Tu Thiền Quán Thế Âm Bồ Tát
Chúng tôi hướng dẫn niệm Bồ tát Quán Thế Âm cũng y như niệm Phật Cầu vãng sanh, nhưng khác ở chỗ niệm Bồ tát để cầu cứu độ chúng sinh ngay nơi cõi đời này.
1. Thiền niệm Quán Thế Âm
Hiện nay một số hành giả tu theo pháp môn niệm Phật để cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, lấy tín-hạnh-nguyện làm Tông chỉ. “Tín” là tin có cõi Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc. “Hạnh” là niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. “Nguyện” là nguyện về Tây phương Cực Lạc. Đây là quan điểm của Tông chỉ Tịnh Độ trong bản kinh A Di Đà. Chúng tôi căn cứ theo lời Phật dạy trong Tam tạng Kinh điển thì thấy tất cả đều phải tu Thiền ngay nơi cõi này chứ không phải tìm cầu đâu xa. Thiền của đạo Phật mục đích đạt đến giác ngộ, giải thoát cho chính mình và phát nguyện độ tất cả chúng sinh. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni do tu Thiền dưới cội Bồ đề mà thực chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Chúng ta là những người tu theo Phật thì cũng phải tu Thiền, nhưng tu Thiền như thế nào để được lợi ích thật sự? Thiền mà chúng tôi đang hướng dẫn đi thẳng vào đời sống gia đình và xã hội. Thiền ngồi tịnh tâm, Thiền lạy trong sám hối, Thiền đi trong sinh hoạt đời thường, Thiền tỉnh giác trong ăn uống, lúc tắm rửa, đi tiểu, đi đại, lúc lái xe, lúc làm việc, lúc mua bán, giảng dạy, nghiên cứu, gánh nước lặt rau, nấu nướng… và Thiền nằm trong lúc nghỉ ngơi hay trước khi đi ngủ. Vì người cư sĩ tại gia còn nhiều nhân duyên ràng buộc nên chúng tôi hướng dẫn phương tiện tu Thiền niệm Bồ tát Quán Thế Âm, cũng lấy tín-hạnh-nguyện làm Tông chỉ nhưng tín-hạnh-nguyện của người niệm Quán Thế Âm khác với niệm Phật cầu vãng sanh.
“Tín” ở đây có nghĩa tin vào thần lực nhiệm mầu của Bồ tát Quán Thế Âm có đủ khả năng giúp chúng sinh chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, đạt được kết quả như ý muốn. Mỗi hành giả đều tin chính mình là Bồ tát Quán Thế Âm nhờ tu hạnh lắng nghe, buông xả và biết bố thí chia vui sớt khổ và bố thí không sợ hãi. “Hạnh” có nghĩa là thực hành niệm danh hiệu Bồ tát một cách tinh chuyên, ròng rặc, miên mật, thường xuyên mỗi ngày không lơ là, giải đãi. Chúng ta cung kính, chí thành niệm danh hiệu Bồ tát trong mọi hoàn cảnh, trong bốn oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi mà không bị ngoại cảnh chi phối làm thất niệm. Cuộc sống thế gian vốn nhiều đau khổ, bất an, tham lam, thù hận, đố kỵ, tranh chấp, xung đột, sợ hãi và sẵn sàng triệt tiêu lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư. Nếu chúng ta không thường xuyên cung kính niệm Bồ tát Quán Thế Âm mà chờ đến khi gặp hoạn nạn mới khẩn cầu van xin thì e rằng không có kết quả như đã nguyện. Lúc này tinh thần không sáng suốt, khủng hoảng, sợ hãi, mất bình tĩnh thì làm sao đủ khả năng cầu sự gia hộ của Bồ tát. “Nguyện” ở đây có nghĩa là chí nguyện độ sinh, cứu vớt chúng sinh tai qua nạn khỏi, vượt thoát khổ đau và luôn đem niềm vui đến với tất cả muôn loài. Bồ tát sau khi thành tựu đạo quả, phát nguyện dấn thân đi vào đời để làm lợi ích chúng sinh, cùng đồng hành, cùng làm việc, cùng đóng góp, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, cùng chia vui và cùng sớt khổ với tất cả chúng sinh. Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu thế gian lúc nào cũng đầy dẫy khổ đau, bất hạnh như đang sống trong nhà lửa, chịu sự nóng bức của phiền não trong từng phút giây.
Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống, luôn giúp mọi người sống gần gũi, gắn bó với nhau bằng sự thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ, không thấy ai là người thù mà chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Phương pháp Thiền Quán Thế Âm là miệng niệm, tai lắng nghe khi ngồi, khi đi, khi lạy, khi nằm; tức là hành giả chú tâm vào câu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, nhờ chú tâm nên không bị các vọng niệm buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu chi phối. Hành giả tu theo pháp niệm Quán Thế Âm Bồ tát trong khi ngồi thì miệng niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, tai lắng nghe rõ ràng từng tiếng một.
2. Thiền trong lúc ngồi
Hành giả mỗi buổi sáng thức dậy lễ Phật xong mới bắt đầu vào Thiền. Ai có bàn thờ Phật tại nhà thì ngồi Thiền ngay đó, ai chưa thờ Phật thì tự sắp xếp chỗ ngồi hợp lý vì Thiền dành chung cho mọi người. Ngồi Thiền có nhiều cách, cách thứ nhất là tư thế ngồi hoa sen Kiết Già, hai chân đang chéo vào nhau, hoặc ngồi tư thế Bán Già hay ngồi cách nào cho thoải mái cũng được. Điều quan trọng là mỗi hành giả điều phục tâm mình sao cho được an định. Trước khi tịnh tâm hành giả ngồi tư thế lưng thẳng, hai bàn tay xỏ hình bánh vế, hai ngón tay cái đâu nhau và để ở giữa bụng, dưới rún; mắt nhìn thẳng về phía trước, ngó xuống điểm trước mắt cách 8 tấc đến 1 thước, 2 mắt mở vừa chừng, không nên nhắm lại để tránh tình trạng bị ngủ gật hoặc ngồi lệch một bên; khi ngồi nên động thân vài lần để máu huyết lưu thông đều rồi sau đó hít vào 3 hơi bằng mũi và thở ra bằng miệng. Bắt đầu vào Thiền hành giả sẽ niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” chậm rãi, từ từ, nhẹ nhàng vừa đủ nghe. Miệng niệm, tai lắng nghe, chúng ta nghe từng tiếng niệm Bồ tát rõ ràng. Khi mới bắt đầu tập tu Thiền, hành giả thường bị các vọng niệm thương ghét, vui buồn, phải quấy, tốt xấu, đúng sai chen vào làm thất niệm, mất tập trung. Đây là lẽ đương nhiên, nhưng khi hành giả cố gắng chú tâm vào từng tiếng niệm Bồ tát sẽ dần dần đánh bạt các vọng niệm khác, nhờ khéo nhiếp tâm thuần thục.
Những điều kỳ diệu của tu thiền
Chúng ta nên nhớ, Thiền niệm Quán Thế Âm Bồ tát rất đơn giản, dễ dàng, chỉ cần chúng ta có đủ lòng tin, kiên trì, bền chí, siêng năng, tinh tấn tu hành đều đặn ắt sẽ thành công trong nay mai. Tu Thiền Quán Thế Âm mục đích để cầu giác ngộ, giải thoát cho chính mình và phát nguyện cứu độ chúng sinh bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Phật dạy chúng ta sở dĩ tồn tại trên thế gian này là phải nương nhờ lẫn nhau về mọi phương diện, ai dù tài giỏi đến đâu cũng không thể sống một mình độc lập mà không nhờ vào sự đóng góp của người khác. Vì lẽ đó chúng ta tu theo hạnh nguyện Quán Thế Âm Bồ tát để cùng nhau chia vui, sớt khổ với tấm lòng vô ngã, vị tha bằng tình người trong cuộc sống. Ta khỏi cần cầu đi đâu mà ngay nơi cõi đời này cùng chia vui sớt khổ với mọi người, cùng san sẻ hay nâng đỡ cho nhau để cùng nhau dìu dắt những người còn chìm đắm trong biển khổ sông mê quay về bờ giác ngộ mà sống đời an vui hạnh phúc.
Đức Phật đã dạy nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn nước bốn biển vì chúng sinh luân hồi, sống chết từ vô thuỷ kiếp đến nay. Bởi luân hồi vô số kiếp như thế nên chúng ta đã từng làm cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, họ hàng, bà con quyến thuộc với nhau nên có nghĩa tình sâu nặng trong mối tương giao của cuộc sống. Do đó khi chúng ta tu được bình yên, hạnh phúc phải nguyện giúp đỡ tha nhân và cứu độ tất cả chúng sinh, trong đó có người thân người thương của ta hằng hà vô số. Thiền niệm Quán Thế Âm Bồ tát có ba cấp độ. Thứ nhất là miệng niệm, tai lắng nghe cho đến khi nào thành tựu được nhất niệm, chỉ nhớ nghĩ Bồ tát Quán Thế Âm mà không nhớ vọng niệm khác thì mỗi hành giả chuyển sang pháp thứ hai là miệng niệm, tâm lắng nghe. Đến đây ta không cần phải chú tâm vào câu niệm Bồ tát mà dùng tánh nghe sáng suốt của mình để thể nhập tánh biết nương nơi tai. Bước ba hành giả không còn miệng niệm nữa mà tâm niệm, tâm lắng nghe, hằng thấy nghe, hay biết với tâm thanh tịnh, sáng suốt của chính mình nên thành tựu viên mãn.
3. Thiền trong lúc lễ lạy sám hối
Pháp Thiền lạy này được lợi ích ba yếu tố. Thứ nhất là vừa lạy vừa tập thể dục, rút ngắn được thời gian buổi sáng. Khi lạy như vậy toàn thân năm vóc cung kính lễ, hai tay chắp trước ngực rồi niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”; kế đến đưa hai tay lên trán và gập người xuống lạy, hai chân giữ nguyên, chỉ nhón gót lên, hai tay úp xuống, đầu sát đất và sau đó đứng lên theo vị trí cũ mà không cần di chuyển tay chân, giống như chiếc lò xo bật ra và rút lại, cứ như thế thoải mái, nhẹ nhàng miệng niệm Quán Thế Âm Bồ tát, tai chú tâm lắng nghe tiếng niệm của mình rõ ràng từng tiếng một. Mỗi hành giả lạy tối thiểu từ 30 lạy hoặc một vài trăm lạy tùy theo khả năng, sức khoẻ và hoàn cảnh mỗi người. Thiền lạy này có ba công dụng hữu ích, vừa tập thể dục vừa cung kính lạy, miệng niệm tai lắng nghe là thành tựu ba điều kiện. Một là đỡ phải mất thời gian đi tập thể dục vì khi lạy như thế toàn thân năm vóc đứng lên, lạy xuống làm máu huyết lưu thông khắp toàn thân, hành giả khi lạy cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng, không mất sức. Hai là khi lễ lạy sẽ xả được tâm chấp trước, cống cao ngã mạn, hành giả nhờ vậy càng tu lại càng khiêm tốn, lễ phép, biết kính trên nhường dưới thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người. Ba là khi lạy chỉ nhớ miệng niệm Bồ tát Quán Thế Âm, tai chú tâm lắng nghe nên không bị các tạp niệm khác làm loạn động, hành giả do đó thân khoẻ, tâm an định.
4. Thiền trong lúc đi tới đi lui
Đây là nhu cầu cần thiết hằng ngày, hành giả phải đi đứng qua lại thường xuyên nên khó bề làm chủ bản thân, do đó lúc nào cũng bị nhiều vọng niệm lăng xăng chi phối làm thất niệm. Với Thiền đi hai tay hành giả chắp trước ngực, đi tới đi lui tùy thích, miệng niệm “Quán Thế Âm Bồ tát”, tai chú tâm lắng nghe. Hành giả chỉ một bề miệng niệm, tai lắng nghe, không cần chú ý đến chân đi nhanh hay chậm. Thiền đi này có một công dụng rất hay là khi đi hành giả chắp hai tay trước ngực, lâu ngày trở thành thói quen tốt, khi gặp ai chúng ta sẽ chắp tay xá chào một cách lễ phép, nhờ vậy dễ gây cảm tình và lòng tôn kính với nhiều người.
Ba pháp Thiền ngồi, Thiền lạy, Thiền đi nhất như chỉ miệng niệm, tai chú tâm lắng nghe trong thời gian sáng sớm khoảng một tiếng đồng hồ. Hành giả kết hợp vừa tu, vừa rèn luyện thân thể, vừa tiết kiệm thời gian. Nhờ miệng niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, tai chú tâm lắng nghe nên thân khoẻ, tâm an ổn, nhẹ nhàng trong định tĩnh, sáng suốt.
5. Thiền trong lúc nằm, ngủ nghỉ
Thiền nằm cũng đơn giản, nhẹ nhàng như những pháp Thiền đã nói, cũng miệng niệm, tai chú tâm lắng nghe, không cần niệm lớn tiếng mà chỉ niệm thầm trong miệng nên dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hành giả hành Thiền trong lúc nằm để thư giãn, nghỉ ngơi, cũng chỉ nhẹ nhàng niệm thầm, tai lắng nghe, nhờ vậy tâm an ổn, nhẹ nhàng mà không bị các tạp niệm thương ghét, phải quấy làm loạn động.
6. Thiền trong lúc ăn uống
Dù là người mua bán, người đi chợ, người đến công sở thì tất cả đều phải ăn để có sức khoẻ làm việc. Qua pháp Thiền ăn hành giả không cần niệm danh hiệu Bồ tát nữa mà chỉ chú tâm vào việc ăn, ăn ngon biết ngon, ăn dở biết dở, đắng chát, chua cay, ngọt mặn đều biết rõ ràng nhưng không khởi niệm thích thú hay chán ghét. Thường món nào hợp với khẩu vị thì ta thích thú, bám víu vào đó nên mất chánh niệm trong khi ăn. Món nào dở thì ta ngao ngán không muốn ăn, do đó không làm chủ tâm mình trong lúc ăn.
Chúng ta nên nhớ “ăn để mà sống, chớ không phải sống để mà ăn”. Khi hiểu được như vậy ta sẽ ý thức, làm chủ trong việc ăn uống. Đa số phụ nữ trong thời hiện đại bị bệnh béo phì quá nhiều làm mất vẻ đẹp duyên dáng của phái đẹp. Khi mập quá thì uống thuốc giảm cân, tập đủ thứ phương pháp thể dục thẩm mỹ mà không chịu kiêng cử trong ăn uống, như vậy vừa làm hao tiền tốn của, mất nhiều thời gian mà không có hiệu quả. Người thông hiểu pháp Thiền ăn uống sẽ biết cách quân bình cơ thể, ví dụ chiều cao 1m60 thì trọng lượng cho phép là 55 kg. Ta căn cứ theo đó mà điều hoà, nếu mập quá là 57 kg, ốm quá là 53 kg, làm được vậy sẽ có một thân hình cân đối, thon thả, duyên dáng và nhẹ nhàng. Bệnh hoạn cũng từ ăn uống mà ra, ăn quá nhiều cũng sinh bệnh, ăn quá ít cũng không đủ sức khoẻ để làm việc và tu hành, người biết tu sẽ ý thức điều hoà trong mọi phương diện.
Ăn và uống là hai nhu cầu cần thiết của một con người, ăn uống để có sức khoẻ mà làm việc phục vụ gia đình và xã hội. Nhiều người không hiểu do chấp thân làm ngã là tôi, là ta, là mình, nên khi ăn phải cao lương mỹ vị, do đó giết hại vô số các loài vật để bồi bổ thân này. Mục đích của chúng ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, chính vì thiếu hiểu biết nên ta nỡ nhẫn tâm ăn trên sự đau khổ của các con vật. Mỗi hành giả tu Thiền phải nên tiết chế trong việc ăn uống của mình, không nên vì mình mà làm tổn thương các loài vật khác. Khi uống cũng vậy, mục đích uống để cơ thể đỡ khát, lúc làm việc đổ nhiều mồ hôi ta uống nước để cơ thể quân bình trở lại. Người nam có thói quen uống rượu bia, rượu Tây, rượu Tàu nên đưa vào cơ thể quá nhiều chất độc hại, vừa hao tiền tốn của, vừa say sưa, vừa làm thần kinh mê mờ. Có phước mới được hưởng lộc, nhưng ăn thịt cá, các loài hải sản tươi sống và uống rượu bia quá đà thì tâm từ bi thương người cứu vật sẽ không có được với những hạng người này.
Tất cả chúng ta vì bị vô minh che lấp nên khi có mặt trên thế gian này đều không có nhận thức sáng suốt, do đó thường lo cho phần ngọn nhiều hơn phần gốc. Vậy cái gì là phần ngọn, cái gì là phần gốc? Có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không quan trọng mà lãng quên phần lợi ích lâu dài là tài sản quý giá của chính mình. Trong cuộc sống chúng ta có ba việc quan trọng như ăn, uống, thở, thường thì chúng ta lo việc nào nhiều nhất? Đa số mọi người trên thế gian này lo ăn với uống là chính. Tối ngày làm lụng vất vả chỉ để lo ăn nên tham đắm, dính mắc vào đó. Ăn thì phải món ngon vật lạ hoặc cao lương mỹ vị, nên làm vua thì bắt người khác phải cung phụng đầy đủ dù ở tận rừng sâu hay dưới biển cả mênh mông, trong khi xét kỹ ta nhịn ăn trên 60 ngày mới chết. Kế đó là uống, người có hiểu biết chỉ cần dùng nước tinh khiết hoặc nước đun sôi để nguội, nhưng vì không hiểu biết nên ta cứ đưa các thứ nước ngọt, rượu bia vào, nhất là cánh đàn ông, trong khi nhịn uống phải trên 10 ngày mới chết. Vấn đề thở là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng ít ai nghĩ đến mình nhịn thở bao lâu mới chết. Trong tích tắc thở ra mà không thở vào là chết ngay. Vậy mà người đời lại quan trọng việc ăn với uống, còn thở ra sao không cần biết. Rõ ràng, việc tối quan trọng chúng ta lại lơ là, việc không chính đáng thì ta nỗ lực, làm việc nhọc nhằn, vất vả để thoả mãn bản thân. Như vậy hằng ngày ta chỉ lo việc bồi bổ thân này mà quên đi làm thế nào để được phước đức lâu dài, quên đi tài sản quý giá không bao giờ bị mai một.
Cuộc sống của chúng ta trong thời đại hiện nay có quá nhiều thứ bệnh thuộc bộ máy tiêu hóa và hô hấp phát sinh từ sự ăn uống, hít thở không đúng đắn. Một số người ít hoạt động tay chân nên phát sinh rất nhiều bệnh tật. Chính vì thế, muốn thân khỏe mạnh, tâm an ổn nhẹ nhàng, chúng ta cần phải biết điều hòa trong ăn uống, hít thở đúng cách và vận động thân thể nhiều bằng cách lạy Phật, Bồ tát, vừa sám hối nghiệp tập nhiều đời, vừa rèn luyện sức khoẻ để khí huyết lưu thông đều đặn toàn thân. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, cơ thể mỗi người có nhu cầu tiêu thụ thức ăn uống khác nhau nên cần tổ chức cho đại chúng ăn theo cách tự chọn hoặc ăn kiêng. Người bình thường ít bệnh thì ăn theo tiêu chuẩn chung. Người có thân bệnh nhiều cần phải ăn kiêng theo sức khoẻ của mình, vừa hợp vệ sinh, vừa hợp khẩu vị mà lại không tốn kém.
Nói về thức ăn, Phật dạy chúng ta rất kỹ lưỡng. Theo Ngài, người xuất gia hay tại gia có bốn món ăn là Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực. Đoàn thực là thức ăn vật chất được ăn bằng miệng để nuôi cơ thể sống còn mà tu hành. Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Đó là cách ăn của chư vị Tổ sư đã thể nghiệm nên đưa ra pháp tu tương ứng nhằm duy trì mạng sống chúng Tăng được khỏe mạnh. Cách thức ăn uống của người Việt tương đối lành mạnh, nhưng chế độ ăn uống thường mang tính cách thói quen, ngon miệng, hợp khẩu vị mà có thể thiếu các chất bổ dưỡng cần thiết hoặc dư chất bổ dưỡng. Đại đa số chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của nước đối với cơ thể con người nên thường uống quá ít nước, hoặc có uống thì dùng các chất khác như các loại nước ngọt hay rượu bia. Cách tốt nhất là uống nước mỗi ngày từ 2 lít đến 2,5 lít bằng nước đun sôi để nguội. Thân thể thiếu nước nên sinh ra nhiều bệnh tật như táo bón, nhức đầu, trĩ, sạn thận, thận suy, áp huyết cao, viêm gan siêu vi B và bụng hay sình chướng, khó tiêu… Từ đó chúng ta dễ trở nên giận dỗi, cáu gắt, hay nóng nảy, khó chịu, khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, mất tươi vui, hạnh phúc. Lượng nước trong cơ thể chiếm 70% dưới mọi hình thái của nó, do đó các tế bào và mọi bộ phận trong thân thể cần có lượng nước nhất định. Ngoài việc tắm rửa hằng ngày để da dẻ sạch sẽ, mịn màng, chúng ta ta cần uống lượng nước cần thiết để điều hoà thân thể khoẻ mạnh. Muốn tránh các thứ bệnh nói trên chúng ta cần phải uống nhiều nước, chừng hai ba ly ngay sau khi ngủ dậy mỗi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối để giúp bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn hoạt động tốt, dễ dàng lọc máu và thải mọi cặn bã ra ngoài.
Chánh niệm là liều thuốc tốt nhất
Người cư sĩ tại gia nên ăn nhiều rau và trái cây, ăn ít thịt, nhiều cá, nhưng phải biết chọn lựa loại nào ít nhiễm độc. Một số lớn các bệnh tật phát xuất từ việc ăn uống không điều độ hay không biết chọn lựa thức ăn. Giảm bớt chất béo trong máu sẽ tránh được bệnh tim, huyết áp cao và ung thư gan. Để quân bình trong cuộc sống ăn uống hằng ngày, cơ thể chúng ta cần có đủ chất bổ đến từ thịt, cá và chất xơ trong các thứ rau, đậu và trái cây. Chất xơ giúp tiêu hóa dễ dàng và loại bỏ các thứ mỡ không cần thiết cho cơ thể. Nói chung, thức ăn kho và luộc tốt hơn là chiên, xào, nướng. Ngoài ra chúng ta nên để ý cách dùng các gia vị âm dương trong nghệ thuật nấu nướng và ăn uống của người Việt Nam. Theo đó, các loại thịt cá thuộc loại âm thường được nấu nướng hay ăn với các thứ gia vị và rau thuộc loại dương, và ngược lại. Rất nhiều bệnh tật phát xuất từ tình trạng máu huyết lưu thông không đều đặn, do ít hoạt động chân tay nên không chuyển tới các cơ phận mọi chất liệu cần thiết, nhất là hồng huyết cầu và dưỡng khí. Do đó, một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là hay siêng năng hoạt động chân tay, uốn éo thân mình, tập thể dục, đi bộ, bơi lội, làm vườn, lau dọn nhà cửa và lạy Phật, Bồ tát mỗi ngày.
Một hôm, Phật hỏi các vị Tỳ kheo: “Mạng người sống trong bao lâu”? Một thầy trả lời: “Mạng người sống chừng 80 năm”. Phật hỏi vị khác, thầy đó trả lời:” mạng người sống trong bữa ăn”. Hai vị thầy trả lời Phật đều không chấp chận. Ngài hỏi tiếp vị thứ ba và vị này trả lời “Mạng người sống trong hơi thở”. Phật nói, “Đúng thế, đời người chỉ dài bằng một hơi thở”, bởi thở vào mà không thở ra thì xem như mất mạng. Ta có thể quên ăn một hai chục ngày vẫn được mà không chết, chính chúng tôi những năm nhiều bệnh phải nhịn ăn mỗi lần ba bốn tuần, hai ba lần như vậy mỗi ngày chỉ uống nửa lít nước đun sôi để nguội. Vấn đề nhịn uống cũng phải trên 10 ngày mới chết, bằng chứng là có một thầy nhịn ăn uống hai tuần chỉ mất sức đi không nỗi, sau ăn uống lại thầy vẫn lao động, làm việc nặng nhọc mà chẳng áp phê gì; nhưng thở ra mà không thở vô là chết ngay liền tức khắc. Chúng tôi có đứa em gái kế thầy Nhật Từ làm việc bên uỷ ban nhân dân Quận Thủ Đức, đang đứng nói chuyện trước mặt nhiều người thì bỗng nhiên nói nhức đầu rồi ngã lăn ra chết. Vì sao? Vì không còn thở nữa! Thở là một nghệ thuật sống nhưng ít ai quan tâm đến, suốt ngày này đến tháng kia, năm nọ chỉ lo ăn với uống mà quên đi hơi thở của mình. Ngày xưa đức Phật đa số dạy các tỳ kheo quán hơi thở, thở vô mình biết thở vô, thở ra mình biết thở ra, đến khi thuần thục không cần theo dõi hơi thở nữa mà chỉ nhìn hơi thở vô ra dài sâu, nhờ vậy tâm an định và trí tuệ phát sinh. Khi tâm an định, rỗng rang, bớt đi tạp niệm thì trí nhớ phát triển, tuệ giác tâm linh khai mở, nhờ vậy ta nhận biết cuộc sống vô thường, mạng sống vô thường và muôn loài vật cũng lại như thế. Mạng sống chúng ta ngắn như một hơi thở, nhờ thường xuyên quán sát như thế ta sẽ thấy biết đúng như thật nên dễ dàng buông xả phiền não tham-sân-si mà tự tại, giải thoát.
Là người Phật tử chân chính chúng ta phải biết chọn lựa những thức ăn và thức uống không làm ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Người xuất gia nhưng lại thích ăn đồ giả mặn, loại thức ăn này rất có hại và lại mắc hơn những loại rau cải, nếu tiêu thụ thường xuyên e rằng dễ bị nhiễm mặn và nhiễm độc. Ăn chay trong thời buổi này phải cao thượng và có ý thức, như vậy sẽ ít bệnh. Trước khi ăn những món hiền lành và bổ dưỡng ta cũng nên nói, "chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh". Đó là ta biết áp dụng chánh niệm trong khi ăn và khi nấu ăn. Đời sống tu hành thức ăn uống là do đàn na tín thí đóng góp, ủng hộ. Thiền Viện Thường Chiếu có trên 300 thầy, Phật tử gần xa đóng góp, ủng hộ mỗi lần ăn có trên 400 suất, vì phải nấu bằng cái chảo lớn nên rất khó bảo đảm an toàn sức khoẻ, có khi rau cải quá nhiều ăn không kịp nên tiêu thụ rất dễ bệnh. Thời đại ngày nay nấu nướng số lượng quá lớn cũng khó đảm bảo an toàn thực phẩm, do đó mọi người phải tự ý thức trong ăn uống. Ăn kiêng, ăn những thứ cần thiết cho cơ thể là cách ăn tốt nhất.
Ngoài những thức ăn vật chất để nuôi thân tồn tại, thức ăn tinh thần mới thực sự quan trọng đối với mọi người trên thế gian này. Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực được coi là ba món ăn tinh thần của người xuất gia hay tại gia. Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày với cuộc đời bằng mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Nếu sống trong tu viện thì mỗi ngày đọc kinh, sám hối, ngồi Thiền, được gần gũi các bậc tu hành kiểu mẫu, trông thấy đức hạnh của họ sẽ giúp chúng ta sống tốt theo. Thật vậy, thức ăn nuôi dưỡng tinh thần chúng ta là Thiền ăn và Pháp hỷ thực. Mỗi ngày trước khi ăn đại chúng luôn nhắc nhở nhau “Thiền duyệt vi thực, Pháp hỷ sung mãn”. Vì vậy, bằng mọi cách phải làm cho Thiền và Pháp trở thành món ăn tinh thần thực sự của chúng ta. Người tu mà không thích ăn cơm Thiền, uống nước Pháp thì không thể sống đời tu hành viên mãn.
Ăn không có chánh niệm và ý thức cũng giống như hai vợ chồng và đứa con đi qua sa mạc mà hết lương thực đem theo, không còn cách nào khác họ phải ăn thịt đứa con để đủ sức đi ra khỏi sa mạc, nếu không làm vậy thì cả ba đều chết. Khi ăn như thế hai vợ chồng đó rất đau khổ nhưng không còn cách nào khác hơn. Khi ăn thiếu ý thức ta sẽ tạo nỗi khổ, niềm đau cho các loài vật khác và chính bản thân mình sẽ gánh lấy hậu quả khổ đau. Khi hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều đồ nướng, chiên xào là đang huỷ hoại từng làn da, thớ thịt của mình. Ta đang ăn thịt của chính ta từ từ vì thuốc làm hại phổi, rượu làm hại gan, đồ béo làm cao huyết áp, đột quỵ và ung thư. Thành ra ta ăn như thế nào để đừng tạo ra nỗi khổ, niềm đau cho các loài vật và ăn trên sự khổ đau của kẻ khác, tức là ta ăn trong vội vã, vật vờ và si mê. Vì vậy, mỗi khi ăn thịt, ăn cá ta hãy ý thức có thể mình đang ăn thịt cha mẹ hay con cái vì luân hồi sống chết qua lại vô số kiếp. Do đó chúng ta phải tập ăn chay và tập không sát sinh hại vật để mở rộng tấm lòng từ bi, thương xót tất cả chúng sinh.
Loại thức ăn thứ hai là Xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, khi chúng tiếp xúc với sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp ta phải thấy việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không, chất độc này sẽ làm tâm ta bị ô nhiễm; như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc, tai nghe âm thanh đủ mọi sắc thái. Chúng ta phải thực tập chánh kiến trong khi xem truyền hình, phải biết lựa chọn kênh giải trí có đạo đức, nhân cách sống, hoặc y học đời sống. Chúng ta không nên đưa những phim ảnh có độc tố như giết hại, sợ hãi, căm thù và bạo động vào đầu; nên xem những bộ phim mang lại cho mình sự hiểu biết, lòng từ bi, sự san sẻ hay nâng đỡ, vượt lên chính mình, quyết tâm không làm những điều lầm lỗi. Nhiều người tối ngày chỉ xem phim bạo lực, chiến tranh, tình cảm uỷ mị mà không biết chọn lựa những đề tài lợi ích. Chúng ta phải biết có những chương trình chứa đựng rất nhiều độc tố có tác hại lớn như bạo động, căm thù và kích thích dục vọng. Những dịch dụ quảng cáo ngày nay cũng kích thích lòng tham lam và sự thèm khát dục vọng. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố làm cho mình càng thêm dính mắc và tham muốn. Đọc xong ta có thể mơ mộng ảo huyền một khung trời mới xa xôi, sẽ chán nản, lo lắng, thèm khát làm mệt cả thân tâm. Nếu mỗi ngày ta không tỉnh giác thì những câu chuyện đời thường cũng có thể mang lại cho mình nhiều độc tố. Mỗi ngày từ khi mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ ta đều thấy-nghe và tiếp xúc với mọi việc, nếu khi tiếp xúc ta thấy thân khoẻ, tâm an ổn, nhẹ nhàng thì phải quyết gìn giữ chúng. Những thứ làm ta mệt, buồn phiền, lo lắng và giận dữ thì phải tránh để không tiếp xúc nhiều. Năm Giới là cội nguồn của an vui, hạnh phúc khi chúng ta đã lãnh thọ và hành trì, Giới là những bộ da vững chắc bao bọc lấy thân thể và tâm định tĩnh, sáng suốt của ta. Người không gìn giữ năm giới sẽ đánh mất lòng nhân ái vì đã đưa quá nhiều độc tố như giết hại, căm thù, bạo động, sợ hãi và làm tổn thương cho người và vật.
Loại thức ăn thứ ba là Tư niệm thực. Đó là những ước mơ, hoài bão ta đang khao khát, mong muốn được thực hiện trong tương lai. Ta muốn được làm thủ tướng hay bộ trưởng, hay chí ít cũng làm giám đốc, đậu bằng tiến sĩ để đem những hiểu biết ứng dụng vào đời, những mong muốn như thế thấm vào người ta giống như một loại thức ăn. Mong muốn chính là một loại thực phẩm làm cho con người không ngừng phấn đấu và rèn luyện. Ước muốn mạnh mẽ sẽ giúp ta có thêm năng lực để thực hiện những hoài bão, nhưng có những ước muốn sẽ làm ta bất hạnh, khổ đau suốt cuộc đời vì tham lam, dính mắc như quyền cao chức trọng, nhiều tiền bạc của cải, tài năng xuất chúng hay sắc đẹp hơn người. Muốn được mạnh khỏe và an vui, hạnh phúc để làm tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình, đóng góp cho xã hội; hay ước muốn trở thành bậc giác ngộ mà cứu độ tất cả chúng sinh là loại thức ăn Tư niệm thực chúng ta cần phải có. Thiền viện thiếu món ăn tinh thần thì chúng đói, còn tìm thức ăn không tốt sẽ bị nhiễm độc, bị nhiễm độc thực phẩm thì chết thân mạng, bị nhiễm độc tinh thần thì chết Giới thân Huệ mạng, dù còn trong đạo nhưng không dùng được việc có ích cho mọi người. Trên thực tế, các Thiền viện sinh hoạt tốt đẹp nhờ các vị lãnh đạo đều sống phạm hạnh thanh tịnh, do đó đại chúng nương theo mới thăng hoa đạo đức tâm linh. Nếu hàng ngày ta thường tiếp xúc với người phải trái, đúng sai, được mất, hơn thua, buồn thương, giận ghét, tiếp xúc với trần cảnh do thấy-nghe trong phân biệt, dính mắc thì ý thức bắt đầu suy nghĩ theo đường danh lợi, bị sự cúng kính làm mờ mắt, dẫn đến hư hỏng một đời tu.
Khi tu hành ta phải nên nhận rõ tầm quan trọng của Xúc thực, không cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần để không bị chúng làm ô nhiễm và không lưu giữ điều xấu vào kho tâm thức. Chúng ta tu là biết chọn con đường tốt đẹp, không đi con đường xấu xa. Con đường hiền thánh không mở ra thì con đường tội lỗi sẽ làm ta mờ mắt mà quên cả lối đi của bậc hiền thánh Tăng và chư Phật. Dòng nước chảy xuôi thường gây ra lũ lụt, ngập úng nên người ta phải ngăn nó bằng cách mở đập cho nước chảy vào để chuyển thành dòng điện mang lại lợi ích cho nhân loại. Dòng đời cũng thế, vì đa số không biết giữ năm Giới của nhà Phật nên ba đường dưới địa ngục, quỷ đói, súc sinh rộng mở và đang chờ đón những người thiếu hiểu biết không tin sâu nhân quả. Suy nghĩ của con người lúc nào cũng như dòng nước chảy khó thể ngăn được nên ta chỉ tiếp xúc với những gì tốt đẹp, lợi ích và cao quý, nhưng phải thích hợp với trình độ và nghiệp lực của mình. Thiền là sự sống của con người, ta biết Thiền trong mọi hoàn cảnh thì an ổn, nhẹ nhàng, trí tuệ phát sinh. Chính vì vậy, khi đọc Kinh, sám hối hay tham Thiền, chúng ta cảm nhận niềm vui nên dần hồi buông xả được phiền não, tham-sân-si từ từ nhẹ bớt, không còn nặng như ngày xưa. Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày giữa ta và cuộc đời, nếu chúng ta huân tập đầy đủ Phật pháp thì tất cả nhiễm ô thế gian sẽ được tiêu hóa dần hồi theo thời gian, từ kiến thức chuyển thành trí tuệ nhờ biết cách buông xả.
Thiền định dưới ánh sáng khoa học
Loại thức ăn thứ tư gọi là Thức thực. Thân thể chúng ta được hình thành ngày hôm nay đẹp hay xấu là do tác động của ý thức, trong đó gồm có Chánh báo và Y báo. Chánh báo là thân thể này gồm có thân và tâm. Y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta đang sống. Vì thói quen được huân tập lâu ngày từ nhiều kiếp xưa nên bây giờ ta có Chánh báo và Y báo. Chánh báo và Y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức được hình thành qua nền tảng nhân quả. Loại thức ăn thứ tư này rất quan trọng vì nó là phần tinh thần. Tâm tư sáng suốt, hành động lương thiện sẽ giúp chúng ta tiếp nhận các món ăn trong sáng, từ bi và trí tuệ. Nếu trong quá khứ tâm thức đã tiếp nhận thức ăn độc hại quá nhiều thì ngày nay tâm thức ta biểu hiện ra Chánh báo, Y báo không lành mạnh mà còn tối tăm, mờ mịt. Những gì ta suy tư trong thấy-nghe-ngửi-nếm và tưởng tượng là những thứ được cất gữ trong kho chứa tâm thức. Nếu kho tâm thức này chứa vô minh, tham lam, ích kỷ, oán giận, thù hằn và phiền muộn, khổ đau thì khi đủ duyên chúng sẽ phát sinh. Chính vì vậy, chúng ta phải biết phân loại những thức ăn đưa vào kho tâm thức, phải nên đưa từ-bi-hỷ-xả, lòng bao dung độ lượng, giúp đỡ và sẻ chia, yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống để nuôi dưỡng tâm thức mỗi ngày. Đức Phật đã dùng phương tiện hình ảnh một người tử tù đang bị vua hành hình để nói về Thức thực. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 cây kim đâm vào thân thể người tử tội, đến chiều tối vua hỏi, “kẻ tử tù đó bây giờ ra sao?” Viên cai ngục trả lời, “tâu bệ hạ, nó vẫn còn sống nhưng rên la thê thảm lắm!” Phật dùng ví dụ này để nhắc nhở chúng ta đừng nên hành hạ tâm thức của mình y như thế, đừng đâm 300 mũi kim của độc tố tham lam, giận dữ, si mê, ganh ghét, tật đố, hận thù, bạo động và sợ hãi vào kho tâm thức của chúng ta mỗi ngày.
Bốn thí dụ trên được ghi lại trong Kinh Tử Nhục. Tử Nhục là thịt của đứa con. Hai vợ chồng và đứa con cùng đi qua sa mạc nhưng nửa đường hết thức ăn, nếu không có cả ba đều chịu chết, cuối cùng hai người đành phải giết con để ăn mà vượt khỏi sa mạc. Bốn ví dụ nghe rất khiếp đảm và ghê sợ, mục đích chính nhằm răn bảo chúng ta phải sáng suốt gìn giữ thân-miệng-ý để đừng làm tổn hại cho mình và người. Ăn uống là nhu cầu chính yếu hằng ngày, khi ăn ta phải tỉnh giác biết rõ thức ăn nào không làm tổn hại thân tâm, trong khi ăn phải biết mình đang ăn, thức ăn ngon hay dở đều biết rõ; mặn, lạt, chua, cay ta đều biết nhưng không để tâm bị lôi kéo về quá khứ hay mơ mộng đến tương lai, hoặc quá lo lắng mà đánh mất mình trong hiện tại. Trước khi ăn mọi người nên quán tưởng như sau: Cơm ngày ba bữa thường nhớ công khó nhọc của kẻ nông phu. Thân mặc ba y hằng xét nghĩ sự nhọc nhằn của người may dệt. Thuốc thang giường chõng bởi do sự nhín ăn bớt mặc của tín thí khắp nơi. Học đạo tiến tu nhờ lòng từ dạy răn của thầy Tổ. Nguyện cho thí chủ và tất cả chúng sinh phước huệ song tu, nhân tròn quả giác, kẻ mất người còn đều trọn thành Phật đạo. Trước khi ăn ta quán tưởng như thế để tâm hằng nhớ ghi huân vào kho tâm thức, do đó khi đưa thức ăn vào miệng ta nhìn thấy rõ thức ăn ấy với con mắt tỉnh giác, ta ăn để mà sống, ăn vì thành tựu đạo nghiệp chứ không phải sống để mà ăn. Khi ăn ta nhìn miếng đậu hũ như một dược liệu thuốc thang để chữa bệnh đói khát, nhờ vậy ta thấy rau cải, nước tương là đại sứ của đất trời đến với ta để nuôi dưỡng thân này. Lòng ta tràn đầy niềm biết ơn và hoan hỷ, vui vẻ với những người đã gieo mầm sống để chúng ta dưỡng thân mà tu tập. Khi nhai ta nhai trong ý thức, ta biết rằng mình đang tiếp xúc với những chất liệu trong sáng, lành mạnh. Thường khi ăn nếu không tỉnh giác ta sẽ nhai những buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua và lo lắng. Vô tình ta đang nhai quá khứ và tương lai mà đánh mất mình trong hiện tại. Ta nhai đều đặn thức ăn rau cải được trộn chung với cơm sẽ trở thành chất loãng, nhờ vậy rất dễ tiêu và bổ dưỡng, không bị bón kiết. Như thế ta không cần phải ăn quá nhiều mà dinh dưỡng vẫn đầy đủ để nuôi dưỡng thân khỏe, tâm an.
Dưỡng khí là cái tối cần thiết cho cơ thể con người, nếu thở ra mà không thở vào coi như mạng sống chấm dứt. Không ăn uống con người có thể sống được vài tuần, nếu thiếu dưỡng khí chỉ trong 5 phút con người sẽ chết ngay. Dưỡng khí rất cần thiết cho nhu cầu cuộc sống con người nhưng chúng ta thường ít lưu ý đến, và cũng không biết cách hít thở để có lượng dưỡng khí đầy đủ giúp cơ thể khoẻ khoắn, lành mạnh. Chính vì thế, trong đạo Phật nguyên thuỷ Phật dạy Pháp quán hơi thở là một trong những Pháp đầu tiên để chúng ta tu. Đó là ý thức trở lại sự cần thiết của dưỡng khí đối với sức khỏe trong thân thể con người. Tập hít thở đúng đắn là hít thở dài và sâu, hít vô thở ra đều bằng mũi. Đây là lý do giải thích nguyên nhân của nhiều thứ bệnh bởi lượng dưỡng khí cần thiết cho não bộ, phổi và các cơ phận khác quá ít. Tình trạng thiếu dưỡng khí lâu ngày khiến cho các cơ phận suy yếu, hoạt động không bình thường và dễ lâm bệnh. Thiếu dưỡng khí là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tật bệnh, trong đó có bệnh nhức đầu và mệt mỏi. Bản thân chúng tôi là một bằng chứng thiết thực, khi mới vào Thiền Viện chúng tôi chỉ chú trọng tu tâm chớ không quan trọng tu thân, do đó bị rất nhiều bệnh. Trong vài năm gần đây tôi mới nhận ra sai lầm đó và áp dụng quán hơi thở trong đi-đứng-nằm-ngồi nên sức khoẻ ngày càng được tốt hơn.
7. Thiền trong lúc lái xe làm việc hoạt động hằng ngày
Khi lái xe ta dùng tâm biết của mình để điều hành. Mắt nhìn về phía trước để quan sát sự vật, liếc bên phải, bên trái để thấy các phương tiện khác. Tay lái xe, chân đạp thắng, vô ga, giảm ga. Tai lắng nghe tiếng kèn xin đường của xe khác để biết mà nhường đường. Trước khi lái xe chúng ta phải tâm niệm mình đang chở biết bao sinh mạng trên xe, do đó phải bảo đảm nguyên tắc trước khi lái xe không được uống rượu bia, một người tài xế không được chạy quá 8 tiếng đồng hồ liên tục mà phải đổi ca mới đảm bảo an toàn cho hành khách. Thường thì tai nạn xảy ra do tài xế quá mệt mỏi nên ngủ gật, uống rượu bia hoặc nhớ nghĩ lung tung nên không chú tâm trong khi lái.
Thiền trong lúc làm việc cũng thế, ta làm việc nào chỉ biết việc đó, chỉ chú tâm vào việc đang làm. Từ anh giám đốc cho đến công nhân viên, tất cả đều phải chú tâm vào công việc của mình. Giám đốc sau khi phân công, điều hành xong thì làm nhiệm vụ giám sát, theo dõi, nhờ vậy kịp thời giải quyết những khó khăn, bất trắc. Anh kế toán chú tâm vào việc đánh máy nên tính toán chính xác, không sai con số. Chị lao công chú tâm vào công việc sẽ nhìn thấy rõ chỗ nào dơ sạch mà lau chùi, quét dọn kỹ càng. Anh bảo vệ chú tâm quán sát người ra vào cơ quan nên biết rõ từng người một quan hệ, giao dịch gì để kiểm soát và bảo vệ tài sản chung. Tất cả mọi phòng ban ngành đoàn thể cứ như thế mỗi người đều có trách nhiệm riêng, chúng ta chỉ chú tâm vào công việc được giao để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhờ vậy năng suất lao động được nâng cao và công việc được hoàn thành trước thời hạn.
Phương pháp Thiền trong công việc cũng là một loại Thiền chỉ giúp mọi người ý thức được trách nhiệm của mình, nhờ chú tâm quan sát rõ ràng mà làm việc ít thấy mệt mỏi và không bị thời gian chi phối. Trong khi làm việc ta không biết tập trung sẽ lãng phí thời gian, làm thiệt hại cho cơ quan vì đi trễ về sớm mà khi làm việc lại trông mau hết giờ để về nhà. Chúng ta làm việc như vậy sẽ tập cho mình thói quen làm biếng, xén bớt giờ công mà suy nghĩ vớ vẩn, lung tung nên hiệu suất làm việc kém chất lượng. Thiền khi làm việc sẽ giúp ta dễ dàng kiểm soát tâm rong rủi chạy tìm giống như con vượn chuyền cành, nhờ chú tâm ta làm tốt công việc được giao, hằng ngày điều phục được tâm ý bất chánh như trộm cắp, lường gạt của người.
Bài thực hành thiền định quán niệm hơi thở hàng ngày
8. Thiền trong lúc mua bán, làm ruộng trồng hoa màu, nghiên cứu, phát minh, giảng dạy
Người mua bán ngoài chợ cũng phải Thiền, phải ăn nói nhỏ nhẹ, ôn tồn. Khi khách đến không nên nói thách quá, tốt nhất nên nói đúng giá, nếu khách không mua hay trả giá quá thấp cũng nên vui vẻ, cởi mở, đừng nên tỏ thái độ cằn nhằn, bực tức. Nhiều người thậm chí còn mê tín, sáng sớm khách mở hàng mà không mua thì đốt phông lông, la ó, chửi rủa um sùm, bán buôn như vậy dần hồi sẽ mất khách hàng. Cuộc sống này vốn thuận mua vừa bán chớ không có gì bắt buộc, người có Thiền vị sẽ biết cách thu hút khách hàng, giữ mối quan hệ mua bán lâu dài bằng tấm lòng chân thật của chúng ta.
Người làm ruộng, trồng hoa màu để cung cấp thức ăn, thực phẩm cho con người cũng phải biết tu Thiền. Do phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu gieo giống, chăm sóc, cày cuốc, tưới tẩm và bón phân theo đúng quy trình, nếu chậm thời gian sẽ không có kết quả tốt nên phải chú tâm vào công việc; do đó cũng là một loại Thiền Chỉ giúp tâm dễ dàng an định, nhờ vậy ta tính toán làm việc theo đúng quy trình, thời gian cho phép. Khi có trải nghiệm trong Thiền vị ta sẽ ý thức không dùng nhiều hóa chất mà dùng theo liều lượng cho phép, nhờ vậy hoa màu đến tay người tiêu dùng không bị ô nhiễm các chất độc hại. Nhiều người vì lòng tham, ham lợi nhuận nên bị đồng tiền làm mờ mắt, chiều nay xịt thuốc liều lượng cao, sáng mai đem đi bán nên người ăn dễ bị ngộ độc. Báo chí vẫn thường đăng tin ngộ độc thức ăn hàng loạt, có khi lên đến vài trăm người, nếu không cũng bệnh ung thư, nóng gan, viêm gan siêu vi B, C… Người thời nay bệnh hoạn nhiều cũng do con người không biết tin sâu nhân quả, chỉ biết lợi trước mắt mà làm tổn thương rất nhiều người.
Các nhà khoa học, bác học cũng phải biết cách Thiền. Họ giam mình trong phòng kín lâu ngày để nghiên cứu, phát minh một vấn đề nào đó phục vụ cho xã hội loài người, nếu tâm vọng động, lăng xăng, nhớ nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia thì làm sao phát minh được. Nhờ biết tu Thiền nên tâm họ định tĩnh, sáng suốt, làm việc gì cũng có kết quả tốt đẹp.
Thiền trong nghiên cứu, giảng dạy là chú tâm soạn bài giảng, tập trung vào nội dung cần triển khai về đề tài mình muốn nói. Khi soạn xong ta nên đọc lại từ 3 đến 5 lần để nắm khái quát đề tài giảng dạy. Trước khi lên Pháp tòa trong vòng một tiếng đồng hồ ta không cần nhớ nghĩ gì nữa mà chỉ cần nhiếp tâm theo dõi hơi thở, thở vô ta biết mình thở vô, thở ra ta biết mình thở ra, chỉ cần nhìn lại hơi thở mà không cần đối trị, nhờ vậy tâm được định tĩnh, sáng suốt, khi lên giảng những gì cần nhớ sẽ nhớ liền nên giúp người nghe nắm bắt nghĩa lý rõ ràng. Về phía người nghe cũng vậy, chỉ cần chú tâm khi nghe mà không khởi niệm phân biệt hay-dở, ta nghe chỉ để học hỏi, để biết cách tu tập hay ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày.
9. Thiền trong lúc tắm, mặc quần áo, đi tiểu, đi đại
Nhiều người nghe nói Thiền trong lúc tắm rửa, mặc quần áo, đi tiểu, đi đại tưởng là bất kính. Song, chúng ta phải Thiền ngay trong mọi điều kiện sinh hoạt hằng ngày. Quý vị nghe chúng tôi hướng dẫn sẽ thấy giá trị và lợi ích thiết thực của nó. Khi vào trong nhà tắm và lột bỏ hết lớp quần áo bên ngoài ra ta mới thấy rõ con người chân thật của mình. Cũng vậy, khi chúng ta buông bỏ hết phiền não tham-sân-si thì Phật tính sáng suốt mới hiện ra. Người phụ nữ khi tắm mất thời gian rất lâu vì phải săm soi, ngắm nghía mình xem còn duyên dáng hay không, nhất là những người đã có chồng, có con. Phụ nữ thì sợ xấu, sợ già, sợ hôi, sợ cô đơn và vô vàn nỗi sợ khác nên khi tắm phải dùng nhiều xà bông, nước thơm, tắm như vậy là đã đánh mất chính mình vì tham đắm, dính mắc vào thân này quá nhiều. Ai mập quá thì rất khốn khổ vì nghĩ mình không còn sức hấp dẫn với chồng hay người yêu, đó là nỗi khổ, niềm đau hay dày vò phái đẹp. Ốm quá thì thân hình lòi xương, trông giống con khô hố, ai chạm đến tưởng như gốc cây. Người nữ mập quá hay ốm quá đều khổ cả. Tắm nhằm mục đích rửa sạch chất dơ bẩn sau một buổi hay một ngày làm việc để tẩy đi các chất ô uế bám dính trong người. Khi tắm nước lạnh ta cảm nhận nước mát khắp toàn thân, tắm nước nóng ta cảm nhận sự ấm áp của nó, tắm như vậy là không bị dính mắc vào thân. Con người chúng ta thường hay chấp thân này là thật; tâm suy nghĩ, hiểu biết cũng là thật; từ đó chấp thân tâm làm ngã rồi dính vào đó nên bị phiền não tham-sân-si chi phối, sai sử.
Người biết Thiền trong cuộc sống khi tắm chỉ biết mình đang tắm mà không ngắm nghía, săm soi thân hình, nhờ vậy trong lúc tắm cảm nhận được an ổn, nhẹ nhàng. Tắm như vậy là tắm Thiền khoẻ re. Mặc quần áo mục đích chính là để che thân không bị lõa lồ nhưng ta lại nghĩ mặc quần áo để khoe đẹp với người khác, do đó phải tốn tiền sắm sửa quá nhiều. Phụ nữ Việt Nam thời đại ngày nay đang dần đánh mất chiếc áo bà ba hay áo dài, thay vào đó là áo hở cổ, khoét ngực để khoe sự hấp dẫn, vô tình làm đấng mày râu mê muội, dính mắc vào đó. Phụ nữ nặng về luyến ái, tức tình cảm nặng nề, do đó làm đẹp là bản chất của phái đẹp; nhưng ta phải biết hài hoà cho có chừng mực vừa phải thì đỡ tốn thời gian, ít hao tiền bạc, nhờ vậy giảm bớt lòng tham muốn. Ăn mặc giản dị, gọn gàng là nét đẹp văn hoá của người phụ nữ Việt Nam. Cái đẹp của người phụ nữ là đẹp ở tấm lòng, đẹp ở nhân cách đạo đức. Người nam thì đơn giản hơn trong ăn mặc nhưng lại hay dính mắc vào thuốc lá, rượu bia, gái gú, hưởng thụ thức ăn các loài vật quá nhiều. Người uống rượu bia ăn các loài hải sản tươi sống nhiều nên chắc chắn sẽ thiếu lòng từ bi trong đối nhân xử thế, do đó sẽ gánh lấy hậu quả về sau như bệnh hoạn, mất trí nhớ, thần kinh rối loạn và bị nhân quả vay trả thù hằn không có ngày thôi dứt.
Thiền trong việc đi tiểu, đi đại cũng rất quan trọng trong đời sống vì nó gắn liền với chúng ta hằng ngày. Khi đi tiểu ta biết ta đang đi tiểu, nếu trong ngày ta đưa các thức uống vào quá nhiều cũng khổ, nhất là những tay bợm bia đã đưa vô thì phải xả ra, đó là lẽ đương nhiên. Khi tiểu ta không chú tâm vào chỗ tiểu mà nhớ nghĩ lung tung, tiểu trong vội vàng, không có ý thức. Khi tiểu ta chỉ cần nhìn nước tiểu vàng hay trắng sẽ biết được sức khỏe mình ra sao. Nếu nước tiểu vàng quá thì trong người nóng, ta phải biết điều hoà bằng cách ăn uống hay thuốc bổ thận âm. Ngược lại, nếu thấy nước tiểu trắng thì biết người quá yếu, thận bị suy nên hay mắc tiểu đêm ta phải dùng thuốc bổ thận dương để điều trị. Thông qua đó ta sẽ biết cách điều hòa để cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống. Đi đại cũng vậy, nếu bị bón rặn không ra ta biết mình đang bị nóng gan hay bị trĩ, ta sẽ dùng thuốc trị hoặc ăn đồ mát thì sẽ từ từ hồi phục trở lại. Đi phân đen hay xanh, chảy hay chìm xuống ta biết đường ruột yếu thì phải thức ăn nóng cho có tính cách Dương tính, đây cũng là một pháp Thiền trong lúc đi đại. Mình bệnh mà không biết mình bệnh thì nguy cơ cao; ăn vô mà không thải ra chỉ trong vài ngày thì bụng sình chướng khó tiêu, người bức rức, nóng nảy, chộn rộn thật khổ tâm; nếu bị đi chảy nhiều quá thì coi chừng tiêu đời nhà ma. Vậy trong lúc đi tiểu, đi đại mình có tu không? Có chứ, nếu không ngồi trong nhà cầu khốn khổ đủ điều, mùi cặn bả xả ra hôi hám vô cùng mà tâm cứ nghĩ tưởng lung tung. Do đó ta phải biết rõ ràng từng trạng thái của nó mà không bám dính vào chỗ nào, coi như ta đang Thiền trong đi tiểu hay đi đại.
Cuộc sống nhân loại ngày nay trên đà phát triển ngày càng cao giúp con người hưởng thụ tiện nghi vật chất, nhưng ngược lại làm ô nhiễm môi trường, thức ăn uống bị nhiễm độc nặng nề. Các bệnh viện quá tải vì người bệnh quá nhiều, nguyên nhân chính là không biết điều hoà trong ăn uống. Người tại gia với bộn bề công việc nên không biết làm cách nào để điều hoà thân tâm cho tốt, do đó dễ phiền muộn, khổ đau, bệnh hoạn và bất an, lo lắng, sợ hãi. Hai bộ phận chủ yếu trong cơ thể chúng ta là thận và gan. Thận điều tiết, thải độc bằng nước và mồ hôi. Nếu để thận yếu, thận suy dễ phát sinh bệnh tim mạch và huyết áp cao, tai biến mạch máu não và đột quỵ. Ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ nóng từ chiên-xào-nướng, dùng thức uống kích thích như rượu bia nhiều dẫn đến bệnh nóng gan, xơ gan, viêm gan siêu vi B, ung thư; nếu không chết liền cũng làm hao tiền tốn của, làm khổ người thân và khi chết mang theo lòng tham lam, ích kỷ nên càng bị đoạ lạc vào chỗ xấu. Điều hoà trong ăn uống, đi tiểu, đi đại là ta đã biết Thiền trong đời sống hằng ngày, vì những thứ này gắn liền với chúng ta. Biết ăn, biết uống, biết đi tiểu, đi đại, đã đưa vô thì phải xả ra, ta chỉ cần kiểm soát chúng chặt chẽ hằng ngày là vừa làm chủ thân tâm, vừa điều phục bệnh hoạn.
Bốn phương pháp Thiền ngồi, Thiền lạy, Thiền đi, Thiền nằm, hành giả miệng niệm Quán Thế Âm Bồ tát, tai chú tâm lắng nghe, nhờ vậy không bị thất niệm nên phát sinh định lực và trí tuệ. Tới khi đi ngủ thì phải Thiền nằm, miệng tiếp tục niệm Quán Thế Âm Bồ tát, chỉ cần nhiếp tâm vào câu niệm thì từ từ đi vào giấc ngủ mà không bị mộng mị xấu ác. Vậy trong bốn oai nghi đi-đứng-ngồi-nằm ta đều Thiền niệm Quán Thế Âm Bồ tát từ lúc mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ, khi ăn uống, lái xe, làm việc, mua bán, trồng trọt, nghiên cứu, giảng dạy, tắm rửa hay đi tiểu, đi đại. Ta đều Thiền bằng cách chú tâm vào việc mình đang làm, nhờ vậy ta biết rõ ràng bản chất thực hư của nó mà biết cách buông xả để sống đời an vui, hạnh phúc bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Ai biết Thiền như vậy mỗi ngày từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, mỗi hành động tạo tác của thân tâm đều biết rõ đúng sai, cái gì đúng thì giữ lại, cái gì sai thì gạt bỏ nên tất cả mọi chỗ, mọi nơi đều là Thiền.
Phật dạy trong các Kinh nguyên thuỷ pháp Lục niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiên, niệm Giới, niệm Thí. Lục niệm này liên kết với nhau đầy đủ mới thành tựu Phật quả. Niệm Phật để sống với Phật tính sáng suốt, niệm Pháp để nhớ lời dạy vàng ngọc của Phật, niệm Tăng để cung kính và học hỏi, niệm Thiên để được đầy đủ phước, niệm Giới để không làm các việc xấu ác, niệm Thí để biết cách buông xả và giúp đỡ người khác. Sáu niệm này thuần thục thì mới thành tựu Phật pháp viên mãn. Niệm Phật và niệm Bồ tát cũng giống nhau về hình thức, ta có thể niệm Phật Thích Ca, Phật A Di Đà hay Bồ tát Quán Thế Âm hay niệm hơi thở đều được vì đây chỉ là phương tiện bước đầu giúp mọi người dừng vọng niệm xấu ác. Trong nhà Phật phương tiện bước đầu phải là Thiền Chỉ. “Chỉ” là cột tâm vào một điểm nào để đánh bật các vọng niệm buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua làm tổn hại thân tâm. Thiền Chỉ có nhiều loại giúp trụ tâm vào hơi thở nên đều là Thiền Chỉ. Kế đến là Thiền Quán, tức dùng ý thức để xem xét ta-người-hoàn cảnh, nhờ vậy biết tất cả đều vô thường, cái gì có hình tướng đều bại hoại, do đó phát sinh trí tuệ mà biết cách buông xả phiền não tham-sân-si. Ngày xưa Phật không dạy phương pháp Sổ Tức Quán, có nghĩa là đếm hơi thở, đếm từ một đến mười rồi quay trở lại đếm tiếp. Phật chỉ dạy pháp quán hơi thở là thở vô ta biết thở vô, thở ra ta biết thở ra, chỉ một bề quán sát tường tận như vậy. Người đời sau vì vọng niệm lăng xăng, dính mắc nhiều quá nên dạy quán hơi thở họ không đủ sức nhiếp tâm, do đó các Tổ phương tiện chế ra Sổ Tức Quán, đếm hơi thở từ một đến mười để mọi người dễ cột tâm vào đó, vừa đếm vừa hít thở. Tất cả chung quy cũng đều là phương tiện ban đầu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm