Sống tốt tại sao gặp toàn bất hạnh?
Có bạn hỏi, thưa thầy, con thấy có người cả đời không làm gì sai trái, sống tốt với mọi người, nhưng tại sao cuộc sống vẫn gặp phải những bệnh tật bất hạnh?
Phát tâm tu, khi nghiệp quả đến có thay đổi từ nặng sang nhẹ không?
Vì thế, đôi khi kiếp này chúng ta gặp nhiều khổ đau phiền muộn, nhưng không phải do những việc làm trong hiện tại, mà do quả báo từ những kiếp trước đến bây giờ mới trổ.
Ở đời người ta vẫn luôn cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Nhận định này có thể đúng trong nhân quả hiện tại (hiện báo nghiệp). Nhưng cũng có những nguyên nhân xảy ra trong nhiều kiếp (vô hạn định báo nghiệp), đến kiếp này mới xuất hiện.
Có những người sống với ai cũng tốt, nhưng nếu chỉ cần có ai đối với mình không tốt như mình từng đối với họ, thì sinh ra phiền trách, buồn khổ.
Nhưng với những người tái sinh bằng tâm quả thiện trí, thì họ cũng sống tốt với tất cả mọi người, và nếu có ai đối xử không tốt với họ, thì họ cũng không phiền hận, vì xem đó là nhân quả do mình tạo ra.
Nhân quả và con đường chuyển hóa
Nhận thức như vậy giúp họ có nhiều tiến bộ trên con đường thực nghiệm tâm linh. Bất kể những bất hạnh gì xảy đến với mình đều là nghiệp quả của mình. Hiểu được như vậy thì khi phát sinh mâu thuẫn, chúng ta dùng nó để quán chiếu.
Ví dụ có người kiếp này sống rất tốt nhưng lại mang nhiều bệnh tật trong cơ thể, sinh phiền muộn oán trách, nản chí tu tập. Nhưng nếu có công phu tu tập thì phải hiểu bệnh ấy vừa là bệnh thân vừa là bệnh nghiệp. Bệnh thân thì có thân thức thọ khổ quả bất thiện, nằm trong 7 tâm quả bất thiện, thuộc 18 tâm vô nhân.
Nghiệp bệnh là tâm bệnh dày vò khổ não, càng làm cho đau đớn nơi thân tăng lên. Nghiệp bệnh ở đây chính là tâm thọ ưu thuộc tâm sân nằm trong 12 tâm bất thiện. Như vậy cả thân và tâm cùng đau khổ. Đó cũng là lý do chúng ta hờn trách vì sao tôi sống tốt như vậy mà kiếp này tôi nhiều bệnh như thế.
Người đi trên con đường tâm linh thì sẽ dùng tâm xả hợp trí hữu trợ (trong 8 tâm thiện thuộc 24 tâm dục giới tịnh hảo) để quán sát và làm giảm tác động của đau khổ nơi thân tâm do các tâm bất thiện kia mang đến.
Thêm một ví dụ khác, chẳng hạn có một người chồng (hoặc ngược lại là người vợ) rất tốt, rất chăm chỉ, rất yêu thương vợ con, không khiếm khuyết gì về sinh lý nhưng tại sao vợ vẫn bỏ đi theo người đàn ông khác, thậm chí người đàn ông ấy không có gì hơn mình, từ hình thể đến công danh.
Nếu nhìn bằng trí tuệ tâm linh thì đây là quả báo tà dâm mà kiếp trước người chồng hay người vợ đã tạo. Nhìn vào đó để hoá giải nghiệp chướng, xem nhân duyên của mình với vợ hoặc chồng chỉ đến đó thôi. Cái gì có hình tướng thì đều là thay đổi, phù du và có lúc hoại diệt. Cái gì không phải của mình thì dù có muốn níu giữ cũng không giữ được, ngay cả bản thân mình cũng vậy.
Nếu cứ để tham muốn níu kéo một cách không thể kiểm soát thì tâm sân sẽ nổi lên. Tâm sân nổi lên cùng với tâm sở phóng dật làm cho tức tối phát khùng, kết hợp với tâm hôn trầm, thuỵ miên, khiến cho chìm đắm trong buồn khổ, oán hận không tìm ra lối thoát. Khi chìm đắm thì tâm si làm cho tâm thức mê muội, không còn nhận thức và kiểm soát được thân tâm mình nữa, nên hậu quả đau thương xảy ra do mâu thuẫn ghen tuông chính là một số người đã dùng các tâm bất thiện ấy để sát hại vợ con rồi tự vẫn.
Như vậy ân oán kia không những không được nhận thức hoá giải mà còn tăng cấp thêm những oán thù mới với nhiều người, để rồi ở những kiếp kế tiếp lại tìm đến nhau báo oán. Đó cũng chính là oan gia trái chủ kết tạo nghiệp bất thiện trong nhiều đời nhiều kiếp.
Cho nên với người thiện trí, mọi bất hạnh xảy đến trong đời chính là cơ hội để giải kết. Nếu ai đã làm mình đau khổ thì đây là cơ hội để mình nhìn vào nghiệp quả của chính mình và hiểu rằng mình cũng đã từng gây đau khổ cho người khác giống y như vậy.
Nếu mình muốn người khác tha thứ cho lỗi lầm của mình, thì mình cũng phải biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Đó cũng là ý nghĩa của câu nói “oán thù nên giải không nên kết”.
Như Đức Phật của chúng ta cũng bị chính đệ tử, người họ hàng Đề Bà Đạt Đa hãm hại, nhưng ngài vẫn thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa thành Phật, đồng thời chỉ rõ những mối liên hệ nhân quả giữa Ngài và Đề Bà Đạt Đa từ trong tiền kiếp.
Tin lời Phật dạy giúp ta chuyển hóa nỗi khổ niềm đau bằng chánh tín nhân quả
Nếu hiện tại, chúng ta bị huynh đệ nào có ý giết hại mình, chúng ta có ý muốn tố cáo và đưa họ vào vòng lao lý cho bõ cơn tức giận không? Có thể có có thể không.
Chẳng hạn với những người tốt tái sinh bằng tâm quả thiện ly trí (có 12 tâm ly trí thuộc 24 tâm tịnh hảo) sẵn sàng ứng xử theo pháp lý thế gian để tìm công đạo, đưa người bạn đồng tu của mình vào tù cho xứng với hành vi họ gây ra.
Nhưng có người phước đức tái sinh bằng tâm quả thiện trí thì xem mọi bất hạnh, chướng nạn đến với mình cũng chính là nghiệp quả của mình đã gây tạo. Quay về nhìn vào chính mình để tự hoá giải hiềm hận bằng tâm từ bi bao dung.
Người xưa cho rằng “trí giả tự xử, ngu giả quan phân”. Tự mình hoá giải, đôi khi thoạt nghe có vẻ bất công, nhưng đó mới là con đường tâm linh đích thực mà mỗi hành giả cần phải bước đi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm