Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 22/10/2023, 11:36 AM

Tự tình mùa thu

Sau giờ thiền toạ sáng nay, lắng nghe lại lòng, hình như có dòng sông nào đó tuôn chảy qua đời, bắt được tiếng hơi thở thánh thót của vũ trụ, đập nhịp nhàng như bóng dáng của từng chiếc lá thu khẽ rơi.

Ta gọi nắng vàng, hong mùa mộng

Hững hờ mở cửa, gió Thu say

Vàng thay màu lá, bâng khuâng gọi

Gợi nhớ vô thường, phảng phất bay

Như thói quen thường ngày, dù là bận rộn hay không, lặng yên một mình bên ly cà phê sữa nóng, nghe vài bản nhạc, để tự thưởng cho riêng mình. Hằng ngày vẫn dành tặng riêng cho mình một chút nào đó, một không gian tỉnh lặng, trước khi bắt đầu cho một ngày bận rộn.  

Cái không gian riêng và nhỏ bé ấy rất cần thiết cho mọi người, vì chúng có thể giúp cho ta làm tăng trưởng thêm năng lượng tinh khôi, tỉnh thức và thực dụng cho cuộc sống, khi bị quá nhiều việc chi phối trong đời sống thường nhật.

Tinh thần giáo lý của đạo Phật không phải chỉ để nghiên cứu và tạo tri thức hay gom góp tư lương kiến thức… mà cần phải được áp dụng vào đời sống, để trở thành cuộc sống, nếp sống thì mới thể nhập trọn vẹn được tinh túy của Đạo, như đi vào tận “cốt tủy” của văn hoá tâm linh. Bằng không chúng ta sẽ chỉ đi vòng ngoài của đạo Phật, chỉ nắm được cái xác không hồn, dù vẫn có đôi chút ích lợi nhưng cũng chỉ là hương phảng phất, vô nghĩa cũng như bỏ quên đi giá trị cao siêu, hữu ích của việc không tiếp xúc được với sự sống, với bản thể sự vật. Cho nên thể nhập vào văn hoá tâm linh là sống trọn vẹn với nguồn lực của Phật chất nơi tự tâm. Chúng ta cũng không cần phải nói hoài về Phật Pháp, nói đến sự quảng rộng, hiểu gì, chứng nhập được gì… vì khi nói ra, lại vô tình đánh mất chính mình, vong thân trong bỉ thử, đối đãi, tương tác, có cảm thọ, nhân ngã, không trung thực với chính cuộc sống. Vì với nhận thức đúng (chánh kiến) qua Văn Tư Tu của chúng ta thì đạo đã có mặt trong cuộc sống một cách tự nhiên, để liên hệ với chung quanh, với các cá nhân, xã hội và thể hiện được hành trạng khoan dung, thư thái, từ tốn toát ra từ một con người…

Nhìn giọt cà phê đen len lỏi qua những lổ nhỏ của phin cà phê, từng giọt rơi xuống, tan chảy hoà với sữa, tôi chợt nghĩ: Có nhiều người không dính dáng đến cà phê, dù là một giọt, có người thì lại ghiền cà phê như tôi chẳng hạn, và mỗi người thì lại chọn cho mình một cách uống khác nhau, đậm hay nhạt, uống với đường hay pha với sữa, hoặc uống không… nhưng mỗi cách dùng, cách thích như là mỗi thái độ ứng xử với cuộc đời.

Chúng ta có quyền tự do để chọn lựa cho mình con đường sống, sống ra sao thì cũng một đời người, nhưng đồng thời chúng ta cũng ý thức rằng, cuộc sống không chỉ hạn hữu trong một khoảng thời gian ngắn hay dài, mà là sự nối tiếp từ quá khứ đến tương lai. Bạn có thể chọn cho mình một ly cà phê đắng nhưng với tôi là một ly cà phê sữa… có sao đâu, vì tất cả đều biểu lộ cho thái độ, lối sống của sự sinh tồn, hiện hữu trên cõi đời, và như lời Phật dạy “thân người thật khó có được” nên tự nhận thức được sự hiện hữu của chính mình, cũng như liên hệ đến những người khác, và sống ra sao để cho cuộc đời có ý nghĩa…

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo Phật giáo, đức Phật nói rằng: “người là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa”… xác định được vị trí cao thượng và tự do của con người. Điều đó muốn nói trong tiến trình sống, thao thức và tìm sự giải thoát qua sự trực nhận chân lý chứ không phải do ân huệ của bất cứ quyền năng hay thần linh nào.

Nhìn ra ngoài sân qua khung cửa sổ. Sương đã tan, khoảng màn sương trắng vân du đã trải mỏng dần và nhạt nhoà, để lại cảm giác như có từng cơn gió lạnh thổi đến, vì nhiều cây đứng lặng, rét buốt, thân khẳng khiu, lá rơi rụng nhiều rồi. Trên cây cũng còn những chiếc lá cô đơn, đang ngắm nhìn bạn bè ra đi, bay theo gió, lăn cuốn vào đời, lòng quặn thắt, vàng vỏ lòng, vàng úa lá.

Ôi, đời người như dòng sông xuôi ngược, có kẻ chảy xuôi theo dòng nước cuốn, ngụp lặn theo dòng sống vô thường.

Nhìn thu, rung cảm vì thu, thưởng thức thu, ca tụng thu… đều do tâm tình mà nói về thu. Chúng ta có thấy bốn mùa thay đổi, vũ trụ vẫn đan xen tình tự như là bước chân người cùng tử đã vô tình quên mất chính tâm mình, cảm thấy sao nghèo nàn, xơ xác, lang thang … để rồi khi nhận diện, quay về và quán chiếu lại… Hạ vẫn còn đó, Thu vẫn còn đây, Đông vẫn nhạt nhoà hiu quạnh, và Xuân bao giờ vẫn tươi cười như thế, dù cho vật đổi sao dời, bao rong rêu quyện vào đời sống…

Một hạt giống rơi trên đất, nẩy mầm và đâm chòi non để vươn mình cao lớn khi gặp đủ nhân duyên, thời tiết, mưa gió, chất bổ dưỡng để trở thành một cây lớn, có mặt giữa đất trời. Có lá, có nhựa sống, có cảm xúc khi thời tiết đổi thay, có biết đăm chiêu khi chiều về, có cười rạng rỡ khi nắng soi rọi đến, có cô đơn và khô cằn khi trơ trọi, có hạnh phúc khi được nâng niu chiều chuộng…. Khi sóng gió của đất trời đưa đẩy, một hôm nào đó, lá xanh tươi bỗng trở nên vàng và rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, cũng báo hiệu cho những sự chia ly, phân cách. Những gì sinh ra bởi duyên hợp, bởi điều kiện đều vô thường, sanh và tử không phải là một tiến trình từ đây đến đó, nhưng lại là một vòng quay liên tục của Tình Tự Mùa Thu! lá xanh rồi lá rụng, hàng ngày đứng trước bình minh, ắt nghĩ khi hoàng hôn sắp lặn….

Từ những suy luận, diễn dịch để đi sâu vào bản chất của các pháp, và nhận thức đó là Vô thường và hiển nhiên, vô thường là một chân lý. Nếu không chấp nhận, ta sẽ tham chấp và khổ đau. Nhờ vô thường, ta mới hiểu đúng bản chất của các Pháp và trực nhận được Chân thường vuợt trên sự đối đãi trong thực tại.

Trong cơ thể sinh lý của chúng ta chất chứa đất nước gió lửa, da thịt, xương, máu và các cơ quan nội tạng... tất cả đều thay đổi liên tục, mỗi sát na, sinh và tử, tử và sinh, và cũng chính nơi cái thân thể nầy đã hằng nuôi dưỡng biết bao là sinh vật. Nếu chúng ta ăn uống thanh đạm, tránh những chất cay nóng, rượu thịt, bất tịnh … thì những chúng sinh đó được nhờ, khoẻ mạnh, không gây nên những tác hại tương phản, và ngược lại chúng sẽ tàn phá cơ thể của chúng ta.

Khi người hành giả với đời sống đơn giản, tri túc, ít ưu phiền, ít bệnh hoạn, thì hẳn nhiên các chúng sinh đó đều được độ, đều được lợi lạc.

Các cảm thọ, tâm lý của chúng ta trôi nổi như dòng sóng, như “tâm viên ý mã”, nếu không có gì kiểm soát, sẽ tạo ra nhiều vọng tưởng, sai lầm do tham sân si chi phối. Tư tưởng sanh diệt liên tục, mỗi một tư tưởng là một đời sống hiện hình, có sanh có tử, và mỗi tư tưởng, mỗi niệm là một chúng sanh, tùy theo tâm niệm vui buồn hỷ nộ ái ố … mà có hình dáng khác nhau …Hãy độ và đưa các niệm đó vào Niết bàn, đưa tâm trở về thân, đưa tâm trở về tâm, những vọng tưởng đó sẽ lặng lẽ thể nhập vào biển Tuệ, Chân tâm. Đã không từ đâu đến thì đi về đâu, vì nơi đó tạm gọi “bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng bất giảm…”.

Cũng từ nơi thể nhập, lại nói đến hành trạng của người con Phật, thể hiện phong thái Bi Trí Dũng giữa cuộc đời.

Con người là chủ nhân của hạnh phúc hay đau khổ của đời mình. Tất cả đều hàm ẩn trong A-lại-da thức, và từ nơi đó đâm chồi nẩy nở đều tùy thuộc vọng chấp hay cái tưởng của con người. Chỉ khi nào phiền não hay nghiệp chướng không đất để sanh trưởng thì khi đó mới đắc được Tánh không, mới đạt được Tánh trí bình đẳng, và mới thể nhập được Chơn lý bình đẳng. Tuy nhiên, đây là một lộ trình dài đăng đẳng, tùy theo tâm niệm mà mỗi người đều mang theo bao nhiêu là nghiệp thức, do vô minh sai lầm từ bao nhiêu kiếp. Tất cả đều do lòng tham đắm, yêu thích và bám giữ sanh ra. Ái dục thường đi cùng vô minh và nghiệp, vì từ đó sanh ra phiền não và khổ đau.

Nếu tâm thường vướng mắc, cưu mang như những trường hợp trên thì dù sống trong rừng sâu, trú xứ xa vắng, trong thành thị hay bất cứ nơi đâu, cũng đều cảm thấy bất an và sợ hãi. Bởi vì chúng ta sợ cái rỗng không, tỉnh lặng, bình dị ..nên bằng cách gom góp, vun xới, bồi đắp cho gia tài hiện hữu, nên tâm thường trực tranh đấu, bất an, lo sợ. Làm sao tránh được tâm bất an nầy? Phải nhận rõ đó chỉ là những bóng trần xuất hiện của tâm thức, rỗng không. Khi tâm thanh tịnh thì những huyễn cảnh kia sẽ diệt như những đợt sóng trào dâng, nay trở lại lặng lẽ hiền hòa trong lòng đại dương bao la.

Thưa bạn, cuộc đời là một sân trường tranh đấu. Chúng ta đã trưởng thành từ sân trường học, với những bạn bè, với những tình cảm chia sẻ, thương yêu, có những ngọt ngào trong sạch, có trái tim biết bâng khuâng rung cảm, và với những kiến thức được bồi đắp làm hành trang để đi vào đời. Rồi một ngày nào đó, nhà trường đã buông tay ra, cha mẹ đã buông tay ra, và chúng ta phải đi trên chính bước chân non dại của mình.

Biết bao nhiêu là sự bất như ý xảy ra, cũng như có những việc làm ta hài lòng. Khi vinh nhục, khi thành công, khi có địa vị, danh vọng, tiền tài… đều có sự đánh đổi bằng chính mồ hôi, nước mắt. Có một lúc nào đó, khi nhìn thấy những lá vàng rơi trên sân trường, trên sân đời rêu phong, chúng ta cảm nhận được hết tất cả sự phù du của cuộc sống, thấy bóng Thu lăn lóc qua suơng gió của đời sống, thấy tâm mình bị rêu phong che lấp khi băng mình, chạy theo những miếng cơm, manh áo với những lo âu, băn khoăn. Chúng ta đã làm được gì cho mình, cho cuộc đời và cho con người?

Có nhiều sự việc đôi khi rất tầm thường, nhỏ nhoi, giáp mặt với chúng ta mỗi ngày trong đời sống thực, mà mình lại quên đi hết, xem thường. Chúng ta muốn biến mình trở thành nhân vật to lớn, vươn vuốt lên bầu trời xanh, cõi mây nương gió, nhiều danh vọng, nhiều tiếng tăm, đẹp đẽ cao sang, ai cũng biết đến, để được tán tụng ngợi khen… nhưng mỗi bước chân trên mặt đất lại quờ quạng, mỗi hơi thở đều mang dáng vẻ thô kệch, gấp gáp, thiếu từ tâm, thiếu tình người, thiếu chia sẻ chân thành. Khi tâm ta không an, trời đất cũng quay cuồng theo mỗi vọng niệm của ta, bứt tóc bứt tai, gầm gừ la hét. Ta chạy nhảy lòng vòng đề tìm đồng minh, tìm bạn hữu chia sẻ, đem những đau khổ, bất hạnh mình có được cho ai đó gánh bớt, nhưng nhiều khi vốn chỉ là những vọng niệm sai lầm của chính ta, những mộng tưởng điên đảo.

Những nguyện lực của người con Phật bỗng trở nên thiết thực giữa cuộc đời sóng gió, khi với nhiều khổ cảnh chung quanh và ngay cả chính mình, sau khi kinh qua những chiến trường của nội tâm, đem Ba Pháp ấn quán chiếu, nhận Bi Trí Dũng làm thầy hướng dẫn. Chúng ta từng biết nhiều, rất nhiều người mang lý tưởng Bồ tát đi vào đời (Thượng cầu Phật đạo, hạ cứu độ chúng sanh). Nguyện lực là một ước muốn, được khẳng định, cương quyết cho bước đi dấn thân, do sanh khởi từ tuệ giác và tâm từ bi. Nhưng sự ước muốn được mở rộng từ tâm bồ đề là nguyện lực không vị kỷ, chỉ vì người, vì đời để chia sẻ, hướng dẫn chuyển hoá bất hạnh do vọng tưởng, chấp trước, để thoát khỏi mọi ràng buộc, giằng xé, lôi kéo bởi tham sân si. Tất cả mọi công trình của nhân loại từ văn hoá, nghệ thuật, các nền văn minh, những sáng chế, các phát minh cho con người và do con người, đều đến từ ước muốn làm cho đời sống văn minh và cao thượng hơn, để người trở thành người nhân bản đích thực, không lệ thuộc vào những ảo tưởng thần linh ban ân thưởng phạt, và tất cả đều đến từ tâm, từ tuệ giác.

Ngay chính sự đi tìm đạo và chứng đạo của Thái tử Tất-đạt-đa cũng là một ước muốn siêu tuyệt, một nguyện lực lớn là tìm ra Chân lý để cứu độ tất cả muôn loài chúng sanh, “khai mở Tri Kiến Phật” trong mỗi người… mà ngày nay, biết bao nhiêu người ở khắp mọi nơi trên thế giới vẫn đang tiếp nối sứ mạng độ sanh, đem đuốc Tuệ chuyển mê khai ngộ, chuyển hoá khổ đau cho con người.

Suốt thời gian dài qua, vì công việc mưu sinh, vì đời sống quá nhiều bận rộn và bị chao đảo bởi bao nhiêu là vấn nạn, tôi cũng bị ảnh hưởng theo hoàn cảnh, thời tiết. Có những lúc ngồi đăm chiêu nhìn dòng đời xuôi chảy, có thổn thức khổ đau, có lúc khóc để thành mưa, có lúc cười để nắng nóng… như hệ quả tất nhiên của một đời người, nhất là người thiếu phước như tôi. Vì lẽ đó, do sợ mưa gió làm sổ mũi, nhức đầu, cảm cúm, nên cần phải tập nín khóc, nhịn cười, làm cho gương mặt bớt nhăn nhăn nhó nhó, giản cơ, thanh thản, bằng cách là thực tập tha thứ, buông bỏ. Trong cuộc đời, không phải là có lúc chúng ta cũng đã từng có thành kiến, cố chấp, nông nổi, tự cho là mình đúng và cũng từng gây đau khổ cho mình, cho người chung quanh? Tha thứ cho người, buông bỏ những vị kỷ, thành kiến sai lầm… cũng chính là làm cho mình có cuộc sống tinh thần dễ thở, giảm bớt khổ đau, nới rộng vòng tay thương yêu, tâm nhẹ nhàng, đó là điều đương nhiên.

Giữa năm rồi! Lá đã bắt đầu rơi rụng, trời heo may. Ngồi nhìn quãng thời gian qua, vì nhiều khổ cảnh, bất hạnh đem lại nên có những sự việc muốn thực hiện mà vẫn chưa làm được, hình như nói nhiều hơn làm. Những lời tri ân, cảm ơn đến những tấm lòng của mọi người đã dành cho mình… cũng còn nằm yên đó, còn nhiều và nhiều nữa trong cuộc đời này.

Là người con Phật, trọng ân của đức Từ Phụ giúp cho mình, có cái nhìn nhất quán duyên sanh về đời người, đem giáo lý của Ngài vào đời sống để trở thành nếp sống tâm linh. Được thân người là do cha mẹ, được thân trí tuệ là nhờ công của Thầy Tổ hướng dẫn, chỉ dạy biết đến Phật Pháp, biết đến đường đi trở về sau bao nhiêu năm tháng đi hoang lạc, trong lòng tự khởi lên những sự việc để báo thâm ân, ân cha mẹ, đất nước, Thầy Tổ, người ân v.v.. nên dù hoàn cảnh có ra sao, cũng phải đi đến, dấn thân và thực hiện.

Phải chăng giữa cuộc sống nhiều biến động, nhiều nghi kỵ, thiếu thân thiện…nhưng nếu đến với nhau để chia sẻ với nhau bằng tấm lòng chân chất thì cuộc đời con người đã có những niềm an lạc hạnh phúc và trên đôi môi nở được nụ cười thanh thản, bình an “một nụ cười thật đẹp, trẻ thơ” để cho nhau lời Tự tình Mùa Thu nồng ấm Tình Người.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Niềm tin Phật Pháp hồi sinh tôi

Góc nhìn Phật tử 16:03 02/05/2024

Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin. Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình.

Hội luận: Sự cân bằng (3)

Góc nhìn Phật tử 11:45 02/05/2024

Tình cảm con người chính là sự biến dịch thiện ác mạnh mẽ nhất. Các luật sư của ba, tất cả các án mạng vợ giết chồng, chồng giết vợ, các đôi tình nhân giết nhau rồi thậm chí phân xác chỉ vì yêu, vì ghen…Đâu phải họ không thương nhau đâu...

Tự tại giữa khen chê

Góc nhìn Phật tử 10:46 02/05/2024

Thật sự nếu chúng ta không còn suy nghĩ về lời khen tiếng chê nữa thì chúng ta sẽ thấy nó thật sự chẳng có tí ti gì quan trọng cả. Có được tán dương hay chỉ trích đi chăng nữa cũng chẳng cần quan tâm.

Tất cả sinh linh từng là mẹ của chúng ta

Góc nhìn Phật tử 14:24 01/05/2024

Bước đầu tiên là chấp nhận rằng tất cả sinh linh từng là mẹ của chúng ta. Trong pháp thiền quán này, người mẹ được chọn lựa để làm đối tượng tu tập vì nói chung đó là hình tượng mà người ta cảm thấy gần gũi nhất.

Xem thêm