Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thầy Viên Minh và bài thơ “Hạnh nguyện”

Chỉ với sáu câu vỏn vẹn, Hạnh Nguyện của thầy Viên Minh, trong tập thơ Tĩnh Lặng, đã khiến tôi, mất mấy phút, ở trong trạng thái ngạc nhiên đến vô cùng.

Audio

Vì, bài thơ hay quá.

Tuyệt tác như sau:

Sư chèo thuyền đi đâu?

Ta chèo ra biển cả

Đâu không là biển cả

Sao phải nhọc công chèo

A ha!

Đâu không là biển cả

Ngại chi ta chẳng chèo.

***

Như vậy là bài thơ có tổng cộng hai câu hỏi, hai câu đáp (khẳng định) và một câu cảm thán được sắp xếp thành bảy dòng, dứt khoát, rõ ràng, rành rọt.

Và cân đối.

Cân đối bởi vì đây là cuộc trò chuyện, là vấn đáp của hai người, giữa hai người, với nhau.

Một người là nhà “sư”, điều này không bàn cãi nữa, vì từ ngay câu đầu, người hỏi đã gọi đích danh:

Sư chèo thuyền đi đâu?

Người đọc thơ hoàn toàn có thể hình dung trong đầu, điểm gặp nhau của hai người này là ngoài bến sông hay cửa biển. Họ có thể tưởng tượng tiếp, nhà sư, với tay chèo đang loay hoay gỡ dây neo thuyền, chuẩn bị ra khơi, thì gặp người hỏi.

Còn tôi, thì khác, tôi nghĩ thế này, không nhất thiết đây là một cuộc trò chuyện giữa người trên bờ và người dưới nước. Dựa vào kiểu hỏi, dựa vào cách hỏi, tôi cảm thấy, có vẻ như, đây là cuộc đối đáp của hai nhà sư. Người hỏi, có thể là bạn đồng tu, bằng vai phải lứa, mà cũng có thể là, trí, bậc, cao hơn. Người trả lời, tưởng chừng sẽ mắc phải nhiều non nớt, những non nớt của đường tu mới mẻ, ban đầu, nhưng không, chất chứa trong trí óc ấy, tính cách ấy là những thông minh, những mẫn tuệ, sáng láng, ngời ngời.

Người hỏi, giả dụ, giao cho sư mái chèo và chiếc thuyền để ra khơi, tương tợ như, giao cho sư lĩnh một trọng trách nặng nề và khó khăn, thì sư sẽ làm gì?

Sư đáp, không chần chờ:

Ta chèo ra biển cả.

Biển cả, đại dương mênh mông với biết bao điều bí hiểm ẩn chứa, mà nhỏ bé như con người chúng ta đây, làm sao lường hết được. Một thân một mình giữa mênh mông, sâu thẳm, tối đen, với những tai nạn, những hiểm nguy chờ chực, làm sao mà đoán trước. Vậy mà khi được hỏi, rất dứt khoát, không phân vân, không chần chừ, ngần ngừ, trả lời gọn ghẽ: ta chèo ra biển cả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Ta chèo ra biển cả” vừa là khẳng định mà cũng vừa là câu hỏi ngược lại, không chèo ra biển cả thì chèo đi đâu bây giờ. Đại từ xưng hô được dùng ở đây - ta, mới mạnh mẽ làm sao; ta - mới dứt khoát làm sao; ta - mới tự chịu trách nhiệm làm sao; ta - chớ còn ai vào đây nữa.

Phía bên kia, dường, uyên thâm và có phần cắc cớ, đã đẩy câu hỏi lên một tầng cao hơn, rộng hơn, sâu hơn, gây sức ép với người được (bị) hỏi:

Đâu không là biển cả

Sao phải nhọc công chèo

Việc đâu cũng đều là việc. Vậy thì hà cớ gì phải nhận cái trách nhiệm nhọc công, nhọc xác ấy chớ?

Thì:

A ha!

Một tiếng buột ra, như tiếng reo, à há, vừa vui sướng vừa thống khoái. Vui sướng vì đây là cuộc trò chuyện lý thú, với người mình thích, mình có phần tôn trọng. Thống khoái vì thấy mình đang bị làm khó, một kiểu làm khó rất thông minh, làm khó rất trí tuệ.

Thì đây, ta trả lời:

Đâu không là biển cả

Ngại chi ta chẳng chèo.

Nếu nói, con đường tu hành chính là con đường ra biển lớn để đến bờ bên kia, thì thay vì ngồi chung trên chuyến thuyền đông đúc, dựa dẫm vào huynh đệ những lúc bão tố, phong ba, làm sao thú vị bằng, làm sao phơi phới bằng, ta, tự mình, điều khiển con thuyền, tay chèo, tay chống.

Đã là nghiệp lực phải mang, vậy thì hãy đối diện với thử thách, đối diện với nguy nan. Tự tu. Tự hành. Tự thệ nguyện.

Tự thệ nguyện phải sang được đến bờ bên kia. Mà muốn qua được thì phải có thuyền, phải tự mình chèo thuyền, thế cho nên, mới gọi là HẠNH NGUYỆN.

***

Đời thật lạ lùng.

Đó giờ, cứ tưởng những người viết văn, làm thơ, hẳn phải được đào tạo từ chuyên ngành văn chương, mới có thể.

Nào dè, làm thơ, viết văn rất hay lại là những người làm những công việc thuần khoa học như các kiến trúc sư, các kỹ sư, bác sĩ…

Và, các vị trong giới tu hành.

Thơ họ giản dị mà uyển chuyển, mộc mạc mà thanh thoát, đơn giản mà trí tuệ, âm trầm mà lộng lẫy.

Phi phàm, quảng bác, thâm viễn, như tôi từng biết, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và hôm nay, tôi biết thêm, Hòa thượng Viên Minh với bài thơ HẠNH NGUYỆN.

Sài Gòn 26/11/2023
P.H.M

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Xiển dương Đạo pháp 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận: "Hát karaoke thành ma câm, không biết kinh nào nói nữa"

Xiển dương Đạo pháp 10:53 17/04/2024

Theo đó, Thượng tọa Thích Thiện Thuận trong một video đang lan truyền trên mạng xã hội, có lượt tương tác cao, đã khẳng định như vậy. Thầy nhấn mạnh, "hát karaoke thành con ma câm, sư phụ cũng không biết kinh nào nói như vậy nữa".

Trùng phùng Phật pháp

Xiển dương Đạo pháp 17:08 20/03/2024

Đôi lần được rong ruổi khắp Trung và Bắc Ấn Độ, để tìm lại những vết tích xưa dù đã hoang phế nhưng niềm tin vẫn đong đầy và xúc cảm luôn dâng trào.

Tăng Ni làm tổn thất niềm tin của tín đồ đối với Phật giáo thì đó là phá hoại Đạo pháp

Xiển dương Đạo pháp 08:54 16/03/2024

Với trường hợp này, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh cho biết, Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh sẽ phải xử lý.

Xem thêm