Từ bó cỏ Kusa đến thời gian Đức Phật thành đạo
Cỏ Kusa có mặt trong cả năm bộ Nikāya, nhằm chỉ cho một loại cỏ với hai cạnh bên sắc bén, có thể làm đứt tay, hoặc dễ bị giật đứt, hoặc dùng làm áo mặc,…Đặc biệt, trong lịch sử Đức Phật, cỏ Kusa là một trong những bằng chứng quan trọng, liên quan đến thời điểm thành đạo của đức Thế Tôn.
Kusa là một loại cỏ thiêng trong văn hóa Ấn Độ, được Ấn giáo, Phật giáo và nhiều ngành y khoa tin dùng, từ ngàn xưa và ngay cả hôm nay. Cỏ Kusa có nhiều tên gọi tùy theo địa phương, mọc ở nhiều quốc gia nhiệt đới trên thế giới trong đó có Ấn Độ, Nepal.
Cỏ Kusa trong Ấn giáo và trong kinh điển Phật giáo.
Cỏ Kusa có mặt trong kinh văn Ấn Độ cổ đại, cụ thể là trong tác phẩm Rig-Veda, trong Atharva-Veda và cả trong luật Manu (II.75)[29]. Tác phẩm Atharva-Veda đã dành nhiều đoạn (AV.XIX.32.3), (AV.XIX.33.1) ca tụng loại cỏ thiêng này:
Ôi Kusa, cội nguồn của ngươi thì trên Thiên giới, nhưng đã sống vững chải ngay cõi đất này[30]! …. là vua giữa các loại cỏ cây[31].
Cỏ Kusa còn được các nhà khổ tu Ấn giáo sử dụng làm áo mặc (kusacīrampi) hoặc trải làm toà ngồi[32], là phẩm vật quan trọng không thể thiếu trong nghi lễ của Bà-la-môn giáo. Đoạn kinh Tăng Chi đã ghi nhận điều này:
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Jānussoni, nhân ngày trai giới Uposatha, sau khi gội đầu và mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng không xa Thế Tôn bao nhiêu. Thế Tôn thấy Bà-la-môn Jānussoni, nhân ngày trai giới Uposatha, sau khi gội đầu và mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng một bên không xa bao nhiêu, thấy vậy liền nói với Bà-la-môn Jānussoni:
- Này Bà-la-môn, nhân ngày trai giới Uposatha, Ông gội đầu, mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng một bên để làm gì? Có phải hôm nay là ngày của gia đình Bà-la-môn?
- Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay là ngày xuất ly của gia đình Bà-la-môn.
- Này Bà-la-môn, như thế nào là ngày xuất ly của các Bà-la-môn?
Khảo cứu về ngày, tháng Đức Phật thành đạo theo kinh tạng Nikāya
- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn nhân ngày trai giới Uposatha gội đầu, mặc đôi áo lụa mới, thoa sàn nhà với phân bò ướt, trải với cỏ kusa xanh, và nằm xuống giữa đống cát và nhà lửa. Đêm ấy họ dậy ba lần, chắp tay đảnh lễ ngọn lửa và nói: "Chúng tôi đi xuống đến Tôn giả". Rồi họ đốt lửa với nhiều thục tô, và sanh tô, và sau khi đêm ấy đã qua, họ cúng dường các Bà-la-môn với các món ăn thù diệu, loại cứng và loại mềm. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là lễ đi xuống của các Bà-la-môn[33].
Cỏ Kusa có mặt trong cả năm bộ Nikāya, nhằm chỉ cho một loại cỏ với hai cạnh bên sắc bén, có thể làm đứt tay (Dhp. 311), hoặc dễ bị giật đứt (S.iii,137), hoặc dùng làm áo mặc (D.i, 166; M.ii,162), hoặc dùng để xâu cá (It,67)…Đặc biệt, trong lịch sử Đức Phật, cỏ Kusa là một trong những bằng chứng quan trọng, liên quan đến thời điểm thành đạo của đức Thế Tôn.
Thiền tòa bằng cỏ Kusa.
Theo Nidānakathā, sau khi thọ dụng bát cháo sữa của nàng mục nữ Sujātā, Bồ-tát Siddhattha đã lên đường hướng đến cội Bồ-đề. Trên đường đi, gặp chàng thanh niên tên là Sotthiyo đang gánh cỏ đem bán (tiṇahāraka), sau khi nhận biết (ñatvā) Ngài là một bậc Đại nhân (mahāpurisa), nên anh ta đã cúng dường tám bó cỏ. Bồ-tát nhận cỏ và đi về cây Bồ-đề. Sau khi cân nhắc phương hướng, Ngài đã trải cỏ làm tòa dưới gốc Bồ-đề và dũng mãnh phát nguyện: “Cho dù da thịt, gân, xương trở nên khô cằn, máu trong thân này dẫu có cạn kiệt, nhưng nếu không đạt đạo[34], Ta quyết không rời chỗ này”.(Kāmaṁ taco ca nahāru ca aṭṭhi ca avasussatu, upasussatu sarīre maṁsalohitaṁ, na tv-eva sammāsambodhiṁ appatvā imaṁ pallaṁkaṁ bhindissāmītī)[35]. Đại nguyện này của Bồ-tát cũng được Luận Đại-trí-độ ghi nhận: “Ta nguyện thiền tọa tại đây đến khi chứng đạt Nhất-thiết-trí. Nếu chưa chứng Nhất-thiết-trí, Ta quyết không rời chỗ này”(要不破此結加趺坐, 成一切智; 不得一切智, 終不起也)[36].
Ở đây, trong bản văn Nidānakathā chỉ ghi nhận người thanh niên cắt cỏ tên là Cát tường (Sotthiyo) đã dâng cúng tám bó cỏ (aṭṭha tiṇamuṭṭhiyo adāsi) cho Bồ-tát. Theo từ điển Pāli-English của PTS, Sotthi có nghĩa an lành, an lạc, cũng có nghĩa là cát tường (well-being,safety), ngôn ngữ Sanskrit ghi là Svasti, cũng mang ý nghĩa tương tự[37].
Kinh điển Hán tạng ghi nhận về loại cỏ này rất sớm. Chẳng hạn, trong kinh Tu Hành Bổn Khởi, do Khang Mạnh Tường dịch vào năm 197[38], ghi rằng, khi Bồ-tát hỏi chàng thanh niên đó tên gì, thì chàng ta đáp rằng: Tên con là Cát Tường, con cắt cỏ Cát Tường[39]. Ngài Huyền Tráng cũng xác tín sự kiện Bồ-tát thọ nhận cỏ Cát Tường trong Đại Đường Tây Vức Ký[40]. Ngài Nghĩa Tịnh trong Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Xuất Gia Sự[41] cũng ghi nhận loại cỏ Cát Tường.
Trở lại từ nguyên Sotthi trong Nidānakathā, từ này đã được các nhà dịch thuật Hán tạng phiên âm thành Cô-thi-thảo (姑尸草)[42] và cũng gọi là Cát Tường (言吉祥也). Theo Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo thì Cô-thi-thảo (姑尸草) được dịch là cỏ Cát Tường, Cô-thi (姑尸) chính là Kusa[43].
Từ những khảo chứng nêu trên, đã xác tín rằng, Đức Phật thọ nhận cỏ Kusa từ một người cắt cỏ và trải làm thiền tòa. Sau 49 ngày miên mật thiền định trên thảm cỏ Kusa, Ngài đã giác ngộ viên mãn. Chính vì vậy, theo chúng tôi, việc tìm hiểu thời gian sinh trưởng của cỏ Kusa trong điều kiện tự nhiên, sẽ góp phần làm sáng tỏ thời gian thành đạo của Đức Phật.
Điều kiện sinh trưởng của cỏ Kusa và thời gian Đức Phật thành đạo.
Cỏ Kusa còn có tên gọi là cỏ Darbha theo Ấn giáo[44], hiện vẫn được dùng làm nệm để ngồi thiền (Kusa mat) và làm nhẫn để đeo (Kusa ring) trong nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ[45]. Các vật dụng bằng cỏ Kusa mãi đến ngày hôm nay vẫn được chế tạo, mua bán giao dịch, có thể tìm thấy trên trang thương mại toàn cầu ebay.in. Theo tạp chí Lịch sử khoa học Ấn Độ (Indian Journal of History of Science), cỏ Kusa có danh pháp khoa học là Desmostachya Bipinnata[46]. Theo tạp chí Quản lý môi trường sinh thái và chăn thả (Rangeland Ecology & Management)[47], Kusa là loại cỏ lưu niên, được phát hiện sống rải rác ở nhiều nơi, từ Sudanian, Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á, Pakistan và cả Ấn Độ. Trong nông nghiệp, Kusa được xem như một loài cỏ dại, có khả năng chịu mặn cao. Thân rễ của cây phát triển mạnh sau mùa mưa (after monsoon rains), cây trưởng thành, ra hoa và kết trái từ tháng Sáu cho đến tháng Mười.
Trong điều kiện tự nhiên ở Ấn Độ ngày nay, cỏ Kusa thường sống những vùng trũng, thấp và dọc hai bờ sông. Thuở xưa cũng vậy, kinh Tương Ưng (S.iii,137) ghi nhận cỏ Kusa mọc hai bên bờ sông. Thực tế này giống với trường hợp thanh niên Sotthiyo cắt cỏ Kusa bên bờ sông Niranjana.
Ở đây, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong bài viết liên quan đến cỏ Kusa ở tạp chí Quản lý môi trường sinh thái và chăn thả ở trên, thì cỏ Kusa ra hoa và trưởng thành từ tháng Sáu cho đến tháng Mười, sau mùa mưa.
Trong khi đó, ở Ấn Độ có hai mùa mưa, mùa mưa Tây Nam và mùa mưa Đông Bắc. Theo tác giả Sulochana Gadgil, ở Trung âm khí quyển và khoa học đại dương, thuộc Viện khoa học Ấn Độ, thì mùa mưa Tây Nam là mùa mưa chính, diễn ra trên phần lớn lãnh thổ của Ấn Độ, từ tháng 6 đến tháng 9[48].
Từ điều kiện sinh trưởng của cỏ Kusa và điều kiện thời tiết ở Ấn Độ như đã trình bày, thì thời điểm thích hợp để chàng thanh niên Sotthiyo thu hoạch cỏ Kusa thương phẩm để đem bán (tiṇahāraka), không thể diễn ra sớm hơn tháng 6 tây lịch. Như vậy, thời điểm thích hợp để Đức Phật nhận tám bó cỏ Kusa làm thiền tòa vào khoảng tháng 10. Sau đó, Ngài đã thiền tọa bốn mươi chín ngày, tức gần hai tháng.
Nếu lịch sử Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền đều ghi nhận thời gian Bồ-tát thiền định là 49 ngày; nếu cả hai truyền thống Phật giáo đều công nhận Bồ-tát dùng cỏ Kusa để làm thiền tòa, thì thời gian Đức Phật thành đạo hợp lý sẽ diễn ra trong mùa đông, nếu nói chính xác hơn vào khoảng tháng 12 dương lịch.
Nhận định
Với Phật giáo nói chung, ngày Thành đạo của Đức Phật là một ngày lễ quan trọng và thiêng liêng. Vì không có ngày Thành đạo của Đức Phật, thì sẽ không có ngày Đản sanh cũng như nhập Niết-bàn. Với ý nghĩa đó, ngày Đức Phật thành đạo cũng là ngày Phật đản sanh: ngày xuất hiện một vị Phật trên đời. Nhận thức rõ về điều này và tổ chức sự kiện đúng với tầm mức là việc làm có ý nghĩa thiết thực.
Từ thực tế, lễ Đức Phật thành đạo đã được hai truyền thống Phật giáo, Bắc truyền và Nam truyền tổ chức vào hai thời điểm khác nhau trong năm và đã có lịch sử gần 1.500 năm. Việc tổ chức lễ hội thành đạo ở mỗi truyền thống Phật giáo chứa đựng những giá trị đặc thù, và đã trở thành nét văn hóa riêng có.
Từ khảo chứng về điều kiện sinh trưởng của cỏ Kusa và thời tiết Ấn Độ ở trên cho thấy, Đức Phật thành đạo trong mùa đông ở Ấn Độ, vào khoảng tháng 12 tây lịch. Các dữ kiện liên quan đến thời điểm thành đạo của Đức Phật đã cũng cố và bổ trợ cho quan điểm này. Cụ thể, khi những con sông ở Ấn Độ cạn nước vào mùa đông như sông Niranjana, thì Bồ-tát mới dễ dàng lội qua như cổ thư Tây Tạng đã chỉ rõ[49], và phù hợp với thực tế lịch sử ngày nay. Không những vậy, thời điểm Đức Phật thành đạo cũng là thời gian khô ráo, vì suốt gần hai tháng, thời tiết rất thuận lợi để Bồ-tát thiền định ngoài trời dưới gốc cây Bồ-đề.
Từ những đối khảo đã chỉ ra, thời gian tổ chức lễ thành đạo của hai truyền thống Phật giáo nêu trên mang dấu ấn của chân lý quy ước (sammuti-sacca), vì căn cứ trên sự thống nhất và đồng thuận của nhiều giới và nhiều người, trong quá khứ, cũng như hiện tại. Việc vượt qua giới hạn của chân lý quy ước này, để vươn lên tầm nhận thức chân lý tuyệt đối về thực tại (paramattha-sacca), giúp cho người học Phật gặt hái nhiều thành tựu to lớn, và một trong số đó chính là thành tựu niềm tịnh tín bất động đối với Đức Phật - bậc vĩ nhân có thật trong cuộc đời này.
Chú thích:
[29] SBE., Vol 25. The Laws of Manu. G Buhler, trans. Oxford: Clarendon press, 1886. Chapter II, Slokas 75. p.44.
[30]The Atharva-Veda (Sanskrit text), Devi Chand M.A,trans. New Delhy: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, Reprinted 2014, p. 762. Cf: O herb, (i.e., kusha-grass) thy main root is in the heavens but are firmly established on the earth.
[31]Ibid, p. 763. Cf: a king among the plants and herbs.
[32]Kinh Tiểu Bộ, tập 6, Chuyện thực phẩm thiên giới, số 535, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 84.
[33]Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.698.
[34] Nguyên văn: sammāsambodhiṁ, tức giác ngộ viên mãn.
[35] The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962. p.71
[36]大正藏第 25 冊 No.1509 大智度論, 卷第三, 共摩訶比丘僧釋論第六.
[37] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p.1283.
[38]Theo Khai nguyên thích giáo lục, quyển thứ nhất và Lịch đại Tam Bảo ký, quyển thứ tư, bản kinh này được dịch vào tháng 3, niên hiệu Kiến An năm thứ 2, tức năm 197. Xem,大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀,卷第四(譯經後漢)
[39]大正藏第 03 冊 No. 0184 修行本起經, 卷下. Nguyên văn:我名為吉祥,今刈吉祥草.
[40]大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第八.Nguyên văn:菩提樹垣內,四隅皆有大窣堵波.在昔如來受吉祥草已, 趣菩提樹, 先歷四隅, 大地震動,至金剛座,方得安靜.
[41]大正藏第 23 冊 No. 1444 根本說一切有部毘奈耶出家事, 卷第二
[42]大正藏第 51 冊 No. 2088 釋迦方志, 卷下
[43] Đinh Phúc Bảo, Phật Học Đại Từ Điển, quyển hạ, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn hành, 2012, tr. 1486.
[44] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p. 296.
[45] Mohanty R. B., Tripathy B. K., & Panda T., “Semiological Application of Plants and Vegetation in folk life and culture of Jajpur District, Odisha : An Introspection”. Journal Anthropological Survey of India, 61(2) & 62(1) July-Dec, 2012 & Jan-June, 2013. p.562.
[46] Mahdihassan. S. “Three important Vedic grasses”. 1987. Indian Journal of History of Science, 22/4. 1987. p. 287.
[47] Salman Gulzar, M. A. Khan, and Xiaojing Liu. “Seed Germination Strategies of Desmostachya bipinnata: A Fodder Crop for Saline Soils”. Rangeland Ecology & Management, 60 July 2007. p.402.
[48] Sulochana Gadgil, “The Indian monsoon and its variability”. Earth and Planetary Science Letter, 2003-31. p.430.
[49] Rockhill, William Woodville. The life of Buddha and the early history of his Order. London: Trubner & Co Ludgate Hill, 1884, p. 31. Cf: Then the Bodhisattva waded across the river.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Xem thêm