Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 28/09/2022, 04:42 AM

Tây Du Ký: Thất tình

Trên thế gian đa số chúng ta đều bị lưới thất tình bủa vây từ khi mới lọt lòng. Đó là qui luật chung của nhân loại. Nói theo cách của nhà Phật thì gọi là cộng nghiệp chung cả thế giới này, nhưng bị ít hay nhiều là do sự huân tập thành biệt nghiệp ở mỗi người.

Bởi chúng đẹp đẽ hào nhoáng dàn trải trước mắt, do nghiệp cảm nên con người luôn bị chúng khích động, chúng bao quanh ta như những vòng lưới vô hình, một khi đã lọt vào thì khó mà thoát ra được, cứ dùng dằng mãi đến khi nào sức mỏi hơi tàn rồi chịu chết.

Ở đây Ngô thừa Ân mượn chuyện bảy yêu tinh nhền nhện để nói lên việc thất tình. Xin lược dẫn một đoạn ở hồi 72-73.

Mấy thầy trò đến một thôn trang, mọi khi Đường Tăng sai đồ đệ vào xóm khất thực, nhưng hôm nay lại tự đi vì thấy thôn trang trống trải nên không sợ... Khi đến trước nhà thí chủ, gặp mấy người con gái Đường Tăng chẳng dám lên tiếng, sau đành phải gọi để xin cơm. Các cô đang đùa giỡn, nghe có tiếng người vội đi ra cửa thì gặp Đường Tăng, liền mời vào và thưa hỏi như người biết đạo. Đường Tăng đi theo vào nhà, các cô làm cơm mặn đãi. Đường Tăng từ chối không ăn bỏ đi ra, liền bị các cô phun lưới trói cứng, treo lên sàn nhà. Té ra là bảy yêu tinh nhền nhện... Tôn Hành Giả thấy thầy đi lâu quá mà không về liền nghi có chuyện không ổn nên đi tìm. Khi đến căn nhà đầu thôn chỉ thấy những mạng nhện dầy đặc, biết thầy mình bị nạn... Nói về Đường Tăng, khi bảy yêu tinh đi tắm mát xong mới về làm thịt ăn mừng. Tôn Hành Giả và Bát Giới tìm đến chỗ yêu tinh tắm để đánh. Riêng Bát Giới gặp bảy yêu tinh đang tắm dưới hồ thì sanh tâm tà vạy, xuống đùa giỡn, trêu cợt liền bị mấy yêu tinh phun lưới trói không nhúc nhích. Tôn Hành Giả đến sau thấy vậy tiến đánh, dùng thuật cuộn hết những dây tơ, yêu tinh hoảng sợ chạy đến tá túc nhà một yêu tinh khác. Tôn Hành Giả cứu thầy và mấy sư đệ xong, lại khởi hành đi tiếp. Đến tối thấy có một nhà ở cuối thôn, mấy thầy trò vào xin tá túc, nhưng không ngờ nhà này cũng là nhà của một yêu tinh mà bảy yêu nhền nhện đến ẩn náu và cầu xin giúp đỡ để trả thù... Mấy thầy trò Đường Tăng do vì không biết nên bị yêu tinh thuốc chết, chỉ có Tôn Hành Giả không bị trúng độc nên đánh diệt hết bảy yêu nhền nhện, còn một yêu tinh chủ chạy thoát... Tôn Hành Giả tìm thuốc cứu Đường Tăng và các sư đệ...

Lược dẫn một đoạn ta thấy thất tình nó đã có sẵn khi chưa lọt lòng mẹ, vì không có trí tuệ nên bị chúng trói buộc, giống như Đường Tăng bước vào nhà của bảy yêu nhền nhện rồi không trở ra được. Ở đây tác giả viết Đường Tăng đi khất thực mà không để mấy đồ đệ đi là có chủ ý. Bởi vì giai đoạn này Đường Tăng ám chỉ cho tâm thức còn chủng tử mê chấp (tạng thức) chưa sạch trong hoàn toàn. Cho nên khởi sự của việc thác sanh thân sau là bởi tâm thức bị hành nghiệp dẫn đi trước để nhập thai. Mà hành nghiệp đó chính là chủng nhân thất tình nằm sẵn trong tâm thức. Vì lẽ đó tác giả để Đường Tăng khởi sự đi khất thực là ý này.

Là người hành đạo nếu không khéo cũng giống như Bát Giới, lúc chưa gặp yêu tinh thì đòi đánh, nhưng khi gặp rồi lại hòa cùng đùa giỡn nên bị nó trói không nhúc nhích vậy.

Cũng thế, lúc mới phát tâm tu kiên quyết loại trừ thất tình không để hệ lụy vướng mắc, nhưng khi chạm duyên đối cảnh nếu không bền lòng vững chí và trí tuệ hiện hữu thì sẽ giống như Bát Giới bị trói chân không tiến được, nhiều khi phải chết vì chúng nữa.

tayduky-1-0055545

Thất tình là bảy thứ tình cảm của con người. Nó phát sinh từ chủng tử sâu xa thuở quá khứ, nên thân này vừa sanh ra thì nó cũng đồng thời hiện hữu. Thất tình thật tế nhị, thầm lặng ít ai rõ biết được bản chất thực của nó, do vì tiêm nhiễm huân tập nhiều đời kiếp thành ra như bệnh mãn tính khó trị liệu, nhưng đối với ai có nghị lực và ý chí dũng mãnh thì có thể chuyển hóa được. Thất tình là:

1- Mừng: Tâm trạng rất thích thú vì được như mong muốn. Vui vẻ hớn hở khi gặp dịp may mắn hay hoàn thành một công việc nào trọng đại nên tâm phấn chấn sung sướng thỏa mãn trong lòng.

2- Giận: Là hờn dỗi, phiền muộn, bực bội, oán thù, sân hận do những nghịch cảnh làm cho không vừa lòng hay trái ý.

3- Lo: Một trạng thái không yên lòng vì phải bận tâm lo lắng một điều gì không hay có thể xảy ra, hoặc lo nghĩ, tính toán về điều này việc nọ.

4- Sợ: Là trạng thái bất an. Những hoàn cảnh làm khũng hoảng tinh thần nên kinh hoàng sợ sệt, không yên lòng do thấy hay biết trước điều không hay nào đó có thể xảy ra.

5- Yêu: Có tình cảm quí mến đằm thắm với một đối tượng nào đó nên khởi niệm yêu thương, trìu mến; gặp người vừa ý hợp nhãn sanh lòng luyến ái trộm nhớ thầm thương.

6- Ghét: Có ác cảm, không ưa thích, như người hoặc cảnh làm trái ý nghịch lòng, sanh tâm ghét bỏ, ganh tỵ, tật đố. Trái với yêu.

7- Muốn: Sự đòi hỏi, khát khao, mong muốn được đáp ứng đầy đủ tất cả theo sở thích. Gặp những gì vừa ý đẹp lòng liền muốn đem về cho mình, bất kể mọi trở ngại khó khăn.

Bởi vì chúng rất tế nhị và thầm lặng nên chúng ta khó nhận thức được khi chưa có trí tuệ thấy đúng lẽ thật các pháp. Giống như các yêu tinh thưa mời mềm mại nhẹ nhàng như người biết đạo, thành thử Đường Tăng tưởng là người tốt bụng mới vào nhà thì liền bị bắt.

Thật ra thất tình là chỉ cho tâm ba thời của chúng sinh (tâm quá khứ, hiện tại, vị lai). Tâm quá khứ là chỉ cho nỗi lo lắng, hối tiếc, nghĩ tưởng những việc trong cuộc sống trước đó như mừng giận, yêu ghét v.v... Tuy nó đã qua nhưng chúng ta vẫn cứ lo và sợ. Ví như mình thương ai thì hay lo lắng cho người đó và sợ mình với họ xa cách không được gần gũi; từ đó suy ra mừng, giận, ghét cũng vậy. Tâm hiện tại là những trạng thái mừng giận, yêu ghét v.v... luôn luôn thay đổi bất chừng không cố định. Tâm vị lai là mong muốn đòi hỏi, khát khao, không ngoài những thứ như tài, sắc, danh v.v..., hay có những việc chưa đến lại lo nghĩ tính xa vời. Những trạng thái tâm đó dù là người trong đạo Phật hay không phải đạo Phật đi nữa thì chúng vẫn hiện diện, vì đó là một dạng tâm lý chung của nhân loại.

Bởi lẽ muốn vạch trần sự thật nơi con người, khai thác cái u uẩn thầm kín trong lòng người thì thử hỏi khoa học có làm được rốt ráo chăng? Thiển nghĩ chỉ có nghiên cứu đạo Phật và thâm nhập yếu chỉ của Phật pháp thì mới thấu rõ được lẽ ấy.

Thời đại khoa học bây giờ tiến triển thay đổi quá nhanh mà bảy thứ tình cảm của con người ta thấy nó không thay đổi chút nào. Cách đây mấy ngàn năm con người sống trong bảy thứ tình cảm này, thì cho đến bây giờ cũng y vậy và mai sau chắc không đổi khác. Xét kỹ bảy thứ tình cảm này không ngoài ba thứ tham sân si ở lòng. Ngày xưa con người có tham sân si thì bây giờ cũng y vậy, trừ phi người biết cách chuyển hóa thì ngược lại có khác. Đạo Phật có tồn tại đến ngày nay là vì đạo Phật nói lên lẽ thật thân tâm của con người và phương cách giải quyết về các vấn đề sinh lão bệnh tử ở con người, hầu vượt khỏi khổ não để đạt đến giác ngộ an vui vĩnh cửu, do đó ta thấy giáo lý đạo Phật không có lỗi thời. Bởi vì Đức Phật khi giác ngộ, Ngài đã thấy đúng lẽ thật các pháp và rõ tận thâm tâm của tất cả chúng sinh là một dòng chuyển biến liên tục không dừng luôn luôn sinh diệt, nên Ngài cảm thương chỉ rõ những lẽ thật ở tâm hồn của con người, để con người biết mà chuyển hóa đừng ái chấp vướng mắc, hầu sớm được giác ngộ giải thoát như Ngài. Nếu ai chối bỏ không chấp nhận đạo Phật là người đó chối bỏ tâm hồn của họ, trong khi đó chính họ đã cưu mang và đang sống với tâm hồn. Như vậy bảy thứ tình cảm chính là tâm hồn của con người hay năm dạng chúng sinh tâm ở đầu trong chín dạng đã nói ở trước.

Hình như tất cả chúng sinh đều lấy bảy thứ tình cảm này làm sự sống, nếu thiếu chúng thì con người không còn muốn sống làm chi, nhờ những thứ đó họ mới phấn khởi mà thích sống, dù có đau khổ gì đi nữa họ cũng cam phận chớ không chịu từ khước để chuyển hóa. Nhưng khi họ hớn hở sống với bảy thứ tình cảm này thì họ cảm thấy có một cái gì dằn vặt tâm hồn, cho dù họ có đầy đủ tất cả vật chất để hưởng thụ song vẫn cảm thấy bất an. Vì sao? Vì ba thứ “Già, bệnh, chết” đang đe dọa họ. Bởi khi va chạm nhiều về đời sống vật chất tầm thường, con người vẫn phải tìm một cái gì vượt hẳn vật chất; thế là người ta đã tìm đến đời sống tâm linh hầu mong cõi lòng được nhẹ nhàng, an lạc. Để giải quyết vấn đề này, Đức Phật mới thị hiện ra đời vì chúng sinh mà phương tiện diễn nói giáo lý chỉ rõ nguyên nhân từ đâu có sanh, già, bệnh, chết và cách chuyển hóa để thoát ra. Đó là bài pháp nói cho năm người nghe đầu tiên tại vườn Lộc Uyển là Tứ Diệu Đế (Bốn sự thật đúng đắn quí báu nhiệm mầu) và những bài pháp sau này Ngài ngụ ngôn, ngụ ý để chỉ cho tất cả chúng sinh ai ai cũng có Tâm Phật sẵn tự hồi nào đến giờ luôn hằng hữu mà từ lâu chúng sinh quên lửng, do vì lầm nhận sống theo vọng động thức tình nên mới có bảy thứ tình cảm này phát sinh.

Từ chỗ tâm ý vọng động có sai biệt mà con người thể hiện khác nhau trên báo thân (thân hiện tại), do đó gương mặt mỗi người không ai giống ai, cho đến tư tưởng, cử chỉ hành vi cũng sai biệt, vì vậy trong cuộc sống trên mặt hình thức lẫn tâm hồn có thiên hình vạn trạng. Nhưng có điểm giống nhau là tâm hồn của con người đều mang bảy thứ tình cảm này chỉ ít hay nhiều thôi. Cho nên ở trong gia đình dù là cha con, vợ chồng hay anh em, chúng ta phải biết chọn lý trí chân thật làm chánh yếu, chớ đừng nghĩ thấy mình lớn rồi bắt người nhỏ phải nghe theo, bắt nó làm những điều bất chính không đúng với lương tâm, hợp với chánh đạo. Hay ngược lại tuy có người nhỏ tuổi nhưng có những lời lẽ và hành động đúng chánh lý thì người lớn cũng phải biết tiếp nhận để ứng dụng. Do có cái nhìn như thế mới thông cảm lẫn nhau với mọi người đang sống quanh mình, đừng bắt họ phải giống y khuôn như ý mình muốn. Nếu bắt họ giống như mình mà họ chẳng giống thì tự chuốc lấy khổ thôi! Vì tư tưởng không ai giống ai thì làm sao như ý mình được? Mỗi thế hệ và mỗi thời đại con người theo đó mà có sự nhận thức sai biệt và đời sống của mỗi người cũng mỗi khác, cho nên phải biết cảm thông và tôn trọng nhau, thì trong gia đình mới yên vui hạnh phúc và ngoài xã hội sẽ bình an. Nói thế chớ chẳng qua là có người biết chuyển hóa để thành cao thượng hay là chưa chịu chuyển hóa mới có những hành động và ý nghĩ không sáng suốt tốt đẹp vậy thôi.

Là người hành đạo phải dùng trí tuệ thấy biết lẽ thật cội nguồn của chúng, thấy được cội nguồn tức là thấy được bản chất, thấy được bản chất là thấy được tự tánh, mà thấy được tự tánh là không còn dính mắc, không dính mắc trói buộc là dứt mầm đau khổ, thì mới phá tan sào huyệt của chúng được, giống như Tôn Hành Giả gọi Thổ địa đến hỏi để biết nó là yêu tinh gì mà dùng thủ thuật đánh phá là vậy.

Cho nên có bài cảnh tỉnh rằng:

Ai biết chăng! Dòng đời đầy cạm bẫy.

Có gì vui mà lận đận đua tranh.

Nếu mai kia hơi thở đã trút tàn.

Thì tay trắng lại vẫn hoàn tay trắng.

Thân tứ đại trả về cho tứ đại.

Rồi chỉ còn hành nghiệp đã gieo mang.

Sao Ai lại không hồi đầu tỉnh giấc!

Mà âm thầm mê mộng mãi sầu đau.

tay-du-ky

Đến đây xin nói rộng một chút. Có một chuyện rất dài nhưng xin đại lược ít đoạn, vì thấy nó nói lên ý nghĩa thất tình này và ý cũng nói ở chỗ chăn ngựa hay uống nước dòng sông ái. Đây tuy là chuyện nghe kể lại nhưng không biết có thật hay không. Vì theo thiển ý tôi chuyện cũng nói lên ít hay nhiều trong bảy thứ tình cảm của nhân loại.

Chuyện xuất xứ bên nước Đại Hàn. Một buổi sáng tại tự viện nọ ở lưng chừng núi, có mấy chú sư tiểu đang quét sân thì một sư huynh dáng người to lớn nói: “Hôm nay các chú quét sân cho sạch sẽ để sáng sớm ngày mai có tiểu thư con quan Tể tướng đến lễ Phật trước khi về nhà chồng nghe!”. Rồi ông sư huynh tả hình dáng cô tiểu thư rất đẹp tên là Telsa và không biết ai được diễm phúc cưới cô... cho các huynh đệ nghe. Trong lúc đó có chú Sa Di xuất gia từ nhỏ, nay đã lớn thành một ông tăng oai nghi chững chạc tên là Rosil lo việc nhang đèn cúng Phật ở Bửu điện. Do vì nghe được câu chuyện sư huynh kể, ngay đêm đó khi quí thầy đang yên giấc, chú ngồi dậy lén mở cửa chùa và mặc chiếc áo tơi xuống núi trong đêm khuya. Dưới ánh trăng chú đi mãi, đi mãi bỗng thấy trước mặt đèn đuốc sáng rực nên không biết nơi đó có việc chi liền đi lại xem, mới biết đây là dinh của quan Tể tướng chuẩn bị tổ chức ngày mai đưa con mình về nhà chồng, mà người rể của ông là một kiếm sĩ. Rosil trà trộn vào đám người tới lui bận lo việc đám cưới, rồi len lỏi đi tới tận dinh Tể tướng... Bỗng Rosil nghe tiếng hát của người con gái đang vui bên phòng, Rosil len lén tìm đến xem trộm thì biết đây chính là cô tiểu thư con của Tể tướng, vì vóc dáng giống y như sư huynh kể. Rosil liền động lòng, có ý mong muốn chiếm đoạt cô trong đêm nay trước khi làm lễ cưới. Liền khi ấy, có đám mây đen bay ngang qua che phũ ánh trăng đang sáng, và một luồng gió mạnh thổi vào phòng làm các ngọn nến đều tắt, thừa cơ hội Rosil hòa mình theo ngọn gió nhảy qua cửa sổ vào ôm cứng tiểu thư. Trong đêm tối cô lại nghĩ rằng trong dinh mình không có ai dám vào, trừ ra vị hôn phu đến để ngày mai rước mình mà thôi... hay là chàng đến... đến để... Thế là cả hai bị áng mây vô minh phũ kín và bởi luồn gió dục vọng thổi mạnh (tư tưởng vọng động nhiều) cuốn hút nên cả hai không kiềm chế được bản thân mà biến thành một trận mây mưa sanh tử..... Sau đó Telsa mới biết mình lầm lẫn, còn Rosil thú thật lòng đã thương cô, nên hai người dắt nhau bỏ trốn ngay trong đêm. Vì thời đó người nữ thì phải khuê môn bất xuất, và hôn nhân phải môn đăng hộ đối, nếu cô ở lại sẽ làm mất danh dự gia phong, mang tiếng xấu trong gia tộc nên phải đành gom ít tư trang ra đi.

Hai người đi đến một nơi xa lạ, đổi tên họ và làm ăn cũng khá giả và sinh được một trai, một gái. Một hôm vào mùa đông, cả gia đình đang ăn chiều bỗng nghe tiếng niệm Phật văng vẳng... Bất chợt Rosil nhớ lại cảnh chùa hơn mười năm về trước và nghĩ rằng không biết giờ này vị sư nào đi hóa duyên khi chiều tối tuyết đã xuống. Rosil đem thức ăn ra cửa cổng chờ vị sư đến cúng dường. Khi trao thức ăn, Rosil nhìn kỹ thì ra là sư huynh mình năm xưa, liền mời vào nhà hỏi thăm. Sư huynh nói: “Từ khi chú bỏ chùa ra đi, sau vài năm sư phụ mất, tôi thì lôi thôi nên bị đuổi, còn Tể tướng ra lệnh ai mà lấy đầu của chú và tiểu thư về sẽ được trọng thưởng”. Rosil nghe nói sợ quá liền mời sư huynh ở lại chơi vài ngày, phần lo sợ và buồn không biết tính thế nào nên Rosil mượn rượu giải sầu...

Một hôm Rosil có việc đi vắng, Telsa ở nhà một mình đem thức ăn vào phòng sư huynh. Sư huynh thấy Telsa nên sinh lòng ham muốn bèn đến ve vãn nắm tay. Bất chợt Rosil về thấy cảnh tượng như thế thì sư huynh chối quanh. Rosil liền nghĩ phải thủ tiêu tên này, nếu không nó sẽ cướp mất vợ mình mà thân mạng mình cũng khó sống. Tối đến, sẵn hơi men còn ngà say, Rosil cầm dao đến phòng sư huynh, sư huynh thấy sợ hăm he nói: “Nếu chú mà động đến tôi, tôi sẽ báo quan Tể tướng thì mạng chú không yên đâu!” Nghe câu đó Rosil càng phải ra tay, vì không giết hắn thì mình sẽ lộ tông tích. Thế là Rosil liền thủ tiêu sư huynh rồi phi tang không ai biết.....

Thời gian trôi qua tưởng như đã lắng dần câu chuyện cũ. Một hôm Telsa ra chợ mua bán bất chợt gặp lại vị hôn phu cũ, nàng hoảng sợ chạy về nói với Rosil phải trốn đi tức khắc. Riêng vị hôn phu của cô là Moré, sau khi thấy bóng dáng cô liền đuổi theo. Telsa về nhà cùng chồng tức tốc gom hết tư trang và dẫn con chạy trốn ngõ sau, nhưng lại gặp Moré đang chống kiếm chờ đợi. Rosil sợ quá quỳ xuống không nói một lời, còn Telsa thì ôm hai con vào lòng. Moré đến chỗ Rosil, rút kiếm ra ném trước mặt và nói giọng đanh thép: “Hãy tự quyết định lấy!”. Rosil điếng người, liền nghĩ liều mạng nên nhanh tay lấy gươm chém Moré một nhát. Do bất cẩn Moré bị trọng thương ngã xuống; hai người vội vã dẫn con chạy, bỏ quên lại gói tư trang...

Hai người trốn đến một nơi hoang dã phá rừng trồng trọt để sinh sống, vì không thành thạo việc nên bị thiếu ăn. Vào buổi chiều mỗi người ăn chỉ một bát cháo trắng, Telsa đi làm về mệt ngồi chờ cháo nguội. Đứa con trai lớn húp hết tô cháo mà còn cảm thấy đói, nó hau háu nhìn bát cháo của mẹ. Mẹ nhìn con thông cảm, liền đẩy bát cháo qua cho con, nó nhìn mẹ hồi lâu rồi bưng tô cháo đưa lên miệng húp lấy húp để. Rosil đang ăn liền ngừng tay tát nó một cái thật mạnh và hét lớn: “Bộ mầy định giết mẹ mầy hay sao?” Thằng bé bị cái tát té nhào xuống vách nhà văng cả bát cháo. Telsa liền chạy lại ôm con vào lòng âm thầm khóc, nghĩ rằng: “Trong đời hồi nào đến giờ mới thấy cảnh đau xót thế này”...

Một hôm vì đói quá, tối đến nó vào nhà hàng xóm ăn trộm khoai, chủ nhà không biết đánh nó vỡ đầu bất tỉnh, hai vợ chồng ôm con về chờ chết chớ không tiền chạy chữa... Thấy sống ở đây không được nữa nên dọn nhà đi nơi khác. Trên đường đi họ thấy một gốc cây to, vì mệt mỏi nên đến đó nghỉ mát. Rosil chợt nhớ về cảnh chùa, hồi ở chùa đâu có khổ thế này! Đang lúc nghĩ ngợi miên man, Rosil như kẻ mộng du đi đến Telsa bóp cổ nàng và nói: “Tại mầy mà tao phải khổ như vầy…”. Telsa không nói năng gì, chỉ có đứa con gái còn lại vừa la, vừa đánh ba nó, lúc đó Rosil mới chợt tỉnh hồn, không biết mình vừa rồi làm gì nữa, chàng bèn xin lỗi Telsa... Hai người đến một nơi xa lạ, không biết làm gì sinh sống khi vốn liếng không có, nên Telsa phải bán thân vì còn chút ít nhan sắc, còn Rosil thì làm kẻ dắt mối và say sưa tối ngày. Một hôm Telsa soi gương thấy nhan sắc tàn phai và lông mày đã rụng mới biết mình bị bệnh hũi. Đêm đó Telsa viết lá thư để lại rồi dẫn đứa con đi mất. Rosil tỉnh dậy không thấy vợ con chỉ thấy bức thư, lấy đọc thì biết vợ con đã bỏ đi. Rosil như người mất hồn, nghĩ là mình mất hết tất cả nên không muốn sống, tính quyên sinh cho rồi. Nhưng ngẫm lại như vậy là quá hèn nhát, và tự nghĩ từ khi bỏ chùa ra đi cho đến nay đã tạo tội quá nhiều, thôi thì tìm lại Moré cho y giết mình để trả bớt đi một phần tội lỗi... Nhưng khi gặp lại Moré, cả hai nhìn nhau thấy thân tướng đều tàn tạ. Rosil quỳ trước mặt Moré để xin một ân huệ cuối cùng, nhưng Moré không giết chỉ chém đứt tóc rồi bỏ đi. Rosil cùng đường muốn chết mà người thù mình còn không muốn giết nên đau khổ cùng cực... Chợt bỗng thốt lên “À ! chỉ có chùa, chỉ có chùa mới cứu mình”, bèn tức tốc tìm đường trở về chùa xưa...

Rosil chờ cho trời tối hẳn mới dám vào chùa vì đã hơn mười năm xa cách cảnh trí thay đổi lạ. Khi quý thầy đang yên giấc, Rosil lén mở cửa rào và rón rén vào tận nơi chánh điện quỳ trước tượng đức Thế Tôn khóc nức nở, van xin Ngài từ bi tha tội. Chàng quỳ khóc như thế đến mỏi mòn và ngất đi lúc nào không hay biết... Mãi đến sáng, ánh sáng từ khe hở cánh cửa chiếu rọi vào mặt, Rosil mới giật mình tỉnh giấc, hết hồn vì đã lén vào chùa không ai hay, sáng ra nếu các sư nói mình ăn trộm thì biết làm sao bây giờ! Rosil ôm đầu tính chạy, tay vừa chạm đầu thấy chẳng có tóc, và nhìn lại thấy mình mặc quần áo của nhà sư. Bỗng nghe có tiếng bên ngoài gọi vang: “Sáng rồi sao không mở cửa quét dọn để đón tiếp Tể tướng mà giờ này còn ngủ”. Rosil nghe nhận ra là tiếng của sư huynh mình, lúc đó mới hoàn hồn tỉnh lại, thì ra là một giấc mộng!...

Sáng ra các vị sư trong chùa đứng hai hàng để tiếp đón Tể tướng và tiểu thư, Rosil sợ run cả người đứng không vững, mặt cúi gằm xuống chẳng dám nhìn lên và nghĩ không biết đây là thực hay mơ, chỉ đứng trơ người ra, đến nỗi sư phụ lấy quạt gõ vào đầu bảo: “Sao không đi còn đứng đó!”. Rosil mới tỉnh hồn theo thầy lên chánh điện hành lễ.

Qua mẩu chuyện trên cho ta thấy ý nói lên việc thất tình đủ cả. Như Rosil khi nghe tả hình dáng của Telsa liền sanh tâm MONG MUỐN chiếm đoạt Telsa; gặp mặt rồi sanh tâm YÊU THƯƠNG (hai người ân ái); được thương yêu gần gũi thì MỪNG (hai người sống bên nhau đầy đủ hạnh phúc); đang sống bên nhau hạnh phúc gặp việc không may có thể xảy ra thì LO LẮNG , nghĩ tính điều này việc nọ (nghe sư huynh kể lại chuyện Tể tướng truy tìm nên Rosil lo lắng mượn rượu giải sầu); sau đó lại SỢ Telsa bị kẻ khác cướp đoạt phải khư khư giữ lấy, hay sợ bị trả thù nên mới có hành động trái đạo lý (chém Moré và giết sư huynh); lúc gặp những nghịch cảnh trái ý liền GIẬN HỜN (bóp cổ Telsa) và GHÉT MẮNG (đánh con).

Đây tuy là chuyện kể hư thực ra sao không rõ, nhưng nó nói lên thực tế ngay cuộc sống ở thế gian mà nhân loại phải vướng lụy hoặc ít, hoặc nhiều như mẩu chuyện này với tên gọi là MỘNG. Thực vậy, đâu có khác gì một giấc mộng dài trong cuộc sống của con người bảy, tám mươi năm qua những hoàn cảnh thăng trầm không ngoài bảy thứ tình cảm này, nhất là ham muốn một trong bảy thứ ấy. Chúng rất mềm mại nhẹ nhàng, nhỏ nhiệm tế vi, giống như những sợi tơ mạng nhện giăng lưới bắt mồi vậy. Khi các con bướm, muỗi… vướng vào thì cứ dùn dằn đến khi sức mỏi hơi tàn thì đành chịu chết, chớ không thể nào ra khỏi mạng nhện. Con người chúng ta cũng thế, khi vướng vào mạng lưới của thất tình, khởi đầu cảm thấy êm ái dễ chịu lắm, nhưng lâu ngày chầy tháng mới cảm thấy vướng víu bận bịu chẳng được thanh thản thảnh thơi, càng nhúc nhích cựa quậy để chuyển thân thì lại càng dùn dằn đu đưa, chỉ này lại vướng lấy tơ kia làm cho lòng thêm rối. Khi rối lại càng cựa quậy gỡ rối, nhưng càng nhúc nhích thì lại càng rối thêm làm cho thân tâm bất an khốn khổ.

Trong cuộc đời từ lúc biết cảm xúc, chúng ta đã sống với nó theo bản năng của nghiệp khó mà tự chủ để chuyển hóa, bị nó xoay chuyển hết một quãng đời, rồi lại nối tiếp sang đời khác không lúc nào dừng nghỉ. Từ các ham muốn nơi bản thân, như mong muốn cho sắc thân này đẹp đẽ, tráng kiện, không bệnh tật, trẻ mãi không già, muốn ăn sung mặc sướng, muốn sống hoài không chết... Cho đến những cái bên ngoài cũng mong muốn đem về cho mình, như những vật chất chưng diện làm đẹp, làm sung sướng bản thân, cho đến danh vị, thậm chí cái gì hợp ý vừa lòng thì lại mong muốn chiếm đoạt để thỏa mãn dục vọng. Hơn nữa, có người ham muốn cầu mong tu hành làm sao để biết được quá khứ, vị lai, rõ biết tâm người nói hung kiết, muốn độ cho người hết khổ và muốn đủ thứ muốn. Vì thế Đức Phật nói ở cõi này là cõi dục. Tức cõi đầy tham vọng mà phàm phu ai ai cũng vướng mắc ái nhiễm. Đó là nói sự tham cầu theo dục vọng của chúng sinh. Nhưng trong đạo Phật cũng có nói đến sự mong muốn như trong 37 phẩm trợ đạo có đề mục là “Dục như ý túc”, tức là mong muốn một cách thiết tha cho đến khi nào mãn nguyện mới thôi. Mong muốn này không phải như mong muốn theo dục vọng của thế tình, mà là mong muốn vượt ra khỏi khổ đau, hướng đến mục đích đã nhắm, mong thành tựu những pháp Thiền định của mình tu tập. Vì vậy sự mong muốn này là hướng thượng đẹp đẽ, thanh cao nên hợp lý, đáng khuyến khích. Nếu không có sự mong muốn thiết tha mãnh liệt này thì khó mà đạt đến mục đích như ý nguyện.Tuy nhiên đó chỉ là những phương tiện quyền biến của chư Phật ba đời để cho những chúng sinh đang trôi lăn trong biển mê nương theo đó mà dần dần tiến lên đến giác ngộ giải thoát cứu cánh.

y-nghia-phim-tay-du-ky

Song, người hành đạo nếu chọn cái nhân tham để tu thì không thể nào đạt được kết quả giải thoát. Vì giải thoát là trong đó không còn bóng dáng của tham sân si, nếu còn có tâm tham tức là chọn chưa đúng nhân giải thoát. Cho nên tu đúng với chánh pháp là không có được, không thêm cái gì cả mà chỉ nhận lại nơi mình cái linh tri rỗng lặng xưa nay hằng hiện hữu, do mê lầm từ lâu quên lãng, và thấy lẽ thật của muôn sự muôn vật xưa nay không có trói buộc vướng mắc mình, bản thể nó vốn tự rỗng lặng bất động.

Kế nữa là SỢ. Trong cuộc sống nếu chúng ta mong muốn nhiều thì sợ cũng lắm. Có sắc thân tráng kiện khỏe mạnh thì sợ đau yếu, có sắc diện đẹp đẽ lại sợ xấu, sợ già nua, sợ đói rách; người mình thương thì sợ xa lìa; đến nữa là sợ cô đơn nên mới tìm đối tượng hợp nhãn vừa ý để hũ hỉ có nhau, rồi sợ thua kém không bằng mọi người. Trong giao tiếp làm ăn sợ công việc không được suôn sẻ, lại sợ thiên tai, sợ chiến tranh và sợ ma nữa. Cho đến trong việc tu hành không khéo chúng ta cũng sợ, như là sợ mình tu không tiến, sợ vọng tưởng, sợ vọng tưởng không dừng, sợ mình không bằng các huynh đệ, sợ dính mắc các pháp, sợ mình không giác ngộ, không được giải thoát v.v...

Kể sơ lược hai thứ trong bảy thứ tình cảm thì chúng ta xét phần đông con người đều có ham muốn và sợ hãi cả.

Tuy nói con người sống bảy, tám mươi năm nhưng thực ra chỉ trong một hơi thở, nếu mượn hít một ít không khí vào mà không trả ra thì đã qua đời khác, hay ngược lại trả ra mà không mượn vào thì không còn sự sống. Thực tế trong cuộc sống rất đa dạng, buồn khổ thì nhiều nhưng vui sướng lại ít. Tâm ý con người luôn luôn biến chuyển không chịu dừng, khi hoàn cảnh đổi thay tâm con người lại theo đó mà thay đổi, khi vui thì cởi mở rộng lượng hoan hỷ, lúc buồn khổ lại bực dọc, giận hờn, tật đố nhỏ nhen nên có những cử chỉ ích kỷ vì tự ngã.

Chúng ta thường nói đến hai chữ hạnh phúc, nhưng thật ra nó chỉ là cái bóng mờ của ảo tưởng, con người vì không biết thực chất của nó nên luôn luôn ao ước nắm bắt. Song càng nắm bắt lại càng không thể được, chỉ quờ quạng đến mệt mỏi, hơi tàn sức lụn mà chưa thấy hạnh phúc. Bởi không thấy được lẽ thật đó, nên con người chỉ sống mãi trong ảo tưởng rồi dựng lập tạo ra cái bóng hạnh phúc, một hạnh phúc giả tạm để khỏa lấp cái công sức mình đã tạo dựng bằng tư tưởng ảo huyền, hạnh phúc đó chỉ là trá hình cho sự đau khổ mà con người không hay biết, cứ ngỡ là ta đã đầy đủ hạnh phúc lắm rồi. Hạnh phúc là trá hình của đau khổ nên con người lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt. Họ sợ hạnh phúc sẽ mất đi nên cố gắng tìm mọi phương kế để giữ gìn, nhưng có được như ý chăng? Thật là sự đời không như ý mình tưởng tượng được! Vì thế ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Trò sân khấu đưa tay bắt bóng”. Khi xem hát ta thấy các diễn viên trên sân khấu lúc thì đóng vai này, vai nọ, khi cười, khi khóc, khi đáng thương, lúc giận dữ v.v... Nhưng những tình tiết vai diễn trên sân khấu chỉ là giả tạo do các diễn viên thay nhau đóng tuồng cảnh, thế mà người xem lại đồng hóa vào những cảnh ấy rồi khóc, rồi cười, khen chê, mừng sợ v.v... Họ không biết tất cả cảnh diễn trên sân khấu chỉ là trò giải trí đã đánh lừa tâm lý họ chớ không thật có. Cũng vậy, hạnh phúc trên thế gian giống như là những trò đùa trên sân khấu vậy, thế mà người ta lại đua nhau tranh giành đưa tay nắm bắt những cái bóng giả tạm để rồi buồn than và đau khổ. Nếu có vui cười thì chỉ cười trong bặm môi nghiến răng, chớ thật sự trong thâm tâm họ đang bị giày vò trăm mối, lo lắng và sợ hãi. Do đó người xưa nói: “Thế giới như hoa đốm trong hư không, nhân sinh như giấc mộng, như huyễn thuật” là vậy.

Từ khi mới sinh ra con người đã bị ràng buộc vướng kẹt trong thất tình lục dục, muốn làm việc gì thì làm cho bằng được, khi được rồi phải gìn giữ sợ rơi vào tay kẻ khác. Giống như Rosil lúc trực diện với sắc dục liền không tự chủ, sanh tâm làm theo dục vọng bản năng nghiệp lực. Khi được trong tay và đang sống hạnh phúc, bỗng có tin như sét đánh, cùng với hành động của sư huynh mình thì sợ hạnh phúc mất đi nên phải tìm cách thủ tiêu sư huynh. Rồi lại đối đầu với tình địch phải liều mạng sống chết để bảo vệ hạnh phúc.

Cho nên trong cuộc sống đã bị thất tình lục dục bao quanh, người ta không nghĩ mọi tai họa về sau, mà chỉ nghĩ những việc lợi cho tự ngã ở trước mắt. Để bảo vệ hạnh phúc, có khi họ làm những việc tồi bại, mất chính nghĩa cũng chỉ vì sợ không được như ý, sợ mất mát; từ đó suy ra đến thương yêu, mừng giận và mong muốn v.v... cũng thế. Nhưng rồi đời sống hạnh phúc không như ý ta tưởng được, có đó rồi mất đó, thương đó lại ghét đó, vui đó rồi buồn sợ đó, mừng đó lại giận đó. Cũng như Rosil và Telsa hai người bị áng mây vô minh che lấp mặt trăng thật (Chân tâm), lại bị gió nghiệp ái thổi tắt ngọn đèn trí tuệ, nên cả hai đều rơi vào dòng sông ái. Về sau hai người phải lãnh chịu những cảnh khổ sở bi đát, song đành phải ngậm đắng nuốt cay mà nhắm mắt đưa chân vì lưới của thất tình trói buộc.

Trong cuộc sống đa số lòng người rất là mâu thuẫn. Nếu mình không muốn mất mát cái chi, cũng không muốn ai lường gạt, dối trá hay làm buồn khổ v.v... thì mình cũng đừng làm buồn khổ cho ai, và những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, vì cái gì ta không muốn thì người khác cũng đâu có chịu! Nên có câu: “Nếu ai yêu tự ngã chớ hại tự ngã người”. Đó là xác nhận chúng sinh yêu tự ngã hơn hết. Cho nên trong giao tiếp chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người thì dễ cảm thông với họ. Có thế chúng ta mới không nhẫn tâm làm khổ cho nhau. Giả như vừa khởi tâm gian tham lén lấy cái gì của ai, hãy liền đặt mình vào hoàn cảnh của người bị mất tài vật thì bỗng dưng ta dừng ngay ý niệm xấu đó, vì khi mình mất của cải lòng tiếc rẻ khổ sở, thì người bị ta lấy tài vật họ cũng sẽ khổ như vậy chứ chẳng phải không. Hoặc giả khi vừa khởi ý mở miệng nói nặng lời hay dối gạt người ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh khi bị người lừa gạt hay mắng nhiếc, thì ý niệm xấu ấy sẽ ngừng ngay. Từ việc này suy ra các việc khác cũng thế. Thành thử câu: “Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người” tôi thấy rất hay. Có thế chúng ta mới thông cảm chia sẻ niềm đau nỗi khổ với mọi loài và dễ dàng hoan hỷ tha thứ cho nhau, mà cũng giúp cho thân khẩu ý không tạo ác nghiệp.

Xin đi xa một chút, không biết có ai nghĩ đến điều này chăng? Phần đông chúng ta chỉ biết lo lắng khư khư giữ lấy mọi thứ do ta tạo ra mà không nghĩ lo giúp cho người đã tạo ra thân thể này, phải chăng đó là mối duyên nợ từ nhiều đời kiếp nay có bổn phận phải làm thế? Song xét nghĩ, chẳng thấy mấy ai rõ ra được sự lẩn quẩn xoay vòng của kiếp người. Khi sinh ra rồi lớn lên trưởng thành dựng lập gia đình, sinh con cái, tạo của cải hưởng thụ, cuối cùng rồi đều phải theo chu kỳ định luật: Già, bệnh, chết. Sau đó bị hành nghiệp đưa sanh trở lại để tiếp tục cuộc sống lẩn quẩn, cứ thế đáo đi lộn lại, thay hình đổi mặt đời này sang kiếp nọ.

Cha mẹ là người tạo ra và dưỡng nuôi dạy dỗ nên ta mới có thân này, mà ít ai chịu để ý lo lắng giúp đỡ khi song thân tuổi đã xế chiều. Nếu có lo lắng chỉ một phần nhỏ, còn đa số chỉ nghiêng về lo cho vợ con hay chồng con mình và gầy dựng hạnh phúc riêng chính bản thân. Hình như nó trở thành tâm lý chung của con người, từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Tại sao chúng ta không nghĩ từ đâu có thân này để tạo lập sự sống riêng, và sau này mình cũng sẽ giống như cha mẹ khi lúc tuổi đã xế chiều? Nếu biết vậy thì ngay bây giờ phải làm gương và chỉ dạy cho con cháu biết những điều hiếu hạnh. Nhưng cũng tùy theo phước duyên của mỗi người mà được chu đáo hay chẳng như ý nữa. Có người chỉ biết lo làm ăn tạo ra tiền của dành dụm cho con cái, chớ không biết lo giáo huấn nó có đức hạnh sống đúng với lương tâm, và tạo dựng công ăn việc làm để tự nó sinh sống. Nếu chúng ta để lại tài sản vật chất nhiều mà nó thiếu đức hạnh và không nghề nghiệp làm ăn đàng hoàng thì khi mình qua đời nó còn giữ mãi được tài sản đó hay không?. Bởi do đời trước có nhân duyên với nhau nên đời này mới hội ngộ trong một gia đình, song vì nghiệp riêng của từng người mà tư tưởng hiện đời có sai biệt và cũng do nghiệp duyên mỗi người đã tạo nhân tốt lành hay thất đức thuở quá khứ mà đời nay sự sống có phần chênh lệch khác nhau, như người làm ăn được thành công, kẻ làm thì thất bai, có người giàu, kẻ nghèo, người đẹp, kẻ xấu, người khoẻ mạnh, kẻ bệnh tật v.v...

Vả lại, nếu chúng ta để ý một chút sẽ thấy rõ tư tưởng của con em mình. Như thấy nó thích xem phim ảnh hay đọc sách báo nói về những chuyện hơn thua, phải trái, được mất... là ta biết tư tưởng nó hay tranh đấu. Nó tranh đấu về mọi mặt ở hành động và lời nói như: Lẽ phải, sự sống, việc làm...

- Nếu thấy nó xem phim ảnh hay đọc sách về những chuyện vui vẻ hài hước là biết tư tưởng nó vui tươi hồn nhiên.

- Nếu nó hay xem chuyện tình cảm nhiều thì biết nó là con người đa cảm, đa tình.

- Nếu nó xem các hình ảnh hay đọc những chuyện không lành mạnh thì biết tư tưởng nó nhiều dục vọng.

- Nếu nó xem chuyện nói về cứu người giúp đời là biết nó có tư tưởng cởi mở, thể hiện lòng từ đối với nhân sinh v.v...

Bởi vì tư tưởng nó đang nghiêng về việc nào thì nó mới thích tìm xem và đọc, tùy theo mỗi đứa thích cái nào nhiều thì nghiêng về việc ấy nhiều, chính cái thích đó là chủng tử tập nghiệp tiềm ẩn của nó sống dậy. Cho nên ta nhìn những cử chỉ và lời nói của nó thì cũng biết được một phần tư tưởng nó vào loại nào mà khéo dạy dỗ, chỉ dẫn hướng sang những điều tốt đẹp hơn. Từ việc này cho thấy, thuở xưa ông bà ta cũng biết ý nghĩa về một phần nào của chủng tử trong tâm thức, cho nên mới bày ra lễ “Thôi nôi” (ngày sanh giáp một năm của đứa bé) cho con cháu. Trong cái mâm thường hay để những đồ vật như: Lược, gương soi, kéo cắt, cây viết, cục đất… và rất nhiều thứ khác nữa đặt trước mặt bé, hễ nó nhìn thứ nào thấy thích thì liền với tay lấy cái ấy, lấy xong mình cầm lại để vào mâm, nó với lấy cái đó tiếp thì có thể biết một phần nào tập nghiệp của nó, và sau này khi đủ duyên nó sẽ thực hiện theo chủng tử có sẵn tiềm ẩn trong tâm thức nó.

Nếu ai có đức hạnh thì được mọi người dễ mến và tạo thiện cảm, nên trong việc làm ăn hay cuộc sống hễ gặp việc gì bất trắc đều được người ta sẵn lòng giúp đỡ. Nếu để tài sản cho nhiều mà con cháu không đức hạnh, chẳng có nghề nghiệp, chỉ biết tiêu xài hoang phí thì một thời gian cũng hết. Đôi khi anh em chẳng hoà thuận hay bị chia rẽ khi phân chia tài sản của cha mẹ để lại nữa. Vật chất tuy nhiều nhưng cũng có ngày hết; còn người có đức hạnh và nghề nghiệp thì dù bị thiên tai hay nạn ách đến đâu đi nữa cũng không bao giờ mất. Cho đến những kiếp vị lai vẫn còn dư báo đó. Làm người thì không thể thiếu đức hạnh được, nó là cái đẹp, là gia sản quí báu, tuy vô hình vô dạng nhưng rất vô giá, không ai có thể làm nó hao mòn và không có biến cố nào làm tan hoại. Nếu biết thì hãy nên tự tạo lấy chớ không ai làm giúp cho mình cả, dù có tiền của thật nhiều cũng không mua được. Nhưng khi có thì phải biết gìn giữ duy trì để cho đức hạnh càng ngày càng tăng trưởng, giống như con dao khi dùng xong thì phải mài cho bén lại, để sau đó dùng được tiện lợi hơn.

Thế nên, người biết sống thì ngay hiện tại hãy chuẩn bị lo cho chính mình đừng ỷ lại vào ai cả, mà phải hiểu rằng, những người chung quanh chỉ trợ duyên giúp cho ta có điều kiện trau dồi đức hạnh trở thành người tốt và tự lập thành thạo nghề nghiệp tạo sự sống trong hiện tại mà thôi.

Trong cuộc sống có những việc rất mâu thuẫn, cha mẹ là cái gốc tạo ra ta, nhưng phần đông chúng ta lại ít quan tâm chỉ lo phần ngọn (chồng hoặc vợ, con cháu). Nếu có nghĩ đến lo giúp thì cha mẹ đã gần đất xa trời rồi! Chúng ta nên biết, tất cả của cải vật chất quí báu trên đời và cả đến vợ hoặc chồng, con… ta có thể tạo dựng được, dẫu cho có mất mát đi nữa thì cũng có thể tìm lại dễ dàng, nhưng khi cha mẹ qua đời rồi thì không làm sao mà tìm gặp lại được, đó là nỗi mất mát lớn và cũng là nỗi khổ nhất trong đời người. Cho nên khi cha mẹ còn hiện diện trên đời, chúng ta phải biết quí trọng tôn kính vì đó là sự vinh hạnh của người con.

Và một điều nữa, khi cha mẹ còn sống không nghĩ lo giúp vật chất lẫn tinh thần, đến lúc chết mới làm ma chay thật lớn, cúng đám linh đình thì thật là vô lý. Sao lúc còn sống không lo cho cha mẹ hưởng thụ, khi chết rồi thì chắc gì thọ dụng được chứ! Chỉ có những loài sống vất vơ, vất vưởng mới thọ dụng đồ cúng ấy. Song khi cha mẹ qua đời mình lại mong muốn cha mẹ thác sanh làm người hoặc về cõi thiên kia mà! Chớ đâu muốn cha mẹ làm loài sống vất vơ để ăn đồ cúng ấy phải không? Nếu có cúng thì chúng ta phải cảm nghĩ rằng: “Để tưởng niệm công ơn trời biển của cha mẹ lúc sanh tiền đã vì ta chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm và bao năm khó nhọc trông nom nuôi dưỡng dạy bảo ta thành nhân”. Vì vậy, chúng ta phải sống đúng lương tâm và có đức hạnh của một con người đúng nghĩa, để khỏi phụ công ơn cha mẹ đã dầy công dưỡng dục. Có thế mới gọi là đền ơn, mới xứng đáng công lao của song thân.

MonkeyKing-e1565248237143

Lại nữa, trong Hiếu kinh nói: “Dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cho cha mẹ vẫn chưa gọi là báo hiếu, vì sẽ lôi kéo nhau vào vòng trầm luân” – bởi vì sát hại sinh linh là gây oan trái với nhau thì đời đời tử đi, sanh lại sẽ gặp để trả oán, cứ thế mà tạo nghiệp trầm luân khổ sở. Hay cung phụng đầy đủ những món ngon vật lạ cũng chưa phải là đền đáp trọn vẹn công ơn ấy. Cho nên không gì hơn là khi cha mẹ còn sống phải biết hướng dẫn song thân biết đạo lý nhân quả nghiệp báo, để tránh những lỗi lầm tạo tội mà ra khỏi vòng trói buộc. Đó mới là người con thật hiếu. Song muốn cho cha mẹ cùng những người lân cận chuyển hướng tốt đẹp thì tự mình phải biết tiếp thu những lời Phật dạy và thể hiện mọi cái hay, cái cao đẹp ngay đời sống. Những nét đẹp ấy nơi ta sẽ làm cho cha mẹ và người lân cận trông thấy mà cảm đến hướng về sống đúng đạo pháp.

Hơn nữa, khi cha mẹ qua đời người con hiếu thảo phải biết tu để tịnh tâm và làm những điều phước thiện, giúp đỡ nhân sinh bằng mọi hình thức tùy theo khả năng hiện có, rồi hồi hướng công đức việc làm lành của mình về cho cha mẹ, hầu mong cha mẹ nương theo đó mà hướng thiện chuyển hóa tâm niệm để được vãng sanh về nơi lạc cảnh.

Lại có việc này nó rất thực tế trong cuộc sống nói lên chỗ thất tình đây. Có những đôi nam nữ rất yêu thương nhau, nhưng chưa được gần gũi. Vì tiếng sét ái tình đã thúc dục lòng, đến nỗi họ có thể bỏ cha mẹ, đôi khi quên đi danh giá bản thân và mọi dư luận đàm tiếu. Để bảo vệ tình yêu họ rất lo và sợ xa cách nhau, có khi bất chấp mọi gian khổ nguy hiểm và lời khuyên nhũ mà tìm mọi phương cách mong muốn được gần gũi. Nhưng khi được tất cả thuận duyên sống gần nhau chẳng biết có vui vẻ hạnh phúc như buổi đầu hằng ao ước hay chăng? Hay lại mâu thuẫn nhau mà bất hoà, rầy rà, đôi lúc còn chửi mắng, đánh đập lẫn nhau nữa. Nên có câu ngạn ngữ thế này: “Yêu nhau mà không biết tôn trọng nhau là tình yêu giả dối”. Dựa vào câu đó tôi suy rộng thêm, không chỉ riêng tình yêu trai gái mà nó bao gồm các thứ tình cảm giữa chúng ta trong cuộc sống đối với mọi lứa tuổi: “Yêu nhau, thương nhau, mến nhau mà không biết tôn trọng nhau là tình thương giả dối không chân thật, là tình thương lợi dụng, ích kỷ hẹp hòi cho tự ngã”. Quả thật vậy, nếu thật sự yêu thương, thân mến nhau thì không có những sự giận hờn, cãi vã, đánh đập…., mà phải biết tôn trọng, quí mến và nâng đỡ lẫn nhau về mọi mặt, tùy theo khả năng và sở trường của mình. Nhưng rất tiếc, thời nay phần đông người ta lại yêu cuồng thương vội, nên mới có những hục hặc trong cuộc sống là việc thường tình. Bởi vì sự thương yêu của đa số con người là lòng yêu thương vị kỷ không nghĩ đến tha nhân, chẳng biết tôn trọng lẫn nhau, nên mới có mọi việc trái ngược trong cuộc đời. Người ta thường đem câu thế này để ví dụ cho tình yêu nam nữ như trên là “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Hay thay! Ngẫm nghĩ sự đời phần đông là thế. Nhưng nếu có đôi lứa nào được hòa thuận trọn đời đi chăng nữa thì chỉ có trong muôn một, do vì họ đã có chủng nhân thiện cảm với nhau nhiều kiếp rồi, chớ không phải ngẫu nhiên đời nay gặp nhau sống trong một gia đình được êm ấm như vậy.

Qua đoạn chuyện vừa nói trên thì mới đầu Rosil sống rất hạnh phúc, nào là vợ đẹp con ngoan, nhà cửa sang trọng thì có những hành động nói năng cử chỉ thật êm đẹp. Đến lúc hoàn cảnh đổi thay con người cũng lại theo đó thay đổi nên có hành động thô lỗ, nói năng cộc cằn, tư cách không còn như trước. Lúc thì yêu thương chiều chuộng, khi lại đổi mặt hành hạ, cũng chỉ vì việc thất tình này.

Rosil khi lâm vào hoàn cảnh quá cùng khổ, gặp những duyên trái ý nghịch lòng thì liền đổ trút mọi khổ não phiền muộn ấy lên đối tượng hiện diện, dù đó là người thương yêu nhất. Như Rosil đánh con và bóp cổ vợ mình, trong khi họ không có lỗi lầm gì cả. Cho nên khi hội đủ điều kiện thì các nỗi khổ đó bộc phát, lòng không kiềm chế được nó sẽ biểu hiện ra hành vi, nếu không thì cũng qua miệng lưỡi thốt ra những lời lẽ không được hay đẹp êm ái lắm. Đó là việc thường thấy trong cuộc sống mà đa số người bị vấp phải. Nếu chúng ta thấy mình có hiện trạng trên thì hãy nên tự chủ tâm ý và chuyển hóa không cho nó phát tác, chớ để xảy ra những sai lầm đáng tiếc sau này. Đúng là:

Một thoáng ham vui, vui rồi khổ.

Hối hận thì thôi! Đã muộn rồi.

Nếu biết thế này đừng ham muốn,

Thì đâu lãnh chịu khổ họa đây!

Bởi do một niệm bất giác ban đầu lầm lẫn, dần dần dẫn đưa chúng ta vào vòng trói buộc của thất tình lục dục. Phải biết rằng tất cả hoàn cảnh trong cuộc sống hiện tại đang lưu chuyển đều do ta tạo ra chứ không ai khác. Nhưng tại sao cái nào phải, đúng thì lại nhận, còn những sai quấy, rủi ro thì lại trút đổ cho người khác hay đổ thừa cho hoàn cảnh mà không chịu nhận lỗi do mình tạo? Thật là mâu thuẫn.

Khi đang khổ, người ta rất mặc cảm và sống trong sự bất an, căng thẳng. Nếu họ không giải tỏa được các nỗi khổ ấy thì lâu ngày nó sẽ thâm nhập vào tim gan (tâm thức) tạo thành bệnh tâm sinh lý. Trong giao tiếp với cuộc sống cộng đồng họ khó tự chủ, đôi khi thể hiện bằng những thái độ cộc cằn, thô lỗ và dễ gây sự với mọi người xung quanh, họ chỉ biết nói vung ra những lời than trách để tiết hận, và cho rằng làm như vậy là giải bớt đi nỗi khổ. Song, họ đâu biết chỉ làm khổ bản thân thêm và tất cả người thân cận cũng liên lụy khổ theo vì những hành vi của họ. Lúc đó mỗi người mang một tâm trạng đau khổ riêng, cũng chính là mỗi người đang ở trong cảnh Địa Ngục mà tự họ cảm nhận, đôi khi muốn quyên sinh nữa. Nhưng đáng tiếc họ quá lầm lẫn, và họ có biết đâu chính mình đã tạo tác ác cảm với những đối tượng chung quanh khiến mấy vị đó sanh thành kiến oán hờn họ nữa. Có một điều nữa tế nhị hơn, ví như ta và người nào đó xích mích hay buồn phiền với nhau, dù sự việc đã qua mà khi gặp lại họ bên ngoài tuy niềm nở chào hỏi, nhưng trong thâm tâm ta thấy nó làm sao sao ấy! Trạng thái này rất khó diễn tả cho người ngoài biết chỉ mình tự cảm nhận thấy có một cái gì bất ổn trong lòng. Cho nên từ việc này ta suy ra qua những khía cạnh khác như là mừng, lo, sợ và thương yêu v.v... cũng vậy.

Mọi việc trong lòng chúng ta có thể che giấu tất cả mọi người, nhưng không thể nào che giấu được chính mình. Trong cuộc sống nếu chúng ta có làm việc gì mờ ám hay tốt đẹp thì những hình ảnh đó ghi đậm nét vào tâm hồn, đến lúc xuôi tay nhắm mắt thì những bóng hình của việc làm trước đó sẽ trỗi dậy ngược dòng thời gian, giống như ta đang xem cuộn phim quá khứ trong đời. Nếu những hình ảnh hiện lên là lành hay đẹp thì làm cho tâm hồn ta vui vẻ hân hoan, đó là do ta huân làm các việc thiện nên lúc bỏ xác thân này lòng vui vẻ ra đi nhẹ nhàng không phiền lụy. Ngược lại, những hình ảnh đau thương, khổ sở làm tâm hồn bất an kinh hoàng, hốt hoảng thì bị hành nghiệp thúc đẩy ta vào nơi tối tăm đọa lạc. Đó là do trong cuộc sống hằng ngày làm những việc ác độc, lường gạt, dối trá, giết hại người, vật nên mới chiêu cảm những cảnh như thế. Cho nên người xưa mới thần thoại hóa mà đặt ra câu chuyện ở dưới Âm phũ có cái gương gọi là “Đài gương nghiệp cảnh”, để khi người chết xuống dưới, Diêm vương bảo đến trước đài gương cho họ soi thấy lại những gì đã làm trên trần gian này mà định tội hay trả về nhân gian. Nó như là cây cân công lý không ai có thể chối cãi về những hành vi của mình làm lúc còn sinh tiền. Đài gương đó là biểu trưng cho gương tâm của mỗi người như đã nói trên.

Nếu sống được khoảng bảy mươi năm mà ta nghĩ và làm những việc chẳng lành hết năm mươi năm, khi già đến mới biết tỉnh thức chuyển hóa cải hối thì thời gian huân tu quá ít; lúc sắp bỏ thân, các hình ảnh bất hảo của việc làm trước năm mươi năm mạnh hơn sự tỉnh thức, nên lúc đó nó khởi hiện lại nhiều và chi phối thì chắc gì mình nhớ những lời Phật dạy mà tỉnh giác để tâm an tịnh ra đi? Nếu lúc đó có mời chư tăng chư ni đến hộ niệm thì những vị hộ niệm phải tịnh tâm cảm hướng về người sắp chết. Còn người sắp chết phải biết hướng tâm ứng lại tiếp nhận nơi tịnh tâm người hộ niệm thì mới có thể chuyển hóa những tâm niệm xấu, hoặc cũng có thể được tịnh tâm. Nhưng rất khó được, vì người sắp chết lúc đó hôn mê không sáng suốt tỉnh táo thì khó mà hướng tâm về người hộ niệm đang tiếp dẫn mình; vả lại chắc gì người đang hộ niệm có tịnh tâm để hướng nguyện cho người sắp chết? Song, hiện tại cũng làm cho thân nhân người sắp chết an lòng một phần nào khi có Tăng ni bạn hữu đến hộ niệm. Hơn nữa thiển nghĩ, nếu có được tỉnh giác đi nữa, mà sự tỉnh giác đó quá ngắn ngủi thì cũng được thọ sanh ở cõi lành (chẳng hạn sanh làm người trong nhà giàu sang), nhưng vì lúc cận tử nghiệp (tư tưởng gần nhất trước khi trút bỏ hơi thở) huân sự tỉnh giác quá ngắn nên khi thác sinh vào nơi lành đó tuổi thọ sẽ không lâu dài, như mới chừng mười mấy tuổi thì chết nữa, vậy đâu có hưởng vui sướng được bao lâu! Bởi vì tạo nhân có hạn thì quả báo cũng có chừng. Sau đó lại bị hành nghiệp ở kiếp trước do năm mươi năm ta làm những việc bất thiện nó sẽ dẫn đi thọ sanh nơi thấp hèn tối tăm hơn. Cho nên không gì hơn là hiện đời chúng ta phải biết tạo việc lành để tích lũy phước, nếu có trở lại làm người thì được hoàn thiện tốt đẹp hơn, hoặc là huân tu đúng nhân giải thoát để không còn trở lại ba cõi chịu khổ đau do vô thường chi phối. Nếu được vậy thì lúc lâm chung dù chẳng có ai đến hộ niệm cầu siêu thoát đi nữa mình cũng không lo sợ, vì đã có chuẩn bị tư lương trước nên khi bỏ thân vẫn an nhiên vui vẻ chẳng kinh hãi và luyến tiếc chi cả.

Thành thử trong cuộc sống tương đãi này đều do ta gây nhân, mà từ nhân đến quả phải trải qua một thời gian hội đủ duyên thì quả thành tựu, nên lý nhân quả như là cây cân công lý không thiên lệch cho ai cả. Nếu thân, miệng, ý hành động theo chân, thiện, mỹ thì sẽ chiêu cảm quả báo tốt lành an vui. Bằng ngược lại gieo nhân bất thiện thì gánh lấy ác quả; làm lành nhiều thì hưởng nhiều, tạo ác lắm thì thọ nhận khổ đau cũng chẳng ít. Chúng ta hãy xem báo thân hiện đời của mình thì sẽ rõ nhân quá khứ đã tạo. Nếu đẹp đẽ, thông minh, danh to, sự nghiệp lớn thì biết rằng có tạo nhân tốt lành thuở quá khứ nay mới được thế, hãy nên cố gắng nuôi dưỡng nhân lành đó để tương lai gặp những điều toàn hảo hưởng tiếp. Còn hiện đời lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ, gặp nhiều điều khó khăn trở ngại thì biết nhân tạo tác trước đó bất hảo chẳng lành nên nay mới chiêu cảm như thế, thì hiện tại hãy chuyển nhân mà siêng năng tinh tấn hành những điều phước thiện để mai sau được thăng hoa tốt lành hơn.

Khi đau khổ người ta không biết làm gì hơn là chạy tìm nương tựa nơi tín ngưỡng tôn giáo để hầu giải bớt nỗi đau khổ, nhưng nếu không khéo sẽ bị rơi vào mê tín hay cuồng tín, mà không tin rằng chính mình có khả năng hóa giải mọi nỗi khổ ấy. Cũng có người do nhận thức được sự khổ ở đời, họ thức tỉnh phát tâm đến tôn giáo tìm gặp minh sư học hỏi những phương pháp để thực tập chuyển hóa cho hết khổ. Nhưng những người như thế rất ít, còn hạng người chỉ biết nương tựa để cầu xin thì nhiều, tuy theo học đạo mà vẫn khổ. Bởi ở thế gian có nhiều cảnh bất như ý cuốn xoáy con người vào dòng thác đau khổ, lúc ấy người ta chỉ biết cầu Trời khấn Phật, van xin Thần Thánh để nhờ các Ngài ban ơn cứu giúp cho hết tội, bớt khổ. Bởi họ xem việc thờ cúng Phật, Thánh ở tự viện như vị Thần linh có thể ban ơn bảo hộ cứu giúp họ trong lúc đau khổ, túng quẫn, thành thử họ đến chỉ để cầu xin chớ không biết học hỏi những đức tính cao đẹp ở các Ngài được biểu trưng qua hình tượng tôn thờ, và tìm học những lời dạy của các Ngài hiện còn trong kinh sách để ứng dụng hầu giải khổ. Họ không biết cái khổ đó là do chính họ gây ra, nếu không hiện đời thì ở quá khứ, nên nay đủ duyên chiêu cảm quả báo thì phải tự lãnh thọ. Biết chuyển hóa cái khổ đó hay không là do ở chính mình chứ Trời, Phật, không làm cho ta an ổn hay vơi đi đau khổ. Nhưng muốn giải nỗi khổ phải nương vào lời dạy của các vị ấy ứng dụng tự sửa đổi, chính chúng ta tạo thì phải tự chịu lấy chứ không ai thay thế cho, và cũng đừng than thân trách phận mà hãy khéo hóa giải nó vậy.

tay_du_ky_jpg

Còn nếu hiểu theo nghĩa Phật độ thì phải hiểu như thế này: Phật độ ở đây chính là Tâm độ (tâm tức Phật, Phật tức tâm), mà Tâm chính là Giác. Giác tức là tỉnh giác sáng suốt chớ chẳng phải có ông Phật nào khác đến cứu độ mình đang bị đau khổ. Chẳng hạn như mình gặp những hoàn cảnh bất như ý, hoặc trong giao tiếp làm ăn ta bị người lấn hiếp, họ có những thái độ khinh khi nhục mạ mình, nếu mình không bình tĩnh sáng suốt (giác) thì sẽ đôi co lời qua tiếng lại; hơn nữa, nếu không kiềm chế được thì ẩu đả với nhau chẳng khoan nhượng, thân khẩu ý khi ấy gây tạo biết bao nghiệp bất hảo chẳng lành nữa. Ngược lại, nếu tâm sáng suốt thì bình tỉnh an nhiên cơn nóng giận tan biến. Đó chính là Phật cứu độ mình thực tại hiện hữu chớ chẳng phải Phật ở phương nào đến kịp lúc để cứu mình khi ấy. Cho nên chỉ có sự tỉnh giác hiện diện mới cứu khổ mình ngay hiện tại và cũng ngăn chặn những nghiệp nhân xấu ác.

Cảnh khổ trong mộng chỉ chấm dứt khi ta tỉnh giấc, chứ không ai vào đó làm cho ta hết khổ được trong lúc mộng. Đừng giống như Rosil quỳ trước Phật đài xin Phật từ bi tha tội và cứu mình, mà chỉ chính Rosil tỉnh giấc hẳn thì nỗi khổ mới chấm dứt.

Trong cuộc sống con người mãi lăn lộn, tính toán trăm phương ngàn kế để tìm cầu cho bằng được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó rất mong manh, tạm bợ. Thật là:

Cuộc đời như thoáng hương bay,

Hãy lo tỉnh giấc đừng say mộng hoài.

Ai ơi ! xin nhắn đôi lời,

Mau mau tỉnh mộng sẽ rời khổ đau.

Thế nên, con người sống trong lục dục thất tình phải khéo léo lèo lái gỡ rối khi bị nó bủa vây và hãy xét rõ cội nguồn để vượt qua, nếu không thì sẽ bị chúng cột trói thêm khổ lụy. Muốn vậy thì:

Ở đời vui đạo thảy tùy duyên

Sớm tối theo duyên chớ buộc ràng

Phải quấy, hơn thua không màng đến

Tốt xấu, khen chê chẳng bận lòng.

Quá khứ qua rồi đừng luyến tiếc

Chưa đến không trông cũng chẳng cầu

Sống trong mộng luôn cười với mộng

Tháng ngày thanh thản mãi thong dong

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Trái tim bất tử - Kỳ 1: Đêm trước tự thiêu

Tư liệu 08:16 27/04/2024

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 11-6-1963 (20-4-Quý Mão), ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã bùng lên. Ngọn lửa thiêng đó còn soi đường chính nghĩa cho những ai yêu chuộng công lý và hòa bình.

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Xem thêm