Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 16/04/2016, 17:53 PM

Thầy về gieo pháp ở vùng quê

Sau 2 năm kể từ khi thầy về, hoạt động mê tín dị đoan, đốt vàng mã đã giảm tới gần 80%. Ngày nào cũng như ngày nào, ở chùa buổi tối lại vang lên tiếng gõ mõ tụng kinh của các phật tử, 70-90 người đồng tâm niệm Phật, còn nếu ngày rằm, mồng một hay ngày lễ lớn của thôn thì con số lên đến cả 200 người.

7h30 sáng, trong tiết trời se lạnh đầu xuân, xe chúng tôi xuất phát từ Hà Nội tới với làng quê yên bình Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để tìm về với ngôi chùa cổ Sùng Nghiêm tới nay đã 300 năm tuổi, nơi có thầy trụ trì là nhân vật chính mà tôi sẽ kể với bạn.

Xe tắt máy, hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh một ngôi chùa “không cổ” như thôi nghĩ, một ngôi chùa có gian Tam Bảo được sơn màu đàng hoàng, trước sân chùa có mái tôn cao kiên cố, trên mái treo hoa, đèn lồng... phía trên khuôn viên có bàn thờ đức Phật A Di Đà. Bên phía tay phải ngôi chùa là khuôn viên chừng 30m2, có bàn ghế để ngồi. Trước mỗi khuôn viên đều có biển chỉ dẫn rõ ràng. Có mấy bác nam lớn tuổi đang dọn dẹp khu giảng đường, xa xa mấy bác nữ thì đang rửa xoong nồi. Theo sự dẫn đường của anh trưởng nhóm, chúng tôi tiến vào bên trong và được gặp mặt thầy.

Thầy có pháp danh là Thích Thiên Ân, khuôn mặt thầy phúc hậu, thầy mặc chiếc áo nâu sòng giản đơn, thầy chào đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền từ và chất giọng miền nam trìu mến, thân thiện. Sau màn giới thiệu, về danh tính và lý do chúng tôi tới gặp thầy. Thầy bắt đầu ôn tồn kể lại cho chúng tôi về những ngày tháng xưa khi bắt đầu tuỳ duyên hành đạo tại chùa và cũng là những tháng ngày thầy đặt những viên gạch đầu tiên cho sự thay da đổi thịt, cho “Hương từ bi” lan toả tại thôn Như Thiết điều lý giải tại sao cảnh tượng ngôi chùa cổ mà tôi tưởng tượng ban đầu lại khác nhiều so với thực tế.
Ảnh minh họa
Thầy chia sẻ rằng, thầy tu tập theo Tịnh Độ ở Quan Âm tu viện - Biên Hoà, Đồng Nai. Thầy thường phụ sư phụ mình trong các hoạt động phật sự tại tu viện, trước giờ thầy cũng chưa có ý định sẽ về làm trụ trì cho một chùa nào cả. Trong một lần tình cờ ra Bắc, thầy có gặp một phật tử quê Bắc Giang. Phật tử này có mời thầy về ngồi chùa ở quê phật tử này chơi, ngôi chùa đó chính là chùa Sùng Nghiêm đây. Hôm tới chùa, thầy gặp cả các phật tử và chính quyền địa phương, toàn thể đều khẩn thiết mời thầy ở lại làm trụ trì bởi ngôi chùa làng này ra đời đã lâu, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chính của bà con trong thôn.

Trước giờ cũng có một vài thầy tới nhưng chỉ một thời gian là lại ra đi. Nay nghe tiếng thầy là người đức độ nên ngỏ ý thỉnh thầy. Bất ngờ với lời mời, thầy chỉ đáp lại là nếu đủ duyên thì thầy sẽ ở lại. Có điều kỳ lạ là, khi thầy vào làm lễ tại ban Tam Bảo, thầy có cảm giác như là thầy đã ở ngôi chùa này từ rất lâu rồi…Một tháng sau nhân duyên kỳ lạ đó, thầy quyết định ở lại chùa và bắt đầu sự nghiệp hoàng dương chánh Pháp của mình. Đó là những tháng ngày cuối năm 2013.

Tôi có hỏi thầy, vì từ miền Nam ra đây là trụ trì chắc hẳn ban đầu thầy cũng gặp không ít khó khăn? Thầy chia sẻ ôn tồn: Khó khăn thì là điều dễ hiểu, bởi văn hoá của 2 miền khác nhau nhiều, điển hình như miền Bắc có thói quen đốt vàng mã, xem bói, mê tín dị đoan. Những điều này theo đúng giáo lý nhà Phật thì không hề khuyến khích. Tuy nhiên, dù biết điều đó nhưng thầy cũng không thể làm gì quá quyết liệt, thầy cứ kiên trì chia sẻ, giảng giải dần dần về căn nguyên chưa đúng của lối quan niệm đó. Rằng với việc đốt vàng mã, thầy lấy ví dụ là: mục đích mình đốt vàng mã là không sai, bởi suy cho cùng cũng chỉ là vì mình mong muốn người thân yêu của mình sẽ được sống tốt hơn ở thế giới bên kia, nhưng thử hỏi: tiền Việt Nam mình thì chỉ có tiêu được ở Việt Nam, mang ra ngoài là đã không thể tiêu được nếu không quy đổi, huống gì mình chỉ cần đốt mà ông bà tổ tiên mình đã có thể thụ hưởng. Rồi còn ô tô, xe máy… cứ cho là đốt đi, người chết họ nhận được nhưng nếu trên trần không biết đi xe ô tô thì chẳng lẽ phải làm thêm cả “tấm bằng”, rồi đốt cho các cụ? Nếu ở dưới đó mà có đủ đầy nào tiền, nào xe, nào nhà tầng há chẳng phải sung sướng hơn cả trần gian, vậy thì người ta đã thi nhau chết để hưởng sung sướng rồi chứ còn ở trên trần thế bon chen làm gì?... Sống ở trên đời, điều cần ghi nhớ là luật nhân quả, cứ ở hiền là sẽ gặp lành.

Thầy dung dị giảng giải như vậy, theo thời gian, các phật tử dần dần hiểu ra và đã có những thay đổi tích cực. Sau 2 năm kể từ khi thầy về, hoạt động mê tín dị đoan, đốt vàng mã đã giảm tới gần 80%. Ngày nào cũng như ngày nào, ở chùa buổi tối lại vang lên tiếng gõ mõ tụng kinh của các phật tử, 70-90 người đồng tâm niệm Phật, còn nếu ngày rằm, mồng một hay ngày lễ lớn của thôn thì con số lên đến cả 200 người. Các phật tử tới học Phật, thấu hiểu giá trị việc ăn chay nên phong trào ăn chay cũng vì thế mà khởi sắc. Ai quy y đều phát nguyện ăn chay ít nhất 4 ngày trong một tháng, thậm chí có nhiều đệ tử tinh tấn đã phát nguyện trường chay luôn, tính ra con số này cùng lên tới 20-30 % lượng phật tử thường xuyên sinh hoạt tại chùa.
 
Ngoài việc thay đổi về cơ bản thói quen tu tập, lối suy nghĩ của bà con trong thôn, thầy cũng đã kêu gọi được những tấm lòng hảo tâm của các phật tử để xây dựng chùa khang trang hơn. Ban đầu, các gian của chùa đều đã cũ nát, tượng bị bong hỏng nhiều, thầy đã kêu gọi sửa sang lại gian chính điện, tô lại tượng, lát gạch và lợp mái tôn để làm khu giảng đường, rồi thêm cả khu bếp và khu vệ sinh để mỗi khi có việc chùa, việc làng là bà con có chỗ tiện lợi sinh hoạt.” Thời gian 2 năm, thầy cũng chưa làm được gì nhiều, ngoài những công trình đó ra vẫn còn cổng Tam Quan, tháp Quan Âm, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu đang cần được trùng tu lại và thầy cũng đang kêu gọi thêm… thầy còn dự định trong năm nay sẽ tổ chức được một khoá tu một ngày an lạc và Thọ Bát Quan Trai cho các phật tử nơi đây”. Cả ngôi chùa với biết bao nhiêu việc vậy mà tất cả đều một tay thầy lo liệu chính. Hiện tại, trong xã có tổng cộng 4 ngôi chùa thì có một mình chùa thầy là không còn hiện tượng đốt vàng mã nữa. Thầy luôn tâm niệm, đã là người tu hành thì hành đạo ở đâu cũng được, con người ta có gặp bất công, uất ức thì đó mới là cơ hội để họ tìm về với chánh đạo. 

Cuộc trò chuyện với thầy còn đang dang dở thì tôi phải dừng lại bởi thầy có việc cần làm, thật tiếc quá vì tôi còn muốn hỏi thầy thêm nhiều điều nữa. Thế nhưng, mọi thứ xảy ra đều là điều cần, nhờ thế mà tôi đã có cơ hội nói chuyện với chính các cô chú phật tử trong chùa để hiểu chân thực hơn sự thay đổi, sự an lạc trong cuộc sống của họ và cả sự quý trọng đối với người thầy đức độ của mình. 

Tôi bắt chuyện với một cô phật tử đang quét sân, hơi bất ngờ về hành động của tôi, nhưng sau khi nghe tôi giải thích cô hào hứng hẳn lên và đã nhiệt tình chia sẻ: “Tôi là dân quê, quanh năm làm ruộng không biết phải trả lời như nào cho hay, nên biết gì thì tôi kể đấy thôi cô nhé. Ngày trước, ở chùa tôi phật tử không tới đông như này đâu, ngày thường ở chùa vắng lắm bởi không có hoạt động gì, chỉ ngày rằm mồng một thì bà con mới tới lễ, xong chốc nhát là đi về. Mỗi “già” cứ hàng tháng là đóng một khoản tiền nhất định để duy trì cho hoạt động ở chùa, khi có ngày lễ ăn uống thì có tiền mà mua đồ. Từ khi thầy về, chẳng ai bắt đóng một xu nào, tuỳ tâm thôi, ai đóng được bao nhiêu là đóng bấy nhiêu thôi cô ạ. Ở chùa từ khi thầy về thì đông người lên hẳn, tối nào cũng tụng kinh niệm Phật, bà con trong xóm hiểu đạo, ít mắng chửi nhau hơn, chùa được xây dựng khang trang, bà con có chỗ sinh hoạt nên vui lắm. Nào kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn, Bát Nhã Tâm Kinh... tôi đều học cả, thấy cuộc sống nó nhẹ nhàng hơn nhiều”.

Tôi còn gặp mặt thêm cô Tỉnh là Hội phó hội phật tử chùa, thêm một góc nhìn khác về thầy mà tôi được lắng nghe, thêm một mảnh ghép quan trọng để câu chuyện ý nghĩa được trọn vẹn… Cô chia sẻ ”Ban đầu khi thầy về, phật tử cũng chưa tin ngay, do có nhiều việc không tốt về các thầy tu khiến người dân có chút e dè. Bà con bảo nhau ở chùa có thầy mới về, tới thử xem sao, và ai có câu hỏi này đều nhận được câu trả lời rõ ràng. Khi các phật tử tới, thầy thân thiện chào hỏi, chia sẻ kinh sách. thầy chỉ ăn rau, đậu, lạc là chính. Phật tử cúng dường đồ mặn nhất định thầy không ăn, phật tử mua mấy đồ chay làm sẵn thầy cũng không thích. Ban đầu chỉ là một nhóm phật tử, dần dần bầu ra ban lãnh đạo, thêm hoạt động sinh hoạt giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng chuyên tâm tu tập, tất cả đều là nhờ sự trợ duyên từ thầy. “Ngày xưa thì ban ngày các cô đi làm ruộng, tối về thì cơm nước rồi đi ngủ. Giờ thì khác, thấy cuộc sống nó an lạc hơn, mở mang thêm nhiều, mình nhã nhặn khuyên dạy con cái, thấy chúng nó cũng ngoan hơn, làng xóm vì thế mà yên ổn, càng ngẫm càng thấy đạo Phật nhiệm màu thế là các cô càng tin, càng ủng hộ các hoạt động của thầy”. Cô hồ hởi khoe với tôi: “Những ngày lễ lớn của đạo Phật trong năm, thầy không chỉ tổ chức đầy đủ cho bà con, thầy còn mời cả các sư thầy, sư cô trong miền Nam về giảng pháp, các sư cô còn dạy cho các cô phật tử các làm đèn lồng, gấp hoa trang trí, ngay khu giảng đường này đều một tay các cô trang trí cả, khuôn viên vườn thì thầy khuyến khích phật tử trồng rau, mùa nào thức ấy, cứ chùa có công to việc lớn gì là đều có rau ăn, toàn cây nhà lá vườn ở chùa rồi của bà con mang đến, ai nấy đều vui vẻ, trẻ ra thêm mấy tuổi, ngày lễ không chỉ có mỗi các vãi mà cả các cụ ông 80 cũng tới chùa, các cháu 35 – 40 tuổi cũng nhiều lắm”.

Tôi vừa nghe vừa ghi thật nhanh vì không muốn bỏ xót bất cứ một chi tiết gì trong câu truyện sống động của cô. Trong lòng lúc ấy mới thấy cái giá trị tuyệt vời của đạo Phật làm sao! Việt Nam mình có 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh có cả tới 8-9 quận huyện, mỗi quận huyện lại có tối thiểu 10-15 xã, hết xã lại tới thôn. Nếu thôn nào cũng an lạc như này thì cả Việt Nam mình thật hoan hỷ biết bao. Từ tận đáy lòng, ánh mắt vui vẻ của các cô phật tử nơi đây làm cho tôi thật sự xúc động. Sinh ra ở một làng quê, hơn ai hết tôi hiểu, bà con mình cuộc sống nay đã khá hơn xưa nhưng đó mới chỉ là cái vật chất thôi, còn về mặt tinh thần thì có thiếu thốn nhiều, những hoạt động như các cô chú phật tử tại chùa Sùng Nghiêm mới tuyệt vời biết bao. Thiết nghĩ, nhà có yên thì nước mới yên, dân tộc mới giàu mạnh. Và thực sự, niềm tin về tương lai tươi sáng đó đã được nhân lên rất nhiều trong tôi khi tôi may mắn biết tới câu chuyện kỳ diệu này.

Cả cuộc đời của mình, đức Phật đã hi sinh cho sự nghiệp truyền bá chánh Pháp, với mục đích cuối cùng là chỉ dạy cho con người con đường để thoát khỏi trầm luân bể khổ. Tạm gác lại những giáo lý huyền diệu cao siêu, đạo Phật là dành cho tất cả mọi người, mà điều gì dành cho tất cả mọi người thì đều cần giản đơn và chân phương để có thể đủ len lỏi tới mọi góc ngách của cuộc sống. Câu chuyện tại chùa Sùng Nghiêm là một minh chứng rõ ràng cho điều ấy, đạo và đời hoà quyện là đây. 

Và người có công lớn, người là nhân vật chính trong câu chuyện ấy chính là thầy Thiên Ân. Tôi nghĩ sẽ là dư thừa khi tôi dành thêm những lời ca ngợi thầy, bởi những gì được chia sẻ trong câu chuyện này đã đủ để bạn có cho mình những cảm nhận, đánh giá riêng rồi. 

Bạn thân mến, tại một ngôi chùa nhỏ, tại một thôn quê nhỏ, tại một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới đã và đang có những điều tuyệt vời diễn ra. Đã có “Hương từ bi” của một người thầy đức độ toả ngát và “Hương từ bi” đó đã lan truyền, nhân rộng thêm, tạo động lực thêm “Hương từ bi” của nhiều con người khác nữa, trong đó có tôi, và trong đó sẽ có bạn?

Đinh Văn Việt

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm