Thả trôi những sợ hãi, muộn phiền và bất mãn của đời người
Con quay về với Phật pháp từ những điều chân thật nhất: từ cái khổ của tinh thần – thể xác đến đau thương của bản thân – chúng sanh, từ sợ hãi về khổ đau – nghiệp chướng đến chấp nhận cái bất hạnh – bất như ý của mình – của người.
Sinh ra trong một gia đình có nền tảng Phật giáo, con có cơ duyên tiếp xúc với Phật pháp từ sớm, được cha mẹ dẫn đi chùa, nghe giảng pháp, quy y tam bảo, ăn chay, bố thí và cúng dường từ khi còn nhỏ. Có thể nói, đó chính là những hạt giống Phật đầu tiên được gieo trồng trong con.
Cuộc sống của một người trẻ với những áp lực và mệt mỏi dần khiến con quên vun trồng, tưới nước và chăm bón cho những hạt giống tốt đẹp ấy. Đã có lúc con vẫy vùng trong oán hận, mê muội trong tham – sân – si rồi quay cuồng trong một cuộc sống đầy rẫy được – mất – hơn – thua. Đã có lúc con nghẹt thở đến nỗi tưởng chừng không thể đuổi kịp nhịp điệu hối hả của cuộc sống, như một tên què đang muốn chạy thật nhanh để thoát khỏi con chó dữ đang rượt đuổi phía sau nhưng lực bất tòng tâm. Đã có lúc con mải mê lao vào cuộc sống, chỉ nghĩ đến cơm – áo – gạo – tiền và tham đắm hưởng thụ những hoan lạc trong cuộc sống mà quên đi câu Nam mô, tiếng niệm Phật vốn đã thân thuộc với con tự thuở nào. Và rồi một ngày: con u sầu, con hoảng sợ, con bàng hoàng trước những cái vô thường quanh mình… để rồi vội vàng trở về với Phật mà tìm cho mình một nơi neo đậu bình yên trong tâm hồn.
Giữa những lẩn quẩn của cuộc đời này, con quay về với Phật bởi những gì con nhìn thấy và trải qua hằng ngày. Đó là lúc trái tim con như thắt lại khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương gầm rú bên tai, từng đợt nối dài và vang vọng cả một con đường: con sợ hãi nghĩ rằng sẽ có lúc chính con hay người thân con cũng nằm trên chiếc xe đáng sợ đó. Đó là lúc con trải qua cảm giác mơ hồ khi ông ngoại mất, lần đầu tiên con thấy rõ thế nào là cái bất giác của vô thường: con sợ hãi nghĩ đến một ngày nào đó cha mẹ cũng rời bỏ con như ông. Đó là lúc con thấy nghẹn ngào khi nghe tin một người bạn cũ qua đời ở tuổi đôi mươi vì nhiễm Covid-19: con sợ hãi trước viễn cảnh bản thân cũng phải rời bỏ cuộc đời với biết bao nuối tiếc và ra đi ở cái tuổi tràn đầy sức sống như thế này. Đó là lúc con không khỏi thấy bi ai khi bắt gặp hình ảnh người đàn ông mù lòa đứng ở ngã tư đường đàn lên những giai điệu sầu não để xin chút tiền mọn: con sợ hãi nghĩ đến chính mình một lúc đó nào đó cũng phải trải qua cuộc sống kham khổ, thiếu thốn ấy. Đó là lúc con chỉ có thể rơi nước mắt mà lẳng lặng nhìn những người vô gia cư, những đứa trẻ ăn xin chịu cái đói khổ và thời tiết khắc nghiệt: con sợ hãi khi nghĩ tới gia đình và người thân mình ở một kiếp nào đó cũng phải chịu đựng những gì họ đã trải qua. Đó là lúc những phiền não cứ quanh đi quẩn lại trong đầu con về cuộc sống ngột ngạt của việc làm mẹ, làm vợ trong tương lai: con sợ hãi con không thể là chính mình, được sống vì mình và sống cho mình như con của hiện tại.
Sợ hãi luôn tồn tại thường trực trong con. Nó khiến con sống trong tâm thế mơ hồ, hoang mang, chán nản từ ngày này qua tháng nọ. Nếu không kịp tìm về với Phật pháp, được nghe và hiểu về giáo lý của đạo Phật, chắc có lẽ con đã không thể tìm lại cân bằng cho cuộc sống. Đặc biệt khi tìm hiểu về “Tứ diệu đế”, con được hiểu về bốn sự thật trong kiếp nhân sinh: sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, cách diệt khổ và con đường chấm dứt khổ đau. Con từ đó cũng nhận thức được rằng khổ là một điều gì đó bất di bất dịch trong cuộc đời này, và thay vì sống trong lo lắng, sợ hãi với những điều sẽ xảy ra, con phải học cách thấu hiểu, chấp nhận và kiểm soát chúng. Cuộc đời luôn tràn đầy đau khổ, người này khổ theo cách này, người kia khổ theo cách khác, không ai là không khổ.
Giữa những lẩn quẩn của cuộc đời này, con quay về với Phật bởi những điều bất toại. Đó là lúc tinh thần con suy sụp khi bị một người bạn hiểu lầm vì những chuyện “từ trên trời rơi xuống” và rồi cắt đứt liên lạc: con thấy bất mãn với những cảm xúc ngột ngạt mình phải chịu đựng. Đó là lúc con chìm trong đau khổ, dằn vặt và tự trách khi biết mình trở thành người thứ ba chen chân vào mối quan hệ tình cảm của người khác: con thấy cuộc đời thật biết trêu ngươi, chân tình con trao đi lại chẳng thể đổi lại chân thành. Đó là lúc con thấy mặc cảm vì bản thân sinh ra không xinh đẹp, không thông minh như những cô gái khác: con thấy cuộc đời không công bằng vì con không có cái gì để bì được với người khác.
Cuộc đời trong mắt con từng là một cái gì đó đầy rẫy bất công, để rồi con thù ghét và nhìn nó bằng ánh mắt tiêu cực. Con giận dữ, chán chường, than trách và bất phục trước những điều kém may mắn xảy đến với mình. Và rồi khi trở về với Phật, lắng nghe bài giảng của các thầy, con được hiểu về luật nhân quả – nghiệp báo và nhận ra rằng tất cả mọi việc xảy đến với mình đều là do nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp tập hợp lại thành. Tất cả mọi người đều là chủ nhân của nghiệp, cũng là người thừa tự của nghiệp. Người chúng ta gặp đều là người nên gặp, những chuyện xảy ra đều là chuyện cần xảy ra, tất cả đều chịu ảnh từ luật nhân quả – nghiệp báo. Con học cách chấp nhận những thứ không tốt đẹp của cuộc đời mình, hoan hỉ đón nhận mọi chuyện đã đang cũng như sẽ xảy đến, học cách bình tâm để sống an lạc trong hiện tại. Con dần nhận ra rằng: dằn vặt, so sánh, đố kỵ hay hơn thua để làm gì khi chúng không làm con thấy hạnh phúc hơn. Con hiểu được rằng bản thân mình trước đây là một người vô cùng ích kỷ và vô ơn: con chỉ biết ngẩng đầu cảm thán những thứ xa xa cao cao ngoài kia mà quên không nhìn ngắm những hạnh phúc bình dị ngay trước mắt mình.
Thầy Thích Nhất Hạnh từng giảng: “Khổ đóng một vai trò rất quan trọng để tạo ra cái lạc, nếu không có khổ thì không có lạc. Ví dụ như khi chúng ta không có đói, không biết đói là gì thì chúng ta không thấy được cái hạnh phúc của sự ăn ngon… Chúng ta nhờ có khổ đau thì mới nhận diện ra được hạnh phúc”. Con từng thù ghét những khổ đau và những điều bất toại kia, nhưng giờ đây con thật sự thấy biết ơn chúng. Con biết ơn vì con được trở về với Phật, đánh thức được Phật tính trong chính mình. Con học được cách biết ơn quá khứ, sống cho hiện tại; học cách trân trọng và đón nhận tất cả những gì xảy đến với cuộc đời mình và học cả cách bao dung với bản thân và những người xung quanh. Con nhận ra rằng mình trước đây đã quá tham lam, tham một cuộc sống chỉ toàn những điều như ý và hạnh phúc để rồi khi cảm được cái khổ đau, cái vô thường của cuộc đời lại khiến bản thân sống trong tâm thế phiền não. “Những điều bất như ý chí trở thành khổ đau khi chúng ta không chấp nhận nó, chúng ta muốn loại trừ nó, chúng ta muốn tránh né nó mà không làm được”, đó là câu giảng của thầy Thích Minh Nhiệm con rất tâm đắc.
Ở tuổi 25, con có những lỡ lầm, có những tổn thương, có những tham vọng, có cả những nỗ lực và đặc biệt là có Phật pháp làm điểm tựa cho con. Nam mô A Di Đà Phật!
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Kim Ngọc; địa chỉ: Phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. HCM.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm