Truyện ngắn: Sông chiều lấp loáng
Hơn 10 năm rồi, không ai trong xóm Chiều Chiều còn nhắc nhớ chuyện từng nhặt được đứa con nít trong cái thau nhựa trôi tấp vào bến đò. Da đứa con nít ửng lên màu đỏ hồng sau một buổi chiều tắm nắng.
Khi mấy người đàn bà đứng lơ ngơ trên bến đò chờ ông Út một tay vịn thân cây bần, một tay thò ra vớt cái thau đang mắc kẹt giữa đám lục bình xoắn xít, họ cứ tưởng đứa nhỏ đã tắt thở. Vậy mà, khi ông Út kéo tấm khăn đậy hờ ra, ai nấy cũng ngạc nhiên rồi vỗ tay rần rần vì đứa nhỏ trong thau đang nhoẻn miệng cười sằng sặc.
“Nó có duyên với ông Út rồi đó!”- Một người đàn bà reo lên. Tức thì mỗi người một lời, khuyên ông Út nên bế đứa nhỏ về nuôi, thiếu gạo sữa thì họ sẽ góp, mỗi người một chút chắc là nuôi sống được một hài nhi. Ông Út thì đơn chiếc, có mụn con dẫu sao cũng đỡ buồn, mai này nó sẽ báo hiếu, bây giờ vất vả một chút nhưng về già sung sướng tấm thân. Ông Út nghĩ cảnh gà trống nuôi con cũng ngần ngại, nhưng rồi ông quyết định làm liều một chuyến. Ông không nuôi đứa nhỏ thì lấy ai mà nuôi. Từ đó, người trong xóm Chiều Chiều vẫn thường nghe tiếng con nít khóc ré vang ra từ nhà ông Út nằm thoi loi bên kia sông, sau đám lá dừa nước nửa đêm thường nồng nàn hương cờ bắp bung nở. Rồi tiếng ông Út hát ru con nghe da diết: “Ầu ơ... Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Bậu ra bậu lấy ông câu. Bậu câu cá bống, chặt đầu kho tiêu...” vang lên những trưa êm ả rớt trên dòng sông Chiều Chiều đổ ra cửa lớn...
***
Sương lớn lên trong tình yêu thương và sự chở che hết lòng của ông Út. Thời gian trôi qua, tấm lưng ông Út ngày một còng xuống và nắng sương làm tóc đã phai màu. Những hôm đi làm thuê ở nhà máy chà gạo về, trời tối sẫm, người ông Út mỏi nhừ, những khớp xương rã rời. Nhưng khi ông Út nghe Sương gọi hai tiếng “tía ơi” từ trong bếp, những mệt nhoài ngày cũ dường như tan biến. Hai tiếng “tía ơi” sẽ chẳng vang lên nếu ngày ấy không có đứa nhỏ đỏ hỏn trôi tấp vào bến đò. Có lẽ ông Út sẽ sống suốt một đời cô độc bởi ông chẳng chịu mở lòng với ai, ngoại trừ người đàn bà đã dứt áo ra đi trong một chiều xóm vắng. “Dù vật đổi sao dời tui vẫn sẽ đợi bà ấy!”- ông Út nói vậy, mỗi khi có ai đó khuyên ông nên mở lòng ra với một người nào đó để có bạn có đôi. Bởi chim còn có đôi có bạn, cớ gì ông Út lủi thủi một mình trong căn nhà nắng mưa, thiếu vắng nụ cười, thiếu người giữ lửa...
Dòng sông chảy ngang qua xóm Chiều Chiều đã chìm khuất trong đêm tối. Ánh đèn lại le lói trong nhà ông Út. Sương ngồi chải tóc cạnh song cửa, thả những sợi tóc rụng bay bay trong gió, xuống bến sông. Ông Út nằm võng nhìn con gái, thấy Sương càng lớn càng đẹp và hiếu thảo, lòng ông Út vui. Rồi mai này, ít năm nữa Sương sẽ đi lấy chồng, ông lại sống một thân trong căn nhà này. Nghĩ đến cảnh đó, ông thoáng buồn, nhưng với ông hạnh phúc của Sương là điều quan trọng nhất. Ông Út mong đợi đến ngày được uống rượu hồng của con, nhìn nụ cười trên khuôn mặt của Sương, ông Út thấy những vất vả của đời ông đã biến tan như sương khói.
***
Mùa mưa đã về với xóm Chiều Chiều. Những ngày này, chiều về thường ướt mưa tầm tã. Mưa hiu hắt cái bến đò xóm Chiều Chiều, chỗ mà ngày trước thỉnh thoảng bà con trong xóm hay rỉ tai nhau rằng: Sương bị người đàn bà nào dứt bỏ tình thâm, thả trôi trong cái thau chòng chành. Sương nghe được nhưng bỏ ngoài tai chuyện đó, với Sương, dù là con nuôi hay con ruột của tía thì Sương cũng thương tía hết lòng, mai này sẽ phụng dưỡng tía khi tuổi già xế bóng. Mấy lần uống rượu với mấy chú mấy bác trong xóm ngà ngà say, Sương ngồi bên cạnh ông Út khều khều dặn ông Út đừng uống nữa, ông Út xoay sang nhìn Sương, hỏi Sương khi mấy chú mấy bác về hết: “Con gái, con có hận mẹ con không?”. Sương ậm ừ một lúc, nói: “Không, tía ơi! Không hận, mà cũng không thương”. Ông Út hỏi tiếp: “Sao con không thương?”. Sương cúi mặt, giọng trĩu buồn: “Con cũng muốn thương lắm tía, nhưng có biết mặt mũi người đó ra sao đâu mà thương. Trong con không có ký ức nào về người đó, muốn thương cũng không được...”. Ông Út lặng đi. Mấy mươi năm qua, ông Út vẫn không quên hỏi hết chỗ này chỗ kia tung tích của người đàn bà nào năm xưa quấn con trong chiếc khăn đặt vào cái thau rồi thả trôi trên dòng sông chảy ngang qua xóm Chiều Chiều. Biển người mênh mông, ông Út lại không có dấu ấn rõ ràng về người đàn bà kia nên mãi đến giờ này vẫn chưa tìm được cho Sương người đã sinh ra Sương để cô gái biết được đâu là cội nguồn sinh dưỡng.
Sau đợt mưa dầm dề từ đêm qua đến sáng nay thì trời cũng hửng nắng. Những tia nắng vàng rọi xuống lấp loáng dòng sông trước nhà. Sương lui cui nấu cơm ngoài sau, mùi khói rơm tỏa ra thơm ấm, vài sợi khói chui qua kẽ lá bay lên mái nhà vẩn đục, Sương ngồi nhìn vạt khói thấy lòng êm ả diệu kỳ. Ông Út đang sửa dở dang tấm lưới rách nát sau một đêm cua gặm, thoáng thấy có ai đó đang chèo qua lại trước bến sông nhà mình. Chiếc ghe không quá lớn, có mui lợp bằng lá dừa nước đã cũ nhàu. Nhìn kỹ, ông Út thấy rõ hình ảnh của một người đàn bà đầu đội nón lá, mặc bộ áo bà ba màu tím cà, mắt hướng về phía bến sông nhà ông. Thấy lạ, ông Út bước xuống bến sông nhìn theo. Người đàn bà ngoái lại.
Một lúc sau, người đó lại chèo ngược hướng ban nãy. Ông Út đã ngồi trên chiếc xuồng con đậu trong đám lá dừa nước. Sau mưa, cờ bắp lại dậy hương. Vừa thấy người đàn bà áo tím chèo ngang qua, ông Út liền bơi theo như thể gặp lại người quen cũ. Hì hục. Vội vã. Cuối cùng, chiếc xuồng con của ông Út cũng đuổi kịp chiếc ghe của người đàn bà áo tím vừa lúc chiếc ghe sắp đổ ra cửa lớn.
“Chị kia, chị tìm ai mà cứ lóng ngóng ở bến sông nhà tôi hoài vậy, chị?”- Ông Út hỏi vống, như sợ gió bạt mất lời ông. Người đàn bà áo tím ngưng tay chèo để mái chèo xuôi theo dòng nước, gió thổi chiếc nón lá trên mái đầu bà lật ngược ra phía sau. Bà nhìn ông Út, nở nụ cười- một nụ cười quen thuộc.
Như không tiện để nói chuyện giữa dòng sông, trên trời mây đen dường như sắp sửa kéo đến, đang tản ra một phía, ông Út và người đàn bà tấp xuồng vào bờ. Dưới bóng cây tra bông vàng, bằng giọng trầm buồn, đôi mắt rưng rưng như chút nữa thôi sẽ ứa ra những dòng nước mắt, bà kể: “Ngày trước, vì lỡ lầm nên tôi có sinh ra một đứa con gái. Thấy mình không thể nuôi nổi con, lại nghĩ đứa nhỏ là giọt máu của người đàn ông bội bạc, một phút nghĩ cạn, tôi đã thả đứa nhỏ trong cái thau dưới bến Chùa... Sau này tôi nghe người ta đồn đứa nhỏ tấp vào xóm Chiều Chiều, được người đàn ông rộng lòng cưu mang đến giờ này...”.
Ông Út nhìn người đàn bà đăm đăm, nửa thương, nửa giận. Thương vì người mẹ đã lao đao mấy mươi năm tìm con, vì cảnh mẹ con xa cách. Giận vì sự nông nổi của bà ấy, nếu buổi chiều năm xưa đứa nhỏ không trôi vào bến đò thì không biết nó sẽ đi về đâu, hay sẽ chìm giữa dòng sông sâu trắc trở?
Im lặng một thoáng, ngửi thấy mùi hương của hoa tra bông vàng thoang thoảng, ông Út khe khẽ: “Thôi thì chị đã đến đây rồi, tôi đâu nỡ để mẹ con chị cách xa nhau nữa. Đứa nhỏ năm nào là Sương, con gái tôi, nó ngoan ngoãn, thảo thơm lắm! Tôi luôn dạy nó rằng: nhà mình nghèo, nhưng nhất định phải sống có nghĩa tình, có sau có trước...”. Khoảnh khắc đó, hình ảnh Sương bất chợt hiện lên trong tâm trí ông Út. Cả một hành trình dài, từ khi Sương còn nhỏ bé, ông Út bế bồng trên tay, hát ru những đêm con khóc nhè không chịu ngủ; rồi đến khi con bệnh, ông Út bồng bế con sang nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ, thức suốt đêm không ngủ để canh Sương; và khi Sương đã là thiếu nữ, ông Út vừa là ba, vừa là mẹ để dạy Sương từ cách đi đứng, nói năng... Giờ thì người dứt ruột đẻ ra Sương đã đến tận xóm Chiều Chiều, khoảng cách giữa bà và Sương chỉ còn trong gang tấc. Không có công dưỡng nhưng có công sinh như hơn biển trời, làm sao có thể chối bỏ được...
***
Chiếc ghe cập bến, cành cây rung rinh làm mấy hạt nước mưa đọng lại ban nãy rơi xuống lấm tấm ướt chiếc áo màu tím hoa cà của người đàn bà lạ. Từ trong nhà bước ra, Sương thấy lạ vì lần đầu tiên tía về nhà với người đàn bà lạ. Và rồi ông Út mời người đàn bà ấy lên nhà, nhà đơn sơ nhưng ấm cúng và gọn ghẽ, một tay Sương đã chăm chút từng ngày. Trong không gian tĩnh vắng sau cơn mưa đầu mùa, ông Út gọi Sương ra, nghiêm giọng nói với con gái: “Đây là người đã sinh ra con, Sương ạ! Người ta đã tìm đến đây rồi, tía nghĩ con cũng nên nhận mẹ của mình. Có cha, có mẹ vẫn hơn, con ơi!”. Rồi miệng ông mếu xệch đi.
Tự dưng Sương nép mình vào người ông Út, hai tay nắm lấy bắp tay ông, run run. Có lẽ Sương sắp khóc, còn người đàn bà áo tím hoa cà đang ngồi đối diện nước mắt đã đầm đìa chứa chan. Sợ con gái mình không đủ can đảm để nhận lại mẹ, hay sợ cái ranh giới vô hình nào vẫn còn ngăn đôi con với người đã sinh con ra, ông Út buột miệng, dịu giọng: “Thôi con, nhận mẹ đi con, rồi con có chọn lựa ra sao thì tía cũng vui lòng. Nuôi con lớn từng này rồi, tía mãn nguyện rồi!”. Nghe tía nói mấy câu đó, Sương bật khóc, khóc rưng rức, rồi nấc lên, nghẹn ngào. Trong tiếng nấc, Sương nói với tía: “Tía ơi! Con thương tía lắm! Mẹ thì con nhận, con cũng không oán giận vì những chuyện đã qua. Cái gì qua rồi, mình để cho qua, phải không mẹ”- Sương nhìn sang người đàn bà. Đó là tiếng “mẹ” đầu tiên trong đời mà Sương gọi. Và rồi Sương nói tiếp: “Nhưng con vẫn sẽ mãi là con của tía, con vẫn sẽ ở đây, phụng dưỡng tía, yêu thương tía như từ trước đến giờ vẫn thế!”...
“Sương, tía hiểu!”- Ông Út xoa đầu con gái- “Con qua mẹ đi con. Con phải hiểu, dẫu thế nào đi nữa, người đàn bà xa con là đứt ruột đứt gan...”.
Sương bước qua bên kia, phía người đàn bà áo tím hoa cà đang ngồi nhìn thấu suốt cả cuộc đời mình, nhìn Sương. Sương đưa tay nắm lấy tay người đàn bà, hôn khe khẽ. Ông Út vờ bước ra hàng ba hút thuốc để Sương nói hết những điều mà bấy lâu nay Sương vẫn giữ trong lòng, chỉ chờ có mẹ để được nói, được hỏi, được tỏ bày. Nhưng tất cả đã biến đâu mất, chỉ còn trái tim Sương đập thình thịch trong lòng ngực. Tình mẫu tử chảy từ tâm hồn chan chứa yêu thương của Sương sang người đàn bà, rạt rào, bất tận.
***
Ráng chiều đỏ lựng trên nền trời. Người đàn bà áo tím hoa cà chào ông Út và Sương, ra đi. Khi tiễn mẹ xuống bến sông, Sương thủ thỉ bên tai bà, tay nắm chặt tay bà: “Mẹ ơi! Con vẫn luôn là con của mẹ. Và con cũng sẽ mãi là đứa con gái của tía. Con không thể đi theo mẹ được, mẹ hiểu cho con. Tía đã hy sinh nhiều thứ vì con. Tía dạy con phải sống có đạo lý...”.
Người đàn bà gật đầu khe khẽ, mỉm cười hạnh phúc nhìn Sương. Lòng bà nhẹ nhàng và an nhiên đến lạ. Nỗi giày vò bấy nhiêu năm sâu xoáy trong lòng của bà như cũng mềm hẳn đi. Bà ngoái đầu nhìn lại căn nhà nhỏ đã bắt đầu sáng đèn, và phía sau bếp có ngọn khói rơm vẩn lên trong hoàng hôn tĩnh vắng.
Ghe rời bến. Mái chèo khua nước sông sâu.
Trước khi chiếc ghe đi xa khỏi bến sông có hàng dừa nước ngả nghiêng trong bóng chiều, từ trên bến, Sương vẫy tay theo và nói vang: “Mẹ ơi! Bao giờ thong thả, mẹ ghé lại đây với con. Nhà ta không rộng nhưng đủ chỗ, con và tía vẫn chờ mẹ đến...”.
Người đàn bà nở nụ cười tươi rói trên sông chiều. Gió thổi làm tóc bà bay bay lòa xòa qua trán. Trong chiếc mui- thế giới nhỏ của bà- cũng đỏ rực đèn dầu, ánh sáng loang loang mặt sông. Mái chèo lúc nhặt lúc thưa, đi về phía cuối dòng Chiều Chiều và mất hút trong màu hoàng hôn êm ả...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Những nốt thăng trong cuộc đời
Góc nhìn Phật tử 15:23 07/11/2024Con à! Nếu có ai đến xin gạo, con đừng múc lưng lon gạo, nhớ múc đầy vun nghe con! Trước khi ra khỏi nhà, mẹ hay dặn ba chị em Mai như vậy.
Chính ngữ: giải pháp phòng, chống bạo hành bằng lời nói
Góc nhìn Phật tử 14:12 07/11/2024Đức Phật đã coi việc rèn luyện chính ngữ rất quan trọng đến sự phát triển cá tính và tâm linh.
Truyện ngắn: Mưa đêm xào xạc
Góc nhìn Phật tử 13:18 07/11/2024Xóm giờ vắng người, mái lá lưa thưa nằm êm đềm ven dòng sông chảy qua trước mặt chia xóm làm hai nửa. Bên này sông là nhà, bên kia sông là rẫy ngô rẫy cải, xa xa thấp thoáng mái chùa cổ kính. Trời đã vào mưa.
Yêu những điều không hoàn hảo
Góc nhìn Phật tử 10:19 06/11/2024Trong hành trình tu tập, tôi đã gặp gỡ và học hỏi nhiều điều từ những người xung quanh, những người mà cuộc đời không cho họ sự hoàn hảo. Và chính sự bất toàn, những khiếm khuyết đó lại khiến tôi nhận ra vẻ đẹp thực sự của cuộc sống.
Xem thêm