Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 10/06/2015, 09:13 AM

Tự truyện một người tu (P.11)

Tôi rất thích ở Ấn Độ, cũng vì đây là một quốc gia rất nhân ái, rất có lòng thương đối với mọi loài súc vật. Những ảnh hưởng to lớn tốt đẹp trong việc tránh và kiêng cử việc giết thú vật đã có từ ngàn xưa, mạnh mẽ nhất là triều đại vua A Dục.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT
CÁI ĂN

"Một người chỉ thật sự có đạo đức khi họ biết nghe sự thôi thúc trong lòng tiếng réo gọi thương xót của con tim đối với mọi loài. Điều này họ có thể làm được trong từng ý nghĩ và việc làm; khi nghĩ họ chỉ nghĩ điều lành, khi đi họ tránh gây thương tích cho các loài vật. Họ không hỏi điều lợi điều hại, họ không phần biệt mạng sống lớn, nhỏ tầm thường hay quý trọng, và cũng không cần biết các loài ấy có những cảm tính thế nào. Đối với họ mạng sống là một sự thiêng liêng mầu nhiệm. Họ cũng không phá vỡ mảnh băng lấp lánh dưới ánh mặt trời, không ngắt những chiếc lá từ cành cây, không bẻ hoa và cẩn thận không đạp những côn trùng khi bước. Nếu họ làm việc dưới ánh đèn trong một buổi tối mùa hè, họ sẽ đóng cửa lại thà chịu nóng bức, còn hơn trông thấy những con côn trùng nằm chết và ngoi ngóp trên bàn." Schweitzer, Albert (1875-1965)

Tôi không có thú đam mê ăn uống như một số người, có lẽ do vì là tôi ăn chay chăng? Hoặc giả nếu mà ăn mặn đi nữa mà với tính biếng lười số một trong việc làm và nấu ăn, thì có lẽ tôi cũng sẽ không hứng mấy khi công phu làm những bữa ăn ngon cho mình. Khi còn ở Đan Mạch tôi được nổi tiếng vang lừng với biệt danh là ông đạo mì, nay qua đến Ấn Độ tôi lại được nổi tiếng là đạo musli. Thế là dù tu tập chưa được bao năm nay, tôi cũng đã được tiếng với pháp môn tu mì gói và musli này rồi. Dù biết rằng ăn là một nhu yếu tối quan trọng trong cuộc sống, tôi cũng không cảm thấy mấy hứng thú khi đến giờ ăn uống. Đôi lúc tôi còn tự nghĩ rằng tại sao con người lại sinh ra chi với cái bụng, bao tử và cái miệng để phải ăn uống hoài cho nó phiền phức vậy. Đừng ăn mà vẫn no và không đói thì có phải là hơn không, vì chính sự ăn uống không thôi mà bao chuyện xảy ra trong cuộc đời. 

Sống ở tu viện tọa lạc giữa những cánh đồng mênh mông tận chân trời, tôi có dịp chứng kiến nhiều hơn vô số các loài thú vật và côn trùng. Gần gũi và hòa mình cùng với thiên nhiên bao la và vạn vật muôn loài, tôi thấy tâm mình được mở rộng; có lúc đau xót, có lúc thương cảm khi nhìn thấy những loài vật, loài côn trùng cứ suốt ngày tha thẩn đi tìm cho mình một miếng ăn, mà chẳng là gì khác. Những lúc rỗi rảnh ra đứng nơi sân thượng ngắm trời cao cùng vạn vật, tôi không quên để ý nhìn những đàn kiến, đàn chim, ong, bướm lo lắng tất bật bôn ba đi tìm mồi, tìm cái ăn cho nó. Dường như không phải chỉ có các loài đó mà là cả vũ trụ, cả thế giới chúng sinh này đang vì cái ăn mà tất bật với cuộc đời. Cái ăn làm cho người ta cảm thấy sướng và vui, nhưng sao nó cũng làm người ta khổ quá nhiều. Cái khổ của con người chúng ta không biết có đủ bằng cái sướng qua những buổi ăn ngon thỏa dạ hay không, nhưng tôi biết chắc một điều là do vì cái việc "ăn" này mà con người ta đã tạo ra vô số nghiệp ác trong cuộc đời.

Tại sao ngày nào người ta cũng phải ăn, ăn hoài ăn mãi và có khi ăn xong là thải ra liền rồi tiếp tục ăn nữa.

Đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu, vì nó làm tôi bận rộn và mất thời gian rất nhiều trong việc đi mua sắm các thức ăn. Có điều tôi cũng không bi quan và đến nỗi sợ hãi lắm khi tháng ngày trong cuộc sống trôi qua, mà tôi đã không vì cái ăn để vay mượn bao nhiêu mạng sống của sinh loài. Dù cái xác thân thịt xương này không mấy tốt đẹp, xấu xa này còn hiện hữu trên đời, nhưng cũng không vì nó mà bao nhiêu mạng sống khác phải bị giết đi để cho xác thân này thêm lớn. Có một nhà thơ Ý tuy không phải là phật tử, nhưng khi thấy do vì cái ăn mà bao nhiêu thịt xương của loài vật phải bị giết xẻ nên ông cũng không khỏi buộc miệng than rằng: "Con người thật độc ác làm sao khi nhai nuốt thịt kia vào nuôi cho thịt mình, nuôi mập thân tham lam này bằng những xác thịt của loài khác, nuôi một sinh vật sống mà phải bị chết nhiều sinh vật khác".

Tôi tin rằng con người ta thường vốn không tin nhân quả, nên do đó cũng chẳng sợ tội lỗi. Nếu sợ thì họ đã không dám tìm cái ăn cho ngon miệng trong sự nhai nuốt những con vật, mà kinh sách Phật mô tả: "cha mẹ bà con đời trước của mình." Làm sao mình có thể sung sướng, vui cười hỷ hả khi nhai nuốt thịt của cha, của mẹ mình. Trong sám văn Phát bồ đề tâm của ngài Thật Hiền có đoạn: "Đánh con lừa đến đổ máu đâu biết đó là cái thảm của mẹ mình; lôi con heo đến lò thịt nào hay đích thị cái đau của cha ta. Ăn thịt con ruột mà không biết, Văn vương còn như thế; ăn thịt cha mẹ mà không hay phàm phu đều như vậy. Đời trước ơn nghĩa mà đời nay thành oán thù, ngày xưa oán thù mà ngày nay thành ruột thịt. Quá khứ là mẹ mà hiện tại là vợ, túc thế là cha mà hiện tiền là chồng. Nếu có cái trí túc mạng để biết thì thật đáng hổ đáng thẹn, nếu có con mắt thiên nhãn để nhìn thì quả là đáng cười đáng thương".

Ngài Xá Lợi Phất một hôm đi khất thực tình cờ ghé qua nhà một trưởng giả nọ. Ông là một người rất giàu có nhưng lại keo kiết và bủn xỉn, nên chẳng bao giờ muốn bố thí cúng dường các vị tăng. Hôm ấy ông đang ngồi ăn thịt trong nhà cùng với vợ và con, thì ngài đến đứng lặng lẽ chờ bố thí. Một lúc lâu mà không thấy vị tăng đi, ông trưởng giả bực mình ra mắng rằng: "Sao ông lì lợm quá vậy, nhà tôi không có gì cho ông đâu!

Nói xong ông vào trở lại vào nhà và thấy con chó đang loay hoay gặm miếng thịt mà ông vừa ăn dở, sẵn bực tức trong lòng ông lấy chân đá mạnh vào con vật, nó la lên những tiếng đau đớn và cúp đuôi chạy mất. Bên kia người vợ cũng đang gặm nhắm một đốt xương, cũng lên tiếng càm nhàm chửi rủa con chó hỗn xược. Trông thấy cảnh đó, ngài Xá Lợi Phất buột miệng lên bài kệ như sau và rời sang nhà khác.

Kẻ ấy ăn thịt cha của mình, và lấy chân đá mẹ mình. Nó ôm vào lòng kẻ thù mà nó đã giết; Người vợ đang gặm nhai xương của người chồng. Ta cười khi thấy tấm màn kịch của cõi luân hồi.

Cũng trong thời đức Phật, ngài cũng gặp trường hợp khá tương tự khi đến khất thực tại một nhà trường giả nọ. Ông  ấy cũng là người keo kiết nên không muốn cúng dường đức Phật, mà còn xua chó ra cắn Ngài. Con chó dữ tợn xông ra cửa như muốn chực tấn công Ngài, nhưng với tâm từ bao la mà Ngài trải rộng hướng về nó, con vật kia bỗng chùn bước và khi ấy, Ngài đã nhắc cho nó biết về tiền kiếp nguyên là cha của người trưởng giả, và do vì lòng tham lúc mất nên phải tái sinh vào làm chó để giữ của cho con mình. Nghe đức Phật nói rõ nghiệp báo và cái si mê nên phải bị đoạ làm súc sinh, con chó bỗng ủ rũ và không ăn uống trong nhiều ngày. Biết được nguyên nhân, ông trưởng giả bèn mắng đức Phật vì cho là Ngài dùng tà thuật làm con chó bệnh. Đức Phật ôn tồn kể rõ tiền kiếp của con chó là cha trưởng giả, và do vì lòng tham nên cha ông phải đầu thai lại làm chó - để giữ của cho ông. Hiện nay chỗ nó thường nằm chính là chỗ khi trước người cha chôn vàng ở đó. Không tin ông trưởng giả bèn cho người đào lên và quả thật đã thấy hũ vàng. Quá đỗi xúc động, ông khóc than và sám hối với đức Phật rồi sau đó đem số vàng ấy cúng dường Tam bảo, và nhờ oai đức của chư tăng cầu siêu độ cho cha. Thời gian sau do sự hóa độ của đức Phật, do sự cầu siêu hồi hướng công đức của chư tăng và ông trưởng giả, nên con chó đã chết một cách êm đẹp và được thác sinh vào cảnh giới an lành.

Có lẽ người ta sẽ không tưởng tượng được những sự kinh nghiệm mà hàng ngày khi ăn, khi ngủ, khi ôm ấp yêu đương của họ là những cảnh tượng kinh khiếp như chư Phật và các vị tổ đã nói. Họ chỉ làm vì chỉ thấy và biết ở những gì trước mắt, mà chẳng biết chẳng hiểu bề sâu. Nhưng cái thấy, cái biết của họ trước mắt có là bao. Mắt thì không thể nhìn xa hơn vài mươi mét, cái biết và hiểu thì không quá phạm vi một đất nước, một thế gian này so với cái nhìn thấu suốt mười phương của các bậc trí tuệ, và cái biết không cùng tận của những người đã giải thoát. Đáng buồn thay, là con người với cái hiểu biết và thấy hạn hẹp như vậy, nhưng lại không tin gì khác, không tìm cầu học hiểu thêm để thăng hoa cuộc đời và làm tốt đẹp cho những kiếp sống về sau.

Do không tin gì hết, nên họ thường chỉ biết sống trong hiện tại với những cái vui và cái ngon trước mắt. Để rồi không biết vì cái ngon ấy mà họ đã tạo ra bao nhiêu điều ác, và rồi phải chịu quả báo ngay khi trút bỏ hơi thở của thân này. Thế nên ngài Tuyên Hóa đại sư, một cao tăng đắc đạo trước đây ở Mỹ nói rằng: "Nếu người ta không ăn thịt thì có lẽ phải chịu thiệt thòi, vì không hưởng được của ngon vật lạ trong cuộc đời. Nhưng nếu ăn thịt các loài vật thì sau khi chết, họ phải tới địa phủ để thanh toán nợ nần. Tôi lấy lương tâm mà nói thật cho các vị biết rằng: nếu mọi người không ham khoái khẩu, không ham hưởng thụ, thì sau khi chết sẽ không phải ra tòa".

Con người ngày nay càng văn minh và tiến bộ bao nhiêu, thì sự độc ác giết chóc càng tinh vi bấy nhiêu, để rồi những người phạm tội giết gián tiếp là những người ăn các loại thịt cũng phải bị báo phần. Cũng đã có quá nhiều cách ăn được bày ra và bao nhiêu việc giết, cách giết được thực hiện. Có phải chăng con người với các nghiệp sát lâu đời của họ, đã chẳng thể nào sống và làm gì khác hơn nếu không có sự giết chóc. Giết chóc, sát hại lẫn nhau nó cứ như một oan khiên tương báo nào đó, để rồi cứ diễn tiến như vậy mãi mãi mà không thể dừng lại.

Có những lần qua các đường phố ở Bangkok, Singapore, hay cả khi về Việt Nam, thấy xác thịt của các chúng sinh, của gà, vịt, cá, heo treo đầy các cửa tiệm, tôi cảm thấy lòng khởi lên sự bất nhẫn, pha lẫn chút sợ hãi. Tại sao con người chỉ có vì cái ăn cho ngon miệng mà làm quá nhiều điều ác độc, còn những kẻ sát sinh giết hại kia thì vì đồng tiền mà sẵn sàng làm hành động giết chóc. Mỗi ngày giết hàng trăm con thì hàng tháng, hàng năm hay suốt cả cuộc đời họ, số thú vật bị giết kia sẽ là bao nhiêu mà kể. Cũng việc giết hại sinh mạng thú vật này mà ngài Milarepa có lần nói với một người thợ săn, khi ông ta tìm cách săn đuổi một con thú đang lẩn trốn nơi ngài: Ngài nói: "Đức Phật dạy, mang được thân người thật là một điều quý báu vô ngần, nhưng mang được thân người như ông đây thì chẳng có gì là quý!"

Thật vậy, vì nếu mang được thân người với đầy đủ những quý báu của sự hiểu biết và suy tư, mà các loài vật khác không thể có được, nhưng nếu ta chỉ dùng thân người này cho toàn sự giết chóc, sát sinh, hại mạng hay chỉ duy nhất là cho việc kiếm được đồng tiền thì thật là có điều vô nghĩa nào hơn. Được sinh làm người chỉ để có cơ hội gây ra thêm bao nhiêu nghiệp ác chồng chất, thì nếu bị sinh làm loài vật có lẽ lại tốt hơn, vì tránh gây ác nghiệp và tránh bị đọa lạc. Thế nhưng, để hiểu và tin được điều này thì đã có mấy ai, và con người ta vẫn cứ tiếp tục làm ác!

Rồi không những chỉ những loài thú vật thông thường, người ta còn bày ra giết và ăn đủ loại như: dế, châu chấu, thậm chí đến dòi. Có người còn nói không biết dỡn hay thiệt rằng: "Người Việt Nam và người Hoa thì con gì cũng có thể ăn được, miễn ngo ngoe là có thể nấu và ăn được rồi." Nghe vậy mà tôi cảm thấy ớn lạnh xương sống.

Có một lần tôi xem bộ phim, The Faces of Death, trong đó trình chiếu hàng mấy trăm trường hợp chết khác nhau có cả loài người, loài vật. Nhìn cảnh chết chóc tôi thấy cuộc đời vô thường và giả tạm làm sao, vì con người ta mới sống đó phút trước mà phút sau đã chết. Và khi chết rồi xác thân này trông thật là gớm giếc; có cái sình lên, có cái nát bét, có cái đứt đầu gãy cổ thật là sợ, nhưng đôi khi nghĩ lại thì có chắc gì cái chết của mình một mai kia sẽ không giống như vậy. Cái chết của con người rồi thì ai cũng sẽ rất gớm, dù rằng người đó giàu sang và xinh đẹp thế nào đi nữa thì sau một vài ngày chưa chôn cất kịp, máu mủ cùng sự hôi thúi sẽ bốc lên, mọi người kể cả những người thân, người yêu nhất của chúng ta cũng sẽ cao chạy xa bay.

Nhẫn tâm nhất là cảnh con người giết những loài thú vật để ăn, thưởng thức thịt của nó khi nó còn sống. Phim chiếu cảnh người ta nhốt con khỉ trong một cái lồng, chân tay nó bị cột chặt và chỉ có cái đầu trồi lên khỏi lồng. Người đầu bếp lấy con dao hớt ngang phần trên của cái đầu và thực khách đưa muỗng vào múc thịt, máu huyết trong sọ não đó ăn ngon lành, trong khi con vật bên dưới dẫy dụa la hét khủng khiếp vì cơn đau. Cảnh người ta đem những con chó con ra cắt cổ cho máu chảy ra bát rồi xẻ thịt chiên ráng ngon lành, xúm nhau lại nói cười vui vẻ trong khi nấu ăn; cảnh người ta chặt đầu một con gà bằng búa và con gà khi bị chặt đầu xong bỗng vùng ra được, trong cái cảnh không đầu ấy chạy một quãng xa mới ngã gục.

Trong kinh Phật tôi học, thì đức Phật dạy rằng thân người rất quý báu và khó mà có được, như một con rùa ở giữa biển khơi cả trăm năm mới nổi lên mặt biển một lần, trên mặt biển ấy có một tấm ván trôi qua lại từ đông sang tây từ bắc xuống nam, thế nên việc con rùa một trăm năm trồi lên một lần, và trồi lên để đúng vào một cái lỗ nhỏ giữa tấm ván trôi qua lại giữa đại dương mênh mông, thì quả là một việc làm chẳng dễ chút nào. Sự việc được sinh làm thân người này của ta cũng như vậy, thì phải biết sự quý báu và hy hữu đến dường nào. Thế mà được sinh làm người quý báu như vậy, lại không biết tu tập, không biết gieo nhân lành, làm việc thiện mà chỉ có tạo nghiệp ác, sát sinh hại mạng, nói dối, dâm dục và làm bao nhiêu là việc tàn ác khác, thì thử hỏi mạng sống làm người này của chúng ta sẽ có ý nghĩa gì, và một khi chết đi ta sẽ tái sinh vào cảnh giới nào. Chắc chắn là sẽ phải đọa lạc mà chẳng một chút hồ nghi gì. Cái tâm hung ác chỉ thấy máu và giết chóc hàng ngày ấy làm sao sẽ không quen thuộc khi thấy máu, cùng sự giết chóc trong các cảnh giới sắp tới. Sự thác sinh vào các cõi mà chỉ toàn là máu và sự giết chóc chỉ là điều tất nhiên, tương ưng với tâm và những tư tưởng ác độc liên tục hiện tại của họ. Vậy thì điều đó có chi là mơ hồ, là mê tín chẳng đáng tin cậy.

Tôi cũng đã biết nhiều chuyện về quả báo  rồi, khi chứng kiến những người làm nghề giết thịt thú vật. Gần nhà tôi có một người chuyên làm heo, năm này tháng nọ cứ làm và xem như đó là kế sinh nhai bình thường. Dĩ nhiên là khi sống với nghề nghiệp như vậy thì làm sao họ tin nhân quả được. Nhưng với một người tin nhân quả như tôi thì làm sao không đặt vấn đề và phải suy nghĩ khi thấy hiện tượng ông ấy lúc chết đã nhiều lần trối trăn không nên lời, oằn oại qua lại suốt mấy ngày cùng với những tiếng rống lên the thé, như con heo bị chọc tiết. Khi ông chết mặt mũi tím bầm, và máu tuôn ra từ nơi các mắt mũi, miệng; mắt thì mở to và trợn trừng trông như một ác quỷ. Trông thấy cảnh tượng ấy trong một dịp tình cờ, tôi bị ám ảnh chuyện này suốt mấy ngày đêm liền. Đó là cái chết kinh khiếp của một người chuyên dùng năng lượng, sự hiểu biết phán đoán thông minh của con người để chỉ làm việc ác. Lợi ích thâu vào được những gì ngoài một cái chết khốc liệt, và những quả báo địa ngục kinh khiếp mà họ phải chịu sau khi thần thức này rời khỏi xác.

Kinh Phật đã mô tả khá rõ về việc oan oan tương báo, do việc ác và giết chóc xảy ra hàng ngày của một người đối với các loài thú vật; khi thân này hoại diệt, tâm thức Mạt-na tức là tiềm thức sẽ quay lại hết tất cả những việc làm của họ trong cuộc sống trước mắt họ lúc chết, trong cơn sợ hãi tột cùng nếu suốt đời người ấy chỉ chuyên làm ác họ sẽ tắt thở và tâm thức ấy đoạ ngay vào cõi ác. Với người làm thiện thì những điều thiện, điều nhân đức trong suốt cuộc đời sẽ quay lại cho họ thấy, rất nhanh như những cuộn phim và trong sự an lành của việc thiện mình làm, họ nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng và tùy theo đó mà sinh vào các cõi lành. Với người tu thì do vì suốt cả cuộc đời chỉ có tu hành, tụng kinh niệm Phật, làm những việc đạo đức nên dòng tâm thức tương tục của những câu niệm Phật, tụng kinh và làm những điều lành ấy, sẽ là những hạt giống quen thuộc đưa họ thác sinh vào những cảnh giới an lành tương tự. Sự thác sinh ở những kiếp sau, chỉ là một kết quả tương ứng với những gì mà con người ta đã quen làm trong kiếp sống này mà thôi. Đó là nghiệp, mà đó cũng là một tiến trình tiến hóa tất nhiên.

Trong Quy sơn cảnh sách, Tổ Bách trượng có ví sự thác sinh kiếp tới của một người cũng ví như con chim bị nhốt trong một chiếc lồng, khi được thả ra tất nhiên nó sẽ bay đến nơi mà nó muốn đến nhất. Tâm thức chúng ta cũng vậy, sau khi rời khỏi thân xác này nó sẽ bay đến những nơi mà nó thích thú nhất. Người ác cả đời chuyên làm ác giết hại sinh vật thì tâm thức thích thú giết hại ấy, sẽ tìm đến những nơi có sự giết chóc, máu me mà đến, nên rơi vào đọa lạc. Người thích thú trong việc sân, hận chưởi mắng sẽ tìm những cảnh tương ưng mà đến. Người thích về ái dục, vui thú với xác thân, sẽ tìm những nơi có ái dục mà đến. Kẻ say sưa, hút sách ghiền ngập cũng sẽ tìm đến những nơi có nhưng sự việc ấy, thế rồi do nghiệp chiêu cảm dẫn dắt ấy, mà họ phải thác sinh vào các cảnh giới xấu xa. Vậy thì những cảnh giới ác, đọa lạc kia nào có phải bị đấng bề trên nào thưởng phạt, mà do chính chúng ta tìm đến, do vì chịu theo sự dẫn dắt của tâm lý mà mình trong kiếp sống này đã huân tập, đã quen làm hàng ngày. Riêng tôi thì nguyện sao cho tôi chỉ biết quen câu niệm Phật, quen nhớ tưởng hình ảnh trang nghiêm hiền hòa của chư Phật, các vị Bồ tát để một mai khi gần chết, chỉ biết trong tâm có một niệm là niệm Phật, một hình bóng đó là hình bóng Phật. Được vậy thì chắc chắn tôi sẽ được thác sinh vào những cảnh giới an lành, dù tôi chưa giải thoát, chưa làm chủ được sự chết hay sự ra đi của mình.

Có một thầy giảng cho tôi nghe về nghiệp sát do vì cái ăn và phải hại mạng chúng sinh của con người chúng ta, và ví điều đó chẳng khác bao nhiêu với các loài quỷ, loài dạ xoa chuyên môn bươi bới xác người tại nghĩa địa để ăn thịt. Nếu ta trong một đêm tình cờ nào đó ra bãi tha ma, mà trông thấy cảnh tượng hai con quỷ đang nhồm nhoàm nhai nghiến những cánh tay, cẳng chân của một xác người thì chắc hẳn chúng ta phải sợ hãi đến té xỉu. Nhưng gẫm lại thử xem chúng ta không phải là quỷ, là dạ xoa thì là gì? khi hàng ngày chúng ta cũng nhồm nhoàm, thích thú nhai nghiến những miếng thịt, chân, cánh của loài vật. Đối với các loài ấy thì chúng ta không là quỷ dạ xoa thì còn là gì? Có điều do vì loài súc sinh ngu si và thiếu hiểu biết nên chẳng tỏ ra vẻ thấu đáo và sợ hãi, dù rằng cái chết chỉ kề bên chúng nó. Còn chúng ta do vì nghiệp giết đã quen, nên thấy chuyện giết chóc, ăn uống máu thịt nọ kia mà cho là thường tình, nhưng nếu quán sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm những lời kinh dạy, chuyện nhân quả nghiệp báo, thấu suốt được máu thịt, xương đây là của cha của mẹ mình thì ta chẳng còn dám ăn. Vì cái ăn ngon ấy là gì, nếu ngon không quá cửa miệng và nếu chỉ để ngon có vậy mà ngày này qua tháng nọ, năm kia rồi tới năm kia ta phải tích tụ một số nghiệp ác khổng lồ chỉ qua cái ăn thôi thì quả thật đáng sợ. Rồi bao nhiêu là những nghiệp ác khác của thân, của ý, của si mê, vô minh có lẽ sẽ còn rất nhiều để chờ đón ta bên kia thế giới, ngay khi ta phải lìa bỏ thân này. Thế cho nên trong bài kệ mà chư tổ truyền lại có nói đó: Quán xem trong bát canh này, hận sâu như bể, thù bằng non cao. Chỉ nội trong một bát canh mà chúng ta ăn trong một bữa ăn thôi, cũng đủ có bao nhiêu sự thù oán chất chồng của vô số sinh mạng. Các loài ấy đâu phải dễ dàng, vui vẻ và tự ý dâng sinh mạng cho chúng ta làm thịt để ăn. Các loài ấy cũng sợ hãi kinh khiếp khi bị ta bắt, và đưa dao vào cứa cổ chúng. Chúng cũng dẫy dụa lên đành đạch, vùng vằng cố thoát cánh tay đè và con dao cận kề của ta, chứ nào dễ gì đem mạng đến rồi cười khà nhắm mắt đưa thân cho ta giết. Cứ thử tưởng tượng lấy, nếu bị ai chặn bắt và bẻ tay, chặt chân để ăn thì ta sẽ thấy kinh khủng đến dường nào. Oán thù người ấy sẽ bốc cao bao nhiêu. Chỉ trong cuộc sống này đây mà nếu có người nào đó chỉ chửi mắng hoặc đánh đập ta chút đỉnh, mà ta còn tỏ lòng thù oán với họ gần suốt cả một đời, huống là họ chặt tay, bẻ chân và cắt đầu mình để lột da ăn thịt.

Sinclair, một người Mỹ có dịp đến thăm chuồng nuôi gia súc, sau khi chứng kiến cảnh giết thịt những con vật trong trại, ông cảm thấy rất sợ hãi và khi về nhà ông bèn viết một cuốn sách tên là: "The Jungle," trong ấy có đoạn như sau:

"Những người trong trại nuôi gia súc thúc đẩy những con heo đi tới trước, từng con một bị đẩy lên một cái dốc để bị giết...giờ đây nó bất đầu rống lên, không bao giờ chúng nó muốn bị đẩy lên cái dốc ấy vì nó ngửi được cái mùi máu, mùi tử khí đâu đó của đồng loại. Tôi không muốn bi thảm hóa tình cảnh ấy, vì các bạn đã đọc và biết trước đây. Nhưng đó quả là một kinh nghiệm đáng sợ; thấy được cái sợ hãi của những con vật, thấy được từng con vật một lần lượt ngã xuống sau tiếng la hét sợ hãi; nó nhắc cho tôi biết rằng không có một loài vật nào muốn chết. Tất cả đều náo loạn, âm thanh thống thiết, những con mắt và cái nhìn sợ hãi và phải chăng đây là một sự thanh toán nợ nần nào đó".

Con người chúng ta làm vậy và cho là phải làm vậy, vì chúng ta có cái lý của kẻ mạnh, cái lý của kẻ thông minh biết cách này cách nọ để săn bắn, đặt bẫy và tóm bắt các loài vật để giết. Ngoài cái lý này ra, chúng ta chẳng còn cái lý nào khác để giết hại muôn loài cho cái ăn của ta. Nếu ai ai cũng sợ chết, sợ khổ đau kể cả những loài côn trùng, loài vật nhỏ nhất thì tại sao ta phải giết nó để làm cái ăn cho mình.

Bỏ qua một bên giáo lý và lòng tin vào đức Phật, thì một người nào đó dù có một chút lòng nhân ái, thương loài vật cũng không nỡ nhẫn tâm ăn nuốt thịt các loài này trong các bữa ăn hàng ngày. Có một vị bộ trưởng ở Mỹ khi chứng kiến một đàn cừu bị dẫn đến lò thịt để giết, sau đó khi có dịp nói chuyện với một người bạn ông kể lại như sau:

"Cái mùi giết chóc, tiếng la thét trong cơn hấp hối và những âm thanh bắn giết nổi lên bên trong thật là ghê tởm, những con bê bị chặt giết trước mắt những con mẹ. Tôi thấy những người chăn súc vật đẩy loài thú tới sàn giết, nơi những con vật ấy có cảm giác nó sẽ bị giết nên lồng lên điên dại với những nỗi sợ hãi".

Đã có nhiều nước Tây phương tuy không hiểu đạo Phật, cũng chẳng tin nhân quả nghiệp báo nhưng khi xem phim, đọc sách hoặc trực tiếp chứng kiến đã thấy rất tội nghiệp cho những con vật bị giết này nên họ đã tự động ăn chay suốt đời. Nếu con người có tình thương, có sự rung động thật sự trong con tim mỗi khi thấy đau khổ của người, của vật thì họ sẽ chẳng an nhiên mà vui cười, mà sung sướng khi gặm nhấm những cái đùi, miếng thịt của những con vật xấu số.

Có bao nhiêu người ý thức được rằng 95% của hàng triệu gà nuôi trứng ở Mỹ, ở Âu châu bị nhốt dưới cái gọi là: thâm canh hay gọi là hệ thống xưởng nuôi nông trại? Trong một kiểu nhốt chung, nghĩa là bốn con gà bị ép chặt trong cái gọi là dãy lồng độ chừng 12 x 18 inches, và trong lồng này các con vật ấy bị giam hãm suốt cả cuộc đời. Những cái lồng không có khe hở, bên dưới được làm bằng mạng lưới thép để những chất phân bả rơi xuống đất. Đèn trong lồng được bật lên 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày để gà có thể đẻ nhanh, trung bình mỗi con đẻ trứng sau mỗi 32 tiếng; sau thời gian đẻ liên tục như vậy trong 14 tháng, nó bị con người bắt đem ra làm thịt. Hình thức nông trại kiểu mới này quả là một hình thức khai thác triệt để, và đối xử tàn bạo nhất đối với loài thú vật. Suốt cuộc đời của những con gà ấy, nó không có chỗ để cục cựa, để duỗi cánh; bị chèn nhét chật chội như vậy để đẻ trứng, sống như cảnh tra tấn ấy cho đến khi bị xẻ thịt.

Bởi vì đâu có bao nhiêu người quen thuộc với các hệ thống nuôi súc vật hiện đại để giết thịt, cũng có rất ít cơ hội mới có dịp thăm viếng những lò sát sinh ấy, để thấy và nghe những âm thanh thống thiết này. Một người theo đạo Khổng nói rằng: "Nếu ai đã từng nghe tiếng hét của thú vật khi bị giết thì họ sẽ không dám ăn thịt nữa".

Tôi rất thích ở Ấn Độ, cũng vì đây là một quốc gia rất nhân ái, rất có lòng thương đối với mọi loài súc vật. Những ảnh hưởng to lớn tốt đẹp trong việc tránh và kiêng cử việc giết thú vật đã có từ ngàn xưa, mạnh mẽ nhất là triều đại vua A Dục. Vua A Dục một nhà vua theo đạo Phật vào thời gian trị vì (268-233 Trước Công nguyên). Trước khi theo Phật nhà vua rất tàn ác, ông đi đến đâu là máu rơi và thây chất cao đến đó, hàng triệu sinh linh đã vì ông mà bỏ mình, nhưng kể từ khi theo Phật ông trở thành một ông vua nhân đức chưa từng có. Ông không những cấm cản những chuyện giết chóc đối với người, mà với loài vật ông cũng ra các lệnh ngăn cấm giết, kể cả việc giết hại để cúng tế. Ông ăn chay và chống đối việc giết hại thú vật để ăn thịt. Ông cũng đã viết thành sắc lệnh trên một số trụ đá rằng: "Để phát huy những điều lành thiện giữa con người, tôi hô hào mọi người tránh làm tổn hại sinh mạng mọi loài bằng cách không sát sinh bất cứ thú vật nào."

Truyền thống không giết hại sinh mạng thú vật để ăn thịt từ đó đã kéo dài qua nhiều thế kỷ, cho đến thời gian mà ngài Pháp Hiển, một cao tăng Trung Hoa sang Ấn vào thế kỷ thứ Tư cũng còn thịnh hành, và ngài đã ghi lại một số điều như sau trong tập ký sự của ngài:

"Dân chúng trong vùng rất đông và an vui... khắp nơi ở trong nước, người dân không giết hại bất cứ sinh mạng loài vật nào, cũng không dùng các chất men rượu... Họ không có nuôi heo, gà và không bán những loại gia súc. Trong chợ không có quầy bán thịt, không có những người mua bán chất men say.... Chỉ có những hạng người Chiên đà la là làm nghề cá, săn bắn và đi bán thịt... "

Cho đến ngày nay số người ăn chay ở xứ này cũng vẫn nhiều hơn người ăn mặn, người ta ước tính số người ăn chạy độ khoảng 70% dân số Ấn; do đó ai cũng thấy rằng dân tình ở đây hiền hòa, quốc gia bình yên. Nếu có dịp đi vào các khu chợ không bao giờ người ta thấy bày bán đủ loại thịt cá, mà chỉ thấy từ đầu chợ đến cuối chợ chỉ có rau quả. Họa hoằn lắm, lâu lâu mới có một sạp thịt, hoặc cá nho nhỏ do một anh chàng Hồi giáo nào đó đứng bán. Người Ấn và những người theo đạo Ấn khinh khi và nguyền rủa những việc làm ác, giết chóc hại vật. Họ cho rằng một khi người ấy ác độc giết hại thú vật thì người ấy cũng có thể ác độc giết hại con người được. Có lẽ tư tưởng này cũng không chỉ giới hạn bên Ấn mà tại Âu châu, một triết gia người Đức, ông Schopenhauer Arthur (1788-1860) cũng có những ý nghĩ tương tự khi nói rằng:

"Khi lòng thương thú vật được xem là biểu hiện của những đức tính tốt đẹp, thì người ta có thể tin tưởng và khẳng định rằng, ai làm bất cứ điều gì tàn ác với thú vật, thì người đó không thể là một người tốt được".

Còn ở Mỹ thì trong những thập niên vừa qua, người ta đã có ước đoán rằng khoảng 12 đến 15 triệu người không ăn thịt, do vì nguyên nhân này hay một nguyên nhân nào khác. Số người không ăn thịt trong thế hệ này đã tăng gần 3 lần so với các thế hệ trước của họ.

Trở lại Ấn Độ do vì có những truyền thống và tư tưởng khá đặc thù đối với vấn đề sát sinh và ăn thịt thú vật, nên trong nước cũng có nhiều chuyện là lạ. Chẳng hạn như trên các đường xá có những bồn nước cho chim hoặc các loài vật khác uống. Nhiều loài vật khác rất dạn dĩ như chim, sóc, khỉ thường hay chạy nhảy qua lại ở các xóm làng phố phường. Có lúc chúng còn quấy phá người ta nữa mà chẳng kiêng dè. Có thể nó biết và cảm nhận được lòng tốt của con người xứ này nên chẳng bao giờ sợ hãi; nó biết người ta sẽ không bắt nó ăn thịt. Rồi mỗi lần đi máy bay Ấn Độ, tôi lại cứ hay để ý xem người ta đặt món ăn gì, nhìn trước sau, phải trái gần như thấy ai cũng đặt đồ ăn chay, khi người chiêu đãi viên hỏi thì hỏi, có ai ăn mặn không? thay vì hỏi có ai ăn chay không như thường tình; nên đây cũng là chuyện lạ có một không hai, so với những nơi khác trên thế giới.

Tôi thích truyền thống này, xem nó như là căn bản của đạo đức con người. Tỏ lòng thương đối với các loài thú vật được thì tỏ lòng thương giữa người và người với nhau sẽ không là một điều khó. Có được lòng thương rồi thì sự thù hận, oán ghét trong con người cũng bớt, đó cũng sẽ là nhân để tạo nên một thế giới an bình.

Còn nữa...
Tỳ kheo Thích Hạnh Nguyện

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm