Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo Cà sa: Muôn màu pháp diệu Cà sa
Khác với những trang phục của các tôn giáo khác, Cà sa không thuần túy là phục y che thân mình mà từ lâu đã trở thành biểu tượng an lành của Phật giáo. Cà sa đại diện cho sự đức độ, mực thước cũng như sự khiêm nhường của người tu hành.
Nguồn gốc của chiếc áo Cà sa
Cà sa, có phiên âm tiếng Phạn là Kasaya, tên đầy đủ là Cà sa duệ. Theo đó Cà sa không có nghĩa là quần áo hay y phục, mà là khái niệm chỉ sự bạc màu, đơn điệu, chỉ những vật đã cũ kỹ hư nát. Vậy nên hoàn toàn có thể đoán biết được rằng Kasaya có ý chỉ thứ y phục đơn giản đến vô cùng, không màu mè, cốt chỉ để che thân chứ không phô trương. Phần nào đó khiến người ta thấy được nội hàm giản dị, khiêm nhường của Cà sa và những người khoác lên mình tấm áo Cà sa.
Sở dĩ gọi là tấm áo, vì Cà sa thực chất không phải là một loại áo hay y phục như thường thấy. Đó là sự chắp vá kết nối, của nhiều mảnh vải với nhau. Có thể nói đến sự tích về sự ra đời của chiếc áo Cà sa như sau:
Ban đầu, tăng đoàn của Đức Phật có y phục không khác gì so với các tôn giáo truyền thống khác, vậy nên các đệ tử của Phật nhìn chung vẫn chưa có sự nhận diện khác biệt. Thấy vậy, đức vua của vương quốc Ma Kiệt Đài (Magadha), ngài Tần-Bà-Sa-La (Bimfbisala) cũng là một trong những đệ tử của đức Phật đã đề nghị được phục trang khác so với những tôn giáo và những người khác (dù là người thường) để dễ dàng nhận ra. Phật thấy những thửa ruộng được đê kè thẳng tắp hình chữ nhật, Phật đã nói với ngài A-nan-đà theo mẫu ruộng ấy mà may áo cho tăng đoàn. Vậy là chiếc áo Cà sa mang hình dáng những thửa ruộng hình chữ nhật đã được hình thành. Cũng vì vậy mà trong tiếng Hán, Cà sa được hiểu là cát triệt y, điền tướng y, tức là chiếc áo hình thửa ruộng.
Hay cũng có một tích khác nói về sự ra đời của chiếc áo Cà sa như sau. Xưa kia, các nhà sư và những người tu hành theo trường phái khổ tu, nhận bố thí. Họ ăn mặc rất kham khổ để thể hiện sự tôn trọng, tầm đạo và khiêm nhường. Các nhà sư phải đi nhặt những mảnh vải vụn, tấm khăn rồi đem về tự nhuộm màu, chắp vá lại để làm thành tấm vải lớn khoác lên. Và hiện tại, một số tu viện tại Srilanka hay Mianma vẫn giữ lại truyền thống đó. Cho thấy ý nghĩa của chiếc áo Cà sa không gì hơn là sự giản gị, đơn sơ.
Tùy vào sự khác biệt về văn hóa, điều kiện thời tiết, phong tục tập quán, trường phái Phật giáo mà có sự đa dạng về màu sắc của Cà sa, như các nhà tu hành Ấn Độ khoác Cà sa màu vàng cam đậm, Trung quốc có màu vàng trên áo có kẻ những ô vuông chữ nhật đỏ lấp lánh, Cà sa của người Nhật lại là màu trắng, Hàn Quốc có màu xanh lá trà, màu xanh nhạt, nâu sẫm, vàng sẫm của người Việt Nam,…
Công dụng của Cà sa
Mặc dù đơn giản, giản dị, nhưng sâu xa trong phục trang Cà sa vẫn còn nhiều nội hàm tinh túy cần bàn đến, có thể là màu sắc, công dụng,… thậm chí Cà sa cũng thể hiện cấp độ, trình độ giác ngộ của những ai khoác lên chúng. Hiển nhiên không thể đánh đồng những bậc thiền sư giàu trí huệ với những vị mới thụ giới.
Áo Cà sa trong đạo Phật ngoài được dùng làm vật che thân còn có công dụng như chăn đắp (phu cụ) và vật dụng để ngồi (tọa cụ). Như trong kinh Bát Nhã có thuật chuyện đức Phật cùng các đệ tử sau khi khất thực về, dùng cơm xong, ngài tự lau rửa và xếp Cà sa là tọa cụ để ngồi trên đó thuyết giảng.
Cà sa được may theo hình chữ nhật, bao gồm 3 loại cà sa chính: tiểu, trung, đại. Tiểu y Cà sa còn được gọi là An-đà-hội, dùng để mặc bên trong, tiểu y chỉ có 5 mảnh nên còn được gọi là y ngũ điều, cả tấm bao gồm mười miếng, cứ một miếng dài một miếng ngắn ráp lại với nhau là một điều. Trung y Uất-đa-la-tăng là y mặc ở trên y An-đà-hội, gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, nhưng 2 miếng dài một miếng ngắn ráp lại mới thành một điều. Đại y Tăng-già-lê là y đắp ngoài, gồm 9 mảnh gọi y cửu điều, y này gồm 27 tấm và mỗi hàng 2 miếng dài 1 miếng ngắn làm thành một điều.
Hiện nay, tùy theo trường phái Phật giáo, điều kiện tự nhiên hay phong tục tập quán mà mỗi nơi, mỗi quốc gia có loại Cà sa với màu sắc khác nhau và theo đó cũng là sự cải biến về cách may và cách mặc. Nhưng về nguyên thủy thì Cà sa vẫn có 3 màu chính gọi là pháp cà sa sắc tam chủng: màu đen (màu bùn, nâu), màu cận xanh, màu cận đỏ.
Chiếc Cà sa là biểu tượng của đạo Phật, đại biểu cho sự màu nhiệm và giác ngộ của Phật pháp. Cà sa cũng có rất nhiều những công dụng và tên gọi khác nhau:
- Về tên gọi: Cà sa, thế phục (áo của người tu hành sa rời thế tục), pháp y, liên hoa y, từ bi phục, điền tướng y,…
- Đa dạng cách sử dụng: có nói đến trong kinh “Tâm địa quán” nêu lên 10 lợi ích của chiếc y Cà sa đó là: che thân khỏi thẹn; xa tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên; hiện pháp tướng diệt trừ mọi tội; phục y màu đơn giản giúp tâm không sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; khởi tâm bồ đề. Hay trong kinh “Bi hoa” có nói về 5 đức khoác Cà sa là: phàm Tứ chúng phạm những điều sai trái nặng nề biết thành tâm sám hối kính trọng Cà sa thì liền được thụ ký tam thừa; thiên long, nhân, thần, quỷ biết cung kính Cà sa cũng được đắc tam thừa; quỷ thần và nhân loại nếu có một mảnh Cà sa sẽ được no đủ; chúng sinh làm điều ác mà kính trọng Cà sa sẽ khởi tâm từ bi; giữa chiến trận, có được một mảnh cà sa sẽ được thanh tẩy, sinh tâm từ bi thương sót chiến tranh.
Có thể nói, Cà sa mang nhiều hơn ý nghĩa đơn thuần chỉ là một phục y. Cà sa mang trên mình cả một chặng dài của lịch sử Phật giáo, góp phần bồi dưỡng hình ảnh của Phật giáo từ bi, hướng con người đến những điều thiện phước. Những nhà tu hành khoác trên mình áo Cà sa nhận được sự kính ngưỡng của chúng sinh, là biểu tượng của sự đức độ, đoạn tuyệt trần tục, tất cả nhằm lợi lạc quần sinh…
Ý nghĩa của chiếc áo Cà sa
Ngoài những ý nghĩa biểu tượng nêu trên, Cà sa còn mang nhiều ý nghĩa khác.
Xét theo góc độ ý nghĩa về vật chất
Chiếc áo Cà sa được ghép lại bới những mảnh vải khác nhau, điều này nhằm tận dụng tối ưu vật chất để tạo thành vật che thân, biến những vật tưởng chừng như không thể sử dụng thành thứ tiếp tục hữu dụng. Về quan điểm “chắt chiu” như dân gian Việt Nam ta thường quan niệm thì hành động này mang nhiều ý nghĩa thể hiện sự tiết kiệm, khiêm nhường.
Ngay trong xã hội hiện đại cũng vậy, đời sống có những tiến bộ, kinh tế ngày càng phát triển. Người tu hành hay các vị thiền sư không còn cần phải quá kham khổ bởi thường xuyên đã có những Phật tử phát tâm quyên góp, cúng dàng. Tuy nhiên vẫn trên quan điểm giản dị từ ngàn xưa, chư tăng nhận phẩm vật cúng dàng đều không quan trọng rằng vật đó đầy đủ, có thể sử dụng được luôn hay cần có ý nghĩa nào đó. Chính xác hơn là tùy ý của Phật tử và người chiêm bái, cúng dàng mà tất cả phẩm vật đều được sử dụng.
Người tu hành mặc cà sa cốt yếu chỉ để che thân chứ không xem đó như là vật để trau chuốt hay thể hiện cấp độ của mình. Mặt khác chính chiếc áo Cà sa cũng nhắc nhở họ luôn khiêm cung, giữ giới (tránh xa tà dâm, sát sinh, trộm cắp, sân si, sân hận,…) Còn mang đến sự an lạc cho người mặc cũng như những người chứng kiến.
Xét trên góc độ ý nghĩa tinh thần
Cà sa trải qua ngàn năm, thể hiện được sự quan trong của mình trong đời sống và tuyên truyền Phật giáo, vậy nên hoàn toàn có thể nói Cà sa là một trong những hình ảnh biểu tượng đại diện cho đạo Phật, mang nhiều ý nghĩa tâm linh.
Cà sa tập hợp từ nhiều mảnh cũng phần nào thể hiện cho việc tu tập, con đường tu tập đến bến giác cũng có nhiều giai đoạn, như chính đức Phật cũng cần trải qua vô lượng các kiếp mới chứng được quả Bồ đề. Ơn đó nhắc mỗi hành giả đời sau noi gương tiếp tục kiên trì tu luyện, tích lũy công đức, sửa chữa lỗi lầm, thân tâm sạch bụi,…Chính vì thế mà Cà sa cũng mới chia thành nhiều loại, mỗi loại bao gồm số mảnh khác nhau. Các vị tăng ni đức cao nhiều trí huệ thường mặc Cà sa 25 điều, biểu trưng cho sự từng trải, công đức sâu dày, huệ căn sáng ngời, sẽ khác với các vị chỉ mới thụ giới, tu tập chưa thông thì chỉ mặc cà sa 9 điều thôi.
Giá trị truyền thống
Ngoài những giá trị về tinh thần hay vật chất, cà sa còn mang giá trị lưu truyền, tiếp nối mà ít ai biết đến.
Để hiểu thêm sáng rõ về vấn đề này, xin được nhắc lại câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” (cầm hoa mỉm cười) như sau:
Đức Phật trong một cuộc hội trên núi Linh thứu, sau khi thuyết giảng đã giơ một cành hoa lên trước mặt đại chúng mà không nói lời nào. Mọi người đều nhạc nhiên không hiểu dụng ý của đức Thế tôn, duy chỉ có ngài Ma-ha-ca-diếp là mỉm cười. Đức Thế tôn sau đó đã nói: Ta có chính pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô số, vi diệu pháp môn, nay trao lại cho Ma-ha-ca-diếp. Và thế là đức Phật đã truyền lại y bát cho ngài Ma-ha-ca-diếp.
Y bát ở đây được hiểu, y là y phục chính là Cà sa, bát chính là vật đựng phẩm cúng dàng. Từ đó việc trao truyền lại Cà-sa và bát dụng có ý nghĩa như sự kế tục truyền thống, nhắc nhở các đời đệ tử sau tiếp tục chuyên trì tu hành, hưng quang Phật giáo. Truyền thống đó tiếp nối từ ngài Ma-ha-ca-diếp trao lại cho ngài A-nan-đà, kéo dài đến đời thứ 28 là ngài Bồ-đề-đạt-ma(nghĩa là gần 1000 năm sau khi dức Phật về niết bàn). Ngài Bồ-đề-đạt-ma tiếp tục đến Trung Hoa truyền bá Phật pháp, truyền lại y bát nhiều đời đến ngài Huệ Năng (638-713).
Các truyền thuyết trên đây thường mang yếu tố tâm linh, nhưng chắc chắn đã khắc họa vô cùng chi tiết công năng cũng như giá trị to lớn của chiếc áo Cà sa đới với trần thế. Cho dù trải qua biết bao nhiêu năm, Cà sa vẫn là hình ảnh khiến ta liên tưởng đến các bậc tăng nhân giản dị, trên khoác áo vàng, chắp tay niệm Phật. Tướng hình nhẹ nhàng thanh thản. Cũng nhờ thế mà người với vật, vật cùng người luôn hòa quyện góp phần làm nên vị thế của bức tranh Phật giáo.
Duy Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm