Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 05/09/2024, 13:22 PM

Truyện ngắn: Triền cỏ lau thơm nắng

Thêm một mùa cỏ lau nữa lại về trắng tinh khôi triền dốc. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh ba tôi những sớm những chiều đi về trên dốc nắng. Bóng ba đổ xuống, vươn dài tận chân đồi bên kia. Tôi đứng tựa cửa nhìn ba.

Nắng rọi vào trong nhà qua kẽ hở của những tấm ván ép vào nhau làm vách. Căn nhà gỗ nhỏ nhuốm màu thời gian mưa nắng, tấm ván này hư mục thì ba tôi thay bằng tấm ván khác, cái bản lề bị gãy, cánh cửa sập xuống thì ba lấy cái khác thay vào, sao cho căn nhà nguyên vẹn và ấm áp nhất để những đêm dài gió lạnh không lùa vào khiến tôi nằm co lại.

- Lần cuối cùng chị nhìn thấy ba chị là khi nào? - Nga líu ríu hỏi.

- Cuối hạ, đầu thu. Ba bước ra sân, ngoái lại nhìn chị cười tươi để lộ hàm răng rụng mất một chiếc bên trái.

- Trời! - Cô bé buột miệng - Sao chị không giữ ông già lại? Để ổng đi mất tiêu!

- Ai biết ông đấy đi luôn đâu mà giữ? Nếu biết, dễ gì chị để ba đi.

Chúng tôi lặng im. Tôi nhìn ra triền dốc, thấy cỏ lau đã nở trắng xóa cả một vùng rộng. Gió lay khiến cỏ, lá chuyển động như sóng gợn. Mùa này, những ngọn đồi thoai thoải dịu hiền. Giá còn có ba - tôi ước vậy - ba sẽ ngắm cỏ lau bung nở sau những sớm mù sương lạnh giá và ngắm cỏ lau vật vờ trong hoàng hôn lặng gió đỏ trời. Còn tôi, tôi sẽ pha cho ba một ấm trà thật thơm, trà thoảng hương hoa nhài ủ mình trong đêm sương tinh khiết để ba nhâm nhi. Khi ba còn ở nhà, mỗi lần ba nhờ tôi pha trà tôi lại lấy lý do đang pha dở bảng màu hoặc đang vẽ một nửa cánh hoa hồng, nếu ngưng lại sẽ mất đi cảm xúc. Ba cười: “Thế cứ làm tiếp đi, ba tự pha được!”. Tôi cũng chưa bao giờ vẽ ba mình lần nào vì tôi chưa có cảm xúc, vì tôi nghĩ ba vẫn ở đó, bao giờ vẽ chẳng được. Triển lãm tranh kỷ niệm những ngày đầu tôi cầm cọ diễn ra vào ba ngày cuối cùng của mùa xuân năm trước, trong một quán cà phê nhỏ trên đồi Lay Ơn. Buổi đó, tôi có để ý đến ba. Tôi thấy ba đi từ bức tranh này đến bức tranh khác để ngắm nhìn, để tự hào về cô con gái yêu nghệ thuật và để kiếm tìm một điều gì đó. Cho đến bức tranh cuối cùng...

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ba tôi là người ít nói. Ông vẫn lặng lẽ từ khi mẹ về với bầu trời thẳm xanh. Tôi càng lớn lên, càng thấy mình xa cách ba nhiều quá. Từ lớp vẽ về, tôi lao vào phòng, kéo rèm lại. Phòng là thế giới của riêng tôi. Trong phòng có ô cửa nhỏ nhìn ra núi đồi và thung lũng đầy hoa dại. Tôi chỉ cần nhìn ra đó một lúc, để hồn mình bay bổng nhẹ nhàng theo gió theo mây là cảm hứng nghệ thuật lại về. Trong căn phòng gỗ bé nhỏ lúc nào cũng thoảng hương hoa cỏ bốn mùa đó, tôi đã vẽ không biết bao nhiêu là tranh, từ phong cảnh đến chân dung, từ vẽ màu đến ký họa đen trắng. Mùa lạnh, tôi ốm suốt một tuần, thầy dạy vẽ không thấy tôi đến lớp đã đi xe đến nhà tôi. Nhìn tôi đang di di cánh hoa thạch thảo trên tay mềm, thầy khẽ cười, ra vẻ bí mật:

- An, ở nhà em có cả một nguồn cảm hứng bất tận đấy!

- Cảm hứng nào ạ, thưa thầy? - Tôi ngạc nhiên.

- Em phải biết chứ!

Thầy nói vậy, rồi đảo mắt một vòng quanh những bức tranh tôi trưng bày trên giá, treo trên vách. Rồi thầy lặng lẽ bước ra sân. Bóng thầy mờ dần trên dốc nắng.

Mãi sau này, tôi mới biết “nguồn cảm hứng bất tận” mà thầy nói chính là ba của tôi.

- Em vô tâm quá, phải không thầy?

Tôi “tự thú” với thầy sau khi buổi học vẽ chân dung kết thúc. Bức tranh tôi vẽ ba chưa bao giờ khiến thầy tôi ưng ý. “Vô hồn quá!”, “Thiếu sức sống, An ạ!”, “Thầy không hiểu vì sao vẽ ba lại khó khăn đến vậy - đối với An!”,... Đó là những lời mà thầy thường nói với tôi, tuy nhẹ nhàng mà cứ ngỡ như những chiếc gai vô hình và sắc nhọn ghim thẳng vào trái tim tôi. Hình bóng ba vẫn đầy tràn trong tim tôi, trong tâm trí tôi kia mà! Tôi lại vẽ ba, hết bức tranh này đến bức tranh khác, bao nhiêu khung mua về tôi đều đem ra vẽ ba, rồi hồi tưởng lại ba ở những lứa tuổi khác nhau: Thuở còn trẻ ba hay dẫn tôi đi trên dốc nắng, khi tôi học cấp 3 sớm nào ba cũng dắt xe đạp lên khỏi dốc cho tôi, khi tôi đi học vẽ ba ngồi đợi tôi đến khi đêm lạnh tịch mịch, khi ba uống trà một mình ngắm cỏ lau nở trắng triền đồi... Mỗi lần vẽ ba, nước mắt tôi lại ứa ra, rơi xuống bức tranh rồi lấm lem nguệch ngoạc...

“Ba ơi! Về đi ba. Về với con, với ngôi nhà gỗ cuối dốc nắng êm đềm...”. - Tôi gọi ba trong những cơn mơ chập chờn không đầu không cuối.

Mấy lần tôi với Nga đi tìm ba. Con bé thương ba tôi như ba ruột, vì Nga thiếu vắng tình thương của người cha từ khi còn rất nhỏ, như tôi thiếu vắng tình thương của mẹ vậy! Chúng tôi rong ruổi từ vùng ngoại ô xa xôi vào thị trấn, lên thành phố, đi dọc dãy đất ven vùng biển đất nước mình vẫn không gặp ba. Đời đã giấu ba tôi vào đâu, để ném trả về cho tôi những bài học đong đầy nước mắt? Tôi gọi ba trong tiếng nấc. Khoảnh khắc đứng trước biển, tôi thét gào thật to: “Ba ơi! Về với con đi ba...”. Sóng cuộn lời tôi giấu vào lòng biển sâu thẳm. Không tìm được ba, chúng tôi về núi. Ngày tôi về dốc vẫn đầy nắng, cỏ lau đã lấm tấm bên kia đồi. Con dốc vẫn đẹp, núi đồi vẫn thơ mộng như ngày còn ba. Nhưng niềm vui trong tôi đã vơi đi ít nhiều. Vắng ba, đời tôi như bức tranh nhạt nhòa, bị thời gian xóa đi từng mảng màu tươi tắn...

Một mùa cỏ lau nữa lại đến. Triền đồi mềm như tấm lụa. Trên nền cỏ xanh bất tận, những bông cỏ lau vươn lên, bung nở trong một sớm nắng ấm đầu thu. Ngay khi tôi mở cửa, sắc trắng của hoa cỏ lau và ánh nắng lung linh ghé vào trong nhà khiến tâm hồn tôi dịu lại. Loại cỏ ấy, tuy yếu mềm nhưng sức sống lại vô cùng mãnh liệt, mặc kệ người đời vùi lấp, giẫm đạp thì cỏ vẫn bén rễ trong đất ấm để mỗi khi thu về lại bung nở tô điểm cho đời. Cỏ lau gợi trong tôi những hồi ức đẹp về ba mình, về những năm tháng chúng tôi sống êm đềm trong căn nhà gỗ nhỏ. Hồi ấy tôi vô tâm, cứ nghĩ rằng khi nào vẽ ba mà chẳng được. Nhưng tôi đã lầm. Người già chẳng bao giờ đủ thời gian để chờ đợi mình làm một điều gì đó cho họ, nếu mình không làm ngay khi có thể, đến một ngày sẽ nuối tiếc xót xa...

Bảng màu trên bàn vẽ của tôi đã khô quánh. Bức tranh tôi vẽ hoài chẳng xong, thấy vô hồn, tôi quệt màu loạn xạ, tự tay hủy diệt đứa con tinh thần của mình. Những ngày vắng ba, tôi thấy mình tâm hồn mình cũng khô cằn và cảm hứng cứ trốn biệt đâu đó không về, cũng như ba đã đi đâu đó khỏi dốc nắng mà chưa về để cùng tôi xây đắp những yêu thương.

Khi tôi tiễn chân thầy giáo dạy vẽ lên dốc nắng, thầy đã nói với tôi rằng:

- Em ạ! Người già thường dễ buồn, dễ tủi, dễ cô đơn. Họ với mình - hai thế hệ vốn có nhiều điểm khác nhau rồi, nếu không cố tìm hiểu họ, bên cạnh họ, bầu bạn với họ... thì khoảng cách sẽ ngày càng xa và họ dễ thấy mình bị bỏ rơi...

- Thầy ơi! - Tôi òa khóc - Em phải làm gì để ba trở về với em, giờ em chỉ cần có ba thôi...

Tôi ra thăm mộ mẹ. Con đường dẫn lên mộ mẹ cũng đầy hoa cỏ lau. Nghĩa trang liêu xiêu gió trong chiều hoàng hôn ráng đỏ bầu trời. Tiếng chim chiều vọng vào lòng tôi những thanh âm giá lạnh. Tôi ngồi với mẹ một lúc, đặt lên mộ mẹ đóa hoa tôi hái được trên đường đến thăm mộ mẹ, thủ thỉ với mẹ đôi điều mà chẳng bao giờ tôi san sẻ cùng ai... Rồi tôi trở về trước khi màn đêm bao phủ. Núi đồi chìm đắm trong hoàng hôn đỏ rực, đẹp và hùng vĩ, nhưng buồn miên man.

Và rồi, tôi sửng sốt trong mấy giây đầu rồi cất tiếng gọi, mắt nhạt nhòa nước:

- Ba! Ba ơi!...

Tiếng gọi xé nát không gian im ắng, vọng vào triền đồi bên kia rồi dội lại, vang vào thinh không. Trước mắt tôi bấy giờ là ba. Vẫn hình ảnh thân thương ấy, vẫn đôi mắt ấm áp và mái tóc bạc phơ ấy. Trong chiếc áo len cổ lọ màu xanh ghi đã cũ, tôi thấy ba mình đã gầy đi nhiều.

Như sợ rằng ba sẽ biến mất một lần nữa, sợ rằng cái khoảng cách ấy vẫn còn, tôi đã choàng tới ôm ba mình rồi khóc như một đứa trẻ. Trong cơn xúc động, tôi có cắn thử vào môi mình, thấy đau, tôi biết rằng ba đã thực sự trở về với tôi rồi.

Vuốt tóc tôi, ba khe khẽ nói:

- Nín đi con gái! Ba về rồi đây! Ba sẽ không đi đâu nữa. Ba sẽ ở lại với con...

Giọng ba khản đặc, tôi biết, nếu nói thêm nữa, có lẽ ba sẽ nức nở như tôi.

Tôi ôm ba thật chặt. Trong hoàng hôn đỏ rực, tôi thều thào bên tai ba mình:

- Con gái xin lỗi ba! Xin lỗi ba thật nhiều!

“Cảm ơn” và “xin lỗi” và “yêu thương rất nhiều” những người thân yêu - lời lẽ ấy có khó gì đâu mà có những đứa con suốt đời không nói được?!

Tôi nắm tay ba đi về căn nhà gỗ nhỏ. Tay ba ấm. Con đường cỏ lau nở đầy hoa gợn nhẹ trong gió chiều. Dưới tầng trời màu đỏ bấy giờ chỉ còn bóng dáng ba con tôi nương tựa vào nhau. Dưới tầng trời vô thanh ấy, mỗi sớm tôi sẽ pha trà cho ba, mỗi chiều tôi sẽ cùng ba tưới hoa, tôi sẽ lại vẽ về ba mình, sẽ kể cho ba nghe những câu chuyện diễn ra ở lớp vẽ... để ba tôi không bao giờ cô đơn giữa cuộc đời vô thường, đầy biến động.

Ngồi bên ba, cảm nhận được hơi ấm toả ra từ ba, tôi nhìn ra con dốc thân thương oằn mình cõng nắng, cõng mưa, cõng thời gian và ký ức.

Người đã về bên dốc nắng...

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm