Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 03/01/2021, 17:16 PM

Trang bị tâm Quan Âm, hạnh Quan Âm sẽ nhận được lực gia bị của Quan Âm

Lạy Quan Âm, học hạnh của ngài, nghĩ và làm như vậy là đồng hạnh nguyện với Quan Âm, thì sẽ được Quan Âm vô hình gia bị, ta có thể trở thành Bồ tát Quan Âm ở nhân gian.

Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia

Xưa kia sau khi Đức Phật đắc đạo, Ngài cũng muốn vào Niết bàn. Tại sao Đức Phật muốn vào Niết bàn. Kinh nói đơn giản rằng với huệ nhãn của bậc đắc đạo, Phật nhận thấy chúng sanh, chúng sanh nghiệp và chúng sanh phiền não đáng sợ. Trên bước đường tu, chúng ta được giải thoát rồi, có đôi lúc cũng cảm thấy chúng sanh cang cường, đáng sợ và cũng muốn vào Niết bàn. Nhưng thực tế, Đức Phật không vào Niết bàn. Kinh Pháp Hoa nói rằng lúc đó mười phương Phật đều hiện ra, đây mới là điều quan trọng. Đắc đạo thiệt thì có mười phương Phật hiện ra; hay nói cách khác, ta và Phật có mối giao cảm. Đắc đạo thiệt mới thấy chúng sanh, chúng sanh nghiệp và chúng sanh phiền não đáng sợ, đó là cái thấy thứ nhất. Và cái thấy thứ hai là thấy mười phương Phật và các thiện tri thức đồng hành an ủi ta. Đắc đạo thấy mình cô đơn, cô độc trong một xã hội phức tạp, thì ít ai dám dấn thân. Nhưng kế tiếp lại thấy được trong cuộc đời có những người bạn hiểu và hợp tác với ta, thì ta mới phấn đấu đi lên.

Phật ở trong tâm và ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta thường cầu Phật ở xa, nhưng lại quên mất Phật trong tâm mình, Phật bên cạnh mình.

Phật ở trong tâm và ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta thường cầu Phật ở xa, nhưng lại quên mất Phật trong tâm mình, Phật bên cạnh mình.

Bước đầu thấy chúng sanh đáng sợ là thấy theo hướng tiêu cực, chán đời. Hầu như ai đi tu cũng vậy; nhưng bước thứ hai, phát Đại thừa tâm, thấy trong xấu có tốt. Hiền Thánh cũng từ trong chúng sanh nghiệp mà đạt quả vị; vì không có chúng sanh nghiệp thì cũng không có Hiền Thánh. Nhận thấy như vậy, trên bước đường hành đạo, chúng ta mới tìm thiện tri thức. Tuy nhiên, phát tâm Đại thừa, tìm cái tốt trong cái xấu.

Tôi phát tâm Đại thừa, năm 1963, sống chết với Phật giáo. Lúc khó khổ thì không ai xuất hiện; đến khi thành công, anh hùng xuất hiện nhiều quá. Vì thế, tôi cảm thấy chán nản, bỏ sang Nhật tu học. Hòa thượng Thiện Hoa cũng khuyến khích tôi sang Nhật học. Thực sự lúc đó, tôi thấy chán đời, thấy cuộc đời không có gì tốt đẹp cả, không có gì đáng lưu tâm. Tâm lý ấy phát sanh, vì bước đầu cho rằng mọi thứ đều đẹp; nhưng chạm phải thực tế phũ phàng, mới chán. Tôi sang Nhật, nghĩ rằng vào chùa Tổng Trì ẩn cư, ở đó tu Thiền đến bỏ xác. Vì thế, tôi hiểu được ý của kinh nói rằng Phật Thành đạo rồi, thì Ngài muốn vào Niết bàn. Trong xã hội như thế, mình làm được gì; chỉ có cách bỏ cuộc, vì càng tích cực bao nhiêu càng dễ bất mãn lớn. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn nhắc các Thầy cô. Lúc đó, tôi mang tinh thần yếm thế, tiêu cực; nhưng may mắn tôi bắt gặp được tư tưởng Thiền nhập thế tích cực của Phật giáo của Nhật Bản, theo đó tìm giải thoát trong phiền trược, tìm Niết bàn trong sanh tử, tìm Tịnh độ ngay tại Ta bà.

Nếu mình biết, thì sanh tử chuyển đổi thành Niết bàn; mà mình mê, thì Tịnh độ cũng là Ta bà. Nhiều người nói rằng ở ngoài thế gian tưởng nếp sống trong chùa đẹp lắm. Nhưng vào chùa rồi, thì phiền quá, mà ra đời thì mắc cỡ. Lỡ rồi, chỉ còn cách phấn đấu đi lên, cuối cùng cũng tu được. Thuở nhỏ, mới 12 tuổi, tôi cũng có tâm trạng ấy. Vì tôi đọc chuyện thấy Phật Tổ Như Lai đẹp quá, mơ thấy trong chùa cái gì cũng đẹp; nên bỏ nhà, vào chùa tu, tìm an lạc.

Vào chùa rồi, chẳng thấy an lạc đâu cả. Có một lần tôi bệnh, nhớ nhà kinh khủng. Ở nhà chưa bệnh, mình giả bộ bệnh. Bà ngoại, mẹ và chị lo lắng, chăm sóc; mình không thèm ăn món này, thì người nhà năn nỉ ăn món khác. Còn ở chùa bị bệnh, không lên quả đường ăn cơm; người ta đem chén cháo trắng với chút đường cho mình ăn. Thấy mà ngán; không ăn, thì đến giờ, họ dẹp, không cần nghe mình nói "Tôi chưa kịp ăn mà!” và nước mắt cứ thế tuôn trào. Ở chùa có cái tốt, cũng có cái buồn; nếu sống tình cảm dễ rơi vào tình trạng này. Nhưng tu lỡ rồi, phải cố gắng, từng bước vượt qua những thử thách, sẽ nhận được mọi sự tốt lành sau đó. Hòa thượng Thiện Hoa thường diễn tả ý này rằng sơn cùng thủy tận, cùng cực khổ đau sẽ thấy Niết bàn.

Trong đầu tôi nghĩ không có việc gì tốt trên cuộc đời này, thì việc tốt bắt đầu hiện ra. Còn nghĩ tốt, thì không có gì tốt cả. Tôi nhắc quý vị kinh nghiệm này mà tôi đã từng trải qua. Không vượt được những cửa ải này, sẽ rơi lại trần ai sanh tử, khổ hơn. Vì tôi nhìn lại các bạn, không chịu khổ để vượt qua mọi gian nan thử thách; họ trở lại cuộc đời, sống thực khổ sở, thọ quả báo khổ đời này và cả đời sau. Tôi cố tìm Niết bàn trong sanh tử, tìm Cực Lạc tại Ta bà và tôi đã tìm thấy được trong kinh Pháp Hoa; nên tôi rất tâm đắc áo nghĩa của bộ kinh này. Tìm Phật, Bồ tát ngay ở đây. Trong kinh ghi rằng mười phương Phật hiện ra an ủi Phật Thích Ca. Nếu hiểu Phật hiện ra thiệt cũng được. Riêng tôi, thường hiểu Phật qua cuộc sống thực tế của chính mình. Cũng một người đó, giờ trước họ đối xử tệ với chúng ta, nhưng giờ sau, họ lại tốt với chúng ta, nếu chúng ta thay đổi tư duy, hành động của mình.

Hình ảnh cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ tát

Phật ở đâu tới? Phật ở trong tâm và ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta thường cầu Phật ở xa, nhưng lại quên mất Phật trong tâm mình, Phật bên cạnh mình. Ni sư bên cạnh mình là Phật, mà mình xử sự thế nào để vị này thành ác ma. Hiểu như vậy, chúng ta hành đạo được. Trước tôi hay nghĩ rằng mình cô đơn trong một rừng người, vì không ai cảm thông với mình. Nhưng ngày nay, quý vị lại thấy tôi có rất nhiều đệ tử. Khi chúng ta ngộ đạo, nghĩa là thay đổi tâm phàm phu, Nhị thừa thành tâm Phật, thì chuyển đổi pháp lữ Đại thừa thành Phật. Phật ở xa mình cầu giúp không thấy, nhưng thực tế tôi làm đạo được, nhờ Thầy hiền bạn tốt, mà Thầy hiền bạn tốt này phát xuất từ điểm ta phải hiền tốt trước. Ta chưa tốt, không có Thầy bạn tốt. Ta tốt rồi, Thầy bạn dữ cũng trở thành tốt. Người hung dữ với ai, nhưng họ hiền với ta; tự biết ta thay đổi được tâm mình tốt. Không trách người này, chê người kia, khinh người nọ, thì người tốt sẽ đến với mình. Tôi nhắc nhở các Thầy cô nên nhớ ý này mà tu tập.

Lạy Quan Âm, học hạnh của ngài, nghĩ và làm như vậy là đồng hạnh nguyện với Quan Âm, thì sẽ được Quan Âm vô hình gia bị, ta có thể trở thành Bồ tát Quan Âm ở nhân gian.

Lạy Quan Âm, học hạnh của ngài, nghĩ và làm như vậy là đồng hạnh nguyện với Quan Âm, thì sẽ được Quan Âm vô hình gia bị, ta có thể trở thành Bồ tát Quan Âm ở nhân gian.

Ngộ kinh Pháp Hoa, tôi tích cực vào đời. Nơi nào khó khổ, tôi thích dấn thân đến, vì thấy ở đó dễ làm đạo hơn, nên tôi đồng cảm với Đức Quan Âm. Đa số chúng ta thích an lạc, sung sướng, tốt lành; nhưng những điều này không bao giờ đến với ta. Quan Âm không ở Tây phương Cực Lạc, nhưng lại được Phật Di Đà thọ ký sẽ thành Phật kế nghiệp Đức Di Đà sau khi Ngài nhập diệt. Tiếp theo là Đại Thế Chí Bồ tát lên làm Phật ở Cực Lạc. Chúng ta thấy Phật đã sắp xếp như vậy, nên tu theo Ngài. Thật vậy, Quan Âm luôn ở ngay Ta bà mà vị trí của ngài sẽ là giáo chủ ở Cực Lạc. Còn tất cả chúng ta muốn về Cực Lạc, nhưng lại cách xa cõi này muôn trùng vạn dặm. Bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí là hai ứng cử viên sáng giá nhất ở Cực Lạc; những người khác không tranh nổi. Bồ tát Quan Âm thường ở thế giới này, nên chúng ta thấy một trong mười hai lời nguyện của ngài là "Ở Ta bà vào địa phủ, Quan Âm Như Lai cứu vớt chúng sanh nguyện”.

Quan Âm ở trong Ta bà mà xây dựng Cực Lạc, là xây dựng cái gì? Cực Lạc không phải là cái nhà, nhưng là tâm Cực Lạc, tâm Tịnh độ. Vì thế, muốn xây dựng Tịnh độ, phải lo xây dựng cái tâm của chính mình. Các Thầy cô tu hành phải thể hiện việc thực tế này. Đối với tôi, xây dựng Tịnh độ là xây dựng tình người, xây dựng tinh thần vô ngã vị tha. Đa số người khổ đau, vì chấp ngã, chấp pháp. Ai tranh chấp vật sở hữu của ta, thì ta chết sống, đụng đến ta là ta không khoan nhượng. Nhưng tranh chấp như vậy, ta chỉ được cái giả danh, hư ảo; nay ta giữ chức vụ này, mai kia người khác nắm. Người xưa đã nói một khoảnh điền, thiên niên vạn chủ. Ta chẳng giữ được gì cả.

Sự linh ứng và nhiệm màu của câu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”

Tu hành mà chấp ngã chấp pháp là đem tâm Ta bà đặt vào Tịnh độ, thì chùa không còn tốt đẹp đối với chúng ta. Nhưng tâm Tịnh độ chúng ta sanh ra, thì đầu tiên là vô ngã theo Đại thừa; Nhị thừa dùng từ "Không, vô tác, vô nguyện”. Ở đây, ta không có ham muốn nào cả, không muốn người làm theo mình, vì mình vô ngã. Vì vậy, thấy việc mình thích mà người khác làm, thì mình giúp. Sang Nhật tu học, ở đâu tôi cũng xem nơi đó là của mình, đóng góp công sức, nhờ thấm nhuần tinh thần vô ngã, dù tôi chỉ sống tạm rồi về Việt Nam. Trong khi các huynh đệ khác chỉ hết lòng lo cho chùa mình, ở chùa khác thì không động móng tay, chờ giờ ăn cơm và tất nhiên, kết quả đến với họ chẳng tốt đẹp gì.

Vô ngã nên phục vụ chúng sanh vô điều kiện. Ai đòi hỏi gì, chúng ta cũng giúp; làm sao không có Tịnh độ. Nghĩa là tâm Tịnh độ mới có Tịnh độ. Tu Pháp Hoa, làm theo yêu cầu của người khác, chắc chắn có Tịnh độ. Thí dụ chùa này thỉnh tôi thuyết pháp, tôi đến đây theo yêu cầu của đại chúng; đương nhiên Tịnh độ xuất hiện. Vì thế, Phật dạy rằng người tu thực, thì ở đâu cũng là Niết bàn. Nếu quý vị thực hành được tinh thần vị tha vô ngã, sẽ thấy hay vô cùng, ở đâu cũng vui. Tôi chỉ mong có đủ thì giờ và sức khỏe để phục vụ cuộc đời, nên ở đâu tôi cũng cảm nhận sự an lành. Tâm của chúng ta là Phật, Bồ tát, thì tất cả người xung quanh ta là Phật, Bồ tát. Không có gì không phải là Phật, chúng ta mới chứng được quả vị Như Lai. Còn thấy việc không tốt trên cuộc đời này, chúng ta tự biết mình cách Phật còn xa.

Quan Âm ở tại Ta bà đủ thứ chuyện rắc rối và ngài cũng thường vào địa phủ là nơi nhiều khổ đau. Như vậy, người đau khổ và người rắc rối là đối tượng cứu độ của Quan Âm. Ý này được kinh Hoa Nghiêm dạy rằng quả Bồ đề thuộc chúng sanh. Không có chúng sanh thì Bồ tát không thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Chúng sanh thì phải có nghiệp và phiền não. Pháp Hoa ví nghiệp chúng sanh như đất có phân bón, phiền não ví cho nước. Đất mà không có phân và nước, cây cối không thể mọc lên. Chúng sanh không có nghiệp và phiền não không phải là đối tượng giáo hóa của Bồ tát. Chúng sanh giàu có, an lạc, Bồ tát đến họ để làm gì.

Tôi còn nhớ câu chuyện rất hay mà Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi thuở còn nhỏ. Hòa thượng nói rằng Kỳ Đà thái tử cúng dường Phật khu vườn để xây tinh xá, nên được công đức lớn và khi ông còn bị bệnh nan y hành hạ, thì được sanh lên cõi Trời. Vậy mà có người lại nghĩ rằng ông cúng dường Phật rồi chết. Thực ra Kỳ Đà mắc bênh nan y hành hạ, ông rất đau khổ, thì cái chết đối với ông rất cần thiết. Phật không độ sanh thì độ tử. Thay vì ông đau khổ, chết phải vào địa ngục; nhưng nhờ phước báo cúng dường, sau khi chết, ông được tái sanh cõi Trời Đao Lợi. Một hôm có vị Tỳ kheo bị bệnh đau bụng, Mục Kiền Liên mới lên Trời để tìm Kỳ Đà thái tử hỏi thăm cách chữa bệnh. Nhưng thái tử thấy Mục Kiền Liên thì bỏ chạy. Mục Kiền Liên mới dùng thần thông chỉ vào ông, khiến ông phải dừng lại; còn các tiên nữ thì đi mất hết. Thái tử mới hỏi ngài cần gì, xin nói nhanh lên, kẻo các cô bỏ đi hết rồi. Điều này cho thấy giải nghiệp rồi, hết phiền não, thì họ không đến với ta nữa.

Ai đến với tôi cũng than khổ quá, không có người nào nói sướng quá. Có phiền não và nghiệp mới tới. Bồ tát phải nghĩ giải nghiệp và phiền não cho chúng sanh và giúp được, họ mới đến. Hành Bồ tát đạo, phải hiểu lý này. Trong khi chúng sanh thì thích tìm người giàu có, thế lực để làm thân, nhờ vả. Nhưng Phật dạy Bồ tát đem gieo hột giống Bồ đề vào nghiệp và phiền não của chúng sanh.

Giải được nghiệp cho người, họ mới mang ơn Bồ tát và tiếp tục giáo hóa, nâng cao đời sống cho họ, họ mới kính trọng Bồ tát. Tôi kinh nghiệm việc này rất rõ. Có người tốt với ta vô điều kiện là nhờ trong đời quá khứ, ta tu Bồ tát đạo, đã giúp đỡ họ. Vì thế, bây giờ thấy ta, họ liền thương mến. Quán sát theo Đại thừa thấy như vậy. Còn người kiếm chuyện, ta phải nghĩ kiếp xa xưa, ta cũng đã kiếm chuyện với họ. Nay oan gia gặp lại, phải giải oan nghiệp này. Bồ đề quyến thuộc gặp lại ta, họ sẵn sàng hợp tác hết lòng, cùng đi lên.

Bồ tát Quan Âm thay vì ở Cực Lạc không giáo hóa được ai; qua Ta bà, có vô số người cần ngài, nên ngài làm được rất nhiều việc. Ở khắp nơi trong Ta bà đều dựng tượng Quan Âm để tôn thờ và gọi ngài là Bồ tát cứu nhân độ thế. Ngài thường ở Ta bà cứu người, nhưng vị trí ở Cực Lạc. Các Thầy cô tu hành cũng nên tìm Cực Lạc ở ngay Ta bà bằng cách giúp đỡ người, thì vị trí của mình tăng cao. Riêng các cô có điều kiện tốt, vì tâm phụ nữ là dễ thương người. Chỉ cần đổi tâm ghét ganh thành tâm thương người; tìm người khó khăn để giúp đỡ, nhất định thành công.

Lạy Quan Âm, học hạnh của ngài, nghĩ và làm như vậy là đồng hạnh nguyện với Quan Âm, thì sẽ được Quan Âm vô hình gia bị, ta có thể trở thành Bồ tát Quan Âm ở nhân gian. Thí dụ bà Thái hậu Ỷ Lan được dân chúng đời Lý tôn danh là Bồ tát Quan Âm, vì bà làm việc giống với hạnh của Quan Âm, nên được ngài gia bị, bà mới thành tựu những việc làm phi thường. Hoặc Bồ tát tâm và Bồ tát vô hình ảnh hiện vào Ni sư Chánh Nghiêm ở Đài Loan, khiến Ni sư này là người bình thường, không học vị, lại trở thành người quan trọng nổi tiếng của Phật giáo Đài Loan và được coi là Quan Âm tái thế.

Ta phát tâm tu theo hạnh nguyện Quan Âm, công đức tự có. Chưa phát tâm, không có tiền; nhưng phát tâm làm việc lớn, cứu người thì những người không quen biết sẵn sàng đến hợp tác với ta. Ở Việt Nam có nhiều điều kiện tốt cho chúng ta làm việc tốt. Vì những người trên thế giới thương người Việt Nam phải gánh chịu đau khổ, mất mát quá nhiều qua hai cuộc chiến tranh. Các tổ chức, hội đoàn, hay người Việt ở nước ngoài mới gởi tiền và nhiều phương tiện khác để giúp đỡ. Nhưng theo tôi, chúng ta phải thương người thiệt, giúp người thiệt. Chúng ta không mong cầu Quan Âm vô hình, nhưng phát tâm làm giống ngài, thì người tốt sẽ tìm đến hỗ trợ chúng ta.

Kinh Bát Đại Nhân Giác cũng dạy điều này:

Kinh Bát Đại Nhân Giác cũng dạy điều này: "Bậc Bồ tát ra tay bố thí, bình đẳng tâm không nghĩ oán thân, càng thương những kẻ ác nhân, quên điều lỗi cũ, thương phần khổ đau”.

Ngoài ra, Quan Âm còn có nguyện: "Diệt tà ma, trừ yêu quái, Quan Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện”. Nghĩa là Quan Âm tồi tà phụ chánh. Học theo Quan Âm, điều gì chánh, chúng ta ủng hộ; việc tà, chúng ta dẹp. Dẹp bằng cách nào? Theo tôi, chúng ta tu theo chánh đạo, khắc phục được nghiệp ác, tăng trưởng công đức lành, từng bước đi lên. Chúng ta tồi tà phụ chánh bằng cách giới thiệu mẫu người tốt cho người khác thấy để họ noi theo và họ cũng thăng hoa được. Thí dụ Hòa thượng Trí Tịnh có công đức lớn; vì ngài không bện, hai là ngài dịch nhiều kinh điển cho chúng ta tu học, ba là ngài lãnh đạo Giáo hội suốt hai mươi năm được yên ổn. Người khác ồn ào đủ thứ, nhưng không làm được gì ích lợi cho ai. Quán sát kỹ, nhận biết được tà và chánh. Tà là kẹt tham sân si, chánh là yên tĩnh tu hành. Nhiều lúc Hòa thượng nhắc tôi rằng đừng thấy người khác thế này, thế nọ; đừng coi người khác là "họ”. Khi nào người ta hiểu giống mình, thì họ và mình là một. Ngài chủ trương không phân biệt đối xử.

Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm qua lời giảng của HT. Thích Thanh Từ

Hàng tà ma trừ yêu quái là chúng ta làm tốt như Phật, sẽ giới thiệu được cái tốt cho người. Như tôi giới thiệu mình xuất thân từ gia đình nghèo, nhờ tu mà đi lên được; nên người cũng bắt chước tu theo. Đó là tồi tà, phải hiển dương được chánh đạo bằng cách làm việc tốt.

Bồ tát Quan Âm tay cầm bình cam lồ để cứu giúp người. Nước cam lồ lấy ở đâu? Gần nhất, chúng ta nói từ tâm, từ bản thể của sự vật, hay từ bản thể của Di Đà, lấy từ tánh thiên chơn của chúng ta. Muốn ban cam lồ rải tắt phiền não cho người, phải nhận cho được tánh thiên chơn của mình và từ đó mới sanh ra nước bát công đức. Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta phải đạt đến nhứt tâm, không nghĩ phải trái hơn thua. Có được sức tập trung cao để trở về nội tâm sâu thẳm, đạt đến bản thể sự vật. Và phát xuất từ bản thể này mà thể hiện thành lời nói, hành động, làm chúng sanh mát lòng, gọi là nước bát công đức. Nước này tuy vô hình, nhưng thực tế tiếp cận được người sống với tánh thiên chơn, thì cuộc sống của chúng ta cũng theo đó được tươi mát, an lành. Làm được như vậy là ban nước cam lồ.Trong chú sái tịnh có câu: Phù thử thủy giả bát công đức thủy tự thiên chơn Tiên tẩy chúng sanh nghiệp cấu trần, biến nhập Tỳ Lô Hoa Tạng giới.

Thế giới Hoa Tạng này phát xuất từ tâm chúng ta; vì Phật dạy rằng Phật, tâm và chúng sanh, ba thứ này không khác nhau. Vì thế, nếu vận dụng tâm ta thông qua tâm Phật, thì sẽ đến được thế giới an lạc của Hoa Tạng. Phật đã thâm nhập thế giới trong sạch này, nên Ngài luôn ban rải được an lạc cho tất cả chúng sanh.

Ngoài ra, Bồ tát Quan Âm cứu độ chúng sanh dễ dàng, vì ngài sử dụng tâm đại từ bi, hỷ xả; đó cũng là tâm Phật. Tu hành, chúng ta nỗ lực thực tập bốn tâm này trong cuộc sống. Nhưng đối với tôi, tu xả tâm trước. Người cố ý hay vô tình xúc phạm, tôi đều bỏ qua. Họ đến xin lỗi, nhưng tôi không thấy lỗi của họ; vì tôi đã không để tâm đến. Người làm được việc gì tốt, chúng ta đều tán dương, tùy hỷ. Đến đâu, tạo nguồn vui để sống, ai khổ mình giúp. Tâm đại từ bi của Quan Âm thì vô giới hạn. Có được tâm này mới dung được những người thù nghịch phá hại chúng ta, nhưng nay họ rơi vào hoàn cảnh khó khổ, mà chúng ta vẫn không nhắc đến tội lỗi của họ. Kinh Bát Đại Nhân Giác cũng dạy điều này: "Bậc Bồ tát ra tay bố thí, bình đẳng tâm không nghĩ oán thân, càng thương những kẻ ác nhân, quên điều lỗi cũ, thương phần khổ đau”. Hiện tại họ đau khổ, chúng ta giúp, còn quá khứ ác của họ thì khép lại. Đây là một ý niệm rất tốt, chẳng những có giá trị đối với hàng đệ tử Phật, mà ngày nay còn là giải pháp ứng xử tối ưu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho mọi người, cho đất nước trong mối quan hệ tích cực. Thật vậy, Nhà nước chúng ta cũng chủ trương khép lại quá khứ, mở ra tương lai hòa hợp để dung được những người muốn trở về sống hài hòa với dân tộc, đóng góp cho đất nước chúng ta đi lên.

Bồ tát Quan Âm luôn sống với bốn tâm từ bi, hỷ xả. Chúng ta cầu Quan Âm cứu giúp, nhưng không thực hiện theo hạnh nguyện của ngài, thì ngài không gia bị. Chúng ta thực sự thể hiện được bốn tâm tốt này, người xấu sẽ trở nên tốt với chúng ta. Người chống phá, nhưng nếu hiểu nhau được, họ lại trở thành thân thiết với mình. Còn họ tốt thực, nhưng tại chúng ta cư xử như thế nào mà họ bỏ rơi mình.

Từ thuở nhỏ tu hành, tôi rất ghét phụ nữ và các Ni sư. Vì thế, tôi phải trả quả báo này ít nhất trong hai mươi năm qua; sau đó họ mới có cảm tình lại với tôi. Khi Hòa thượng Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp, Ni trưởng Huê Lâm đến thăm Hòa thượng. Tôi làm thị giả Hòa thượng, rót nước xong là tôi đi. Không ưa người thì phải chịu quả báo; nhưng tu hành xóa được trần lao này, thì Ni trưởng Huê Lâm mời tôi đến chùa Huê Lâm đãi cơm. Nghiệp quá khứ, chúng ta ít nhận ra, chỉ thấy hiện tại chúng ta không bằng lòng. Tuy nhiên, nhận ra nghiệp quá khứ và xóa bỏ được, cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi, người sẽ đối xử tốt với ta. Trước khi du học, tôi là người khó ưa, vì tôi không ưa người. Nhưng học theo hạnh Bồ tát của kinh Pháp Hoa, trở về nước, suy nghĩ và thái độ của tôi đổi khác, nên được nhiều người dành cảm tình tốt đẹp và hợp tác, tu hành theo. Những kinh nghiệm thực tiễn này tôi xin chia sẻ với các Thầy cô để giúp quý vị không vấp phải những sai lầm và gặt hái được thành công trên bước đường tu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ân sâu nghĩa nặng

Kiến thức 15:59 20/04/2024

Có một thứ ân sâu nghĩa nặng mà ngôn từ chẳng làm sao với tới được. Bởi lẽ ở đó, không có sự cho đi và đòi lại, tất cả đều trôi chảy hồn nhiên, không có gì ngưng đọng để người cho và kẻ nhận phải lưỡng lự ngập ngừng, tính toan do dự.

Hãy trân quý cơ hội được nghe pháp!

Kiến thức 14:46 20/04/2024

Pháp là cách thức, là con đường hay phương pháp, đạo lý để khai mở sự mê mờ của tâm thức và có khả năng chuyển hóa khổ đau đến an lạc, giải thoát Niết-bàn. Pháp vị là vị giải thoát nên pháp nào không có công năng đưa đến an lạc giải thoát thì đó không phải là giáo pháp của Đức Phật.

Hàng ngày người Phật tử tu tập sao cho đúng

Kiến thức 13:20 20/04/2024

Hiện nay có nhiều cư sĩ Phật tử đi chùa tu tập, niệm Phật ngồi thiền nghe pháp, cảm thấy vơi bớt khổ não, tâm được an lạc thì muốn vào chùa tu luôn, không muốn về nhà, bỏ bê công việc, lơ là trách nhiệm với gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái...tạo ra dư luận không đẹp cho Phật giáo.

“Phước đức” và “công đức” khác nhau như thế nào?

Kiến thức 12:30 20/04/2024

Điều nghi đầu tiên là khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, đến yết kiến vua Lương Võ Đế, Vua liền hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?

Xem thêm