Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 25/05/2017, 11:42 AM

Tứ vô lượng tâm là gì? Từ, bi, hỷ, xả là thế nào?

Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn đức tính tiềm tàng trong lòng mỗi người chúng ta. Giàu giàu có sang cả hay nghèo khổ cơ hàn, dù thông minh trí tuệ hay đần độn dốt nát, dù ốm hay mập, cao hay thấp, xinh đẹp hay xấu xí, mạnh mẽ hay yếu đuối, dù điếc dù đui, dù câm, dù ngọng: Tứ vô lượng tâm có sẵn trong lòng chúng ta cả.

Ai đã phát triển được tứ vô lượng tâm trong lòng mình, người ấy đã tạo được trạng thái tinh thần hòa và bình giữa mình và nhân loại, hòa mình được với tất cả vạn vật.

Chính nhờ từ, bi, hỷ, xả mà con người có thể gọi là văn minh và con người xứng đáng là con người. Tứ vô lượng tâm là phần tinh túy cao cả nhất trong tâm hồn ta và nó phải là lý do và nền tảng của mọi hành động ta. Tâm hồn ta có được tinh khiết thanh tịnh cùng chăng, cũng do tứ vô lượng tâm vậy.

Đành rằng tứ vô lượng tâm đã có sẵn trong lòng ta, nhưng ta phải cố công tìm mới gặp được và tìm được rồi ta phải thi thố, thực hành nó, phải vun phân tưới nước cho nó một cách liên tục, với sức cố gắng không ngừng.

Trong đời có kẻ bỏ công ra đào đất tìm ngọc, tìm vàng, tìm hột xoàn, tìm dầu lửa, tìm nước.

Đành rằng trong đất sẵn có mỏ quý các loại, nhưng muốn tìm được người ta phải khám phá nó ra, phải cố công đào lớn moi sâu mới gặp. Cùng một thế đó, trong lòng ta có sẵn tứ vô lượng tâm, nhưng nếu ta cứ để nó chôn vùi dưới lớp đầy tham lam, sân hận, si mê, ắt không có phần nào ta gặp nó được. Tìm vàng tất phải đào đất, tìm tứ vô lượng tâm, tất phải xới bỏ tham, sân, si. Rồi một ngày kia cũng như anh chàng tìm được mỏ vàng, ta sẽ giàu có, của cải ta sẽ vô lượng: giàu lòng từ, bi, hỷ, xả. Và sự nghiệp này sẽ cho ta một sức mạnh phi thường, lại không ai tranh giành chiếm đoạt với ta vì cùng với ta, ai ai cũng mong cho ta có, và ta càng cho nó ra, nó đã không vơi mà lại càng đầy thêm nữa.

Nhưng ta phải làm thế nào để tìm ra được tứ vô lượng tâm? Đào đất tìm vàng phải dùng khí cụ sắc bén như cuốc xuổng, máy móc. Đào xới đất tâm để tìm từ, bi, hỷ, xả, phải dùng khí cụ nào? Khí cụ sắc bén này chỉ là cố gắng: cố gắng đừng tham dục, đừng say mê; cố gắng diệt tận những tư tưởng ganh tị, oán hờn; cố gắng không để sự lười biếng dễ duôi thắng được ta; cố gắng vượt khỏi mọi sự lo âu thắc mắc, cố gắng tạo cho lòng ta một đức tin vững vàng, tin nơi Phật, tin nơi Pháp, tin nơi Tăng, tức là thắng được hoài nghi, một thứ cỏ dại nó bao phủ thửa đất lòng ta. Cố gắng diệt trừ cái “có ta” để đạt cho kỳ được cái “không ta” vậy.

Tham dục (Kàmacchanda), sân hận (Vyàpàda), lười biếng, lần lựa (Thìna Middha) lo âu, phiền não (Uddhacca Kukkucca) và hoài nghi (Vicikicchà) là năm động lực liên tục chi phối tâm ta và làm cho tâm ta chao động luôn luôn. Đó là năm chướng ngại làm tâm ta không thể trở vể thanh tịnh, trong suốt, để ta có thể nhận thức được chân tướng của sự vật: tức là si (Moha). Và vì không hiểu được chân lý của sự vật và vũ trụ là vô thường, khổ não, vô ngã nên mới đâm ra tham (lobha) và phàm đã tham tức có luyến ái, thọ hưởng, đi cùng với ghen ghét, lựa chọn, bám giữ cái đã có, ước mong cái sẽ có, tiếc hận cái đã mất, do đó mới trổ ra sân (dosa). Vì tham, sân, si mà ta không thể tiến đến trạng thái trong sạch.

Bây giờ, với dụng cụ sắc bén là cố gắng, ta đào được qua năm lởp đất dầy chướng ngại kia, nghĩa là khi thắng được năm trạng thái trên, thì lòng ta lần lần bình lại, ví như một bồ nước hết chao, lần lần lặng xuống và khi đã lắng hoàn toàn thì suốt qua lớp nước trong không còn cặn cáu bùn bẩn nào cả, ta sẽ thấy rõ đồ vật dưới đáy hồ là thế nào. Tham, sân, si đã diệt tận thì lòng ta như nước đã thiệt lắng. Hể giữ vẹn năm giới căn bản tự nhiên phải có kết quả ấy và chừng đó tứ vô lượng tâm sẽ hiện ra trong lòng ta như sự dĩ nhiên. Chừng đó, như người tìm được vàng sẽ sống phong phú với vàng, ta sẽ sống đời phong phú vô biên với từ, bi, hỷ, xả. Hơn thế, ta sẽ là từ, bi, hỷ, xả. Tứ vô lượng lầm là ta vậy.

Tứ vô lượng tâm là gì? Từ, bi, hỷ, xả là thế nào?

TỪ (METTA)

Từ (Metta) ta thường gọi là tình thương, là lòng từ ái. Nhưng tình thương cũng như lòng từ ái không dịch đủ nghĩa của chữ Từ trong Tứ vô lượng tâm. Hai chữ thương xót lại còn xa nghĩa hơn nữa. Khi nói ta có tình thương đối với một người hay một vật tức là có sự luyến ái của ta trong đó. Nói ta có tình thương dĩ nhiên là trong đó có sự lựa chọn, so sánh, đánh giá, nghĩa là khi ta thương, trong tiềm thức ta có hàm sự không thương, không ưa cái gì trái nghịch với cái ta thương. Hơn nữa, có những tình thương khiến ta muốn làm chủ cái ta thương, ta đoán định quyền sở hữu của ta. Kịp khi ta mất người hay vật ta thương, hoặc chỉ sứt mẻ một phần nào, ta đâm ra hối tiếc. Lại có thứ tình thương trong đó có ẩn ý mong cái thương trở lại cho ta. Thậm chí tình mẹ thương con cũng không phải là Từ (Metta) nữa. Bởi vì trong tình mẹ thương con, mặc dù sâu sắc, mặc dù như thiêng liêng đáng tôn kính, cũng có ngầm cái ý đoán định làm chủ, muốn giữ trọn tình thương của con mình cho mình. Đến khi đứa trẻ lớn khôn, khi định vợ gã chồng cho nó, nghĩa là lúc người mẹ cảm thấy tình thương của con mình bị một người lạ chen vào chia mất một phần, lúc ấy người mẹ nghe trong lòng mình ngùi ngùi có cái gì không an mà mình không giải thích được. Lúc bấy giờ cái trạng thái tâm lý khó giải thích của người mẹ ấy sẽ bộc lộ dưới một trong hai hình thức: hoặc người mẹ thương con mình bội phần nhiều hơn trước, thương trùm cả rể hay dâu; hoặc là người mẹ đâm ra ghen ghét dâu hay rể xem như kẻ lạ chen vào phi lý chiếm đoạt quyền sở hữu của mình. Hai hiện tượng tâm lý này, thương thêm nhiều hay ghen ghét thậm tệ, biểu lộ ra nhiều hay ít là tùy theo tập tục, phong hóa, luân lý, nếp sống và xã hội của mỗi dân tộc, mỗi trường hợp.

Một thí dụ nữa. Khi ta thương một người bạn tốt, ngày nào người bạn này hết tốt, ta bớt thương hoặc hết thương. Thế là ta thương cái tốt của bạn, chớ không phải thương bạn vì tình thương. Ta thương vì một sự đánh giá chớ không phải vì một tình thương trong trẻo. Còn tình thương xót, có phải là tâm từ (Metta) không? Cũng không. Bởi vì khi ta thương xót một người nào đang đau khổ hoặc tội lỗi, tức lúc ấy ta cho rằng ta đứng ngoài hoặc trên sự đau khổ hay tội lỗi ấy. Ta xem cái bản ngã của ta xứng đáng hơn, thanh bạch hơn, đầy khả năng hơn. Thái độ của ta là thái độ hạ cố. Ý muốn ta là ý muốn khoan hồng cứu vớt của một người trên đối với kẻ dưới.

Tóm lại, những tình thương vừa kể trên sở dĩ không trong trẻo được và do đó không thể đồng nghĩa với tâm từ trong tứ vô lượng tâm là bởi những tình thương đó đều xây đắp cái điểm tựa của nó trên bản ngã của ta cả. Cái ta vẫn tồn tại với cái tâm còn bị đè nén dưới những lớp tham, sân, si thì không thể nào có được tâm từ theo nghĩa của đức Phật [1].

Tâm từ còn khiến ta không những thương người mình ưa, người thân với mình, ruột rà bầu bạn của mình, mà thương luôn đến kẻ mình cho là thù địch với mình; thương người tốt lại cũng thương người xấu, người thiện cũng như người ác, thương không chọn lựa trong hiện tại mà chỉ nghĩ rằng người xấu và người ác toàn là những người chưa tốt và chưa thiện thôi.

Hơn thế, tâm từ lại là một tình thương không phải giới hạn trong một gia đình, một bộ lạc, một đoàn thể, một đảng phái, một môn chi, một quốc gia, một tôn giáo, một màu da, một chủng loại. Tình thương này không những bao trùm toàn thể nhân loại mà còn lan tràn ra đến tất cả sinh linh vạn vật, súc sinh, chim muông, trùn dế, sâu bọ, loài bay, loài chạy, loài lội, loài bò, nơi nào có sự sống là có thương. Hơn nữa, nó bao trùm tất cả chúng sinh hữu hình, vô hình, đã có đang có và sẽ có trong cõi sa bà.

Nhiều tôn giáo cũng chủ trương và đề cao lòng từ ái khuyên dạy phải thương người đồng loại, nghĩa là giữa người với người, không phân biệt màu da hay giai cấp. Đó là tình thương nhân loại cao đẹp chắc chắn. Nhưng đồng thời lại giết hại súc vật để thỏa mãn miệng ngon của mình, hoặc bắt con này cho con khác ăn tức là cướp sự sống để nuôi sự sống. Chẳng những tâm từ không cho ta giết hại sinh linh mà lại không cho ta làm những điều có thể gián tiếp giết hại, chẳng hạn như chế tạo hoặc buôn khí giới, các thức ăn uống có chất độc, hoặc thốt một lời, xua một ý mà có thể ám hại sinh linh.

Người phật tử xứng đáng là người luôn luôn nuôi trong tâm đức từ vô biên vô hạn, vì căn bản của giáo lý nhà Phật là tâm Từ. Trót hơn hai mươi lăm thế kỷ, đức Phật đã rải khắp nơi lòng từ bi của Ngài cho nhân loại. Nhờ oai lực cao cả của tâm từ mà vua A Dục đã trở thành một vị vua nhân từ đạo hạnh; cũng nhờ có được lòng từ mà bao nhiêu vĩ nhân đã đắc Tứ Thánh cùng hạnh Bồ Tát, vượt lên khỏi tham, sân, si và đứng ngoài vòng ngã chấp. Ngay bây giờ, lòng từ sẽ tạo nên một thế giới con người biết thương yêu nhau, một thế giới không còn chiến tranh giết chóc, không còn ganh tị hiềm thù, say mê lầm lạc vì còn chấp có ta và có cái ngoài ta, tức là không còn thượng trọng hạ khinh, phú kiêu bần siểm?

Người nào có được lòng từ như vậy là đã đạt được một vị trí tinh thần cao cả, được yên vui trong kiếp này và sẽ mang theo trong những kiếp sau tăng bội sự yên vui hạnh phúc.

BI (KARUNA)

Bi là buồn. Buồn đây không phải vì tâm tư, phiền não riêng của mình, cũng không phải vì không được đắc nguyện trong vọng tưởng của mình. Buồn đây không phải vì bản ngã của mình. Bi là buồn vì cái buồn của người khác, khổ vì cái khổ của người khác. Tâm Bi làm cho ta xem cái đau thương phiền não của người khác như chính của ta; làm cho ta hòa mình ta với người đau khổ và cảm thấy đau khổ như họ, khiến ta tận tâm giúp đỡ người khổ ra khỏi cảnh khổ.

Những yếu tố trong Tứ vô lượng tâm đều liên quan mật thiết với nhau. Trong Từ đã có Bi và Bi do lòng Từ mà ra. Tâm Bi luôn luôn khiến ta hành động ngoài ý vụ lợi nghĩa là hành động không mong cầu cái phần lợi nào trả lại cho ta, hoặc vật chất hoặc tinh thần, vì lẽ dĩ nhiên là tâm Bi cũng như tâm Từ, hoàn toàn tác động ngoài cái ta vậy. Hơn thế, không vì lẽ muốn làm dứt cái khổ cho người này mà phải gây cái khổ cho kẻ khác. Làm như vậy chỉ là dời cái đau khổ chỗ này qua chỗ kia mà thôi. Ta không có quyền lấy cái hạnh phúc của người này bắt họ phải đổi lấy cái đau khổ cho kẻ khác, viện lẽ là lập lại công bình. Cũng như trên kia đã nói, ta không có quyền cướp đoạt sự sống của con vật này để nuôi sống cho con vật khác. Tâm Bi làm cho ta thông cảm được cái khổ của người khác, muốn giải khổ cho họ mà không oán ghét người sung sướng. Tâm Bi chỉ cho phép ta hy sinh cái gì của ta mà thôi, hy sinh đến sinh mạng ta mà ta cho là quý nhất. Tâm Bi không phải là một tác động nhắm mục đích lập lại mọi thăng bằng. Nó phải có mục đích giải khổ thực sự bằng cách đem người khổ ra khỏi cảnh khổ, chớ không phải dời chỗ cái khổ nơi này qua nơi khác, rồi chung quy khổ cũng còn khổ. Có hạng người chỉ ảo kiến một mục đích mà trong cảnh si mê họ cho là chân chính, rồi cho đặn đạt được mục đích ấy họ cho họ có quyền áp dụng bất cứ một phương tiện nào, dù trái đạo đến đâu họ cũng cho là biện minh khả dĩ. Không. Lòng Bi không cho phép ta dùng phương tiện vô đạo để đạt một mục tiêu mặc dù là hữu đạo. Lòng Bi luôn luôn khiến ta tự sức mình mà làm, chớ không bắt kẻ khác hy sinh thay thế cho mình.

Cũng như tâm Từ đã nói ở đoạn trên, tâm Bi trong tác động của nó, nó cũng vấp phải cùng một chướng ngại là tình cảm. Tâm Từ chân chính là ngoài tình cảm, tâm Bi chân chính cũng phải đặt ngoài tình cảm. Tâm Bi mà do xúc động cảm kích sinh ra, là cái buồn thường tình của thế sự. Tâm Bi của đức Phật không như thế. Người có tâm Bi không phải hành động với chắc lưởi, hít hà, sa lệ. Tâm Bi như tâm Từ, là một tâm trạng sáng suốt, trong trẻo, bình thản, nhận định rõ ràng sự vật, không bị nội tâm hay ngoại cảnh kích thích trong khi chia đau sớt khổ với kẻ khác, cốt giải khổ cho kẻ khác một cách bình tĩnh không hề bị cảm kích xúc động, và giải khổ ngoài những phương pháp tiện lợi mà cùng sách và nhất thời.

Trong kinh của một Cổ giáo, có câu truyện một người đàn bà tay ôm xác đứa con thương yêu mới chết đến trước mặt vị Giáo chủ và van cầu Ngài cứu sống. Vị Giáo chủ động lòng thương xót, dùng phép thần thông cải tử hoàn sinh tức thì cho đứa trẻ. Đây chắc chắn là một tấm lòng từ ái, nhưng chỉ là một tấm lòng thương xót của nhân gian do xúc động tình cảm làm phát xuất. Trước sự đau khổ của kẻ khác, lòng thương bị cảm kích, cố chấm dứt sự đau khổ cho người. Đây là lòng thương xót của một người giàu lòng bác ái, tình cảm dồi dào. Thử nghĩ, đứa trẻ kia được cứu sống, đó chỉ là một giải pháp tạm thời làm dịu cơn đau của người mẹ trong hiện tại mà thôi. Rồi đây, đứa trẻ cũng sẽ già nua, sẽ đau ốm bịnh hoạn, sẽ chết nữa. Làm nó sống lại chỉ là làm êm dịu căn bịnh mả không diệt hẳn bịnh căn của nó. Cứu sống nó lại, chẳng qua là gài nó lại vào bộ máy hiển nhiên của lý tử sinh, sinh tử, chớ không rứt hẳn nó ra ngoài cái vòng quanh ác nghiệt. Đây chỉ là hoản dịch chớ không phải miễn dịch vĩnh viễn.

Trong một trường hợp tương tự, đức Phật làm như thế nào?

Kinh điển có chép rằng, một hôm có người đàn bà tên Gotami có một đứa con nhỏ mới chết vì bịnh. Chị đau khổ khóc than thảm thiết. Cùng trong lúc ấy, đức Phật đang hoằng pháp ở một nơi gần đó. Chị bèn bế xác con đến trước đức Phật van lạy xin cứu sống. Đức Phật bình tĩnh hiền từ bảo chị trước hết phải đi tìm cho Ngài một nắm hột cải, trong một gia đình mà từ trước đến giờ không có người chết, đem về Ngài làm phép cho. Vâng lời đức Phật dạy, chị chạy khắp xóm cùng làng mà không tìm đâu ra được thứ hột cải đó. Chị bèn trở về bạch cùng đức Phật rằng, hột cải thì đâu cũng có nhưng nhà mà từ trước đến nay không có người chết thì chị tìm không ra. Chừng đó đức Phật mới dạy rằng: có sinh là có tử ; tử sinh - sinh tử, tan hợp hợp tan là định luật tự nhiên chung cho tất cả chúng sinh; thành trụ hoại diệt, là lẽ thường của vạn vật. Lý vô thường hoàn toàn chi phối vũ trụ và nhân sinh vậy. Chỉ có Bát Chính Đạo là con đường đem ra khỏi vòng sinh tử luân hồi mà thôi.

Câu chuyện trên đây chỉ rõ thế nào là tâm Bi cùa đức Phật: không dững dưng, không xúc động vì tình cảm trước sự đau khổ. Trái lại, tâm Bi là bình tĩnh sáng suốt, chỉ rõ đâu là giải pháp khả dĩ làm dứt tuyệt điều khổ; không chia sớt cái khổ để làm dịu cái khổ, mà khổ vẫn còn. Chia khổ bằng diệt khổ vậy.

HỶ (MUDITA)

Hỷ là vui do cái vui của người khác, cũng như trên kia, Bi là cái buồn do cái buồn của kẻ khác. Thế thường người đời vì ích kỷ và tư lợi, vì ganh tị, vì tham, sân, si mà trong lòng không có được đức Hỷ, không thể chia niềm hỷ lạc với kẻ khác khi thấy họ vui do một thành công nào của họ. Trong lòng đã không có Bi tức không thể có Hỷ. Nói cách khác, là khi lòng ta không thông cảm được cái đau khổ của kẻ khác để chia sớt cùng với họ, dĩ nhiên ta lại càng không thể thành thật và trọn vẹn trong sạch vui cùng với kẻ khác cái vui do cái vui của họ. Chướng ngại duy nhất làm ta không thể có được lòng Bi, lòng Hỷ như thế, chính là lòng ích kỷ, vị ngã, tham lam của ta, nghĩa là chỉ vì sự ngã chấp của ta mà thôi. Khi ta thấy một người nào được hân hoan hỷ hạ do một toại nguyện, một thành công của họ, tức thì lòng ta đâm ra ham muốn, thèm thuồng cái thành công ấy. Mặc dù ở chót lưỡi đầu môi ta chúc mừng, ta khen tặng, ta nói chia vui đủ điều, mặc dù ta thành thật cho mấy đi nữa, ta không ngăn cản nổi ở thâm tâm hoặc trong tiềm thức của ta một ám ý tham muốn một phần nào, thí dụ như ta thầm nghĩ: chớ chi mình được vậy! Bấy nhiêu đó đủ làm cho cái vui của ta không được hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn đặt ngoài cái bản ngã của ta. Và phàm cái bản ngã của ta đã còn là còn ba chướng ngại vật: Tham, sân, si vậy.

Cũng như lòng từ và lòng bi, lòng hỷ phải được rải khắp mọi nơi, phải không bị giới hạn ở một phạm vi riêng biệt nào. Một thí dụ nhỏ nhen trong muôn ngàn trường hợp: như tín đồ của một tôn giáo nào khác mà hơn ta; tổ chức và cương quy của họ hơn của ta, phương tiện và thế lực được phong phú dồi dào hơn ta, thì lòng Hỷ dạy ta chẳng những không nên sinh lòng ganh tị, mà trái lại dạy ta phải thành tâm trọn vẹn vui mừng chung với người ta. Ta hãy lấy sự thành công đắc thắng của người làm gương sáng cho mình để mình cố gắng được thành công như người ta vậy. Làm được như thế là ta hoàn toàn thực hành lòng hỷ trong Tứ vô lượng Tâm; làm được như thế là ta hai tay kính cẩn dâng tấm lòng ta dưới chân đức Phật là Đấng Từ Phụ của ta vậy.

Như thế thì Hỷ không phải là hả hê của tâm hồn hay xác thịt bị cảm kích nhất thời trong thường tình và thế tục; nó không phải là một trạng thái vui tươi thành thật nhưng trong thâm tâm hay tiềm thức còn ẩn một niềm ham muốn ước ao, còn tham cho ta. Hỷ phải là một trạng thái của tâm hoàn toàn thanh tịnh, phát ra tự chỗ trong trẻo, không vị ngã, lấy cái vui của tha nhân làm cái vui cho ta mà không ý mong lợi lộc gì trở lại cho ta vì ta đặt cái vui của ta ngoài bản ngã ta và hơn nữa ta và người vui kia là một.

XẢ (UPEKKHA)

Xả là trạng thái của tâm, khiến cho giữa ta và toàn thể chúng sinh và vạn vật không còn sự riêng biệt chia cách vạn vật, chúng sinh cùng với ta là đồng nhất thể. Ngoại cảnh, vũ trụ cùng vô lượng chúng sinh đã trở thành ta và ta đã trở thành chúng sinh và vũ trụ.

Tâm Xả là tâm không còn bị sự vật chi phối, kích thích và chao động. Tâm Xả đã được, đặt ngoài cái ta là cả một chướng ngại vật làm cho ta thấy một bên là ta và bên kia là kẻ khác, là vạn vật, là sinh linh mà trong mỗi mỗi, ta cũng thấy cái bản ngã của nó cả. Một khi cái ta của ta không còn nữa, tức thì cái gì không phải ta trước kia, không còn chỗ dựa để phân biệt cái ta và cái không phải ta nữa. Ta đã đồng thể hóa với toàn thể chúng sinh và vạn vật bằng cách tiêu diệt sự đối chiếu, sai biệt giữa ta và ngoại cảnh, tiêu diệt bởi vì đã diệt ngã. Diệt ngã là không còn lựa chọn, đối chiếu, thọ nạp, luyến ái, bám giữ, tàng trữ; không còn lấy cái ta làm tiêu chuẩn, làm chỗ chứa đựng. Người có được tâm xả đã trở thành như một tấm gương trong. Khi sự vật, ngoại cảnh rọi vào thì gương phản chiếu trung thành sự vật chớ gương không từ khước, xua đuổi không chịu chiếu lại; khi sự vật ngoại cảnh đi chỗ khác, tức thì gương không còn chiếu nữa, mà cũng không còn giữ lại dấu vết gì cả. Người có tâm Xả lại không phải là con người lì lịch như đá như cây, đến đổi có thái độ mắt ngơ tai điếc trước cảnh đau thương của thế sự. 

Thí dụ như có bệnh truyền nhiễm khủng khiếp trong làng bên cạnh, người giàu lòng bác ái can đảm xông vào cứu giúp đồng loại, không nề hà gian lao nguy hiểm. Lúc được thành công thì vui, mừng sung sướng do cái thành công của mình. Rủi thất bại, lại hối tiếc buồn rầu bởi mình đã thất bại. Người có tâm xả cũng xông vào tận lực cứu người, cũng không nệ hà nguy hiểm gian lao. Nhưng rốt cuộc, dù thành công, dù thất bại, lòng không xao xuyến, không chao động, nỗi vui hay nỗi buồn do cái kết quả hay cùng dở của việc làm không ảnh hưởng được gì đối với tâm xả. Như đã nói trên kia, tâm Xả phản chiếu trung thành sự vật khi sự vật có, như tấm gương trong phản chiếu là bản năng của gương, bản năng của tâm xả là phản chiếu lại với vạn vật sinh linh do Từ, do Bi, do Hỷ. Không phản chiếu không được, mà không bám giữ lại hình ảnh tốt hay xấu, vui hay buồn của vạn vật.

Tứ vô lượng tâm có thể ví như cái hộp ba góc. Ba mặt thành của hộp là: Từ, Bi và Hỷ. Đáy hộp là Xả. Hộp không có đáy thì không dùng vào đâu được. Ba mặt thành ở trên đầu có mà không có mặt đáy thì hóa ra vô ích. Hộp dùng được là nhờ có đáy. Có Từ, có Bi, có Hỷ mà không có Xả thì tứ vô lượng tâm không thành. Thật thế, Từ mà không Xả thì thương vẫn còn vì ta; Bi mà không Xả là buồn vẫn còn vì ta; Hỷ mà không Xả thì vui vẫn còn vì ta. Chưa Xả được thì tâm vẫn còn vấn vương với tham, sân, si, vẫn còn đứng bên này ba chướng ngại này thì làm sao gọi được là thương, là buồn, là vui ngoài ta, không vì ta vậy?

Tứ vô lượng tâm là bốn trạng thái của tâm khiến ta thương tất cả, buồn cái buồn của chúng sinh, vui cái vui của tha nhân và vạn vật, mà trong ba lúc: thương, vui, buồn, tâm đều xả. Vậy muốn đạt được tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tất phải nhờ tâm xã là điều kiện duy nhất. Mà cho đạt được tâm xả, tức có một lối đi hữu hiệu nhất mà thôi, đó là hành thiền.

Nhắc lại chuyện đức Phật lúc còn là Thái tử Siddharta, khi Ngài đi dạo ngoài thành, liên tiếp bốn lần Ngài trông thấy một người bịnh hoạn, lần kế là một người già cỗi, lần nữa là một xác chết và chót hết là một nhà đạo sĩ. Thái độ của Ngài trước bốn hình ảnh của kiếp nhân sinh ấy như thế nào đủ cho ta rõ được chân nghĩa của Tứ vô lượng tâm. Trước sự đau khổ của đời người, lòng Thái tử vô cùng thương xót. Nhưng không như thói thường trong thế sự, Ngài không vỗ về an ủi bằng lời hay giúp đỡ bằng tài vật để làm dịu bớt cái thống khổ mà người thường cho là không thể tránh được. Thái tử suy nghĩ, đặt ra bao câu hỏi cho trí tuệ mình rồi cố bước ra khỏi chỗ thường tình, quyết cắt đứt dây luyến ái, cố một lòng tìm cho kỳ được nguồn cội sự đau thương phiền não, ngỏ hầu chữa cho được căn bịnh của chúng sinh từ vô lượng kiếp. Rồi một hôm, trong chốn rừng sâu, nhằm một đêm trăng sáng, dưới cội Bồ đề, Ngài tìm ra được giải pháp thần hiệu duy nhất để dắt chúng sinh ra khỏi vòng đau khổ, đem chúng sinh đến chỗ yên vui thanh tịnh, thoát ngoài cái quanh quẩn phiền não tử sinh, sinh tử là lĩnh vực còn cái ta vì tâm chưa xả. Ngài đã chứng quả vô thượng, Ngài đã đến nơi sáng suốt, đến bậc Chính Biến Tri. Tâm đã xả tức được Hỷ, được Bi, được Từ đúng chân lý của tứ vô lượng tâm mà Ngài đã vạch ra vậy.

Từ, Bi, Hỷ, Xả, là bốn liên phược tâm trạng mà người phật tử nhất quyết phải đạt cho kỳ được bằng chiến thắng năm chướng ngại là tham dục, sân hận, lười biếng, phiền não và hoài nghi là những chướng ngại khiến cho bao nhiêu cố gắng tham thiền của ta không đem lại kết quả. Và cho đặng đạt thành Tứ vô luợng tâm, người phật tử cũng phải đào xới vứt bỏ ba lớp đất dầy nó đè nặng tâm ta là tham, sân, si, cũng bằng phương tiện hành thiền tinh tấn nó sẽ đem ta đến nơi thanh tịnh là chỗ không còn ngã chấp.

Giáo sư Hồ Đắc Thăng
-
Chú thích:
[1] Có một điều thật khó hiểu cho ta là khi nói rằng trong tâm từ đúng theo nghĩa của tứ vô lượng tâm, không có chút gì cảm xúc, kích động cả: thương mà không có tình cảm trong tình thương, thương mà không chút cảm kích, thương bằng trí tuệ hoàn toàn, thật là ngoài cái hiểu thông thường của ta vậy.

Có thế nào ta quan niệm được một tình thương mà không có tình cảm chăng? Sở dĩ ta nói không thể được, hoặc khó thể được vì là đời sống tâm lý của ta từ vô lượng kiếp, gốc rễ nó đã ăn sâu trong bản năng của ta mà ta đã quen xem nó có một lý tất yếu hiển nhiên, không có không được. Cho đến cái “biết có ta” cũng chỉ là một cái biết do tình thức tạo ra. Lại khi ta cho có ta như thế đó, dĩ nhiên ta cũng cho có hằng hà sa số cái ta khác quanh ta, đó cũng là tình thức tạo ra (la connaissance de notre moi n’est qu’une connaissance affective. Il en est de même de la connaissance d’une infinité d’autres moi qui nous entourent). Khi ta nhận thức cái ta của ta, đó chỉ là một sự đánh giá (un jugement de valeur) mà thôi, chớ không phải một nhân chứng sự vật (une constatation de faits). Rồi khi ta đánh giá một sự vật, như cái ta chẳng hạn, dĩ nhiên cái đánh giá ấy có hàm ý so sánh, đối chiếu, lấy bản ngã ta làm tiêu chuẩn. Bởi thế, bao giờ ta còn mang nặng tất cả uẩn năng trong ta như một di sản không thể từ khước được, thì tất cả hành động hay tư tưởng nào của ta đều bị uẩn năng chi phối. Thương cũng như ghét, vui cũng như buồn, nói tóm, tất cả những cái “biết” (thức) của ta, thảy đều bị cảm xúc chi phối cả. Chỉ có bậc như đức Phật, đã vượt qua khỏi ranh giới của tình thức và đã chứng quả Vô thượng chính giác mới đạt đến trạng thái lắng trong và đồng thời mới có được một tình thương ngoài tình cảm, ngoài si mê, ngoài sự chi phối của uẩn năng. Nói tóm, thương ngoài cái ta, thương không xuyên qua cái ta là trục trụ của uẩn năng, thương không bị nội tình hay ngoại cảnh chi phối, đó mới là tình thương trí tuệ hoàn toàn.

Ta có thể tự hỏi: một tình thương như vậy có phải là khô khan chăng? Có gây được một ảnh hưởng dịu dàng mát mẻ cho kẻ được thương chăng? Trái với điều mà ta có thể lầm tưởng, một tình thương như thế mới đậm đà bền lâu, dày chặt bởi vì nó đã vượt đến mức của tình thương trong trẻo, không vị ngã, không so sánh, không chọn lựa, không bị lòng ích kỷ làm lu mờ hay dời dạt sai biệt cái nghĩa chính của nó, làm nó hóa ra nông cạn và nhất thời. Người thương vẫn giữ sắc thái hiền lành, âu yếm của lòng thương thường; kẻ được thương cũng hưởng trọn sự mát mẻ vui tươi và an ủi khích lệ. Sự kiện này dễ hiểu như một lý tất nhiên bởi vì kẻ được thương vẫn còn đứng trong cái thường tình, phản ứng tâm lý và cảm giác của họ còn đứng trọn trong uẩn năng. [Lời bàn của dịch giả]

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm