Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con - Bài 3: Mái che hồn nước gặp bão giông
Pháp Phật chỉ có thể mang lại sự giàu có về an lạc nội tâm; tẩy rửa nội uế, chữa lành những vết thương tâm do những độc tố tham sân mưng mủ chứ nào chuyên lo phát triển kinh tế?
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Đau buồn thay, trước thềm Phật đản - kỷ niệm ngày ra đời của Đức Thế Tôn, giông bão của kỳ thị, bôi nhọ, chống phá ập vào cửa thiền. Với tâm phàm phu này, chúng con thật xót xa biết bao khi người ta bảo “đi tu là cái nghề”, “bọn cạo đầu là những kẻ ăn bám”, là “đạo làm giàu”, “xây chùa to Phật lớn là để kinh doanh”… Chưa bao giờ hai cụm từ “đi tu” và “Phật giáo” lại trở nên nhạy cảm và khiến đại đa số quần chúng phải dè chừng như vậy!
Lịch sử đã kể cho chúng con nghe về Đạo Phật Việt Nam suốt hơn hai thiên kỷ qua; thời kỳ nào cũng xuất hiện các bậc thánh tăng, hiền tăng, chân tăng; hoặc ẩn tu hoặc hiện hành, hoặc có mặt ở hình thức này hay hình thức khác; từ phò vua giúp nước cho đến nâng đỡ, giúp đời hướng thiện, làm chỗ dựa tinh thần cho những hoàn cảnh éo le, không còn lối thoát: Một Khuông Việt quốc sư giúp vua Lê Đại Hành an dân, trị quốc; một Pháp Thuận thiền sư thay mặt triều đình tiếp các sứ thần phương Bắc; một Vạn Hạnh thiền sư vừa là cố vấn chính sự cho vua Lê Đại Hành nhưng cũng là thầy, là dưỡng phụ của Lý Công Uẩn, là kiến trúc sư gầy dựng nên triều đại nhà Lý mở đầu cho thời kỳ vàng son rực rỡ. Tiếp theo là Trần triều với Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông… đều là những minh quân lỗi lạc, là những thiền sư làm sáng đạo trong đời. Ngọn đèn thiền đã chiếu sáng dòng tư tưởng, văn hóa dân tộc từ thiên kỷ đầu, xuyên tiếp bốn trăm năm qua hai triều đại Lý - Trần vàng son rồi tiếp tục làm vẻ vang dân tộc qua các triều đại sau này.
Buổi sơ khai của xã hội Việt Nam, ngôi chùa là môi trường thực hiện sứ mệnh giáo dục, văn hóa, đạo đức… mang lại nếp sống thuần thiện; là trung tâm nuôi dưỡng lòng từ cho biết bao thân phận sa cơ lỡ vận; là nơi động viên tinh thần, củng cố nghị lực, mang lại bình an cho biết bao người khi phải đối mặt với cái khổ tử sinh.
Trí tuệ và văn minh Đại Việt đã dựng lên chùa Một Cột, cũng gọi là chùa Diên Hựu - Phúc lành dài lâu - vươn lên trong hồ sen thoát tục giữa thủ đô nghìn năm văn hiến là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của dân tộc suốt hằng nghìn năm nay, chở che hồn Việt qua những hưng suy. Đi khắp năm Châu không ai không biết đây là quốc hồn của xứ sở Lạc Hồng. Con không biết liệu có một biểu tượng mang giá trị văn hóa tinh thần tương đương đại diện cho nền văn hoá - lịch sử dân tộc như ngôi chùa “Phúc lành dài lâu” cho tổ quốc?
Cố nhiên, dưới chân những ngọn cao sơn hùng vĩ vẫn có một vài gốc cây khô mục; giữa trời biển bao la vẫn tồn tại những rác rưởi nổi trôi. Cũng vậy, nếu như có một vài viên gạch nứt nẻ nơi cửa thiền, chưa đủ tỉnh giác, bị sai sử bởi dục vọng, thì cũng có hàng nghìn nghìn đóa hoa trong vườn Phật tô điểm cuộc sống, làm thơm ngát cho đời, luôn nỗ lực ngày ngày thực hiện công trình giáo dục nhân tâm. Nếu như hiện tại Đạo Pháp đang gánh chịu những vụn về của một vài chiếc áo vàng vướng tục, thì những đóng góp to lớn của Phật giáo trên các lĩnh vực đạo đức, giáo dục, văn hóa, thiện nguyện… là những viên đá tảng góp phần to lớn xây dựng xã hội là điều không thể chối bỏ. Đâu vì một vài khúc gỗ mục mà đạp đổ cả hùng vĩ cao sơn, đâu vì một vài cọng rác rưởi mà quay lưng với trời cao bể rộng!
Con đang suy nghiệm theo hướng tích cực để thấy vai trò của một “thợ tu”. Con thấy rằng sản phẩm của thợ xây là căn nhà; sản phẩm của thợ mộc là bàn ghế; sản phẩm của thợ may là áo quần. Dù là thợ gì thì cũng phải có tổ, có thầy truyền nghề - “không thầy đố mày làm nên”. Vị Thầy gốc - Bổn sư - của chúng con chính là Đức Thế Tôn. Ngài dạy chúng con muốn có nghề tốt thì tự thân phải là con người tốt. Cái gốc của con người tốt nằm ở tâm tốt. Tâm chính là cái khuôn đúc ra tất cả mọi sản phẩm, vẽ ra tất cả mọi bức tranh của thế gian (Tâm như công họa sư, họa chủng chủng thế gian - kinh Hoa Nghiêm). Cuộc đời mỗi người là “sản phẩm” do chính tâm người đó tạo ra, là bức tranh do chính tâm người đó vẽ ra góp mặt cho đời. Khi đã có tâm tốt thì sẽ có người tốt, có sản phẩm tốt và có xã hội tốt. Quan điểm của đạo Phật là muốn xây dựng xã hội tốt, gia đình tốt, con người tốt hay sản phẩm tốt thì trước tiên là phải có tâm tốt. Một người tài năng lỗi lạc mà không có tâm tốt thì người đó là bà con với tội lỗi; một sản phẩm dù giá trị cỡ nào mà không được tạo nên bằng tâm tốt thì sản phẩm đó là bạn bè của giả dối.
Tâm thánh, tâm thiện, tâm thật và tâm tuệ là những chất liệu từ ngôi chùa cung ứng cho đời. Vun bồi nhân phẩm bằng những chất liệu này sẽ lợi lạc và cần thiết vô cùng. Có phải cuộc đời đang thừa chất phàm, chất ác, chất giả dối và chất vô minh? Có phải cuộc đời tôn vinh chất thánh để giảm thiểu chất phàm, vun bồi chất thiện để đẩy lùi chất ác, rèn luyện chất thật để diệt trừ giả dối và trau dồi chất tuệ để đoạn tuyệt vô minh? Những chất liệu vô giá này làm sao có thể lấy thước vật chất mà đo, mà đánh giá, mà so sánh?
Một lần, Bà-la-môn Kasi Bhafradvafja nhìn thấy Đức Thế Tôn đi khất thực, ông không hài lòng và đã miệt thị:
- Tôi mỗi ngày phải nai lưng đi cày, vất vả lắm mới có được miếng ăn, còn ông chỉ biết xin ăn, về lo mà cày, cấy, gieo trồng đi?
- Ta cũng đang cày, cấy, gieo trồng để có miếng ăn đây ạ.
- Tôi có đủ nông cụ để làm việc, ông đi xin mỗi ngày, vậy ruộng ông đâu, nông cụ ông đâu?
- Tâm Ta là mảnh ruộng, đức tin là hạt giống, siêng năng là mưa móc, trí tuệ là cái cày và ách, tàm quý là cán cày, ý căn là dây cột, chánh niệm là lưỡi cày… Ta tinh tấn mỗi ngày để gặt hái hoa trái của an ổn khỏi ách nạn, không còn sầu não, mang hiểu biết, thương yêu đến cho đời. Việc làm này đưa đến quả bất tử, mọi đau khổ được giải thoát”. (Kinh Tương Ưng 1, P. Cư Sĩ, mục Cày Ruộng).
Chúng con là những người thực tập theo hạnh của Thế Tôn, và chư vị Tổ sư đi gieo hạt thương yêu, ươm mầm hiểu biết. Nếu như phàm tâm của chúng con chưa dứt được mùi lợi dưỡng thì cũng không vì vậy mà qui kết đạo Phật là “đạo làm giàu (vật chất)”, “xây dựng chùa là để kinh doanh”…
Pháp Phật chỉ có thể mang lại sự giàu có về an lạc nội tâm; tẩy rửa nội uế, chữa lành những vết thương tâm do những độc tố tham sân mưng mủ chứ nào chuyên lo phát triển kinh tế? Ngôi chùa được hình thành là để vun bồi nhân cách, hàn gắn những đổ vỡ trong gia đình, góp phần kiến tạo xã hội bằng những giá trị văn hóa, đạo đức mang lại hòa bình, hạnh phúc và công bằng xã hội; đi xa hơn là giải quyết vấn đề khổ đau của kiếp nhân sinh, xuất ly sinh tử. Đừng ngộ nhận chí nguyện đích thực của người xuất gia là lợi dưỡng vật chất, trú xứ hành đạo của người xuất gia là môi trường kinh doanh. Đâu đó vẫn tồn tại một số ít chùa thực tập nếp sống chánh mạng (nghề nuôi sống chân chính) bằng “kinh tế tự túc”. Từ đó, không tránh khỏi một số rất nhỏ bị cuốn vào lợi danh. Một số rất nhỏ sao lại “qui hoạch” tất cả chùa (hàng chục nghìn ngôi) vào điểm “kinh doanh”?!
Dòng sinh mệnh của đạo pháp đã chịu quá nhiều đau thương qua những biến cố thăng trầm lịch sử. Có những giai đoạn quê hương bị giày xéo dưới gót giày đinh của cái gọi là “khai minh” thì cũng là khi mái chùa bị đổ sầm dưới họng súng, nền chùa bị “chuyển đổi công năng”, chịu trận cho cái “văn hoá ngoại lai” ngự trị.
Lịch sử đã chứng minh, cửa từ bi không ngã đổ vì giông bão của thời tiết mà chỉ bị ngã đổ bởi sự cuồng nộ của bất tín và bất thiện. Quê Việt sẽ không bao giờ bị tàn phá bởi đạn bom nhưng hương Việt sẽ bị tàn phai khi đạo đức bị xuống cấp, văn hóa tâm linh bị chà đạp và hồn thiêng của dân tộc bị lãng quên.
Xem loạt bài Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khất thực trong làng Thénac
Xiển dương Đạo pháp 15:14 21/11/2024Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT Làng Mai chuyển ngữ từ tiếng Anh, Phatgiao.org.vn đăng lại.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Xiển dương Đạo pháp 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Khi Chánh pháp biến mất...
Xiển dương Đạo pháp 21:08 14/11/2024“Khi chánh pháp sắp biến mất, phụ nữ sẽ trở nên tinh tấn và thường làm việc công đức. Đàn ông sẽ trở nên lười biếng và sẽ không còn ai giảng pháp
Một viễn ảnh không xa
Xiển dương Đạo pháp 10:15 05/11/2024Một viễn ảnh thế giới vị lai đầy hương hoa của chánh pháp sẽ không xa lắm khi con người tự biết cải thiện lấy mình bằng chánh pháp.
Xem thêm