Hơn mười năm tôi mới có dịp về quê ăn giỗ. Cuộc sống bon chen chốn thị thành đã tập cho tôi cái tính lười biếng về quê. Hôm qua mẹ tôi gọi điện thoại báo tin “…Dì hai bây mất mười năm rồi, tranh thủ về ăn đám giỗ. Hồi nhỏ dì cực với bây lắm nhất là cái chuyện cho bú “thép” bởi mẹ không có sữa. Vậy mà bây hổng khi nào có mặt trong ngày giỗ…”. Kế đến là tiếng cúp máy điện thoại rất nhanh như giận dỗi nhiều lắm.
Chiều hôm trước nhà dì tôi đã có nhiều người đến chơi và cúng kiến mâm chiều còn gọi là tiền thường. Đêm đến bà con dòng họ kéo đến rất đông để ôn lại chuyện xưa, thăm hỏi những con cháu họ hàng ở xa mới về trong đó có tôi với thái độ rất mộc mạc chân tình bên những dĩa bánh in, mứt chuối ngào đường. Nhiều phụ nữ lớn tuổi ngồi canh những nồi bánh tét to tướng, hay thoăn thoắt đổ bánh kẹp, bánh bông lan cho vào các thùng thiếc để bánh không bị mềm. Sáng sớm tiếng xuồng ghe dưới bến đã tấp nập pha lẫn tiếng xe hon đa tới lui mua thực phẩm làm đám.
|
Ảnh minh họa (sưu tầm) |
Cánh đàn ông thì lo dựng rạp, mượn bàn ghế…cánh phụ nữ thì chuẩn bị các loại thức cúng trong tiếng nói cười rôm rã. Gần tới giờ cúng, dân mê văn nghệ, đờn ca tài tử thì ca hát ì xèo với dàn nhạc “truyền thống” như đờn ghi ta phím lõm, đờn kiềm, sến, cò…tiệt nhiên không thấy xuất hiện các loại nhạc cụ điện tử. Khách đến đa số uống rượu đế rất hiếm người uống bia như ở thành phố. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh người đến dự đám mang theo những túi đựng trái cây, thịt heo, con gà, con vịt, có người mang theo rượu để cúng…Khi tiệc tan mỗi người khách ra về đều có quà tặng xem như nghĩa tình cám ơn của gia chủ như: một ít trái cây, bánh tét, bánh ít…
Dự đám giỗ ở quê mới thấy thấm thía nghĩa tình chòm xóm, họ hàng. Giản đơn, chân chất nhưng trân trọng biết bao. Chợt nhớ đến những lần đi ăn giỗ ở chốn thị thành. Gia chủ khỏi phải lo lắng bất kể điều gì từ cất rạp, bàn ghế, nấu nướng các món ăn, văn nghệ phục vụ khách…tất cả đều có các dịch vụ kinh doanh lo toan nếu gia chủ có tiền thuê mướn. Nhiều người khách không quan tâm đến việc đến dự ngày mất của ai. Một số người còn “tặng tiền” cho chủ gia xem như là lòng thành kính của mình hay mang tới nhiều loại bia rượu từ bình dân đến cao cấp. Thường giờ đãi tiệc khoảng 11 giờ trở đi để khách làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp có điều kiện đến giờ kịp giờ. Có người đến có lệ, sau khi tặng quà cho gia chủ lại ra về nhanh chóng.
Tuy vẫn biết xu thế sống chốn thành đô phải nhanh, gọn, khẩn trương… nhưng trong tôi vẫn thấy thiếu vắng cái tình, cái nghĩa vô hình nào đó không có gì có thể bù đắp được so với những đám giỗ chốn quê xưa mà tôi may mắn tìm lại được trong cuộc đời mình.
Song Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi
lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào
sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp
một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)