Thực tập lạy nhau trước thềm năm mới
Năm mới sắp đến, con ước muốn chia sẻ sự thực tập lạy nhau này đến ba mẹ, các anh chị và các em của con cũng như quý vị thân hữu gần xa để làm giàu thêm kho tàng thương yêu của giống nòi.
Tết nguyên đán hay Tết cổ truyền là ngày Tết đẹp nhất trong năm. Trong những ngày Tết cổ truyền, chúng ta có dịp được tắm mát và nuôi dưỡng mình trong nếp sinh hoạt đậm chất văn hóa của người Việt.
Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đẹp và gia đình là nơi giữ gìn đầy đủ những nét văn hóa ấy. Cái đẹp ấy thể hiện cụ thể nhất trong cách ứng xử với nhau, đối đãi nhau.
Năm mới sắp đến, con ước muốn chia sẻ sự thực tập lạy nhau này đến ba mẹ, các anh chị và các em của con cũng như quý vị thân hữu gần xa để làm giàu thêm kho tàng thương yêu của giống nòi.
"Tương kính như tân"
Kính nhau như khách quý, đó là lời dạy của các cụ ngày xưa cho đời sống vợ chồng. Các cụ đã có kinh nghiệm rằng nếu mình sống với nhau mà không biết nuôi dưỡng sự tương kính thì rất dễ làm khổ nhau. Ngày cưới, hai người đã thực tập nghi lễ lạy nhau trước bàn thờ gia tiên với sự có mặt của hai họ. Đó là một giây phút đẹp. Giây phút ấy chỉ xảy ra một lần trong đời của mỗi cặp vợ chồng và mình chỉ lạy người kia lần thứ hai khi người đó đã mất. Như thế thì tiếc quá! Một giây phút đẹp mà chỉ xảy ra một lần trong đời.
Với sự thực tập này, mình sẽ làm cho nét đẹp của giây phút ngày xưa sống lại trong giây phút hiện tại. Mục đích của sự thực tập lễ lạy này là để nuôi dưỡng sự tương kính, cái tình nghĩa giữa hai người khi chung sống.
Cách thực tập:
–Thời gian: Trước thềm năm mới sau khi đón giao thừa hoặc sáng ngày mùng một, cũng có thể thực tập vào một dịp kỷ niệm nào đó của hai vợ chồng.
– Địa điểm: Trước bàn thờ gia tiên hoặc trước bàn thờ Tam bảo, hoặc một nơi nào đó có đủ không gian và sự kính trọng.
Tuần tự hai người đọc lời quán niệm cho nhau nghe và cuối cùng thì hướng về nhau lạy một lạy.
Hai vợ chồng cũng có thể thực tập lạy nhau với sự có mặt của gia đình. Chắc chắn con cháu của các vị sẽ rất hạnh phúc khi thấy bố mẹ biết chăm sóc và vun bồi hạnh phúc cho gia đình.
Dưới đây là hai lời quán niệm, với tinh thần là mỗi người nói lên cái phần của mình. Phần của người kia hãy để người kia nói. Đây là điều hết sức quan trọng. Đầu năm mới, mình không nên nói những cái không hay của người khác. Đó là sự kiêng cử, để mọi người ăn Tết cho ngon.
Sự phát nguyện là một ý thức, một sự nhắc nhở cho mình, và cái đẹp nhất nằm ở giây phút mình phát nguyện chứ không phải là cái kết quả mình làm được bao nhiêu, mình chỉ cố gắng hết tấm lòng của mình thôi.
Quán niệm trước khi lạy của người vợ:
Em cảm ơn anh đã đến với cuộc đời em. Anh là nơi nương tựa rất vững chắc cho em, cho các con, các cháu. Có chuyện gì xảy ra mà có anh ở nhà thì đều được giải quyết rất nhanh.
Em rất xin lỗi anh vì nhiều khi em đã không nhìn thấy được những cái đẹp trong anh; những lời nói chua cay khó nghe đã làm anh bực mình, làm anh muốn tránh xa em, vì những lúc ấy em không tươi mát.
Nhiều lúc em quá bận lo cho con, cho cháu, cho những muộn phiền của em mà đã quên để ý đến sự có mặt của anh và chăm sóc anh. Không học cách hỏi thăm và có mặt cho anh mỗi khi anh cần.
Trong năm mới, em nguyện sẽ học hạnh ái ngữ để em có thể nói một cách khéo léo hơn. Em cũng sẽ học hạnh kiên nhẫn để không nói khi lòng đang bực bội, sẽ trở về với hơi thở ý thức để làm dịu thân tâm mình và sẽ tìm cách nói cho anh hiểu khi mình có đủ không gian.
Em cũng sẽ thực tập nhìn sâu để học nuôi dưỡng những cái đẹp, cái hay mà tổ tiên đã trao truyền nơi em, nơi anh và các con.
Xin anh tiếp tục làm nơi nương tựa vững chắc cho em trong năm mới.
Quán niệm trước khi lạy của người chồng:
Anh cảm ơn tổ tiên và gia đình đã đưa em đến bên anh và thủy chung với anh cho đến ngày hôm nay. Trải qua bao nhiêu sóng gió mà mình vẫn còn bên nhau. Anh cảm thấy rất may mắn.
Em đã chấp nhận con người anh, những thói quen không dễ thương của anh. Em đã thương yêu các con và làm cho gia đình luôn là nơi êm ấm.
Anh xin lỗi em vì nhiều lúc anh lo cho người khác, cho xã hội, công ty hay chính những dự án anh đang theo đuổi nên đã không thường xuyên có mặt cho em và gia đình.
Trong năm mới, anh sẽ cố gắng học hạnh lắng nghe để có thể có mặt vững chãi cho em và các con. Anh sẽ học cách chia sẻ cái thấy của mình và mở lòng lắng nghe ý kiến của em và các con mà không áp đặt cái thấy của mình lên em và các con. Nếu cần anh sẽ học cách buông bỏ cái thấy của anh để hòa chung với cái thấy của gia đình.
Anh cũng nguyện sẽ học cách chăm sóc bản thân và trân quý những điều kiện hạnh phúc mà gia đình đang có. Anh ý thức rằng, chính hạnh phúc của chúng ta là gia tài quý giá nhất cho các con.
Năm mới mong em tiếp tục nuôi dưỡng niềm vui sống trong em, trong anh và gia đình.
Qua mỗi năm thực tập, mình có thể tự làm mới lấy lời quán niệm để phù hợp với hoàn cảnh và ân tình của hai người. Sự thực tập này là một phẩm vật rất ý nghĩa để dâng lên Tổ tiên dịp đầu năm mới.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm