Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 08/07/2015, 10:44 AM

Tục thờ cúng tổ tiên người Khmer ở Kiên Giang

Tục thờ cúng ông bà tổ tiên đã  trở thành một tập tục truyền thống lâu đời của một số cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Qua quá trình giao lưu văn hóa, tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt có ảnh hưởng đến tục thờ cúng ông bà của người Khmer ở Kiên Giang. 

1. Quan niệm về ông bà (Đôn Ta) tổ tiên của người Khmer Kiên Giang

Ông bà tổ tiên là ai?

Người Khmer gọi ông bà là "Đôl Ta". "Đôl" có nghĩa là bà; "Ta" có nghĩa là ông. Họ quan niệm Đôl Ta là những người trong gia đình, Chua Bua (dòng họ), tổ tiên, tiền nhân, những người đã khuất… nó giống với khái niệm tổ tiên của người Việt. Người Khmer còn có khái niệm Púp Pak Ka Rây Chon, Púp Pak Bồ Rós (nghĩa là tổ tiên) nhưng họ thường dùng chữ "Đôl Ta" nhiều hơn.  

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Lộc Súp, 67 tuổi, ngụ tại khu phố 3, phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, ông cho rằng tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Khmer là "thờ cúng ông bà cha mẹ mình đã quá vãng".  Cũng như ông Lộc Súp, ông A Cha Wat Danh Ngọc Lợi, 37 tuổi, ở ấp Sáu Trường, xã Ngọc Thành, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cho rằng "là những người đã quá vãng, có quan hệ huyết thống bảy đời….". Như vậy ông bà, tổ tiên của người Khmer chính là "Đôl Ta", những người trong gia đình, dòng họ, tổ tiên, tiền nhân đã khuất… 

Ông bà là những người sinh ra các thế hệ sau này, bởi mối quan hệ cùng huyết thống nên có sự thương yêu, đùm bọc, chăm sóc cho nhau…. Họ thường chỉ dạy những điều hay lẽ phải cũng như những kinh nghiệm sống hàng ngày cho con cháu. Còn con cháu luôn kính trọng, nghe lời, chăm sóc sức khỏe và biết ơn ông bà …. 

Vì sao phải thờ cúng ông bà?

Trong quan niệm của người Khmer về con người có hai phần: Thể xác và linh hồn, khi sống thể xác và linh hồn nó gắn kết với nhau, khi chết đi thì thể xác bị phân hủy còn linh hồn thì nó tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại. Vì thế, linh hồn cũng có những nhu cầu về sự cúng lễ, cần có những hành động tôn kính và mối quan hệ giữa ông bà tổ tiên với con cái nó vẫn được duy trì như hồi còn sống. Khi ông bà mất đi con cháu phải tổ chức lễ cúng ông bà tổ tiên để cầu mong ông bà tổ tiên giúp đỡ cho con cháu trong cuộc sống, giúp đỡ về sức khỏe, kinh tế, giúp đỡ làm ăn… để thể hiện đạo đức"uống nước nhớ nguồn" đối với ông bà tổ tiên. 

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Danh Vương 70 tuổi, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, Kiên Giang vào ngày 12 tháng 9 năm 2014, ông Danh Vương cho rằng: Vì đây là tục lễ ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, A Cha…để lại và đây cũng là tập tục truyền thống.  
 
Chúng tôi tiếp tục có cuộc phỏng vấn ông Thạch Đông, ngụ tại số 650, Lâm Quang Ki, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vào ngày 16 tháng 9 năm 2014, ông Thạch Đông cho rằng: Để tưởng nhớ, nhớ ơn ông bà cha mẹ đã quá vãng, vì bị bệnh mới làm, làm cho hết bệnh, lễ cúng diễn ra hàng năm nên phải làm. 

Người Việt cũng như người Khmer điều cho rằng: Bên cạnh thế giới hữu hình còn tồn tại một thế giới khác của những lực lượng siêu hình thần bí. Hai thế giới này có quan hệ chặt chẽ với nhau, con người không thoát khỏi mối quan hệ này nên phải tâm niệm, cầu khấn để được che chở bằng những nghi lễ với những vật tế lễ để tạ lễ. Người Việt không chỉ thờ cúng ông bà mà họ còn thờ phụng rất nhiều vị thần như bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng) là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. 

Người Khmer cũng vậy, họ quan niệm có Tê V-đa (thần) hay A Rak giữ nhà (A Rak Ph-tés), giữ ruộng (A Rak Vel)… có những Pret, Ap, Bâi Sach, Th-múp…(ngạ quỷ, những người đã khuất) sống lang thang vất vưởng. Đặc biệt là ông bà có quan hệ huyết thống 7 đời(Nhet - Tế - Ka - Pram - Pi - Son – Đal). Họ tính từ bản thân mình là một đời, cha mẹ là một đời, Chi Đôl Chi Ta (ông, bà) là một đời và Dey Tuốt Ta Tuốt (ông cố, bà cố) là một đời, ba đời còn lại là đời con, đời cháu, đời cháu chắt của mình. 

Trong văn hóa người Khmer không thờ ông bà tổ tiên ở nhà, họ tổ chức các nghi lễ thờ cúng trong chùa nên trong nhà không có bàn thờ. Còn người Việt thì đa phần lập bàn thờ ông bà tổ tiên ngay tại nhà mình. 

2. Lễ cúng ông bà tại chùa

Trong cộng đồng người Khmer khi ông bà chết đi họ thường đưa tro cốt gửi vào Chet Đây (tháp cốt) với ước nguyện mong sự che chở dẫn dắt của đức Phật. Chùa chiền đối với người Khmer là nơi linh thiêng, nơi người dân đến đó sinh hoạt tôn giáo…Trong mỗi ngôi chùa ít nhất cũng có khoảng năm ngôi tháp lớn nhỏ khác nhau. Ngôi tháp có quy mô lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào vai vế trong xã hội và khả năng tài chính của con cháu hoặc người đã khuất để lại.  

Người Khmer ở Kiên Giang thông thường tổ chức thờ cúng ông bà trong chùa vào dịp diễn ra các lễ hội lớn trong năm như lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôl Ta… Lễ vật thờ cúng thường là một mâm cơm, một thúng gồm bánh trái, gạo, trà, trầu cau, một bó nhang và cặp đèn cầy,…. rồi đến chỗ tháp cốt nơi thờ ông bà lấy hũ cốt ông bà, người thân đã mất bày ra trên chiếu hoặc tấm ga, họ lấy một ống chỉ trắng cho con cháu truyền tay nhau cầm sợi chỉ trắng, kéo quấn lấy một vòng hũ cốt ông bà được đặt trước mặt và để ống chỉ trên chiếc chiếu hoặc ga chuẩn bị dành cho các vị sư ngồi. Khi ngồi, thành viên là người thân trong gia đình không nhất thiết phải ngồi trước hay ngồi sau nhưng nếu nơi đó có ông A Cha tham dự thì A Cha phải ngồi trước hoặc ngang bằng người đại diện trong gia đình dòng họ. Sau đó họ cử một người đại diện cho gia đình thỉnh (mời) chư tăng (các sư) đến để tụng kinh cầu siêu cho ông bà và tiến hành theo nghi thức hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.

Sau cùng A Cha hoặc người đại diện lấy một chén dầu dừa có một cành bông nhỏ làm nghi thức Ch-lon Bun (lấy bông nhúng dầu trong chén rồi quét lên tay từng người một, họ lấy tay dính dầu lau lên đầu xem như cuộc lễ Băng S-kôl (lễ cầu siêu) tại ngôi tháp cốt kết thúc viên mãn. Ngày Chôl Chnăm Thmây của người Khmer họ có thể tổ chức lễ cúng ông bà một lần nữa trong dịp đắp núi cát. Còn trong dịp lễ Sen Đôl Ta (như lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt) đồng bào phật tử luân phiên (Vên) dâng ẩm thực cho chư tăng các sư ở chùa để hồi hướng phước báo đến ông bà tổ tiên.

Thông thường mỗi chùa chia ra thành 14 Vên và được diễn ra từ ngày mười sáu đến ngày ba mươi tháng tám âm lịch hàng năm và được tiến hành theo nghi thức Phật giáo Nam Tông Khmer. 
 
Trong ngày thường người Khmer họ chỉ làm Bun Đa(lễ dâng phước), Băng S-kôl Ma Ha Ch-hak(đại lễ cầu siêu) hoặc dịp sau khi hoàn thành hạng mục công trình như Sa La (Giảng Đường, Trai Đường), Pres Vi He (Chính Điện), Sak Mak Nak Kot (Cái Liêu)… Người Khmer họ nhờ A Cha xem ngày và thống nhất sư trụ trì chọn ngày tổ chức lễ Bun Đa (đám phước) cúng dường trai tăng, hồi hướng phước báo cho ông bà cha mẹ quyến thuộc đã quá vãng.

Ở Kiên Giang hiện nay còn có hình thức Đa Bong Em (lễ này tổ chức cũng tương tự như lễ Bun Đa vừa nêu nhưng chỉ khác là các ẩm thực phẩm đều là đồ ngọt gồm hoa quả, chè….). Thật ra lễ Đa Bong Em cũng chính là hình thức thờ cúng ông bà nhưng hơi đặc biệt ông bà quyến thuộc được thờ cúng vào dịp này khi còn sống họ là người giữ bát quan trai giới(tám giới theo truyền thống Phật giáo Nam tông) hoặc một vị sư được cho là cao tăng nên phải cúng toàn đồ ngọt, có thể loại lễ này có ảnh hưởng từ Phật giáo Bắc Tông.

3. Lễ cúng ông bà tại nhà

Không chỉ làm lễ Sen Prên (cúng cơm) trong các dịp Chôl Chnăm Thmây (lễ tết), Sen Đôl Ta (lễ vu lan báo hiếu), Bun Đa(đám Phước)… Cho đến việc cưới hỏi, nhập tháng nhập tuổi (đầy tháng, thôi nôi) người Khmer gọi ông bà tổ tiên là Mê Ba và tổ chưc thờ cúng tại nhà. Người Khmer còn thờ cúng ông bà ở nhà khi họ hoàn thành những công trình nhà cửa…  để thưa trình A Rak Ph-tés hoặc A Rak Tro Kôl(ông bà) trước khi tiến bất kỳ lễ hội nào.

Những người tham gia thờ cúng ông bà thông thường là cha mẹ, anh chị em, vợ chồng… Nhưng họ hạn chế trẻ em đi gần nơi người ta đang Sen Prên (cúng cơm) họ sợ trẻ con không biết gì lỡ lời nói"không ăn đâu,…" vì người Khmer tin rằng nếu trẻ con lỡ lời nói như vậy thì ông bà tổ tiên không thể ăn được và phải tổ chức thờ cúng một lần nữa là rất mất công. Khi thờ cúng A Rak thì họ tìm những người biết Lơng hoặc Chôl(lên hoặc nhập) A Rak, biết gõ trống S-kôr A Rak,... Nhưng ở Kiên Giang, ngoài người nhà hoặc bệnh nhân,… những người cần A Rak giúp đỡ thì chỉ có khoảng năm bảy người tham gia hoặc những đứa trẻ đứng xem xung quanh buổi thờ cúng đó. 

Lễ vật và bài trí

Người Khmer ở Kiên Giang theo truyền thống trong nhà thường không có bàn thờ ông bà tổ tiên. Tuy nhiên cũng có một số người Khmer lai người Việt, lai người Hoa thì có bàn thờ ông bà ở nhà. Trên bàn thờ của người Khmer rất đơn giản có khi họ chỉ bố trí một cái khay được đặt trên tủ hoặc trên bàn thờ.

Trong cái khay lớp phía sau cùng có cắm năm cây đèn cầy, kế đến là năm cây nhang, 5 cặp S-la Chíp M-lu Chíp (năm lá trầu và năm miếng cau cuốn lại xỏa tăm tre thành 5 cặp), năm ly hột nổ (bắp rang hoặc gạo rang) năm ly nước, có khi họ làm S-la Tho một cặp(S-la Tho là một trái dừa khô được gọt một lớp vỏ mỏng bên ngoài, cắm ngay giữa một cây nhang hoặc ba cây nhang được bó lại) hoặc một cặp Bai Sây (Bai Sây có thể làm bằng thân cây chuối non to bằng bắp tay hoặc bằng khúc cây và trang trí tương tự như S-la Tho). Phía trước bàn thờ người Khmer cũng gần giống bàn thờ người Việt, có trường hợp người dân họ không đem hũ cốt vào thờ ở trong chùa mà họ giữ hũ cốt ông bà cha mẹ tại nhà và được đặt ở trước cái khay thờ. Họ vẫn chừa chỗ để cắm đèn cầy và một bình hương nhỏ để tiện khi cần cúng vái, làm lễ. Khi thờ cúng họ chuẩn bị mâm cơm gia đình trải một chiếc chiếu hoặc một cặp chiếu trên bộ ván ngựa, hũ cốt ông bà đặt trên chiếu, bày ra chủ yếu là bảy chén cơm và 7 đôi đủa là không thể thiếu, có thể đồ cúng vẫn có nước ngọt, bánh trái... Họ đi mời một vài người thân trong gia đình, dòng họ hay một ông A Cha, những người lớn tuổi hoặc nếu cần họ có thể cử một người đi thỉnh (mời) các sư ở chùa đến để tụng kinh cầu siêu cho ông bà tổ tiên.

Trong đám cưới người Khmer thường cúng ông bà ở bên nhà gái lúc cúng thường đánh nhạc truyền thống bài Krong Pak Ly. Trong đám cưới người ta ít khi dùng từ Đôl Ta (ông bà) mà thường dùng từ Mê Ba(ông bà) thay cho từ ông bà tổ tiên, nếu tái giá người Khmer cần phải thờ cúng Mê Ba(ông bà) khi nam nữ không tổ chức đám cưới như truyền thống thì được can thiệp bằng việc Sen Prên (cúng cơm), họ có thể tổ chức thờ cúng Mê Ba (ông bà) tương tự như lễ cưới hỏi chính thức với quy mô nhỏ hơn, có khách mời ít hơn. Người ta còn tổ chức thờ cúng Mê Ba trong trường hợp gia đình có người bị bệnh tật đau ốm, tai ương.... 

Khi trẻ tròn một tuổi, mười hai tuổi (giống với sinh nhật ngày nay, nhưng trong văn hóa Khmer họ làm sinh nhật mười hai năm một lần) tiếng Khmer gọi là Bun Vot Thak Nak A Dú, lễ này tổ chức cúng ông bà tương tự như các lễ ở trên nhưng gia đình thường tổ chức một ngày một đêm, có nhờ dàn nhạc ngũ âm đến phục vụ cho buổi lễ. Họ có thỉnh(mời) chư tăng (các sư) đến tụng kinh cầu siêu, cầu an chúc phúc. 

Trong đám tang của người Khmer ở Kiên Giang họ cũng thờ cúng ông bà trong lúc ngọn lửa hỏa táng đã cháy lớn, người Khmer sẽ cho một người con trai hoặc cháu (thường là trẻ con) làm lễ xuất gia trước ngọn lửa hỏa táng ông bà, tiếng Khmer gọi là Buas Muk Ph-lơng (tạm dịch là tu trước ngọn lửa) vì họ tin rằng: khi có con cháu tu trước ngọn lửa hỏa táng như vậy sẽ rất có phước và trả hiếu ông bà cha mẹ đã quá vãng. Trong buổi lễ người Khmer cúng ông bà bằng hình thức thỉnh (mời) các vị sư tụng những bài kinh cầu siêu hồi hướng phước báo đến người vừa mới chết và luôn cả ông bà, thân quyến đã quá vãng, họ không thờ cúng riêng. Sau khi kết thúc lễ tang con cháu dâng cúng những vật dụng được thờ cúng trong buổi lễ này cho các vị sư đem về chùa để tiếp tục hồi hướng phước báo cho ông bà cha mẹ đã quá vãng tròn bảy ngày thì các sư mới sự dụng các vật cúng đó.

Trong cộng đồng người Khmer, chư tăng luôn ảnh hưởng rất lớn và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Các vị sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh bởi vậy vị sư luôn là người thầy được tôn kính và tin tưởng. Có thể nói, đời sống thường nhật của đồng bào Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer thường gắn liền với nhau không thể tách rời. Nhưng vẫn có một số trường hợp nhất định như một số việc thờ cúng liên quan đến A Rak, Sen Prên kể cả việc Sen Prên trong dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôl Ta, lễ cưới,.... là các sư sẽ không tham gia. Người Khmer cho rằng việc cúng A Rak, Sen Pren là sự cầu xin,… còn chủ trương Phật giáo việc cầu xin là không có kết quả gì nên các sư không thể tham gia. Còn việc thờ cúng theo hình thức Phật giáo thì các sư được phép tham dự. 

Người Khmer ở Kiên Giang đến nay vẫn còn thờ cúng A Rak, trong tâm thức người Khmer đã xuất hiện hình ảnh A Rak từ rất lâu đời. Trong quyển sách lịch sử Phật giáo tóm tắt được Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước tỉnh Kiên Giang đưa vào chương trình giảng dạy sơ cấp Phật học của Phật giáo Nam Tông Khmer tỉnh Kiên Giang cho tới ngày nay cho rằng khoảng năm 250 TCN, A Dục vương là một vị Hoàng đế trong lịch sử Ấn Độ, đem giáo pháp của đức Phật truyền bá ra các nước bên ngoài Ấn Độ, ngài cử một Đoàn truyền giáo do 2 ngài Sonathera và Uttarathera đến vùng Suvaṇṇabhūmi(còn gọi là vùng đất vàng"Hoàng địa") để giảng kinh Brahmajālā Sūtra.

Trước khi các vị Trưởng lão đến truyền bá đạo Phật vào cộng đồng người Khmer, trẻ con sinh ra thường xuyên bị A Rak Tưk (A Rak giữ vùng nước, một số tư liệu bằng tiếng Việt gọi là nữ Dạ Xoa biển) ăn thịt. Khi hai vị vừa bước chân đến ban đầu dân chúng nghĩ rằng hai vị này là bạn của A Rak Tưk và họ định dùng vũ khí giết các Ngài.

Các Trưởng lão giải thích cho họ biết các vị là những Sa Môn(người tu hành theo đạo Phật) chân chánh và tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự hiểu lầm này. Sau khi biết rõ nguyên nhân, hai vị Trưởng lão liền dùng thần thông cảm hóa A Rak Tưk. Sau khi cảm hóa A Rak Tưk xong, dân chúng vô cùng hoan hỷ với phái đoàn truyền giáo. 

Như vậy chúng ta có thể thấy khái niệm A Rak trong cộng đồng Khmer đã được xuất hiện cách đây trên 2000 năm. A Rak khác với Neak Ta, Neak Ta là vị thần bảo hộ cho Phum Srok, còn A Rak là vị thần bảo hộ cho dòng họ. Những vị A Rak này đôi khi được người Khmer cúng định kỳ người ta cúng định kỳ vào đầu năm (trước khi mùa mưa đến). Người Khmer họ sẽ Chôl hoặc Lơng A Rak (Chôl có nghĩa là nhập hoặc vào còn Lơng có nghĩa là lên) đó là A Rak sử dụng Rub A Rak(xác đồng) như một trung gian và thông qua người nhập A Rak hoặc người lên A Rak dùng kỹ thuật của phép hóa thân triệu về mỗi khi họ muốn cầu xin A Rak (thần, Ông bà) giúp đỡ việc gì, đặc biệt là khi trong gia đình, trong dòng họ có tai biến, ốm đau, dịch bệnh,... 

Thường trước nhà người Khmer cất sàn, đặt cái khay lên sàn (bàn thờ tạm), họ bày những lễ vật cúng như Bom Rông (cái khay), S-la Tho, Bai Sâi, S-la Chip, M-lu Chip... và dụng cụ để đựng vật cúng gọi là Pê làm bằng bẹ chuối hình ô vuông dùng nan tre ghim cho dính lại và lót đáy bằng bẹ chuối. Tùy theo loại A Rak mà người ta sắm các lễ vật khác nhau như: A Rak Ph-teah hoặc A Rak Chua Bua(Kh-mốch Chua Bua) thì lễ vật gồm có Mồ Rông, đèn nhang, S-la Tho một đôi, Sla Chôm, Sla Chip... Lễ này kéo dài từ 5 giờ chiều đến 7 hoặc 8 giờ tối mới chấm dứt, nếu trong nhà có người bệnh đột xuất thì họ tổ chức lễ kéo dài chừng một buổi. A Rak Chua Bua (thường là phụ nữ, bởi vì là dấu ấn mẫu hệ người Khmer đề cao phụ nữ, ta thấy từ Đôl Ta có nghĩa là ông bà nhưng khi theo trật tự từ trong tiếng Khmer thì phải dịch là bà ông) được người Khmer thờ cúng giống như thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt.

Như vậy tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Khmer ở Kiên Giang đã có từ lâu đời, người Khmer tổ chức thờ cúng trong nhiều trường hợp khác nhau và hầu như bất kỳ lễ hội nào người Khmer điều gắn với việc thờ cúng ông bà. Qua quá trình tiếp xúc văn hóa với người Việt, người Khmer đã biết tổ chức lễ giỗ ông bà vào ngày ông bà mất và làm bàn thờ ông bà tổ tiên trong nhà.

Danh Lợi
-
Tài liệu tham khảo:
1.Huỳnh Ngọc Trảng; Văn Xuân Chí; Hoàn Túc; Đặng Vũ Thị Thảo; Phan Thị Yến Tuyết(1987), Người Khơ-Me tỉnh Cửu Long, nhà xuất bản sở văn hóa thông tin cửu long.
2. Sơn Phước Hoan(chủ biên) – Sơn Ngọc Sang - Danh Sên(2002), các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ(song ngữ), nhà xuất bản giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đoàn Thanh Nô(2002), người Khmer ở Kiên Giang, nhà xuất bản văn hóa dân tộc.
4.Đặng Thị Kim Oanh(2002, luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử), Hôn Nhân Của Người Khmer Ở Đồng Bằng Sông Cữu Long, trường đại học khoa học xã hội và nhân văn đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.
5. Trần Văn Bổn(2002), Phong Tục Và Nghi Lễ Vòng Đời Người Khmer Nam Bộ, nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
6. Sang Sết(2002), Phong tục lễ nghi và tranh ký tự dân tộc Khmer Nam Bộ, nhà xuất bản văn hóa dân tộc.
7. Phan An(2009),  Dân Tộc Khmer Nam Bộ, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
8.Trần Văn Bính(chủ biên, 2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ - thực trạng và những vấn đề đặt ra, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm