Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 28/09/2022, 21:37 PM

Tam Vũ diệt Phật: Pháp nạn thứ ba thời Đường Vũ Tông

Năm 827, Đường Văn Tông Lý Ngang, con thứ của Mục Tông lên ngôi, tại vị mười bốn năm. Thái độ và chính sách của Văn Tông đối với Phật Ggáo rất cẩn trọng, nếu không nói là có khuynh hướng ức chế.

Audio

Niên hiệu Thái Hòa thứ tư tức năm 830, Từ bộ kiểm tra, thấy số lượng Tăng Ni không chánh thức được độ xuất gia trong cả nước rất nhiều, bèn tâu xin cấp độ điệp, Văn Tông chuẩn tấu. Nhưng khi trình danh sách và số lượng đến hơn bảy trăm ngàn người thì Văn Tông vô cùng kinh ngạc. Tăng Ni tự độ xuất gia nhiều như thế, đúng là một mối lo còn tiềm ẩn đối với triều đình phong kiến. Do đó, vào niên hiệu Khai Thành thứ ba, tức năm 838, Đường Văn Tông ban một đạo sắc chỉ điều tra Tăng Ni, muốn dùng vương quyền để kềm chế sự phát triển của Phật Giáo.

Tam Vũ diệt Phật: Pháp nạn thứ ba thời Đường Vũ Tông

Tam Vũ diệt Phật: Pháp nạn thứ ba thời Đường Vũ Tông

Ông ta nói: “Bá tánh lê dân mê lầm tin vào thuyết ‘khổ không’; quan liêu, triều thần kính trọng pháp môn phương tiện, trai tráng cạo tóc trốn tránh lao dịch. Đó là sự tệ hại của việc Phật Giáo lưu hành, cho nên cần phải nghiêm cẩn điều tra kiểm xét”. Ngay hôm đó, cơ quan Công đức sứ ở phủ Kinh Triệu và Trưởng sử các châu phủ ngoài kinh đô tiến hành quản lý chặt chẽ Phật Giáo, không cho tùy tiện độ làm tăng, hành vi tự độ bị cấm đoán. Song song với việc này, Văn Tông lại còn tiến hành tổ chức khảo thí. Ngoài những Tăng Ni già yếu, bệnh tật tàn phế, nhỏ tuổi và các bậc danh đức ra, còn tất cả phải tham dự một kỳ khảo thí do triều đình tổ chức. Quy định người dự thi phải đọc trôi chảy năm tờ kinh văn và đọc thuộc lòng ba trăm tờ kinh văn. Nếu vượt qua hai phần này người dự thi sẽ trúng khảo. Sau khi Văn Tông hạ chỉ, các Tăng Ni dự thi được phép ôn tập trước ba tháng, sau đó mới tiến hành khảo thí. Người nào không trúng khảo sẽ trở về làm dân. Mục đích việc làm này chính là để kềm chế sự phát triển của Phật Giáo, đồng thời khiến cho một số lượng lớn những kẻ lợi dụng xu phụ trong Phật Giáo hoàn tục, hầu tăng thêm sức lao dịch và thâu nhập tô thuế. Văn Tông còn quy định sau khi cuộc khảo thí kết thúc, căn cứ theo số lượng Tăng Ni mà lập tự viện. Tự viện trong nước phải có số lượng quy định, không được xây dựng thêm. Sau cùng ông ta nhấn mạnh: “Một người nam chẳng cày ruộng sẽ có kẻ bị đói, một người nữ chẳng dệt vải sẽ có kẻ bị rét. Đâu có người phế bỏ phép Hoa Hạ, học tập pháp vô sanh của ngoại di?”. Như thế có thể thấy được chủ trương ức chế Phật Giáo của Văn Tông nhằm ngăn chặn sự phát triển liên tục của Phật Giáo vào đời Đường, nhưng việc này đã mở đường cho Võ Tông diệt pháp về sau.

Đường Vũ Tông Lý Viêm là hoàng tử thứ năm của Mục Tông, lên ngôi năm 841, tại vị sáu năm, là người duy nhất trong hai mươi vị vua nhà Đường phản đối Phật Giáo. Sở dĩ Vũ Tông phản đối Phật Giáo là từ tín ngưỡng tôn giáo của bản thân ông ta. Theo sử sách ghi chép, khi còn là một phiên vương, chưa lên ngôi hoàng đế, Vũ Tông đã không có hảo cảm đối với Phật Giáo, mà lại thích giao du với các Đạo sĩ. Ông rất sùng tín Đạo giáo và cực lực cổ súy thuật trường sanh. Lên ngôi chưa bao lâu, Vũ Tông triệu tập tám mươi mốt đạo sĩ, như Triệu Quy Chân… đến hoàng cung lập đạo tràng Kim lục tại Tam Điện, đích thân đến thọ pháp lục trên đàn Cửu thiên tiên. Vũ Tông vốn đã không có ý tốt đối với Phật Giáo, lại thêm vào sự khích động của Triệu Quy Chân, nên ông càng chán ghét Phật Giáo. Nhưng Vũ Tông diệt Phật cũng trải qua một quá trình từ ức chế, dần dần phát triển đến tiêu diệt.

Niên hiệu Hội Xương thứ nhất, tức năm 841, lúc mới lên ngôi, Võ Tông chưa tùy tiện hành động diệt pháp mà còn ban sắc cho các chùa Đại Trang Nghiêm, chùa Tiến Phước, chùa Hưng Phước, chùa Sùng Hưng thiết pháp hội cúng dường răng Phật. Lại thỉnh pháp sư Cảnh Sương chùa Hưng Phước đến các chùa viện tuyên giảng Tịnh độ A- di-đà và truyền dạy pháp niệm Phật. Đồng thời Vũ Tông cũng sắc cho đạo sĩ giảng Nam hoa kinh của Trang Tử, lập viện Linh Phù Ứng Thánh ở hồ Long Thủ. Nhưng thái độ đối xử của Vũ Tông đối với Phật và Đạo đã lộ rõ sự phân biệt khinh trọng. Ví như Vũ Tông sai lập đạo tràng trong cung để sa-môn và đạo sĩ luận đàm về yếu nghĩa của Phật, Đạo; rốt cuộc chỉ ban thưởng cho đạo sĩ mà không ban thưởng cho sa-môn, phong đạo sĩ Lưu Huyền Tỉnh ở Hành Sơn làm Ngân thanh quang lộc đại phu sung chức Học sĩ ở Sùng Huyền quán, ban hiệu là Quảng Thành Tiên Sanh, cùng với đạo sĩ Triệu Quy Chân tu pháp lục trong nội cung. Cũng vào năm này có sa-môn Bảo Nguyệt người Nam Ấn đến Trung Hoa, chưa rõ quy định đã tự tiện thâu dụng môn đồ, nên bị Vũ Tông ghép vào tội vượt phép quan, bắt giam Bảo Nguyệt và đệ tử. Nhưng do Bảo Nguyệt là vị tăng ngoại quốc nên không trách phạt, mà phạt đệ tử thay cho thầy, đồng thời không cho sư Bảo Nguyệt tự do hoằng pháp và tự tiện trở về nước. Các sự việc trên, chứng tỏ lúc mới lên ngôi, tuy Vũ Tông chưa triệt để cấm chế Phật Giáo, nhưng đã có khuynh hướng ngăn chặn Phật, hiển dương Đạo.

