Thực tập kiên định trước muôn sự
Học Phật phải có tâm chấp trì giới luật, sự vững chãi, an tịnh của định, lấy tuệ giác làm sự nghiệp. Người có ba pháp vô lậu học này sẽ không bị truyền thông làm nao động, không bị áp lực của giới tự nhiên và xã hội chi phối, không bị tưởng tri của chính mình dẫn dắt.
Thời nào cũng vậy, xã hội luôn có những biến đổi và khủng hoảng, chính sự đổi thay giúp điều mới mẻ ra đời hoặc phải diệt vong, như một hệ quả duyên khởi. “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt.”[1] Đó là một chân lý chắc thật của hiện tượng giới, truyền thông cũng không ngoài quy luật này, duyên khởi nên vô thường. Chính nơi việc hiểu sâu đậm nguyên tắc nền tảng này mà ta giác ngộ.[2] Ở trong Pháp và Luật của Thế Tôn, có bốn Pháp để sự an tịnh-sáng suốt luôn có mặt để không bị các cuộc khủng hoảng truyền thông cuốn vào vòng lẩn quẩn và bế tắc, để làm được như vậy, một người đệ tử Phật cần tu học như sau: thực hành giới định tuệ, ly tham thiểu dục - đức vô tranh, tỏ ngộ lẽ vô thường, và pháp “im lặng sấm sét”.
Một là sự kiên định do tinh thông nằm lòng, an trụ nơi giới định tuệ.
Như tảng đá kiên cố
Gió thổi không lay động,
Người trí tâm an định
Bất động trước khen chê.[3]
Học Phật phải có tâm chấp trì giới luật, sự vững chãi, an tịnh của định, lấy tuệ giác làm sự nghiệp. Người có ba pháp vô lậu học này sẽ không bị truyền thông làm nao động, không bị áp lực của giới tự nhiên và xã hội chi phối, không bị tưởng tri của chính mình dẫn dắt. Đây là bậc thực tu thực chứng sự bình an nội tại và là báu vật của Pháp. Đây là tông chỉ của đạo Phật, hương giới - hương định - hương tuệ là tối thượng và thù thắng. Đức Phật gọi là bậc chân nhân, tỏa ngát hương cho đời, đem lại lợi ích - hạnh phúc cho mọi người mọi loài.
"Hương các loại hoa thơmKhông ngược bay chiều gióNhưng hương người đức hạnhNgược gió khắp tung bayChỉ có bậc chân nhânTỏa khắp mọi phương trời."[4]
Hướng dẫn cách ngồi thiền đúng phương pháp để giúp tâm an định
Bậc chân nhân thực sự không chỉ hương đức hạnh tỏa sáng, mà còn có tuệ giác sáng ngời. Như là đôi cánh của một chú chim dùng để bay cao và bay xa, cũng vậy, bậc chân tu phải có giới đức trang nghiêm và tuệ giác mẫn tiệp luôn an định cùng chói sáng.
"Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Đệ tử bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với Tuệ Trí."[5]
Để thành bậc đạo sư thì cần tuệ giác sáng ngời, vì trí tuệ là tối thượng. Như Phật dạy trong kinh Tương Ưng:
“Này các Tỷ kheo, ví như trong loài bàng sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.
Và thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Này các Tỷ kheo, đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ.
Ví như, này các Tỷ kheo, trong loài bàng sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.[6]
Vậy nên, người tu phải luyện tâm sáng ngời, biết thiểu dục tri túc; lấy sự học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp làm chính để thông qua đó thành tựu tuệ giác ‘văn, tư, tu’. Đồng thời qua đó sẽ thành tựu tâm lý ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’.
Hai là sự an tịnh do học Pháp tu Phật nên có tầm nhìn dài lâu sâu rộng, không còn tranh chấp với đời, ly tham vô dục. Với ý thức này, trách nhiệm của một đệ tử Phật xuất gia phải kiên định thực hành pháp thiểu dục tri túc để sống bình an. Điều đức Phật dạy trong đoạn mở đầu kinh Tứ thập nhị chương là “ly dục tịch tĩnh thị tối vi thắng.” Nghĩa là ‘lìa dục tịch tĩnh là pháp tối thượng’. Sự an tịnh do không tham, không sân, không si; nghĩa là ‘không tranh chấp với đời’. Đây gọi là an tịnh do ly tham, không tranh chấp, đức vô tranh.
"Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy.
Bậc Thánh đi vào làng".[7]
Đời sống thiểu dục, biết đủ kiến tạo cực lạc Phật quốc cho tự thân, sẽ là bến đổ bình yên cho mọi người, là chỗ dựa vững chãi cho chúng sanh. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng sự an tịnh trong mối quan hệ của người thầy và học trò, bước tiên khởi để xứng đáng là bậc đạo sư như pháp như luật.
Ba là kiên định niềm tin do lãnh ngộ và thể nhập pháp vô thường. Tất cả lấy bình tâm là chính, lấy an tâm là trung tâm, không lay động trước sóng gió của thịnh suy. 'Coi sự hưng-hóa như cây bốn mùa’,[8] là tinh thần của Phật dạy, điều mà một hành giả phải nằm lòng, pháp cần suy niệm hằng ngày trong kinh Tứ Thập Nhị Chương. An tâm vững chí tu học và hành trì như ý thơ của thiền sư Vạn Hạnh: "Nhậm vận thịnh suy vô bố úy (任運盛衰無怖畏)"[9], là tông chỉ - tâm lý căn bản của người tu học trong xã hội hiện đại. Không bị sự hưng suy làm sợ hãi, lo lắng, đứng trước muôn sự rất bình tâm. Bởi vì, sự thịnh suy cũng mong manh vô cùng như giọt sương đầu ngọn cỏ: 'Thịnh suy như lộ thảo đầu phô (盛衰如露草頭鋪)'. Vì tỏ ngộ được vô thường nên đứng trước sự thịnh suy, sự thành bại, sự khen chê, … hành giả hãy như tảng đá kiên cố, tâm an định và bất động.
Bốn là mạnh dạn từ chối trả lời và bình luận các câu hỏi thuộc về siêu hình, siêu tự nhiên, linh hồn, ma quỷ...
Với các lý do như sau:
- Không liên hệ đến việc thực hành giáo pháp để giải thoát giác ngộ.
- Những bàn luận này không thể kiểm chứng, đưa đến hý luận và hư vọng ngữ.
- Các lý luận suông sẽ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng, phân chia, chia rẽ trong nội bộ Phật giáo.
Đây là bài sâu sắc cần nằm lòng để suy nghiệm, tránh nhọc lòng mình bởi những pháp không liên hệ đến đời sống tu tập giải thoát. Dưới đây là đoạn trích ghi lại việc đức Phật lý giải việc từ chối các vấn đề siêu hình; như bài học cho chúng ta - những đệ tử của Phật về nghệ thuật giao tiếp, ứng xử, giáo dục, và giảng dạy:
“Đối với vấn đề truy tìm bản nguyên thế giới thì đức Phật đã không trả lời, trả lời không dứt khoát hay trả lời bằng sự im lặng[10]. Không những thế, còn khuyên các đệ tử không nên bàn luận về các vấn đề trên[11]. Lý do được đưa ra cho sự im lặng này là không liên hệ đến nhiệm vụ cũng như mục đích tối thượng của việc tu học là đạt sự giải thoát các nỗi khổ, đưa đến việc giác ngộ; các vấn đề siêu hình là trống rỗng và không lợi ích[12]. Giải thoát là nội dung chính yếu và mọi vấn đề khác đều phải xoay quanh tư tưởng tối thượng này. Cái tối thượng và trung tâm trong Phật giáo nguyên thủy là giải thoát[13]. Sau này đến thời kỳ Phật giáo phát triển cũng đã tiếp tục triển khai quan điểm giải thoát: “Phật pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát hết khổ. Vị giải thoát ấy có hai: Một là chỉ giải thoát tự thân, hai là giải thoát chung hết thảy chúng sinh.”[14] Thứ hai, việc trả lời không dứt khoát bởi nguyên nhân là do không thể chứng minh được bằng thực nghiệm. Nếu trả lời xác quyết là thế này hay thế khác sẽ tạo kiến chấp không có cơ sở cho cá nhân, tiếp đến là những tranh chấp không tưởng giữa các cá nhân với nhau.
Vấn đề đức Phật im lặng không trả lời những câu hỏi về thế giới không phải Ngài không biết. Đức Phật xác nhận là biết rất rõ nhưng không trả lời[15]. Ở đây có thể hiểu là do mặt bằng tri thức xã hội không đủ khả năng tiếp cận, dễ đưa đến sự ngộ nhận và tranh luận vì không đủ phương tiện để chứng minh. Lý do này sẽ được trình bày rõ ràng hơn trong phần nhận thức luận. Chính vấn đề thế giới quan và siêu hình đã góp phần thúc đẩy quá trình phân chia bộ phái, vì mỗi bộ phái sẽ diễn giải, giải thích một cách khác nhau theo quan điểm - sự hiểu biết của bản thân luận chủ. Từ đó, mỗi bộ phái sẽ bảo vệ quan điểm của mình và bài xích các quan điểm của các bộ phái khác. Thế nên, đã tạo ra một phong trào nghiên cứu Phật học sôi động ở thời kỳ sau, làm phong phú thêm hệ tư tưởng Phật giáo. Quá trình trả lời câu hỏi về thế giới quan của các thời kỳ sau đều có kế thừa một quan điểm của đức Phật làm tiền đề, các bộ phái đều đã dựa trên tư tưởng duyên khởi làm điểm xuất phát lý luận.”[16]
Để có sự an tịnh và giải thoát, người đệ tử Phật phải học phải biết im lặng, từ chối, và buông bỏ những pháp không liên hệ đến giải ngộ và giải thoát. Sự im lặng ‘sấm sét’ này được Phật giáo Việt Nam chuyển tải qua hình ảnh an nhẫn im lặng để thực tập của ‘Quán Âm Thị Kính’ đối với các vấn nạn trong cuộc sống nhân sinh. Sự an nhẫn đó không vì khiếp sợ hay bạc nhược trước sự đời, nhưng đó là ‘im lặng sấm sét’ của bậc vĩ nhân, bậc thánh đầy tuệ giác cùng từ tâm vô lượng giữa đời thường. Đây là bài học quan trọng làm cho hành giả nhẹ nhàng và an lạc do pháp né tránh đem lại. Nói khác là né tránh pháp đưa đến tịnh lạc, an định; do không não phiền bởi sự quấy rầy, não loạn, và nhiễu phiền. Hơn nữa, đức Phật còn dạy người tu nhân học đạo phải biết kiệm lời, phải biết nói điều lợi ích, nói lời đem lại an lạc và hạnh phúc như sau:
“Dầu nói ngàn ngàn lời,
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn một câu nghĩa,
Nghe xong, được tịnh lạc.”
(Kinh Pháp Cú, câu số 100)
Tóm lại, để rồi ‘im lặng như chánh pháp (Ariya-tunhibhàva), nói năng như chánh pháp (Dhamma-kathà)’, như lời Phật dạy trong kinh Thánh Cầu, Trung Bộ. Đây chính là châm ngôn để xử lý khủng hoảng truyền thông, theo hướng “yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Người đệ tử Phật phải lo tu học để thành tựu bốn pháp: một là tu trì giới định tuệ; hai là thực hành pháp thiểu dục tri túc và chăm lo vun bồi tuệ giác Phật để kiến thiết cõi nước cực lạc; ba là bình tâm trước suy thịnh, vững tin nơi chánh pháp Phật đà - một thần dược trị lành khổ đau, chứng đạt Niết bàn; bốn biết ‘im lặng sấm sét’ đối với vấn đề siêu hình (nghĩa là không hơn thua trong tranh luận với các vấn đề chưa thể kiểm chứng), kiệm lời để rồi nói lời có ích thiết thực, và lo tập trung chăm sóc vườn tâm hoa tuệ giác, không để thời gian trôi qua vô ích. Tạm kết lại, chúng ta cùng suy ngẫm hai câu kinh Pháp Cú:
“Đường này đến Thế Gian
Đường kia đến Niết Bàn
Tỷ kheo, đệ tử Phật
Phải ý thức rõ ràng.”[17]
“Đêm dài cho kẻ thức,
Đường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp.”[18]
Chú thích
[1]Kinh Tương Ưng (1991), Thích Minh Châu dịch, VNCPH.Việt Nam, Hồ Chí Minh, t.2, tr. 129:
Imasmiṃ sati, idaṃ hoti; imass`uppādā, idaṃ uppajjati; imasmiṃ asati, idaṃ na hoti; imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati. (MN II.32, SN II. 28)
[2] Đức Quang, Con Đường Giải Thoát: Một Yếu Nghĩa Của Quyển I, Kinh Tạp A Hàm: https://thuvienhoasen.org/a31175/con-duong-giai-thoat-mot-yeu-nghia-cua-quyen-i-kinh-tap-a-ham
[3] Câu số 81, kinh Pháp Cú, trích dẫn ở bài này theo bản dịch Thích Minh Châu.
[4] Câu số 54.
[5] Câu số 59.
[6] Xem ‘phần Sàlà, chương 4, phẩm 6’ trong Tương Ưng Bô V, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2000, tr.354.
[7] Câu số 49.
[8] Câu kinh số 42, Tứ Thập Nhị Chương Kinh.
[9] Thị đệ tử của Vạn Hạnh Thiền Sư trước khi thị tịch.
[10] Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.175:
Này Potthapàda, có những pháp được Ta truyền thuyết, trình bày một cách không dứt khoát. Này Potthapàda, có những pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. Này Potthapàda, những pháp gì được Ta tuyên thuyết trình bày một cách hông dứt khoát? "Thế giới là thường còn", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. "Thế giới là vô thường", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. "Thế giới là hữu biên", này Potthapàda... "Thế giới là vô biên", này Potthapàda... "Sinh mạng và thân thể là một", này Potthapàda... "Sinh mạng khác, thân thể khác", này Potthapàda... "Như Lai có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda... "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda... "Như Lai có tồn tại và cũng không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda ... "Như Lai không có tồn tại và cũng không không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát.
[11] Kinh Tương Ưng (1991), Thích Minh Châu dịch, VNCPH.Việt Nam, Hồ Chí Minh, t.5, tr.607:
Này các Tỷ-kheo, chớ có suy tư ác, bất thiện tầm: “Thế giới là thường hằng”, hay “Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng này, thân thể này là một”, hay “Sinh mạng này, thân thể này là khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.
[12] Tạp A Hàm (2010), Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chính, Nxb. Phương đông, Hồ Chí Minh, tr.786~789. Và, Kinh Trường Bộ, Sđd, tr.175:
Những pháp này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm lỵ, đến ly dục, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy những pháp ấy được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách không dứt khoát.
[13] Kinh Tăng Chi Bộ (1996), Thích Minh Châu dịch, VNCPH. Việt Nam, Hồ Chí Minh, t.3, tr.563:
Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát.
[14] Tham khảo “Giải thích Phẩm Chúc Lụy thứ 90” trong Thích Thiện Siêu (2001), Luận Đại Trí Độ, Nxb.Tp.Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, t.5, tr.730.
[15] Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.505:
Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa. Và khi Ta biết như vậy, Ta không có chấp trước”. Và, Kinh Trường Bộ (2013), Sđd, tr.146~147: “Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy, nhưng Ta không nói "Mạng căn và thân thể là một hay là khác".
[16] Thích Đức Quang, 2015, Nhập môn Triết Học Phật giáo Nguyên thủy, Nxb. Văn Hóa-Văn Nghệ HCM, tr.40-43.
[17] Câu số 75, kinh Pháp Cú theo bản dịch Thích Thiện Siêu, Hán truyền.
[18] Câu số 60, Kinh Pháp Cú, bản dịch Thích Minh Châu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm