Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 15/12/2012, 09:30 AM

Tâm thức trong bài thơ Thiên Trường Vãn Vọng của Điều Ngự Trần Nhân Tông

Tuy nhiên tư tưởng Thiền còn chủ trương “tĩnh lặng”, “đối cảnh vô tâm”, “tâm thân lưỡng vọng”, cho nên cảnh vật trong bài thơ của Trần Nhân Tông cho dù có động như thế nào thì cũng đều hướng về sự tĩnh

Trần Nhân Tông là một trong những ông vua sáng thời nhà Trần. Tên tuổi của ông không chỉ gắn với sự nghiệp bình Nguyên, giữ yên bờ cõi. Ông còn là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Tâm thức thiền của Trần Nhân Tông được hình thành trong một quá trình kế thừa và sáng tạo từ Thiền phái Nam Tông Huệ Năng đồng thời trực tiếp thừa truyền của Thiền Việt và trong thực tiễn văn hóa Đại Việt. Tâm thức ấy đã lưu lại dấu ấn rất đậm trong bài thơ Thiên trường vãn vọng của ông

Vì đậm tâm thức Thiền nên muốn hiểu bài thơ, không thể không điểm sơ qua về một dòng Thiền gắn với tên tuổi của một vị Tổ danh tiếng – Lục Tổ Huệ Năng. Dòng này được gọi là Nam Thiền. Đây là dòng Thiền ảnh hưởng sâu sắc đến Thiền tông thời Lý – Trần ở Đại Việt và Thiền tông Nhật Bản. Song, cũng không thể tách bài thơ khỏi “bầu khí quyển” của Thiền Việt.

1. Đặc trưng chủ yếu của Thiền và thơ Thiền.

1.1.Đặc trưng chủ yếu của Thiền

Đặc trưng thứ nhất của Nam Thiền Huệ Năng là sự coi trọng đốn ngộ, tức là con đường một lần vượt lên thẳng, “kiến tính thành Phật” không đợi phải tu tập từ từ, lâu dài, cũng không phải tu sửa tâm tính từng ngày. Có thể nghe một tiếng lá rơi, một lời dạy về đạo bỗng nhiên khai ngộ, thấy bản tính thanh tịnh của tâm là lập tức giác ngộ thành Phật. Phương cách để đạt được đốn ngộ của nhà Thiền như ánh sáng đi và đến, gần như đồng thời. Thiền coi tâm là căn nhà tăm tối, chỉ cần ánh sáng chiếu vào thì bóng tối lui. “Người ngu cũng như kẻ trí mà thôi”. “Niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật”. Quan niệm của Nam Thiền có ý nghĩa thực tiễn lớn lao. Bởi lẽ nó đã đem lại sư bình đẳng trong khai ngộ, ai cũng bình đẳng trước khổ đau nên cũng bình đẳng trong giác ngộ; có thể tìm Niết Bàn ở ngay hiện tại mà không phải dài công tu luyện hay phải đợi nhiều kiếp sau. Rõ ràng dòng Nam Thiền của Lục Tổ Huệ Năng đã mở ra một chân trời mới đầy tự do khoáng hoạt nhưng cũng đầy thử thách với người tu Thiền.

Đặc trưng thứ hai của Nam Thiền Huệ Năng là vô trú vô niệm. Đặc trưng này theo Phật thoại – vốn có căn nguyên từ Lục Tổ Huệ Năng nhờ nghe câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (không dựa vào đâu để sinh ra tâm của mình) trong kinh Kim Cương mà ngộ đạo. Huệ Năng lấy tôn chỉ là vô “vô niệm”  trên căn bản là “vô trú”. Chính vì là “vô trú” nên Huệ Năng mới có bài kệ: “Bồ đề bổn vô thọ / Minh cảnh diệc phi đài / Bản lai vô nhất vật / Hà xứ nhạ trần ai?” (Bồ đề vốn không cây, gương sáng vốn không đài, xưa nay không một vật, bụi biết bám vào đâu?). Truyền thống Thiền là gắn kết điều tiết thân, tâm coi trọng tâm định tĩnh, nỗ lực chuyên tâm mới mong chứng ngộ và giải thoát. Tuy nhiên con đường của Huệ Năng vừa có lối mòn vừa ẩn trong lau lách, vừa không bài bát tụng kinh ngồi Thiền lại vừa nói “vô trú vô niệm” mới là chỗ căn bản nhất của Thiền Huệ Năng. Chính điều này làm cho Thiền nói chung bớt đi sự nghiêm khắc và khổ hạnh của Phật giáo nguyên thủy. Quan niệm căn bản về đốn ngộ và vô trú vô niệm của Thiền phái Nam tông thực sự trở thành một triết thuyết có ích cho xã hội và con người; chí ít cũng là định hướng đời sống tinh thần cho con người, khi triết thuyết này là những thể nghiệm nhân sinh sâu sắc và uyên náo. Những nét cơ bản về thể nghiệm nhân sinh của Thiền phái Nam tông bao gồm: Tiến thoái bình thản, vui sống với đạo.

Đặc trưng thứ ba là tiến thoái bình thản. Thiền chủ trương trong bất kỳ hoàn cảnh nào tâm cũng phải chủ tĩnh. Tiến hay lui, được hay mất, động hay tĩnh… đều phải như vậy. Đây là đều vô cùng khò khăn và phức tạp đối với mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh, đặc biệt là đối với kẻ sĩ trong trường kỳ lịch sử. Có người lựa chọn con đường của Nho gia “đạt kiêm tế thiên hạ, cùng độc thiện kỳ thân”, có người theo con đường  “vô vi” của Đạo gia, nhưng dù xuất-xứ (hành –tàng) hoặc ngược lại là xử-xuất hay vừa xuất vừa xử,… cũng đều khó khăn. Thực tế lịch sử cho thấy, người bị biếm trích, kẻ bất đắc chí gạt lệ thở dài, thậm chí có thể bị giết,… khiến cho nhân  sinh như bị khuấy đảo trong bể khổ. Từ thực tiễn ấy thái độ “tiến thoái bình thản” là một trải nghiệm nhân sinh đặc biệt của Thiền có thể làm con người tĩnh tâm lại trước mọi biến thiên, khiến con người vừa cố gắng làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình trong hiện tại, lại vừa vui sống thanh thản. Đây chính là tính minh triết và sự uyển chuyển của Thiền giúp cho con người có tâm lý ứng xử bình thản với cuộc sống vừa có trách nhiệm với đời lại vừa không bị đời trói buộc.

Đặc trưng thứ ba là vui sống với đạo. Đó cũng là một thể nghiệm nhân sinh đặc sắc của Thiền. Mỗi tư tưởng đều chỉ ra một con đường, một quan niệm, một phương cách sống và đạo ở đây chính là con đường đạt đến mục tiêu. Cả Nho, Phật, Đạo đều có con đường của riêng mình. Cái gọi là “Vui sống với đạo” chính là cách sống lý tưởng mà mỗi con người ở mỗi triết thuyết đạt tới. Nam Thiền Huệ Năng đã mở ra phong khí mới, không phải chỉ tọa Thiền ở nơi yên tĩnh, theo dõi hơi thở, kiểm soát ý nghĩ mà với tinh thần Vô trú vô niệm, con người sẽ dứt bỏ được nhiều mê tối ràng buộc, sống thanh thản hơn. Cho dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không phải câu chấp, luôn tìm được bản lai diên mục của bản tâm, sống như mình mong muốn. Chính những điều này đã kéo tôn giáo về với đời thường, biến cuộc sống thoát tục thành cuộc sống bình thường. Vì vậy Thiền giả, Nho sĩ và Đạo sĩ cũng không quá phân cách rạch ròi. Người có tài thì giúp nước phò vua, làm quan sống một quãng đời giàu sang quyền quý, hưởng thụ đôi chút nhân sinh theo kiểu Nho gia, để rồi có lúc nào đó nhìn lại cuộc đời, gạn đục khơi trong theo kiểu Thiền, chăn tâm như mục đồng, chăm chỉ chăn trâu. Có kẻ lánh đời mai danh ẩn tích và đó cũng là một  cách lựa chọn, miễn là người ta tìm được một quan niệm sống, một phương thức sống một niềm vui thanh thản trong lòng.

1.2. Đặc trưng chủ yếu của thơ Thiền

Sáng tác văn chương cũng là một dấu ấn sâu đậm của Phật giáo nói chung và cùa Thiền nói riêng. Mặc dù Thiền gia vẫn chủ trương “vô ngôn”, “trực chỉ truyền tâm / Giáo ngoại biệt truyền”,…. Nhưng các Thiền sư vẫn sáng tác thơ, kệ, phú chuyên chở đạo lý Thiền để giác ngộ chúng sinh. Bên cạnh đó, sáng tác của nhiều nhà thờ chịu ảnh hưởng của Thiền cũng đậm Thiền lý và Thiền vị. Chất Thiền cũng thể hiện trong thơ khá phong phú và đa dạng tùy theo đặc trưng thể loại, tùy theo thời đại và phong cách từng thi sĩ – Thiền sư. Tuy nhiên có thể khái quát thành mấy đặc điểm như sau:
Trước hết là quan niệm Bình thường tâm thị đạo. Đây là câu cắt nghĩa quen thuộc của Thiền Tăng khi nói về Đạo cũng như về Thiền. Thiền không phải là cái gì cao xa khó hiểu mà gần gũi thân thiết và tự nhiên như “đói ăn khát uống”. Nó cũng không nhấn mạnh kiểm soát thân, tâm, độc cư và trang nghiêm như trước, mà chỉ là giao tiếp với cảnh vật thanh bình, hòa đạm như trăng sáng, nước trong, mây nhàn, núi tĩnh, mục đồng cưỡi trâu về khi chiều tà… Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ Thiền chính là “gương mặt ngàn đời” hay “thể tính vĩnh hằng” mà nhà Thiền thường gọi là “chân như” hay “ban lai diện mục”, là sự tương cảm giữa tâm hồn và ngoại cảnh, giữa con người và thiên nhiên tất cả là “bình thường tâm”.

Vô ngã, vô thường là hai trong những tư tưởng cốt lõi của Phật giáo. Bởi lẽ cho dù Phật giáo có phát triển nhiều chi phái, cho dù có “tùy duyên” để phù hợp với mọi người với mọi cảnh huống thì vẫn không trái với tinh thần trên. Cái gọi là vô ngã là quên hẳn bản thân không còn tự kỷ và vô thường là không có gì thường hằng, là những biến đổi bất thường xảy ra trong cuộc sống. Vì đạo Phật cho rằng tất cả đều là “giả hợp” và “giả tưởng”. Điều này khiến con người bình thường phải đấu tranh với bản thân, gạt bỏ mọi tạp niệm mới đạt được. Quan niệm vô ngã ở trong thơ thường là “khoảnh khắc quên” tạo ra tâm thể hóa đồng bình dị giữa người với cảnh. Quan niệm vô thường lại gắn với những thoáng chốc trải nghiệm đau thương về những biến đổi “bãi bể nương dâu” của cuộc đời và con người, mà con người vẫn giữ được bình thản.
Tự tính thanh tịnh là tâm tính nguyên thủy tự nhiên tròn đầy không chuyển đổi sinh diệt, trong sáng và tĩnh lặng. Tự tính thanh tịnh có sẵn trong mỗi con người, chỉ cần kiến tính thành Phật, không phải khổ công tu luyện. Tự tính thanh tịnh chính là chủ trương đốn ngộ “kiến tính thành Phật” làm cho Phật giáo Thiền gần gũi với đời thường và thường thể hiện ở sự tự do phóng túng, an nhiên tự tại của các nhà thơ.

Bất tận vô vi – bất trụ hữu vi là một quan niệm khoáng hoạt. Phật giáo chủ trương “trung đạo” (con đường ở giữa), không thiên lệch giữa mặt đối lập: Sắc-không, tâm-vật, hữu-vô, kể cả hữu vi và vô vi. Bất tận vô vi-bất trụ hữu vi được hiểu là không chán ghét thế gian/đau khổ, cũng không tham mê niết bàn/an vui. Tự do (giải thoát) thật sự là tự do không vướng mắc vào những phân biệt trên và cũng không tránh né những vướng mắc của cuộc sống. Cuộc sống ngộ đạo là cuộc sống tùy hứng, tùy duyên, không quá câu nệ, không còn ranh giới ta-người, bền này-bên kia, chỉ còn sự tự do tự tại thảnh thơi, vô sự.

1.3. Tâm thức Thiền Việt thời Trần

Tư tưởng Thiền Việt đời Trần được sinh ra từ một quá trình giao lưu văn hóa tiếp biến dòng Thiền Nam Tông. Trải qua hoạt động thực tiễn dài lâu, được đúc kết, ngưng tụ và thăng hoa khát vọng giải thoát đau khổ ngàn đời của chúng sinh Việt. Tâm thức Thiền Trần Nhân Tông không chỉ là sự kết tinh và Việt hóa tư tưởng Thiền mà càng ngày càng thế tục hóa cho phù hợp với cuộc sống và tâm thức người dân Việt.

Việc trở thành Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từ lâu đã trở thành dấu ấn trong tâm thức dân gian,  thể hiện qua các huyền thoại ra đời đậm màu sắc Phật giáo. Sử sách Đại Việt cũng ghi nhận như một chứng cứ lịch sử. Tam Tổ thực lục ghi rằng: “Trần Nhân Tông ra đời như là một vị Phật gắn liền huyền sử, vừa sinh ra màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặc tên là Kim Phật. Vai phải vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn”. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận tương tự như vậy. Các sự kiện đó chẳng đã chứng minh Trần Nhân Tông là một vị Phật của Đại Việt. Từ khi xuất gia đến lúc ngộ đạo, hoằng hóa độ sinh, Ngài chẳng khác gì Phật Thích Ca hóa thân cứu thế. Căn cứ vào tài liệu Tam Tổ thực lục, Tam Tổ hành trạng, Thiền Tông bản hạnh, Thánh đăng lục… thì Trần Nhân Tông đã có duyên kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền từ Tùy tục của Thường Chiếu, Biện Tâm của Trần Thái Tông tới Hòa quang đồng trần của Thượng Sĩ.

Tâm thức Thiền của Trần Nhân Tông được thể hiện trong nhiều bài thơ, kệ và phú của ông. Tuy nhiên, bài phú Cư trần lạc đạo đã kết tinh cao độ minh triết tâm thức Thiền của ông. Đặc biệt là bốn câu cuối của bài kệ: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, cơ tắc xan hề khốn tắc miên, Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. (Cư trần vui đạo hãy tùy duyên, đói ăn no mệt ngủ liền, báu sẵn trong nhà thôi tìm kiếm, vô tâm trước cảnh hỏi gì Thiền). Đây là sự thăng hoa giáo lý Thiền cũng là tông chỉ của Sơ Tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền. Thông điệp của tác phẩm trước hết là: Hãy sống “vui với đạo” ngay nơi trần thế đầy thử thách tay ương, giữ tâm thanh thản tự tại, hòa hợp với đời, không câu chấp lệ thuộc vào điều gì. “Tùy duyên”, là hành động theo lẽ tự nhiên như “đói ăn, mệt ngủ” hoàn toàn không cưỡng cầu, việc nên làm thì làm, việc làm phải đúng lúc, đúng chỗ, không bị ảnh hưởng của thiên kiến cá nhân, hoặc ngoại cảnh trái phải; Con đường thành Phật phải là giữ được tâm thanh tịnh, “kiến tính thành Phật”. Tự mỗi người phải thực hiện, tự khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực. Chính là “vật báu-bản thể tâm trong sáng” ở ngay trong mỗi con người. “Niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật”; Trước mọi cảnh huống con người phải giữ được tâm hư rỗng (vô tâm), “tiến thoái bình thản”, “tự tính thanh tịnh”, phải xây dựng cho được “tịnh thổ” ngay trong trần gian mới có thể thấy được “tịnh thổ” nơi Tây Phương Cực Lạc.

Điều đặc biệt là Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ khai mở cho chính mình mà còn mong khai mở cho mọi chúng sinh. Ngài không chỉ thuyết pháp bằng những chứng ngộ giáo lý Thiển uyên áo mà còn cả cuộc đời tùy duyên hành xử nhằm đem lại “tịnh tâm” “tịnh thổ” cho con dân Đại Việt.

Sau khi đưa đất nước thoát khỏi hiểm họa Nguyên Mông, Trần Nhân Tông đã “nhường ngôi cho Anh Tông, khoảng tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7, Điều Ngự Trần Nhân Tông đã vào thẳng núi Yên Tử, tinh cần tu 12 hạnh đầu đà, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà”. Từ đây vua mới hội đủ nhân duyên cuộc hành trình tâm linh “xuất gia tu đạo, hành đạo”, khát khao thực hiện chí nguyện lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở hợp nhất các Thiền phái vốn đã hiện hữu, mà trước đó ông nội của mình là vua Trần Thái Tông đã đặt nền tảng, nhằm đáp ứng các nhu cầu lịch sử đã đặt ra thời bấy giờ. Ông đã cùng hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang đi thuyết pháp ở chùa Sùng Nghiêm, Siêu Loại. Sau khi viên tịch xá lợi của ông được thờ ở tháp Huệ Quang, nghi lễ tổ chức vô cùng trang trọng với số lượng tín đồ rất đông, vừa đi vừa đọc kinh thể hiện niềm tin của Phật tử đối với vị giáo chủ. Rõ ràng, Phật tử Đại Việt thời đó đã tôn xưng Trần Nhân Tông là Phật Biến Chiếu Tôn. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, Sơ Tổ là hiện thân của Phật Đại Việt, với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt, khác với tông phái Thiền tông khác. Nó không phải là chi nhánh Phật giáo từ bên ngoài vào, nó bắt nguồn tại chỗ, tức từ một vị Phật xuất trần, thuyết pháp, giáo hóa cứu vớt chúng sinh.

Trong vai trò là vị lãnh đạo tối cao dòng Thiền Trúc Lâm Phật Hoàng Trần Nhân Tông với quan điểm Phật tại tâm, tùy duyên, vui sống với Đạo…. là những tư tưởng giàu tính nhân văn. Bên cạnh đó không thể không nói tới Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn có một tâm hồn thi sĩ vừa thanh cao, vừa đầm ấm, vừa triết lý vừa hiện thực.

2. Về bài thơ Thiên Trường Vãn Vọng

Thơ Trần Nhân Tông là sự hòa điệu giữa thơ và Thiền, dùng thơ để nói Thiền, gửi Thiền vào thơ (dĩ thi thuyết Thiền, dĩ Thiền ngụ thi).  Thơ ông cũng thể hiện một tâm hồn thuần phác hồn hậu đầy cảm xúc sâu lắng trước thiên nhiên tạo vật Việt Nam. Tất cả những vẻ đẹp của cảnh vật và con người trong thơ Trần Nhân Tông đều có sự tương thông với tâm Thiền nên sắc thái bình đạm, tĩnh lặng và không phân biệt giữa thực và hư, có khả năng, giữa ta và vật của Thiền vị, lại càng khó tách bạch với cảm quan hiện thực và cảm quan tôn giáo Thiền. Hiện thực đấy mà vẫn đậm sắc Thiền và Thiền ấy lại thẩm thấu vào bên trong ngôn từ và hình ảnh của hiện thực. Thiên Trường Vãn Vọng (Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường) là một trong những bài thơ tiêu biểu cho đặc điểm này.

Bài thơ tả cảnh thôn quê thuần phác tự nhiên và đạm bạc ở Thiên Trường như muôn vàn cảnh thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ khi chiều buông, song lại có sức khái quát cao về hiện thực cuộc sống và triết lý Thiền.

Nguyên văn:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa:

Sau thôn trước thôn đều mờ mờ như khói phủ
Bên bóng chiều (cảnh vật ) nửa như có nửa như không
Trong tiếng sao mục đồng trâu về hết
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.

Dịch thơ:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có, dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
(Ngô Tất Tố dịch)

Mặc dù bài thơ được chọn dạy ở lớp 7 trong trường THCS, song có nhiều ý kiến còn đang trao đổi về cách tiếp cận cũng như nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Đây cũng là điều bình thường, song cũng rất đáng quan tâm, nhất là đối với những bài thơ mang triết lý Thiền vốn vô cùng sâu sắc.

“Giáo sư Lê Trí Viễn cho rằng: Ở bài Thiên Trường Vãn Vọng “nhà thơ là Thiền sư, con mắt thế tục nhưng tâm Thiền”. Tuy nhiên, với đối tượng là học sinh phổ thông, giáo sư chủ trương: “Tạm gác phía Thiền cảm. Hãy dừng ở thế tục, ở cảm quan hiện thực”.

SGK Ngữ văn 7 về cơn bản cũng chủ trương như vậy”.

Vấn đề đặc ra là liệu có thể chia tách thành “con mắt thế tục nhưng tâm Thiền” rạch ròi như thế được không. Khi Thiền tông cho rằng “bình thường tâm là đạo”, tâm với đạo là một; lại nói “tự tính thanh tịnh”, Tâm đã thanh tịnh thì sao còn “mắc thế tục”. Thêm nữa, như trên chúng tôi đã nói triết lý Thiền cũng quan niệm rằng: “Bất tận vô vi bất trụ hữu vi” con người diệu ngộ là “vô ngã vô thường”, không thiên lệch giữa các mặt đối lập: Sắc-không, tâm-vật, hữu-vô, kể cả hữu vi và vô vi. Bất tận vô vi bất trụ hữu vi được hiểu là không chán ghét thế gian, đau khổ; cũng không đam mê niết bàn, an vui….. Đã “vô ngã vô thường”, “vô tâm” “tâm thân lưỡng vong” (cả tâm và thân đều quên), không còn thiên lệch thì làm gì còn có cái để phân biệt giữa mắt tục và tâm Thiền? Vì vậy để hiểu được bài thơ trên, người đọc không chỉ cần kinh nghiệm sống phong phú mà quan trọng là phải có kiến thức cơ bản về Thiền tông (chắc không đơn giản) và tác giả Ngự Hoàng Trần Nhân Tông, cũng như những tri thức về tư duy nghệ thuật thơ Đường nói chung và thơ Thiền nói riêng.

Nhan đề của bài thơ là Thiên Trường Vãn vọng, là ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường. Chủ thể ngắm là cái tôi trữ tình-Ngự Hoàng, là con người đắc đạo (thực ra tâm thức Thiền đã có trong Trần Nhân Tông từ trước khi vào núi Yên Tử) nên đã “vô ngã” “vô tâm” trước cảnh để hòa nhập mình vào với cảnh vật tự nhiên mà chiêm ngưỡng. Đối tượng ngắm là “Cảnh chiều” ở Thiên Trường_một vùng quê đơn sơ đạm bạc, yên ả, thanh tĩnh ở đồng bằng Bắc bộ dưới con mắt Thiền. Từng câu thơ trong bài đều thể hiện cảnh chiều quê ấy.

Từ cung Thiên Trường, trong cảnh chiều buông, bằng tâm thức Thiền, ông vua thi sĩ đã dõi theo bốn chiều không gian, từ gần đến xa, (từ “thôn hậu” đến “thôn tiền”), rồi hướng đến con đường có các chú mục đồng cùng đàn trâu khuất dần vào trong thôn xóm, lại hướng từ chiều cao của những cánh cò liệng xuống dưới thấp. Tất cả đều được thể hiện như thực như hư nhờ một chiều nữa của không gian tâm thức Thiền.

Mở đầu là hình ảnh thôn xóm bình dị nhạt nhòa trong cảnh bảng lảng hoàng hôn:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên

Sử dụng điệp từ điệp ngữ kết hợp với tiểu đối để tạo nên nét đẹp hòa đạm và nhịp điệu êm ái là đặc trưng thường thấy trong thơ Trần Nhân Tông. Trong hai câu trên, tác giả đã điệp hai chữ “thôn” và “bán”, đồng thời kết hợp thủ pháp trong ngữ đoạn (thôn hậu/thôn tiền; bán vô/bán hữu). Với sự kết hợp của cặp trái nghĩa “tiền” – “hậu” trong cấu trúc tiểu đối, tác giả đã tạo dựng không gian có sự mở rộng biên độ hai chiều về hai phía trước và sau của một làng quê yên tĩnh. Bức tranh thôn dã này lại được quan sát từ trên cao, khoảng cách xa nên có độ “nhòe”, nhạt nhòa như khói phủ. Phải chăng lúc này sương đã xuống cộng với khói lam chiều từ mái rạ trong thôn nhẹ lan nên cảnh vật mới mờ mờ như khói (đạm tự yên). Câu thơ khéo ở thủ pháp gợi, không nói tới sương chiều mà người đọc vẫn cảm nhận được sương chiều đang phủ kín không gian. Sự liên tưởng này của người đọc có căn cứ hơn khi tác giả tiếp tục khắc họa: Bán vô bán hữu tịch dương biên. Câu thơ tiếp tục sử dụng thủ pháp đối trong ngữ đoạn với hai yếu tố đối lập “bán vô” – “bán hữu”. Ánh hoàng hôn trong lúc giao thời giữa ngày và đêm thật hư ảo, đã làm cho bức tranh đồng quê càng trở nên mờ ảo hơn, nhạt nhòa hơn. Câu thơ dịch “Bóng chiều man mác có dường không” của Ngô Tất Tố đã hay nhưng vô tình thể hiện nhằm đối tượng chính được miêu tả là “bóng chiều”, mà đối tượng chính ở đây phải là “cảnh đồng quê” nhưng đã được tỉnh lược. Theo câu thơ dịch thì bóng chiều là đối tượng thẫm mỹ trong câu thơ. Tuy nhiên dựa vào cấu trúc của văn bản thơ, ta thấy nguyên nghĩa của câu thơ là: Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không. Bóng chiều với sự trợ nghĩa của từ “biên”; bên chỉ đóng vai trò là yếu tố không gian góp phần làm nổi bật bức tranh đồng quê. Do vậy tính chất “bán vô” “bán hữu” là tính chất của cảnh vật (đã bị tỉnh lược) chứ không phải là tính chất của bóng chiều. Miêu tả cảnh chiều hôm khó có thể nói trực tiếp, thêm nữa lại là nhà thơ Thiền, dùng cảnh để nói Thiền thì tốt nhất là “dùng hư nói thực” và “dùng thực nói hư”. Một đồng quê yên tĩnh ở đồng bằng Bắc bộ hiện lên hết sức gần gũi thân thương. Chỉ cần vài nét phác họa, bài thơ đã mở ra bức tranh thủy mặc về xóm thôn bên ánh tà dương chìm dần trong sương khói: “nửa có” “nửa không”.

Khi phân tích cảnh vật trong Thiên Trường Vãn Vọng. Gs Nguyễn Khắc Phi đã rất tinh tế so sánh với bài thơ “Dã Sắc” (Sắc đồng nội) cũng tả cảnh chiều hôm của Phạm Trọng Yêm_nhà chính trị, nhà thơ nổi tiếng đời Tống: “Phi yên diệc phi vụ, mịch mịch ánh lâu đài, bạch điểu hốt điểm phá, Tàn dương hoàng chiếu khai” (Chẳng phải khói cũng chẳng phải sương mù, mịt mùng in bóng lên lâu đài, cánh chim trắng bỗng xé toang, mặt trời sắp lặng còn lóe chiếu). Tác giả đã có lý khi nhận xét: “Ở Phạm Trọng Yêm, lâu đài, cánh chim trắng, mặt trời sắp lặng là những yếu tố “thực” làm nổi bật cái mông lung huyền ảo “chẳng phải khói cũng chẳng phải sương mù”; ở Trần Nhân Tông cũng vậy: Tác giả không tả bản thân cảnh mặt trời sắp lặn, xóm thôn mà là cái sau thôn và trước thôn, cái bên mặt trời lặn, nhạt tựa khói và nửa không nửa có, tức cái thần của khung cảnh”. Có điều, một bên là lâu đài vắng vẻ có phần thần bí chìm trong mù mịt của quý tộc trong con mắt nhà chính trị nhà thơ Phạm Trọng Yêm; còn bên kia là thôn xóm về chiều dân dã, bình đạm gần gũi với đời thường mà cũng tràn đầy sức sống dưới tâm thức Thiền của Trần Nhân Tông. Ở hai câu thơ đầu tác giả đã sử dụng “đạm”, “hữu” và “vô” cùng các “tự” và “bán” tạo ra trạng thái mang đầy màu sắc Thiền. Những khái niệm này cũng là những khái niệm cơ bản của triết học Thiền. Như trên chúng tôi đã nói Đạo Thiền chủ trương “trung đạo” (đạo ở giữa), không phải cũng không trái, xóa bỏ ranh giới giữa ta và vật, giữa vô và hữu, giữa “thực tướng” và “giả tướng”,…. Nhà thơ Thiền Trần Nhân Tông đã “vong ngã” hòa nhập vào  trạng thái “đạm” (mờ nhạt) giữa vô và hữu của sương khói, và tan luôn vào cái “bán vô” “bán hữu”_nửa như có, nửa như không bên ánh tà dương. Như vậy cảnh vật ở đây dường như là “vô” có cái “hữu” trong cái “hữu”, lại có cái “vô”. Thiền sư Đạo Hạnh chẳng đã có bài Hữu không nói về quan niệm triết học này của Thiền gia: “Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không, hữu không như thủy nguyệt, vật trước hữu không không” (Tạm dịch: Nói có: bụi cát có, nói không: hết thảy không, có, không trăng dưới nước, đừng hỏi có hay không?). Lẽ “hữu vô” của tạo hóa luôn huyền diệu! Cảnh vật xóm thôn vốn bình dị được nhìn qua tâm thức Thiền nên đã thấm đẫm Thiền vị.

Từ cảnh rộng lớn và khái quát của thôn xóm_nơi cả người và vật khi chiều xuống đều phải trở về với nơi trú ngụ, thi nhân phác họa vài nét của cái thần của cảnh chiều tà nơi thôn dã. Đó là người và vật đều phải quay về với cái noi trú ngụ đầm ấm và yên ổn:

Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền

Ở câu chuyển SGK Ngữ văn 7 dịch nghĩa: “Trong tiếng sáo mục đồng dẫn trâu về hết”. Thơ Đường thêm chữ là bớt nghĩa, có khi còn sai cả ý câu thơ. Theo cấu trúc câu thơ nguyên tác, câu thơ trên nên dịch là “Trong tiếng sáo của trẻ chăn trâu, trâu đã về hết”. Bởi lẽ Đạo Thiền coi trọng “tư tính thanh tịnh”, hồn thuần tự nhiên. Cho nên trong tiếng sáo tự nhiên hồn thuần của mục đồng thì đàn trâu cũng theo thói quen chiều tà tự nhiên thanh thản về chuồng. Còn dịch là mục đồng dẫn (hoặc dắt) trâu về là việc làm bị điều khiển thì còn gì là tự nhiên, thanh thản nữa. Như vậy trong bức tranh đồng quê nhạt nhòa và rộng lớn bên ánh tà dương đã xuất hiện hai điểm nhấn của câu trên và hai điểm nhấn ở câu dưới. Đó là hình ảnh những chú mục đồng thổi sáo và đàn trâu về khuất dần trong ngõ xóm. Và ngoài xa kia là hình ảnh hai cánh cò đang ung dung song song liệng xuống cánh đồng. Cái vi diệu của hai câu thơ là ở chỗ, nếu như xem hai câu thơ này là sáng tạo nghệ thuật, dựa trên cảm quan hiện thực thì đây sẽ là bức tranh hết sức tinh tế. Đó là bức tranh cảnh sắc chiều tà ở một miền quê thanh bình, thuần phác và đầy sức sống; đàn trâu thong thả về chuồng trong điệu sáo dặt dìu của mục đồng, hồn nhiên và từng đôi cò trắng ung dung liệng xuống đồng lúa xanh. Song cảnh vật thiên nhiên được mô tả trong thơ Thiền không phải là mục đích mà chỉ là cái cớ để các nhà thơ Thiền giử triết lý. Thiên nhiên trong thơ Thiền chỉ là cài mã với những biểu tượng để Thiền gia chuyển tải tư tưởng Thiền.

Nếu như tiếp cận hai câu thơ trên dưới góc độ cảm hứng Thiền thì có nhiều ý vị cùng các lớp nghĩa khác. Ở đây có các biểu tượng “Tiếng sáo mục đồng” và “trâu” sau là “cánh cò” mang nhiều nét nghĩa mang đậm triết lý Thiền. Tiếng sáo là hiện thân của cuộc sống mục đồng, âm điệu của nó gợi lên sự trở về với trạng thái hồn nhiên, thanh thản. Còn biểu tượng của con trâu là biểu tượng của chân tâm hồn thuần. Theo Truyền đăng lục, một hôm Động Sơn hỏi hòa thượng Long Sơn rằng: “Hòa thượng thấy đạo lý gì mà trụ trì ở đây?” Long Sơn đáp: “Ta chỉ thấy hai con trâu bùn đánh nhau rồi chạy xuống bể. Từ bấy đến nay vẫn không thấy tin tức gì?”. Công án Thiền này ngụ ý con người cũng như vạn vật đều có cái chân tâm nhưng vì mê lầm nên nhiều người đã đánh mất nó, mãi không tìm lại đươc. Vì vậy cần tu tập Thiền để “minh tâm kiến tánh”,  quay trở về với “bản tính thanh tịnh” vốn tự nhiên đạt tới “đốn ngộ” thành Phật. Trở lại với câu thơ ta thấy, nếu như tiếng sáo của mục đồng tượng trưng cho âm thanh hướng con người trở về với “bản lai diện mục”, biểu trưng cho cái tâm bình lặng, hồn thuần, không bị vẫn đục với những mê kiến, vọng kiến thì đàn trâu ung dung tự tại quay về (ngưu quy tận) chẳng phải là nẻo về của chân tâm đó sao?

Với biểu tượng từng đôi cò trắng nhẹ nhàng hạ cánh tự tại  xuống đồng, thi nhân đã hoàn thành bức tranh đồng quê tuyệt đẹp của mình. Cánh cò là đốm sáng lại chấp chới động.

Trong nhạt nhòa của sương khói chiều hôm, dễ đập vào mắt người “vọng cảnh” nhất. Cánh cò bay từ cao xuống thấp thể hiện sự kết nối giữa trời và đất, giữa âm và dương. Nó thể hiện sự nhẹ nhàng của các thần tiên siêu thoát trút bỏ sức nặng của cõi trần. Cánh cò hay cánh chim đột nhiên xuất hiện hay bay đi tạo ra sự bừng ngộ về những cái chưa biết, giúp trí tuệ nắm bắt những gì thấy và nghe được, ngoài ra nó còn biểu trưng cho sức mạnh và sự sống… có điều cánh cò trong thơ văn cổ điển Trung Quốc thường bay lên, thậm chí bay lên thật cao tới trời xanh như trong thơ Đỗ Phủ: “Nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên” (Tuyệt có một hàng cò trắng bay vút lên trời xanh),  hay cò bay cùng ráng chiều như trong thơ Vương Bột: “Lạc hà dữ cô lộ tề phi”  (Đằng Vương các_cánh cò bay cùng với ráng sa), hoặc cò bay lên từ ruộng nước trong thơ Vương Duy: “Mạc mạc thủy điền phi  bạch lộ” (Tích vũ Võng Xuyên trung tác_Cò trắng bay lên vùng nước rộng), hay cánh chim trong ánh chiều quá mạnh mẽ như trong thơ của Phạm Trọng Yêm: “Bạch điểu hốt điểm phá” (Dã sắc_Chim trắng bỗng xé toang)… Tất cả đều khác hẳn cánh cò trong thơ Trần Nhân Tông, nhẹ nhàng hạ xuống cánh đồng khi chiều xuống. Sự khác nhau này trước hết là ở chỗ, những cánh chim kia đều được miêu tả ban ngày, theo lẽ tự nhiên còn phải bay đi muôn nơi tìm sự sống. Ngay Vương Duy được ca tụng là Thi Phật, dù chủ “tĩnh” vẫn phải thể hiện cánh cò mạnh mẽ bay lên. Điều khác nhau cơ bản ở đây là tư tưởng, tâm thức mỗi nhà thơ. Những nhà thơ mang tư tưởng Nho gia như Đỗ Phủ, Vương Bột, Phạm Trọng Yêm nhiều khác vọng đầy tráng chí, suốt đời lấy nhập thế thờ vua giúp nước làm trọng nhìn thế sự hoàn toàn là động thì cánh chim trong thơ họ làm sao không mạnh mẽ hướng tới trời xanh. Ngay cánh chim chiều trong thơ Phạm Trọng Yêm tưởng cũng yên ổn “về rừng tìm chốn ngủ” (Mộ_Hồ Chí Minh) theo quy luật tự nhiên thế mà còn mạnh mẽ bỗng  nhiên xé toang ánh chiều. Và ánh chiều tàn cũng vậy trước khi tắt hẵn còn bừng chiếu. Thế mới biết nhiệt huyết và tráng chí vì dân vì nước của nhà thơ chính trị họ Phạm mạnh mẽ vô cùng.

Còn cánh cò trong bài thơ của Trần Nhân Tông là từng đôi nhẹ nhàng hạ cánh xuống cánh đồng. Như trên đã nói, chiều đến như là quy luật tự nhiên, người và vật đều tìm nơi trú ngụ, các chú mục đồng thổi sáo trên đường về xóm, đàn trâu no cỏ cũng trên đường về chuồng và từng đôi cò cũng nhẹ nhàng hạ cánh xuống cánh đồng, Tất cả đều thuận theo lẽ tự nhiên, ung dung tự tại như cuộc sống thanh bình giản dị khi các thi nhân “Lạc đạo, chứng đạo” hướng về “chân tâm”, quay về “bản lai diện mục”. Bài thơ Mục Đồng của thi Tăng Tây Thiềm đã là một minh chứng cho tư tưởng này: “Ngưu đắc tự do kỵ, Xuân phong tế vũ phi, Thanh sơn thanh thảo lý, Nhất địch nhất xoa y, Nhật xuất xướng ca khứ, Minh nguyệt phủ chưởng quy, Hà nhân đắc tự nhĩ, Vô thị diệc vô phi”. (Trâu được cỡi tự do, (như) mưa phùng bay trong gió xuân, trong cỏ xanh núi biếc, một cây sáo một áo tơi, ban ngày ra ngoài ca hát, trăng sáng phủ tay về, mấy ai được như thế, không thị cũng không phi.)

Rõ ràng từ một cảnh vật ở một vùng quê thuần phác vùng đồng bằng sông Hồng, với hình ảnh trẻ chăn trâu thổi sáo, đàn trâu và những cánh cò hắt ánh tịch dương tác giả đã giử gắm vào đó cả  ý nghĩa nhân sinh và triết lý Thiền sâu sắc. Toàn bộ thôn xóm như được bao phủ bởi một lớp sương khói mờ mờ huyền ảo. Cảnh vật bên ánh chiều tà cũng ở trạng thái khó xác định “nửa như có” mà cũng “nửa như không”. Trên cánh đồng, trong tiếng sáo các chú mục đồng cùng đàn trâu trở về, từ cái có lại chuyển dần thành cái không. Lại nữa, trên nền không của cánh đồng, lại xuất hiện đội cò trắng song song hạ xuống cánh đồng như hiện hữu của cái có. Tất cả nằm giữa hai bờ hư thực, vừa mờ ảo như được phủ trong khói, vừa rõ ràng như được thấy cả đôi cò đáp xuống cánh đồng mênh mông. Đó là đặc điểm của cảnh hoàn hôn nơi làng quê thanh bình và cũng là cảnh giới Phật. Trên đây là chất Thiền được xét dưới góc độ giữa “thực” và “hư”, “có” và “không”, giữa “thực tướng” và “giả tướng”.  

Tuy nhiên tư tưởng Thiền còn chủ trương “tĩnh lặng”, “đối cảnh vô tâm”, “tâm thân lưỡng vọng”, cho nên cảnh vật trong bài thơ của Trần Nhân Tông cho dù có động như thế nào thì cũng đều hướng về sự tĩnh. Mở đầu là xóm chìm trong sương khói nhạt khi chiều về, ánh tà dương cũng không còn là nó, mà chỉ là ở “bên nó” (tịch dương biên). Cảnh sắc tồn tại trong  trạng thái “nửa như có” “nửa như không”. Đến hai câu sau, sự tĩnh lặng lại được thể hiện bằng các yếu tố động. Tiếng sáo của mục đồng là động nhưng gợi được cái tĩnh của cánh đồng về chiều. Tiếng sáo gọi trâu về và đàn trâu thong dong trở về khuất dần trong ngõ xóm rồi những cánh cò nhẹ nhàng hạ cánh xuống cánh đồng cũng đều là biểu hiện của sự chuyển biến từ động về tĩnh. Đó cũng là sự trở về với chốn nương thân về với cuộc sống thường nhựt “vô ngã vô thường”, với “tự tính thanh tịnh” “chân tâm hồn thuần”. Đó là tâm thức Thiền của Điều Ngự Trần Nhân Tông. Ông đã đạt tới đỉnh cao của sự đốn ngộ, sống tùy duyên. Thiền phái Trúc Lâm không hướng con người vào một cõi tồn tại khác sau cái chết mà là khuyên bảo con người hãy chấp nhận hiện thực như nó đang tồn tại. Vấn đề là cần thay đổi thái độ với chính hiện thực ấy, thực hiện xây dựng một “Tịnh Thổ” ngay trong thực tại. Các Thiền sư Trúc Lâm chủ trương “lạc đạo” nhưng vẫn “cư trần”. Cả cuộc đời Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là minh chứng cao đẹp cho triết lý này. Cái tùy duyên lớn nhất ở Trấn Nhân Tông là sự gắn bó với vận mệnh của nhân dân, của dân tộc, xây dựng xã hội thái bình. Khi đất nước yên ổn thái bình Ngài lại từ bỏ hết tục lụy, bình thản lui về vui với đạo và giáo hóa chúng sinh hướng thiện. Chính điều này cho thấy bóng dáng của hiện thực ở những mức độ khác nhau, trong không ít bài thơ, thậm chí trong cả một số bài kệ, của một số Thiền sư ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. 
 
Tóm lại, bài thơ đã tạo dựng bức tranh nông thôn Việt Nam thấm đẫm tình đời, tình người bằng nhãn quan của Thiền giả_thi nhân. Thơ Trần Nhân Tông vừa thể hiện tâm thức đạt tới cảnh giới diệu ngộ của Thiền phái Trúc Lâm, vừa thể hiện tâm hồn khát khao hòa nhập vào thiên nhiên, vào cuộc sống đời thường và gửi gắm vào đó những triết lý bình dị mà sâu xa./.


PGS. TS Trần Lê Bảo, Trường Đại học sư Phạm Hà Nội


Tài liệu tham khảo:  
1.Thích Phước Sơn (dịch và chú giải), Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học VN 1996.  
2. Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên)_Ngữ văn 7, Tập I, Nxb Giáo Dục 2003.  
3. Nguyễn Khắc Phi “Thiên Trường Vãn Vọng”_Một tuyệt tác của Trần Nhân Tông, vienvanhoc.org.vn  
4. Đoàn Thị Thu Vân, Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ Thiền Việt Nam từ thế kỷ thứ X-XIV, Nxb Văn học 1996. 
5.Đến với thơ hay, Nxb Giáo dục 1997.  
6. Nhiều tác giả, Tìm hiểu về xã hội Việt Nam thời Lý-Trần, Nxb KHXH 1981.  
7. Nhiều tác giả, Về thi pháp thơ Đường, Nxb Đà Nẵng 1997.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm