Tam pháp ấn và sự diệt khổ
Tam pháp ấn được trình bày cả trong kinh điển thuộc văn hệ Pāli và A Hàm Hán tạng. Ba pháp này được Đức Phật dùng để chỉ ra bản chất của mọi sự vật hiện tượng, từ sắc pháp cho đến tâm pháp, đều luôn thay đổi không ngừng và không có một thực thể nào tồn tại độc lập, riêng biệt.
Tam Pháp Ấn là gì?
Ba đặc tính của mọi hiện hữu, tiếng Pāli gọi là Tilakkhaṇa (Sanskrit là Trilakṣaṇa). Lakkhaṇa nghĩa là dấu hiệu mà khi nhìn vào đó một người có thể nhận ra đó là gì, về tướng trạng hay bản chất. Lakkhaṇa còn có nghĩa đặc tính, đặc tính của mọi sự tồn tại hiện hữu. Nói cụ thể, ba đặc tính đó là Khổ (Dukkhā), Vô thường (Aniccā), và Vô ngã (Anattā).Đầu tiên, Khổ là một trong ba đặc tính của tất cả hiện hữu. Khổ là một trạng thái khó chịu, khổ đau thuộc về cả thân và tâm. Trong kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana Sutta), Đức Phật dạy về khổ rằng: “Ðây là thánh đế về khổ, này các Tỷ- kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”[1].
Thêm nữa, Đức Phật dạy khổ, nhưng thật ra không có một tác nhân nào chịu khổ, mà không gì khác hơn là năm uẩn. Trong kinh, Đức Phật dạy rằng: “Sắc là khổ, này Tỷ kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng Dục, Thọ, Tưởng, Các hành, Thức là khổ, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục”[2]. Khổ có ba loại: Khổ - khổ (Dukkha - dukkha), Hoại khổ (Vipariṇāma - dukkha), và Hành khổ (Saṃkhāra - dukkha)[3]. Dukkha - dukkha nghĩa là Khổ - khổ, đây là một loại khổ đau thông thường của chúng hữu tình, liên quan đến khổ đau về vật lý cũng như tâm lý. Ví như một người khi được sinh ra đã là khổ đau rồi, nhưng người đó phải chịu đựng những khổ đau của bệnh tật, hay những thứ bất như ý trong cuộc sống. Vipariṇāma - dukkha là Hoại khổ, hay là khổ đau do sự thay đổi, tan rã, biến hoại. Khổ đau này được gây ra vì chúng ta không chấp nhận sự thay đổi của tất cả sự vật hiện tượng, trong khi đó, thay vì chấp nhận và sống trong khổ đau, thì chúng ta phải quan sát đó là vì quy luật duyên khởi. Saṃkhāra - dukkha là Hành khổ, tất cả hiện tượng được gây ra bởi Hành và yếu tố này dẫn đến sự tồn tại của chúng hữu tình và tái sinh trong thế giới luân hồi.
Ứng dụng Tam Pháp ấn trong tu tập
Thứ hai, Aniccā là đặc tính thứ hai của hiện hữu. Aniccā nghĩa là Vô thường. Tất cả hiện tượng đều chuyển động và thay đổi không ngừng, từ hình sắc vật lý, hay tâm lý tình cảm. Hay nói cách khác, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, và thức là vô thường. Đức Phật đã nhấn mạnh rằng: “Sắc là vô thường, này Tỷ kheo, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ là vô thường... Tưởng là vô thường... Các hành là vô thường... Thức là vô thường, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục”[4].
Đặc tính thứ ba chính là Anattā. Anattā nghĩa là Vô ngã. Vô ngã là không có một cái tôi riêng biệt, không có một tác nhân độc lập, mà tác nhân đó chi phối đến cuộc sống của chúng ta. Sự thành lập của một hữu tình chính là sự thành lập của ngũ uẩn. Cho nên Đức Phật dạy: “Sắc là vô ngã, bạch Thế Tôn, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô ngã, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục”[5].
Ngũ uẩn là vô ngã, từ bỏ những sự chấp thủ ngũ uẩn là ngã, từ bỏ những ham muốn thuộc về ngũ uẩn. Để hiểu rõ hơn về ba đặc tính này, chúng ta sẽ khảo sát lần lượt trong các kinh điển đề cập tới những vấn đề đó. Ba đặc tính của hiện hữu được nói đến trong kinh Pháp cú rằng tất cả các hành là vô thường và trống rỗng trong sự tồn tại vốn có của nó. Không có cái “ngã” nào được tìm thấy trong bất kỳ hiện tượng nào. Sự nhận biết về duyên khởi dẫn đến sự thấu hiểu về con đường thanh tịnh.
‘Tất cả hành vô thường’.
Với tuệ, quán thấy vậy.
đau khổ được nhàm chán;
chính con đường thanh tịnh.
‘Tất cả hành khổ đau’.
Với tuệ quán thấy vậy.
Đau khổ được nhàm chán;
chính con đường thanh tịnh.
‘Tấ t cả phá p vô ngã’.
Với tuệ quán thấy vậy,
đau khổ được nhàm chán.
Chính con đường thanh tịnh[6].
Saṅkhārā là Hành, nghĩa là phần vị thứ hai trong chuỗi mười hai duyên khởi, Hành là phần vị của nghiệp thuộc đời sống trước đó[7]. Đó là chuỗi tương tục gồm các nghiệp thiện, nghiệp ác,... do chuỗi tương tục này tạo ra. Hành là những ấn tượng tinh thần, được tích luỹ trong đời sống quá khứ, cũng như đời sống hiện tại, từ đó thôi thúc những suy nghĩ, lời nói, và việc làm. Hay nói cách khác, Hành chính là nghiệp lực của mỗi người. Đức Phật dạy, “Tất cả hành vô thường”[7], đây là đặc tính thứ nhất của mọi sự vật hiện hữu. Mọi hiện hữu đều bị chi phối bởi đặc tính này, luôn thay đổi chuyển biến không ngừng. “Tất cả hành khổ đau”[8], vì sự Vô thường nên nó là Khổ, ví như khi sắc thân tứ đại này không ổn định, chúng ta cảm thấy khổ đau, khó chịu. Cuối cùng, “Tất cả pháp vô ngã”[9], tất cả các pháp do điều kiện mà thành lập; do đó, các pháp không có tự ngã, hay một thực thể độc lập.
Trong Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya), kinh Channa, các vị Tỳ-kheo Trưởng lão đã giáo giới cho Tôn giả Channa, và sau đó Channa được an trú vững chắc trong chánh pháp sau khi được sự giáo giới của Tôn giả Ānanda. Bài kinh được trình bày rằng tất cả các hành là Vô thường và tất cả các pháp là Vô ngã[10].
Tuy nhiên, trong Kinh điển thuộc văn hệ Hán tạng đề cập đến bốn hành tướng, dấu hiệu, hay đặc tính của Khổ. Cụ thể, trong Du-già-sư-địa luận (Yogācārabhūmi - Śāstra) của Di lặc Bồ tát thuyết (Bodhisattva Maitreya), có bốn hành tướng của khổ, đó là Vô thường, Khổ, Không và Vô ngã. Trong Tạp A Hàm (Saṃyuktāgama), có một đặc tính được trình bày là niết bàn. Đây cũng là ba pháp của mọi sự hiện hữu tồn tại, niết bàn thay thế cho khổ đau.
Nói một cách khác, Khổ đau cũng chính là chất liệu của niết bàn. Đây là một quan điểm dựa trên nền tảng của Phật giáo Đại thừa; cũng giống như Phật giáo nhấn mạnh trên sự chuyển hoá nội tâm của hành giả, chuyển hoá những năng lượng tiêu cực thành tích cực, khổ đau thành hạnh phúc, phiền não thành giác ngộ, niết bàn.
Do vậy, khổ đau cũng là chất liệu của hạnh phúc; niết bàn là một trạng thái giải thoát ngay trong đời sống thực tại. Trong tác phẩm “The Heart of the Buddha’s Teaching”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng cho rằng niết bàn là pháp ấn thứ ba trong Tam pháp ấn[11]. Nói đến Khổ diệt thánh đế, tức là thánh đế thứ ba trong Tứ thánh đế. Trong kinh Chuyển pháp luân, Khổ diệt thánh đế chính là sự thật về sự đoạn diệt khổ đau, sự lánh xa, rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly, và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục.
Triết lý Tam Pháp Ấn và những ứng dụng trong thực tiễn
Pháp có bốn phẩm tính: pháp hữu vi (saṃskṛta dharma), pháp vô vi (asaṃskṛta dharma), pháp hữu lậu (āsrāva), và pháp vô lậu (anāsrāva). Pháp hữu vi là pháp do nhân duyên mà được tạo thành, không có pháp nào do một nhân duyên mà thành lập[12]. Pháp vô vi là pháp không được tạo thành bởi nhân duyên. Pháp vô lậu là pháp không còn bị nhấm nhem, rò rỉ bởi phiền não, hay không còn trong mối liên quan, liên hệ đến phiền não; Pháp hữu lậu là pháp còn bị phiền não chi phối, thúc đẩy, hay trong mối liên quan, liên hệ đến phiền não[13]. Khổ diệt thánh đế là pháp vô lậu-vô vi, trong khi đó ba đặc tính của các sự vật hiện hữu là pháp hữu vi. Khổ diệt thánh đế (Dukkhanirodhaṃ Ariyasaccaṃ) không có mối liên hệ đến ba đặc tính này, vì pháp hữu vi không thể làm nhân duyên để pháp vô vi sinh khởi. Niết bàn là tịch tĩnh vắng lặng. thánh đế thứ tư là Khổ diệt đạo thánh đế (Dukkhanirodhagāminī Paṭipadā Ariyasaccaṃ), hay là Bát thánh đạo (Ariyo Aṭṭhaṅgiko Maggo), là pháp vô lậu nhưng hữu vi, vì nó hướng dẫn chúng hữu tình đến bến bờ giải thoát; bên cạnh đó, nó cũng là pháp do nhân duyên mà thành lập. Do vậy, nếu nói Diệt đế là bờ bên kia, là giải thoát niết bàn thì Bát thánh đạo là chiếc bè ngang qua dòng sông có đặc tính là Khổ-Vô thường-Vô ngã đó.
Chú thích:
1&2&4&5&10. Tương ưng bộ - Saṃyutta Nikāya, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch Việt). Website: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo.htm.
3. Walpola Rahula, What the Buddha taught (Revised edition), London and Bedforb: Gordon Fraser, 1978.
6&7&8&9. Kinh Pháp cú: Lời Phật dạy, Thiện tri thức (biên tập), Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2014.
11 . Thich Nhat Hanh , “ the Three Dharma Seals," trong The Heart of the Buddha’s Teaching, New York: Broadway Books, 1998.
12&13. Vasubandhu, Abhidharmakośabhāsyam, transl., Louis de La Vallee Poussin; transl., Leo M. Pruden, Berkeley, Calif.: Asian Humanities Press, 1988- 1990.
Tài liệu tham khảo:
1. Buddhaghosa, Visuddhimagga, Rhys Davids (ed), The Visuddhi-Magga Of Buddhaghosa, London: PTS,1975.
2. Dhammapada, Chapter 20: Maggavaggo, Verses: 277-279. Website: https://www.tipitaka.org/romn/3. Kinh Pháp cú: Lời Phật dạy, Thiện tri thức (biên tập), Hà Nội: Nhà Xuất bản Hồng Đức, 2014. Theo cách dịch thi kệ của Hoà thượng Thích Minh Châu từ nguyên bản Pāli.
4. SN 22.90 PTS: S iii 132. Website: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sltp/ SN_III_utf8.html#pts.132
5. SN 56.11, PTS: S v 421. Website: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sltp/ SN_V_utf8.html#pts.420
6. Thich Nhat Hanh, “The Three Dharma Seals” trong The Heart of the Buddha’s Teaching, New York: Broadway Books, 1998.
7. Tương ưng bộ - SaṃyuttaNikāya, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch Việt). Website: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/ tu-00.htm
8. Vasubandhu, Abhidharmakośabhāsyam, transl., Louis de La Vallee Poussin; transl., Leo M. Pruden, Berkeley, Calif.: Asian Humanities Press, 1988- 1990, Vol. 1.
9. Walpola Rahula, What the Buddha taught (Revised edition), London and Bedford: Gordon Fraser, 1978.
Theo Văn hoá Phật giáo số 344 ngày 15-05-2020
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm