Thí dụ viên bảo châu trong tóc
Thí dụ viên bảo châu trong tóc là một trong chín thí dụ của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thí dụ này nói lên vị Chuyển Luân Thánh vương muốn dùng oai thế hàng phục các nước nhỏ mà các nước nhỏ không tuân mệnh lệnh nên vua đem binh đánh dẹp.
Nhắc đến kinh Pháp Hoa, chúng ta thường nhớ đến Pháp Hoa cửu dụ. Bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.
Thí dụ viên bảo châu trong tóc là một trong chín thí dụ của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thí dụ này nói lên vị Chuyển Luân Thánh vương muốn dùng oai thế hàng phục các nước nhỏ mà các nước nhỏ không tuân mệnh lệnh nên vua đem binh đánh dẹp. Binh tướng tùy theo công trạng mà được vua ban thưởng hậu hĩnh ruộng vườn, y phục, vàng bạc… Nhưng viên bảo châu vô giá trong búi tóc của mình thì vua chẳng biết đem cho ai mới xứng đáng. Vì nếu cho ai không đủ tài đức thì e rằng mọi người sẽ kinh ngạc và ganh tị. Đến khi tìm được người có tài đức vẹn toàn và lập được công lớn thì vị vua lấy viên bảo châu quý này mà ban thưởng cho người đó.
Vị Chuyển Luân Thánh vương không ai xa lạ mà chính là Đức Phật. Còn binh tướng chính là Hiền Thánh Tăng đệ tử của Phật mà hiểu rộng ra là chúng sanh. Giặc phải dẹp đó là tâm ma và ma bên ngoài.
Oai thế ở đây chính là giáo pháp, phước đức và trí huệ mà Ngài dùng để hóa độ chúng sanh. Ngài chiến đấu với ma và cũng dạy cho chúng sanh chiến đấu với ma. Các loại ma này gồm hai loại chính là tâm ma và ma bên ngoài. Tâm ma gồm phiền não ma và ngũ ấm ma. Còn ma bên ngoài chính là thiên ma và tử ma. Tâm ma mới đáng sợ hơn ma bên ngoài. Chúng quấy nhiễu và làm chướng ngại cho chúng sanh trên bước đường tiến đến giác ngộ, giải thoát.
Không có ma bên trong thì ma bên ngoài làm sao có thể phá ta được. Ma bên ngoài là chuyện nhỏ, ma bên trong mới là chuyện lớn. Chiến thắng được chính bản thân mình mới là đáng quý. Bởi vì kẻ thù lớn nhất của đời người đó là chính bản thân chúng ta. Đồng thời ân nhân lớn nhất cũng là chính bản thân chúng ta. Ta cô độc đến cuộc đời với hai bàn tay trắng còn khi ra đi cũng trắng tay và cũng cô độc một mình. Ta chỉ đem được theo tội và phước mà tùy theo đó sẽ tái sanh trong cảnh giới khác nhau. Hiện tại ta mang thân người nhưng có chắc rằng trong kiếp vị lai ta lại được thân người nữa không? Nếu bản thân ta biết tu tập, trồng các cội công đức.. thì khi mãn kiếp này ta được tái sanh về cõi an lành như đời đời hưởng phước cõi trời, cõi người hay vãng sanh Cực Lạc quốc độ. Còn ngược lại nếu ta gây tạo nhiều điều ác nghiệp, tạo tác thị phi, gây thù chuốc oán… thì khi mãn kiếp sẽ phải chịu quả báo nơi ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hoặc thậm chí là đọa vào địa ngục Vô gián chịu nhiều đau đớn khổ sở. Bởi thế kẻ thù hay ân nhân lớn nhất của ta là chính bản thân chúng ta là vì thế.
Nhờ sống trong giáo pháp của Ngài mà chúng sanh biết cách chế ngự và chiến thắng được ma quân. Tuy rằng nhất thời chưa có thể hiểu được hết giáo pháp của Ngài nhưng ta cảm thấy phần nào tự tại, an vui và toát lên được tướng giải thoát. Chính nhờ tắm trong dòng thác trí tuệ của Như Lai mà ta thoát khỏi mộng tưởng điên đảo, ảo mộng, phù du. Phiền nào, trần lao, nghiệp chướng dần dần được xóa sạch. Tiến thêm bước nữa là ta chứng được quả vị bậc Tam hiền (Sơ quả, Nhị quả, Tam quả) - đây chính là các bậc Hiền Tăng. Tiến thêm bước nữa chính là đạt được Tứ quả A La Hán – đây là Thánh Tăng hiểu rộng ra là các quả vị Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát) hay được vãng sanh về Cực Lạc nói riêng và Tịnh độ của Phật mười phương nói chung. Tuy nhiên đây đều là an vui, giác ngộ và giải thoát chưa được viên mãn. Do chỉ mới lợi mình mà thiếu phần lợi tha và còn chấp vào phương tiện mà cho rằng đó là chân lý tối thượng thừa rồi an trú ở đó. Cụ thể là chứng quả Thanh văn mà lại chấp vào Tứ thánh đế, chứng quả Duyên giác mà lại chấp vào Thập nhị nhân duyên, chứng quả Bồ tát mà lại chấp vào Lục độ Ba la mật, vãng sanh về Cực Lạc mà lại chấp vào cảnh giới thù thắng ở cõi đó…Đây chính là ngủ quên trong chiến thắng và cũng là ta xả bỏ cái ngã thế gian mà lại vô tình có thêm cái ngã trong đạo. Ví như binh tướng được vua ban thưởng hậu hĩnh ruộng vườn, y phục, vàng bạc… mà tự mãn cho là đủ. Phải phá tan cái chấp ngã này thì mới tiêu diêu tự tại trong cảnh giới giải thoát thật sự tức là thành Phật giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Đến hội Pháp Hoa, Ngài bèn khai thị Nhất thừa để cho chúng sanh phá bỏ sự vướng mắc phương tiện Tam thừa như vị vua trao viên bảo châu quý giá cho người xứng đáng. Trước đó, Tam thừa mà Ngài nói để dìu dắt, động viên, khích lệ họ trên bước đường tu để chứ không phải để dính mắc vào đấy. Mọi chúng sanh đều có khả năng giác ngộ như Ngài nhưng do vô minh, vọng kiến ngăn che nên sanh các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt mà phải chịu trầm luân đau khổ trong biển sanh tử. Do sống trong sanh tử quá lâu nên tâm tánh hạ liệt mà nghĩ rằng mình không có khả năng giác ngộ như Ngài. Nên Ngài chỉ bày cho chúng sanh giáo pháp Tam thừa. Đến khi tâm trí chúng sanh lần lần bừng sáng ra và căn tánh hạ liệt dần xóa sạch. Đồng thời toát được tướng giải thoát đến đây mới có đủ khả năng lĩnh hội được Nhất thừa ví như người lập công lớn, có đủ tài đức vẹn toàn được vua trao cho viên bảo châu vô giá. Ban đầu, Ngài tạm dùng phương tiện dùng Tam thừa lần lần giúp cho chúng sanh vượt qua sanh tử luân hồi sau đó chỉ dùng Nhất thừa mà độ. Tức là mượn chân lý tương đối để xóa đi cái ngã thế gian sau đó chúng sanh lại dính mắc vào đây nên Ngài dùng chân lý tuyệt đối để xóa bỏ cái ngã chấp vào chân lý tương đối.
Trước kia chúng sanh chưa ngộ được thì Đức Phật giúp cho ta ngộ. Đến khi ngộ rồi thì ta lại là thầy của chính ta. Hay nói cách khác là ban đầu nương tựa Đức Phật bên ngoài sau đó quay trở về nương tựa chính Đức Phật bên trong chính bản thân mỗi người. Tức là nhờ Đức Phật bằng xương, bằng thịt, có thật trong lịch sử tác động khiến cho ta phát tâm tu dẫn đến Đức Phật bên trong ta bừng sáng. Điều cốt lõi ở đây đó chính là thay vì chỉ kính lễ Ngài, ta phải làm cho Đức Phật bên trong ta lần lần sáng ra. Nói cách khác, tâm ta phải lắng yên như vào Thiền định, không bị vọng trần tác động và chi phối. Dù sống trong cảnh giới nào cũng vậy, ta phải rèn dũa cho tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Những chuyện buồn, vui hay những lời chê khen của cuộc đời đều không làm cho tâm ta biến đổi. Chế ngự và biến tâm ma thành tâm Phật đó chính là chiến thắng vẻ vang hơn cả chiến thắng được thiên binh vạn mã.
Cầu chúc cho quý Phật tử chúng ta sớm chiến thắng được ma quân và nhất là tâm ma bên trong chính bản thân mỗi con người để cho ta được an vui, tự tại, giải thoát giữa cõi Ta Bà ảo mộng này và quan trọng nhất đó chính là để cho Đức Phật bên trong ta dần dần bừng sáng ra.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Minh Nhựt; địa chỉ: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. HCM.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Xem thêm