Đường Vũ  Tông càng củng cố nền thống trị phong kiến thì ông ta càng biểu lộ chủ trương áp chế Phật Giáo, nơi đâu và bất cứ lúc nào cũng đều thực hiện ý đồ ấy. Niên hiệu Hội Xương thứ hai, tức năm 842, Tể tướng Lý Đức Dụ tâu xin trục xuất các Tăng Ni tạm trú tại các chùa ở kinh đô và không cho phép nuôi sa-di nhỏ tuổi, Vũ Tông chuẩn y. Không bao lâu, Vũ Tông lại đình chỉ việc cung phụng đại đức cao tăng trong hoàng cung. Đồng thời nhiều lần thân hành đến tra hỏi về tình hình học tập của các lưu học tăng ngoại quốc tại Đường triều. Tháng mười năm này, Vũ Tông hạ chiếu bắt các tăng sĩ phạm dâm, có vợ con, không tu giới luật phải hoàn tục, ra lệnh Tăng Ni phải nộp tiền, thóc lúa và ruộng đất cho triều đình. Nếu ai tự nguyện hoàn tục thì cũng cho phép. Theo thống kê, lần ép buộc hoàn tục này, chỉ riêng kinh đô đã có hơn ba nghìn năm trăm Tăng Ni trở về đời sống thế gian. Ngoài ra Vũ Tông hạn chế số người phụ giúp cho Tăng Ni, quy định một vị tăng chỉ nuôi một người và một vị ni chỉ nuôi hai người, còn lại trả về chủ cũ. Những người không có chủ thì triều đình quản lý, rồi dựng vợ gả chồng thành lập gia đình.

Do Vũ Tông không ngừng ức chế Phật Giáo, nên khiến một số tăng sĩ oán thán, nhưng không dám biểu lộ. Họ chỉ giảng nói về tính xác thực của việc chứng nghiệm trong Phật Giáo, mong đề cao được địa vị Phật Giáo trong tâm ý của Vũ Tông, hoặc từ đó có thể cải biến được tín ngưỡng của ông ta. Vũ Tông cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, niên hiệu Hội Xương thứ ba, tức năm 843, Võ Tông hạ chiếu bảo Lưỡng nhai tăng lục ở kinh đô và các vị tăng làu thông Tam học tra cứu về việc từ khi có Phật Giáo đến nay, cổ kim hưng phế có chứng nghiệm gì, rồi tấu trình. Bấy giờ sa-môn Huyền Sướng soạn Tam Bảo ngũ vận đồ, một quyển dâng lên Vũ Tông. Xem xong, vì không thấu hiểu, nên Vũ Tông cảm thấy sách không có giá trị. Lại có Thái tử thiêm sự Vi Tông Khanh soạn Niết-bàn kinh sớ, hai mươi quyển và Đại viên y tự cảnh lược, hai mươi quyển. Vũ Tông xem xong liền đốt và ra lệnh thiêu luôn bản thảo, đồng thời hạ chiếu quở trách Vi Tông Khanh: “Phật là người Tây Nhung, giáo thì xướng thuyết Bất sanh. Khổng Tử là bậc thánh ở Trung thổ, kinh thì nói những điều lợi ích. Ngươi vốn là nho sĩ, xuất thân từ danh gia vọng tộc, đã chẳng nêu cao cái học của Khổng Tử mà lại hèn kém tin theo thuyết của Phù-đồ, vọng soạn sách về Phật, làm mê hoặc người. Việc ấy không thể không chê trách”. Xét những lời này có thể thấy rằng Đường Vũ Tông lúc bấy giờ không chỉ ức chế, mà đã bắt đầu chán ghét Phật Giáo. Sau đó không lâu, Vũ Tông ra lệnh đốt cháy tất cả kinh Phật trong hoàng cung, chôn sâu các tượng Phật, bồ-tát, thiên vương được tôn thờ. Đồng thời cấm các chùa thuộc Tả Hữu lưỡng nhai ở kinh đô Trường An giảng kinh thuyết pháp.

Trong quá trình Vũ Tông ức chế, chán ghét, cho đến bắt đầu đốt kinh chôn tượng, đả kích Phật Giáo thì Đạo giáo dần dần phát triển, khích động hỗ trợ việc diệt Phật. Niên hiệu Hội Xương thứ ba, được sự đề nghị của đạo sĩ Triệu Quy Chân, Vũ Tông sai ba nghìn quân Tả Hữu Thần Sách xây dựng Vọng Tiên đài trong hoàng cung để mong được giao cảm với thần tiên. Hơn nữa, các đạo sĩ thân cận với Vũ Tông luôn mượn cơ hội để hủy báng Phật Giáo, rêu rao Phật Giáo chẳng phải là tôn giáo của Trung Quốc, cần phải trừ dẹp… nhất là đạo sĩ Triệu Quy Chân. Vì được Vũ Tông sủng ái, có nhiều cơ hội tiếp xúc Vũ Tông nên Qui Chân thường tâu: “Phật sanh ở Tây Nhung, về giáo thì đề xướng thuyết Bất sanh, Bất sanh tức là chết. Phật chỉ dạy người trở về niết-bàn, mà niết-bàn chính là nói con người trở về cái chết. Phật Giáo nói nhiều về vô thường, khổ, không, chẳng nói đến lý vô vi trường sanh, rất tương phản với ý hướng của bệ hạ”. Võ Tông rất tin những lời này nên càng chán ghét Phật Giáo, ra sức đề cao Đạo giáo. Cùng năm này, Võ Tông phong Triệu Quy Chân làm Tả hữu lưỡng nhai Đạo môn giáo thọ tiên sanh tại kinh đô, hạ chiếu cho phép hoằng dương Đạo giáo tại nơi này.

Niên hiệu Hội Xương thứ tư, tức năm 844, Võ Tông bắt đầu những hành vi đả kích Phật Giáo trên mọi mặt. Vào đầu năm này, quan Trung thư tâu: “Toàn quốc hiện đang thực hành pháp trì trai bất sát trong các tháng giêng, tháng năm và tháng chín. Đây là tục tập của Thích môn, có những tệ hại lớn. Nay nên thay đổi, đó là vào ngày mùng một của tháng năm, tháng bảy và tháng mười không nên sát sanh, còn những ngày khác thì không cấm”. Vũ Tông chuẩn tấu. Đến tháng ba, Vũ Tông hạ chiếu cấm cúng dường xá-lợi Phật, đặc biệt chỉnh đốn các chùa viện còn giữ gìn xá-lợi Phật như chùa Pháp Môn…, ra lệnh không được tùy tiện mở cho người khác chiêm bái và cúng dường. Nếu ai dám trái lệnh, dù chỉ cúng một tiền, cũng sẽ bị đánh hai mươi gậy. Nếu có Tăng Ni nào nhân việc cúng dường xá-lợi Phật mà thâu của người một tiền thì cũng bị đánh hai mươi gậy. Người trái lệnh ở địa phương nào thì do quan ở địa phương ấy xử phạt, đồng thời lập biên bản ghi đầy đủ tên họ trình tấu hoàng đế.

Vào ngày Phật đản mùng tám tháng tư năm ấy, Vũ Tông hạ chiếu bãi bỏ việc thỉnh tăng vào hoàng cung giảng kinh và thiết trai cúng dường vốn được tổ chức hàng năm. Sau đó không lâu hạ chiếu cấm Tăng Ni ra đường vào ban đêm. Khi trống buổi tối vang lên thì tất cả Tăng Ni phải trở về trụ xứ của mình. Tháng tám, Vũ Tông hạ chiếu phá hủy các Phật đường nhỏ và các trai đường thờ Phật ở các thôn ấp trong toàn quốc, bức ép Tăng Ni trụ các nơi này phải hoàn tục. Lần này, chỉ tại Trường An đã có hơn ba trăm ngôi Phật đường bị phá hủy. Đến tháng mười, Vũ Tông lại hạ chiếu phá bỏ những chùa viện nhỏ trong toàn quốc. Kinh Phật trong các chùa viện này phải chuyển đến chùa lớn; chuông khánh thì trao cho các Đạo quán. Tăng Ni trụ ở các chùa viện này, nếu người không có giới hạnh, bất luận già trẻ, đều bắt phải hoàn tục. Nếu tuổi cao mà có giới hạnh thì chuyển đến trụ chùa lớn. Còn các vị tăng trẻ tuổi, dù có giới hạnh cũng phải hoàn tục. Lần này ở Trường An có ba mươi ba ngôi chùa viện nhỏ bị phá hủy. Hành vi đả kích Phật Giáo của Vũ Tông vào năm Hội Xương thứ tư là dấu hiệu báo trước ông ta sẽ tiến hành các chánh sách diệt pháp.

Tháng giêng niên hiệu Hội Xương thứ năm, tức năm 845, Triệu Quy Chân tâu xin được luận biện với sa-môn. Vũ Tông chuẩn tấu, hạ chiếu cho sa-môn, đạo sĩ đến điện Lân Đức. Đại diện cho Phật Giáo là sa-môn Trí Huyền. Ngài Trí Huyền luận rằng thuật thần tiên trường sanh của Đạo giáo là việc của kẻ thất phu ở núi rừng hoang dã, còn Phật Giáo là đạo lý tối tôn về trị thế của bậc đế vương. Vũ Tông vô cùng tức giận, cho rằng ngài Trí Huyền phạm vào tội đại nghịch thánh chỉ, trục xuất về quê, vĩnh viễn không được mặc tăng phục. Qua lần luận biện này, nhất là có một số lời lẽ công kích Đạo giáo làm tổn thương nghiêm trọng tâm ý của Vũ Tông. Do đó Vũ Tông quyết định tiến hành diệt Phật.

Lần này, trước tiên Vũ Tông hạ chiếu sai Từ bộ kiểm tra số lượng chùa viện và Tăng Ni còn lại trong cả nước, chuẩn bị cho việc diệt pháp. Kết quả kiểm tra, toàn quốc còn bốn nghìn sáu trăm ngôi chùa lớn và trung bình, bốn mươi nghìn ngôi chùa viện nhỏ, hai trăm sáu mươi nghìn năm trăm Tăng Ni, một trăm năm mươi nghìn người giúp việc trong chùa viện. Với số lượng như vậy đủ thấy thế lực của Phật Giáo lúc bấy giờ rất mạnh. Tháng bảy năm Hội Xương thứ năm, Vũ Tông ra lệnh giảm thiểu số lượng chùa Phật. Lưỡng nhai ở hai kinh, mỗi nơi chỉ giữ lại hai ngôi chùa lớn, một ngôi chỉ giữ lại ba mươi vị tăng. Thượng đô Trường An, Tả nhai giữ lại chùa Đại Từ Ân và chùa Tiến Phước. Hữu nhai giữ lại chùa Tây Minh và chùa Trang Nghiêm. Các trị sở của quan Tiết độ sứ, Quán sát sứ và các châu Đồng, Hoa, Thương, Nhữ, mỗi nơi chỉ giữ lại một ngôi chùa, chia làm ba bậc, chùa bậc thượng lưu trụ hai mươi vị tăng, bậc trung mười vị và bậc hạ năm vị.  Các Tăng Ni còn lại phải hoàn tục.

Sau đó không lâu, Vũ Tông lại hạ chiếu cho bốn chùa lớn ở Đông đô Lạc Dương chỉ cần giữ mỗi chùa hai mươi vị tăng; còn các chùa vốn đã giữ hai mươi và mười vị thì giảm còn mười và năm vị. Nhưng chùa năm vị thì triệt bỏ không lưu giữ. Các Tăng Ni được lưu giữ vốn trực thuộc Từ bộ (cơ quan lo việc cáo tế trời đất), nay chuyển trực thuộc Hồng lô tự (cơ quan tiếp đãi các sứ thần nước ngoài đến triều cống). Việc thay đổi này, mục đích là không xếp Tăng Ni Phật Giáo vào cộng đồng người Trung Quốc mà xem như là các khách sứ Di Địch. Các chùa viện lớn nhỏ không được lưu giữ thì định kỳ hạn đập phá hết, có quan Ngự sử đến từng địa phương giám sát việc thi hành. Tài sản, ruộng vườn của các ngôi chùa này thì tịch thâu nhập quan phủ. Các tượng đồng, chuông đồng, khánh đồng… giao nộp cho Diêm thiết sứ các địa phương nấu chảy đúc thành tiền đồng. Các tượng Phật và đồ vật bằng vàng bạc cũng tịch thu giao cho quan phủ nấu chảy, nộp vào Bộ tài chánh của quốc gia. Các tượng Phật… bằng sắt thì giao cho quan phủ nấu chảy đúc thành nông cụ. Ngoài ra, bất luận quan dân, ai có tượng Phật bằng vàng bạc, đồng sắt, kỳ hạn trong một tháng phải giao nộp cho quan phủ, nếu ai trái lệnh thì các quan Diêm thiết sứ chiếu theo lệnh cấm lưu hành đồ đồng mà xử phạt, tội nặng có thể chém đầu.

Đến tháng tám, Vũ Tông lại hạ chiếu thư vọng kể ra những tệ hại của Phật Giáo. Ông ta nói: “Trẫm nghe trước thời Tam đại chưa từng nói đến Phật, sau đời Hậu Hán Phật Giáo mới hưng khởi. Từ đó về sau, Phật Giáo dần dần lan rộng đến khắp vùng đồng ruộng núi non của chín châu, hoàng thành cung khuyết tại hai kinh. Tăng đồ ngày càng đông, Phật tự ngày càng to lớn. Làm nhọc sức dân bởi công xây dựng, đoạt lợi của người từ việc gom góp ngọc vàng; bỏ nghĩa vua tôi trong khoảng thầy trò, trái tình chồng vợ tại nơi giới luật. Phá hoại phép tắc, gây hại cho người, không gì hơn đạo này vậy! Hoa Hạ ta từ xưa đã có câu: ‘Một nông phu không cày ruộng thì sẽ có người đói, một chức nữ không dệt vải ắt sẽ có người rét’. Nay trong thiên hạ, Tăng Ni đông vô kể, tất cả đều trông vào nhà nông để được thức ăn, mong vào người dệt vải để có áo mặc. Thật không ra thể thống gì nữa !”.

Chiếu thư này thực tế là một phần của bài hịch công khai lên án Phật Giáo. Trong đó, Đường Vũ Tông liệt kê cụ thể kết quả đạt được trong lần diệt pháp này. Về số lượng ruộng đất tốt bị tịch thâu đến ngàn vạn khoảnh và số người làm việc trong các tự viện bị hoàn trả đến mười lăm vạn. Từ đó đã cho thấy thế lực kinh tế của tự viện Phật Giáo phát triển cao đến mức nào! Theo sử sách ghi chép, Đường Vũ Tông vì muốn ngăn chặn các quan lại, hào phú nuôi giấu các người giúp việc cho tự viện sau khi bị đưa ra khỏi chùa, nên quy định: “Nếu người nào phạm phải việc ấy thì nên chủ động tự thú, nếu để bị quan quân phát hiện, không luận là quan hay dân đều bị xử cực hình”. Tóm lại, lần diệt pháp này Vũ Tông muốn làm suy yếu thế lực của Phật Giáo, nhất là về kinh tế tự viện, khiến sự phát triển của Phật Giáo Trung Quốc lùi lại hàng mấy trăm năm.

Vũ Tông diệt pháp đương nhiên có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo của ông ta, nhưng cũng từ nguyên nhân lịch sử xã hội rất sâu đậm. Từ khi nhà Đường xưng đế, do được giai cấp thống trị phong kiến, nhất là các đế vương tận lực đề xướng và phò trì, Phật Giáo phát triển rất sâu rộng trong xã hội Trung Quốc. Thế lực và ảnh hưởng cũng càng ngày càng to lớn, nhất là kinh tế tự viện đã bành trướng đến cực độ. Cũng do kinh tế tự viện tồn tại và phát triển, nên tự thân Phật Giáo trở thành một tập đoàn kinh tế Tăng lữ địa chủ đối lập với kinh tế Thế tục địa chủ. Hai thành phần kinh tế địa chủ phong kiến này, trong một tình huống nhất định nào đó sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn xung đột. Biểu hiện rõ nét nhất là hai bên tranh giành nhau sức lao động và ruộng đất. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiến lập kinh tế của xã hội phong kiến. Các đế vương, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, là những người đại biểu cho tập đoàn kinh tế Thế tục địa chủ. Lợi ích của kinh tế Tăng lữ địa chủ đã trực tiếp uy hiếp lợi ích của kinh tế Thế tục địa chủ, vì thế các đế vương tất nhiên xuất đầu lộ diện hỗ trợ cho lợi ích của tầng lớp mình. Đó là căn nguyên sâu đậm từ kinh tế dẫn đến việc Vũ Tông diệt pháp. Như vậy nhìn từ việc làm và kết quả lần diệt pháp này, toàn bộ đều thể hiện sự đấu tranh vì lợi ích kinh tế và đó cũng là nguyên nhân chính.

Tháng ba, niên hiệu Hội Xương thứ sáu, tức năm 846, Võ Tông băng, Tuyên Tông kế vị. Tháng tư, Tuyên Tông hạ chỉ giết mười hai người gồm đạo sĩ Triệu Quy Chân, Lưu Huyền Tỉnh… Vì Tuyên Tông cho rằng những người này khích động Vũ Tông phá diệt Phật pháp. Tháng năm, Tuyên Tông đại xá thiên hạ, sắc cho Lưỡng nhai ở thượng đô Trường An, trừ các chùa còn giữ lại, kiến tạo thêm 8 ngôi nữa, Tăng Ni vẫn như trước, trực thuộc Từ bộ. Niên hiệu Đại Trung thứ nhất, tức năm 847, Tuyên Tông ban chiếu khôi phục các ngôi tự viện đã bị phá hủy. Vua tuyên: “Vào cuối niên hiệu Hội Xương, triều đình thi hành chính sách giảm thiểu chùa viện. Hành động này thật quá đáng, nhưng sự tình chưa sâu rộng. Nay những linh sơn thắng cảnh, những châu phủ trong thiên hạ, nơi nào có chùa viện bị phá hủy vào niên hiệu Hội Xương thứ năm, đều được khôi phục”. Năm sau, Tuyên Tông vì những chùa viện mới tu tạo mà cho phép độ năm mươi hoặc ba mươi tăng, tùy theo chùa lớn nhỏ. Đến niên hiệu Đại Trung thứ năm, tức năm 851, Tuyên Tông hạ chiếu cho phép hễ ai muốn tạo lập, tu sửa chùa viện, quan phủ không được cấm ngăn, cho phép các chùa tự độ Tăng Ni để tiện việc trụ trì và quản lý.

Trong mấy năm sau khi lên ngôi, Đường Tuyên Tông đã tận lực giúp đỡ và củng cố, nên Phật Giáo khôi phục nhanh chóng, nhưng không còn được như xưa, khí thế đã suy giảm nhiều. Như vậy lịch sử đã rõ ràng nêu ra xu thế từ hưng thịnh dần dần chuyển sang suy vi của Phật Giáo Trung Quốc.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phật dạy tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn

Tư liệu 09:36 21/05/2024

Phật dạy tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.

Tâm thế nào nhìn ra thế ấy

Tư liệu 17:00 20/05/2024

Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn chơi với Thiền sư Phật Ấn cả ngày. Hai người đối nhau luận Thiền, Đông Pha hỏi Phật Ấn: Ngài thấy tôi thế nào?

Chim két chết có xá lợi

Tư liệu 14:00 19/05/2024

Vào năm 1987, con chim két này bị người ta đem từ Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên đến Bao Đầu, bởi vì miệng nó ngu không biết nói, lại không thuần phục, lại hay dùng mỏ mổ người ta. Vì thế nó trở thành kẻ khó ưa. Sau đó người ta chuyển nó cho nhà cư sĩ Vương nuôi.

Trong cõi vô thường

Tư liệu 07:19 19/05/2024

Xóm là xóm tha phương, ý mọi người nói là do đủ mọi nơi tìm đến đây sinh sống, lập nghiệp mà tạo ra xóm. Con đường đất cũng cong queo, theo cách cất nhà cái nhô ra cái trồi vào, thấm thía câu nói của Lỗ Tấn: “Khi xưa có đường đâu, người ta đi thét mà thành đó thôi”.

Xem thêm