Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/03/2022, 17:43 PM

Tư tưởng giải thoát sanh tử của Trưởng lão Sāriputta

Sự sống và cái chết, hay sanh và tử, là lẽ thường của đời người, là quy luật bất khả cải hoán của sinh giới, nhưng nhận thức về sự sống và cái chết lại là một phát hiện lớn lao của Đạo Phật, đóng vị trí hạt nhân của giải thoát luận Phật giáo (Buddhist soteriology).

Trưởng lão Sāriputta là một trong số những đại đệ tử của Phật và được chính Đức Phật xác chứng là vị có trí tuệ và thiền quán đệ nhất.

Trưởng lão Sāriputta là một trong số những đại đệ tử của Phật và được chính Đức Phật xác chứng là vị có trí tuệ và thiền quán đệ nhất.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự sống và cái chết, hay sanh và tử, là lẽ thường của đời người, là quy luật bất khả cải hoán của sinh giới, nhưng nhận thức về sự sống và cái chết lại là một phát hiện lớn lao của Đạo Phật, đóng vị trí hạt nhân của giải thoát luận Phật giáo (Buddhist soteriology). Tìm hiểu tư tưởng giải thoát sanh tử trong Phật giáo là nhiệm vụ quan yếu để thấu hiểu triết lý và pháp môn hành trì của Đạo Phật, cũng tức là phải thông qua đó mới có thể thấu hiểu cốt lõi tư tưởng triết học Phật giáo, bởi giải thoát là cứu cánh trong hành trình tu tập của bất cứ ai tìm đến nương tựa giáo pháp của Phật và tất cả các pháp môn thực tập cùng mọi sự khai triển giáo lý của các tông phái tựu trung đều nhắm đến mục đích giải thoát.

Tìm hiểu tư tưởng giải thoát của Đạo Phật nguyên thuỷ Ấn Độ, bên cạnh việc thâm nhập trực tiếp vào lời dạy của Đức Phật, những chắt lọc, đúc kết bởi các đại đệ tử của Phật cũng là những nguồn tư liệu vô cùng quan trọng, quý báu. Bởi nếu lời dạy của Phật là quy tụ kinh nghiệm thực tiễn giác ngộ của cá nhân Ngài, thì các vị đại đệ tử của Phật cũng có những trải nghiệm tu chứng riêng biệt cùng những quan điểm kiến giải giáo lý Đức Phật truyền trao. Thông qua những quan điểm kiến giải ấy, chúng ta có thể có cái nhìn cận cảnh hơn không chỉ về trí tuệ, công hạnh của những vị ấy mà còn qua đó khai mở, phát hiện những lối thông diễn (hermeneutics) sâu sắc của các Ngài về giáo lý giải thoát của Đức Phật mà khả dĩ đều đã được Phật ấn chứng, xác nhận.

Trưởng lão Sāriputta là một trong số những đại đệ tử của Phật và được chính Đức Phật xác chứng là vị có trí tuệ và thiền quán đệ nhất [1]. Chúng ta đều biết trên bình diện lý thuyết, trí tuệ giải thoát sanh tử đến từ công phu thiền quán, do đó ngài Sāriputta với sự ca tụng có trình độ thiền quán bậc nhất khả dĩ là vị tiêu biểu để ta tìm hiểu tri kiến giải thoát sanh tử của Ngài, vốn kết tinh từ cả thụ nhận giáo chỉ của Đức Phật lẫn những khai triển đúc kết từ kinh nghiệm thiền tập và trí tuệ tự thân.

KHÁI QUÁT VÈ GIẢI THOÁT LUẬN CỦA ĐỨC PHẬT

Thuật ngữ “giải thoát luận” tức “soteriology” trong Anh ngữ chỉ học thuyết tôn giáo đề cập đến tiến trình cứu rỗi con người hay đạt đến phúc lạc tối thượng [2], khái niệm này cũng tương đương thuật ngữ “salvation” trong các tôn giáo thuộc truyền thống Abraham (Abrahamic religions) và tôn giáo cổ Zoroastria của Ba Tư [3]. Truyền thống tôn giáo cổ Ấn Độ bao gồm Bà-la-môn giáo lẫn Phật giáo đều đặt trọng tâm triết lý ở học thuyết này với khái niệm “giải thoát” hay “mokṣa” được nhấn mạnh như đích đến của tiến trình hành trì tu tập.

Khái niệm “giải thoát” hay “mokṣa” trong tiếng Sanskrit vốn là một thuật ngữ có trước thời Đức Phật trong kinh điển Bà-la-môn với nguyên nghĩa chỉ khát vọng chấm dứt sự sinh và tái sinh Tôn giáo này quan niệm mokṣa (hay còn dùng lẫn với khái niệm mukti) là mục đích tâm linh tối hậu giải phóng đời sống con người bằng cách hội tụ ngã thể (Atman) của mỗi người với linh hồn vũ trụ (Brahman), cũng tức là Thượng đế (God) của người Bà-la-môn [4] [5]. Khác với Bà-la-môn, Phật giáo quan niệm giải thoát là chấm dứt đời sống khổ đau và sự tái sinh do nghiệp lực chi phối [6]. Do đó trong Phật giáo, khái niệm “mokṣa” còn được xem là đồng nghĩa với “nirvāṇa” tức Niết-bàn, cảnh giới giải thoát rốt ráo khỏi mọi hình thức của khổ đau và luân hồi đến từ sự giác ngộ thấu suốt bản chất của thực tại [7]. Một nhận định rất sâu sắc của học giả Monier-Williams về khác biệt giữa triết lý Phật giáo và Bà-la-môn nói chung và về khía cạnh giải thoát luận nói riêng giữa hai truyền thống tư tưởng này, đó là ở chỗ Đức Phật gọi tri thức Ngài thâu đạt là “Bodhi”, tức sự giác ngộ ngữ căn “bhu-” nghĩa là “hiểu”, nhằm phân biệt với giáo nghĩa “Veda”, có ngữ căn “vid-” có nghĩa là “biết”. Điều này có ngụ ý nhấn mạnh trí tuệ tự thân, tự giác, khác biệt với niềm tin tha lực của giới Bà-la-môn vào các đấng thiên thần hay linh hồn vũ trụ [8].

Bạn có đang thực sự sống

Nhiều chuyện tiền thân trong Jataka mô tả cơ duyên của ngài Sāriputta (thường luôn xuất hiện cùng Mahāmoggallāna) với Đức Phật và được Phật khai ngộ, hoá độ trong nhiều kiếp trước, thuở Phật còn là vị Bồ tát.

Nhiều chuyện tiền thân trong Jataka mô tả cơ duyên của ngài Sāriputta (thường luôn xuất hiện cùng Mahāmoggallāna) với Đức Phật và được Phật khai ngộ, hoá độ trong nhiều kiếp trước, thuở Phật còn là vị Bồ tát.

Cảnh giới Niết-bàn giải thoát khỏi khổ đau, sanh tử, luân hồi, được Đức Phật nhiều lần giải thích cặn kẽ căn nguyên và trạng thái biểu hiện, như đơn cử ta có thể thấy qua trình bày sau của Ngài trong Kinh Thánh Cầu (kinh số 26) thuộc Trung Bộ (Majjhima-nikaya): “[Ta] Trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm, lại tìm cầu cái bị ô nhiễm […] Sau khi biết rõ các nguy hại […] ta tìm cầu cái không sanh […] không già […] không bệnh […] không chết […] không sầu […] không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khơi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa” [9].

Như vậy, theo Đức Phật, các chấp niệm về sự sở hữu, sự làm chủ của thân và ngã sẽ nhất thiết đưa đến ý niệm chấp hữu các thuộc tính của thân, ngã như sanh, già, bệnh, chết, sầu muộn, ô nhiễm, do đó chỉ khi khước từ, buông bỏ các chấp niệm này bằng cách không xem là chúng đang tồn tại, hay có thể nói cách khác là không để sự tồn tại của chúng tác động, chi phối, mới có thể khởi lên chánh trí và chánh kiến của giải thoát. Sự giải thoát cuối cùng và đích thực phải là sự giải thoát không dao động, và chỉ khi không còn dao động mới có thể chấm dứt vòng tái sinh, luân hồi.

Từ đây, ta cũng có thể thấy được lời dạy của Đức Phật về phương pháp tu dưỡng trí tuệ vượt thoát sự phân biệt các pháp để buông bỏ các thái cực chấp niệm. Điều này cũng thấy rõ trong lời huấn đạo của Phật về pháp Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) trong kinh Niệm Xứ (kinh số 10) thuộc Trung Bộ [10], với các yếu chỉ quán tưởng như thấy thân này không thanh tịnh, thấy các cảm thọ là khổ, thấy tâm này là vô thường, thấy các pháp là vô ngã, để từ đó có được trí huệ thấu suốt rằng không thể chấp niệm vào bất cứ gì.

VÀI NÉT VỀ XUẤT THÂN VÀ HÀNH TRẠNG CỦA TRƯỞNG LÃO Sāriputta

Trong số mười đại đệ tử của Đức Phật, ngài Sāriputta và ngài Mahāmoggallāna được xem là hai vị đứng đầu, xuất hiện nhiều nhất trong các kinh điển cũng như các tranh tượng Phật giáo thuộc mọi truyền thống [11]. Thậm chí, các ghi chép Phật giáo thể hiện Sāriputta là vị tối thâm đắc giáo pháp của Đức Phật và có năng lực truyền giảng chánh giáp đệ nhất, khiến Ngài được Tăng đoàn tôn xưng là Dhammasenāpati – vị thống lĩnh giáo [12].

Theo tường thuật trong Trưởng lão Tăng kệ [13], Trưởng lão Sāriputta sinh tại thành Upatissa không cách xa mấy thành Vương Xá (Rājagaha) trong gia đình một vị trưởng giả, vì lẽ ấy Ngài được đặt tên theo xứ sở sinh thành là Upatissa. Lại do mẹ Ngài tên Rùpasàri, nên Ngài còn được gọi là Sāriputta, tức con trai của bà Sāri [14]. Cuộc đời của Ngài và ngài Mahāmoggallāna thường được kể cùng với nhau, do hai Ngài đồng thời lớn lên trong cảnh phú quý, cùng nhân một cơ duyên tại thành Vương Xá mà khởi niệm tìm kiếm con đường giải thoát và cùng xuất gia đầu học với đạo sĩ Sanjaya. Sau đó, cùng thông qua hội ngộ Assaji biết được giáo pháp Như Lai, quy y làm đệ tử Phật. Ngài Sāriputta sau nửa tháng xuất gia với Phật đã chứng thánh quả A-la-hán tại hang Sukarakhata ở Vương Xá (Ràjagaha) và sau này, một lần tại Jetavana, Đức Phật công nhận Ngài trong hàng đệ tử Phật là vị đệ nhất về trí tuệ và thiền quán [15].

19

Luật Tạng mô tả cụ thể hơn cơ duyên đầu nhập giáo đoàn Đức Phật của ngài Sāriputta [16]. Theo đó, khi tu tập theo pháp của Sanjaya, Ngài không đạt thành tựu trạng thái bất tử như ý nguyện. Một lần tình cờ gặp một đệ tử của Phật là Assaji, Ngài bị ấn tượng bởi hình dung thanh tịnh của vị này và sau khi nghe pháp kệ của Assaji, Sāriputta đắc pháp nhãn vô nhiễm, thấu suốt bản chất vạn vật có sinh ắt có diệt. Sāriputta truyền lại pháp kệ của Assaji cho Mahāmoggallāna giúp Ngài ấy cũng chứng đắc pháp nhãn và cả hai bất chấp sự ngăn cản nhiều lần của Sanjaya, từ tạ vị này, dẫn theo 250 du sĩ khổ hạnh tìm đến đảnh lễ xin xuất gia với Đức Phật. Phật đã tiếp nhận thế độ cho cả hai và tiên đoán đây sẽ là hai đại đệ tử xuất chúng, ưu việt nhất của Ngài. Tính nổi bật của sự kiện Phật tiếp nhận, hoá độ Sāriputta và Mahāmoggallāna còn do bởi nó kéo theo làn sóng đông đảo (250 vị) giáo hữu rời bỏ Sanjaya để đi theo Đức Phật gây ra những đồn đại dai dẳng [17], nhưng qua đó cũng gián tiếp chứng minh vị thế quan trọng và tầm ảnh hưởng của Sāriputta và Mahāmoggallāna trước khi về với Phật.

Nhiều chuyện tiền thân trong Jataka mô tả cơ duyên của ngài Sāriputta (thường luôn xuất hiện cùng Mahāmoggallāna) với Đức Phật và được Phật khai ngộ, hoá độ trong nhiều kiếp trước, thuở Phật còn là vị Bồ tát. Ta có thể thấy, trong các Jataka số 151 [18] trong đó Bồ tát là nhà vua và Sāriputta là người đánh xe trung thành; trong Jataka số 313 Bồ tát là nhà vua bị kẻ thù (Devadatta) hãm hại và được Sāriputta trong vai trò vị tướng quân xả thân cứu bảo vệ [19]; Hoặc trong Jataka số 423 Bồ tát khi ấy là vị đạo sư và Sāriputta (cùng Ananda và Mahāmoggallāna) là đệ tử Ngài [20]; Jataka số 509 Sāriputta là người em trai Bồ tát – lúc ấy là một đạo sĩ [21]; Đặc biệt, trong một kinh khác, Jataka số 539, Sāriputta là một vị đạo sĩ đã dùng thần thông hiện ra động viên Bồ tát, khi ấy là một hành giả, không từ bỏ nỗ lực tu tập [22].

Những chi tiết nêu trên, khả dĩ minh chứng cho vị trí quan trọng đặc biệt của ngài Sāriputta trong hàng đệ tử Phật. Vị trí ấy cho phép ta đặt giả thuyết về phẩm tính sâu sắc trong phương diện sở đắc, thông diễn và tái truyền đạt giáo lý của Ngài.

QUAN ĐIỂM GIẢI THOÁT SANH TỬ CỦA TRƯỞNG LÃO Sāriputta QUA CÁC BÀI PHÁP

Trên cơ sở giải thoát luận của Đức Phật như đã trình bày rằng tiến trình tu tập giải giải thoát được đặt nền móng từ tri kiến thấu suốt bản chất thực tại đời sống, Trưởng lão Sāriputta trong một lần thuyết giảng với các môn đệ để tuyên bài pháp ngữ được trình bày lại thành thi kệ có đoạn như sau:

“Ai xem lạc là khổ,

Ai xem khổ như tên,

Đứng chặn giữa cả hai,

Do đâu, đời nắm được?

Không cho ta ác dục,

Biếng nhác tinh cần kém,

Ít nghe, không tín kính,

Do đâu, đời nắm được?” [23].

Yếu chỉ trong lời giáo huấn của Phật nhắc nhở chúng môn đồ về sự rốt ráo thanh tịnh của Ngài khi nhập vô dư Niết-bàn, không vướng bận vào bất cứ sở y nào khác; về sự khuyến lệ chúng đệ tử hãy tinh tấn hộ trì giới pháp và giới thể, tự nương tựa vào chính mình trên hành trình đạt ngộ giải thoát.

Yếu chỉ trong lời giáo huấn của Phật nhắc nhở chúng môn đồ về sự rốt ráo thanh tịnh của Ngài khi nhập vô dư Niết-bàn, không vướng bận vào bất cứ sở y nào khác; về sự khuyến lệ chúng đệ tử hãy tinh tấn hộ trì giới pháp và giới thể, tự nương tựa vào chính mình trên hành trình đạt ngộ giải thoát.

Hai đoạn thi kệ trên đã trình bày về hai thiên kiến cực đoan sẽ ngăn chặn một hành giả sở đắc tri kiến như thật về thực tại đời sống. Cực đoan thứ nhất là chủ nghĩa bi quan yếm thế (pessimism), “xem lạc là khổ”, “xem khổ như tên”, cho rằng đời sống chỉ là chuỗi khổ đau mang tính nhất quyết, nhưng lại lo âu, sợ hãi tìm cách tránh né khổ đau để tìm kiếm dục lạc. Đây là một quan niệm hiện diện đương thời trong khung cảnh triết học và tư tưởng Ấn Độ. Ta có thể thấy nó trong nội dung tương tự nói về sự ngắn ngủi của cuộc nhân sinh, về thân thể dần hư hoại và kiếp sống đầy rẫy khổ đau cùng những điều không như ý… trong các bộ kinh, luật Bà-la-môn như trong Maitrayani Upanishad, trong luật Manu (VI. 77), trong Bhartri-hari (Vairagya-sataka III. 32. 50), v.v. [24] Đương thời Đức Phật, Sāṃkhya là trường phái đại diện tiêu biểu cho loại hình tư tưởng này. Lối tư duy ấy là tư thế mà ngài Sāriputta gọi là “đứng chặn giữa cả hai” con đường khổ và lạc, như thế sẽ không đưa đến nắm bắt tri kiến đích thực về đời sống.

Cực đoan thứ hai được đề cập trong bài kệ trên miêu tả đến lối sống của chủ nghĩa khoái lạc (hedonism), phủ nhận thẳng thừng mọi đức tin tu tập và mọi đề xuất đạo lý về tiết chế ham muốn trong đời sống. Đại diện tiêu biểu trong thời Đức Phật của quan niệm này là trường phái Cārvāka (hay còn gọi là Lokāyata) chủ trương con người không nên tin vào số mệnh, thiên đường hay địa ngục và cả những giáo thuyết tu tập, mà hãy sống tự do hưởng thụ tất thảy mọi hương vị trên đời [25]. Trưởng lão Sāriputta cho rằng tư tưởng ấy cũng sẽ kìm hãm ngăn con người tìm kiếm bản chất đích thực của cuộc sống, bởi ta thấy lối sống dục lạc sẽ ngăn cản con người không phát hiện được các vấn đề của đời sống để đặt câu hỏi và tìm lời giải đáp, do vậy thả trôi cuộc đời khỏi mọi ý niệm truy tầm lý tưởng cuộc sống, bao gồm cả lý tưởng giải thoát sanh tử.

Cũng trong bài pháp thoại ấy, Ngài nêu lên tôn chỉ tu tập để chứng đắc Niết-bàn:

“Nghe nhiều, có hiền trí,

Khéo định tĩnh trong giới,

Chuyên chú an chỉ tâm,

Hãy đứng lên trên đầu.

[…] Ai từ bỏ hý luận,

Thích đạo phi hý luận,

Đi đến được Niết-bàn,

Vô thượng, thoát khổ ách” [26].

Những điều kiện cần thiết để đạt đến trí tuệ giải thoát sanh tử, như vậy phải đến từ sự khai mở tri kiến học thức (“nghe nhiều, có hiền trí”), chuyên trì giới luật (“khéo định tĩnh trong giới”), tích cực thực hành thiền quán (“chuyên chú an chỉ tâm”) và qua đó đạt được trí tuệ phân minh, xa lìa các hý luận thuộc về thiên kiến cực đoan (như thuyết bi quan hay thuyết khoái lạc), người ấy với nỗ lực hành trì kiên định như vậy sẽ đạt đến cảnh giới Niết-bàn.

Hai đoạn thi kệ trên đã trình bày về hai thiên kiến cực đoan sẽ ngăn chặn một hành giả sở đắc tri kiến như thật về thực tại đời sống.

Hai đoạn thi kệ trên đã trình bày về hai thiên kiến cực đoan sẽ ngăn chặn một hành giả sở đắc tri kiến như thật về thực tại đời sống.

Trong một lần khác, tư tưởng viễn ly sanh tử của Ngài được thể hiện rất rõ nơi một bài pháp kệ tuyên thuyết với đại chúng:

“Ta không hoan hỷ chết,

Ta không hoan hỷ sống,

Ta sẽ bỏ thân này,

Tỉnh giác và chánh niệm.

Ta không hoan hỷ chết,

Ta không hoan hỷ sống,

Ta sẽ bỏ thân này,

Như thợ làm việc xong” [27].

Nội dung bài kệ cho thấy Ngài không còn lưu tâm đến vấn đề sống và chết, không còn tri kiến phân biệt khổ – lạc, sanh – tử, đến từ sự “tỉnh giác và chánh niệm”, tức một trí tuệ đã hiểu đúng, đã liễu giải thực tướng của đời sống. Hai câu kệ cuối trong đoạn trích trên đã phản ánh một cuộc đời rốt ráo thanh tịnh, không vướng chấp luyến lưu bất cứ gì: “Ta sẽ bỏ thân này/ Như thợ làm việc xong”. Lời của Trưởng lão về tri kiến không phân biệt sống – chết, khổ đau – hoan lạc, cũng tương ứng với tuyên bố của Đức Phật trong Kinh Udana số 80: “Không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh; không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau” [28]. Sự nhất quán ấy khả dĩ minh chứng cho trí tuệ của bậc Trưởng lão đã thâu đạt rốt ráo giáo pháp Phật và đã vận dụng một năng lực thông diễn sâu sắc cho những điều Ngài sở đắc.

QUAN NIỆM GIẢI THOÁT SANH TỬ CỦA TRƯỞNG LÃO Sāriputta QUA THI KỆ TRƯỚC KHI THỊ TỊCH

Chúng ta có thể hình dung rằng, bên trên là những quan niệm được trình bày qua các bài pháp thoại gửi tới đại chúng hay những thi kệ biệt xuất để tự bộc bạch tri kiến, sở ngộ của bản thân xuyên suốt đời hành đạo của Trưởng lão Sāriputta và có thể là những lát cắt sự kiện phản ánh thức nhận nhất thời của Ngài. Còn trong phần này, tác giả muốn khảo sát sự đúc kết trọn vẹn, hay những gửi gắm sau cùng của Ngài trước khi tịch diệt, điều vốn dĩ sẽ nhấn mạnh hơn chiều sâu tư tưởng của Ngài, sẽ là một mảng màu chấm phá đủ thu hút và đại diện cho toàn bộ di sản tư tưởng.

Trưởng lão Sāriputta trong một lần thiền quán đã nhận ra bản thân mình sẽ phải nhập vô dư Niết-bàn (parinirvāṇa) trước Đức Phật, khi ấy Ngài biết mình chỉ còn trụ thế bảy ngày nữa [29]. Không ưu tư lo buồn, bởi trí tuệ đã thấu suốt lẽ tử sinh, như những gì ta đã thấy Ngài trình xuất trong các pháp ngữ giáo giới chúng Tăng và những lời tự thuật về pháp môn hành trì và giáo nghĩa sở đắc. Ngài thản nhiên tuyên bố bản thân đã hoàn thành bổn phận qua mấy dòng thi kệ:

“Ta hầu hạ Bổn Sư,

Lời Phật dạy làm xong,

Gánh nặng đã đặt xuống,

Gốc sanh hữu nhổ sạch” [30].

Những lời kệ phảng phất dường như còn là niềm thảnh thơi, an lạc trước một hành trạng tồn sinh viên mãn. Tịch tĩnh thanh tịnh biểu hiện trong sự rốt ráo không lưu luyến, không vướng chấp bất cứ gì nơi cuộc thế nữa, khi “gánh nặng đã đặt xuống”. “Gốc sanh hữu nhổ sạch” chính là biểu hiện của Niết-bàn vô dư, kiếp sống này đoạn tận, sẽ không còn tái sinh nữa.

Trước lúc thị tịch, Ngài để lại mấy dòng thi kệ:

“Tinh cần, chớ phóng dật,

Đây lời giáo huấn ta!

Ta sẽ nhập Niết-bàn,

Ta thoát mọi sanh y” [31].

Chúng ta biết ngài Sāriputta đã nhập Niết-bàn trước Đức Phật, tuy vậy, từ những lời kệ dẫn trên, không khó để nhận thấy những ý tứ rất tương đồng với Đức Phật trong những lời dạy cuối của ba tháng trước khi Phật diệt độ, mà Kinh Đại Bát Niết Bàn thuật lại rằng:

“Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao,

Từ biệt các Ngươi, Ta đi một mình.

Tự mình làm sở y cho chính mình,

Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật,

Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm.

Ai tinh tấn trong pháp và luật này

Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau” [32].

Tư tưởng giải thoát luận là một điểm kế thừa và phát huy đặc sắc của triết học Phật giáo xét trong truyền thống triết học Ấn Độ cổ đại, khởi từ hệ thống Veda-Upanishad và triết học Phật giáo đã vượt thoát khỏi những hạn hẹp trong tư tưởng đương thời.

Tư tưởng giải thoát luận là một điểm kế thừa và phát huy đặc sắc của triết học Phật giáo xét trong truyền thống triết học Ấn Độ cổ đại, khởi từ hệ thống Veda-Upanishad và triết học Phật giáo đã vượt thoát khỏi những hạn hẹp trong tư tưởng đương thời.

Yếu chỉ trong lời giáo huấn của Phật nhắc nhở chúng môn đồ về sự rốt ráo thanh tịnh của Ngài khi nhập vô dư Niết-bàn, không vướng bận vào bất cứ sở y nào khác; về sự khuyến lệ chúng đệ tử hãy tinh tấn hộ trì giới pháp và giới thể, tự nương tựa vào chính mình trên hành trình đạt ngộ giải thoát. Ta thấy được Trưởng lão Sāriputta trong thi kệ thị tịch đã biểu thị những đồng điệu trong lời khuyến lệ đồ chúng tinh tấn cần tu trì giới và trong lời tuyên bố tự thân khi diệt độ đã lìa bỏ rốt ráo mọi sanh y. Bậc Trưởng lão một lần nữa biểu thị sự giác ngộ không dao động qua những tri kiến thuỷ chung như nhất minh chứng cho hành trạng một đời nhất quán giữa sở tri và sở hành. “Sinh tử sự đại”, khoảnh khắc đối diện với viễn cảnh tịch mặc thiên thu, trí tuệ ấy một khi siêu xuất lằn ranh hữu và vô, tồn và diệt, lại càng tỏa sáng.

Kết luận

Tư tưởng giải thoát luận là một điểm kế thừa và phát huy đặc sắc của triết học Phật giáo xét trong truyền thống triết học Ấn Độ cổ đại, khởi từ hệ thống Veda-Upanishad và triết học Phật giáo đã vượt thoát khỏi những hạn hẹp trong tư tưởng đương thời. Không những vậy, khía cạnh giáo lý này còn đóng một vai trò cốt cán trong pháp môn tu tập đưa đến giác ngộ, chứng đắc Niết-bàn mà Đức Phật khởi xướng. Sự khai thác, phát hiện những tiếp nhận và diễn giải, vận dụng tư tưởng này nơi những đệ tử của Phật là một công việc cần thiết và lý thú để có một hình dung căn bản không chỉ về những khía cạnh khai triển đặc thù, mà còn để thấy được hiệu lực diệu dụng của pháp môn này trong kinh nghiệm hành trì của các bậc thánh đệ tử.

Ở đây, ta đã có một bức tranh tư tưởng dù còn đơn sơ về Trưởng lão Sāriputta. Có thể nói, vị trí của ngài trong lịch sử Phật giáo và những lời truyền tụng xung quanh hoàn toàn xứng đáng với tầm vóc tư tưởng mà Ngài thể hiện. Sự nhất quán xen lẫn nét đặc thù trong cách Ngài tiếp nhận, tái hiện lời dạy của Phật là minh chứng cụ thể về trí tuệ. Bên cạnh đó, những dòng thi kệ Ngài để lại cho hậu thế trước khi diệt độ là một phản ảnh đáng kính ngưỡng về sự rốt ráo trong hành trạng một đời tu tập và chứng đắc sâu sắc trí tuệ giải thoát. Di sản tư tưởng ấy đồng thời vừa là một điểm son triết học trong lịch sử tư tưởng Phật giáo đáng được tôn vinh, vừa là tượng đài mẫu mực về oai lực hành trì tu tập cho các thế hệ Phật giáo đồ noi theo tiếp bước.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2001, tr.445.

[2] Geddes MacGregor, Dictionary of Religions and Philosophy (Vadnais Heights, Minnesota: Paragon House, 1998), p.581.

[3] Britannica Encyclopedia of World Religions, ed. by Jacob E. Safra and Jorge Aguilar-Cauz (Singapore: Encyclopædia Britannica), p.961.

[4] Encyclopedia of Hinduism, ed. by Constance A. Jones and James D. Ryan (New York: Facts on File, 2007), p.292.

[5] Doãn Chính (cb), Lịch Sử Triết Học Phương Đông, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2013.

[6] Phạm Kim Khánh dịch, Nārada Māha Thera, Đức Phật và Phật Pháp,  Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.482.

[7] The Princeton Dictionary of Buddhism, ed. by Jr. Robert E. Buswell and Jr. Donald S. Lopez (Princeton: Princeton University Press, 2014), p.547.

[8] Monier Monier-Williams, Buddhism In Its Connexion with Brahmanism and Hinduism and in Its Contrast with Christianity (New York: The Cambridge University Press, 2009), pp.98-99.

[9] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ , Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.445

[10] HT. Thích Minh Châu dịch, sđd, tr.85-94.

[11] Great Disciples of the Buddha: Their Lives, Their Works, Their Legacy, ed. by Nyanaponika and Hellmuth Hecker (Somerville: Wisdom Publications, 2003), p.3; Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama: Một Tiểu Sử Căn Cứ Vào Những Bản Kinh Uy Tín Nhất, Trần Phương Lan dịch (TP. HCM: Nxb. Phương Đông, 2010), tr.475.

[12] Nyanaponika and Hecker, ibid, p.4.

[13] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2001, tr.444-445.

[14] Cũng tương tự với ngài Mahāmoggallāna, do sinh tại thành Kolita trong gia đình một vị gia chủ nên Ngài được đặt tên gọi Kolita, và mẹ Ngài là bà Moggali nên Ngài có tên khác nữa là Moggallāna.

[15] HT. Thích Minh Châu dịch,  , sđd, tr.445-446.

16] Lược dẫn các ghi chép của Luật tạng về sự kiện Sāriputta quy y theo Phật, xem trong: Hajime Nakamura, sđd, tr.468-473.

[17] Những lời đồn đoán đại ý chê trách Đức Phật đã cướp giáo chúng của Sanjaya. Xem: Hajime Nakamura, sđd, tr.473-474.

[18] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 5, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2001, tr.160-167.

[19] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 6, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2001, tr.282-290.

[20] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 7, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2002, tr.241-253.

[21] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 8, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2003, tr.506-538.

[22] Kinh Tiểu Bộ 9, HT. Thích Minh Châu dịch (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2004), tr.714-768.

[23] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, sđd, tr.447.

[24] Monier Monier-Williams, Buddhism In Its Connexion with Brahmanism and Hinduism and in Its Contrast with Christianity (New York: The Cambridge University Press, 2009), pp.99-100.

[25] Doãn Chính (cb), Kinh Văn Của Các Trường Phái Triết Học Ấn Độ,  NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội,  2003, tr.233.

[26] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, sđd, tr.447-448.

[27] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, sđd, tr.450-451.

[28] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1999, tr.266.

[29] Nyanaponika and Hecker, Ibid, pp.106-107.

[30] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, sđd, tr.455.

[31] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, sđd, tr.455.

[32] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1,  Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1991, tr.614-615.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Xem thêm