Thờ Phật như thế nào cho đúng ý nghĩa
Phật là bậc đã dày công tu luyện phước đức và trí tuệ, cho nên đã được hoàn toàn sáng suốt và có đầy đủ đức hạnh cao quý. Ngài đã dùng đức và trí ấy để dẫn dắt chúng sinh ra ngoài biển khổ sinh tử luân hồi, và đưa đến địa vị sáng suốt an vui.
Trong công việc độ sinh, Ngài không bao giờ thối chuyển ngã lòng mặc dù gặp trở lực khó khăn. Ngài đã nguyện độ cho toàn thể chúng sinh, cho đến khi nào không còn một chúng sinh nào để độ nữa mới thôi. Thật là đúng với câu: “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”.
Một bậc có đủ ba đức tính quý báu là Bi, Trí, Dũng, ba đức tính căn bản mà một con người muốn được toàn thiện, toàn mỹ, toàn chân, không thể thiếu được. Một bậc siêu phàm xuất chúng, có những lời dạy quý báu, những cử chỉ cao thượng, những hành động sáng suốt, một đời sống gương mẫu như Phật thì chúng ta cần phải tôn thờ, kính trọng.
Thờ Phật như thế nào mới đúng ý nghĩa?
Ta thờ Phật là để tỏ lòng tri ân của chúng ta đối với một vị đã có ân đức lớn với nhân loại. Ta thờ Phật là để có luôn luôn ở trước mặt một tấm gương sáng suốt trọn lành để tư tưởng, lời nói và hành động của ta được chân, thiện, mỹ như Phật. Người ta thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta thờ Phật là muốn luôn luôn được có bên mình ngọn đèn trí tuệ của Ngài, cái hương từ bi của Ngài để được sáng lây, thơm lây, chứ không phải chúng ta có mục đích cầu cạnh Ngài để Ngài ban phước, trừ họa, để Ngài che chở cho chúng ta mua may bán đắt một cách bất lương, hay để chúng ta dựa vào thế lực của Ngài, tha hồ làm những điều bất chính. Nếu chúng ta thờ Ngài với mục đích sai lạc như vừa nói ở trên, thì không những chúng ta đã phỉ báng đức Phật, mà chúng ta còn tự tạo tư tưởng không tốt cho chúng ta nữa.
Nên thờ Đức Phật nào?
Ðức Phật nào cũng có nghĩa vô lượng quang, vô lượng thọ bao la cùng khắp và công đức tu hành phước trí vô lượng vô biên cả; nên hễ thờ một Đức Phật là thờ tất cả các Đức Phật.
Nhưng chúng ta cũng nên tuỳ theo thời kỳ giáo hóa của mỗi Đức Phật và pháp môn tu hành mà thờ cho phù hợp. Hiện nay, chúng ta ở vào thời kỳ giáo hóa của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, thì lẽ cố nhiên, chúng ta phải thờ Ngài trước hết.
Nếu tín đồ nào tu về “Tịnh độ tông”, chuyên về pháp môn “trì danh niệm Phật” để cầu vãng sinh, thì tín đồ ấy phải thờ đức Phật A Di Ðà. Hoặc nếu Phật tử muốn thờ tất cả Phật trong ba đời, thì nên thờ đức Phật Thích-Ca, đức A Di Ðà, và Ðức Di Lặc, gọi là thờ “Tam thế Phật”.
Cách thức thờ Phật
Trong nhà tín đồ, nếu muốn thờ tượng Phật, thì nhiều nhất là ba vị. Và nên nhớ rằng, trong khi thờ Tam thế Phật, phải sắp đặt chung một bàn. Nếu tượng là tranh ảnh thì nên treo ngay thẳng, không được cái cao, cái thấp, cũng không được cái to, cái bé; còn như tượng gỗ, tượng đồng tượng sành, thì để ngang hàng đồng bực, không nên để từng trên, cấp dưới. Bàn thờ Phật phải đặt chính giữa nhà, bàn thờ ông bà ở phía dưới hoặc sau đúng câu: “Tiền Phật hậu Linh, hay Thượng Phật hạ Linh”. Nếu nhà nhiều tầng thì thờ Phật ở tầng trên. Tại bàn thờ Phật không nên để tạp vật nào khác, ngoài bình hoa, lư hương, chân đèn và đĩa quả. Những vật này mỗi ngày đều cần phải chăm sóc lau quét sạch sẽ.
Lần đầu tiên thỉnh tượng Phật về gia đình, tín đồ phải làm lễ thượng tượng, cũng gọi là lễ an vị Phật. Lễ này không bắt buộc phải tổ chức linh đình, chỉ nên làm một cách đơn giản, nhưng cần phải tỏ được vẻ trang nghiêm và tinh khiết. Muốn được hai đặc điểm ấy, chủ nhà phải dọn dẹp. sắm sửa sạch sẽ: ăn chay, giữ giới và mời thêm thiện hữu tri thức đến hộ niệm một thời kinh.
Và bắt đầu từ ngày làm lễ an vị Phật trở đi, tất cả mọi người trong nhà, mỗi ngày ra vào trông thấy tượng Phật, nên nghĩ nhớ đến đức hạnh cao cả của Ngài mà chỉnh đốn lại thân tâm mình. Mỗi ngày đều lo cải thiện lại sự cư xử với nhau, phải luôn luôn thấm nhuần tinh thần từ bi, bác ái và bình đẳng của Ngài. Như thế mới xứng đáng với danh nghĩa của một gia đình có thờ Phật. Thờ phụng lâu năm, tượng Phật bị hư hỏng, không thể sơn phết hay sửa chữa lại được, thì nên thay đổi tượng mới. Khi có tượng mới rồi thì tượng cũ phải dâng vào chùa chờ dịp nhập tháp, chú không nên bạ đâu bỏ đó mà mang tội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm