Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 07/05/2014, 15:59 PM

Tiếp xúc và cúng dường Phật đản là tiếp xúc với tâm và nguyện Bồ đề

Là đệ tử Phật, chúng ta tiếp xúc với sự ra đời của đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni là chúng ta có cơ hội tiếp xúc với tâm Bồ đề nơi Ngài và ở nơi mỗi chúng ta.

Nếu đức Phật không có tâm Bồ đề, thì Ngài đã và sẽ không có mặt với chúng ta. Vì Ngài đến với chúng ta bằng tâm và nguyện Bồ đề, nên Ngài có tự do trong khi đến và có tự do trong khi đi. Chúng ta đến với Ngài cũng bằng tâm và nguyện Bồ đề, nên Ngài mãi mãi có mặt ở trong mỗi chúng ta, và chúng ta cũng mãi mãi có mặt ở trong Ngài.
    
Học hỏi và nghiên cứu các hệ thống kinh điển đã giúp cho ta biết rằng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo rất lâu xa. Lâu xa đến nỗi không thể dùng những con số của toán học để ước lượng hay tính đếm, và cũng không thê nào dùng tri thức của con người để trắc lượng hay suy tưởng. 
     
Đức Phật xuất hiện cách đây hơn 26 thế kỷ, tại vườn Lumbini, nước Nepal chỉ là vì bản nguyện độ sinh mà đức Phật thị hiện đó thôi. Nên chuyện ghi lại ở trong các kinh điển, Bồ tát Siddhatta tức là tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời bên hông phải của hoàng hậu Maya, đi bảy bước trên bảy hoa sen, và nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, có chư Thiên trỗi nhạc cúng dường và dùng những vòi nước hoa để phun rửa, khi Bồ tát Tất Đạt Đa ra đời là chuyện hoàn toàn có thật, chứ không phải là huyền thoại.
     
Có thật, vì Ngài xuất hiện giữa cõi đời này với tư cách của một vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ, có đầy đủ đại bi, đại trí, đại nguyện và đại hạnh của Tâm bồ đề, qua hình thức một người phàm mà không phải phàm, để đem lại lợi ích cho cuộc đời, chứ không phải là chuyện của một người phàm bình thường khi sinh ra giữa cuộc đời.
     
Nên, những đặc điểm khi Bồ tát Tất Đạt Đa xuất hiện được ghi chép ở trong kinh điển là chuyện có thật. Có thật, vì đó là chuyện của một vị Bồ tát nhất sinh bổ xứ giáng trần theo bản nguyện, mà không phải là chuyện một người thường. Và đó là chuyện có thật mà không phải là huyền thoại, vì mọi việc làm và biểu hiện của một người lớn trong đôi mắt trẻ thơ đều là khó hiểu và đều trở thành huyền thoại đối với chúng ta cả.
    
Chúng ta vì nghiệp lực mà sinh ra, nên chúng ta không có được cái vinh hạnh đó như Bồ tát. Vì vậy, chúng ta không thể dùng con mắt phàm phu để mà nhìn Bồ tát, hoặc so sánh vè một bậc Giác Ngộ. Nếu ta đem con mắt phàm phu, con mắt của nghiệp lực mà nhìn những biểu hiện của bậc Giác Ngộ là chúng ta không thể nào hiểu nổi và hiểu hết.
    
Do không hiểu nổi và hiểu hết bằng khả năng tri thức của con người, nên chúng ta cho là huyền thoại. Nhưng, đúng với phẩm chất của một vị Bồ tát có đầy đủ hạnh và nguyện lớn của Tâm bồ đề, khi xuất hiện giữa thế gian, để đem lại lợi ích cho cuộc đời hay cho đa số, thì việc Bồ tát Tất Đạt Đa khi ra đời từ hông phải của hoàng hậu Maya, đi bảy bước trên bảy hoa sen, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất và tuyên bố “ thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” là sự kiện chẳng huyền thoại chút nào.
     
Nên, những biểu hiện khác thường trong ngày đàn sinh của đức Phật, nếu chúng ta trầm tĩnh một chút là chúng ta có thể thấy, hiểu và tiếp xúc được. Chúng ta hãy tiếp xúc với những sự kiện đặc thù trong ngày đức Phật đản sinh ấy, bằng tâm – hạnh – nguyện Bồ đề, chứ không nên tiếp xúc với những sự kiện ấy với tâm và hạnh mang đầy tham dục và tri thức ngã tính.
     
Nếu chúng ta tiếp xúc với những sự kiện ấy bằng tâm đầm tham dục và tri thức ngã tính, thì cái thấy và cái biết của chúng ta sẽ chuyển tải đến cho chúng ta những chất liệu đầy vô minh. Chúng ta sẽ hiểu Phật đản sinh theo câch hiểu vô minh của chúng ta, và chúng ta sẽ hành hoạt theo vô minh trong ngày Phật đản. 
 

THỊ HIỆN MÀ KHÔNG BUỘC RÀNG
    
Đức Phật là đấng Giác ngộ, sống đời sống giải thoát, an lạc hoàn toàn, nhưng vì thương chúng sinh, nên Ngài thị hiện giữa cuộc đời này, rồi cũng phải vào thai mẹ để nằm, chúng ta nằm 9 tháng 10 ngày, còn Ngài thì ở trong bụng mẹ đến 10 tháng. Nằm 10 tháng là biểu tượng cho viên mãn hạn nguyện độ sinh của Ngài trong 10 pháp giới và có khả năng đưa chín pháp giới nhập vào nhất chân pháp giới gọi là Phật giới.
    
Ngài nằm trong bụng mẹ với bản nguyện của Bồ tát, nên Ngài thấy hạnh phúc, còn chúng ta nằm trong bụng mẹ bằng nghiệp lực, nên mất tự do và đau khổ. Không những chúng ta nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày mới khổ, mà chỉ nằm một ngày thôi, một giờ thôi, cũng đã thấy khổ rồi, vì sao? Vì cái khổ của chúng ta là cái khổ do nghiệp bẩm sinh.
    
Đức Phật nói rằng, cái khổ bị sinh là sự thật của khổ, và lại là cái khổ bậc nhất trong mọi cái khổ. Đức Phật thương cái khổ bị sinh của chúng sinh, nên Ngài mới thị hiện giữa cuộc đời này để dạy dỗ chúng sinh, hướng dẫn cho chúng sinh, cách sống thế nào để thoát ly cái khổ do nghiệp bẩm sinh ấy.

Chỉ vì chúng sinh không nghe hoặc nghe mà không hiểu, không thực tập để sống, không chịu thực hành xả ly, cứ bám víu hết cái này đến cái khác, nên bị khổ đau mãi hoải; và cũng vì thương cái khổ của chúng sinh, nên đức Phật cũng phải kham nhẫn để giáo hóa chúng sinh, dưới nhiều hình thức và nhiều thời kỳ khác nhau.
     
Vì vậy, ở trên đời không ai thương chúng ta bằng Phật thương chúng ta. Cha mẹ chỉ thương chúng ta một đời, và có thể giúp ta thoát khỏi khổ cơm áo, còn Phật thương chúng ta nhiều đời, và có rất nhiều phương pháp giúp cho chúng ta thoát khỏi khổ đau sinh tử, đến chỗ an toàn.
      
Kinh Pháp Hoa có dạy, khi Phật giảng kinh Pháp Hoa, có năm ngàn vị Thanh văn bỏ ra về. Phật thương họ, nhưng không cản. Vì Ngài biết nhân duyên của họ chưa đủ để tiếp nhận diệu pháp trong thời điểm này. Nhưng sau đó, Ngài cũng tìm đủ mọi cách giáo hóa và đưa họ về với Phật đạo, để tu tập và đều thọ ký cho họ thành những bậc Giác ngộ trong tương lai.
    
Ngài nói với các vị đó rằng : “ Tôi đã từng giáo hoas các thầy khi các thầy là những vị Bồ tát còn tôi là Sadi thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai, vào thời ấy, vì quý vị ham chơi, nên quý vị mãi trôi lăn cho đến bây giờ. Quý vị cũng từng biết ít cho là đủ, bỏ điều cao quý, thỏa mãn với những thành quả tầm thường. Giờ đây, tôi đã thành Phật, và tiếp tục giáo hóa cho các vị và tôi không hề bỏ quý vị, vì quý vị là những người rất đáng thương và cần phải quan tâm để dìu dắt.
     
Chúng ta thấy tình thương của đức Phật là cao cả và hiếm có trên đời. Tình thương của đức Phật do đâu mà có? Do từ nơi tâm Bồ đề mà có, từ nơi trí tuệ mà hiện khởi và từ nơi hạnh kham nhẫn mà tựu thành. Vì tâm và hạnh của Ngài như vậy, nên Ngài đã được chư Thiên và loài người ca ngợi là đấng Đại Từ, Đại Bi đối với chư thiên, loài người, và hết thảy muôn loài.
     
Vì vậy, cúng dường Phật Đản là chúng ta tiếp xúc cho được ý nghĩa cao quý đó nơi tâm và hạnh Bồ đề của Ngài, và mỗi Phật tử chúng ta cũng phải thực tập hạnh thị hiện và kham nhẫn của Ngài để cúng dường Ngài, nhân ngày Phật đản.
   
THUẬN THEO CHÍNH PHÁP
    
Tại sao đức Phật đản sinh từ hông phải của Hoàng hậu Maya? Sinh ra từ phía hông phải là tượng trưng cho sự có mặt của Ngài là thuận theo chính Pháp và dìu dắt chúng sinh đi theo chính Pháp.
     
Chính Pháp là pháp nêu rõ sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân sinh khởi khổ, sự thật về khổ chấm dứt, và sự thật về con đường thoát khổ.
     
Sự thật về khổ là nhân quả của khổ luôn luôn cùng nhau tiếp diễn trong đời sống của mỗi chúng sinh dưới nhiều hình thức biến hoại, và sinh thành luân chuyển khác nhau. Sự thật nguyên nhân sinh khởi khổ là tham, sân, si, vô minh và chấp ngã. Sự thật về khổ chấm dứt là sự an lạc của Niết Bàn. Sự thật về con đường thoát khổ, chính là Bát Chính Đạo. Đi theo con đường diệt khổ, gọi là thuận theo chính Pháp. Do thuận theo chính Pháp mà mọi khổ đau đều được chấm dứt.
     
Nên khi nhập thai, đức Phật đã nhập vào hông phải của hoàng hậu Maya và khi xuất thai, Ngài cũng xuất thai từ hông phải của hoàng hậu, nhằm biểu hiện rằng, nhập hay xuất, ẩn hay hiện gì của đức Phật giữa cuộc đời đều là thuận theo chính Pháp hay phù hợp với chân lý. 
    
BẢY BƯỚC CHÂN ĐI
    
Bảy bước chân đi của Bồ tát Tất Đạt Đa trong ngày thị hiện đản sinh là tiêu biểu cho bảy yếu tố giác ngộ. Hay nói theo thuật ngữ chuyên môn Phật học là Thất giác chi, hoặc Thất bồ đề phần. Hễ bất cứ ai thực tập thành tựu được bảy yếu tố giác ngộ này, thì vị đó có cơ hội thành bậc Giác ngộ hay trở thành một vị Phật.
    
Hoa sen là tiêu biểu cho sự vô nhiễm. Nghĩa là Bồ tát Nhất sinh bổ xứ sinh ra giữa thế gian, nhưng không bị những bụi bặm của thế gian làm cho ô nhiễm, mà trái lại còn có khả năng chuyển hóa những bụi bặm của thế gian thành hương thơm tinh khiết. Bảy bước trên bảy hoa sen ấy là tiêu biểu cho bảy yếu tố giác ngộ, mà một vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ thực tập thành công, và sẽ thành tựu bậc Giác ngộ ngay trong cuộc đời đầy ô nhiễm này.
     
Bảy yếu tố giác ngộ ấy gồm:

1. Trạch pháp giác chi
2. Tinh tấn giác chi
3. Hỷ giác chi
4. Khinh an giác chi
5. Niệm giác chi
6. Định giác chi
7. Hành xả giác chi
      
Thực tập bảy bước đi của đức Phật trong đời sống của mỗi chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta có thể thực tập trong lúc thở vào, thở ra, hay đi đứng nằm ngồi, nói cười, ăn uống, làm việc và suy nghĩ. Qau những hành hoạt như thế, chúng ta có thể tiếp xúc với đức Phật mỗi ngày và mỗi ngày chúng ta đều cúng dường lên Ngài bằng tất cả sự thực tập của mỗi chúng ta, và chúng ta thực tập như vậy là chúng ta cũng đã làm cho đức Phật trong ta đang và sẽ đản sinh vậy.
    
Chúng ta thực tập được như vậy là chúng ta làm lễ kỉ niệm ngày Phật đản một cách có ý nghĩa. Trên đài sen, đức Phật sẽ nhìn chúng ta mà mỉm cười, tin tưởng, và thương quý!
                                                    
Hòa thượng Thích Thái Hòa
Nguồn: Trích trong cuốn Tiếng vọng hải triều 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm