Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 08/02/2014, 13:46 PM

Tính chất luận thuyết trong "Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm" của Trần Thái Tông

Phát bồ Đề Tâm là một vấn đề vô cùng quan trọng trong giáo nghĩa của Phật giáo, là yếu tố cần thiết hàng đầu để chuyển phàm thành Thánh, nên trong kinh điển bắc truyền Hán tạng thường được đề cập đến.

Hình như, hiện nay nói đến văn Khuyến phát tâm bồ đề, người ta nghĩ ngay đến Khuyến phát bồ đề tâm văn của Ngài Thật Hiền, người Trung Quốc.

Bài văn này ra đời 
những năm nửa đầu thế kỷ XVIII, đến nay đã và đang được phổ biến rộng rãi trên thế giới, nhất là trong các trường Phật học và có sức tác động rất lớn đến tâm can của người đọc. Trong khi đó, từ thế kỷ thứ XIII, ở Việt Nam chúng ta đã có Phổ khuyến phát bồ đề tâm (Khoá hư lục) do vua Trần Thái Tông sáng tác bằng chữ Hán. Chúng tôi cho rằng, đây là một tác phẩm rất hay, có tính thuyết phục rất cao, nhất là tính phổ biến của nó.
 
Nếu đối tượng chủ yếu mà Khuyến phát bồ đề tâm văn của Ngài Thật Hiền Tỉnh Am hướng tới là người xuất gia thì Phổ khuyến phát bồ đề tâm của vua Trần Thái Tông dung thông cho cả tăng lẫn tục.
 
Dù rằng, trong phần lời tựa, ngài Thật Hiền có nhắc qua: “Ai cáo đại chúng cập đương thế tịnh tín nam nữ đẳng” (Xót xa thưa cùng đại chúng và nam nữ có lòng tin thanh tịnh hiện thời). nhưng trong chính văn, ngài xác định đối tượng bài văn hướng đến là người xuất gia một cách rõ ràng: “Hà tội nhi sinh mạt pháp, hà phước nhi dự xuất gia”. (Ta có tội gì sinh ra trong thời mạt pháp, phước gì mà được dự vào hàng xuất gia.).

Còn Trần Thái Tông lại khẳng định: “Hưu biệt tại gia xuất gia bất câu tăng tục nhi kỳ biện tâm, bổn vô nam nữ nhi hà tu trước tướng” (Thôi đừng phân biệt người xuất gia hay cư sĩ tại gia; không nề tăng hay tục, chỉ cốt thấu triệt chân tâm. Vốn không trai gái, cần gì phải dính mắc hình tướng).

Như vậy đối tượng Trần Thái Tông hướng đến là toàn bộ con dân Đại Việt, không phân biệt người tu hành hay cư sĩ, nam hay nữ, điều cần thiết là thấu rõ nguồn tâm chứ không nên cố chấp vào hình tướng. Lập túc trên quan điểm đó, phạm vi tác dụng của bài văn này là rất rộng lớn, ai ai cũng có thể tiếp cận được.

Có một điểm đáng chú ý là, bài văn Khuyến phát tâm bồ đề của Trần Thái Tông ra đời trước tác phẩm của Thật Hiền Đại sư hơn 500 năm. chúng ta không loại trừ khả năng, ngài Thật Hiền đã từng đọc qua và chịu sự ảnh hưởng của vua Trần Thái Tông.

Vì khi quân Minh đánh bại nhà Hồ, thống trị Đại Việt, đã đem hết những tác phẩm có giá trị văn hoá, triết học, nhất là Phật học lớn của nhà Trần về phổ biến ở Trung Quốc, đương nhiên trong đó không thể thiếu tuyệt tác Khoá hư lục.

Hơn nữa, một trong những nguyên nhân khiến Phật pháp thời Trần hưng thịnh và được phổ biến rộng rãi trong đời sống nhân dân hơn thời Lý, là đối tượng tiếp nhận Phật pháp mà các vua Trần hướng đến là toàn bộ con dân Đại Việt, nên các tác phẩm dùng để phục vụ cho việc truyền bá giáo lý Phật đà cũng phải mang tính phổ biến để mọi người dễ tiếp nhận. Vì vậy, bài văn khuyến phát tâm bồ Đề của vị vua khai nghiệp nhà Trần cũng nằm trong chiều hướng đó.

Tác phẩm được mở đầu bằng thủ pháp so sánh rất ấn tượng và độc đáo giữa vàng ngọc và thân mạng thứ nào quý hơn?: “Phù thế chi chí quý giả duy kim ngọc nhĩ, nhiên sát kỳ sở trọng sát kỳ sở tích phản bất cập ư thân mạng giả dã!” (Ôi! Vật quý nhất đời là vàng ngọc vậy.

Song xét tới chỗ quan trọng, chỗ luyến tiếc thì không thể sánh bằng thân mạng.). Được làm thân người, được sinh nơi trung tâm văn hoá, lại đầy đủ sáu căn có tướng mạo đường hoàng là ba điều khó được. Nếu đã làm được thân người mà quý tài vật hơn thân mình, chỉ bon chen theo danh lợi làm mệt nhọc thể xác, tổn hao tinh thần, thì thật vô cùng đáng tiếc, một khi đã mất thân người thì muôn kiếp khó được trở lại.

Sau khi lý giải cặn kẽ, kèm theo những thí dụ xác đáng nhằm chứng minh, thân người quý hơn vàng ngọc, tiến thêm một bước nữa, tác giả, lại so sánh thân người với đạo cái náo quý hơn?

Ngài xác quyết rằng: “Tuy ngôn thân mạng chi chí trọng, do vị túc trọng ư chí đạo giả dã”. (Tuy nói thân này là trọng, nhưng vẫn chưa quan trọng bằng chí đạo). Để lý giải thuyết phục cho nhận định này, tác giả đưa ra những lời vàng ngọc của ba tấm gương lớn - ba vị đứng đầu ba hệ tư tưởng lớn nhất phương Đông, từ thấp tới cao, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân loại mà ai ai cũng biết:

Thứ nhất là, lời của Khổng Tử - Giáo chủ Nho giáo: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ”. (buổi sớm được nghe đạo, chiều có chết cũng vui.)

Thứ hai là, lời của Lão Tử - Giáo chủ Lão giáo: “Ngô sở dĩ hữu đại hạn vị ngô hữu thân”. (Ta sở dĩ có ba cái lo lớn, vì ta có thân.)

Thứ ba là, tích truyện tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từng bỏ thân cứu hổ. Trong khi tu hành đạo Bồ tát, trong vô lượng vô số kiếp, đức Thế Tôn đã rất nhiều lần xả thân cầu đạo như vậy rồi.

Những bậc Thánh nhân có trí tuệ lớn và phước đức lớn, đã bày gan ruột, dạy rõ chỗ đáng quý của đạo, chúng ta là phàm phu vô trí, há chẳng nên học theo hay sao? Sở dĩ tác giả dẫn chứng ba vị Thánh nhân ở trên, vì dù cho người đọc là sùng Nho, theo Lão - Trang hay tu Phật cũng đều có thể noi gương mà quyết chí học đạo, phát khởi tâm bồ đề.

Như vậy, rõ ràng là thân người đã rất quý, nhưng đạo còn quý hơn nhiều. Vì nhận thức rõ đạo lý này, nên các bậc thánh hiền thà hy sinh thân mạng để cầu đạo. Tức là xả bỏ huyễn thân, cầu đạt ngộ chân thân bất diệt.

Sắc thân tứ đại vốn vô thường, thở ra không hít vào là đã qua đời khác, hôm nay dầu còn khó bảo đảm được ngày mai. Nhưng không ít người không thấu rõ chân lý, vạn pháp luôn thay đổi, chấp thân, chấp ngã tạo nên không biết bao nhiêu nghiệp chướng, thường làm tổn hại cho muôn vạn chúng sinh, oán thù chồng chất, lưới ái bủa vây. Rốt cuộc quả báo tự mình mang, vạc dầu sôi muôn lần chết đi muôn lần sống lại; rừng kiếm núi đao không phương chống lại; đói nuốt sắt nóng, khát uống đồng sôi, đội yên ngậm sắt, mang lông đội sừng, lấy thịt nuôi người, đem thân đền nợ, khổ không kể xiết. Đến lúc ấy có hối hận cũng không còn kịp nữa.

Để làm sáng tỏ những lý lẽ trên, tác giả dẫn chứng hàng loạt nhân vật nổi tiếng, có trí tuệ lớn nhất trong lịch sử từ xưa đến nay. Trên từ Phật, Thánh, Tiên, Hiền dưới cho đến Vua, Quan, Trí, Sĩ đều một lòng trọng đạo. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, tác giả còn e có người tự ti cho rằng, bản thân mình không thể đem so sánh với Phật, Thánh, Tiên, Hiền, Vua, Quan, Trí, Sĩ, mà thối thất tâm ý, nên đưa thêm ra các chứng cứ, cả đến các loài súc sinh cũng còn biết lãnh hội đạo lý đạt được lợi ích lớn: “Dã hồ thượng thính Bách Trượng pháp, loa sư do hộ Kim Cương kinh, thập thiên du ngư văn Phật hiệu hoá vi Thiên tử, ngũ bách biển bức thính pháp âm nhi tổng tác thánh hiền; mãng văn sám dĩ sinh thiên, long thính kinh nhi ngộ đạo”. (cáo đồng còn nghe pháp bách Trượng, ốc vặn hay hộ kinh Kim cương. mười ngàn cá bơi nghe hiệu Phật hoá làm Thiên Tử, năm trăm con dơi nghe pháp chứng Thánh Hiền. Trăn nghe sám được sinh thiên, rồng nghe kinh mà ngộ đạo.) [Khoá hư lục]

Những thí dụ này rất đắc dụng, thử hỏi loài vật còn như vậy, chẳng lẽ con người không được bằng súc sinh sao? Lời khích chân thành này tác động rất lớn đến người nghe, thôi thúc những người đã phát tâm tu đạo, càng tinh tấn dõng mãnh hơn, ai chưa phát tâm thì gấp rút phát tâm bồ đề, dốc lòng cầu đạo, mới thật không uổng một kiếp làm người.

Như vậy tác giả đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng, vàng ngọc không quý bằng thân người; thân người không quý bằng đạo, ngỏ hầu khuyến khích toàn bộ con dân Đại Việt nhanh chóng phát tâm bồ đề, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phát huy tiềm năng tự thân, hầu giải thoát khỏi khổ đau, đạt được an vui niết bàn.

Mỗi con dân Đại Việt đều phát huy được năng lực của mình, sống vui sống thiện, thì dân tộc Đại Việt chắc chắn sẽ hùng cường.

Đó cũng là một trong những phương pháp hiệu quả và chân chính mà vua Trần Thái Tông đã sử dụng để giáo hoá dân chúng, phát triển đất nước. Và những trang sử vàng chói lọi thời Trần là chính là những minh chứng xác thực và hùng hồn cho chân lý nói trên.

Qua bài viết ngắn này, chúng tôi mong mỏi tác phẩm Văn Khuyến phát tâm bồ đề của dân tộc ta được mọi người nói chung, Phật giáo giới nói riêng quan tâm nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng ước mong rằng một ngày không xa, khi dạy môn: “Khuyến phát bồ đề tâm văn” trong các trường Sơ - Trung cấp Phật học, tăng, ni sinh Việt Nam được học bài văn này của vua Trần Thái Tông trước khi học bài “Khuyến phát bồ đề tâm văn” của ngài Thật Hiền. Được như vậy, cũng là góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hoá truyền thống đích thực của dân tộc ta.

Trần Thị Thanh Vân - Thích Hạnh Tuệ/Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2014, xuân Giáp Ngọ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm