Thứ ba, 07/01/2025, 10:22 AM

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Quán Hạnh (1950 -2024)

Do niên cao lạp trưởng, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Quán Hạnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN thành phố Huế, trú trì chùa Bảo Vân (Huế) đã an nhiên thị tịch lúc 16 giờ 00 ngày 02/01/2025 (03.12 Giáp Thìn); trú thế 75 năm, 56 hạ lạp.

Di ảnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Quán Hạnh.

A. THÂN THẾ

Hòa thượng họ Lê, húy Văn Nghệ, pháp danh Nguyên Đạt, hiệu Hạnh Nguyện, tự Quán Hạnh. Hòa thượng sinh năm Canh Dần (1950), trong một gia đình có truyền thống thâm tín đạo Phật tại xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.Thân phụ là Cụ ông Lê Vĩnh Thiệu, pháp danh Đồng Long, thân mẫu là Cụ bà Tôn Nữ Linh, pháp danh Tâm Yết, tự Phước Hỷ. Hòa thượng là con trai út trong một gia đình có chín anh chị em.

B. XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Vốn sớm có túc duyên với Phật pháp, năm Đinh Dậu (1957) được sự đồng ý của song thân, Hòa thượng xin xuất gia học đạo tại chùa Bảo Vân, đầu sư với Hòa thượng thượng Tâm hạ Niệm tự Phước Nghiêm. Năm Giáp Thìn (1964), được Hòa thượng Bổn sư trao truyền giới pháp Sa Di. Năm Mậu Thân (1968) được Hòa thượng Bổn sư cho phép, Hòa thượng đăng đàn thọ giới Tỳ kheo, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, giới thân huệ mạng trang nghiêm, xuôi dòng bản thể, làm sứ giả Như Lai, thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh. Hòa thượng thọ cụ túc giới tại Đại Giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại Phật học viện Trung phần Hải Đức, Nha Trang do Đức Tăng thống thượng Tịnh hạ Khiết làm Đường đầu Hòa thượng, và được Bổn sư ban cho pháp tự là Quán Hạnh, thuộc đời thứ 44 dòng Lâm tế chánh tông.

C. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Năm Nhâm Tý (1972), Hòa thượng Bổn sư viên tịch tại Sài Gòn, Hòa thượng đã vào Sài Gòn để tổ chức Tang lễ cho Bổn sư, lo tròn bổn phận hiếu đạo đối với bậc ân sư lúc vừa tròn 22 tuổi đời.

Năm Giáp Dần (1974), chư Tôn đức trong Môn phái Tường Vân nhận thấy Hòa thượng là người đồng chơn xuất gia, tánh hạnh thuần cẩn, xứng đáng là vị đống lương, kế thế ngôi vị trú trì, để duy trì và chăm lo Phật sự, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, cho nên chư Tôn đức đã trao chứng nhận, với đầy đủ ấn ký của chư Tôn đức trong Môn phái cũng như Ban Đại diện Phật giáo đương thời, Hòa thượng đảm nhiệm trú trì chùa Bảo Vân.

Năm Đinh Sửu (1997), Hòa thượng được Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa. Năm 2007, Hòa thượng được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.

Sau nhiều năm tham gia Uỷ viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh. Năm 2001-2007, Hòa thượng được Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cung cử giữ chức vụ Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Phong Điền.

Từ năm 2008 đến nay, Hòa thượng được suy cử vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Phong Điền.

Từ năm 2012 cho đến nay, Hòa thượng được cung cử vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế Ngoài việc tích cực tham gia các công tác Phật sự do Giáo hội giao phó, Hòa thượng còn là người luôn quan tâm đến thế hệ tương lai, tích cực tham gia vào các Phật sự tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Năm 2000 và năm 2005, tại Đại Giới đàn Tịnh Khiết, Đại Giới đàn Giác Nhiên, Hòa thượng được cung thỉnh làm Tả hữu Giám đàn.

Năm 2010 và năm 2013, Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị đệ Thất Tôn chứng sư tại Đại Giới đàn Minh Hoằng và Đại Giới đàn Liễu Quán do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại Tổ đình Từ Đàm.

Năm 2016, Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị đệ Lục Tôn chứng sư tại Đại Giới đàn Giác Phong tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc.

Năm 2019, Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị đệ Ngũ Tôn chứng sư tại Đại Giới đàn Trí Thủ, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc.

Không chỉ tích cực tham gia các Phật sự của Giáo hội và giảng dạy tại trường Cơ bản Phật học tỉnh Thừa Thiên Huế. Hòa thượng còn chăm lo trùng hưng Tam bảo, hướng dẫn cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia tu học. Với tâm nguyện và tấm lòng từ bi thương người, Hòa thượng đã có thâm niên nghiên cứu và học hỏi ngành Y học cổ truyền để chữa bệnh cứu giúp bà con nhân dân hữu duyên. Từ năm 1973 đến năm 1992, Hòa thượng tham gia các lớp học châm cứu, bấm huyệt và năm 1993, Hòa thượng đã được Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh theo Y học cổ truyền. Cũng từ năm đó, Hòa thượng đã mở các lớp giảng dạy Y học cổ truyền để truyền dạy lại cho hậu thế tùy duyên giúp người. Đặc biệt Hòa thượng đã mở phòng châm cứu bấm huyệt tại chùa Bảo Vân để chữa bệnh cho bà con nhân dân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

D. CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ TRÙNG TU

Năm Giáp Tý (1984), nền chánh điện chùa Bảo Vân bị sụt lún nghiêm trọng, nên Hòa thượng đã cho trùng tu nâng cấp và lót nền bằng gạch men trang nghiêm tố hảo. Năm 1994, Hòa thượng đã phát tâm thếp vàng lại tôn tượng đức Phật A Di Đà lịch sử, tôn thờ tại chánh điện nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho quần chúng Phật tử đến tu tập và lễ bái.

Năm Qúy Tỵ (2013), Hòa thượng đã cho khởi công xây dựng ngôi Giảng đường, Trai đường và Tăng xá để làm nơi sinh hoạt tu tập cho Tăng chúng và Phật tử. Với tâm nguyện luôn thao thức trùng tu lại ngôi chánh điện để làm nơi quy hướng cho các hàng Phật tử tại gia. Trong ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo, là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian.

Năm 2014, Hòa thượng đã tổ chức Lễ Đặt đá Đại trùng tu ngôi chánh điện chùa Bảo Vân. Tuy nhiên, đầu năm Đinh Dậu, 2017, Ngôi Chánh điện mới được bắt đầu khởi công xây dựng. Qua hai năm trùng tu xây dựng, ngôi chánh điện đã được hoàn thành một cách trang nghiêm viên mãn.

Hòa thượng viên tịch vào lúc 16 giờ 30 ngày 02 tháng 01 năm 2025 (nhằm ngày 03 tháng 12 năm Giáp Thìn) tại chùa Bảo Vân thành phố Huế. Hòa thượng trụ thế 75 tuổi đời, 56 tuổi đạo.

Với hạnh nguyện đại thừa, Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần từ bi, nêu cao gương vị tha, đạo đời hòa quyện, một thể viên dung. Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, phát huy chân lý Đạo vàng một cách trong sáng và tích cực. Hòa thượng đã thể hiện tinh thần và ý nghĩa thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm.

Nam mô Lâm Tế Chánh tông, tứ thập tứ thế, Liễu Quán thiền phái, Tường Vân tổ đình môn hạ, Bảo Vân tự trú trì húy thượng Nguyên hạ Đạt, tự Quán Hạnh, hiệu Hạnh Nguyện Lê công Hòa thượng Giác linh thùy từ mẫn giám.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Quán Hạnh (1950 -2024)

Tăng sĩ 10:22 07/01/2025

Do niên cao lạp trưởng, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Quán Hạnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN thành phố Huế, trú trì chùa Bảo Vân (Huế) đã an nhiên thị tịch lúc 16 giờ 00 ngày 02/01/2025 (03.12 Giáp Thìn); trú thế 75 năm, 56 hạ lạp.

Một đời sống đạo

Tăng sĩ 09:51 07/01/2025

Hòa thượng từng nói: “Muốn cho Phật pháp trường tồn thì phải có người tu hành sáng đạo”. Chính Ngài đã sáng cho nên mới nhận ra giá trị của điều kiện cốt lõi cần thiết, tiên quyết không thể thiếu này. Đã trăm năm qua Hòa thượng lo cho đạo pháp, nhiệt huyết lo cho Thiền tông Việt Nam, muốn thực hiện đạt đến rốt ráo viên mãn, Ngài không thể rời bản tâm sáng ngời này mà thực hiện được.

Tiểu sử Hoà thượng Thích Thanh Định (1960 - 2024)

Tăng sĩ 06:30 24/12/2024

Cuộc đời của Hoà thượng là một tấm gương sáng về đạo hạnh, hết lòng hi sinh trong việc lợi đạo ích đời, đặc biệt là có công lao rất lớn trong việc xiển dương Phật Pháp.

HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật

Tăng sĩ 09:47 19/12/2024

HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.

Xem thêm