lại niềm vui cho mình, cho người, dứt trừ tâm bỏn xẻn, gieo nhân lành cho đời này và đời sau. “Cho là còn có mất đâu, gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”. Chúng ta cứ tưởng cho là mất, nhưng chính cho mới là còn. Ví dụ, khi gieo một hạt lúa giống xuống đất, chúng ta sẽ thấy nó bị mất đi; nhưng không phải vậy, chính hạt lúa đó sau này sẽ mọc thành cây và cho ra hàng trăm hạt lúa mới. Gieo hạt giống càng nhiều thì số lượng lúa chúng ta thu hoạch được càng nhiều. Cũng vậy, khi bố thí là chúng ta đang gieo những hạt giống; sau này, chúng sẽ lên cây, ra hoa và kết rất nhiều quả; chính chúng ta hưởng những quả đó chứ không phải ai khác.

Đức Phật biết rõ thế gian là vô thường, thân người là giả tạm, tài sản khó gìn giữ nên dạy chúng ta pháp bố thí. Bố thí là cách gìn giữ tài sản tốt nhất, an toàn nhất. Chẳng hạn, khi nhà sắp bị cháy, chúng ta phải lựa những thứ quý giá nhất như vàng, tiền, đô la để lấy ra trước, không ai dại gì mà lấy ti vi, tủ lạnh... Như thế, lỡ nhà có cháy rụi thì chúng ta vẫn còn tiền để làm lại nhà mới; nếu không biết lấy của cải ra thì không những ngôi nhà mà cả của cải quý giá bên trong đều sẽ bị cháy hết. Cũng vậy, khi bố thí là chúng ta đang gởi tài sản lại cho đời sau để xây dựng một kiếp sống mới. Nếu không biết bố thí tài sản, đến khi chết, không những chúng ta phải bỏ thân xác lại mà tất cả của cải đều không đem theo được gì. Người bố thí giống như người đem của cải quý giá ra khỏi ngôi nhà sắp cháy vậy. 

Trong bài kinh Sumana, con gái vua thuộc phẩm 4, chương Năm Pháp, kinh Tăng Chi Bộ có chép: Một hôm, tín nữ Sumana đến hỏi đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, giới và tuệ nhưng một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai đều sinh lên cõi trời. Giữa hai vị trời ấy có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?” Đức Phật dạy: “Người có bố thí, khi được làm vị trời, vượt qua vị trời không bố thí trên năm phương diện: thọ mạng, sắc đẹp, sự an lạc, danh xưng (nghĩa là có tiếng tăm) và sự tăng thượng (nghĩa là phước báu ngày một tăng thêm).” Như vậy, có những khác biệt về phước báu giữa người có bố thí và người không bố thí mặc dù họ cùng tu tín, giới và tuệ giống như nhau. Đây chính là những lợi ích ở đời sau của việc bố thí.

Tiếp đó, trong bài kinh Đại tướng Siha cũng thuộc phẩm kinh trên, đức Phật dạy rằng bố thí có năm lợi ích thiết thực hiện tại: Một là, được nhiều người ái mộ và yêu thích (người có tâm rộng rãi thì đi đâu cũng được ái mộ và yêu thích). Hai là, được những bậc thiện nhân, chân nhân thân cận (tức là được những người tốt, những người chân chính gần gũi). Ba là, tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi. Bốn là, đi đến hội chúng nào cũng tự tin, không do dự, hoang mang. Năm là, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên cõi lành, thiên giới.

- Đầy đủ tuệ

Tuệ có hai chức năng, thứ nhất là cắt lìa, diệt tận; thứ hai là soi sáng, soi chiếu. Nhờ có trí tuệ, chúng ta cắt đứt, diệt trừ tham, sân, si, mạn, nghi... và nhìn thấy được sự thật của cuộc đời này là giả, là khổ, là không, là vô thường, là vô ngã... Trí tuệ như một ngọn đèn sáng được thắp trong nhà tối, ánh sáng trí tuệ xua tan đi bóng tối vô minh, soi tỏ thế nào là khổ, nguyên nhân của khổ và con đường thoát khổ.

Trong bài kinh Ánh sáng thuộc phẩm 15, chương Bốn Pháp, kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn? Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa và ánh sáng trí tuệ. Và này các Tỳ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh sáng là ánh sáng trí tuệ.” Vì trí tuệ giúp chúng ta có khả năng vượt thoát khỏi những đau khổ của kiếp sống hiện tại cũng như của lục đạo luân hồi, thành tựu được sự giác ngộ và giải thoát, nên ánh sáng trí tuệ được xem là tối thượng.

Trong bài kinh Sala thuộc phẩm 6, chương 4, kinh Tương Ưng Bộ 5, đức Phật cũng dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, trong loài bàng sanh, con sư tử, vua của các loài, được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dũng mãnh. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ thì tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ. Và thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Này các Tỳ-kheo, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn là các pháp thuộc phần giác ngộ, vì chúng đưa đến giác ngộ.” Như vậy, giống như sư tử là tối thượng trong các loài thú, tuệ căn là tối thượng trong các pháp đưa đến giác ngộ.

Chúng ta thấy, đức Phật từng dạy pháp Tam vô lậu học, gồm: giới, định và tuệ. Mối quan hệ của ba chi phần trong Tam vô lậu học là: có giới thì mới có định, có định thì mới có tuệ, có tuệ thì mới có giác ngộ, giải thoát. Cho nên, đối với người tu, trí tuệ rất quan trọng. Kinh Bát Đại Nhân Giác cũng có câu: “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là “lấy trí tuệ làm sự nghiệp”, vì trí tuệ giúp chúng ta thấy rõ sự thật của cuộc đời và soi đường dẫn lối cho chúng ta đi đến an vui, hạnh phúc, giác ngộ, giải thoát.

Người Phật tử phải có đầy đủ trí tuệ để thấy rõ sự thật của cuộc đời này, thấy rõ bản chất của các pháp, và thấy rõ được pháp Tứ đế - giáo lý căn bản của đạo Phật. Tứ đế gồm có: Khổ đế là tất cả sự khổ ở thế gian, Tập đế là nguyên nhân của khổ, Diệt đế là cảnh giới giải thoát, và Đạo đế là con đường đưa đến giải thoát.

Nói tóm lại, trong bài kinh Dighajanu, đức Phật đã dạy cho người Phật tử tại gia tám pháp, trong đó có bốn pháp đem lại hạnh phúc ở hiện tại là: đầy đủ sự tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng, điều hòa; và bốn pháp đem lại hạnh phúc ở tương lai là: đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ thí, đầy đủ tuệ. Nếu chúng ta thực tập tám pháp này thì sẽ có được an lạc và hạnh phúc ở cả đời này và đời sau. Như vậy, pháp mà đức Phật dạy thiết thực hiện tại, đem lại lợi ích ngay trong hiện tại, không phải chỉ lo cho đời sau. Nhiều người suy nghĩ rằng tu học Phật pháp là phải buông bỏ hiện tại, không làm một việc gì. Đó là một sự hiểu lầm.

Trước khi dứt lời, tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện: Một hôm, có một cô Phật tử đến gặp tôi và nói: “Nhờ thầy giúp con một việc”. Tôi hỏi: “Cô nhờ thầy giúp việc gì?”. Cô ấy kể rằng gia đình cô có hai vợ chồng và hai đứa con. Lúc trước, chồng cô không hiểu gì về Phật pháp, nhờ cô cố gắng hướng dẫn và thuyết phục, cuối cùng, chồng cô cũng ngộ đạo và biết đi chùa, biết tham dự các khóa tu. Sau đó, chồng cô rất nhiệt tâm, nhiệt tình và tinh tấn trong việc tu học. Cô rất mừng. Thế nhưng, từ khi chồng cô hiểu Phật pháp thì ông không còn quan tâm đến việc nhà, chỉ lo đi tham dự các khóa tu. Ngoài khóa tu Phật thất ở chùa Hoằng Pháp, chồng cô còn tham dự khóa tu ở các chùa khác, hễ chùa nào có tổ chức là ông đều đi, không màng đến gia đình, vợ con nữa. Bây giờ, một mình cô phải lo buôn bán, xoay xở nuôi hai đứa con. Cô than rằng trong khi cô lo không xuể thì chồng cô nói ông sẽ buông bỏ hết, chỉ lo niệm Phật để được vãng sinh.

Quý vị suy nghĩ xem, người chồng xử sự và thực hành như vậy là đúng hay sai? Đôi khi, chúng ta tinh tấn quá mức, dẫn đến thực hành Phật pháp một cách sai lệch. Chúng ta cứ nghĩ rằng, tu là bỏ hết tất cả, chỉ lo niệm Phật, ngồi thiền để được vãng sanh hay được giải thoát, nhưng quên mất mình là Phật tử tại gia. Phật tử tại gia phải có trách nhiệm lo việc gia đình, việc vợ chồng, việc con cái, việc làm ăn, không thể bỏ hết tất cả như người xuất gia được. Chúng ta phải gây dựng hạnh phúc gia đình, nhất là phải làm sao cho trong gia đình mình ai cũng hiểu Phật pháp, biết tu hành. Sau này, khi con cái đã lớn và yên bề gia thất, lúc đó, chúng ta có buông bỏ hết cũng không ảnh hưởng đến ai. Còn bây giờ, hoàn cảnh chưa cho phép như vậy thì chúng ta vẫn phải làm tròn trách nhiệm thế gian của mình.

Chúng ta phải hiểu rằng, học Phật pháp là để đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình; không phải học Phật pháp rồi bỏ hết tất cả, trở thành người vô trách nhiệm, làm cho gia đình mình trở nên bế tắc, nghèo khổ và vợ chồng, con cái mình phiền não, đau buồn. Đức Phật chưa bao giờ khuyên Phật tử tại gia buông bỏ hiện tại, chỉ lo tương lai. Ngược lại, như quý vị thấy trong bài kinh Dighajanu, Ngài đã chỉ dạy những pháp tu rất thiết thực để làm sao cho cuộc sống của chúng ta được an vui và hạnh phúc ở cả đời này lẫn đời sau. Do đó, người Phật tử tại gia phải có trí tuệ trong việc thực hành Phật pháp, nếu không sẽ gây đau khổ cho tha nhân và khiến người đời hiểu sai về đạo Phật, một tôn giáo không tiêu cực, không bi quan, mà rất thực tế, rất vị tha.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Một chút lưu luyến trong lúc vãng sanh sẽ sanh ra nhiều chướng ngại

Kiến thức 11:50 03/05/2024

Tôi 26 tuổi học Phật, nghe được Phật pháp, năm nay đã 80 tuổi rồi, nghĩ lại giống như mới học Phật ngày hôm qua, bạn nói xem đời người có ý nghĩa gì?

Đại từ đại bi, chữ “đại” có nghĩa là gì?

Kiến thức 10:45 03/05/2024

Chúng ta nhất định phải có trí huệ, đối xử với tất cả chúng sanh, chúng ta luôn mong muốn tất cả chúng sanh sớm được giác ngộ, sớm được thoát khỏi sáu cõi luân hồi, sớm viên thành Phật đạo.

Tham nhiễm ngũ dục rất điên đảo, người tu phải cố gắng lần lượt phá trừ

Kiến thức 09:30 03/05/2024

Các phiền não về tham không ngoài sự đắm nhiễm ngũ dục lục trần. Từ cội gốc tham, sanh ra các chi tiết xấu khác như: bỏn sẻn, ganh ghét, lường gạt giả dối...gọi là Tùy phiền não.

Tâm bình thế giới bình

Kiến thức 20:34 02/05/2024

Hòa bình nghĩa là không chiến tranh, không chết chóc, không đau thương. Quan niệm hòa bình của Phật giáo là không có chiến tranh từ tâm thức đến ngoại cảnh, từ nhân cho đến qủa. Nói rõ hơn, chiến tranh có là do tâm hỗn loạn, tham lam, sân hận và si mê.

Xem thêm