Đừng lỗi hẹn với sự sống
Tu viện Bích Nham đóng cửa từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan tràn khắp nước Mỹ cho đến hôm nay. Cơn đại dịch này đã và đang tiếp tục làm cho cả thế giới khủng hoảng.
“Cái này có vì cái kia có”
Tu viện Bích Nham đóng cửa từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan tràn khắp nước Mỹ cho đến hôm nay. Cơn đại dịch này đã và đang tiếp tục làm cho cả thế giới khủng hoảng. “Cô vi” chia cách tình thân. Vì sợ hãi lây nhiễm, con người không dám đến gần nhau. Hiện nay trên thế giới có bao nhiêu người đang sống cô đơn? Hàng triệu người mắc bệnh Covid bị cách ly một mình trong căn phòng của bệnh viện.
Không phải chỉ sống trong cô đơn mà cũng chết đi trong cô đơn. Ngay cả người thân yêu nhất là cha mẹ, con cái, vợ chồng cũng không được kề cận một bên trước khi lìa đời. Covid đã lấy đi mạng sống hơn cả triệu người trên thế giới, trong đó có người em trai duy nhất còn lại của gia đình tôi. Em tôi đã ra đi trong tình trạng như thế. Có thể đây là tình trạng thê thảm nhất của thế giới hiện nay.
Có rất nhiều người oán hận và thù ghét Covid-19. Vì nó đã lấy đi mạng sống của những người thân yêu. Vì nó đã gieo rắc những sợ hãi và chia cách. Vì nó đã gây khủng hoảng cho thế giới, v.v… Nhưng khi nhìn sâu vào Covid-19, tôi thấy rằng chúng không phải tự nhiên mà có. Theo kinh Trung đạo nhân duyên thì không có gì tự nhiên mà sinh ra. “Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt”. Chúng ta đã làm gì khiến nó xuất hiện?
Tuy vậy, vì nó mà thế giới bỗng trở nên im lặng. Trong một thời gian, phố xá vắng tanh. Bầu trời bỗng nhiên trong xanh vì không một chiếc máy bay nào bay qua. Mọi người hầu như tập trung ở nhà, gia đình quây quần bên nhau. Cha mẹ được gần gũi con cái, những người thương yêu được gần gũi nhau và thiết lập lại tình thâm. Con người tạm thời dừng lại sự rong ruổi, dừng lại sự bận rộn, dừng lại những âu lo toan tính. Mọi người có thời gian để trở về với chính mình, có thời gian nhìn rõ những người thân yêu hơn.
Đừng lỗi hẹn với sự sống
Nghĩ về em, tôi vẫn thấy nhói đau trong lòng. Bốn năm qua tôi chưa về thăm gia đình. Dự định sẽ về thăm để chị em lại đoàn tụ bên nhau. Chưa về thì Covid-19 đã lấy đi mạng sống của em rồi. Thời gian em mới nhiễm bệnh, gia đình chúng tôi đã sách tấn em cố gắng chống chọi cơn bệnh. Chị em tôi liên lạc nhau mỗi ngày qua điện thoại. Tôi nhắn tin: “Ráng lên em ơi! Chị sẽ về thăm nhà, và sẽ nấu nhiều món chay ngon cho em ăn. Chị thương em lắm!”. Chúng tôi cầu nguyện và cầu nguyện… cuối cùng em cũng không qua khỏi. Gia đình tôi rất đau lòng khi nghĩ đến việc em đã đi trong tình trạng thật cô đơn, không một người thân bên cạnh.
Vẫn biết đời là huyễn
Ly biệt vẫn thương tâm.
Tôi khóc thật nhiều trong ngày em mất. Tôi đau khổ vì em tôi đã mất. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bụt dạy các vị Bồ tát rằng: “Hãy quán sắc như bọt nước, quán thọ như bóng trên nước, quán tưởng như nắng gắt, quán hành như cây chuối và quán thức như huyễn”.
Đã biết cuộc đời thật ngắn ngủi, mạng sống thật mong manh, tại sao tôi vẫn buồn đau khi em tôi mất? Những vần thơ bỗng hiện lên trong đầu tôi:
Cuộc đời như bóng nổi mây trôiSáng còn tối mất mãi không thôiThương yêu cho lắm rồi ly biệtGhét nhau đến mấy cũng chia lìa.Thương ghét, ghét thương vòng luẩn quẩn
Hơn thua được mất cứ xoay vần
Luân hồi sáu cõi đường sinh tửBiển khổ đong đầy mối thương tâm.
Chiều nay lữ khách dừng chân lạiCảm thấy mệt nhoài kiếp tha phương
Quay thuyền ngược hướng dòng thác lũ
Buông hết trần tâm, lặng sóng cồn.
Tôi tự cho mình là một lữ khách. Vì thấy tâm mình vẫn còn lang thang trong những chuỗi buồn vui nhân thế, cho nên cái chết của em trai đã làm tôi khổ. Chiều nay, chợt nhận ra điều ấy. Cuộc đời vốn là như vậy. “This is it”. Khi điều kiện còn thì em biểu hiện, khi điều kiện không còn thì em sẽ ẩn tàng trong một hình thức khác thôi. Phải nhìn thẳng vào thực tại, phải chấp nhận sự thật. Tôi phải buông bỏ nỗi sầu thương, tiếc nuối.
Nhìn những cụm mây đang dần tan trên bầu trời trong, tôi tự nhủ lòng: “Mai kia rồi cũng sẽ đến phiên mình, không sớm thì muộn thôi”. Tôi bỗng nhớ những lời Thầy đã dạy:
Hãy trân quý những tháng ngày còn lại
Hạnh phúc cười trên mỗi bước con đi.
Hãy lau khô nước mắt đi, hãy trân quý những tháng ngày còn lại đi. Tôi phải sống cho thật có ý nghĩa trong từng giây từng phút. Tôi còn bao nhiêu tháng ngày còn lại? Đừng để những buồn đau chiếm ngự. Dù có Covid hay không có Covid, hãy tận hưởng những mầu nhiệm đang dàn trải trước mặt, mà đừng để những lo âu, sợ hãi che lấp. Tôi phải trân quý mỗi bước chân đang đi trên mặt đất. Tôi phải trân quý từng hơi thở vào ra. Tôi ý thức rằng mình đang sống. Tôi đang đi cho em tôi. Cho những ai đã không vượt qua được sự tấn công của Covid. Tôi phải trân quý sự có mặt của những người thương đang còn sống. Những người đang ở quanh tôi, những người tôi còn có thể nghe, có thể thấy, có thể tiếp xúc được. Tôi muốn chia sẻ với bạn rằng hãy nói ngay những lời thương yêu với người mình thương. Đừng hà tiện lời nói thương yêu với ba mẹ, con cái hay vợ chồng mình. Nếu không sau này mình sẽ hối tiếc. Khi người thương mất rồi, thì mình lại hối hận, tại sao khi họ còn sống lại không nói một lời thương yêu với họ. Thật may mắn, tôi đã kịp thời nói lời thương em trước khi em mất. Tôi cảm thấy không có một hối tiếc nào cả. Khi tôi đã bắt đầu chấp nhận cái chết của em tôi, thì nỗi đau trong lòng tôi cũng đang dần chuyển hoá.
Em tôi có hai người con trai. Cháu lớn 21 tuổi đang là giáo viên dạy trung học. Cháu nhỏ năm nay 17 tuổi đang học lớp 11. Cái tuổi mới lớn với bao mơ ước về tương lai. Em tôi là tài xế xe buýt. Rời nhà từ sáng sớm, không nề cực nhọc mong ước rằng sẽ cho con mình một đời sống đầy đủ và hạnh phúc. Em tôi luôn dạy dỗ con đừng uống rượu hút thuốc, đừng ham chơi, nên chăm học để sau này ba sẽ thưởng, sẽ dẫn con đi chơi. Hai đứa cháu trai tôi nghe lời ba, chăm học lắm. Có lần tôi về thăm gia đình em, thấy hai cháu không đi đâu chơi cả. Tôi khuyên em nên tổ chức cho gia đình đi du lịch cho khuây khỏa, đừng làm việc nhiều quá, và nhân tiện gia đình cũng có mặt cho nhau. Đồng thời cho hai cháu được học hỏi thêm văn hóa nước ngoài. Nhưng em lắc đầu, nói: “Em muốn đợi thêm vài năm nữa”.
Có bao nhiêu người trong chúng ta chờ đợi một thời cơ tốt đẹp để làm một cái gì đó cho bản thân mình và cho những người mình thương yêu? Nhưng tử thần thì chắc chắn sẽ không bao giờ chờ đợi một ai cả. Dù đó là một vị vua, và ngay cả một bậc toàn giác cũng không tránh khỏi vô thường. Khi nó đến thì mình không thể nào mặc cả. Tôi cảm thấy thấm thía câu: “Đừng lỗi hẹn với sự sống”. Sự sống đang dàn trải trước mắt ta, nếu mình không nắm lấy ngay trong giây phút hiện tại, nếu mình lần lữa thì mình sẽ đánh mất cơ hội thôi.
Ngày đứa cháu trai của tôi thi O Level (bằng trung học lớp 11 bên Anh) và đậu hạng A, cầm mảnh bằng khen trong tay về đưa cho mẹ, cháu ôm mẹ khóc nức nở. Cháu nói không có ba ở đây để vui mừng khi cháu thi đậu giỏi. Và chắc rằng ba sẽ hãnh diện khi thấy thằng út học giỏi. Ba mất vì bệnh Covid đã khiến cháu tôi quyết định học ngành Y. Cháu muốn sau này sẽ giúp cho nhiều người thoát khỏi bệnh tật. Sự tiếp nối của em tôi đang được tiếp tục biểu hiện trong hình thức của hai đứa con mình.
Mặc kệ Cô vi
Con đường thiền hành mới được quý thầy khai phá có những hàng cây cao giao nhau, đầy những cành lá chín đỏ, vàng xen nhau thật bắt mắt. Màu sắc của mùa thu đẹp quá! Một cơn gió chợt đến làm những chiếc lá tung bay khắp trời. Tôi dừng chân và ngẩn ngơ nhìn khung cảnh trước mặt. Ôi đẹp quá! Những chiếc lá tung bay khắp cả khu rừng như hoa trời Đâu la miên được rải xuống trần gian. Thật ra tôi chưa từng thấy hoa trời Đâu la miên, chỉ tưởng tượng và nghĩ rằng chắc cũng đẹp đến như vậy thôi.
Tôi chợt thấy đời mình không khác gì chiếc lá. Lá đã đi qua những giai đoạn chuyển tiếp, lúc xanh non mơn mởn, lúc sậm màu và khi bắt đầu chấm dứt cuộc đời thì nó bừng lên màu sắc thật rạng rỡ để rồi trở về với màu sậm tối, héo khô. Trở về với hiện thực, tôi tiếp tục dẫm lên những chiếc lá vàng khô và nghĩ rằng: trước khi về với đất Mẹ, chúng có cơ hội được bay nhảy tự do trong không gian, đẹp biết bao! Bất chợt tôi tự hỏi: “Mình có được như chiếc lá mùa thu không? Mình có tự do, không vướng bận như những chiếc lá trước khi về với đất Mẹ?”.
Vào mùa thu, khi những cơn bão đến các vùng phía Nam, thì ở phía Đông của nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng không ít. Cơn gió mạnh đã làm gãy đổ một cây táo lâu năm trên con đường về ni xá. Hình như cây táo biết nó sẽ ra đi trước mùa đông nên mùa xuân nó ra rất nhiều hoa rất đẹp. Và mùa thu này những đóa hoa đã trở thành nhiều trái đẹp thơm ngon. Cây mà cũng biết hiến tặng tất cả những gì đẹp và ngon trước khi ra đi, huống hồ là một con người. Mỗi khi đi ngang cây táo đường trên về ni xá, tôi thường đứng dưới những nhánh cây thấp và với lấy một trái đỏ chín, cắn vào một miếng táo để thấy nước táo ngọt ngọt chua chua thấm qua cổ họng. Tôi thưởng thức trái táo với lòng biết ơn cây táo đã cho hoa quả đẹp.
Chư hạnh vô thường
Năm 2020 vì đại dịch, chúng tôi chỉ có một khoá tu duy nhất là khóa tu nấu ăn online (trên mạng). Tuy khoá tu có năm ngày, nhưng thiền sinh cũng rất hạnh phúc khi tham dự. Thiền sinh người Mỹ cũng như người Việt đều rất nhớ Bích Nham. Quý thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu online có nhiều hạnh phúc lắm. Hàng năm chúng tôi thường có khóa tu cuối năm. Nhưng năm nay quý thầy qua tu viện Lộc Uyển an cư, chỉ còn lại quý sư cô, không đủ nhân lực để lo khóa tu online cuối năm. Chúng tôi chỉ tổ chức những buổi quán niệm qua mạng trong những ngày lễ đặc biệt như lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh, Tết Tây và Tết Ta mà thôi. Vậy mà chúng tôi đã nhận những lá thư từ khắp nơi, từ Canada đến Bắc California gửi đến hỏi thăm cuộc sống chúng tôi có thiếu thốn gì không? Có cần gì không? Những tăng thân vùng lân cận cũng luôn gửi thư cúng dường và hỏi thăm. Nhìn những lá thư thăm hỏi, chúng tôi cảm động lắm. Khi chính phủ bắt đầu cho các tiểu bang thông thương với nhau thì có hai em Kỳ và Hà là người Việt ở vùng Delaware thường tham dự khóa tu người Việt. Hai em không ngại đường xa, cứ mỗi tháng là chở một xe đầy thực phẩm Á châu đến. Cũng có khi chúng tôi nghe tiếng xe thắng trước cửa phòng ăn, bước ra thì thấy một thùng cải xoăn (kale), hai bịch quýt nhỏ, mấy hộp sữa hạnh nhân (almond), và một chú người Mỹ ngồi trên xe nhìn chúng tôi vẫy tay cười rồi lái xe đi. Khi chắp tay quán tưởng trước mỗi bữa ăn, tôi thấy lòng biết ơn vô hạn. Với mỗi bước chân, mỗi hơi thở, tôi không những cầu nguyện cho thế giới được bình an, mà cũng cầu nguyện cho các vị mạnh thường quân được yên ổn và hạnh phúc.
Vì cách ly nên các thầy cô giáo dạy Anh văn cho các sư cô đều qua Zoom. Quý thầy cô giáo là những vị Tiếp hiện, hay thiền sinh tình nguyện dạy Anh văn cho các sư cô qua sự giới thiệu của tăng thân. Họ là những vị đã về hưu, hoặc còn làm việc tại nhà hay công xưởng. Tuy không có khóa tu, nhưng các sư cô cũng bận rộn với các lớp học. Những thầy cô giáo cũng được nuôi dưỡng nhiều qua sự tươi mát và khao khát học hỏi của các sư cô. Tôi rất vui khi thấy các sư em chăm chỉ học hành và thực tập. Sự tinh tấn của các sư em nuôi dưỡng tôi nhiều lắm. Tôi nhớ có lần Thầy nói với tôi: “Con là sư chị lớn thì nên làm gương cho các sư em, đừng bỏ thời khóa”. Tôi chắp tay dạ nhỏ.
Tôi không bao giờ muốn bỏ thời khóa, dù đôi khi trời lạnh, hoặc có những lúc cảm thấy khá mệt mỏi vì công việc của chúng. Nhưng đối với tôi, những buổi ngồi thiền, những buổi thiền hành hay sinh hoạt với đại chúng là thời gian quý báu, tôi phải tận hưởng từng phút giây của những buổi công phu ấy. Thời gian như bóng câu qua cửa, vô thường có chờ đợi một ai. Đừng để tháng ngày trôi qua oan uổng.
Chỉ còn 16 ngày nữa thì qua một năm mới. Win Grace, cô giáo dạy Anh văn qua Zoom của tôi nói: “Thưa sư cô, con nghĩ rằng năm 2020 đúng là một năm bùn lầy. Tất cả mọi thứ đều bị sa lầy và đi xuống. Con hy vọng rằng năm 2021 sẽ được khai thông và tươi sáng, như hoa sen mọc lên từ bùn vậy”.
Tôi ngạc nhiên khi nghe những lời cô chia sẻ. Đúng thật! Năm 2020 là năm nhiều sợ hãi và ngăn cách. Bao nhiêu người đã chết vì bệnh dịch! Niềm đau mất người thương đầy như nước ở đại dương. Còn nhiều thứ nữa… nhưng nếu mình ngồi đó để kể lể, để hoài tưởng đến những nỗi khổ niềm đau thì mình sẽ bị nhấn chìm trong biển khổ mà thôi.
Chư hạnh vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.
(Kinh Đại Niết bàn)
Nhớ lời Bụt dạy để thấy rằng mọi hiện tượng đang xảy ra trên thế giới là vô thường, để mình không còn sợ hãi và chấp nhận sự thật. Chấp nhận sự thật không phải là buông xuôi, mà là để mình rũ bỏ quá khứ và trở về với hiện tại để làm cho hiện tại tốt đẹp hơn từ kinh nghiệm quá khứ. Vẫn còn kịp để con người sống tỉnh thức hơn qua cách suy nghĩ, hành động và tiêu thụ của mình.
Sáng nay nhận được tin Thầy đã bắt đầu ăn lại được, tôi mừng quá. Tôi đang chờ đợi để được về thăm Thầy. Tôi biết rằng Thầy rất thương Tổ đình, thương học trò và Thầy sẽ đợi. Cầu nguyện cho Thầy có mặt với chúng ta dài lâu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm