Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 12/07/2020, 08:27 AM

Thấp thoáng lời kinh Quán Thế Âm

Lúc bấy giờ, Ngài Vô Tận Ý Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: "Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát do nhơn duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?”.

Quán Thế Âm Bồ Tát là huynh đệ của chúng ta

Rõ ràng Vô Tận Ý Bồ-tát ngồi suốt buổi nghe Phật thuyết kinh Pháp Hoa chẳng quan tâm tới ai mà chỉ quan tâm tới một mình Quán Thế Âm. Lại không phải quan tâm tới vị Bồ-tát này mà chỉ quan tâm đến cái tên: “Do nhơn duyên gì mà có tên Quán Thế Âm?” Có vẻ Vô Tận Ý Bồ-tát thắc mắc trong bụng đã lâu, nay đã đến lúc phải hỏi cho rõ. Nhưng cái “duyên” sâu xa nhất có lẽ là đã vừa có dịp “gặp gỡ” được Diệu Âm! Tuyệt vời quá, ngàn cánh sen bay vèo vèo đến, mắt xanh mướt, mặt đẹp như ánh trăng… vừa mới đến trao đổi mấy lời đã bay mất. Đến rồi đi. Có cách nào cho Diệu Âm ở lại mãi không? Quán Thế Âm Bồ-tát liệu có giúp được gì chăng?

“Do nhơn duyên gì mà có tên là Quán Thế Âm?” Bồ- tát Vô Tận Ý hỏi. Ta cũng muốn bắt chước hỏi lại: “Do nhơn duyên gì mà có tên Bồ-tát Vô Tận Ý vậy?”. Thì ra… Ý xưa nay vốn vô tận. Phải nói thêm là vô số vô lượng vô biên mới đúng. Vô số vô lượng vô biên… chúng sanh đều do ý mà ra! Ý dẫn các pháp. “Diệt độ” tất cả chúng sanh, cho tất cả chúng sanh vào… vô dư Niết-bàn ráo trọi thì đã là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác! Nhưng còn lâu! Các vị Bồ-tát chẳng thường nguyện rằng khi còn một chúng sanh loay hoay trong… địa ngục thì… chưa chịu làm Phật đó ư?

Quan the Am Bo tat 2

Bồ tát Quán Thế Âm - Cảm ứng nhiệm màu của người mẹ hiền

Cho nên Bồ-tát Vô Tận Ý hơn ai hết đang muốn tìm cách “độ” cho hết… chúng sanh vô tận của mình. Ý dẫn đầu các pháp. Ý luôn sanh sự cho sự sanh triền miên không dứt. Nào ý niệm, nào ý thức, ý tưởng, ý kiến, ý tình… tràn lan! Ý này kéo ý kia, “trôi lăn” mãi mãi trong cõi tử sanh, lục đạo, bay nhảy tung hoành sáng trưa chiều tối. Một khi “Ý” mà thanh tịnh rồi thì các căn khác tự dưng đều thanh tịnh theo. Ý mà sanh sự thì các căn khác bừng bừng dầu sôi lửa bỏng, gươm đao giáo mác ngay! Nhưng, bỗng dưng, một thoáng, Vô Tận Ý Bồ-tát chợt bắt gặp ánh mắt xanh dịu dàng của Diệu Âm kia, và lòng bỗng rung động sáu cách nên mới… liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng Phật…

Lục tổ Huệ Năng bảo chỉ cần “vô niệm” là xong. Vô niệm thì dứt hết mọi ý tưởng lăng xăng bay nhảy. “Vô niệm làm Tông, vô tướng làm Thể…”. Trần Nhân Tông cũng bảo chỉ cần “vô tâm” là xong. Vô tâm thì dứt hết mọi ý tưởng lăng xăng bay nhảy. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Vì tâm là niệm, tâm là ý, tâm là tưởng. Tưởng rồi mới sinh hành, hành rồi mới sinhthức: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức! Không có tưởng thì cũng chẳng có hành có thức. Nhưng tưởng lại từ… thọ mà ra ! Cho nên Phật tuy đã kinh qua suốt con đường thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền, đến phi tưởng phi phi tưởng rồi…mà vẫn còn đó thọ, tưởng. Mãi đến khi Ngài tìm ra môt con đường riêng, “cửu thiền” – thiền thứ chín – hay “Diệt thọ tưởng định” thì mới xong cuộc hành trình giải thoát tâm và giải thoát tuệ. Bởi Thọ thì sẽ sinh ái, thủ, hữu… tiếp tục đi vào vòng xoáy không lối thoát! Trong buổi thuyết Pháp Hoa này, Phật đã phóng ánh sáng cùng lúc hai nơi để mời cho được Diệu Âm đến, rồi nhờ Đa Bảo Như Lai lên tiếng kêu Diệu Âm xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của tất cả tứ chúng có mặt buổi hôm đó. Diệu Âm chính là cảm xúc, là thọ. Thọ đến rồi … thọ đi! Vèo cái rồi biến mất! Nhưng tưởng thì ở lại. Tưởng ở lại để sanh “vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não”. Cho nên Vô Tận Ý Bồ-tát chăm chăm nhìn Quán Thế Âm rồi đặt câu hỏi khẩn trương không lạ!

quan the am bo tat 3

51 lá thư gửi mẹ hiền Quán Thế Âm Bồ Tát

“Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này, một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát”. Phật bảo Vô Tận Ý Bồ-tát.

Thuốc “đặc trị” cái tưởng chỉ đơn giản vậy thôi sao? Đơn giản vậy nhưng quả là không dễ. “Một lòng xưng danh” Quán Thế Âm Bồ-tát, lập tức vô lượng vô số khổ não sẽ được xóa mất ngay vì Quán Thế Âm là vị Bồ-tát có khả năng “nghe được tiếng kêu của trần thế” với lòng đại từ đại bi, sẵn sàng ra tay cứu độ. Có thể được ư? Có thể được. Vì vỏ não ta một lúc không thể có hai ý tưởng cùng tồn tại. Các ý tưởng có thể nối tiếp nhau, dắt dây nhau, niệm này vừa dứt niệm kia đã sanh, chen chúc nhau thì có, nhưng cùng lúc thì không. Nếu đã “một lòng” thực sự “xưng danh” Quán Thế Âm thì không thể cùng lúc “xưng danh” vị Bồ-tát nào khác hay ý tưởng nào khác. Cái khó là “một lòng”, tức “nhất tâm”: nhất tâm bất loạn. Gọi tên, xưng danh Quán Thế Âm bởi vì chỉ có Quán Thế Âm mới có nghìn mắt nghìn tay, mới có nước cam lồ rưới tắt tất cả tham sân si của chúng sanh, mới có khả năng giúp ta hết sợ hãi với một pháp thí tuyệt diệu: vô úy thí!

Một khi xưng danh Quán Thế Âm thì “dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng; bị nước lớn cuốn trôi, liền đặng chỗ cạn; gió lớn thổi ghe thuyền tấp nơi nước La sát, đều đặng thoát khỏi nạn quỉ La-sát”… Còn trên đất thì sao? Thì “dao gậy liền gãy từng khúc, gông cùm xiềng xích đứt rã…” … Thế là nào lửa nào nước nào gió nào đất… Cả “tứ đại” đều đã trở nên yên ổn nhờ một lòng xưng danh Quán Thế Âm!

“Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền đặng ly dục. Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền đặng lìa ngu si…”. Nói khác đi, tham sân si cũng chẳng còn.

Nhờ đâu mà “tứ đại” được yên ổn, “tham sân si” cũng chẳng còn một khi cung kính nhớ nghĩ (niệm) đến Quán Thế Âm Bồ-tát?

Thì ra Quán Thế Âm Bồ-tát chẳng phải ai xa lạ: Ngài chính là Quán Tự Tại Bồ-tát. “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách”! Một khi “Sắc tức thị Không/ Không tức thị Sắc” thì lửa sao còn làm cháy được, nước sao còn làm trôi được, gió sao còn thổi bay được, dao gậy xiềng xích sao còn hung hăng được? Và tham sân si cũng đã không tồn tại nữa rồi, đã gaté, gaté, paragaté, parasamgaté rồi, đã “đáo bỉ ngạn”, đã qua bờ bên kia rồi… thì còn sợ hãi điều chi? “Vô úy thí” là vậy!

Nỗi sợ của con người là ghê gớm nhất. Sợ chết, sợ khổ, sợ nghèo, sợ xấu xí, sợ bệnh hoạn, sợ già nua… Cho nên làm cho con người ta hết sợ là đủ để mang lại hạnh phúc, đủ để “cứu vớt chúng sanh”. Nhưng vì đâu mà người ta sợ? Vì tưởng. Tưởng nên mới thấy sợi dây thành con rắn. Tưởng nên mới cho cái gì của mình cũng nhất thiên hạ. Tưởng nên vô thường mà thấy là thường, vô ngã mà thấy là ngã… Tưởng là của ta, là ta, là tự ngã của ta nên mới tính chuyện gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị, trường sanh bất tử…

Quán Thế Âm không đến từ bên ngoài mà đến tức khắc từ bên trong của người đã thực sự “hành thâm Bát-nhã”, cho nên “cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ- tát” chính là nhắc nhớ rằng mình đã qua bờ bên kia rồi, đáo bỉ ngạn rồi, sao còn chẳng bỏ bè mà nhẹ bước thênh thang, sao còn nấn ná tham sân si gì nữa, còn lo tứ đại ngũ uẩn gì nữa?

quan the am Bo tat

Quan Âm Nam Hải là ai?

Lúc đó cũng là lúc nghe được âm thanh vi diệu, tiếng nói của Diệu Âm, vị Bồ-tát xinh đẹp và dễ thương kia luôn ở bên mình, chẳng đâu xa!

Tuy nhiên, “hành thâm Bát-nhã” để thấy được “ngũ uẩn giai không”, thấy biết duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã thì… còn lâu, trước mắt hãy cứ “nhất tâm bất loạn” niệm Quán Thế Âm Bồ-tát đại từ đại bi cũng đã thấy có hiệu nghiệm tức khắc rồi vậy!

Tâm chúng sanh vô lượng nên có pháp vô lượng, nghĩa vô lượng. Mỗi người sẽ tìm một cách riêng phù hợp cho mình. Có người vào trong thiền, xen vào khoảng trống giữa hai niệm, dần dần mở rộng ra cho đến một lúc có thể đạt tới “vô niệm”… ; có người “phản văn văn tự tánh” làm cho nhĩ căn thanh tịnh, từ đó mà các căn khác cũng đều được “viên thông”…

Không như Diệu Âm mày thanh mắt sáng, tươi như trăng rằm, chợt đến chợt đi, Quán Thế Âm luôn ở bên cạnh, du hí thần thông trong cõi Ta-bà, ra tay cứu giúp khi có ai cần đến. Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát dấn thân. Nhưng để được vậy, Quán Thế Âm phải là Quán Tự Tại trước đã, và phải có lòng từ bi lớn, một thứ vô duyên từ.

Quán Thế Âm Bồ-tát như vậy gồm cả những hạnh của Thường Bất Khinh, của Dược Vương, của Diệu Âm… vừa tôn trọng, vừa chân thành, lại vừa thấu cảm, “hiện nhất thiết sắc thân” trong mọi tình huống để hiểu và hiểu nên thương: từ nhãn thị chúng sanh!

Tóm lại, chỉ có Quán Thế Âm mới là thuốc “đặc trị” cho ”Vô Tận Ý”. Bồ-tát Vô Tận Ý liền mở chuỗi ngọc đem trao cho ngài Quán Thế Âm: “Xin ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này, hãy vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này!” Vô Tận Ý tha thiết nói với Quán Thế Âm như thế. Và ngài liền từ chối. Từ chối có lẽ vì biết không dễ giúp. Mỗi người phải tự giúp mình thôi! Phật bèn can thiệp: “Ông nên thương Vô Tận Ý và hàng tứ chúng cùng trời rồng dạ xoa… mà nhận chuỗi ngọc đó đi!”. Quán Thế Âm Bồ-tát bèn nhận chuỗi ngọc và chia ngay làm hai phần: một dâng lên Phật, một dâng cho Đa Bảo Như Lai.

Ở đây ta thấy một “pháp khí” mới: xâu chuỗi. Xâu chuỗi trân bảo thực ra có thể bằng gỗ, bằng đá, bằng cao su… nhưng có thể giúp cho vừa thấy Phật vừa thấy Như Lai cùng lúc. Quán Thế Âm chỉ là “đầu mối” trung gian.

Từ đó, xâu chuỗi tưởng là chuyện hình thức, thực ra là con đường để giúp cho người ta “dạo chơi” trong cõi Ta-bà, tránh được khổ đau ách nạn nếu biết nhờ lần chuỗi mà gặp được Phật và Như Lai, dĩ nhiên phải “một lòng xưng danh” Quán Thế Âm Bồ-tát vậy!

Đỗ Hồng Ngọc

Theo TC. Văn Hóa Phật Giáo số 186

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Xem thêm