Sự trừng phạt từ chính lương tâm của anh ta mới là điều quan trọng
Một dịch giả với cách thức "không giống ai", "lao đầu vào đá" khi dịch "Tội ác và trừng phạt" – tác phẩm kinh điển của nhà văn Nga Dostoyevsky. Nhưng còn hơn thế, anh không chiều lòng người đọc, khi nhất nhất ra một cuốn sách bìa cứng, không giảm giá, và tự phát hành hoàn toàn qua Facebook của mình.
Ngày 11.11.1821 là ngày sinh của nhà văn Nga vĩ đại Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky, và nhân dịp sắp đến kỷ niệm 201 năm ngày sinh của ông, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học TS. Hà Thanh Vân đã có một cuộc trao đổi, trò chuyện với dịch giả Thiên Lương về tác phẩm dịch mới nhất của anh: cuốn tiểu thuyết "Tội ác và Sự trừng phạt" của Dostoyevky.
TS. Hà Thanh Vân: Anh Thiên Lương từng nói rằng Nabokov có lẽ là nhà văn Nga duy nhất anh dịch. Nhưng sau gần mười năm, anh cho ra mắt bản dịch cuốn tiểu thuyết kinh điển "Tội ác và Sự trừng phạt" của Dostoyevsky. Vậy lý do gì khiến anh thay đổi ý định, đi dịch một cuốn tiểu thuyết kinh điển không chỉ của văn học Nga mà còn của văn học thế giới như vậy?
Dịch giả Thiên Lương: Thực ra có nhiều lý do để tôi quay qua dịch các tác giả khác với Nabokov. Một là: tôi đã dịch xong các tác phẩm quan trọng nhất của Nabokov. Hai là vấn đề bản quyền. Do sách của Nabokov còn bản quyền nên tôi không chủ động được. Vậy nên sau này tôi chuyển qua dịch các tác giả đã hết bản quyền như James Joyce, Fyodor Dostoyevsky, F. Scott Fitzgerald và Oscar Wilde.
Lý do thứ ba là Fyodor Dostoyevsky là nhà văn nổi tiếng và được coi như ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, nhưng cuốn "Tội ác và Sự trừng phạt" của ông chưa được dịch từ nguyên bản tiếng Nga.
Tôi nghĩ rằng sớm hay muộn cũng phải có người làm việc đó và tại sao không phải là mình? - người được đào tạo tại chính thành phố nơi Dostoyevsky đã sống và viết nhiều kiệt tác, người đã có kinh nghiệm chuyển ngữ nhiều kiệt tác tiếng Nga của Nabokov - nhà văn của các nhà văn.
TS. Hà Thanh Vân: Tôi nghĩ rằng Saint Peterburg là một thành phố rất đặc biệt của nước Nga và càng trở nên đặc biệt hơn vì Dostoyevsky đã biến nơi này thành một địa điểm văn chương. Đã có những nhà văn gắn cả đời sáng tác của mình với một miền đất trở đi trở lại trong tác phẩm của họ, Trường hợp nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn với vùng đất Cao Mật hay nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk với thành phố Istanbul… là một ví dụ. Vậy theo anh, liệu Dostoyevsky có thể xem là nhà văn của thành phố Saint Peterburg không, cho dù vì những thăng trầm của số phận, cuộc đời của ông không phải lúc nào cũng gắn bó với thành phố này?
Dịch giả Thiên Lương: Thực ra thì Saint Petersburg từng là thủ đô Nga nên nên dĩ nhiên có rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Nga đã sống và làm việc ở đó, và do nó là nơi tập trung quyền lực kinh tế chính trị và văn hóa nên nó cũng tạo được nhiều điều kiện nhất cho văn nghệ sĩ.
Dostoyevsky có tầm cỡ vượt ra ngoài một thành phố và thực tế ông là một trong nhà văn Nga được phương Tây đánh giá cao nhất.
Petersburg luôn tự hào vì có một nhà văn vĩ đại như Dostoyevsky. Các địa điểm trong tác phẩm "Tội ác và Sự trừng phạt" đều có thật, và nằm ở khu vực trung tâm thành phố này.
Ngày nay, có những tour du lịch cho khách đi tham quan những nơi nhân vật chính Raskolnikov đã đặt chân đến. Căn phòng nơi Dostoyevsky ở trọ thì hiện nay là bảo tàng mang tên ông.
Có một điều đặc biệt là thành phố này trong tác phẩm "Tội ác và Sự trừng phạt" chỉ được mô tả ở những góc độ xấu xí nhất, nghèo khổ nhất, bẩn thỉu nhất, mặc dù nó là một trong những thủ đô hoa lệ nhất của Châu Âu!
TS Hà Thanh Vân: Tôi từng đọc hai bản dịch trước của cuốn tiểu thuyết này. Đó là bản dịch "Tội ác và trừng phạt" của dịch giả, PGS. Cao Xuân Hạo, sau này được tái bản nhiều lần với nhan đề "Tội ác và hình phạt". Ngoài ra còn bản dịch của Trương Đình Cử với nhan đề "Tội ác và hình phạt" do Khai Trí xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn. Anh Thiên Lương có thể giải thích tại sao anh lại dịch nhan đề tác phẩm là "Tội ác và Sự trừng phạt", khác với nhan đề mà những tiền bối đã dịch?
Dịch giả Thiên Lương: Tôi dịch là "Sự trừng phạt" là vì cuốn tiểu thuyết này muốn nói đến sự trừng phạt chứ không phải hình phạt. Thường thì các tiểu thuyết hình sự sẽ kết thúc khi phạm nhân bị bắt và chịu hình phạt của tòa án. Dường như sau đó thì câu chuyện đóng lại, mọi thứ kết thúc.
Tuy nhiên, với Dostoyevsky, sự trừng phạt mà phạm nhân phải chịu từ chính lương tâm của anh ta mới là điều quan trọng.
Ngay đầu tác phẩm, khi nhân vật chính mới nghĩ đến tội ác thì anh ta đã bị hành hạ bởi ý nghĩa rằng mọi người đang theo dõi anh ta.
Sự trừng phạt sinh ra cùng ý niệm về tội ác, trong một sát na. Đó cũng là ý tưởng của Đức Phật về thập nhị nhân duyên. Thực ra dưới một góc nhìn nào đó thì cả Phật Như Lai và Dostoyevsky đều là các triết gia hiện sinh.
Sự trừng phạt của Dostoyevsky cũng có nghĩa gì đó giống như sự khổ của Như Lai - cả hai đều xuất phát từ tà kiến, từ những ý niệm sai lầm. Sự khác biệt có lẽ ở chỗ Như Lai tìm con đường giải thoát cho con người còn Dostoyevsky lại tìm cách giam cầm họ.
Nếu ai đó hỏi tôi rút ngắn nội dung cuốn tiểu thuyết này thành một câu thì tôi sẽ trả lời bằng cái tên của nó: "Tội ác và Sự trừng phạt".
TS. Hà Thanh Vân: Được biết anh Thiên Lương sau khi dịch xong tác phẩm "Tội ác và Sự trừng phạt" đã dành thời gian khoảng hai tháng để biên tập lại bản dịch này trước khi xuất bản thành sách. Tôi khâm phục sự nghiêm túc, chịu khó, tìm tòi và tự vấn của anh Thiên Lương trong quá trình dịch thuật. Nhưng tôi cũng biết rằng dịch tác phẩm "Tội ác và Sự trừng phạt" không dễ. Vậy anh Thiên Lương có thể nói một vài khó khăn mà anh gặp phải trong khi dịch tác phẩm này không?
Dịch giả Thiên Lương: Khó khăn lớn nhất là phải vượt qua chính mình. Cuốn sách quá lớn nên quá trình dịch nó phải được tổ chức rất khoa học, với những mục tiêu cụ thể.
Lúc đầu tôi địch dành ra 1 năm cho nó nhưng thực tế giai đoạn dịch mất 10 tháng và biên tập mất 2 tháng.
Một điều đặc biệt nữa là khi bắt đầu dịch cuốn sách này thì TPHCM bị phong toả vì dịch Covid 19, mọi người bị cách ly hoàn toàn, và bối cảnh bi thảm xung quanh dường như cộng hưởng với không khí u ám nặng nề của cuốn sách và dễ làm cho người dịch nó lâm vào tình trạng trầm cảm nặng.
Cũng may mà tôi thoát ra được nó và cân bằng được tinh thần của mình. Có lẽ vì tôi đang đọc và đang dịch kinh Phật. Có lẽ quá trình dịch kinh Phật cũng là một quá trình giúp tôi cân bằng tinh thần, nếu không tôi sẽ rơi vào trầm cảm khi dịch "Tội ác và sự trừng phạt".
TS Hà Thanh Vân: Anh làm được một điều mà tôi nghĩ không dịch giả nào làm được. Đó là khi sách "Tội ác và Sự trừng phạt" chưa xuất bản thì trước đó ba tháng, anh đã thông báo trên Facebook cá nhân là sẽ in sách và ngay lập tức đã có cả ngàn độc giả đăng ký mua, đồng thời chuyển tiền mua trước cho anh, cho dù chưa hề có sách trong tay. Một tác phẩm đã có hai bản dịch trước đó rất nổi tiếng, lại không hề được bán trên các trang thương mại điện tử như Tiki hay bán ở các nhà sách, không qua hệ thống phát hành nào cả, mà do anh trực tiếp bán trên Facebook cá nhân, nhưng bán rất chạy. Thế thì anh lý giải điều này như thế nào?
Dịch giả Thiên Lương: Quả thật cuốn sách dịch "Tội ác và Sự trừng phạt" của tôi khá thành công về mặt thương mại dù dĩ nhiên đó không phải mục đích ban đầu của tôi.
Thực ra hầu hết các bản dịch của tôi đều được độc giả ủng hộ nhiệt tình, nhưng "Tội ác và Sự trừng phạt" đặc biệt thành công vì số lượng bán lên tới 1000 bản bìa cứng giá 600.000 VNĐ và được bán rất nhanh.
Trong số 1000 bản đó chỉ có 56 bản được bán qua 1 đại lý, còn lại đều được bán qua Facebook của tôi và qua Page của tôi.
Lần xuất bản này không có bìa mềm. Có lẽ năm sau tôi sẽ nghĩ đến việc tái bản nó dưới dạng bìa mềm, có thể in 2 tập để độc giả dễ cầm theo. Hiện nay cuốn sách khá dày và nặng.
Một chi tiết thú vị nữa là cuốn sách được bán đúng theo giá bìa và chưa bao giờ giảm giá. Có lẽ con số 1000 bản bìa cứng ngay lần in đầu tiên cũng là một thách thức lớn với cả các công ty sách lớn.
Thành công này chắc chắn do tên tuổi của Dostoyevsky và do nhiều bạn đọc tin tưởng vào chất lượng dịch của tôi sau khi đã đọc những cuốn sách trước đây của tôi. Nhưng "Tội ác và Sự trừng phạt" tạm thời vẫn chưa phải là cuốn sách dịch thành công nhất của tôi về mặt phát hành.
"Gatsby vĩ đại", cuốn sách dịch trước "Tội ác và Sự trừng phạt", mới là một thành công bất ngờ.
TS. Hà Thanh Vân: Vậy sau khi dịch xong tác phẩm "Tội ác và Sự trừng phạt", anh Thiên Lương còn có ý định dịch tiếp một tác phẩm khác của Dostoyevsky hay dịch tiếp tác phẩm của một tác giả nào khác không? Tôi thì luôn có mong muốn anh Thiên Lương sẽ dịch tác phẩm "Ulysses" của James Joyce. Tác phẩm này luôn là một đỉnh cao thách thức với những dịch giả các nước.
Dịch giả Thiên Lương: Người dịch sách có niềm vui riêng mà người đọc và người viết không có được. Nhưng dịch sách, đọc sách và viết sách là những thú vui khá cao cấp, chỉ dành cho ai có điều kiện.
Nếu dịch, viết hay đọc vì tiền thì chắc chắn sẽ chẳng đem lại được gì. "Tội ác và Sự trừng phạt" là một cuốn sách khá nặng cả về nội dung lẫn hình thức nên nó làm tôi gần như kiệt sức, tạm thời tôi chưa thấy có đam mê bắt tay vào dự án nào khác. Nếu còn dịch tiếp, có lẽ tôi sẽ dịch tiếp một cuốn nữa của Dostoyevsky. Ông ấy có một bộ 5 cuốn sách được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới là "Tội ác và Sự trừng phạt", "Chàng ngốc", "Quỷ", "Anh em nhà Karamazov" và "Bút ký từ dưới hầm nhà".
Nếu một dịch giả đứng ra dịch hết cả bộ này, có lẽ sẽ tốt hơn cho độc giả Việt Nam vì tránh được tình trạng có nhiều Dostoyevsky khác nhau!
"Ulysses" luôn là đỉnh Everest với mọi dịch giả trên thế giới, nhưng trước mắt thì tôi thích dãy núi 5 ngọn của Dostoyevsky hơn.
TS. Hà Thanh Vân: Trong thời gian tới ngoài việc dịch sách thì có ý định in một cuốn sách do chính anh viết không?
Dịch giả Thiên Lương: Đúng là tôi đang có một cuốn sách gồm các bài tuyển chọn từ Facebook của tôi. Cuốn sách chưa ra đời nhưng đã có hàng ngàn đơn đặt trước. Tôi từng nghĩ là cuốn sách này sẽ rất dễ làm vì gần như là có sẵn hết rồi, nhưng bắt tay vào thì thấy không hề đơn giản vì cần biên tập rất nhiều. Ngôn ngữ trên Facebook nhiều khi không phù hợp với chuẩn biên tập của các nhà xuất bản. Nhưng chắc chắn cuốn sách ấy sẽ được in vì nó là công sức và ký ức không chỉ của tôi mà của hàng ngàn người trong nhiều năm.
TS. Hà Thanh Vân: Xin cảm ơn và xin chúc cho công việc dịch sách của anh vẫn tiếp tục tốt đẹp.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm