Sự vĩ đại của Đức Thế Tôn
Con người, cuộc đời và giáo lý của Đức Phật đang ngày càng được các nhà khoa học, học giả nghiên cứu, khám phá nhiều hơn.
Không chỉ vì đó là đề tài giá trị, độc nhất mà còn là kho tàng lớn lao, chứa đựng những chân lý, bí mật vũ trụ và nhân sinh cùng với một nền đạo đức minh xác dành cho loài người.
Ngài là Đấng Toàn Giác thấu triệt cái lý của toàn bộ vũ trụ, vượt ra khỏi ba cõi và an trụ nơi Niết-bàn bất diệt; tuy nhiên, sự vĩ đại của Ngài không phải chỉ có thế. Chúng ta được nhận hồng ân của Phật nơi mọi giáo huấn, lời dạy chi tiết, cụ thể và cả con đường độ sinh cứu khổ mà Ngài để lại cho con người; nhưng sự vĩ đại của Ngài thế nào, không phải ai cũng nhớ biết.
Và tôi sẽ là một trong số những người con Phật không hay biết gì về sự vĩ đại cao cả tột bậc của Ngài, nếu không có một ngày tình cờ tôi đọc được kinh Đại bi liên hoa (gọi tắt là kinh Bi hoa).
Ngày hôm đó, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc; bây giờ nhớ lại, lòng vẫn rưng rưng, bởi vì đó là khoảnh khắc tôi hạnh phúc vô cùng và cũng là giây phút bước ngoặt tâm linh quan trọng nhất đời của tôi.
Trước đó, tôi đã được đọc một số kinh điển Phật giáo quan trọng, và bộ kinh nào cũng gây xúc động, kinh ngạc cho tôi, nhưng chỉ đến khi đọc bộ kinh Bi hoa thì sự vĩ đại về Đức Thế Tôn trong tôi mới bừng sáng; không những thế, ở bất cứ bộ kinh nào khác khi đọc tụng lại, giờ đây tôi đều dễ dàng nhìn thấy điều đó về Ngài.
Và tôi chắc rằng, chỉ cần một khắc lắng lòng, bất cứ người con Phật nào cũng nhận ra sự vĩ đại vượt trên tất thảy của Đức Thế Tôn, một sự vĩ đại không ngôn từ nào diễn đạt được, và không một khái niệm nào lượng định được. Bởi tất cả kinh điển mà Phật thuyết giảng, mọi lời giáo huấn mà Phật chỉ bảo và kho báu Phật pháp mà chúng ta được thừa hưởng từ Ngài đều xuất phát từ sự từ bi vĩ đại của Ngài. Nhưng trên hết, chính sự xuất thế của Ngài, sự Đản sinh của Ngài nơi cõi thế giới này mới là sự vĩ đại tột bậc nhất. Đó là lời hứa khả sâu nặng, là một minh chứng mà tôi hằng biết ơn.
Đúng vậy. Hết thảy chư Phật đều từ bi và vĩ đại. Hết thảy chư Phật xuất thế đều vì cứu vớt chúng sinh, tuyên thuyết Chánh pháp, đem ánh sáng vào bóng tối. Nhưng tại sao sự xuất thế của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại là sự vĩ đại nhất, tôn cao nhất, mà ngay cả chư Thế Tôn mười phương cũng ca tụng?
Bởi, sự vĩ đại của Đức Bổn Sư không chỉ ngõ hầu đưa con người ra khỏi biển khổ sinh tử mà còn là sự an ủi, nâng đỡ, cảm thông và xót thương tột cùng đối với mọi chúng sinh, không phân biệt. Ngài là người Cha vĩ đại - bậc Từ Phụ của muôn loài, Ngài là người Thầy vĩ đại - bậc Đại Đạo Sư của tất cả chúng sinh, là người Mẹ vĩ đại thâu nhiếp hết cả những kẻ bất thiện nhất. Ngài là bậc Đại bi, bậc Đại trí, bậc Đại hạnh. Nếu Ngài không xuất hiện ở thế giới hệ Kham nhẫn này, nhân loại và chúng sinh còn chìm ngập mãi trong tối tăm, u ám, không biết bao giờ mới được gặp Phật, nghe Pháp, tu thiện hay đúng hơn, rất có thể thế giới này không được tươi đẹp như ngày hôm nay và không có chúng ta như ngày hôm nay. Và cũng sẽ không có ai nói cho con người biết chúng ta đã được hứa khả che chở, dẫn dắt và độ sinh từ vô lượng vô biên kiếp trước.
Kinh Bi hoa, còn gọi là kinh Thọ Bồ-tát ký, kinh Vô lượng Phật hay kinh Thị hiện Chư Phật thế giới…; đây là bộ kinh đặc biệt độc đáo, vì trong kinh, Đức Phật thuyết giảng tường tận nhân duyên tu tập giáo pháp và hạnh nguyện của rất nhiều các vị Phật, các vị Bồ-tát, trong đó có những vị Phật và Bồ-tát quen thuộc với chúng ta, và cả 1.004 vị Phật của Hiền kiếp sẽ thành tựu tuệ giác nơi cõi thế giới hệ Kham nhẫn này. Và cũng có thể nói, đây là bộ kinh đặc biệt đã thuyết đầy đủ về nhân duyên tu tập, sự phát nguyện và những hạnh nguyện rộng lớn sâu nặng của Đức Phật Thích Ca, từ thời tiền thân Ngài còn là một vị Phạm chí tên là Bảo Hải, lần đầu tiên phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Ngay trong lần phát nguyện đầu tiên, trở thành vị Bồ-tát mới phát tâm chí, vị Phạm chí Bảo Hải đã gây chấn động tam thiên đại thiên thế giới vì lời nguyện rất kỳ lạ, đặc biệt của mình: lời nguyện chân thật của lòng đại từ bi.
Chính xác thì Ngài đã phát 500 lời thệ nguyện. Vâng, 500 lời thệ nguyện, không sơ hở, không thừa sót để có thể độ sinh được tất thảy các loài chúng sinh trong thế giới Ta-bà ngũ trược xấu ác này. Đó là thế giới “đầy dẫy những thứ muối mỏ mặn đắng, đất cát sỏi đá, núi đồi gò nổng, suối khe, hang hố, ruồi muỗi rắn độc. Các loại chim độc và thú dữ chen chúc khắp nơi. Gió chướng, bão táp nghịch mùa thường khởi, những cơn mưa đá, mưa lớn thường đổ xuống nghịch mùa. Trong nước mưa ấy có chất độc, vị chua, vị mặn, vị đắng. Mưa ấy làm sinh sôi nảy nở các loài cây cỏ, nên những cành, nhánh, hoa, trái, lúa thóc thảy đều hàm chứa đủ các vị độc… nên khi chúng sinh ăn vào thì lòng nóng nảy sân hận càng tăng thêm, hình dáng tiều tụy không chút tươi nhuận, không có lòng từ mẫn, thường phỉ báng thánh nhân” (Kinh Bi hoa, trang 695). Thế giới Kham nhẫn này đầy dẫy những chúng sinh “đều đã đứt mất căn lành, lìa xa các bậc thiện tri thức, thường ôm ấp trong lòng sự nóng nảy sân hận, không được các cõi Phật ở phương khác dung nạp, do nghiệp lực nặng nề nên mới thọ sinh về đây trong Hiền kiếp, tuổi thọ chỉ có một trăm hai mươi tuổi” (Kinh Bi hoa, trang 694).
Đó là thế giới của những chúng sinh “đã từng lìa các nghiệp lành, tạo các nghiệp ác, tâm lành đã mất, phạm vào năm tội nghịch, hủy hoại Chánh pháp, làm theo tà kiến, tội ác nặng nề chất chồng như núi lớn…” (Kinh Bi hoa, trang 688). Thế giới mà “chúng sinh ngu si, chỉ tự làm theo ý mình; luôn tự mãn về dung mạo xinh đẹp và được sinh trong dòng tộc cao quý; lại có đủ các nết buông thả, lười nhác, tham lam, keo kiệt, ganh ghét, ghen tỵ, sinh vào cõi đời xấu ác tối tăm có đủ năm sự uế trược, lòng tham dục sâu nặng, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn… không thường tu tập, chìm ngập trong tham lam, sân hận, si mê; chẳng tu mười điều lành, thường làm mười điều ác, trong tâm thường bị bốn điên đảo che lấp… phải sa vào cảnh nghèo hèn khốn khó, không còn biết tránh né sợ sệt điều gì… thường khinh khi rẻ rúng lẫn nhau… lại còn đe dọa rồi sợ sệt lẫn nhau, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một bữa ăn mà các nghiệp ác do thân, miệng, ý tạo ra đã là vô lượng vô biên. Lại lấy việc làm ác đó mà ngợi khen, xưng tụng” (Kinh Bi hoa, trang 690-692).
Thế giới Ta-bà này chính là như thế, là nơi hội sinh của tất thảy những chúng sinh xấu ác trôi lăn mà không có bất cứ cõi Phật nào dung nạp, không có vị Phật, Bồ-tát nào muốn nhận lấy, là nơi hội sinh của những chúng sinh phiền não sâu nặng mà ngay cả 1.004 vị Phật ấy (là 1.004 vị Phật sinh vào thời Hiền kiếp) cũng đành buông bỏ; và trừ lòng đại bi của Đức Thế Tôn.
Vị Phạm chí Bảo Hải, hay tiền thân của Đức Thế Tôn, là người sau cùng phát thệ nguyện trước Đức Bảo Tạng Như Lai, Ngài nhận thấy, hầu hết các vị Phật và cả 1.004 vị Phật xuất thế vào thời Hiền kiếp, nơi thế giới Ta-bà, đều “không nhận lấy cõi thế giới xấu ác như vậy”, và ngay trong Hiền kiếp ấy, các vị Bồ-tát khác “cũng đều tránh xa cõi đời có năm sự uế trược”; điều này làm cho vị Phạm chí Bảo Hải cảm thấy“tâm xao động như trong lúc nguy khẩn bám lấy cành cây, trong lòng hết sức lo âu buồn khổ, thân thể tiều tụy vì các vị Bồ-tát kia tuy sinh lòng đại bi nhưng không thể nhận lấy cõi thế giới xấu ác có năm sự uế trược, nên chúng sinh nơi đây phải rơi vào chỗ tối tăm u ám” (trang 683). “Các vị Phật kia đều phát nguyện nhận lấy cõi thế giới thanh tịnh nhiệm mầu. Chúng sinh ở các cõi thế giới thanh tịnh thảy đều có thể khéo tự điều phục, tâm họ thanh tịnh, đã trồng các căn lành, lại chuyên cần tinh tấn tu tập, đã được cúng dường vô lượng chư Phật nay lại được thâu nhận vào cõi Phật thanh tịnh”; còn những “chúng sinh phải trôi lăn trong sinh tử như bị cuốn trong guồng trục, chẳng có ai cứu giúp, bảo vệ; chẳng có ai để nương tựa, noi theo; không nơi trú ẩn, không ánh sáng soi đường; những chúng sinh ấy phải nhận chịu mọi điều khổ não nhưng lại bị buông bỏ” thì phải làm sao đây?
Với tấm lòng đại bi sâu nặng, chân thật, Ngài Phạm chí Bảo Hải quyết tâm tu tập hành trì Bồ-tát đạo, ở lâu vô lượng vô biên trong sinh tử, nhẫn chịu mọi điều khổ não để quyết không buông bỏ những chúng sinh như vậy, những chúng sinh là nhân loại thế giới này đây. Ngài không chỉ điều phục, giáo hóa nhân loại chúng sinh mà còn bố thí rộng lớn; “cung cấp cho đầy đủ từ món ăn thức uống, thuốc men, y phục, giường ghế nhà cửa xóm ấp, hương hoa chuỗi ngọc; giúp cho người bệnh có đủ thuốc men, sự chăm sóc”, “đồ vật như cờ phướn, lọng che quý báu, tiền tài, lúa thóc, vải lụa, voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, trân châu, lưu ly, pha lê, ngọc quý, ngọc bích…”, và những điều khó bố thí như “nô tỳ, xóm làng, thành ấp, vợ con, tay chân, mũi lưỡi, đầu mắt, da xương, máu thịt, thân mạng…”. Đến nỗi, khắp thế giới hệ Ta-bà này, không có nơi nào, dầu chỉ nhỏ như hạt cải mà không phải là chỗ xả bỏ thân mạng của Ngài.
Lại nữa, Ngài nguyện hóa độ nên “vì mỗi một chúng sinh ấy mà trồng các căn lành nên trong thời gian mười kiếp chấp nhận vào địa ngục A-tỳ để chịu vô số nỗi khổ, lại cũng thọ sinh vào các cảnh giới, súc sinh, ngạ quỷ cho đến quỷ thần, hoặc sinh làm người nghèo khổ, hèn hạ”; và “sẽ ở trong cõi sinh tử này thời gian lâu dài như số kiếp bằng với số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật khiến cho chúng sinh đối với quả A-nậu-đa-la tam-miệu tam Bồ-đề liền trồng các căn lành, ra khỏi đường ác, dùng trụ an ổn trong các pháp công đức trí tuệ”. Ngài lại nguyện cứu độ những chúng sinh tội khổ sâu dày đang bị đọa lạc trong cõi địa ngục nhiều đau khổ bằng mọi căn lành công đức, “nếu nghiệp báo của những chúng sinh này chưa dứt, con nguyện sẽ xả bỏ tuổi thọ của mình để vào địa ngục A-tỳ thay thế họ mà nhận chịu khổ não”.
Tóm lại, Ngài nguyện nhận chịu hết mọi quả báo khổ não của mọi tội ác nặng nề thay cho chúng sinh, từ quả báo các loại địa ngục khốc liệt, đến các loại tội báo tật nguyền thân thể khiến cho họ đều được an vui, “được gặp ngay chư Phật, thưa hỏi Pháp mầu, thoát khỏi sinh tử, trụ yên nơi cảnh giới Niết-bàn”.
Ngài không chỉ làm người bố thí; Ngài còn là người cứu giúp, người bảo vệ cho mọi chúng sinh. Vì lòng thương chúng sinh, vì “thường xuyên tìm kiếm những việc tốt lành mà làm lợi ích cho tất cả chúng sinh nên Như Lai sinh vào nhà lửa ba cõi vừa cũ vừa mục để cứu vớt chúng sinh vượt qua lửa dữ của sinh già bệnh chết, của lo buồn đau khổ, của ba độc tố vô minh, dục vọng và hận thù, giáo hóa cho họ đạt được tuệ giác vô thượng” (Kinh Pháp hoa).
Hơn thế nữa, lòng đại bi sâu sắc của Phật không chỉ dành cứu vớt những chúng sinh đau khổ, nhỏ nhoi mà còn là sự sách tấn đối với tất cả những vị Bồ-tát đã, đang và sẽ phát hạnh nguyện và tâm tu tập tuệ giác vô thượng. Ngài mong mỏi khi Ngài “nhập Niết-bàn rồi, trong khắp vô lượng vô biên trăm ngàn ức thế giới mười phương, mỗi nơi đều có chư Phật đang thuyết pháp, thảy đều ở giữa đại chúng Bồ-tát mà khen ngợi tán thán danh hiệu của Ta, lại cũng tuyên thuyết nguyện lành của Ta, khiến cho các vị Bồ-tát kia đều nuôi lớn tâm đại bi, thảy đều hết lòng lắng nghe về việc làm của Ta, rồi trong lòng đều hết sức kinh ngạc mà ngợi khen là việc chưa từng có, và tâm đại bi vốn có của các ngài cũng đều được tăng trưởng” (Kinh Bi hoa, trang 675).
Đức Thế Tôn vĩ đại không chỉ vì lòng đại bi sâu nặng của Ngài đối với chúng sinh mà còn vì Ngài không chọn sở nguyện xây dựng cõi Phật thanh tịnh, trang nghiêm, đẹp đẽ cho riêng mình; Ngài nhận lấy cõi bất tịnh, đau khổ và hèn kém này làm quê hương, làm cõi Niết-bàn và luôn hằng giáo hóa chúng sinh bằng vô biên phương tiện cho dù đã thị hiện nhập diệt.
Đức Thế Tôn từng dạy chúng ta rằng Ngài là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành; bởi Ngài “biết rõ đường dữ sống chết phiền não là con đường đầy hiểm nạn mà lại xa dài, ai cũng phải rời bỏ, phải vượt qua” (Kinh Pháp hoa), nghĩa là ai cũng phải tu tập, vượt qua tham sân si, vô minh để tự hoàn thiện bản thân và trở thành người thiện lành, con đường đi đến Phật quả là sự tất yếu, cho dù con người không nhận thức được và thậm chí cố cưỡng lại vì tâm lý khiếp nhược trước sự vĩ đại, chúng ta, nếu có tu tập rồi ra ai cũng làm Phật cả. Con người chúng ta với trí tuệ đã bị ngăn che bởi ba độc tham sân si nên vẫn chẳng hay biết, và vẫn chưa thực hiện được đạo quả nào nên đã trải qua bao nhiêu đời kiếp nhiều như cát bụi mà vẫn mê mờ lầm lẫn.
Chúng ta vẫn mải ham chơi giỡn trong ngôi nhà lửa này, cam nhận trôi lăn khổ sở khốc liệt và không biết rằng Đức Phật vẫn luôn ở gần ngay bên chúng ta, chờ chúng ta hồi đầu chuyển ý, và “ai chưa vượt đến bờ bến, Như Lai làm cho vượt đến; ai chưa cởi mở ràng buộc, Như Lai làm cho cởi mở; ai chưa yên ổn, Như Lai làm cho yên ổn; ai chưa Niết-bàn, Như Lai làm cho Niết-bàn” (Kinh Pháp hoa).
Ngài đã đến đây, với thế giới ngũ trược nhiều kiếp nạn của chúng ta; Ngài đã chọn chúng ta, những chúng sinh ít ỏi căn lành, thậm chí chẳng có chút căn lành nào để yêu thương, che chở và dìu dắt, bởi vì chỉ có Phật mới biết được bản nguyện, chân tâm, thị hiếu đích thực của chúng ta, bởi vì Ngài “là người biết tất cả, người thấy tất cả, người biết đường, người mở đường, người chỉ đường” vĩ đại.
Đã hơn 26 thế kỷ trôi qua, ngày Đức Thế Tôn đản sinh lại đến, đứng trước một nhân cách quá vĩ đại, một trái tim quá vĩ đại, con chỉ có thể thốt lên: CON TÔN KÍNH PHẬT!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm