Thứ tư, 17/07/2019, 14:40 PM

Tích truyện Pháp cú: Kàla em và Kàla anh

Một lần nghe Phật thuyết pháp về khổ uẩn, tội lỗi, sự điên đảo cùng sự nguy hiểm của dục lạc, Đại Hắc lòng băn khoăn: "Ai cũng phải rời bỏ mọi vật sở hữu khi qua đời, sang bên kia sẽ không tài sản, thân quyến nào đi theo được, vậy sao ta lại sống đời thế tục?". Và ông phát tâm xuất gia.

 Ai sống nhìn tịnh tướng?

Câu Pháp Cú này được đức Phật nói khi ngụ gần thành phố Setavya, dành cho Kàla em và Kàla anh, tức Tiểu Hắc (Culla Kàla) và Đại Hắc (Mahà Kàla).

Tiểu Hắc, Trung Hắc (Majjihima Kàla) và Đại Hắc là ba gia chủ anh em sống ở Setavya. Tiểu Hắc và Đại Hắc, tức người em út và người anh cả, thường đi qua xứ khác với một đoàn năm trăm xe bò chở đầy đồ gia dụng để bán, còn Trung Hắc thì ở nhà bán hàng hóa do họ mang về.

Có một dịp, hai anh em mang đủ loại hàng hóa trên năm trăm xe bò rời khỏi Vệ-xá. Giữa đường Xá-vệ và Kỳ Viên họ dừng lại, tháo yên cương các xe. Chiều xuống, Đại Hắc thấy các Phật tử ở Xá-vệ cầm hoa hương lũ lượt đi về hướng tinh xá. Ông tò mò bèn chận một người lại để hỏi thăm. Được biết họ đi nghe pháp, ông cũng đồng tình muốn đi. Dặn dò cậu em để ý coi chừng đoàn xe, ông ra đi.

Kàla em và Kàla anh
Bài liên quan

Đến tinh xá, ông đảnh lễ Như Lai rồi ngồi xuống bên vòng ngoài hội chúng. Hôm ấy, Phật thuyết nhiều bài pháp tuần tự theo căn cơ của Đại Hắc; Ngài nhấn mạnh về khổ uẩn với những kinh nói về tội lỗi, sự điên đảo cùng sự nguy hiểm của dục lạc.

Đại Hắc nghe pháp xong, trong lòng băn khoăn: "Ai cũng phải rời bỏ mọi vật sở hữu khi qua đời, sang bên kia thế giới sẽ không có tài sản hay thân quyến nào đi theo được, vậy tại sao ta lại sống đời thế tục?". Và ông phát tâm xuất gia.

Ông xin Phật gia nhập Tăng đoàn. Phật hỏi:

- Ông có còn thân quyến phải xin phép không?

- Con có một đứa em, bạch Thế Tôn!

- Hãy hỏi ý hắn!

- Vâng, bạch Thế Tôn!

Rồi Đại Hắc đến gặp Tiểu Hắc, bảo em hãy nhận hết tài sản.

Tiểu Hắc ngạc nhiên không hiểu tại sao, và khi biết được ý định xuất gia theo Phật của anh, không tránh khỏi bàng hoàng. Ông tìm đủ cách thuyết phục anh từ bỏ ý định xuất gia, nhưng vô hiệu. Cuối cùng Tiểu Hắc đành tùy thuận.

 ***

Đại Hắc ra đi theo Phật và trở thành Tỳ-kheo. Và thật lạ lùng, Tiểu Hắc cũng xuất gia theo anh, nhưng với một ý định khác hẳn, tức là chỉ đi tu một thời gian rồi sẽ hoàn tục, và lúc đó sẽ kéo ông anh theo. Ít lâu sau, mãn hạn tập sự, Đại Hắc đến chỗ Phật thưa thỉnh:

- Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu bổn phận tu tập trong giáo pháp?

Đức Phật cho biết là có hai, pháp học và pháp thiền. Đại Hắc thưa tiếp:

- Bạch Thế Tôn, con xuất gia khi đã lớn tuổi, con không thể làm tròn pháp học. Nhưng con có thể vâng giữ pháp thiền.

Và ông được Phật chỉ dạy chuyên tu hạnh thanh tịnh bằng cách đến bãi thiêu để tu, nhắm đến quả vị A-la-hán.

***

Cuối thời thiền quán đầu hôm, khi mọi người đều ngủ, ông đến bãi thiêu xác. Hừng đông, khi chưa ai thức dậy, ông trở về tinh xá. Bấy giờ, người giữ bãi thiêu là một phụ nữ tên là Kàlì, có trách nhiệm hỏa thiêu xác chết. Thấy Trưởng lão này cứ đứng lên, ngồi xuống và bước quanh, bà không khỏi thắc mắc và muốn tìm cho ra xem người đó là ai. Nhưng bà không biết được gì về Trưởng lão, nên một đêm bà thắp đèn trong chòi ở bãi thiêu, cùng con trai con gái núp vào một góc rình xem. Khi thấy Trưởng lão đến, bà tới gần đảnh lễ, hỏi:

- Thưa Tôn giả, bậc Tỳ-kheo tôn quý lại ở đây sao?

- Đúng vậy, bà chị.

- Thưa Tôn giả, ai đến ở bãi thiêu này cần phải chấp hành một số điều lệ.

Thay vì nói "Chị nghĩ rằng tôi phải vâng theo điều lệ của chị sao?" Trưởng lão lại nói:

- Tôi phải làm gì, đạo hữu?

- Thưa Tôn giả, người đến ở bãi thiêu bắt buộc phải thông báo trước cho người giữ bãi, với Trưởng lão Thượng thủ của tinh xá và với thôn trưởng.

- Sao vậy?

- Những tên trộm, khi bị chủ nhân truy nã thường chạy trốn vào bãi thiêu và bỏ tang vật lại đây. Rồi chủ nhân mất của đến đe dọa và gây hại cho người cư ngụ nơi này. Nhưng nếu nhà cầm quyền được báo tin một cách chính đáng, thì sẽ tránh khỏi phiền phức bằng cách xác nhận vị Tỳ-kheo tôn quý đã cư ngụ ở đây một thời gian. Ông ta không phải là kẻ trộm. Vì vậy, Ngài bắt buộc phải cho nhà cầm quyền biết ý định của Ngài.

Đại Hắc hỏi tiếp:

- Tôi còn phải làm gì nữa?

- Thưa Tôn giả, khi nào Ngài còn ở trong bãi thiêu thì Ngài phải kiêng ăn cá, thịt, mè, bột, dầu và mật. Ngài không được ngủ ngày, không được hôn trầm. Ngài phải sống tinh tấn cao độ, sử dụng hết năng lực ý chí, tránh nói hai lưỡi, dối trá. Chiều tối khi mọi người đã ngủ, Ngài phải rời tinh xá đến đây. Hừng đông, trước khi mọi người thức dậy, Ngài phải trở về.

Thưa Tôn giả, trường hợp Ngài ngụ trong bãi thiêu này và đạt được cứu cánh đạo quả, và nếu có người mang xác đến vứt đi, tôi sẽ đặt xác trên giàn hỏa và cúng lễ như thường lệ với hương hoa, làm đúng theo nghi thức thiêu xác. Nhưng nếu Ngài không đạt đạo, tôi sẽ châm lửa trên giàn hỏa, kéo xác chết với một cây cọc để ở ngoài giàn hỏa, chặt từng khúc bằng rìu rồi ném vào lửa thiêu hết.

- Tốt lắm, bà chị. Nhưng trường hợp chị thấy một tử thi có thể làm đề mục thích hợp cho tôi thiền quán về sắc tướng, xin mở lòng tốt cho tôi biết.

- Vâng, tôi xin hứa.

Theo đúng ý nguyện, Trưởng lão Đại Hắc thiền quán trong bãi thiêu. Còn Trưởng lão Tiểu Hắc thì bận rộn, lăng xăng vì luôn luôn nghĩ đến đời sống gia đình, nhớ con, nhớ vợ, cứ nghĩ là anh mình đã dấn thân vào một việc làm hết sức khó khăn.

Bấy giờ, có một phụ nữ trẻ con nhà thế gia vọng tộc bị bệnh và chết vào chiều hôm ấy, nhan sắc còn mặn mà. Thân quyến và bạn bè đưa xác cô vào bãi thiêu với củi, dầu và những món cần thiết khác. Họ nói với người giữ bãi hãy thiêu xác này.

Rồi họ thanh toán giá cả, giao tử thi và ra về. Người giữ bãi cởi y phục cô gái, chú ý đến thân thể đẹp đẽ vàng chói, chợt thân này thích hợp làm đề mục thiền quán cho Tôn giả. Rồi bà đến chỗ Trưởng lão thưa cho biết và thỉnh Ngài đến. Trưởng lão đến nơi, yêu cầu bỏ áo che thân tử thi và đứng quán sát từ chân tơ kẽ tóc. Ngài dặn bà giữ bãi hãy ném tấm thân vàng chói đẹp đẽ này vào lửa, và khi ngọn lửa cháy bén, cho Ngài hay. Xong Ngài về chỗ riêng của mình và ngồi xuống. Người gác làm theo lời dặn rồi đến báo.

Và Ngài về chỗ riêng của mình ngồi xuống, nhận thức rõ ràng về Hoại và Diệt

Và Ngài về chỗ riêng của mình ngồi xuống, nhận thức rõ ràng về Hoại và Diệt

Trưởng lão đến lò thiêu và quán sát tử thi. Chỗ thịt bị lửa táp, da của cô gái giống da con bò vằn vện, bàn chân lòi ra và thòng xuống, bàn tay co quắp, trán bị lột da. Trưởng lão nghĩ thầm: "Ai nhìn thấy thân này bây giờ mà không bỏ hết những lời tán tụng, một thi thể đã thối rữa, đã hoại diệt". Và Ngài về chỗ riêng của mình ngồi xuống, nhận thức rõ ràng về Hoại và Diệt:

Các hành vô thường,

Là pháp sanh diệt.

Sanh diệt diệt rồi,

Tịch diệt là vui.

Đọc Pháp Cú này xong, Đại Hắc khai mở Minh-sát-tuệ và đắc quả A-la-hán cùng các thần thông.

Bài liên quan

Khi Trưởng lão Đại Hắc đắc quả A-la-hán, đấng Đạo sư đang du hành với chúng Tỳ-kheo vây quanh. Ngài đến Setavya và vào rừng Simsapà. Những bà vợ của Tiểu Hắc nghe tin đức Phật đã đến đều mưu toan giành lại chồng mình. Họ sai người đi thỉnh Phật. Trong khi chờ đợi Phật đến, theo lệ thường họ phải sửa soạn chỗ ngồi không hạn chế, và để đảm bảo sự sắp xếp được chu đáo, một Tỳ-kheo được phái đến trước, chuẩn bị Phật tòa đặt ở giữa, bên phải là chỗ ngồi của Trưởng lão Xá-lợi-phất, bên trái là Trưởng lão Mục-kiền-liên, và kế đó ở hai bên phải xếp đặt chỗ cho chúng Tỳ-kheo. Do đó, Trưởng lão Đại Hắc là người có trách nhiệm giữ y bát của chúng Tăng, gọi Tiểu Hắc lại bảo:

- Ông hãy đến trước và điều khiển việc xếp chỗ ngồi.

Ngay từ lúc gặp lại Tiểu Hắc, các phu nhân giễu cợt ông. Họ đặt những tòa thấp ở phía đầu cho chúng Trưởng lão ngồi và tòa cao cho các tân Tỳ-kheo ngồi. Tiểu Hắc dặn họ sửa đổi lại:

- Đừng có đặt như thế, đừng để tòa thấp ở trên và tòa cao ở dưới.

Nhưng mấy bà không muốn nghe lời ông, họ còn hùng hổ:

- Ông đi tới đi lui làm gì ở đây? Ông lấy quyền gì ra lệnh xếp chỗ? Ông đã bỏ ai đi tu? Ai xuất gia cho ông? Ông đến đây để làm gì?

Nhạo báng ông hết lời rồi, họ xé toạc y thượng và hạ của ông, khoác bộ đồ trắng thế tục vào, đặt một vòng hoa lên đầu và đẩy ông ra ngoài, tặng thêm một câu:

- Hãy đi mà tìm Phật, để chúng tôi sẽ xếp đặt chỗ ngồi!

Vào thời đó, những người mới thọ Tỳ-kheo trong thời gian ngắn, chưa từng an cư kiết hạ, nếu hoàn tục thì không có gì phải xấu hổ. Do đó Tiểu Hắc không phiền hà gì về y phục của mình. Ông đến đảnh lễ Phật và thỉnh Phật cùng Tăng đoàn của Phật xong về nhà.

Khi đức Phật và chư Tăng thọ trai xong, các bà vợ của Đại Hắc thấy vậy cũng toan tính giành lại chồng. Thế là họ lại thỉnh đức Phật vào ngày sau. Nhưng lần này một Tỳ-kheo lại được phái đến sắp xếp chỗ ngồi, và như thế các bà vợ của Đại Hắc mất cơ hội gây phiền toái cho Ngài. Dọn xong chỗ ngồi cho chúng Tăng, các bà dâng thực phẩm. Những vị tăng muốn thọ thực ngồi xuống và độ ngọ, những vị tăng muốn ra ngoài đứng lên và đi ra. Đức Phật ngồi xuống và thọ thực. Đợi Ngài thọ thực xong, các bà vợ liền thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ngài Đại Hắc sẽ hồi hướng công đức rồi trở về sau, thỉnh Thế Tôn về trước.

Phật chuẩn y:

- Tốt lắm!

Phật về đến cổng làng, chúng Tăng bất bình nói với nhau:

- Chao ôi! Hành động của Đạo sư quả là khó ổn. Không biết Ngài có để ý hay không. Hôm qua Tiểu Hắc đến trước để sắp chỗ thì đành chấm dứt đời sống phạm hạnh. Còn hôm nay một vị tăng khác được phái đến thì không việc gì xảy ra.

Nhưng đức Phật vẫn để Đại Hắc ở lại và tiếp tục lên đường. Các Tỳ-kheo lại bàn tán:

- Tỳ-kheo Đại Hắc đức hạnh và cao thượng, không biết các bà vợ có khiến Ngài chấm dứt đời sống phạm hạnh?

Đại Hắc, con của Ta, trái hẳn, không chạy theo dục lạc, không lay động như một ngọn núi đá.

Đại Hắc, con của Ta, trái hẳn, không chạy theo dục lạc, không lay động như một ngọn núi đá.

Nghe xôn xao, đức Phật dừng lại và hỏi họ:

- Các ông đang bàn gì thế?

Họ kể lại, Ngài bảo:

- Nhưng này các Tỳ-kheo, các ông không nghĩ là Đại Hắc giống Tiểu Hắc chứ?

- Vâng, bạch Thế Tôn, Tiểu Hắc có hai vợ, nhưng Đại Hắc có tới tám. Nếu bị tám bà này vây quanh và bắt lấy thì không biết Ngài sẽ xoay trở ra sao, thưa Thế Tôn?

- Các Tỳ-kheo, đừng nói thế! Tiểu Hắc sống bận rộn lăng xăng, để tâm tham đắm trong những thú vui. Còn Đại Hắc, con của Ta, trái hẳn, không chạy theo dục lạc, không lay động như một ngọn núi đá.

Rồi Phật nói Pháp Cú sau:

Ai sống nhìn tịnh tướng,

Không bộ trì các căn,

Ăn uống thiếu tiết độ,

Biếng nhác chẳng tinh cần,

Ma uy hiếp kẻ ấy,

Như cây yếu trước gió.

 ***

 Ai sống quán bất tịnh,

Khéo bộ trì các căn,

Ăn uống có tiết độ,

Có lòng tin, tinh cần,

Ma không uy hiếp được,

Như núi đá trước gió.

Các bà vợ cũ của Đại Hắc vây quanh Tôn giả, hè nhau kể lể:

- Ai đã cho phép ông đi tu? Bây giờ ông có chịu trở lại làm gia chủ không?

Nói xong, và mạnh bạo hơn lần trước, các bà tìm cách lột y vàng của Ngài. Nhưng Tôn giả đã đoán trước, dùng thần thông bay xuyên qua nóc nhà, rồi bay đến chỗ Phật, hạ xuống đất ngay lúc Thế Tôn kết thúc Pháp Cú. Tôn giả ca ngợi kim thân Phật và đảnh lễ dưới chân Ngài.

Tích truyện Pháp cú

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?

Kiến thức 09:15 04/12/2024

Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.

Xem thêm