Tu một mình, sinh tử một mình, nhưng trên đường đi phải cần có bạn
Đúng ra là chúng ta tu một mình, sinh tử một mình, chứng đắc một mình, nhưng trên đường đi phải cần có bạn. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Tu hành là tự lực, tự giác, tự ngộ, tự chứng, nhưng đạo Phật không cực đoan, không phủ nhận sự hỗ trợ từ những nguồn ngoại lực...
"Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn. Thế nào là bảy? Cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẻ khi tài sản khánh tận.”
Tôi nghĩ, tuy là được thuyết giảng cách đây 26 thế kỷ nhưng tính thời sự của bài kinh này vẫn mới tinh nóng hổi. Thế nào là người bạn tốt? Đức Phật định nghĩa bạn lành:
1. Cho những cái khó cho
2. Làm những việc khó làm
3. Nhịn những việc khó nhịn.
(Mình thì cho cái khó xài, nói chuyện khó nghe và luôn luôn là người khó ưa và cuối cùng là người khó gần.)
4. Tin tưởng kể cho nghe chuyện riêng tư.
5. Giữ bí mật của người khác
(Cái này khó đó, bởi mình mà kể lộn người thì chết cả họ. Hoặc người ta tin tưởng mình, kể cho mình nghe rồi mình đi bu lu ba la thì cũng giết người ta. Cho nên bạn lành khó kiếm lắm.)
6. Không từ bỏ bạn khi gặp bất hạnh
7. Không khinh rẻ khi bạn khánh tận
Năm nay tôi 50 tuổi rồi, nhưng tôi không gặp được người bạn đủ 7 yếu tố này. Kể cả anh em ruột trong nhà, tôi cũng không tin là có đủ bảy yếu tố này. Ngoài đời, khi đã lập gia đình, có con có cái rồi thì tình anh em chỉ còn có hai ba chục phần trăm thôi. Trong đạo cũng y chang như vậy. Một là tu lâu quá đạt tới cảnh giới gọi là ly gia cát ái, lục thân bất nhận. Đó là hướng tốt. Còn hướng xấu là tu lâu quá, có đệ tử, có thân tín, có sự nghiệp riêng rồi thì coi tình máu mủ không ra gì hết.
Ngay cả tình thân anh em ruột mà tôi còn không nghĩ là có đủ bảy cái này nói gì là người dưng. Tôi cũng có quen một vài vị, họ cũng cho cái khó cho nhưng không nhịn được cái khó nhịn. Có vị nhịn được cái khó nhịn nhưng không làm được cái khó làm. Và giả sử như có vị làm được ba cái khó này nhưng cái thứ tư (tin tưởng kể chuyện riêng tư) thì tôi không dám. Có những chuyện riêng tư hơi kỳ nên không dám kể bởi sợ họ vui miệng kể tùm lum thì chết. Kể bí mật cho người ta nghe là khó mà giữ bí mật cho người ta cũng khó. Bạn tốt là khi người ta hữu sự thì mình góp của góp sức, và khi người ta trắng tay mình cũng không bỏ người ta. Hội đủ bảy yếu tố trên thì được gọi là bạn tốt.
Tôi đã nói tôi 50 tuổi, gom luôn người nhà mà tôi không thấy người nào đủ 7, nói chi là người dưng. Khó lắm. Có vị có 5, có vị có 4, có vị có 2, nhưng 7 thì chắc cũng đáy biển mò kim.
Phân biệt bạn lành, bạn dữ theo lời Phật dạy

Bài kinh này sâu lắm, không chỉ nói chuyện bạn lành mà còn nói cho mình trăm chuyện khác. Bài kinh này không phải kể ra cho vui. Mà bài kinh này đặt ra cho mình những câu hỏi sau:
1. Bản thân mình có thể là một người bạn như vậy cho ai hay chưa?
2. Mình có xứng đáng để có một người bạn như vậy hay không?
3. Luân hồi, siêu đọa gì cũng chỉ một mình, đắc đạo chứng thánh cũng một mình, tại sao thỉnh thoảng Đức Phật lại nói về tình bạn?
Bởi vì một lý do vô cùng sâu sắc. Chuyện anh có được bạn lành hay không không quan trọng bằng chuyện anh có là một người bạn lành đối với người khác hay không. Anh phải có một nội hàm như thế nào đó anh mới có thể làm bạn lành và hội đủ 7 yếu tố này.
Không phải mình thấy 7 đức tính này hay quá, mình đi kiếm người bạn như vậy. Mà chuyện đầu tiên là anh phải có đủ 7 đức tính này thì nồi nào mới nắp vung nấy. Đời này không gặp thì đời khác sẽ gặp.
Khi anh đủ sức làm một người bạn tốt thì có nghĩa bản thân anh đã là một người tốt. Phải hiểu bài kinh này như vậy mới là tới nơi tới chốn. Đọc kinh là phải đọc ở giữa hai hàng chữ. Không phải chỉ có Dương Tiễn (trong Phong Thần) mới có con mắt ở giữa mà tất cả người tu Phật chúng ta đều phải là Nhị lang thần Dương Tiễn hết. Đều phải có con mắt chính giữa hết. Hai con hai bên để dành phân biệt cái gì phải, cái gì trái, cái gì nên làm cái gì không nên làm mà người ta đã nói lên, viết ra. Riêng con mắt chính giữa là để dành thấy những cái mà người ta chưa viết ra, thấy được những cái người ta chưa có nói ra. Đọc kinh là phải có mắt giữa như vậy. Trong thần thoại Hy Lạp, Hercules đi vô xứ khổng lồ ở đó toàn là một mắt. Có người Phật tử hỏi tôi, có chúng sanh nào một mắt như vậy không. Tôi nói có thể tin chứ, bởi dưới biển cũng có loại cá có một mắt thôi. Đó là trong thế giới động vật. Còn trong thế giới loài người thì một mắt cũng nhiều lắm.
Có hai trường hợp một mắt:
- Người phiến diện, nhìn một chiều, cục bộ (tiêu cực).
- Người đạt tới cảnh giới vô phân biệt, nhìn vạn hữu trong đời đều là sanh diệt, diệt sanh chớp nhoáng (tích cực).
Học kinh phải biết những điều này, để có lúc ta phải làm người có hai mắt, có lúc ba mắt, và có lúc một mắt là như vậy.
Bài kinh này nói về Bạn nhưng không phải chỉ nói về những đức tính của người bạn lành, mà nói ra hai chuyện rất quan trọng, đó là mỗi người trong mỗi ngày phải tự hỏi mình:
1. Mình có đủ sức để trở thành một người bạn tốt hội đủ 7 khía cạnh này hay không?
2. Mình có xứng đáng có một người bạn đủ 7 khía cạnh này hay không?
Trong thời gian chờ gặp được người bạn tuyệt vời như vậy thì chuyện đầu tiên ta đã là một người tốt rồi. Còn chuyện Bồ tát Thích Ca Mâu Ni gặp được ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ānanda, Ca Diếp là do Ngài đã tu bao nhiêu kiếp rồi mới gặp được những người bạn vàng tri kỷ tri giao, kim bằng như vậy.
Đúng ra là chúng ta tu một mình, sinh tử một mình, chứng đắc một mình, nhưng trên đường đi phải cần có bạn. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn.
Tu hành là tự lực, tự giác, tự ngộ, tự chứng, nhưng đạo Phật không cực đoan, không phủ nhận sự hỗ trợ từ những nguồn ngoại lực. Hạt giống phải tự nẩy mầm, nhưng quá trình nẩy mầm ấy phải cần đến vô số điều kiện hỗ trợ từ bên ngoài. Nhưng dầu có hỗ trợ hay không thì cái mầm đó cũng phải tự nảy ra từ cái hạt. Mình đắc một mình, nhưng như cái hạt giống, mình cần rất nhiều sự giúp sức từ bên ngoài, từ những người bạn.
Bạn có nhiều loại. Có những người bạn có thể sống chết với mình, đi cùng với mình hết cuộc đời. Có những người bạn không dám chết với mình mà chỉ dám sống với mình. Có những người bạn chỉ chịu sướng với mình chứ không chịu khổ với mình. Có những người bạn có thể có mặt bên cạnh mình trog mọi tình huống, nhưng có những người bạn chỉ có thể có mặt bên cạnh mình trong một số việc mà thôi. Có những việc khi mình nhờ cậy là họ trở mặt. Dù họ rất tốt, nhưng có một số việc mình không thể cùng làm với họ được.
Tôi nhớ có đọc một hồi ký trong nước. Có hai người bạn rất thân, trong thời chiến, lúc đánh giặc trên Trường Sơn, một người bị thương lòi ruột, người kia cõng bạn giữa đêm mưa xuyên rừng tìm trạm xá. Bao nhiêu lần tên bay đạn lạc, nhường nhau miếng lương khô, từng nắp bi đông nước. Bao nhiêu lần thức trắng chăm sóc canh chừng cho nhau qua cơn sốt rét. Bò vào qua phía đất địch để hái lá rừng giã thuốc cho bạn uống, quyết sống chết không rời xa nhau. Vậy mà sau 75 hai người lại trở thành đối thủ, cạnh tranh chức vụ, cạnh tranh tiền bạc, quyền lực, trở mặt với nhau, đẩy nhau vào vòng lao lý. Một ngày kia, một người vô tù, bệnh sắp chết. Người nọ vô thăm, khóc và nói: Tao ước mình được trở lại tuổi trẻ ngày xưa, trở lại vùng lửa đạn ngày đó, để tao cõng mày, mày thức đêm cùng tao. Tao không ngờ sau khi hòa bình lập lại trên quê hương này chúng ta lại mất sạch. “Chúng ta mất hết chỉ còn nhau”.
Cho nên hãy nhớ, thông minh giùm một chút, dầu người bạn tốt cách mấy, phải nhớ rằng có những người bạn có thể chia đắng chia cay chứ không thể chia ngọt chia bùi. Có những người bạn có thể sống chung chứ không thể chết chung.
Có những người bạn có thể đi với mình hết cuộc đời, nhưng có những người bạn chỉ có thể đi với mình một đoạn đời, trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà thôi. Phải có cái đầu chứ chỉ có trái tim thôi thì không đủ. Mình phải là người bạn tốt, nhưng phải cẩn trọng khi xem ai đó là bạn tốt.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, trong chuyện tu hành cần có trí mà trong đời sống thường nhật cũng cần phải có trí. Dễ dàng giao phó niềm tin, đến lúc đổ chuyện ra rồi ôm hận thì tệ lắm. Đó là lỗi do mình. Không ai đẩy mình vô cửa tử hết. Do mình “cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Bài kinh này quá sức hay.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Tu một mình, sinh tử một mình, nhưng trên đường đi phải cần có bạn
Phật giáo thường thức
Đúng ra là chúng ta tu một mình, sinh tử một mình, chứng đắc một mình, nhưng trên đường đi phải cần có bạn. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Tu hành là tự lực, tự giác, tự ngộ, tự chứng, nhưng đạo Phật không cực đoan, không phủ nhận sự hỗ trợ từ những nguồn ngoại lực...

Môn thể thao tốt nhất là gì?
Phật giáo thường thức
Hỏi: Thưa Hòa thượng, môn thể thao tốt nhất là gì?

Làm sao có thể đem tiền tài đến đời sau?
Phật giáo thường thức
Hỏi: Thưa Hòa thượng, làm thế nào mới có thể đem tiền tài đến đời sau?

Tu tập là thực tập sống hạnh phúc
Phật giáo thường thức
Người có tâm thiện, từ bi nhiều sẽ nhiều hạnh phúc, người sống với tâm xấu ác nhiều sẽ khổ đau nhiều...
Xem thêm